Các mối Phúc thật hôm nay (14): Những con người trở nên hiền lành

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2702 | Cập nhật lần cuối: 3/18/2017 12:46:13 PM | RSS

(Tiếp theo)

12. Những con người trở nên hiền lành

Người ta thường quan niệm đức hiền lành là dấu chỉ một người thiếu bản lãnh và không ưa đụng độ. Như thế đó là một thứ nhân đức tiêu cực, một cách lấy nhu cầu tất nhiên làm nhân đức, một sự thiếu sinh lực, một thứ cù lần yên ổn.

Cũng theo nghĩa đó, trong đức hiền lành người ta thấy như có màu sắc bệnh hoạn. Nhà thi sĩ theo phái biểu tượng, Georges Rodenbach đã diễn tả điều đó rõ ràng trong tuyển tập: “Sự thống trị của yên lặng” (Le règne du silence) qua bài thơ đầu đề là “Buổi chiều êm ả” (Douceur du soir). Ông muốn nói đến cảnh êm ả của đời sống xế chiều:

“Cảnh hoàng hôn êm ả như cái chết lành

Bao kỷ niệm xóa dần êm dịu.

êm đềm thay là cảnh chiều tàn?

Êm đềm vì thiên hạ đã quen

với những tiếng đàn cầm trầm nhẹ.”

Đối với Rodenbach, hiền lành, là không còn phải cọ xát với sự khác biệt của tha nhân, tức là ở trong tình trạng hòa mình với người khác, không còn cảm thấy những cái gồ ghề của tương quan nữa:

Ôi hiền lành! Không còn thấy mình phân biệt!

Nhưng chỉ còn là Một với nhau

Ôi im lặng! Hai tôi tớ trong một hương thơm ngát!

Những con người hiền lành có thể là những người, vì yếu đuối hoặc vì cuộc sống mòn mỏi, sẽ dẫn đến một cuộc đời êm xuôi, hòa đồng không có vấn đề.

Trước mối Phúc thật của những người hiền lành, phải loại bỏ mọi hình ảnh, tuy có giá trị, nhưng không diễn tả đúng điều Chúa Giêsu muốn nói. Và trước tiên phải nắm vững điều này là cùng một chữ hipri ANAWIM vừa có thể dịch là “nghèo trong tâm hồn”, “khiêm nhu” và “hiền lành”, vì chữ ấy bao gồm tất cả những sắc thái đó. Như thế, mối Phúc thật của những người hiền lành phải đem ráp nối với mối Phúc thật thứ nhất, nhưng đồng thời nó cũng khác biệt.

Các mối Phúc thật hôm nay (14): Những con người trở nên hiền lành

Hiền lành theo như thánh Mátthêu, không có nghĩa là cam chịu thụ động, nhưng là thái độ tích cực đón nhận Abba và đón nhận mọi người.

Người ta đã so sánh mối Phúc thật này với Thánh Vịnh 37, trong đó ta gặp thấy những con người bé mọn cố gắng thực hành Luật Torah, nhưng lại bực mình trước sự thành công của những người không tôn trọng Luật Torah. Tác giả thánh vịnh yêu cầu họ hãy nhẫn nại, van nài họ đừng có đứng lên chống đối, phải tránh đừng có nổi nóng trước sự bất công như thế, xin họ hãy im lặng trước một Thiên Chúa! Làm sao họ có thể đi tới chỗ nhẫn nại như thế? Bằng cách nói với mình rằng, một đàng những thành công ấy là mong manh, trước sau chi rồi những người vô trật tự kia cũng sẽ vấp phải trở lực làm cho bổ nhào, đàng khác, họ là những con người đã đứng vững không phản loạn, sẽ được Thiên Chúa thưởng công đích đáng.

Nhưng Thánh Vịnh 37 xem ra gần với thái độ Phật giáo hơn là với mối Phúc của những người hiền lành. Trong hạnh phúc Phật giáo, người ta phải đạt tới tình trạng yên tĩnh. Có một cái sống khổ phát nguyên từ cảnh náo động của các đam mê dục vọng, khiến cho người ta đau khổ. Phương thuốc đó là Niết Bàn, có nghĩa là yên tĩnh, không có giao động. Vậy phải diệt dục, tịnh tâm, chặn đứng mọi cái lang bang và mọi hình ảnh quay cuồng bên trong. Cũng trong chiều hướng ấy, thuyết khắc kỷ nói đến sự bình thản, là một trạng thái không có giao động.

Quan niệm về đức hiền từ như thế được coi như là phương pháp để giúp mình tránh khỏi mọi đau khổ, càng ngày càng được ca tụng trong thời hiện đại. Raymond Ruyn, tác giả cuốn La Gnose de Princetion đã xuất bản một cuốn sách làm đường dẫn nhập vào lối sống ngộ đạo: L’Art d’être tou jours content (nghệ thuật luôn sống an vui). Đặc biệt ông lấy lại một số tư tưởng của Jean Paul, nhà văn lãng mạn người Đức, về “những phương thức để trở nên không phải sung sướng, mà là hạnh phúc hơn”.

“Phải mơ ước đến những đỉnh cao và phải làm tổ ở sát mặt đất, cũng như mỗi một giống loài vật có cái ổ sinh lý của nó, cái ổ sinh thái học của nó là nơi nó được thích nghi đàng hoàng, quân bình theo môi trường, được hạnh phúc tối đa có thể có được, cũng vậy con người phải tìm hoặc tạo ra những ổ tâm lý, trong đó họ sẽ có thể sống trong sự hoan lạc của tập quán (….). Cái ổ không cần phải đàng hoàng thoải mái, nếu đó là cái ổ rất quen thuộc”.

R. Ruyer kể lại câu chuyện về một người thanh niên Hoa Kỳ, khi đến Pháp, rất thích chơi đùa với khẩu hiệu “Mé tro-boulot-dodo” (tàu điện ngầm - công việc - giấc ngủ): “Nếu người ta chấp nhận cái trật tự việc làm – tàu điện – giấc ngủ, thì tàu điện, sau việc làm, đã là một cái ổ ngon lành vừa cô đơn lại vừa thích thú, vì có thêm hơi ấm con người”.

R. Ruyen nói thêm:

“Những đầu óc cá nhân cần phải học để làm ra hạnh phúc đường mật, mỗi người trong tổ của mình”. “Mỗi người ngộ đạo ca tụng việc thực tập giấc mơ lãng mạn và nhất là sự lắng mình trước vào những cái tổ tâm lý, với một thứ tôn giáo và “thần thoại riêng biệt. Chúng ta hãy chấp nhận trước cuộc sống hippi vừa phải, hoặc đúng hơn cuộc sống của người bé nhỏ tầm thường, nhất thiết sẽ là cuộc sống của con người trung bình sau năm 2.000”.

Điều cơ bản là phải về sống với những người thân cận, trong môi trường khép kín:

“Ước mơ đầu tiên đúng là ước mơ sự thân mật có tổ chức với những cơ cấu thực hữu trong môi trường gia đình, quen thuộc và thuận lợi”

Một cuộc thăm dò đã thực hiện trong tháng 9 năm 1982 dưới chủ đề: “Người Pháp tin tưởng vào cái gì?” đã cho thấy rằng: giữa “các giá trị”, thì gia đình là cái người Pháp tin tưởng trước tiên. Gia đình, đúng ra là “cái ổ tâm lý” kiểu mẫu giá trị cố định, giá trị làm chỗ nương thân, gia đình nâng đỡ hoặc lãnh trách nhiệm về những người đang bị khủng hoảng, mặc dầu hôn nhân có ít hơn, nhưng trái lại, gia đình vẫn được thừa nhận hơn bao giờ hết, không còn phải là nơi có những truyền thống, những kỷ luật và những giá trị xã hội, nhưng là như ngôi đền hạnh phúc riêng tư, là nơi trú ẩn của mọi ước muốn khoái cảm. Gia đình thể hiện một phong trào mạnh mẽ muốn sống riêng tư, muốn rút lui khỏi phạm vi xã hội, vốn đang lôi kéo tất cả xã hội Pháp, cách riêng là giới trẻ. Sự tháo lui ấy có nguy cơ kéo dài, bởi vì nó được dưỡng nuôi vừa bằng cuộc khủng hoảng của các chủ thuyết chính trị, vừa bằng sản phẩm ý thức hệ được các xã hội chúng ta tiêu thụ nhiều nhất, là sự ám ảnh về việc thành tựu cá nhân”.

Những người hiền lành theo các mối Phúc thật đây chả ăn nhằm gì với những người tiểu tư sản ích kỷ tìm an thân thủ phận trong những cái ổ của mình, nhất là không muốn liên can gì với người bên cạnh.

Những người hiền lành thật đối với Thiên Chúa, trước tiên là những người chấp nhận không chiếm hữu Thiên Chúa, không bắt cóc Ngài. Chước cám dỗ của Luxife muốn bắt lấy Thiên Chúa, muốn giống như Ngài, không phải là hiếm có trong đường tu đức, thực sự đó là cơn cám dỗ các thiên thần toan nắm lấy những phương tiện tu đức quỉ thuật hoặc thần bí, để chiếm đoạt Thiên Chúa. Vì thế, trong số “những người điên của Thiên Chúa” có những người hỏng chân, hăng say thiếu suy nghĩ, đề nghị những đường lối ngoại lai hoặc phi thường, để chụp lấy Thiên Chúa.

Cho nên, người ta có thể nói nhảm trong chứng bệnh hoang tưởng thần bí. Họ dựa vào một lời nói của Chúa Giêsu: “Vương quốc giành giật bằng bạo lực”. Nhưng lời nói đó, được Mátthêu giải thích theo cách khác (Mt 11, 12) coi những người bạo động là các địch thù vốn ngăn cản không cho người ta vào trong vương quốc: còn thánh Luca, thì trái lại, đòi các đồ đệ phải đấu tranh quyết liệt, để vào trong vương quốc:

“Hãy tranh đấu mà vào qua cửa hẹp! Vâng, Thầy nói thật với anh em nhiều người sẽ tìm cách vào, nhưng họ không có đủ sức mạnh” (Lc 13, 24)

“Kể từ ông Gioan Tẩy Giả, Tin Mừng về Vương quốc Thiên Chúa đã được loan báo và mỗi người cưỡng bức Tin Mừng này” (Lc 16, 6)

Dầu sao “Vương quốc” đem đến xung đột, bạo lực bắt bớ.

Những người hiền lành là những người xử sự hung bạo với chính mình để vào trong Vương quốc, nhưng theo cung cách thánh Phanxicô đệ Salê, vốn tính hung bạo, nhưng đã sử dụng tính hung bạo tự nhiên ấy để trở nên hiền lành, nhẫn nại, không ngừng tìm sự đối thoại với đối phương của Ngài. Nhưng điều gì thật đối với người khác, cũng phải là thật đối với Thiên Chúa. Vấn đề là đừng cưỡng ép Thiên Chúa, đừng đòi hỏi với bất cứ giá nào Ngài phải ban cho mình điều mình muốn, phải tin tưởng nơi Ngài, nhẹ nhàng chấp nhận điều Ngài muốn. Cần phải có một sức mạnh tâm hồn rất lớn, để chấp nhận thời gian. Việc chấp nhận thời gian là một trong những dấu chỉ rõ rệt nhất của đức hiền lành thật, không lấn sang Chúa quan phòng. Một số người muốn nên thánh ngay tức khắc, muốn đạt tới đó, cần phải chết cho chính mình một cách lâu dài, nhẫn nại và hiền lành.

Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm tốn trong tâm hồn” (Mt 11, 29) đã chấp nhận ý Thiên Chúa sau khi đã đón nhận từng ngày một, những cách Abba thúc đẩy Ngài, tùy theo chính nhịp độ những lần gặp gỡ và theo những con đường Ngài đi. Ngài đã không xuất hiện như thể tách riêng ra ngoài thân phận con người, như một loại thiên thần đang mỉm cười bay liệng bên trên thế giới chúng ta, nhưng như một người có vị trí, phải đương đầu với những xung đột của thế giới chúng ta. Đức hiền lành không phải là trốn thoát vào sa mạc, nhưng là thái độ mạnh mẽ đương đầu liên miên. Tinh thần tu đức và tu rừng cũng có thể giống nhau như các chứng loạn tâm thần và ma túy, có thể là những cách ẩn náu vào trong chủ nghĩa khoái cảm và tình cảm mông lung. Nhưng hạnh phúc vốn đòi tranh đấu và đức hiền lành ở tại việc cương quyết thản nhiên hoàn thành những điều kiện khách quan của cuộc đấu tranh vì hạnh phúc ấy.

“Cuộc linh chiến còn gay cấn hơn trận đấu giữa người với người” (Rimbaud). Nó đòi hỏi mỗi người phải bắt đầu làm chủ những bản năng của mình, cho tương hợp với cuộc sống cho tha nhân. Nó cũng đòi ta hoạt động để cùng với người khác tìm được khoảng cách đúng, đồng thời vừa chấp nhận trải qua những thất bại không tránh được, đến từ người khác, vừa bằng lòng đón nhận những gì từ nơi họ.

Trong Kinh thánh, có một người đã biết làm chủ sức mạnh phi thường của mình như thế, đó là ông Maisen. Ông này không phải như Michel Ange đã vẽ, là người lãnh tụ và vị tiên tri dễ sợ giáng như sấm sét xuống trên đầu Israel các lệnh Thiên Chúa truyền. Ông Maisen là người thừa hưởng những cái tốt đẹp nhất của truyền thống Cựu Đông Phương. Ông lấy việc tôn trọng Thiên Chúa và con người làm trung tâm đời sống xã hội và sách Thứ Luật coi ông là người biết nói sao cho lòng người cảm động và mở ra đón sự sống thật. Thực ra Kinh thánh giới thiệu ông là “một người rất hiền lành”, bởi vì chính Thiên Chúa mới xuất hiện là một Thiên Chúa nóng giận, nổi cơn thịnh nộ đối với dân Israel, phạt bà Maria, chị ông Maisen, khiến bà bị bệnh cùi, nhưng chính ông Maisen đã dịu dàng bầu cử cho dân của ông. Chính ông đã không tự vệ trước âm mưu của Aaron và của Maria muốn truất quyền mình và sau việc Thiên Chúa hành động, ông cũng chuyển cầu cho chị của ông. Những người hiền lành không biết tích lòng thù oán.

Vậy đức hiền lành của các mối Phúc thật bao hàm cái ngược với tính thụ động. Đó là sức năng động đích thật, giúp bạn tập trung các lực lượng mình hay quá bốc đồng, thiếu nhẫn nại, tập trung các sinh lực chính đáng, khát vọng tâm linh nhiệt thành của bạn.

Thánh Phanxicô thành Assisi và thánh Inhasiô thành Loyôla, khi còn trẻ đã hung hăng biết chừng nào! Nhưng, khi đến tuổi trưởng thành. Họ đã hiền lành xiết bao! Tỉ dụ như thánh Phanxicô thành Assisi, lúc đầu coi việc tiếp xúc với những người bị loại trừ như là công việc từ thiện, nào thăm viếng người nghèo, nào phát tiền cho kẻ ăn xin, nhưng ngài nhận thấy làm như thế vẫn còn áp chế họ, vẫn còn đối xử với họ như là tay trên. Bấy giờ ngài đứng về phía người nghèo và cố gắng từ từ trở nên anh em của họ, liên đới với họ: “Anh em phải hớn hở vui mừng khi được làm bạn với dân nghèo, với người ăn xin, với người phong cùi”.

Sẽ có hạnh phúc, khi không còn bạo lực, không còn thống trị giai cấp hay vị trí, khi không còn chư hầu và vua chúa, khi mọi người cố gắng hiền lành với nhau, không phải cào bằng tất cả, nhưng đối chiếu linh động giữa những con người và các dân tộc khác nhau.

Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” là chính Đấng Isaia đã loan báo:

“Ngài không la to, không tranh cãi, ở nơi công trường một cách xấc xược, không bẻ gãy cây sậy đã dập, không thổi tắt tim đèn còn khói” (Mt 12,19-20).

Đức hiền lành là sức mạnh âm thầm mãnh liệt.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 163-172

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)

Các mối Phúc thật hôm nay (10)

Các mối Phúc thật hôm nay (11)

Các mối Phúc thật hôm nay (12)

Các mối Phúc thật hôm nay (13)