Suy niệm BĐ1 - CN VI Phục Sinh năm B (Cv 10, 25-26; 34-35; 44-48) - Tác Động của Chúa Thánh Thần

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 32 | Cập nhật lần cuối: 5/18/2024 7:18:57 PM | RSS

"Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc"

Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 10, 25-26; 34-35; 44-48)

25 Khi ông Phê-rô bước vào, thì ông Co-nê-li-ô liền ra đón và phủ phục dưới chân ông mà bái lạy.

26 Nhưng ông Phê-rô đỡ ông ấy lên và nói: "Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm."

34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.

35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.

44 Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa.

45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa,

46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng:

47 "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? "

48 Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày.

Người ta dễ dàng nói rằng Phaolô là tông đồ dân ngoại, nhưng công bình hơn phải nói Phêrô đã làm điều này trước Phaolô. Ở đây chúng ta có thể nói Phêrô là tông đồ những người Rôma.

Ta được biết Cônêliô là lính của quân đội chiếm đóng, quân đội La Mã. Hai người không có gì giống nhau: Phêrô người Do Thái, có đức tin, người xác tín, vừa trở nên môn đệ Chúa Giêsu… Người dân ngoại kia, một người mà ít ai lui tới tiếp xúc, phần vì thuộc quân đội chiếm đóng, và nhất là một người ngoại đạo… Ngoài ra không phải chỉ Phêrô mới có ý định lạ kỳ đến nhà Cônêliô ở Xêdarê. Chính Thiên Chúa đã sắp xếp hết, chúng ta dám nói như thế. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho hai người một sự kiện rất quan trọng đối với cộng đoàn Kitô hữu trẻ này. Vào hôm đó mỗi người trong cả hai có một thị kiến: Cônêliô nghe thiên thần Chúa nói với ông: “Lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông đã thấu tòa Thiên Chúa khiến Người nhớ đến ông. Vậy bây giờ, ông hãy sai người đi Gia-phô mời một người tên là Si-môn, cũng gọi là Phê-rô.” (Cv 10, 4-5)

Trong lúc Phêrô ở cách đó nhiều cây số cũng có một thị kiến: một thị kiến lạ kỳ, dường như muốn làm xáo trộn những thói quen của ông. Trong thị kiến này, ông thấy trước mặt nhiều giống vật, có nhiều con bị luật Do Thái cho là ô uế và nghiêm cấm không được ăn. Có một tiếng nói thúc ông bất tuân luật ấy: hãy giết và hãy ăn! Phêrô là một người nghiêm túc, không muốn bất tuân các luật lệ đã giữ từ thuở nhỏ. Thế rồi tiếng nói cho ông biết chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán quyết điều gì ô uế điều gì trong sạch… Lúc bấy giờ, vấn đề chỉ là về thức ăn thế nhưng những xác tín của Phêrô về luật trong sạch của Do Thái đã bị vỡ tung. Điều này là cần thiết để chuẩn bị cho Phêrô những gì đang chờ đợi ngài!

Thị kiến lạ kỳ này tái diễn đến ba lần… và Phêrô rất ngỡ ngàng. Đúng lúc đó thì sứ giả của Cônêliô đến. Họ đến xin một điều quan trọng hơn việc không giữ luật ăn uống ở nhà, họ đến mời Phêrô đến nhà người ngoại đạo Cônêliô! Chúng ta nhớ lại lời phản đối khi Chúa Giêsu đến ăn ở nhà ai đó. Thêm một lần nữa, tại nhà người Do Thái. Lần này, tại nhà một người không cắt bì.

Nhưng như chúng ta biết, Thiên Chúa có sự sắp xếp trong ý tưởng. Luca nói rõ rằng chính Chúa Thánh Thần đã trấn an Phêrô về những gì ngài sắp làm: «Ông Phê-rô vẫn còn phân vân về thị kiến, thì Thần Khí bảo ông: "Kìa có ba người đang tìm ngươi.20 Đứng lên, xuống mà đi với họ, đừng ngần ngại gì, vì chính Ta đã sai họ đến."» (Cv 10, 19-20). Nhân đây xin lưu ý chính Chúa Thánh Thần nói với Phêrô, đừng ngần ngại. Điều này chứng minh rằng có những «ngần ngại» của chúng ta không do Chúa Thánh Thần linh ứng… Phải biết phân biệt những ngần ngại nào do Chúa Thánh Thần linh ứng và những lúc không phải thế.

Dĩ nhiên Phêrô vâng theo tiếng nói đó. Ngài đang ở nhà Cônêliô. Và đây là nơi nội dung bài đọc hôm nay bắt đầu. Cônêliô vừa thấy Phêrô liền phủ phục dưới chân ông, nhưng Phêrô đỡ ông đứng dậy: «Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.» Phêrô không thể nào chấp nhận những cử chỉ tôn kính chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi. Tức thì Phêrô hiểu ngay thị kiến đã làm ông bối rối. Những con vật chỉ là hình ảnh nhằm giúp ông hiểu điều gì khác. Chúng ta biết rằng tại bàn ăn, luật tôn giáo cấm ăn một số loài động vật bị coi là ô uế. Thị kiến mời gọi vượt qua những điều cấm đoán vì lẽ chỉ có Thiên Chúa mới định đoạt điều gì ô uế điều gì không. Luật kêu gọi không giao tiếp với người ngoại. Nhưng Phêrô được mời gọi đánh rơi luôn cái rào chặn này đi.

Tại sao cấm giao tiếp với người ngoại? Không phải khinh miệt họ nhưng chỉ vì cách thức giữ đạo của họ khác mà thôi. Giao tiếp với người ngoại có nguy cơ lôi cuốn người Do Thái bỏ cách giữ đạo của mình. Phêrô vừa hiểu, Thiên Chúa muốn vượt qua luật ấy. Cũng như thị kiến kêu gọi không phân biệt động vật ô uế và không ô uế, từ nay cũng không phân biệt người ô uế hay không ô uế. Điều này cho phép giao tiếp với mọi người không cần đắn đo.

Một khúc quanh quyết định đã khởi đầu. Làm sao loan báo Tin Mừng cho họ trong lúc cấm giao tiếp với họ? Trong giai đoạn đầu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, dân Do Thái được tuyển chọn, trong thời gian chờ đợi họ trưởng thành, phải gìn giữ đức tin, phải giữ những người cùng đức tin chung với nhau. Bây giờ bước sang một giai đoạn mới, phải mở cửa cho dân ngoại để loan báo Tin Mừng cho họ. Chính Chúa Giêsu cũng giải thích nhiều lần cho các tông đồ rằng luật cũ đã lỗi thời, một giai đoạn mới được mở ra. Trung thành với đức tin của cha ông không có nghĩa là lặp lại cách hành động và lời nói của họ mãi mãi. Câu hỏi mới, giải pháp mới.

Phêrô chợt hiểu ra và giải thích cho Cônêliô và đoàn tùy tùng: anh em có biết rằng một người Do Thái kết giao với người nước ngoài là một trọng tội không? Nhưng Thiên Chúa vừa làm cho tôi hiểu không nên phân biệt giữa người với người, vì chính Thiên Chúa cũng không phân biệt giữa người với người. Phêrô bắt đầu bài giảng giáo lý cho cử toạ. Một lần nữa Chúa Thánh Thần can thiệp: Thánh Luca ghi nhận: «44Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa 45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa.»

Chúng ta thường ngạc nhiên thấy sách Công vụ Tông đồ dễ dàng nêu danh Chúa Thánh Thần. Tác động của Ngài được công nhận ở mọi trang, và nhờ đó Giáo Hội thăng tiến, đối đầu với những vấn đề mới và dám tiếp xúc những cử toạ mới… Dĩ nhiên chúng ta không thể tự cho phép nghĩ rằng ngày nay Ngài ít năng động hơn thời Giáo Hội sơ khai! Chúng ta chỉ cần mở tầm mắt để nhận ra tác động của Ngài. Chúa Giêsu đã hứa: «Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13) nếu chúng ta để Chúa Thánh Thần hành động.

Theo lẽ thường, cuộc hành trình với Thần Khí sẽ diễn ra trong hoan lạc và lòng tạ ơn. Thánh Luca nhấn mạnh, khi nghe Cônêliô ca ngợi Thiên Chúa thì Phêrô nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: «45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, 46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa.»

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân