Các mối phúc thật hôm nay (4): Tiếng nói lặng thinh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2897 | Cập nhật lần cuối: 8/21/2016 10:46:57 PM | RSS

(Tiếp theo)

Có phải một ngày nào đó, Chúa Giêsu bắt đầu lên tòa giảng – hoặc lên ngồi trên một ngọn đồi – và đưa ra cho thính giả Ngài những mối Phúc thật trong một bài giảng không? Chắc chắn là không. Bài giảng trên núi đã không xảy ra thật sự.

Vâng, đúng thế, thánh Mátthêu đã xây dựng Tin Mừng của ông thành năm bài giảng lớn và các mối Phúc thật nằm trong Bài giảng đầu tiên, bao gồm các chương: 5,6,7.

Từ khá lâu, người ta đã nghĩ – ngày nay người ta không còn chắc chắn bao nhiêu – rằng: đó là việc qui chiếu vào 5 cuốn sách của Môsê, tức là Bộ Ngũ thư, rằng thánh Mátthêu đã muốn cho thấy Đức Giêsu là Môsê-mới, Ngài cũng lên trên ngọn núi Sinai mới và công bố luật-mới:

“Người ta đã nói với anh em… Còn Ta, Ta nói…”

Nhưng chính lúc Ngài dám tuyên bố “còn Ta, Ta nói với anh em…” thì Chúa Giêsu phạm tới lề luật và tự đặt mình trong tư thế đoạn tuyệt nhiều hơn là tiếp nối. Chúa Giêsu không phải là Môsê-mới, Ngài không phải là một tấn sĩ Lề Luật.

Các Tin Mừng đều liên tục ghi lại những chặng tấn công chống lại Chúa Giêsu, nhưng cuộc tấn công xảo trá hay là trực tiếp, chủ yếu là từ phía hàng tấn sĩ. Tại sao có sự càu nhào liên tục từ phía họ như thế?

Thưa chính vì họ đã hiểu mối nguy cơ hết sức lớn lao do Chúa Giêsu đem đến cho họ. Quả thật đã từ mấy năm, họ nâng giá trị Lề Luật Môsê lên cao tột đỉnh, coi đấy là nguồn mọi ơn công chính hóa. Sau này, thánh Phaolô thành Tarxơ sẽ công kích rất dữ quan niệm Lề Luật đó và Ngài sẽ nói rằng: các điều chỉ dẫn trong Lề luật tự chúng không thể biến đổi cách ăn nết ở con người. Đối với thánh Phaolô, chính đức tin đã cùng với các tổ phụ có trước Lề luật, chính Đức tin là con đường cứu rỗi, độc nhất vô song.

Các ngôn sứ trước Đức Giêsu, đã nhấn mạnh về những bất lực của Lề luật và về tầm quan trọng hàng đầu của việc chữa lành nội tâm. Cũng như các vị ngôn sứ, Chúa Giêsu sẽ chống đối óc vụ luật của hàng “Tấn sĩ” và đặt các điều luật đối chiếu với yêu sách của việc hoán cải nội tâm. Nhưng Ngài còn làm điều đó hơn các vị ngôn sứ đi trước Ngài kia. Bởi vì cách trình bày sáng sủa về Abba là trọng tâm tất cả sứ điệp Ngài tỏ cho ta thấy những bóng tối và những nhỏ nhen của hệ thống Lề luật.

Nhưng nếu Chúa Giêsu trong thời này đã là nạn nhân của hàng tấn sĩ lề luật, thì các mối Phúc thật của Ngài suốt chiều dài bao thế kỷ cũng là nạn nhân của hàng tấn sĩ Lề luật, thường là vô trách nhiệm – vì họ vẫn tin mình làm đúng nhưng đã góp phần mạnh mẽ bóp méo đi, làm cho không còn có thể nhận ra các mối Phúc thật. Không thể trình bày hay chú giải các mối Phúc thật, coi đó là những nguyên lý và những điều luật từ trên xuống, nhưng là những tiếng kêu gọi tới con tim.

Guồng máy vụ luật vận hành như thế nào? Nó đẩy lên phía trước những con người mà nó ngỏ lời với bằng cách bắt họ phải leo núi dốc, không sao trèo lên được, nó sẽ dồn ép họ lần lần vào giữa nó và bức tường không thể vượt qua kia: nó đe dọa họ phải chết và phải bị nghiền nát giữa những yêu sách của nó và ông thần núi ấy, vì nó không ngừng nhắc đi nhắc lại là Ngài khắt khe, làm cho họ phải sống mà lo ngay ngáy.

Trong các tác phẩm của ông, Jean Delumeau trình bày niềm lo sợ đã hoành hành trong nhiều thế kỷ tại phương Tây, một niềm lo sợ không bao giờ hết, quấy rối lương tâm con người, khiến họ khi nào cũng nghi ngờ bản thân và người khác và ông cho thấy rằng: nỗi lo sợ ấy đã được phổ biến khắp nơi trong dân Kitô giáo do những người ‘giải thích’ Tin Mừng, vốn là hàng tấn sĩ lề luật thời mới. Đó chính là những người Chúa Giêsu đã đứng lên chống lại.

Thuyết vô tín ngưỡng hiện thời đã phát sinh đầu tiên và trên hết mọi sự từ việc rao giảng Tin Mừng cách sai lạc. Những ông tấn sĩ Lề luật này đã đem lại cho con người của mọi thời, không biết bao nhiêu lý do để lo sợ và rất ít lý do để cậy trông, đến nỗi con người chối bỏ thứ đức tin đã ném họ vào nỗi cùng cực và khiến họ quay tìm những lý do khác để sống.

Chúa Giêsu, qua các mối Phúc thật, không đề nghị một con đường sẽ dành riêng cho những bậc siêu nhân, những anh hùng đạo đức. ‘Hồng ân’ (Kharis) mà thánh Phaolô quê thành Tarxơ nói đến nhiều, có liên quan với niềm vui (Khara). Chính Thiên Chúa là ‘ân huệ’ là sự trào dâng vô tận của tình thương đối với mọi người, có lẽ nào Thiên Chúa tình thương ấy lại đề nghị với con cái Ngài một thức ăn làm bằng Lề luật cứng như đá? Thứ mà người ta đã biến các mối Phúc thật thành những nghĩa vụ bắt buộc con người phải tập tành nhân đức và hơn thế nữa, người ta còn bắt tội thính giả vốn đã sợ tội quá sức rồi, vì mấy ông tấn sĩ lề luật đã làm khổ dân nghèo hết cỡ, với những mệnh lệnh của mấy ông. Và các ông còn tìm ra liên tục nhiều mệnh lệnh mới nữa! Chúa Giêsu đầy tin tưởng, Ngài công nhận khả năng có thể thi hành các mối Phúc thật đó. Ngài trình bày một cách tự nhiên, như thể nó đã nằm sẵn trong hướng sống của mọi ngày, những mối Phúc thật giản đơn như lời thiên hạ chào nhau.

Điều cần thiết là không được quên những lời Chúa Giêsu thường dạy phải coi chừng những phương pháp của hàng tấn sĩ Lề luật. Những lời dạy ấy vẫn còn giá trị đối với mọi thời. Những phương pháp vụ luật này làm cho cuộc đời khó sống, và ngày nay chúng vẫn chưa chịu đầu hàng. Khốn hơn nữa là mỗi người chúng ta đều mang trong đáy lương tâm một ông tấn sĩ Lề luật, một “Satan” đang rình mò và luôn luôn sẵn sàng tố cáo chúng ta. Ông quan tòa ở trong ta đó dựa vào những gì nơi ta bất đồng với các phần tốt đẹp nhất của ta. Và phương pháp của nó là thu hẹp quả tim ta khiến nó chỉ còn là sự không hòa hợp. Bấy giờ hỏa ngục sẽ không phải là người khác, nhưng là chính bản thân ta. Ông quan tòa ấy biến cuộc sống con người thành nên hỏa ngục. Còn Chúa Giêsu, thì Ngài nói với chúng ta rằng: trong nơi sâu thẳm nhất của ta, ta được Abba yêu thương, có quyền được Ngài yêu thương, bởi vì không gì có thể phá hủy nơi ta phần trinh bạch của trái tim ta, và trước tiên ta phải hân hoan đồng ý với bản thân mình và với tấm lòng bất khả xâm phạm nơi ta có, vì nó vốn đang tỏa ánh sáng ngời của Abba.

Nhưng hàng tấn sĩ Lề luật vẫn đang còn đó, để tấn công ta với những phương pháp điêu luyện của họ, và trước tiên là làm cho ta thất vọng về chính mình.

Các ông tấn sĩ Lề luật sẽ không còn là họ nữa nếu họ bắt đầu nói với những người dân can đảm rằng: “Lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng, là con hoàn toàn có khả năng thi hành…”

Đừng nghĩ rằng: Lời ấy chỉ dành riêng cho các đan sinh và các bà dòng Kín, cho các nhà khổ tu và các người độc đáo. Không phải thế, đó là Lời Chúa nói với mọi người bất cứ ở đâu. Dân chúng sẽ đứng lên mà nói:

“Bởi chúng ta có khả năng hiểu và sống các mối Phúc thật, thế thì cứ ở lại đây làm gì, tại sao còn nghe những lời khuyên lạc lõng?

Chúng ta không cần phải tập lên gân và chuẩn bị lâu ngày để đoạt giải vô địch. Chúng ta hãy ra ngay ngoài phố và hãy thực hành các mối phúc”.

Nhưng mấy ông tấn sĩ Lề luật muốn cứ tồn tại, nên họ phải làm cho người ta tin rằng: các mối Phúc thật chỉ dành riêng cho những người vô địch thôi. Thánh Têrêsa thành Lisiơ, vốn là con người tinh khôn, đã rất sớm nhận thấy rằng: mình đã vào tu viện nơi các chị em nhắm lý tưởng cuối cùng là chịu nhiều đau khổ và lập trăm ngàn công phúc, để cứu tội nhân. Bấy giờ chị tự nhủ, đúng theo cái lương tri của người trẻ xứ Normandi rằng:

Nếu muốn đứng trên cao thả câu bắt cá tội nhân, chính là tự đặt mình lên trên, họ không còn thấy mình là tội nhân nữa. Và cuối cùng đã trở thành biệt phái mà không có ngờ.

Vì thế chị tuyên bố rằng: chị muốn làm ngược lại, và quyết tâm tự đặt mình vào đúng chỗ của mình ‘tại bàn tội nhân’.

Các ông tấn sĩ Lề luật cũng thế, họ tự đặt mình lên trên. Vì thế bắt buộc họ phải trình bày một Đức Giêsu ở trên quần chúng, một thứ Giêsu từ trên cao giáng xuống dân hèn. Họ không gặp may, vì toàn bộ Tin Mừng đều cho thấy Chúa Giêsu không ngừng ở giữa nhân dân.

Các ông tấn sĩ Lề luật còn có một mưu mẹo khác, để hành nghề. Khi họ không tự giới thiệu là mình biết hết, mình có sẵn trong tay một kho luân lý toàn thư, và một sách dạy đàng nhân đức trọn lành, ngay cả hai thứ ấy đều không thể thi hành được, thì họ hiểu khác viễn ảnh vị lai – nhưng là thứ vị lai luôn luôn thảm khốc, là thứ vị lai gần đến nơi rồi. Họ làm cho lòng người nghe hoảng sợ… Và cơn hoảng sợ này lại hướng dẫn theo đàng xấu, là xô đẩy những con người đáng thương vào đủ thứ việc đền tội, hy sinh, anh hùng thái quá.

Lối giảng dạy như thế đối với họ có cái lợi là tách hạt giống tốt ra khỏi cỏ lùng: một bên là nhóm nhỏ gồm những ‘người trong sạch’ sẽ được lửa trời sắp dội xuống kia tha cho khỏi chết, bên kia là những người khác, những quân vô đạo vẫn thản nhiên chạy theo công ăn việc làm của họ. Các vũ khí A.B.C (hạt nhân, vi trùng, hóa học) với khả năng tiêu diệt toàn thể nhân loại, đến cứu viện cho những nhà giảng thuyết vốn không thu lượm được nhiều kết quả nơi quần chúng kia nhưng chỉ đạt được một số điểm khả quan và gây được nhiều nhóm nhỏ gồm những nhà hiệp sĩ Khải huyền, những người được ơn tiền định, những người sẽ thoát khỏi tai ương.

Tin Mừng cho ta thấy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành, dạy đừng dập tắt bấc đèn còn khói, đúng là ngược lại với đám cháy người ta đốt chiến thuyền đi, khi thấy gần thảm hại.

Chúa Giêsu đã không muốn làm cho lòng thiên hạ sợ ngày tận thế, trái lại Chúa đã muốn cho thế gian được sống. Không có lửa báo thù. Những nhà giảng thuyết hay thích thú trình bày cách này hay cách khác về ‘ngày tận thế’, ngày Thiên Chúa dùng lửa thanh luyện cái nhân loại không đáng giá bao nhiêu này, chẳng qua là họ muốn áp đặt cho các con chiên của mình một ông Chúa làm mưa sắt, mưa lửa, mưa máu trên loài người ta. Thật là khác xa với Thiên Chúa của Đức Giêsu.

Các ông tấn sĩ Lề luật luôn luôn độc tài: “Hoặc anh em giữ trọn tất cả Lề luật, thì anh em được cứu, hoặc anh em không nghe bài giảng của tôi, thì anh em bị phạt”.

Thế nhưng các mối Phúc thật không trình bày một bản “thập lệnh”, một bảng gồm các lệnh truyền triệt để, cần thi hành từ A đến Y. Thật là một ơn giải thoát và một niềm vui, khi biết rằng bài giảng của thánh Mátthêu do ông viết ra sau này rằng các mối Phúc thật, Chúa Giêsu đã không công bố liền một hơi, rằng Chúa Giêsu đã không đọc các mối Phúc thật như đọc thuộc lòng một bài Ngài đã học với Chúa Cha. Các mối Phúc thật này, Chúa Giêsu đã nói ra từng mối một, khi chỗ này, khi chỗ khác, trong những ngày Người sống và trên những nẻo đường Người đi, rải rác trong cả cuốn Tin Mừng. Sở dĩ các Tông đồ đã nhớ, chính vì từng mối Phúc thật đã đánh động lòng các ông trong hoàn cảnh nọ hay hoàn cảnh kia. Phải luôn luôn đặt các mối Phúc vào lại bối cảnh đầu tiên. Và mỗi Mối Phúc trình bày cả vào lại bối cảnh đầu tiên một tổng hợp sống động. Còn phải dè chừng những châm ngôn, những lời nói đúc thành khuôn chết. Những nhân vật quan trọng, những con người xuất chúng, những vị anh hùng đều được đúc hình sau khi họ chết. Làm như vậy rất hay. Nhưng lúc đó thường người ta lại quên rằng đó là những người sống rất linh động, đầy hương vị và rất là độc đáo.

Vì sao biến các mối Phúc thật, khi dùng chúng làm đồng tiền trao đổi giữa Thiên Chúa và con người, theo kiểu tiền trao cháo múc? Nghĩa là nếu thi hành hết sức tỉ mỉ mối Phúc thật nào đó thì sẽ được vào thiên đàng? Không thể hiểu các mối Phúc thật theo giấy trắng mực đen, nhưng phải đem ra sống ‘trong tinh thần và trong chân lý’.

Cho nên cần hiểu các mối Phúc thật không phải như tiền mặt trao tay, mà như một loạt những lời gợi ý do Chúa Giêsu đã quảng tâm gieo rắc qua những lần gặp gỡ, ngày này qua ngày khác, với những người thông minh và người dốt nát, với những người nam đạo đức và người phụ nữ mất nết, với những người đàn bà đạo hạnh và đàn ông mất nết. Những lời gợi ý, tức là điều ngược với những lời cảnh cáo nặng nề. Cung cách của Chúa Giêsu trong các mối Phúc thật là cung cách dịu dàng: cần trở lại với chương trên để nhớ lại rằng ta chỉ có thể nắm được các mối Phúc, nếu ta hiểu rằng Đức Giêsu đã trước tiên và chủ yếu nói về chính Chúa Cha là Đấng nghèo khó và hiền lành.

Nếu tôi biết rằng Thiên Chúa là Abba, là Đấng nhân từ,đầy tình âu yếm chân thật, nếu nhờ qua những gì Chúa Giêsu đang nói với tôi, tôi loại bỏ hình ảnh về một Thiên Chúa đang rình mò, đang chờ tôi ở nơi ngã quặt, cài bẫy để hòng bắt lỗi tôi những điều rất nhỏ, nếu tôi có niềm cậy trông mãnh liệt được vị Abba đó mời gọi tôi chia sẻ hạnh phúc yêu thương của Ngài, nếu tôi tin theo các lời Ngài nói rằng: Tôi có khả năng yêu mến, bấy giờ đương nhiên là tôi nắm được các mối Phúc thật.

Nhiều kẻ đương thời với chúng ta đã trở thành không tin, bởi vì người ta đã theo kiểu hàng tấn sĩ Lề luật trình bày với họ một Thiên Chúa chỉ rình để lột da họ, không cho họ được niềm vui sống, được ước mơ sáng tạo. Vị Thiên Chúa đó, vị Thiên Chúa hay gây chết chóc kia, họ đủ lý do mà quẳng Ngài ra xa hơn. Nhưng các mối Phúc thật thì bắt đầu trình bày với ta một Thiên Chúa hay làm cho sống và hạnh phúc, một Thiên Chúa khiến người ta không phải dè chừng, vì Ngài sẽ không bắt chẹt chúng ta, vì Ngài luôn muốn ban sự sống. Vì thế ta có thể an tâm sống trước nhan Ngài, một cách vô tư bình thản như chim hót líu lo và trẻ thơ bập ba bập bẹ.

Các mối phúc thật hôm nay (4): Tiếng nói lặng thinh

Trước nhan Thiên Chúa, anh em không còn là những người bị trị, những tên đầy tớ, những người lòn cúi, những kẻ chư hầu, nhưng là những kẻ đặc ân, những nguồn ưu tuyển, những người được lòng cha mẹ ông bà âu yếm vì là những bé thơ.

Nếu không nhận ra qui chế thật sự ‘làm hoàng tử’ do Đức Giêsu đã đem lại cho con người trước nhan Thiên Chúa, thì không thể nào hiểu được các mối Phúc thật. Lúc đó, người ta sẽ lầm tưởng rằng: Thiên Chúa đòi hỏi con người điều không có thể. Người ta sẽ phiên dịch một cách quái dị Lời Chúa Giêsu nói theo các mối Phúc thật:

“Các con hãy nên hoàn thiện như Abba các con trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Đó là lời kêu gọi lên núi hoàn thiện, nhưng càng gắng trèo lên, lại càng thêm mỏi mòn kiệt sức. Vậy thì đâu là sự hoàn thiện của Abba?

Đó chỉ nguyên là sự hoàn thiện của tấm lòng. Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu hoàn toàn để cho lòng mình cảm kích vì con người hoàn toàn âu yếm, hoàn toàn say mê đối với con người. Loài người đã đâm xuyên vĩnh viễn quả tim của Ngài, đã chiếm lấy trái tim Ngài, đến nỗi Ngài đã ban Con mình là chính Trái tim Ngài, đến nỗi Ngài đã ban chính Trái tim Ngài cho loài người kia. Không phải là để đền các lỗi lầm, để tái lập thế quân bình của cán cân, nhưng là vì Thiên Chúa đã vui lòng muốn cho giữa con cái loài người có một Đấng, trong cuộc sống làm người, sẽ hoàn toàn đáp lại tấm lòng yêu thương của Ngài, chấp nhận sống với Thiên Chúa trong niềm mong đợi thản nhiên và tin tưởng, vui tươi và phó thác như bé thơ đối với Abba của mình.

Đó là cuộc tái sanh Chúa Giêsu đề nghị với con người trong sách Tin Mừng sinh ra cho một Thiên Chúa khác và nhờ đó mà trở nên con người khác. Nếu Thiên Chúa là Đấng trả thù muốn phạt con người vì những cái tầm thường, đê hèn của nó thì đối với Ngài tôi chỉ có thể khiếp sợ phục tùng, hoặc đứng lên phản loạn. Thế nhưng nhiều người lại thích một Thiên Chúa như thế, vì họ thích tình nguyện làm nô lệ, như La Boétie, bạn của Montaigne đã nói. Nên họ đề cao một nền luân lý công bố những lời cảnh cáo bên ngoài, cần phải tuân theo. Đó là những áp lực ép con người ăn năn trở lại, mặc dù còn có chống đối trong thâm tâm họ không vâng theo những áp lực đó cũng không hề gì. Vì điều thiết yếu là thực hành theo đúng nghĩa đen của lệnh truyền.

Thuyết duy ý chí đây chả ăn nhằm chi với các mối Phúc thật, hoặc là đức tin Kitô giáo phát sinh từ một hạnh phúc bên trong, hoặc nó chỉ là một quy ước có thể là cao quí giữa bao qui ước khác, nhưng vẫn chỉ thuần là qui ước giống như hợp đồng pháp lý hay một thứ phép lịch sự mà thôi.

Nhưng tại sao các thuyết duy ý chí là sự sợ hãi trước các mối Phúc thật, sợ như người ta sợ tính tự do? Nói đến Thiên Chúa, đến tình thương, đến Abba, tức là nói đến một Đấng vắng mặt chắc chắn và sâu xa, vì người ta không bao giờ chiếm hữu được Đấng yêu thương mình và Đấng mà mình thương mến.

Để lấp đầy sự vắng mặt kia, người ta không ngừng bị cám dỗ đi cám dỗ lại, muốn có những luật lệ và những quyền hành trên Thiên Chúa, vì nếu tôi làm trọn điều luật nọ, tức khắc tôi đã xóa được lỗi lầm kia thì bấy giờ mọi sự sẽ đâu vào đó. Lề luật sẽ khiến tôi vững lòng hơn, ít nguy cơ hơn vô cùng. Chứ đi từ hạnh phúc bên trong để lên đường, mà vẫn luôn trung thành với hạnh phúc ấy, đó sẽ là cuộc phiêu lưu rắc rối, cuộc tiến hành đầy thấp thỏm bấp bênh hơn là có những quy luật, những tay vịn và những nguyên tắc. Người ta thích ở một nơi cố định, một tháp canh, thích hy sinh cho những qui tắc rõ ràng, hơn là phải mò mẫm mà đi, người ta muốn có một Thiên Chúa làm sấm sét, bao vây đời sống của mình bằng một dây quyền lợi và một dây nghĩa vụ, chứ không muốn một Thiên Chúa như ‘làn gió hiu hiu’ (1 V 19,11-13). “Tiếng nói lặng thinh tinh tế” như E. Levinas nói đó, vị Thiên Chúa lo cho hạnh phúc nội tâm ta đó chính là Abba đang lắng nghe tiếng nói dịu dàng của đứa con thơ, mà không buộc nó phải nói theo đúng văn chương, không sai phạm.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 41-55

---------------------------------------

* Bài liên quan

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)