Các mối Phúc thật hôm nay (11): Những người muốn nên nghèo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2324 | Cập nhật lần cuối: 2/5/2017 8:00:44 AM | RSS

(Tiếp theo)

Phần II: Các mối Phúc thật

10. Những người muốn nên nghèo

Thánh Mátthêu

Thánh Mátthêu ghi thêm vế “trong tinh thần”. Người ta bàn tán nhiều về người nghèo trong tinh thần ấy, đến nỗi đi tới chỗ hiểu sai và coi đó như một lời chê cười khả nghi đối với hạng thấp trí! Không thể chối cãi được là thánh Mátthêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó, trong tiếng Hipri, Âpâu là con người cúi mình dưới một gánh nặng, con người thiếu cái gì đó để sống.

Đó là con người chấp nhận thân phận thiếu thốn của mình, là con người, tự trong đáy lòng, nhìn nhận tình trạng không sung mãn ấy, mà không phản đối lại.

Nếu muốn, có thể dịch là “khiêm nhu”. Những từ ngữ ấy ngày nay không còn được chấp nhận, vì thường có hàm ý tội nghiệp, không phải trước tiên đó là những “người khiêm nhu” theo nghĩa ‘những con người hèn kém’ mà Mátthêu nói ở đây.

Các mối Phúc thật hôm nay (11): Những người muốn nên nghèo

Trong mối Phúc thật, thánh Mátthêu đưa ra có một yếu tố dẫn đầu. Đó là sự tự nguyện. Những “con người nghèo”, “những con người khiêm nhu”, “những con người bé mọn” này là những người nam và nữ đã quyết tâm sống cái hoàn cảnh ấy. Một ngày nào đó, họ đã khám phá ra trong lòng họ điều này là chẳng có ích lợi bao nhiêu để mà cứ muốn lấp đầy liên tục kẽ hở và lỗ trống vốn đã có sẵn trong thâm tâm con người và không có gì sẽ đến làm người những điều thất vọng cơ bản của mình: việc chạy theo quyền bính đủ thứ vẫn để họ phập phòng không bao giờ thỏa mãn, cho nên họ đã muốn loại trừ cơn chóng mặt bên trong và cuộc đeo đuổi quyền bính. Họ đã có nhiều tham vọng, họ đã từng hăng say và phẫn nộ, đã nếm thử bao nhiêu thành công và đắc thắng. Họ đã cảm nghiệm nỗi đắng cay và sự trống rỗng của những cái đó. Việc họ chạy lên phía trước chỉ làm kích thích thêm những nhu cầu của họ, không bao giờ cho họ yên tâm nghỉ ngơi. Họ lại còn nhận thấy rằng chính việc hưởng thụ lại là cái luôn luôn kích thích thêm và việc đeo đuổi tìm tới làm cho họ thích hơn là việc chiếm đoạt được.

Nếu quả thật tác giả Tin Mừng Mátthêu theo một truyền khẩu cựu trào, là chính tông đồ Lêvi, thì ông Mátthêu biết rõ điều ông muốn nói là gì, vì một người thu các loại thuế xưa ở Phalêtinh có quyền hành dễ sợ: ông có thể dễ dàng đàn áp người dân, coi họ không ra gì, bắt họ ở tù, sử dụng và lạm dụng chức vụ của ông. Không phải dễ gì bỏ lại chức vụ ấy để đi theo Đức Giêsu. Nhưng chắc chắn tâm hồn ông ta đã thay đổi ngay trước khi Chúa Giêsu kêu gọi ông và chắc chắn ông đã ngán việc bóp nặn nhân dân rồi; quyền hành của ông không còn đem lại cho ông thích thú gì nữa. Những người “nghèo” theo nghĩa là không có cái tối thiểu để sống, cho dù đó là những người thuộc ‘thế giới thứ tư’ hay là thuộc các nước kém phát triển; họ đã không chọn sống nghèo; hoàn cảnh đã bắt buộc họ, họ muốn ra khỏi đó và người ta phải làm tất cả để giúp họ ra khỏi hoàn cảnh ấy. Những “người có lòng nghèo khó”, thánh Mátthêu nói đây, đã có ý thức về cái phù vân của những thứ “vơ vét cho đầy”: tham tiền, tham của, tham giới tính, muốn có thêm mãi chẳng đi tới đâu. Họ gỡ mình khỏi cuộc chạy đua điên khùng. Họ chọn một cuộc sống mới: chấp nhận sự túng thiếu.

Không phải cuối cùng họ đầu hàng bỏ khí giới xuống, theo nghĩa là chán nản đâu. Họ đã hiểu ra một chiều kích khác của cuộc sống. Họ không còn muốn hành nghề để hành nghề, hay thành công để thành công. Một cuộc biến đổi chả có gì là ngoạn mục đã thực hiện trong họ. Họ đã vượt tuyến và thường là không thể nào quay lại, bởi vì bây giờ họ đã nếm hưởng được một niềm vui, mà trước kia họ đã không ngờ.

Thánh Mátthêu, qua mối Phúc thật đầu tiên nói cho chúng ta về niềm vui đó, niềm vui “Tin Mừng” hứa ban cho ai biết thừa nhận rằng người khác, mọi người khác cũng có giá trị như bản thân mình, rằng: ta phải yêu thương tôn trọng người khác, ngay cả khi họ là một kẻ thù, một người phá hoại, một người vô trách nhiệm, bởi vì không kính trọng người khác, tức là làm cho bản thân mình mất danh dự và mất tính người. Nghèo là con người khi nhận thấy có một lỗ trống to tướng nơi lòng mình, biết lột bỏ tính tự mãn của mình, không còn tìm những phương thế bên ngoài để lấp đầy lỗ trống kia và từ từ để cho tha nhân xâm chiếm vào chỗ ấy.

Đức nghèo khó đi ngược với sự vinh quang. Người ta còn nhớ câu nói của bà Stael: “Vinh dự là cái tang huy hoàng của sự may mắn”. Khi bản thân Chúa Giêsu hiện ra “trong vinh quang” sáng chói của cuộc Biến Hình, chính là để báo ngay cho 3 tông đồ biết là Ngài cần trải qua thống khổ và sự chết. Thiên Chúa quang vinh đã tỏ mình ra trong sự nghèo hèn, Giáo hội đã rất nhiều lần muốn tỏ cho thấy vinh quang của Thiên Chúa trong cách xây lên những đài kỷ niệm cho vinh quang của chính Giáo hội, bằng cách tìm quá nhiều phương tiện ít giá trị Tin Mừng để tự đặt mình làm như một thế lực.

Nhà triết gia Michel Serres nói về vinh quang như thế này:

“Vinh quang là một chùm ánh sáng đến từ mặt trời, như một thứ hào quang. Người ta hỏi tôi nghĩ hay biết gì về vinh quang và tôi trả lời rằng: tôi đã thấy. Vâng, tôi đã nhìn thấy vinh quang lúc tôi còn thơ ấu và không thể nào quên được. Tôi đã thấy chớp lòe của Hirosima và từ đó tôi đã thường thấy bốc lên cột lửa của bom nguyên tử. Tất cả những cái tự kiêu vặt của chúng ta đi tới đó, tất cả triều sóng đê hèn nghĩ là đáng mơ ước đang lưu chuyển ở giữa chúng ta, nó đang đi đến hậu kết ấy.

Tất cả cuộc chạy đua tới vinh quang, nhỏ, hay lớn, cuộc ẩu đả điên khùng trong một quán nhậu giữa những tên lưu manh để lòe mắt bọn con gái, hay là cuộc tranh luận lớn về tư tưởng trong các tờ báo viết hay báo ảnh, vốn làm say mê quần chúng, đều lấy làm cứu cánh, làm mục tiêu, làm chân lý, cái luồng ánh sáng kia ở giữa các đám mây. Cuối cùng ta biết vinh quang dẫn tới đâu, vì thế ta có thể phần nào khôn hơn tổ tiên ta. Những người trong chúng ta chiếm được vinh quang lớn nhất, thì phần thưởng họ đã được là chỉ vung bàn tay một cái là có thể sản xuất ra cái vinh quang bao la ấy ở trên đầu họ, ở trên những cái đầu chúng ta đã bị thủ tiêu hoàn toàn! Như xưa kia người ta đã nói, cả trời đất đã đầy vinh quang của họ”.

“Từ 40 năm nay, chúng ta biết rằng kẻ nào mơ ước chỉ một chút vinh quang, người đó nhúng tay vào vụ Hiroshima.

Điều ấy có đáng ước mơ đến thế chăng”?

(báo Le Monde 22.7.1983)

Người ta đã thấy với những con người như Staline và Hitler, việc tìm kiếm quyền hành đem lại những tai họa nào. Điều ngược với đức ‘nghèo khó của tâm hồn’ là bước leo thang được tỏ hiện ra trong các thể chế độc tài. Chaude Lefort bàn trong cuốn sách “Một người dư thừa” (un homme en trop) đã cho thấy những chế độ ấy vận hành như thế nào. Chế độ đồng hóa nhân dân với ông chủ độc tài. Ông chủ này thực hiện công trình đồng nhất hóa xã hội một cách triệt để, bằng cách tạo ra liên tục cho mình một đối phương, một con người dư thừa, cần phải loại trừ đi liên tục, để không ngừng làm chứng rằng: chẳng có gì ngoài quyền bính của ông chủ đó.

Chaude Lefort, đi từ nhận xét đó để nghiên cứu thế nào là nền dân chủ: nơi của quyền hành được mô tả như là một nơi trống, một nơi không có chiếm hữu. Như thế sẽ không định nghĩa xã hội như một bản thể thống nhất, xã hội không thu nhỏ lại trong một bộ phận nằm lên trên xã hội. Ngoài quyền bính ra, xã hội còn có những luật lệ, những môi trường tri thức. Mỗi người có quyền được thừa nhận. Cũng như xã hội khiến mỗi người đi vào trong chính mình, để khám phá ra cái lỗ hổng nằm ở trong mình và không được muốn bằng bất cứ giá nào lấp đầy lỗ hổng ấy, nhưng đúng hơn phải làm ngược lại, thì cũng theo một cách như thế, đức nghèo khó tâm hồn, trên bình diện xã hội, đòi hỏi người ta phải thừa nhận là chẳng ai có quyền tuyệt đối, là có những phạm vi chính trị, pháp lý kinh tế khác nhau, là các nền văn hóa và phong tục tập quán, các sở thích và thái độ vốn không đồng nhất và không thể là đồng nhất được. Không thể có sự đa dạng trong một tỉnh, trong một quốc gia trong toàn thể địa cầu chúng ta, nếu không có đức nghèo khó tâm hồn, không có sự thừa nhận lẫn nhau, không chấp nhận là có những cái khác biệt.

Khi nói về đức nghèo khó tâm hồn, thánh Mátthêu cũng đụng đến một vấn đề riêng là óc biệt phái.

Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, óc biệt phái là cái phản lại sự nghèo khó tâm hồn. Chương trình của biệt phái muốn dung hòa hai yêu sách đối nghịch nhau: một bên là khuynh hướng bảo thủ, tôn trọng toàn diện Lề luật, thành văn, và truyền khẩu; bên kia là ý muốn thích nghi các lề luật ấy vào cuộc sống hằng ngày. Thế là giữa lời nói và hành động liên tục có nguy cơ bị trượt bánh xe. Chính cách biệt phái đặt vấn đề đã sai lệch rồi, bởi vì việc quá nhấn mạnh đến chữ đen, như trong mọi chủ trương quá khắt khe theo nguyên tắc lại dẫn đến căng thẳng và thái độ nhìn thấy tôi khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày và từ những dồn nén liên tục ấy, không thể không sinh ra những cuộc bùng nổ có tính khiêu khích hoặc những lối sống hai mặt và giả hình kinh khủng.

Chúa Giêsu không chấp nhận lập trường đó, cách đặt mức quá cao có tính kiêu ngạo và chỉ hợp với nhóm thượng lưu như thế, chỉ có thể sinh ra ngã lòng và thất vọng cho những người dân tử tế, đầy thiện chí, cứ ngây thơ nghĩ rằng chính Biệt phái làm tất cả những gì họ nói. Đàng khác bọn Biệt phái còn bị tấn công bên cánh hữu của họ, bởi nhóm Êssêniên vốn chưa thấy họ cấp tiến đủ và trách họ vì có những thỏa hiệp tinh vi. Thế là từ mọi phía, Biệt phái đều bị chỉ trích là “giả hình”, là những con người mà đạo lý và thái độ sống mâu thuẫn với nhau. Bọn Biệt phái không phải là không biết những lời chỉ trích ấy, và nhóm họ còn bất đồng ý kiến giữa phe chủ trương nhiều khắt khe hơn nữa và phe yêu cầu phải thích nghi rộng rãi hơn. Ít lâu sau khi Chúa Giêsu qua đời, họ sẽ chia thành hai trường phái kình địch nhau: trường phái tự do và trường phái nhặt nhiệm.

Các cộng đoàn Kitô tiên khởi sẽ bị sách nhiễu cách riêng khoảng năm 80, do trường phái nhặt nhiệm của những người Schammai vốn đã kịch liệt chống trường phái tự do của Hillel và đã hiệp với dân ngoại. Vậy khi Mátthêu lấy lại những lời Chúa Giêsu lên án Biệt phái, thì đồng thời cũng nâng đỡ các cộng đoàn kia.

Thánh Mátthêu lấy lại những lời Chúa Giêsu lên án người Biệt phái và theo cách của mình, ông tập trung vào một diễn từ duy nhất, đó là tất cả chương 23, vốn là mặt trái của bài Giảng trên núi. Óc biệt phái được họa lại trong đó một cách sống sượng và khá tàn nhẫn: “Các ông làm bộ kéo dài kinh nguyện.”, “những người dẫn đường mù quáng… họ thích ăn trên ngồi trước trong bữa tối và trong hội đường, thích cho người ta chào hỏi giữa chợ và gọi là Rabbi”.

Quân giả hình, đó là cái tên lặp đi lặp lại không ngừng, “các ông giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương cốt và ô uế, “đồ rắn độc”. Và liên quan trực tiếp đến cộng đồng tiên khởi thì có câu:

“Tôi gửi đến cho các ông nào là các tiên tri, nào người khôn ngoan, nào là ký lục. Các ông sẽ giết và đóng đinh họ. Các ông sẽ đánh đòn họ trong các hội đường, lùng đuổi họ từ thành này đến thành khác”.

Có một thứ chủ nghĩa độc tài tinh thần bị Chúa Giêsu tấn công liên tục; Đức “khó nghèo tinh thần” đi ngược lại thứ độc tài ấy. Trong mối Phúc thật về sự khó nghèo tâm hồn, Chúa Giêsu kịch liệt đả kích tất cả mọi cuộc chạy theo quyền hành: phúc cho ai không gia nhập vào cuộc chạy đua ấy, hoặc rút ra khỏi đó, như vậy trong cuộc sống xã hội trần gian và cũng đúng như vậy các Giáo hội, vì trong đó cũng có thể có một thứ đô hộ của những người được gọi là nắm quyền thiêng liêng, nhưng lại có khuynh hướng muốn áp đặt xu hướng nhặt nhiệm, muốn bày ra những yêu sách bên ngoài, để ngược đãi các đồ đệ của Chúa Giêsu.

Phúc cho những người nghèo trong tâm hồn, những người biết tương đối hóa tất cả những gì họ nắm trong tay như sức khỏe, tiền bạc, hiểu biết, quyền hành, trách nhiệm, không nắm giữ bấy nhiêu để xài riêng cho mình, nhưng để phục vụ mọi người, một cách đơn sơ, không tìm vinh dự nhỏ nhen.

Phúc cho những ai biết gạt bỏ những dự tính tự mãn vô ích, để xây dựng những dự án cho toàn thể cộng đồng, hoạt động vì phúc lợi chung. Phúc cho những ai không nghĩ rằng mình nắm tất cả sự thật và lại càng bênh vực phần chân lý có nơi mỗi người, cách riêng nơi những người thấp cổ bé họng không có điều kiện phát biểu ý kiến của mình. Phúc cho những ai thoát khỏi mọi thứ giàu sang giả dối, gặp được kho tàng đích thực và nhờ đó khám phá ra niềm vui của những người du khách, tay xách nách ôm.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 130-140

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)

Các mối Phúc thật hôm nay (10)