Trình bày về tội cho người hôm nay (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3221 | Cập nhật lần cuối: 3/31/2015 11:11:24 PM | RSS

Chương I – Thần học về tội trong tình hình hiện nay

Hiện nay còn gì lạ nữa khi bảo rằng các Kitô hữu cảm thấy rất khó chịu đối với vấn đề tội. Biết bao lần ta nghe nói: “Tội à? Tôi không biết tội là gì! Hay nói cho cùng; tôi công nhận mình là người tội lỗi, nhưng kê khai các tội của mình thì tôi không thể làm nào làm được!”.
Trong chương đầu này, tôi muốn suy nghĩ về một vài lý do sâu xa đã khiến cho con người ngày nay cảm thấy vô cùng lúng túng khi nghe nói tới tội hay khi cố gắng tìm ra chiều kích tội trong cuộc đời mình. Nhưng để thấy rõ khó khăn và tầm quan trọng của việc suy tư này, tôi xin lưu ý trước hai điều.

I. Vài lưu ý trước

1. Suy nghĩ về tội không để ta yên

Có ai suy nghĩ về tội mà vẫn cảm thấy ‘bình chân như vại’? Chỉ cần xem tội lỗi đã được sử dụng làm đề tài quảng cáo nhiều như thế nào là đủ hiểu: ‘hút thuốc là có tội’; ‘quán cà phê này có hương vị tội lỗi’, v.v… Tại sao người ta lại ưa dùng tội để quảng cáo như thế? Bởi vì tội là một ý niệm đưa ta về lại với những thực tại rất xa xưa của thời thơ ấu, cũng như với những thực tại cốt yếu của tuổi trưởng thành. Bạn thử mời những anh chị em trong một lớp giáo lý hay trong một nhóm Công giáo tiến hành kể ra, càng ít suy nghĩ càng tốt, những từ có liên quan đến tội. Thường thường, ban đầu mọi người đều im lặng vì bỗng dưng ai cũng bị trả về với những chuyện mà chẳng ai muốn nói ra. Nhưng khi phần nào đã hết lo ngại, ta sẽ nghe họ kể ra đủ các từ thuộc loại này: luật lệ, xét xử, khoái lạc, tính dục, lỗi lầm, chết chóc, cấm đoán, giận dữ, vi phạm… loạt từ này cho thấy không bao giờ người ta nghĩ về tội và khả năng có tội một cách hoàn toàn vô tư. Nhưng những suy nghĩ ấy luôn luôn cuốn hút ta, vì chúng làm ta nghĩ tới một quy luật sống mà ta đã tự rèn cho mình, với những khoái lạc và cấm đoán. Chúng nhắc ta nhớ đến mình, đã từng đón nhận hay từ khước những lệnh cấm của cha mẹ thế nào và hiện nay mình có còn đón nhận quyền bính dưới mọi hình thức nữa hay không. Ý niệm tội lỗi cũng làm ta nghĩ tới tự do của mình, những lo âu và khát vọng thầm kín mà ta không muốn bộc lộ ra. Cuối cùng, ý niệm tội lỗi bắt ta phải xét lại có thật mình đã trưởng thành về tâm lý chưa. Tóm lại, nói đến tội lỗi ta thường nghĩ đến thái độ của mình với hai thực tại quan trọng nhất trong cuộc sống, đó là tính dục theo nghĩa rộng và bạo lực hay sự gây hấn. Và có thể kể thêm: cái chết.

Các nhà quảng cáo đã hiểu như thế, khi khơi gợi tội lỗi để bán chạy các sản phẩm. Tội lỗi không phải chỉ là một luật cấm bị vi phạm, mà còn thường được coi như một cách thể hiện sự thỏa mãn mà ta đã từng được hứa hẹn: ‘Bạn có thể được hưởng thụ nhiều hơn nữa đấy!’ Để làm chứng, tôi xin trích vắn tắt một đoạn trong tác phẩm ‘César’ của Pagnol, kể lại cuộc đối thoại giữa Honoré và César. Honoré nói: “Quả thật, tôi đã phạm tội ấy và kinh khủng hơn, tôi đã phạm tội ấy một cách khoái trá!” César đáp lại: “Tất nhiên, nếu khi phạm tội mà cảm thấy đau khổ thì hẳn tất cả chúng ta đã làm thánh!” Thật vậy, tội làm ta nhớ đến những cuộc săn tìm khoái lạc của mình. Người phạm tội không thể tự hỏi: nhân danh cái gì mà bắt ta phải hoãn lại các sự thỏa mãn của mình; nhân danh điều chi mà khi thực hiện những điều thỏa mãn ấy ta lại gọi chúng là tội? Thiên Chúa chẳng lẽ là người cản trở không cho ta hưởng thụ và sống tự do sao? Khi suy nghĩ về tội, chúng ta nghiệm thấy sâu xa đó chính là những câu hỏi mình phải trả lời.

2. Tội là một chủ đề rất quan trọng trong Kitô giáo

Trình bày về tội cho người hôm nay (1)Tội là một thực tại trung tâm của Kinh Thánh và Truyền thống Hội thánh.

Trung tâm trước hết vì Kinh Thánh có những ám chỉ rất rõ ràng và quan trọng về tội. Chẳng hạn, chỉ nguyên trong Tân ước cũng có không dưới 171 lần dùng chữ Hy Lạp amartia, với nghĩa là tội. Và không phải chỉ có từ ngữ này. Còn có các từ Hy Lạp khác như anomia (bất chính), asebeia (vô đạo), adikia (bất công) và parabasis (vi phạm). Khi đọc các từ ấy, ta thấy hầu như luôn luôn được dùng để chỉ tội, trong Tân ước.

Tội cũng là một ý niệm trung tâm vì nó đóng vai trò quan trọng trong mầu nhiệm cứu độ. Mạc khải của Đức Giêsu Kitô cũng chủ yếu là cho biết về tội. Hãy đọc các công thức đầu tiên dùng để loan báo đức tin mà tiếng chuyên môn gọi là kêrygma. Ta sẽ luôn luôn thấy trong đó có ám chỉ trực tiếp về tội. Chẳng hạn câu 1Cr 15, 3 một trong những công thức xưa nhất của kêrygma: “Đức Kitô chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh”. Chữ tội lỗi cũng được nhắc đến mỗi khi cử hành lễ tạ ơn: chính lúc truyền phép rượu, linh mục đọc lại những lời của Đức Giêsu: “Đây là máu Ta đổ ra cho anh em được tha tội”. Sau cùng, để thấy hết tầm quan trọng của chủ đề tội, ta hãy nhớ lại lời của Gioan (1Ga 1,8-10): “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối”. Một lời cảnh cáo khá nặng!

Đã là yếu tố trung tâm của Mạc khải, tội cũng phải chiếm phần quan trọng trong suy tư thần học. Khi cầm một tài liệu giáo lý hay một bản văn của Huấn quyền, nhà thần học hay giảng viên giáo lý nên tự đặt cho mình những câu hỏi sau: trong tài liệu này tôi đóng một vai trò gì? Chiếm vị trí nào? Có công dụng gì về mặt ý thức hệ? Thật vậy, khi đọc các tài liệu với những câu hỏi ấy, ta sẽ ngạc nhiên vì khám phá thấy tội đóng rất nhiều vai trò khác nhau. Sách giáo lý hay phụng vụ của chúng ta sẽ có chất lượng hơn, nếu người ta hiểu rõ chủ đề tội đóng vai trò gì trong các lời nói của giáo lý viên hay các chủ tế. Chẳng hạn trong các nghi thức sám hối, đôi khi người ta nại đến tội để chỉ trích sự điều hành, hay để trả lại cho linh mục chủ sự tất cả quyền hành, hoặc để củng cố thêm sự đoàn kết của cộng đoàn Kitô hữu v.v… Tóm lại, chủ đề tội bao giờ cũng được dùng để phục vụ một ý thức hệ nào đó. Chính vì thế, cần phải quay về với suy tư thần học để tránh sai lạc. Muốn vậy, trước hết hãy trình bày sự biến chuyển trong ý thức về tội ngày nay.

II. Ý thức về tội đã biến chuyển thế nào và do đâu?

A. Biến chuyển thế nào?

Biến chuyển trên vài bình diện:

Trước hết trên bình diện đời sống riêng tư. Tất cả chúng ta đều có dịp nghe phát biểu đại loại như sau: “Khi đi xưng tội, tôi không còn tìm ra tội để xưng nữa”. Nói cách khác, bảng kê khai các tội đã trở thành lỗi thời đối với con người ngày nay. Ngay cả trong các nghi thức sám hối có chuẩn bị kỹ lưỡng, các Kitô hữu cũng thường cảm thấy những bài xét mình chẳng khác gì một cuộc ‘nạo vét’ lương tâm, càng ngày càng trở nên khó chấp nhận.

Trên bình diện ngữ vựng cũng có sự biến chuyển đáng kể. Quả thế, ngày nay mấy ai dùng chữ tội nguy tử (‘péché mortel’)? Hầu như chẳng còn ai! Khi Tòa Thánh dùng kiểu nói đó trong văn kiện ‘Persona humana’ đề cập đến đạo đức học tính dục, báo chí đã làm rùm beng! Dẫu vậy, phải chăng trong kiểu nói đó không có gì cần giữ lại, nhất là khi thánh Gioan đã chẳng ngại ngùng nói tới những tội có thể đưa tới chỗ chết và thánh Phaolô đã dám gọi một số tội là những tội loại ta ra khỏi Nước Trời? Như thế, tại sao ta sợ tìm hiểu vấn đề cái chết gắn liền với tội? Đây ít ra cũng là một vấn đề cần làm sáng tỏ.

Cuối cùng, còn có một sự biến chuyển sâu rộng ngay trong khái niệm về tội. Để hiểu rõ sự biến chuyển này hơn, tội sẽ mô tả hơi nôm na một chút quan niệm về tội ngày xưa và ngày nay. Sau đó ta mới thấy rõ mình phải khởi sự suy tư từ đâu.

a. Ngày xưa: Khái niệm về tội rất hàm súc trong đời sống chúng ta. Nó được đặt liên quan với tòa án. Vì thế, khi nghĩ đến tội người ta thường nhắc tới Chúa là vị thẩm phán, những hình phạt của Chúa. Người ta rất nhấn mạnh tới sự sợ hãi, đến nỗi J. Delumeau, giáo sư Học viện Pháp, dám nói về một “khoa mục vụ của sự sợ hãi”. Hơn nữa, các Kitô hữu được mời gọi hãy xưng thú toàn bộ tội lỗi. Cha giải tội nào cũng thường nhắn nhủ “con hãy xưng hết”.

Từ một quan niệm súc tích và nặng pháp lý về tội như thế, ngày nay người ta chuyển sang một quan niệm chắc chắn đã chịu ảnh hưởng của những mối quan hệ biết lắng nghe, chứ không ra lệnh và chỉ thị. Tôi muốn nói rằng dần dần người ta đã nhìn tội trong một tương quan thương yêu tương trợ. Thay vì lợi dụng sự sợ hãi, người ta gợi dậy lòng tin tưởng. Tuy nhiên, xin đóng ngoặc thử hỏi giấu diếm khía cạnh sợ hãi trong cuộc sống như vậy có ích gì không. Đừng quên rằng sự sợ hãi không phải chỉ có giá trị tiêu cực. Trái lại, sự sợ hãi có thể làm người ta chú ý và cố gắng hơn. Vì thế, tôi e ngại rằng loại bỏ mọi sự sợ hãi trong khi giảng dạy và huấn giáo như thế cũng là loại bỏ một chiều kích căn bản của con người. Đây là một vấn đề căn bản cần để tâm suy nghĩ! Dầu sao, ngày nay thay vì gây sợ hãi người ta tìm cách tạo tin tưởng, thay vì đòi xưng thú hết người ta bảo chỉ cần xưng những điều quan trọng. Thế nhưng, rất tiếc chính hối nhân không phải lúc nào cũng biết đâu là điều quan trọng.

b. Ngày xưa ta thường quan niệm về tội một cách rất sự vật (hay nhìn tội trong chính nó). Như người ta thường khai thác chủ đề tượng trưng sau đây: tội là một vết nhơ, làm dơ bẩn, hay thậm chí làm lây lan. Cứ nhớ lại hồi nhỏ ta thường nghe nói ‘linh hồn bị tội làm cho đen đúa dơ bẩn’ và việc xưng tội thường được gọi một cách bình dân là ‘tẩy rửa’ linh hồn. Ngày nay người ta bỏ hình ảnh vết nhơ tượng trưng đó (chẳng biết như thế có hoàn toàn hợp lý không?) và hầu như chỉ nhìn tội trong tương quan của nó. Tội không còn là một vết nhơ nữa, mà là một sự xúc phạm đến người khác. Cũng chính vì thế, thay vì gọi xưng tội là tẩy rửa, người ta thích nói tới sự hòa giải hơn. Các giáo lý viên ngày nay không còn bảo học sinh của mình là ‘hãy đi tẩy rửa linh hồn’.

c. Ngày xưa ta hay nhìn tội theo một quan niệm nặng tính cá nhân hơn. Tội trọng nghĩa là những tội duy nhất đáng gọi là nguy tử thường là những tội thuộc phạm vi tính dục và riêng tư. Nếu nói cho cùng, có vài cha giải tội dám cho rằng không đi lễ ngày Chúa nhật là đã phạm tội chết được. Đang khi các tội nặng khác như giết người, cướp của… dường như chỉ ít Kitô hữu vi phạm. Theo quan niệm đó tính dục là đề tài lạm phát nhất ở các tòa giải tội.

Ngược với cái nhìn tập trung vào cá nhân như thế, ngày nay người ta có quan niệm nặng tính tập thể hơn về tội, thậm chí phải nói là quá nặng tính tập thể. Quả vậy, tội tập thể, nghĩa là tội của hết mọi người, đôi khi đồng nghĩa với không là tội của ai hết. Ngoài ra, tội nặng ngày nay không còn phải là tội trong phạm vi tính dục, mà là tội của cá nhân chủ nghĩa và cầu an thụ động. Chỉ cần nhìn lại các nghi lễ sám hối mùa Chay, ta sẽ thấy tội nặng bị tố giác nhiều nhất chính là tội quỵ lụy chiều theo những sự việc tất định giả tạo của xã hội mà cá nhân phải chấp nhận. Tội nặng ngày nay là tội từ khước không chịu tham gia vào quá trình biến đổi lịch sử như Chúa yêu cầu chúng ta. Tới mức có thể nói sự rối loạn được nói tới nhiều nhất hiện nay không phải là sự rối loạn trong đời sống tình cảm mà là sự rối loạn trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và xã hội.

d. Ngày xưa chúng ta thường có quan niệm vụ luật về tội. Bằng chứng là trong sách giáo lý nước Pháp năm 1941 ta còn thấy định nghĩa ‘tội là một sự cố tình bất tuân lề luật của Chúa. Ta phạm tội là khi biết điều này bị cấm mà vẫn cứ làm’. Còn ngày nay, người ta quan niệm về tội một cách huyền nhiệm hơn: tội là khước từ đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô. Vì thế, ngày nay người ta rất ít nói đến luật, kể cả ‘luật của Đức Kitô’, trong khi đây chính là thành ngữ rất quen thuộc với thánh Phaolô.

e. Thật lạ lùng: quan niệm về tội một cách vụ luật như ngày xưa lại thường hay đi đôi với quan niệm lấy Thiên Chúa làm trọng tâm. Quả thế, trong sách giáo lý người ta ưa khai triển ý tưởng tội là gây buồn phiền cho Thiên Chúa. Tội đụng đến Thiên Chúa, và lý do tiên quyết khiến ta phải trốn tránh tội là vì khi phạm tội ta xúc phạm tới vinh quang của Thiên Chúa. Bởi đó từ quan niệm về tội một cách vụ luật, người ta đã đi tới quan niệm nhìn tội với Chúa là trọng tâm.

Còn ngày nay, thật là ngược đời: khi nhìn tội một cách huyền nhiệm (tội là từ khước tiếng gọi của Đức Kitô), người ta lại khai triển thái quá quan điểm đặt con người làm trọng tâm. Tội trước tiên là sự xúc phạm đến người khác. Thậm chí có giáo dân đã thắc mắc không biết cuối cùng Thiên Chúa có còn chỗ đứng nào / ý niệm về tội ngày nay nữa không.

Trên đây là một trong vài nét lớn tôi xin mạn phép dùng để mô tả nguệch ngoạc sự chuyển biến trong ý thức về tội của mấy thập niên gần đây. Bây giờ ta thử tìm hiểu những nguyên nhân gây ra tình trạng đó.

B. Một vài nguyên nhân gây ra sự chuyển biến đó

1. Ảnh hưởng của các khoa học, nhất là các khoa học nhân văn

a. Các thuyết Mácxít. Để tiện trình bày, tôi xin xếp các thuyết Mácxít vào số các khoa học nhân văn, dù các như tư tưởng hiện nay rất có thể không đồng ý. Điều quan trọng ta cần ghi nhớ là tư tưởng của Marx và các người kế tục sự nghiệp của ông đã ảnh hưởng sâu đậm lên não trạng của dân chúng tại Pháp và từ đó cũng ảnh hưởng lên quan niệm của họ về tội. Theo các chuyên viên Mácxít, luân lý mà các Kitô hữu hay dựa vào để nói về tội không hề là luân lý ‘từ trời ban xuống’. Vì theo họ, luân lý nào tức là toàn bộ các giới luật mà con người phải chấp hành cũng là sản phẩm của một ý thức hệ hạ tầng kinh tế nào đó. Chính vì có một hạ tầng kinh tế này mà nền luân lý đã chi phối thế hệ đó. Chẳng hạn nền luân lý của xã hội Pháp hiện nay là để phục vụ cho một chủ nghĩa tư bản nào đó. Thế nhưng, đang khi đó luân lý Kitô giáo (cũng theo lời các nhà Mácxít) lại có đặc điểm là tự cho rằng mình chỉ bắt nguồn từ Lời Chúa, mình là sản phẩm trực tiếp của Tin mừng. Ngược lại thì đúng hơn, nền luân lý ấy thường được đặt ra là để phục vụ giai cấp tư bản thống trị…, chỉ cần xem lại một số bài giáo lý về tư hữu hay về chủ nghĩa xã hội, ta sẽ thấy luân lý Kitô giáo cũng thường được sử dụng như một ý thức hệ phục vụ cho một giai cấp nào đó. Bởi vậy, người ta đâm ra hoài nghi khi thấy chủ đề tội được khai triển dựa vào một nền luân lý nhất định.

Hơn thế nữa, cũng theo lời một số nhà Mácxít, nói đến tội khiến ta cứ duy trì nguyên vẹn các cơ chế kinh tế làm vong thân con người. Tại sao vậy? Vì khi khai thác chủ đề tội, ta sẽ bị giới hạn chỉ xét lại hạnh kiểm trong lương tâm của cá nhân mỗi người thôi. Nói đến tội, ta sẽ có khuynh hướng chỉ nhìn các thực tại dưới khía cạnh kín đáo riêng tư của chúng. Khi nhìn thấy lương tâm xấu xa của mình trước mặt Chúa và bổn phận hoán cải tâm hồn mình, ta sẽ bị cám dỗ tránh xét lại các nguyên nhân thật sự đã đưa tới tình trạng vong thân ấy, những nguyên nhân đến từ xã hội. Tới mức chính ý niệm về tội đã tạo điều kiện cho ta cam chịu sự bốc lột của người khác. Bằng chứng là người Kitô hữu thường loay hoay xét mình với hai đề tài lớn là không phục tùng quyền bính và thiếu trong sạch về mặt tính dục.

Thánh Phaolô đã chẳng viết ‘mỗi ngày hãy phục tùng nhà đương quyền vì không có quyền bính nào là không bởi Chúa’ (Rm 13, 1) hay sao? Nếu tách câu nói này ta khỏi mạch văn của nó, ta sẽ không khỏi làm các nhà Mácxít phải giận điên lên vì đó chẳng khác nào cổ võ mọi người cam lòng chấp nhận mọi sự rối ren sẵn có và phục tùng mọi chính quyền, kể cả những chính quyền độc tài nhất.

Các Kitô hữu cũng luôn luôn nhạy cảm với các tội trong lãnh vực tính dục. Đó không phải là thái độ quá chú ý đến mình và cổ võ việc chấp nhận áp lực của xã hội trên cá nhân sao? Quả thế, có một sự liên hệ mật thiết giữa cách ta sống bản năng tính dục và cách ta chấp nhận các quyền bính. Để độc giả thấy rõ hơn, tôi xin giới thiệu một câu nói chơi chữ: “Khi chính quyền bảo hãy để người ấy tự phát triển (s’exprimer), thì cũng là bảo người ấy hãy đặt tính dục lên trên hết (sexepreimer)”. Thật vậy, ở đâu chính quyền mạnh (dù là trong Giáo hội hay xã hội, dù là thiên hữu hay thiên tả), ta cũng đều thấy có sự hạn chế các khoái lạc thân xác. Mọi thân xác đều bị đối xử chung một khuôn một phép. Không phải là vô tình mà mỗi khi ý niệm về tội thay đổi thì trong Giáo hội quyền tự do ngôn luận và kèm theo đó có thái độ khác với thân xác, cũng khá hơn. Tội lỗi và khoái lạc liên hệ với nhau chặt chẽ, đến nỗi khi nào xã hội biết khám phá lại giá trị của khoái lạc, lúc ấy ý niệm về tội mới thật sự thay đổi.

Dĩ nhiên đứng trước những sự xét lại đó, các Kitô hữu không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái dễ chịu. Họ thường có phản ứng ngược lại là nhấn mạnh, đôi khi thái quá, tới tội tập thể và tỏ ra hoài nghi không biết có tội cá nhân không… Nếu vậy, mỗi người chúng ta phải tự kiểm tra xem mình đang có phản ứng nào trước những lời phê bình của các nhà Mácxít.

b. Các trào lưu phân tâm học. Ở đây ta không thể nghiên cứu sâu xa những phê bình của các khoa phân tâm về ý niệm tội, mà chỉ nêu ra vài đóng góp của các trào lưu đó.

- Trước hết, theo các đồ đệ của Freud, cách ứng xử nào cũng đều thành hình do có một sự thỏa hiệp nào đó giữa một bênh là hoàn cảnh bên ngoài và một bên là những đòi hòi của vô thức. Vì thế, có thể coi cách ứng xử của một người là những triệu chứng mà ta cần tìm cho ra ý nghĩa tiềm ẩn của chúng. Chẳng hạn thủ dâm, loạn dâm đồng giới, xung đột vợ chồng, xung đột trong các tập thể, bất hòa giữa các tu sĩ trong một dòng… phải được coi như những biểu hiện của một thực tế tâm lý ‘nằm sâu’ bên trong, chứ không phải là những hình thức tội. Đó là những triệu chứng mà ta phải cẩn thận nghiên cứu, kẻo để hụt mất nội dung của chúng. Nếu vậy sẽ có người bảo: “Có ích gì khi dùng chữ tội làm nhãn hiệu luân lý để dán lên những cách ứng xử của con người? Làm như thế chẳng phải là đã tìm cách tránh không truy tầm những nguồn gốc vô thức sâu xa dẫn đến những cách ứng xữ đó sao?”

- Đóng góp thứ hai của trào lưu phân tâm học là đã ảnh hưởng nhiều trên sự thay đổi của các Kitô hữu trong thái độ của họ đối với vấn đề tính dục. Nên nhớ ngày xưa tính dục được coi là một lãnh vực dễ phạm tội nhất.

- Đóng góp thứ ba của khoa phân tâm học là gieo nghi ngờ về mức độ tự do của chúng ta. Rốt cuộc chúng ta có thật sự tự do không? Freud còn dám nói, ở một vài chỗ trong tác phẩm của ông, con người đã bị quy định bởi các bản năng của mình. Riêng tội, tôi nghĩ rằng con người còn bị điều kiện hóa nhiều hơn, chứ không phải chỉ bởi vô thức của mình, như Freud đã nghĩ.

- Đóng góp thứ tư: Khoa phân tâm cho biết rằng chúng ta không bao giờ có thể nắm được mình trọn vẹn; trong sự tự thú nào cũng có ít nhiều ích kỷ, và vì thế khoa phân tâm gây cho người ta nghi ngờ về giá trị của những việc xét mình và xưng thú.

- Đóng góp thứ năm: Khoa phân tâm tiết lộ cho thấy khả năng phạm tội của ta bắt nguồn sâu xa từ trong thời thơ ấu của mình. Như một nhà phân tâm học, bà Mélanie Klein, đã nói: ý thức về tội của ta có là do quan hệ của ta với mẹ mình khi ta được chừng hai tuổi. Nếu vậy thì “rốt cuộc tội chẳng qua chỉ là sự kéo dài những bất ổn tâm lý đã có từ xưa”. Người ta còn xét lại vấn đề này sâu xa tới mức nghi ngờ các Kitô hữu đã mắc một thứ bệnh thần kinh đặc biệt.

- Sau cùng, khoa phân tâm cổ võ thái độ đón nhận người khác, nhưng không phải để hướng dẫn hay chỉ thị. Từ nay đã có nhiều chủ chăn và giáo lý viên coi thái độ không lên án những ai đến giãi bày tâm sự với mình, coi việc tiếp nhận người khác một cách vô điều kiện là có giá trị xây dựng hơn cả việc sửa sai, trong đó có lưu ý đến tội của họ. Người ta cảm thấy dè dặt hơn mỗi khi nói đến tội.

c. Những hậu quả do quan điểm tri thức luận hiện nay đem lại

c1. Như ta đã biết, tri thức luận là suy tư về các hiểu biết. Nếu vậy, quan điểm về tri thức hiện nay có ảnh hưởng thế nào đối với vấn đề tội? Tôi xin bắt đầu từ nhận xét của Edgard Morint, một trong những nhà tư tưởng lớn của Pháp hiện nay (tuy chưa được biết đến nhiều): “Trong mỗi người đều có sự hàm hồ và đối kháng”. Nghĩa là trong hành vi nhân linh nào cũng có sự mâu thuẫn. Nói một cách cụ thể, không có hành vi nhân linh nào chỉ đưa tới những hậu quả hoặc có giá trị nhân bản hoặc phi nhân bản. Theo tôi, chúng ta chưa ý thức đủ sự kiện đó trong đời sống luân lý của mình, trong khi dạy giáo lý hay cử hành việc sám hối. Hành vi nhân linh nào cũng đưa tới nhiều hậu quả khác nhau vừa tức thời vừa về lâu về dài; và có một số hậu quả trong đó sự mâu thuẫn nhau. Nếu có học thần học trước đây, ta sẽ thấy đó là điều mà các thủ bản luân lý gọi là những ‘hành vi song hiệu’. Thế nhưng, nói có một số hành vi song hiệu là vẫn còn thiển cận lắm, vì trong thực tế bất cứ hành vi nào cũng đưa tới nhiều hậu quả, cái thì đưa tới xây dựng cái thì phá hoại. Thử lấy một ví dụ: cuộc đình công của thợ thuyền tại Ba Lan năm 1980. Đành rằng sự kiện ấy đưa tới những hiệu quả hết sức tích cực, vì nó tiêu biểu cho tình trạng tự do được sống dậy nơi một dân tộc bị đàn áp khá nhiều. Nhưng đồng thời biến cố ấy cũng kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực như làm cho nền kinh tế bất ổn, gia tăng mối nguy cơ bị nước ngoài xâm chiếm, v.v… Trong một lãnh vực hoàn toàn khác như phụng vu chẳng hạn. Phụng vụ đã chẳng ngần ngại gọi một hành vi hết sức phi nhân là ‘tội hồng phúc’ (‘felix culpa’): đó là tội của Ađam và Eva, đã khiến cho Đức Giêsu phải chết trên thập giá. Gọi là hồng phúc vì chính từ hành vi phi nhân của Ađam và Eva đó mà ta đã rút được muôn vàn ân phúc.

Nói khác đi, từ một hành vi được cho là tốt luôn luôn có thể đẻ ra điều lành điều xấu. Từ một hành vi được coi là xấu cũng vậy. Ý thức được sự hàm hồ của các hành vi nhân linh khiến ta đâm ra khó phân biệt hơn trong hai điều tốt và điều xấu, bên nào đang làm chủ tình hình. Thật vậy, phê phán một hành vi tốt hay xấu sẽ là phê phán hành vi ấy tốt nhiều hơn hay xấu nhiều hơn. Chẳng hạn khi nói hành động như thế là tốt hay xấu, thật ra tôi đã nói nhanh nói gọn. Còn nếu muốn thật chính xác, tôi phải nói: hành động ấy đưa tới những hậu quả có phần tốt và phi nhân nhiều hơn. Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày ta nên ý thức rõ sự hàm hồn đó. Hành động theo luân lý là đương nhiên làm cho mình trở nên ‘mờ ám’, vì hành động nào cũng hàm hồ cả. Những ghi nhận có tính cách nhân loại trên đây không thể không làm ta nhớ tới một dụ ngôn rất quan trọng của Tin mừng: dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng. Dụ ngôn đó có thể giúp ta ý thức hơn: mỗi khi xét mình, ta sẽ thấy trong những hành động và vi phạm của mình luôn có sự mâu thuẫn. Vì thế, không phải bao giờ cũng dễ nhận ra mặt tiêu cực của tội mình, một khi tội mình cũng đưa tới những hậu quả tích cực.

c2. Kết luận thứ hai có thể rút ra từ việc xem xét lại các sự hiểu biết hiện nay. Đó là thực tại nào cũng nằm trong những hệ thống, nghĩa là trong mạng lưới gồm nhiều yếu tố có ảnh hưởng rất phức tạp đối với nhau.

Các bản văn của Huấn quyền đề cập đến các vấn đề đạo đức chưa có thái độ đó trong khi đặt vấn đề, đang lúc ấy toàn bộ văn hóa Tây phương hiện nay đều đã thấm nhuần tinh thần này. Và vì thế khiến cho các tín hữu cảm thấy hơi bực mình khó chịu.

Xin đan cử một thí dụ cụ thể để làm sáng tỏ những gì tôi vừa nói. Hãy xem thái độ khó chịu của giáo dân về vấn đề điều hòa sinh sản. Tại sao vậy? Theo tôi, trong số nhiều lý do có lý do sau đây: các nhà thần học khi suy tư đã nhìn sự việc như những thực tại tự chúng đã có đầy đủ ý nghĩa, chẳng hạn như coi chu kỳ rụng trứng tự nó đã là dấu nói lên ý muốn của Thiên Chúa. Làm như thế là quên rằng chu kỳ rụng trứng là một yếu tố nằm trong nhiều hệ thống đa tạp, đôi khi rất rộng lớn, như ‘hệ thống’ toàn diện/nhân cách của người phụ nữ. Người phụ nữ ấy lại nằm trong ‘hệ thống’ đôi bạn, rồi đôi bạn lại nằm trong ‘hệ thống’ gia đình, gia đình nằm trong ‘hệ thống’ dân số nước Pháp, dân số nước Pháp nằm trong ‘hệ thống’ dân số thế giới. Trong các ‘hệ thống’ đó, ‘hệ thống’ nào tôi cho đóng vai trò là dấu chỉ ý muốn của Thiên Chúa trên con người? Muốn phê phán giá trị luân lý của việc điều hòa sinh sản, ta phải dựa khá nhiều vào câu trả lời cho thắc mắc đó. Nói rộng hơn, không thể nhận ra ý nghĩa của một hành vi, nếu không lưu ý tới những thực tại khác đã cùng với hành vi ấy làm thành một hệ thống. Vì thế, giải thích một hành vi để từ đó tuyên bố là có tội hay vô tội, quả là một việc làm vô cùng phức tạp.

c3. Một nhận xét cuối cùng về tri thức luận hiện nay: suy tư về các khoa học nhân văn khiến ta phải nghĩ rằng mọi hành vi của một chủ thể đều nằm trong lịch sử của chủ thể đó. Vì thế, cần phải đọc lại quá khứ của một người để phê phán trách nhiệm của người ấy. Chẳng hạn như khi đứng trước một sự lỗi phạm về tính dục của một thanh niên. Thử hình dung một thanh niên vừa có quan hệ tính dục với một thiếu nữ. Hành vi này có thể mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, so với ngày xưa khi thay thế người ta sẽ quả quyết ngay hành vi đó tự nó là một tội. Thế nhưng, trong quá trình lịch sử của người thanh niên ấy việc vi phạm ất có thể là một cách để anh ta khám phá ra một giới tính khác. Hay có thể là một cách đi tìm khoái lạc ích kỷ. Cũng có thể là một cách kiểm tra sự ‘bình thường’ về tính dục. Sau hết có thể là một sự vi phạm lệnh cấm để thoát khỏi uy quyền của cha mẹ. Như thế, nếu biết nhạy cảm với quá trình lịch sử của anh ấy, ta sẽ rất khó đưa ra nhận định, khó hạ lời phán quyết ngay đó là một hành vi tội lỗi, như ngày xưa người ta thường mau lẹ tuyên bố không chút ngần ngại.

Trình bày về tội cho người hôm nay (1)

2. Một vài nguyên nhân thuộc phạm vi xã hội học

Vì khuôn khổ của bài, tôi chỉ xin vắn tắt đôi lời. Trước hết là sự kiện các vấn đề hiện nay thường được cứu xét ở cấp độ quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, từ vài thập niên nay, mọi người trở nên liên đới với nhau trên cấp độ quốc tế. Từ đó phát sinh hai tình cảm: các lựa chọn của ta trong lãnh vực luân lý đều bị điều kiện hóa, và ta không còn biết đâu là những mối liên hệ phải ưu tiên hơn hết. Bây giờ thật khó xác định rõ trách nhiệm của mỗi người. Chẳng hạn khi đứng trước vấn đề cứu trợ một nước kém mở mang đang bị một nhà độc tài khát máu cai trị, ta không biết đâu là hợp đạo hợp lý: cứ cứu trợ dù biết rằng viện trợ ấy có thể bị nhà độc tài lạm dụng hay đừng trợ cấp gì hết để nhà độc tài bị hạ bệ do tình hình kinh tế trong nước suy sụp? Một thí dụ khác: làm sao biết được tăng giá các sản phẩm công nghiệp ở Pháp là điều tốt? Phải ưu tiên bên nào hơn: nước Pháp hay các nước kém mở mang? Nhân danh điều gì để chọn lựa? Nhân danh hệ thống giá trị nào? Sự kiện các vấn đề trở nên có tính cách quốc tế như vậy thường làm các Kitô hữu cấp cơ sở có cảm tưởng rằng bây giờ họ không còn trách nhiệm đạo đức gì nữa và chỉ có một số ít chuyên viên cao cấp nắm mọi hồ sơ trong tay mới có thể thấy rõ vấn đề và phải chịu trách nhiệm? Từ đó, ngay cả việc tìm lại ý niệm tội tập thể cũng trở nên khó khăn.

Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta được cung cấp rất nhiều mô hình đạo đức khác nhau. Chẳng hạn trong việc tôn trọng sự sống, phá thai, ly dị, trai trẻ sống chung như vợ chồng. Các phương tiện truyền thông tha hồ “khua mõ”, khiến cho nhiều người cảm thấy thật khó đưa ra những nhận định luân lý.

Sự kiện con người ngày nay đề cao tự do và dân chủ cũng góp phần làm cho mọi người coi nhẹ việc bất tuân lệnh Chúa, cội rễ của mọi tội.

Sau cùng, để kết thúc phần suy tư ngắn ngủi về các nguyên nhân thuộc phạm vi xã hội học khiến cho ý niệm về tội ngày nay thay đổi, tôi xin nhắc tới tình trạng không tin phổ biến hiện nay. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng làm cho con người ngày nay mất đi ý thức về tội vì như lát nữa tôi sẽ nhắc lại, ta chỉ ý thức về tội được trong tương quan với Thiên Chúa.

3. Hai nguyên nhân thuộc phạm vi thần học

Có nhiều nguyên nhân thuộc phạm vi này, nhưng tôi chỉ xin nêu ra hai điểm.

Trước hết là trong mấy thập niên gần đây, tư tưởng Kitô giáo đã nhìn Thiên Chúa với những hình ảnh mới. Cứ lắng nghe và chăm chú đọc các bản văn của Kitô giáo hiện nay, ta sẽ thấy những hình ảnh của mình về Thiên Chúa có thể đưa mình đến tội và ngược lại. Chẳng hạn quan niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi đang hoạt động trong cuộc đời ta có ảnh hưởng rất quan trọng đến ý thức về tội. Từ mấy chục năm nay, đề tài tội lỗi ít được chú ý. Đồng thời bên cạnh đó ta cũng thấy người ta đã nhìn Thiên Chúa theo một quan điểm mới: chú ý tới Chúa Thánh Thần hơn Chúa Cha là Đấng ban hành luật lệ. Sự trùng hợp đó chắc chắn không phải do tình cờ. Kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần không phải là kinh nghiệm về sự tự do sao?

Một dữ kiện thần học nữa có ảnh hưởng lớn trong việc biến chuyển ý thức về tội: cái nhìn mới về thập giá và cánh chung. Ngày nay người ta rất ưa nhìn thập giá như hậu quả của một tội tập thể, đã khiến nhân vật Giêsu kia phải chịu xử án bất công. Còn cánh chung không được trình bày như một sự đoạn tuyệt hẳn với thế giới này. Ngược lại, nhiều nhà thần học nhấn mạnh, đôi khi hơi quá đáng, rằng có một sự liên tục giữa thế giới này thế giới sau, thế giới của con người bên kia cõi tục lụy này. Vì thế, người Kitô hữu được mời gọi dùng các hoạt động của mình để xây dựng thế giới này, bởi chưng chính thế giới này, chứ không phải thế giới nào khác, sẽ được cuộc phục sinh biến đổi. Như vậy, nếu tội là một quan hệ xấu với thế giới, thì đương nhiên tội cũng là một hành vi phá hoại tạo vật.

Image result for tội lỗi

Trên đây là một số lý do khiến nhiều người hôm nay cảm thấy lúng túng khi nói đến tội. Theo tôi, những lý do ấy đã có ảnh hưởng rất sâu đậm. Vì thế, phải chờ khá lâu các tín hữu mới tìm lại được sự an tâm phần nào trong ý thức về tội, cũng như trong cách trình bày khả năng có tội. Muốn vậy, họ chỉ còn cách là quay về với giáo huấn của Thánh Kinh và Thánh truyền. Do đó, sau này tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu một trong những trang nổi tiếng nhất của Kinh Thánh, trình bày một tội điển hình vào đầu lịch sử nhân loại, quen gọi là tội nguyên tổ.

(còn tiếp)

Xavie Thévenot

Les péchés, que peut-on en dire?, Salvator 1983, tr. 3-17.

Nguồn: nhipcautamgiao.net