Các mối Phúc thật hôm nay (12)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2255 | Cập nhật lần cuối: 2/26/2017 11:03:58 AM | RSS

(Tiếp theo)

Thánh Luca

Xem ra thánh Luca có vấn đề với của cải vật chất, một vấn đề riêng biệt. Phải chăng trước khi trở lại, chính bản thân ông đã bị của cải đời này cám dỗ? Dù sao, ông thường hay nhấn mạnh về điều đó. Và trong khi thánh Mátthêu vẫn còn cái nhìn theo Cựu Ước, cho của cải giàu sang là phước lành Thiên Chúa, thì nơi thánh Luca, ta không gặp thấy cái nhìn ấy.

Đồng thời có sự đa diện. Một đàng thì chỉ trích của cải nặng nề: “Tội nghiệp cho những người giàu!”, đàng khác, xem ra lại bằng lòng với của cải, vì Chúa Giêsu chấp nhận sự trợ giúp của bà vợ giàu có của một người công chức phục vụ cho Vua Hêrôđê (Lc 8, 3), và thánh Luca không ngần ngại sử dụng những câu khẩu hiệu như: “Hãy tạo ra bạn bè với Thần Tài (mamon) bất lương” (Lc 16, 9)

Mamon, đó là của cải bất lương, nó làm cho một người nào đó tin rằng mình được hoàn toàn bảo đảm, mình chả cần ai. Chúa Giêsu nói một cách triệt để trong hai bản văn duy nhất (Mt 6, 24; Lc 16,9-13) dùng tiếng Mamon: “Anh em không thể cùng một lúc vừa tin tưởng vào Thiên Chúa, vừa tin tưởng vào Mamon”.

Thánh Luca cũng quên không chuyển lại điều mà thánh Gioan và Máccô kể lại. Những lời nói của người Biệt phái khi Chúa Giêsu ngồi dùng bữa ở nhà ông và ông ấy tính là dầu thơm mà người đàn bà tội lỗi đổ ra như thế, có thể bán được 300 đồng để giúp người nghèo (trong thánh Mátthêu thì chính các đồ đệ bực mình):

“Tại sao phí của như thế? Dầu thơm này có thể bán rất đắt và đem cho người nghèo”. Cũng cần để ý rằng nơi thánh Luca, chính những người thu thuế hay phụ nữ đàng điếm mới có ý thức về sự rộng rãi hào phóng thực sự như câu chuyện ông Giakêu, mà chỉ có mình thánh Luca kể lại: “Đó là một người thủ trưởng thu thuế, ông ta giàu có” (19, 2). Ông ta chia một nửa gia tài cho người nghèo, và những gì ông ta đã gian lận của người nào, ông trả gấp bốn cho người ấy. Còn người giàu trong dụ ngôn, thì không sẵn lòng cho người nghèo và ông đó vẫn giàu cho đến chết.

Người giàu rất khó từ bỏ của cải mình, khó hơn con lạc đà – là con vật đối với người Do Thái – chui qua lỗ kim (Lc 18, 25).

Như vậy, thánh Luca ghi lại những lời dạy dỗ của Chúa Giêsu về của cải giàu sang, mà ta không gặp thấy nơi mấy tác giả Tin Mừng khác. Điểm chủ yếu chắc chắn là điều đã nói về Mamon: Người ta không thể căn cứ vào cuộc sống của mình trên hai cực mâu thuẫn: Thiên Chúa và Mamon: ‘Người ta không thể phục vụ hai chủ’, không thể vừa qui chiếu vào Thiên Chúa, vừa qui chiếu vào Mamon. Cần phải biết mình tin tưởng vào ai, biết kho tàng chúng ta nằm ở đâu: “Kho tàng ở đâu, lòng bạn cũng ở đó” (Lc 12, 34).

Có một thứ tiền bạc, của cải, chức quyền đem lại cho người nào đó sự bảo đảm triệt để. Lúc bấy giờ người ta dựa vào đấy, người ta tự đồng hóa mình với cái mình có và coi những người khác như không còn nữa (Lc 16,19-22). Chúa Giêsu nhấn rất mạnh trên sự ngạt thở của con người do của cải gây nên: rõ ràng nó làm cho bạn ngạt thở, cũng như gai góc nghẹt hạt giống kia (Lc 8, 14), nó ngăn không để cho bạn nên người: “chín chắn” (Lc 8, 14), người ta tự đóng khung lại trong chính mình, thánh Luca cũng còn là người duy nhất kể lại câu chuyện về một người giàu khác: “Ruộng đất của ông đem lại nhiều hoa lợi, ông tự nhủ: “làm gì bây giờ? Mình không có chỗ để tập trung sản phẩm của mình, mình sẽ triệt những kho lẫm của mình, rồi xây lên những cái to hơn, mình sẽ tích lũy lúa mì và mọi của cải mình vào đó. Rồi tự bảo mình rằng: người có nhiều của và cho nhiều năm. Thôi, hãy nghỉ ngơi, ăn uống chơi bời thưởng thức đủ thứ” (Lc 12,16-19). Thế nhưng ông ta chết đêm hôm sau và Thiên Chúa nói với ông ta:

“Của cải ngươi đã tích trữ, ngươi để cho ai?” Chúa Giêsu nói: “Vấn đề là đừng tích lũy cho mình, nhưng phải làm giàu cho Thiên Chúa” (12,20-21). Và Chúa nói lên điều đó vào một thời mà sự tập trung của cải được thực hiện càng ngày càng mạnh mẽ, những người có nhiều tiền bạc lại càng làm lợi nhiều thêm, có cả một cảnh phồn vinh giả tạo về mậu dịch và về xuất khẩu, kể từ ngày có Hòa bình La mã.

Của cải vật chất không chắc chắn, nó chẳng bao giờ bảo đảm tuyệt đối cho ngày mai, đó là điều thánh Luca nhấn mạnh:

“Ngay cả khi có rất nhiều của cải, cuộc sống vì thế, phải coi chừng đừng vơ vét để mà vơ vét, đừng dùng cả một đời người để tăng thêm của cải và mở thêm tài khoản của mình ở ngân hàng. Đối lập với sự vật hay hư nát là tiền vì tiền, Chúa Giêsu đưa những kho tàng của Thiên Chúa, đưa ra Vương quốc trên trời: “Anh em hãy tìm Vương quốc, còn lại sẽ ban thêm cho anh em” (12, 31). “Vương quốc”, đó là cái bảo đảm và chắc chắn: Đó là ví tiền không hư hoại, là kho tàng vô tận, trộm cướp và mối mọt không thể nào đụng tới (12, 33).

Thánh Luca cho thấy người giàu thiếu chín chắn và tính toán sai. Cơn sốt hấp ta hấp tấp muốn tăng thêm của cải làm cho người đó không còn khả năng nhìn xa hơn giây phút hiện tại. Nó làm cho người đó bị ám ảnh vì của cải vật chất và không còn nhìn thấy con người của mình. Người đó không còn tình cảm, không còn khả năng sống trong tương quan với người khác, tai hại biết bao!

Vấn đề là phải dự phòng tương lai, đó là điều thánh Luca trình bày trong câu chuyện ông “quản lý” của “một người giàu” (Lc 16, 2). Chắc chắn người giàu kia sống lại thành phố và thỉnh thoảng ông ta đến kiểm tra công việc. Nhưng tên quản lý lợi dụng thời cơ – và dĩ nhiên lợi dụng sự vắng mặt của ông chủ để lãng phí gia sản của người giàu.

Vậy ông chủ đòi anh ta kiểm tra chi tiêu bấy giờ tên quản lý lợi dụng chút thời gian còn lại trước khi anh ta bị giải nhiệm, để gây cho mình những tình bạn, vững chắc sau khi bị thải hồi – bởi vì anh ta chẳng ham tí nào cảnh bị hạ xuống ngang hàng với người dân công làm việc không ở mỏ nào (“cuốc đất”, Lc 16, 3) hoặc với người ăn xin. Anh đòi từng con nợ đến, làm lại giấy chứng nhận món nợ, dĩ nhiên bằng cách giảm bớt xuống.

Điểm lý thú trong câu chuyện, đó là “người giàu kia”, không thể không thừa nhận rằng: tên quản lý đã sử thế một cách thông minh. Thánh Luca đề nghị với những con người Kitô hữu phải xử thế như vậy, cũng phải khôn ranh, phải biết đâu là cái lợi đích thật, là cái vốn thật của mình là đảm bảo cho mình khỏi mọi nguy cơ.

Chỉ có thánh Mátthêu nói đến “người thanh niên giàu có” (19, 20). Thánh Luca cũng trình bày cùng một tích truyện, nhưng nói rõ đó là “một người lãnh tụ” (Lc 18, 18). Chúa Giêsu đề nghị với người ấy phải thực hiện điều người ấy đang còn thiếu: đem đổi gia tài của mình – đem phân phát cho người nghèo – với kho tàng trên trời. Và chỉ sau đó, mới đi theo Ngài: “Người ấy, khi nghe như vậy, thì hết sức buồn, bởi vì anh ta rất giàu có”. Thấy vậy Chúa Giêsu nói: “Thật khó cho người nào có tiền bạc vào được Vương quốc Thiên Chúa!” (Lc 18,23-24).

“Ai theo Chúa Giêsu”, đối với thánh Luca, đòi hỏi hành động trước tiên triệt để, là phải thay đổi kho tàng, chọn kho tàng trên trời. Người nào biết theo Chúa Giêsu khi được sai đi truyền giáo mà không mang theo tiền bạc (Lc 9, 3). Các Tông đồ, sau khi gặp người “lãnh tụ rất giàu”, mà không có khả năng từ bỏ của cải của ông ta, liền nói với Chúa Giêsu: “Còn chúng con, chúng con đã bỏ của cải mà đi theo Thầy” (Lc 18, 28).

Chúa Giêsu hứa với họ “gấp nhiều lần hơn ở đời này và sự sống đời đời trong thời đang đến” (Lc 18, 30). Chúa không nói đến những của mà họ đã có thể bỏ lại – chắc chắn các Tông đồ không phải là những người giàu – nhưng Chúa đứng trên lãnh vực khác: “Không ai đã bỏ cửa nhà, hoặc vợ hoặc anh em, hoặc cha mẹ vì Vương quốc Thiên Chúa…” (Lc 18, 29). Vế “gấp nhiều lần hơn ở đời này” chắc muốn ám chỉ gia đình mới và rộng lớn hơn nhiều, mà họ có được bằng cách gia nhập vào cộng đoàn những người đồ đệ Chúa Giêsu.

Dụ ngôn những nén vàng – thánh Luca nói đến đồng “mine” là thứ tiền Hy lạp (một “min” ăn bằng 15 năm lao động) – thường người ta đã giải thích một cách phàm trần: phải làm lợi những ân huệ người ta đã nhận được. Nhưng câu chuyện Luca kể lại có một ý nghĩa nhận định. Mỗi người trong số 10 người tôi tớ đều nhận được 1 đồng, trước khi chủ ra đi, và ông chủ giao cho họ sứ mạng là trong lúc ông vắng mặt, phải sử dụng đồng min ấy để “lo công chuyện làm ăn” (Lc 19, 13). Khi ông về, ông đòi phải thanh toán. Đối với những người đã thành công làm lợi được 10 hoặc 5 đồng người chủ ban cho quyền trên 10 hoặc 5 tỉnh, tức là phần thưởng tùy theo mức độ của những công việc đã thực hiện được. Sau đó có một tên đầy tớ đến trả lại đồng min của nó, nó đã giữ kỹ, thế thôi. Nó giải thích là vì nó “sợ” (19, 20) và cái sợ đó đã làm cho nó bị tê liệt. Sợ cái gì? Vì biết rằng chủ nó là một “người yêu sách”, vốn thu hoạch cái ông ta không gieo. Ông chủ trả lời: “Tao không bảo mày nói điều đó: mày đã biết là tao thu hoạch cái tao không gieo”.

“Sợ” không phải là lý do chữa mình và con người Kitô phải nhớ rằng “Vương quốc” đòi buộc phải sử dụng của cải đời này để lo những việc trên trời. Đó là một thứ luật về lợi nhuận cần phải áp dụng, không có vấn đề cứ dìm mình trong sợ hãi, cũng như người quản lý kia đã có ý kiến tự tạo cho mình những người bạn với tiền bạc của ông chủ, thì con người Kitô phải tạo lấy cho mình một kho tàng trên trời với những gì mình đang có, với mamon kia, những của cải xem ra chắc chắn, mà thật là không, nhưng phải sử dụng để tạo cho mình một nguồn lợi vĩnh hằng ở trong Vương quốc.

Ở đây có một quan điểm khác: phải “trả lại” theo nghĩa sinh lời. Đó là một lời mời gọi linh động nói với những con người Kitô. Trong câu chuyện về những đồng bạc ấy, ta gặp lại cùng một câu – cùng một sự đề phòng – như trong câu chuyện người gieo giống: “Đối với ai đang có, thì được ban cho. Đối với ai không có gì, thì người ta lấy cái nó đang có” (Lc 8, 18; 19, 26). Từ cả hai bên, vấn đề là “phải sinh trái”, phải “làm lợi” phải “là đám đất phì nhiêu” (Lc 8, 15). Những người sẽ được ban cho, đó là những người sẽ “nghe lời” với một tâm hồn mở rộng và đại lượng (Lc 8, 15), cho nên vấn đề là phải có tâm hồn cởi mở, chứ không tự khép kín mình trong sợ hãi, và chính “nhờ sự kiên trì” (Lc 8, 15), ta mới sinh hoa kết quả gấp trăm (Lc 8, 8).

Như vậy, mỗi người Kitô có thể chắc mình có khả năng, nếu mình muốn, để sinh hoa trái cho “Vương quốc”, không được sợ, điều cần thiết là đón nhận ân huệ kia của Abba, từng ngày, mà không cuộn mình lại, nhưng mở ra cho mọi người khác.

Có cả một sự tế nhị lạ lùng của Chúa Giêsu mà thánh Luca cho thấy rõ ràng. Ngài trấn an dân nghèo không có gì cả, bằng cách chỉ cho họ thấy rằng của cải thật ra chả ăn nhằm gì với “Vương quốc”, nó không làm cho một con người nổi bật tí nào trước mặt Thiên Chúa, trái lại nó là một chướng ngại, và ngược lại, thân phận con người được chấp nhận ngày này qua ngày khác trong sự nghèo nàn của nó lại là một sự giàu sang trước mặt Abba. Chính cử chỉ “rộng rãi và đại lượng” mới đáng kể, còn người giàu là con người giữ lấy tất cả, ôm chặt của cải vào mình. Chúa Giêsu nêu rõ điều Ngài đã thấy tận mắt: Ngài đang nhìn “những người giàu bỏ của cúng vào hòm tiền Đền thờ” (Lc 21, 1). Và này đây “một bà góa nghèo nàn”, một bà góa, tức là một người đã mất hết tất cả những gì bảo đảm chỗ đứng của mình ở trong xã hội, tức là cái nghèo hiện thân, này một bà góa đến đặt vào đó hai đồng cắc không là gì. Và Chúa Giêsu tiếp:

“Bà góa đó, nghèo, đã bỏ nhiều hơn tất cả mọi người: vì những người kia đã dâng phần dư thừa của họ, còn bà đã ném vào đó tất cả cái nghèo túng của bà” (Lc 21,2-3).

Làm lợi từ cái không.

Ngay từ đầu Tin Mừng của ông, thánh Luca đã cho thấy vị Thiên Chúa của Đức Giêsu đang đảo ngược những quan điểm thông thường. Quyền hành của cải tất cả những gì ngăn cản không cho bạn được giải thoát, đi tới trước, tất cả những của cải cần bảo vệ kia thường nhốt bạn lại với chính mình, tất cả bấy nhiêu đều phải được lật đổ đi. Người ta không thể đặt tương lai mình trên những tài sản hay hư hỏng. Trong tiếng tung hô dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã thừa nhận Ngài, Đức Maria hát lên rằng “Chúa đuổi hạng giàu có ra về tay không” (Lc 1, 53) (Luca là người duy nhất chuyển lái bài Magnificat).

Vấn đề ở đây không phải là tu luyện và khổ chế. Chúa Giêsu đã không đề nghị đường lối của ông Gioan Tẩy Giả, và người ta còn trách móc Ngài vì liên hoan ở nhà ông Lêvi, vì biết uống biết ăn. Chúa Giêsu không lên án cuộc sống hằng ngày lương bổng và những niềm vui. Ngài lên án óc chiếm hữu để chiếm hữu là điều ngăn cản không cho vui hưởng và thưởng thức cuộc đời, mà chỉ mang lại những hệ lụy, khiến ta hoàn toàn bị bủa vây, chi phối bởi nhu cầu làm lợi thêm luôn và không còn thì giờ cho việc gì khác, cũng không còn thì giờ để lo cho ai khác nữa.

Người giàu có giấu là giấu sự cô đơn, giấu nỗi băn khoăn lo lắng và sự trống rỗng. Họ thật mong manh đàng sau những thành trì bằng giấy. Người nào sợ, người nào xuất hình lộ diện luôn luôn như một nạn nhân, cũng là một loại người giàu, cho dù người đó không có nhiều của, bởi vì người đó cũng tự dựng lên những chướng ngại vật trong bệnh tật của mình như trong một pháo đài, người đó tự chôn với đồng “min” của mình.

Người nào coi đức tin là một tài sản, người nào tự đóng kín trong xác tín của niềm tin, người nào nhìn những kẻ vô thần là kém thua mình về một cái gì, thì kẻ ấy cũng là một người giàu. Người giàu tự dối mình và đó là những con người bị lừa.

Thánh Luca lột hết những thứ mặt nạ ấy và yêu cầu một đức nghèo khó thật, một thứ cao sang biết cởi bỏ những y phục bằng vàng dính vào da thịt của bạn và không cho bạn đi đứng tự do. Có câu thơ của Saint-John Perse:

“Và con người mang mặt nạ vàng

lột vàng đi để tôn kính đại dương."

Có một niềm vui, một hạnh phúc vô cùng cho ai biết cởi bỏ những thứ nặng nề là tiền kia, biết loại bỏ chúng đi, để tôn kính Abba, và để tôn kính con người. Nếu không, người ta chỉ tự lừa dối mình thôi.

Những người nghèo thật sự là những người chơi lá bài: “thua là được”.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 140-151

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)

Các mối Phúc thật hôm nay (10)

Các mối Phúc thật hôm nay (11)