Vài suy tư sau ngày tĩnh tâm với chủ đề “Sống Mầu Nhiệm Tươi trẻ vĩnh cửu”

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1748 | Cập nhật lần cuối: 2/10/2022 2:56:56 PM | RSS

Vài suy tư sau ngày tĩnh tâm với chủ đề “Sống Mầu Nhiệm Tươi trẻ vĩnh cửu”

Thứ Bảy, ngày 23.3.2019, cùng với khoảng gần 40 anh chị em học viên các lớp thuộc Học viện Mục vụ và vài anh chị em đến từ giáo xứ, mình trở lại Tu Hội Cao Thái lần thứ hai sau hơn 3 tháng kể từ lần đầu tiên tham dự Tĩnh Tâm Mùa Vọng ngày 1.12.2018. Tĩnh tâm Mùa Chay lần này với chủ đề: “Sống Mầu Nhiệm Tươi Trẻ vĩnh cửu”, tên gọi nghe là lạ, lần đầu tiên mình nghe nói đến! Không biết mầu nhiệm này có liên quan gì đến Mầu Nhiệm Nhập Thể hay Mầu Nhiệm Vượt Qua?

Mở đầu phần chia sẻ buổi sáng, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc nói đến nguồn gốc chủ đề được cảm hứng từ cuộc trao đổi với cha Phêrô Nguyễn văn Hiền và cuộc sống của một giáo sư muốn sống triệt để tinh thần Phan Sinh.

1. Thế nào là sự trẻ trung thực sự?

Bốn giai đoạn chính của đời người:

1) Giai đoạn bắt chước người khác là giai đoạn đầu của con người ở độ tuổi cuối vị thành niên và bắt đầu trưởng thành khi mà đa số chúng ta đều hành động theo sự bắt chước người khác, như một bản năng tự nhiên, chưa hình thành các tư duy độc lập và nhận diện được các giá trị của bản thân.

2) Giai đoạn tự khám phá bản thân: là thời điểm nhận biết và khám phá bản thân mỗi người với những sở trường, sở đoản ưu khuyết điểm, cùng với việc khám phá này là mỗi người cũng nhận thức được rằng: chúng ta không thể thực hiện được tất cả những ước mơ, dự định về tương lai của bản thân. Cần thay đổi, phải điều chỉnh chúng vì ý thức những giới hạn của mình.

3) Giai đoạn ba: đây là thời điểm đẹp nhất của cuộc đời, là giai đoạn toàn tâm toàn ý để xây dựng cuộc đời mình, phát triển tối đa khả năng và những gì mà mỗi người được trao ban.

4) Giai đoạn 4: Di sản, với mục tiêu là mỗi người chúng ta sẽ tạo ra một di sản của chính mình và làm sao bảo đảm di sản này vẫn tồn tại khi bạn ra đi. Giai đoạn này cũng rất là quan trọng về mặt tâm lý vì mỗi người chúng ta sẽ đối diện với sự thật là cái chết.

Sự trẻ trung của một con người không hệ tại hay lệ thuộc tuổi tác của người ấy, nhưng là một “lối sống”, cách suy nghĩ và ứng xử. Sự trẻ trung thực sự tùy vào Tâm của mỗi người, chứ không phụ thuộc vào sự thay đổi ngoại hình bên ngoài.

Sự tươi trẻ thể hiện ở tính cách năng động, sự nồng nhiệthăng say hiện thực những ước mơ hay khát vọng và việc dám dấn thân -đôi khi chấp nhận một chút phiêu lưu như Abraham- và không sợ thất bại. Trái lại, dấu hiệu của sự lão hóa là khi ta sợ thay đổi, vì cảm thấy “mất an toàn”, nên dễ cố chấp, bám víu vào quá khứ, làm theo thói quen.

2. Thiên Chúa mãi trẻ trung

Tiếp tục chủ đề trên, Cha Phanxicô Xaviê dẫn mời cộng đoàn suy niệm Kinh Thánh: thư của thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô: “Ai ở trong Đức Kitô thì đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5, 17), và một đoạn sách Khải Huyền (Kh 21,1-4).

Lời Chúa dần dần hiểu ra là Thiên Chúa là Đấng mãi mãi trẻ trung vì Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, là Đấng Vô Biên không lệ thuộc thời gian và không gian như chúng ta. Mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn ra hằng giây hằng phút và không ngừng bằng LỜI (Logos) và THẦN KHÍ (Pneuma) của Thiên Chúa. Do đó, chính Thiên Chúa là suối nguồn tươi trẻ vĩnh cửu, tỏ hiện qua thiên nhiên vạn vật xinh đẹp và bao sinh linh mới xuất hiện mỗi ngày.

Hai câu hỏi gợi ý được cha Phanxicô Xaviê nêu ra cho mỗi người suy niệm cá nhân, dưới ánh sáng của Lời Chúa: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-5).

3. Làm con của Chúa

Khi suy niệm, bản thân mình lại liên tưởng đến đoạn Tin Mừng thứ Bảy sau CN II Mùa chay về dụ ngôn Người Cha nhân lành (Lc 15,1-3.11-23). Tôi xác tín điều kiện vào Nước Trời là “trở nên như trẻ nhỏ”. Tiếc thay trong quá khứ mình cũng đã nhiều lần học đòi làm “người lớn” và thích “đi hoang” như người con thứ trong dụ ngôn, để tự quyết định cuộc đời mình, nhưng hậu quả là chuốc lấy bao thất bại và tủi nhục ê chề.

Nay khi nhận ra được sự thật là con thật nhỏ bé trước một Thiên Chúa vĩnh cửu, con mong ước và cầu xin được “trở nên như trẻ nhỏ”, hay đúng hơn được sống làm con của Chúa, để được dạy bảo và hướng dẫn, hầu sống theo gương Chúa Con. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đảm nhận phận người. Chính Đức Kitô -Thiên Chúa thật và người thật-, đã sống trọn vẹn Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Nếu con cảm nhận và sống mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, thì con cũng đang sống mầu nhiệm Tươi trẻ vĩnh cửu.

Cao điểm của ngày tĩnh tâm là bí tích Hòa giải và Thánh lễ Chúa nhật III Mùa Chay. Chia tay cộng đoàn Bác ái Cao Thái, vượt qua hành trình hơn 50km cả đi và về, mình trở về nhà khi phố xá đã lên đèn. Dòng người và xe cộ lũ lượt di chuyển mở đầu một buổi tối ồn ào náo nhiệt của ngày cuối tuần. Tuy nhiên, lòng mình lại cảm thấy thật nhẹ nhàng và bình an. Tôi thầm tạ ơn Chúa, cảm ơn các Cha và cộng đoàn, mỉm cười với chính mình khi khám phá thêm một “mầu nhiệm” mới: Mầu nhiệm tươi trẻ vĩnh cửu!

Đaminh Vũ văn Trực

Học viên lớp TVTM IA

---------------

Bài liên quan:

Wòa! Lạy Chúa tôi!

Hình ảnh: Tĩnh tâm cuối tuần tại Cao Thái (23.3.2019)

HVMV: Tĩnh tâm cuối tuần 23/3