Các mối Phúc thật hôm nay (6): Đến gần

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2653 | Cập nhật lần cuối: 10/4/2016 7:44:53 PM | RSS

(Tiếp theo)

6. Đến gần

Điều Abba không thể không ước muốn, đó là ta cư xử với con người theo như cách Ngài cư xử, nghĩa là trong thứ tình yêu thương phi lý, không còn so đo phân biệt giữa người tốt xấu, nêu rõ ràng mỗi hạng người hay không còn phân biệt giữa người Do Thái và người bên ngoại, giữa người ưu tuyển và người bên lương.

Vậy là Abba không có những tiêu chuẩn thẩm định hay sao? Có chứ! Và tất cả công việc của Chúa Giêsu là mặc khải cho các thính giả Ngài những tiêu chuẩn ấy, thường xem ra có vẻ làm cho họ ngạc nhiên và đôi khi coi là phạm thượng. Chính các tông đồ cũng rất khó làm quen với các tiêu chuẩn ấy.

Câu chuyện người Samaritanô thật là hứng thú, trước là vì nó trình bày một ai bị các thính giả Đức Giêsu coi là một tên hoàn toàn ngoại đạo. Đối với người Do Thái, dân Samari là những tên phản bội dân Thiên Chúa, những phường ác ôn vô đạo. Họ đã cấu kết quá nhiều với các ngẫu thần, lại còn nại tới núi Garizim, tới một đền thờ khác với đền thờ Giêrusalem. Vào thời Chúa Giêsu, “Samaritanô” là tiếng chửi có nghĩa là “đồ không ra gì”. Người Samaritanô là đối tượng bị người Do Thái căm thù, khinh bỉ. Làm sao Thiên Chúa có thể yêu thương những con người ấy? Làm sao họ có thể làm được việc chi lành? Trước tiên, Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng: Abba không thừa nhận ai vì người ấy theo hay thuộc tôn giáo hay phụng tự nào, Abba cũng không thừa nhận ai làm thuộc nhân vì họ qui chiếu vào bản thân Ngài. Người Samaritanô không cứu giúp người bị thương, để làm đẹp lòng Thiên Chúa hay để làm tròn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa. Vị tư tế và thầy Lêvi nhìn thấy người bị thương. Ông Samaritanô cũng nhìn thấy người bị thương, nhưng ông khác hai vị kia ở chỗ “ông động lòng thương” (Lc 10, 33). Đôi khi các ngôn sứ gọi Thiên Chúa là ‘rahamim’, là lòng ruột, nghĩa là Đấng Từ bi.

Cái làm vui lòng Abba, đó là nên giống như Ngài: biết động lòng thương cảnh khốn-cùng người khác. Không cần phải được rửa tội, có lòng tin hay là đạo đức, để làm việc ấy, chỉ cần là một con người, được vinh dự làm người, chỉ cần là một ai biết để cho lòng mình rung động, biết cảm thông hoàn cảnh tha nhân. Thầy thông luật đã hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người bên cạnh của tôi?” Dịch đúng thì là: “Ai là đồng bạn của tôi, là những kẻ tôi cùng chia cơm xẻ bánh?”

Vậy nhà thông luật ấy, nghe Chúa Giêsu kể xong câu chuyện, rồi hỏi: ‘ông nghĩ thế nào?’ Vị tư tế, thầy Lêvi và người Samaritanô, ai trong ba vị ấy đã là đồng bạn của người bị bỏ rơi vào tây quân cướp? Vốn là người Do Thái tốt, thầy thông luật sẽ tránh thưa là: “Người Samaritanô”. Vì chữ đó làm môi ông bỏng rát, ông tránh né mà nói rằng: “Người đã động lòng từ bi”.

Điều thứ hai cũng làm vui lòng Abba, đó là người Samaritanô ấy đã hành động xem như ngẫu nhiên và vô ý. Ông không qui chiếu vào Thiên Chúa và nghĩa vụ của mình, cũng không tự nhủ là nhờ người bị thương, mình sắp có thể làm việc thiện! Còn người bị thương không còn đi được nữa. Ông Samaritanô chỉ thích cho ai ai cũng là người đứng được hẳn hoi, ông đã làm cho người bị thương ấy điều mà ông cũng thích người ta làm cho mình trong hoàn cảnh tương tợ. Chỉ có thế thôi, không còn chỉ khác nữa.

Các mối Phúc thật hôm nay (6): Đến gần

Đó là chuyện bất ngờ: giữa đường gặp người bị thương. Nhưng đó là đường ông đi, nên là cuộc gặp gỡ trong đời sống hằng ngày. Ông đâu có phải bỏ con đường đi của mình, để giúp đỡ người bị thương: Ông chỉ đặt người ấy trên lưng lừa và tiếp tục đi, để người ấy nơi quán trọ ông quen ghé vào, rồi tới lần ghé sau, ông sẽ kiểm soát xem mọi sự đã đâu vào đấy chưa. Abba không muốn cho ta bứt tóc vò đầu xem có thể làm chi để cứu giúp người nghèo. Ngài chỉ mong ta mở mắt nhìn trên đường thường đi và để cho lòng mình xúc động ở đây. Điều cốt yếu là biết phản ứng thật hay trước tình hình ta gặp.

Và muốn phản ứng thật hay trước cuộc gặp gỡ bất ngờ, đúng là phải đặt mình trong tư thế đợi chờ đón tiếp. Phản ứng sẽ không thể nào đúng mức lanh chai tức khắc, nếu mình lại ngổn ngang có những nhiệm vụ chính xác hay tính toán cho cách ăn nết ở của mình. Đi đường chớ có mang nhiều hành trang mới có thể giúp đỡ người bị thương dọc đường. Và có những hành trang luân lý dùng làm khí giới hoặc để tấn công, dùng để phê phán, loại trừ người khác, hoặc để tự vệ, bức màn, chiếc khiên ngăn người khác với mình.

Chúa Giêsu quét sạch mọi khí giới ấy đi. Ngài coi những tương quan giữa con người là quan trọng hơn luân lý. Vì sao Ngài tương đối hóa một cách triệt để. Làm sao phân biệt kẻ lành người dữ cùng được Thiên Chúa ban cho ánh sáng mặt trời kia? Kẻ thù không phải là người anh em sao? Ai có thể ném đá một người phụ nữ ngoài tình nếu biết rằng tội ngoại tình đã khởi sự từ cái nhìn khiêu dâm? Gặp gỡ thật thì xóa tan các tiêu chuẩn.

Cuộc phán xét chung đi theo cùng hướng câu chuyện người Samaritanô. Cũng như người ấy, các người được Chúa Giêsu đón vào Vương quốc của Ngài, đã làm những việc từ bi chân thật và đơn sơ đối với các người thiếu thốn, mà không có ý định làm việc lành, cũng không có ý phục vụ người thiếu thốn kia, vì nhìn thấy chính Chúa Giêsu trong họ. Như thế, các việc họ làm đã không chủ ý thi hành điều mình học biết. Họ đã không áp dụng một lệnh truyền. Vậy đây không phải là vấn đề nhận thức, nhưng là vấn đề hành động, vấn đề tâm can, vấn đề thể xác, vấn đề máu thịt.

Trong cuộc phán xét chung, người lương thiện và người bất lương đều nhìn thấy Chúa, đều nhận ra Ngài, hoàn toàn sáng tỏ. Người bất lương cũng như vị tư tế và thầy Lêvi đều đã nhìn thấy người bị thương; người lương thiện cũng nhìn thấy; nhưng người bất lương đã không động lòng.

Cần lưu ý rằng: người lương thiện và người bất lương nhìn thấy Chúa trong ngày phán xét chung đều kể chung vào một nhóm, khi đứng trước mọi người bị thương trước kia họ đã gặp, bất luận Do Thái hay dân ngoại, người tin hay vô tín ngưỡng, biệt phái hay người Samaritanô đều đã có cùng một khả năng phản ứng, đã cùng có thể “không lẩn trốn tha nhân vốn là xương thịt của chính mình” (Is 58, 7). Cái khả năng nhìn nhận tha nhân là thứ ngã mình đã được Thiên Chúa ban cho hết mọi người. Các người chia sẻ đức tin và Thiên Chúa không có ánh sáng đặc biệt nào hơn những người không tin trong phạm vi ấy. Vả lại vị tư tế và thầy Lêvi, mặc dầu rất thông thạo Lề luật, nhưng đã bỏ qua. Chúa Giêsu, trong mọi lời nói và cả đời Ngài đều nói rất rõ ràng với những người biệt phái rằng:

Sự tin vào Thiên Chúa và tuân giữ các luật truyền không phải là căn bản của vấn đề. Cần phải xoay ngược lại nhãn quan. Chính lúc quan tâm thực sự đến tha nhân, đến thể xác, đến tình hình xã hội, lịch sử chính xác của họ, người ta mới sống theo đúng Abba, cho dù người ta không nhìn nhận Ngài, cho dù người ta muốn chủ trương, công khai là mình không tin. Và trong cuộc Phán xét chung, ta thấy các người không tin, liêm chính đến cùng, nói với Chúa là họ mới thấy Ngài lần đầu tiên:

“Chúng tôi chưa hề gặp Ngài”. Trước mắt họ, đã có nhầm lẫn về con người, họ chưa bao giờ cứu giúp người khác vì Đức Giêsu. Và Chúa trả lời rằng thế mới là tốt, rằng không cần nhìn thấy ai qua những người bị bỏ rơi mà họ đã cứu giúp. Việc cốt yếu là nhận ra người ấy trong lúc mình gặp họ dọc đường.

Và bây giờ, trong ngày Phán xét chung, cuối cùng đã tới lúc phải làm sáng tỏ mọi sự. Mỗi một sự việc có thời gian riêng. Abba sẽ nhận ra con cái của Ngài trong giờ Ngài định. Những ai nghĩ mình là kẻ đầu tiên, những ai chỉ nói: “Lạy Chúa, ôi lạy Chúa” sẽ là những người rốt hết.

Như thế, “người bên cạnh” sẽ không phải do điều luật nào xác định. Đối với Chúa Giêsu, “người bên cạnh” không phải là người đón nhận, nhưng là người biết đến gần, biết cho. Dưới con mắt Chúa Giêsu, có những người “bên cạnh” và những người ‘không bên cạnh’: những người, khi thấy tha nhân cùng khổ thì tiến lại gần, và những người khi thấy tha nhân như thế thì lại bỏ qua, đã không đến gần mà còn xa tránh.

Abba, vốn không ngừng đến gần hết mọi con người đầy những vết thương, Ngài đến gần hết sức vì muốn cho con của Ngài trở nên thịt máu của họ. Abba không thể không ao ước muốn cho mọi người nên giống như Ngài, tức là tới gần mọi người bị thương họ gặp.

Ở đây có thể nói một điều là chấm dứt mọi thứ não trạng cha chú, đó là mỗi người đàn ông, mỗi người đàn bà đang có mặt trên thế giới đều là một người bị thương, mang dấu một khuyết điểm nào đó, hiện không có khả năng tiếp tục lên đường nếu không có tha nhân. Cần chú giải câu ‘các con hãy yêu thương nhau’ bằng câu: “Vì tất cả các con bao lâu còn sống, đều mắc bệnh, bất toàn hư hỏng, ở tù, đói ăn, thiếu thốn”.

Abba vốn là vị duy nhất không có khuyết điểm chi từ đầu như thế, nên Ngài động lòng thương tình trạng ấy của tạo vật Ngài, cái vết thương nó vẫn mang bên mình như thế. Ngài biết điều khuyết điểm ấy trong con người và cái chết ở trong họ kia. Ngài đã biết điều ấy cách thâm sâu hơn nữa, hầu như trực tiếp qua những vết thương của con một Ngài, qua những lần thiên hạ từ chối Con Một Ngài, thậm chí qua chính cảnh cô đơn im lặng của vườn Giếtsimani, trong khi chờ cái chết vì phạm thượng, mà thực ra Chúa Giêsu lại vẫn loan báo tấm lòng đích thực, rất dễ bị tổn thương, rất dễ rung động của Abba. Chúa Giêsu đến nói với ta rằng:

Chúng ta tất cả đều bị thương như nhau rằng chúng ta có thể thương yêu nhau mà không hổ thẹn, có thể xin người ta giúp đỡ, để cho người khác thương yêu ta, âu yếm ta. Nhưng đồng thời tất cả chúng ta đều phải đi bước trước, phải nhìn xem mỗi người nam hay nữ ta gặp nơi chính vết thương của họ, và cần khẩn trương đến gần họ. Người Do Thái vẫn tỏ ra thật ghê tởm đối với người Samaritanô, còn người Samaritanô đã lại gần người bị thương kia. Chúng ta thường lẩn trốn trước vết thương người khác, vì ghê tởm hay vì sợ, bởi vì vết thương ấy đặt ra ở trước vết thương của chính mình, nhắc cho ta nhớ là chúng ta cũng bị như thế, và không có mạnh khỏe bao nhiêu, mặc dầu chúng ta muốn làm ra vẻ như thế.

Một trang sách lạ thường của Bruno Bettelheim - chính ông cũng đã trải qua các trại tập trung - nghiên cứu tình trạng các nạn nhân của những trại ấy. Và B.Bettelheim đi đến kết luận này: những người đã cầm cự hay nhất và đã đứng vững lâu nhất chính là những người đã có thể suy nghĩ rằng: “Các đao phủ tiêu diệt biết bao sinh mạng đó, vẫn còn là những con người, họ là những con người như tôi. Tôi đã có thể trở nên như họ và làm những việc như họ đang làm”. Cho dù người kia là tên sát nhân xấu xa nhất, cho dù, một cách đơn giản hơn, người kia không làm những việc tỏ ra mình có trách nhiệm đối với người khác, tôi vẫn không được lên án người ta, nghĩa là tuyên bố loại người đó ra khỏi thân phận làm người, họ không phải là một tên điên, họ vẫn là một người anh em, không nên trốn họ, coi như người hủi hay người mắc dịch, nhưng phải thừa nhận họ, mặc dầu không vì thế mà chấp nhận những điều ngang trái họ làm. Câu “đừng xét đoán” của Chúa Giêsu là một lời nói cách mạng. Lời đó có nghĩa là không thể đồng nhất ai với những hành động người ấy đã có thể vi phạm, hoặc với chủ nghĩa sai lầm hơn hết họ nhắm mắt theo.

Chúa Giêsu đã không lên án các đao phủ Ngài: “Họ không biết việc họ làm”. Đó là lời Ngài đã nói trên cây thập giá khi cầu nguyện với Abba. Ngài đã không bỏ rơi những người trước kia lên án và làm khổ Ngài. Và ngay trong giờ Ngài đang hấp hối, Ngài đã không ngừng phó thác cho Abba Ngài, tức cho vị Thiên Chúa vốn không hề chết. Ngài bị bỏ rơi tận cùng hơn hết, nhưng không vì thế mà trốn tránh thân phận làm người. Một trong những dấu chỉ lạ thường chứng tỏ Ngài không để cho cơn hấp hối hoàn toàn xâm chiếm, là cử chỉ Ngài đối với một trong những người cùng chịu đóng đanh với Ngài. Trong khi Ngài bị treo trên thập giá và không còn gì cả, Chúa Giêsu vẫn còn thấy có việc phải làm. Con người ấy công nhận Ngài đã không làm điều gì ác và nhìn nhận chính mình có tội, vì anh ta đã nói với Người gian ác kia:

“Phần chúng ta, chúng ta chịu phạt là xứng với hành động của ta. Đó là chuyện công bằng”. (Lc 23, 41).

Với con người nhìn thấy mọi sự theo phạm trù lành dữ, Chúa Giêsu đã hứa: “Anh sẽ ở với Ta” như bạn đồng hành. Ngay lúc đó, Ngài quả quyết với anh ta rằng: anh là người bất lương và Ngài là người vô tội, cả hai đang cùng đoàn kết với nhau. Và qua đó Ngài còn tỏ cho thấy rằng: Abba của Ngài đón tiếp mọi người bất kỳ ai, ngay lúc họ đến gần người bị bỏ rơi. Thế mà người ấy nói với Chúa Giêsu và đón nhận Ngài. Trong lúc tên khốn nạn thứ hai chế diễu Ngài cùng với mọi người khác như những người lãnh đạo dân chúng và binh lính, thì người đến gần Chúa Giêsu trên cây thập giá, lại chính là người đồng bạn bất hạnh kia.

Khi Chúa Giêsu, muốn biểu tưởng hóa cái chết sắp xảy ra kia, Ngài chọn dấu chỉ việc Ngài tự hiến mình cho người khác (hoặc bằng một lễ nghi phụng tự như tiệc ly, hoặc bằng một hành vi như rửa chân cho các tông đồ). Vấn đề là đón nhận quà tặng, đón nhận sự sống của Ngài như người bất lương đã làm trên cây thập giá. Vấn đề là để Ngài rửa chân cho, chấp nhận để Ngài phục vụ cho, rồi từ đó cũng làm theo như vậy. Hành động của Chúa Giêsu, việc hiến mình cách quảng đại và cao cả cho người khác, việc Ngài liên tục lắng nghe và đi đến tha nhân, để chữa lành vết thương của họ vì bị cô đơn, vì họ mắc tai họa, tất cả những cái đó, từ nay những người muốn sống, muốn hành động như Ngài, phải đem diễn tả ra, trong hành vi cử chỉ của mình. Phép Thánh Thể tỏ cho thấy Chúa Giêsu đã hành động như thế nào suốt cả cuộc đời của Ngài, Ngài đã không ngừng thí mạng sống mình từng ngày làm sao cho đến chết và nhắc cho nhớ Ngài đang hoạt động hôm nay và Ngài mời gọi tôi hành động với Ngài như Ngài đã làm.

Chúa Giêsu không đến thiết lập một lối thờ phượng giống như các lối thờ phượng từ xưa Ngài là một cái gì vượt xa sách vở với đền thờ, vượt xa Lề luật, với Giêrusalem hoặc Garizim, đó là lối thờ phượng mới, tôn trọng con người, sự hiệp thông giữa người này với người nọ biết đến gần với nhau.

Trong khi Chúa Giêsu nằm trên thập giá, Abba của Ngài không vắng mặt đâu. Abba đã không ngừng ghi nhớ và nắm trong tay con người đã loan báo danh sách đích thật của Ngài là Cha cho mọi người là anh em của Ngài, Abba sắp tỏ ra Ngài gần với Chúa Giêsu đến mức nào khi Chúa Giêsu phục sinh. Abba là Đấng vốn sống động lòng thương con người vô tội bị xử tử kia, nên Ngài chỉ có thể nhờ và cho Đức Giêsu một cuộc tái sinh và tái tạo thành. Chúa Giêsu đã thắng cuộc, vì Ngài đã đồng hóa mình với mọi người bé nhỏ, với mọi người không có quyền lợi gì, với những ai cùng khổ và lo sợ. Ngài đem mọi người ấy theo Ngài vào trong Vương quốc, vào trong cuộc sống mới của Ngài. Chính Ngài đã chọn họ làm đồng bạn trong suốt cuộc hành trình của Ngài. Abba của Ngài không thể ngăn cấm Ngài đem họ theo Ngài vào Thiên đường!

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 68-80

---------------------------------------

* Bài liên quan

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)