Suy niệm BĐ4 Vọng Phục sinh - Isaia (54, 5-14) - Thiên Chúa sẽ giải thoát

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 84 | Cập nhật lần cuối: 5/17/2024 7:54:10 PM | RSS

Trong tình yêu ngàn đời, Chúa Cứu Chuộc đã giải thoát ngươi

BÀI ĐỌC 4

Trích sách Tiên tri Isaia (54, 5-14)

5 Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là ĐỨC CHÚA các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.

6 Phải, ĐỨC CHÚA đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. "Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành?", Thiên Chúa ngươi phán như vậy.

7 Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.

8 Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, ĐỨC CHÚA, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.

9 Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu.

10 Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.

11 Hỡi thành đô khốn đốn, ba chìm bảy nổi, không người ủi an! Này, đá của ngươi, Ta lấy phẩm màu tô điểm, nền móng ngươi, Ta đặt trên lam ngọc,

12 lỗ châu mai tường thành, Ta xây bằng hồng ngọc, các cửa thành ngươi, bằng pha lê, tường trong luỹ ngoài, toàn đá quý.

13 Con cái ngươi, ĐỨC CHÚA đều dạy dỗ, chúng sẽ được vui hưởng thái bình.

14 Nền tảng vững bền của ngươi sẽ là đức công chính; ngươi sẽ thoát khỏi áp bức, không còn phải sợ chi, sẽ thoát khỏi kinh hoàng, vì kinh hoàng sẽ không đến gần ngươi nữa.

Chỉ cần nghe sứ điệp trợ lực này cũng đoán ra bài này được viết trong thời khó khăn. Thật vậy, chương 54 của sách Isaia là một sáng tác được gọi là Sách Isaia thứ hai. Sách này được rao giảng trong lúc dân bị lưu đày ở Babylon, một giai đoạn vô cùng thảm thiết của lịch sử dân tộc Do Thái.

«Hỡi thành đô khốn đốn, ba chìm bảy nổi, không người ủi an.» (c. 11) Tất cả những từ ngữ ấy không có gì quá đáng: quân của Nabucôđônôso, năm 587 càn quét qua không phải chỉ là một cơn bão mà là một trận cuồng phong! Nhưng thời sách Isaia thứ hai, gió đã thổi sang Babylon: quân Ba Tư đang tràn qua Cận Đông và thay đổi cả bản đồ thế giới. Dân Giêrusalem bị lưu đày ở Babylon chăm chú theo dõi từng chiến thắng của vua Kyrô và mong sao quân đang đô hộ họ thất bại, vì điều này là dấu hiệu họ sẽ được hồi hương.

Cho nên, vị tiên tri thấy trước cuộc lưu đày kết thúc, vì thế ngài gọi Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ Ítraen (tiếng Do Thái là Go’el): «Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất» (c. 5). Chúng ta từng thường gặp từ Go’el (Đấng Cứu Chuộc) này và chúng ta hiểu hơn nghĩa «Đấng giải cứu khỏi lưu đày». Khi Tiên tri Isaia nói cho dân Do Thái ở Babylon «Chúa là Đấng Cứu Độ» phải hiểu: Chúa sẽ hành động, giờ các ngươi được giải cứu đã điểm. Thật vậy, vua Kyrô xuất hiện, đối với dân Do Thái như người giải thoát họ.

Thật vậy, từ năm 550, hết chiến thắng này đến chiến thắng khác trong khắp vùng, đâu đâu vua Kyrô cũng áp dụng một chính sách: giải thoát các dân nô lệ và ban cho họ điều kiện kiến thiết xứ sở của họ. Dĩ nhiên vua Kyrô được dân chúng nhiệt liệt đón nhận vì sau hai thế kỷ họ bị những đế quốc có chính sách di dân lần lượt thống trị. Sự việc này còn làm cho các tư tế thành Babylon xem những chiến thắng của vua Kyrô - vốn là kẻ thù – do bởi chính thần Mardouk của họ tác động giải thoát.

Dĩ nhiên Tiên tri Isaia không theo cách suy nghĩ của họ! Ngài nhắc lại cho anh em Do Thái của ngài là «chỉ có Chúa là Chúa». Vì lẽ ấy ngài lặp lại: «Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.» (c. 5c) hay «tôn danh Người là ĐỨC CHÚA các đạo binh» (c. 5b). Nói cách khác, xin đừng nhầm, không có chúa nào khác. Và các bạn sắp được giải thoát là nhờ có Chúa và chỉ có Ngài mà thôi.

Cuộc giải thoát ấy không phải chỉ mở cửa ngục hay biên giới: nhưng thật sự là một cuộc canh tân và tái lập phẩm giá vẻ đẹp một dân tộc, một thành phố và đền thờ trong ấy. «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi… Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en» (Is 54, 5)

Sự tạo dựng trong Thánh kinh được hiểu không như một sự kiện quá khứ nhưng là một tương quan theo thời gian, một tác động giải thoát liên tục. Dân chúng sẽ tìm lại sự sống, xây lại thành phố của mình, đền thờ của mình tốt đẹp hơn trước, Chúa sẽ chu cấp: «Này, đá của ngươi, Ta lấy phẩm màu tô điểm, nền móng ngươi, Ta đặt trên lam ngọc, lỗ châu mai tường thành, Ta xây bằng hồng ngọc, các cửa thành ngươi, bằng pha lê, tường trong luỹ ngoài, toàn đá quý.» (c. 11-12). Nghĩ cho cùng những ngôn từ này thật tuyệt vời nhưng cũng có đặc tính lạ thường: gợi lên nữ trang làm ta bị quyến rũ (!); một người tình nào không muốn tặng cho vị hôn thê của mình như một công chúa, mang đầy châu báu? Điều đáng ngạc nhiên là đặt những ngôn từ này từ miệng Thiên Chúa. Thật là táo bạo mới dám gán cho Thiên Chúa những tình cảm này…

Trong Thánh kinh chúng ta thường thấy con người ý thức sự vĩ đại vô biên của Thiên Chúa - Đấng Siêu Việt - nhưng cũng có (đặc biệt trong bài hôm nay) những lời tỏ tình thật sự của Thiên Chúa đối với dân Ngài (trong bài này thành Giêrusalem là biểu tượng). Một trong những câu được xem như đậm đà nhất nhưng cũng có vẻ đơn sơ nhất: «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là ĐỨC CHÚA các đạo binh» (c. 5)

Không có cách thổ lộ tình cảm nào đẹp hơn: vừa thân mật vừa khoảng cách, lòng trìu mến của vị hôn phu và là Đấng Toàn Năng tạo dựng muôn vật. Ngay chỉ cụm từ: «Đức Thánh của Ít-ra-en» (c. 5) cũng nói lên sự vĩ đại của Đấng Siêu Việt và sự thân mật của Đấng chấp nhận thuộc về những kẻ ký kết giao ước với Ngài. «“Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành?, Thiên Chúa ngươi phán như vậy…Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay…» (c. 6.10)

Thế nhưng, nếu tình nghĩa thắm thiết Thiên Chúa bất di bất dịch thì làm sao giải thích cho dân Chúa giai đoạn thật khó khăn vừa trải qua? Thực tế, ông Môsê cũng muốn giữ lòng tin của dân đặt nơi Thiên Chúa duy nhất, ông quy tất cả mọi giai đoạn tốt cũng như không tốt vào Ngài, nhưng ông giải thích những giai đoạn khó khăn chỉ tạm thời so với thời gian «ngàn đời» của giao ước. «Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, ĐỨC CHÚA, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.» (c. 7-8). Tiếp đó lời Thánh vịnh 29 trong đêm vọng Phục Sinh được hát lên tiếp lời ông Môsê như một tiếng vang: «Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.» (Tv 29, 6)

Dĩ nhiên, từ “giận” là ngôn từ con người, không thích hợp với Thiên Chúa: sự phục sinh của Chúa Kitô là từ duy nhất không méo mó ý nghĩa của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu tạo nên sự sống, trong khi hận thù và giận dữ gây ra cái chết.

Suy niệm BĐ1 - Sáng Thế 1, 1-2, 2

Suy niệm BĐ2 - Sáng Thế 22, 1-13; 15-18

Suy niệm BĐ3 - Xuất Hành 14 - 15,1

Suy niệm BĐ5 - Isaia 55, 1-15

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân