TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình: Một con người hiền hoà

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2007 | Cập nhật lần cuối: 6/30/2015 8:29:09 PM | RSS

Ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ với cộng đoàn một vài suy nghĩ và tâm tình của mình đối với Đức Tổng Phaolô như một gợi ý để suy niệm và sống Phúc Âm.

Đối với tôi, điểm nổi bật nơi Đức Tổng là sự hiền hoà. Một con người hiền hoà, với một nụ cười dễ mến và tính hài hước - nét đặc trưng của Nam Bộ.

Tôi nhớ có lần được dùng bữa với Đức Tổng tại một cộng đoàn MTG Phát Diệm. Trước bữa ăn, Chị Tổng Phụ trách xin ngài phát biểu mấy lời, ngài nửa đùa nửa thật: “Chưa ăn mà nói cái gì, chưa cho ăn mà bắt nói sao đặng!”, rồi chẳng nói một lời, ngài thản nhiên thánh hoá bữa ăn để mọi người nhập tiệc. Trong bữa ăn, ngài với lấy thực đơn - như cố ý để Chị Tổng Phụ trách thấy - rồi từ từ bỏ vào túi. Một linh mục thấy thế liền hỏi: “Đức Tổng lấy thực đơn chi vậy?” Ngài được dịp trả lời: “Các chị Phát Diệm nấu ăn ngon quá! Tôi đem thực đơn này về cho các chị MTG Chợ Quán và nói với các chị ấy rằng Phát Diệm nấu ăn ngon như thế đó!”. Biết ngài có ý “dương đông kích tây”, “phá” các chị cho vui, ai nấy đều đắc ý ồ lên thích thú. Sau bữa ăn, Chị Tổng Phụ trách lại đến xin ngài nói mấy lời. Ngài lại nói một cách hết sức tự nhiên: “No quá, nói sao đặng!”, rồi mới chịu đứng lên phát biểu. Lúc ấy mọi người mới biết ngài đùa thật và lại đùa dai nữa.

TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình: Một con người hiền hoà

Đức Tổng còn là một con người trẻ trung, ngay khi đã hơn tám mươi. Trẻ trung vì ngài có cái nhìn rất thoáng đạt và một tấm lòng bao dung, luôn thao thức cho tương lai của Giáo Hội và đất nước qua mối bận tâm cho giới trẻ; chính ngài đã thành lập Ban Mục vụ Giới trẻ để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ trong Tổng Giáo Phận.

Con người hiền hoà và trẻ trung ấy lại là con người của những tương phản: ai có ngờ rằng con người to lớn, khoẻ mạnh kia đã phải bỏ dở việc học ở nước ngoài chỉ vì yếu sức khoẻ; từ lâu ngài chỉ sống với một lá phổi và một bao tử đã cắt bỏ một phần lớn. Tuy không có nhiều học vị, nhưng ngài lại là một trong những giám mục sáng giá của Giáo hội Việt Nam; khi còn trẻ thì chín chắn, già dặn, lúc về già lại thoáng đạt, trẻ trung. Cả khi còn sống hay khi đã qua đời, ngài vẫn là duyên cớ cho nhiều người, nhiều phe nhóm phê bình và chống đối. Nghĩ về cuộc đời của ngài, tôi lại nhớ tới lời Simêon nói với Đức Maria về Hài Nhi Giêsu:

“Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải hư vong hay được cứu độ. Cháu còn là dấu hiệu bị nguời đời chống báng. Và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34-35);

hay như chính lời của Đức Giêsu: “Ta đến không để đem bình an nhưng để đem gươm giáo” (Mt 10, 34).

Phải chăng cũng vì thế mà ngài đã trở thành “con chiên bị đem đi xén lông mà không một lời than trách” (Is 53, 7).

Người chê trách thì bảo “ngài không có lập trường”; người khen tặng thì nói “ngài nhân từ”; người này cho ngài bảo thủ, kẻ khác lại cho ngài là cấp tiến; đỏ hoặc đen. Nhưng tất cả đều phải chân nhận rằng: “Ngài là người con của Thiên Chúa, của Hội Thánh”. Ngài chỉ cố gắng thể hiện một điều: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), và chỉ có một lập trường sống mà có lần, trong một cuộc trao đổi riêng, ngài đã để lại cho tôi như một kinh nghiệm quý giá nhất: “Sống đến tuổi này (80), tôi thấy chỉ có một điều hệ trọng là “yêu thương đi, rồi làm gì thì làm” (thánh Augustinô)”. Một chọn lựa của Tin Mừng. Thật khó mà hiểu được hay chấp nhận nổi cái chọn lựa đầy tính Tin Mừng ấy, giữa một cuộc sống đầy tranh chấp và xung đột, bất hoà và chia rẽ này.

Vì thế, cho dù cuộc đời có sóng gió nhưng ngài vẫn bình an, chẳng phải bình an do người đời ban tặng rồi sẽ cướp mất, cũng chẳng phải nhờ “thoả hiệp” với bất cứ một thế lực nào, nhưng là bình an của Chúa. Thiết tưởng, một người có lần trong đời đã dám chọn “Cầu Đất” (*) để được là chính mình, thì cũng không dễ có thế lực nào bắt buộc người ấy khác đi được. Nguyễn Văn Bình vẫn cứ là Nguyễn Văn Bình, một con người bình an và không ngừng kiến tạo an bình bằng sự hoà giải giữa mọi thành phần dân tộc: cộng sản hay tư bản, vô thần hay hữu thần, bảo thủ hay cấp tiến… cũng như giữa mọi thành phần Dân Chúa: giáo sĩ hay giáo dân, nam hay bắc…

Rõ ràng mọi người tham dự lễ tẩm liệm Đức Tổng đã đồng cảm sâu sắc với tôi, khi tôi xướng lên bài hát Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi. Lễ an táng của ngài đã trở thành nơi quy tụ của mọi thành phần chính trị, tôn giáo khác nhau, và mãi mãi là một “ngày hội” đầy ý nghĩa, đáng ghi nhớ.

Cảm tạ Thiên Chúa là Cha

đã ban cho chúng con một vị mục tử nhân lành.

Vì những đau khổ của Con Cha trên Thập Giá,

và những đau khổ của Đức Tổng Giám Mục

phải chịu vì chúng con,

xin cho ngài được yên nghỉ đời đời.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền,
Thánh lễ giỗ 100 ngày
Đức cố TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình
tại Nhà thờ Tân Định, Sài Gòn



------------------------------------------------------------
(*) Tên một họ đạo thuộc xã Xuân Trường, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm TP. Đà Lạt 24km, nơi Đức Tổng Phaolô đã làm Cha sở hơn 7 năm (1948-1955).

Hình ảnh: Tang lễ TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình (7/1995)

Bài liên quan:

Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, người kiến tạo hòa bình

Tưởng nhớ một người Cha: TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình