Các mối phúc thật hôm nay (2): Để cho Chúa mặc tình thương yêu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2539 | Cập nhật lần cuối: 7/8/2016 1:22:22 AM | RSS

(tiếp theo)

2. Để cho Chúa mặc tình thương yêu

Tất cả vấn đề là ở đó. Không phải từ phía Thiên Chúa là Đấng thương-yêu, nhưng từ phía con người, ngần ngại không để mặc cho Ngài thương yêu, không muốn như ông Nicôđêmô – trẻ lại làm trẻ thơ, để cho Ngài mặc sức thương yêu, như một trẻ thơ dễ dàng tín nhiệm vào Abba của mình.

Rilke, nhà thi sĩ cực kỳ nhạy cảm, đã trình bày cuối tập Cahiers du Malte Laurids Brigge, dụ ngôn về đứa con hoang đàng, Malte Lauride Brigge chính là Rilke – đâm ra hư đốn, chỉ vì đã không có thể vượt qua cái bước quyết định là chấp nhận tình yêu Thiên Chúa đối với mình và anh coi dụ ngôn đứa em hoang đàng chính là “truyền thuyết về con người không muốn được yêu thương”. Đối với Rilke, tình yêu chỉ có thể đi từ con người đến Thiên Chúa, chứ không thể do Ngài đáp lại. Anh nói rằng: “Thiên Chúa không thể yêu đáp lại tình thương yêu của ta”. Rilke đã trải qua ‘đêm tối’. Anh nói: “Tôi tin là có đêm tối”.

Nhưng đối với anh, đó là đêm tối dầy đặc, khác xa đêm tối của chị Têrêsa thành Lisieur, vì chính trong đêm tối này chị vẫn tiếp tục để cho Thiên Chúa yêu thương chị, Rilke muốn sòng phẳng. Anh trách các vị thánh là những con người ‘quá vội vàng, muốn gặp Thiên Chúa ngay lập tức’. Anh yêu cầu ‘người ta hãy thực hiện từ từ công việc lâu dài vốn ngăn cách ta với Thiên Chúa. Anh muốn người ta chớ lạm dụng và vội vàng dựa vào đau khổ, để gặp Ngài, nhưng phải có gan đi theo những con đường hạnh phúc:

Muốn tìm ra Thiên Chúa, phải sống cho hạnh phúc.

Bởi những người thất vọng bày vẽ Ngài.

Họ đi nhanh quá, ít tìm tình thân mật

Với Đấng vắng mặt đang hun nóng họ kia.

Thật ra có sự cao cả và bén nhạy sâu xa về tinh thần trong sự khước từ mà Rilke đã không ngừng ghi nhận một cách sâu đậm, khước từ vị Thiên Chúa vốn là nguồn an ủi của ta ở thế gian này. Quả là quá dễ dàng việc để cho Ngài an ủi ta. Đó là điều mà Rilke nhắc cho ta nhớ. Để cho Thiên Chúa yêu, trẻ lại làm trẻ thơ trước mặt Abba. Điều ấy đòi triệt để chết cho chính mình. Nhưng đó lại là điều mà Nicôđêmô tránh né, và người thanh niên giàu có kia cũng vậy.

Các mối phúc thật hôm nay (2): Để cho Chúa mặc tình thương yêu

Một nhà thi sĩ khác đã mô tả tuyệt vời sự phó thác ấy của tuổi thơ: Đây là hai câu đầu tiên trong Thánh Vịnh 47 do Patrice de la Tour du Pin sáng tác:

1 Khi bé thơ thấy được Chúa trời yêu dấu nó cứ để mặc Ngài…
bởi vì nó lấy làm thích thú
trong tình nghĩa của Ngài.

2 Nó không tìm những cái uổng công phiền lụy
nó chả nói điều này với ai,
vì là bí quyết đó kia.

Nhưng, cũng như đứa con hoang đàng, nó bị cám dỗ muốn bỏ nhà của Abba. Đó là cám dỗ muốn thử Thiên Chúa, hoặc lấy mình làm trung tâm, cảm thấy mình quá bất xứng hay không được chú ý bao nhiêu:

5 Về sau nó sợ tình nghĩa vốn không bao giờ lãng quên này
và nó thử xem tình nghĩa ấy
có thể tiến tới đâu

6 Về sau nó bảo mình không xứng
về mối tình nghĩa ảo tưởng kia
trong người nó không sao đứng vững.

7 Về sau nó ngạc nhiên về tình nghĩa ấy
đã không dành cho nó vai trò lớn
vì thấy mình quá thua lòng tham vọng!

Nhưng một ngày nào đó, nó sẽ khám phá ra một người khác đã cầu nguyện cho nó và nó sẽ trở lại.

11 Cách giản đơn nó sẽ quay lại với mình
tự nhủ: tôi là con trong tình nghĩa Chúa

Về cuốn sách của P. de Caussade ‘L`abandon à la divine Providence’ (sự phó thác cho Chúa quan phòng), Charles de Faucauld nói đó là cuốn sách đã ghi dấu sâu đậm nhất cuộc đời của ông và ta biết bản kinh phó thác do anh Charles đã đặt ra theo hướng ấy. Đây là con đường phó thác mà thánh Têrêsa thành Lisieur đã sống và ca tụng con đường ấy nằm ngay ở đầu các mối Phúc thật.

Con đường ấu thơ thó thác, mà người ta đã nói đến nhiều từ một thế kỷ nay trong Giáo hội Lamã, thực tế là con đường rất tinh vi và khó khăn. Và thật là có ý nghĩa, khi nhận thấy người ta từ chối con đường ấy một cách âm thầm, nhưng triệt để. Nhiều người rao giảng con đường ấy, nhưng nếu họ có can đảm phân tách đến tận chiều sâu những lời họ nói, họ sẽ ngạc nhiên nhận thấy rằng trong thực tế họ đã làm bình phong chắn ngang con đường ấy, như thể chắn ngang một luồng ánh sáng quá chói chang mà họ muốn làm giảm bớt. Không phải là điều ngẫu nhiên, khi các bản văn chính thức của thánh Têrêsa thành Lisieur đã bị xuyên tạc ngay sau khi chị qua đời: con đường khi ấy chị cổ võ, đúng là người ta không sao chịu được, và đã làm cho ra nhạt nhẽo vì biến nó thành một thái độ ấu trĩ, hoàn toàn tình cảm, trong khi chính thánh Têrêsa thành Lisieur đã sống và mô tả con đường ấy, là một con đường vượt trên mọi thứ yếu ớt trẻ con, vì trong dịp lễ Noel 1886, chị đã can đảm thoát ly khỏi vòng ấu trĩ gia đình. Con đường thơ ấu ấy, chẳng những không phải là luyến tiếc muốn đi lùi về nếp sống của thời bé thơ, nhưng trái lại, nó là việc ưng thuận cái chết. Vì đó là tái sinh làm con của Abba, như Rilke đã nói trong cuốn ‘Le livre de la pauvre té et de la mort’ (cuốn sách bàn về sự nghèo khó và sự chết):

“Ngài là Đấng khó nghèo, vô sản”

Khi Chúa Giêsu, tại vườn Giêtsimani và trên đồi Golgôtha, phó mình trong tay của Abba Ngài, chính lúc đó là lúc Ngài bước theo con đường thơ ấu một cách huy hoàng, Rilke nói theo cung cách của ông rằng:

Ta chỉ là chiếc lá, chỉ là vỏ cây,

cái chết vĩ đại ai nấy mang trong mình

chính nó mới là hoa trái

còn mọi sự đều xoay vần chung quanh

Người ta đã biến Noel thành ngày lễ tầm thường của những con người thoái hóa thành ấu trĩ. Nhưng Thánh giá cũng bị người ta hạ bệ như vậy, làm mất tất cả hương vị đi. Teilhard de Chardin đã trách chị ông vì chỉ biết nhìn thập giá mà quên mất Đấng chịu treo trên đó.

Theo cung cách của mình, Rilke cho ta thấy Thập giá là lối đi qua, chứ không phải là chỗ người ta thích thú nhìn đau khổ của mình. Không nên đóng Thập giá vào khắp nơi như một dấu sắt nung đỏ. Lẽ ra phải đánh tan Thập giá cả trong chính Đức Kitô. Ngài chỉ muốn dựng nên mốc cây cao hơn, trên đó tất cả chúng ta có thể thành những trái chín. Trên Thập giá, chính Ngài là thân cây mới của Thiên Chúa, còn chúng ta lẽ ra phải là những quả phúc cây ấy sinh ra.

Thuyết mê khổ nơi người Kitô hữu là thứ bệnh thần kinh, không sinh hoa quả gì. Đó là cái chết giả tạo, lối thoát giả tạo, đó là một trò hề.

Thuyết ấy thường làm cho người Kitô giáo sinh ra sợ hãi. Jean Delunuan đã cho thấy điều đó trong các sách ông nghiên cứu về sự sợ hãi mà thánh Phanxicô đệ Salê nói là nó “gây ra nhiều tại họa hơn chính sự ác”.

Người ta đã làm cho Kitô giáo kinh sợ giờ chết, người ta đã khiến họ run rẩy lập trăm ngàn công phúc để vượt qua cái giờ được coi là khủng khiếp kia. Thật hiếm khi có được cái nhìn như cha Augusto Valensin trình bày trong sách Bài gẫm của Ngài về giờ sau hết đó:

“Tôi sẽ đến nói với con không tự hào chi hết – ngoài việc đã tin vào lòng nhân hậu của Ngài. Vì quả thật chính đó là sức mạnh của con, tất cả sức mạnh của con, sức mạnh duy nhất của con. Nếu điều đó rời bỏ con, nếu lòng tin tưởng vào tình thương lìa bỏ con, thì tất cả sẽ tiêu tan hết, bởi vì con cảm thấy mình không có giá trị siêu nhiên nào. Và nếu phải xứng đáng mới có hạnh phúc, thì phải đành bỏ hạnh phúc thôi. Nhưng càng đi con càng cảm thấy mình có lý để nhìn Chúa Cha là Đấng bao dung vô cùng. Và mặc cho các vị ‘linh sư’ nói gì thì nói, nào là phép công bình, nào là bao yêu sách, nào là bao sợ hãi.

Vị thẩm phán của con, chính là Đấng mọi ngày vẫn leo lên chòi canh, để nhìn quanh chân trời xem có thấy đứa con hoang đàng trở về không. Ai mà chẳng muốn được Ngài xét xử? Thánh Giacôbê nói: “Ai còn sợ hãi, thì chưa hoàn thiện trong tình yêu thương”.

Tôi không sợ Thiên Chúa, nhưng không phải vì tôi mến người cho bằng vì tôi biết mình được Ngài yêu thương. Và tôi không cảm thấy nhu cầu tự hỏi mình tại sao Cha tôi lại yêu tôi, hoặc Người thương cái gì nơi tôi. Vả chăng tôi sẽ rất lúng túng để trả lời, thậm chí nói đúng ra tôi không có khả năng trả lời – “Người yêu thương tôi vì Người là chính tình thương. Và chỉ cần tôi chấp nhận tình thương của Người, để được Người yêu thương thực sự. Nhưng nhất thiết tôi phải đích thân chấp nhận. Đó là chính phẩm giá của tôi, chính sự cao đẹp của tình thương đòi như thế. Tình thương vốn không bắt buộc, mà tự hiến thân. Ôi lạy cha, xin tạ ơn cha, vì cha vẫn thương con. Và không phải chính con sẽ kêu lên với cha rằng con bất xứng. Dù sao việc yêu thương con theo hiện trạng của con, đó là điều xứng với cha, xứng với tình thương vốn có bản chất là nhưng không. Vâng ý nghĩ đó làm con vui sướng quá! Thế là con đã được an toàn, không còn bối rối, không còn thứ khiêm nhường giả tạo làm cho nản chí, không còn sầu khổ trong tâm thần”.

Điều quan trọng, trong đời sống con người chính là cái chết tích cực như thế, chính là cái quả phúc từ cây Thập giá sinh ra ấy, chính là sự phó thác tin tưởng vào Abba. Chính vì thế, mà Rilke kêu lên trong một lời kinh tha thiết:

“Lạy Chúa, xin đem lại cho mỗi người cái chết riêng của mình, cái chết xuất phát từ sự sống kia, nơi mỗi người sẽ gặp được Cha là tình thương, nhận ra ý hướng của Cha và” sự khốn cùng của mình. Không ai có thể tự do thay thế cho ta, không ai có thể phó thác cho Abba thay cho ta. Mọi người có thể biến cái chết của mình thành việc mở lòng đón nhận Abba, thành cử chỉ nồng nhiệt tín thác vào Ngài. Và bí quyết cuối cùng của mỗi người, chính là cách họ ngày này qua ngày khác, suốt cả cuộc đời, và trong ngày sau hết, cứ từng bước tiến lên, mình trần thân trụi để đi vào cuộc tái sanh, gieo mình vào cái chết bí mật kia để vùng dậy đi vào cuộc sống dám thưa “Vâng” để lao mình tới Abba với lòng tín nhiệm dứt khoát vào Ngài.

Cần phải có lòng táo bạo say mê. Con người đã bị thiếu máu, vì xã hội đã làm hết sức cho nó lo ra chia trí, không còn nghĩ tới cái chết, hoặc cho thấy chết là cái gì ghê sợ hay hết sức vô hại, khiến cho thật khó mà chết cho xứng tư cách con người, bởi vì là thiên hạ đã làm mọi cách cho khỏi nhìn cái chết trực diện và khỏi đi vào đó một cách tự do. Thế giới của chúng ta đang già đi, không phải theo nghĩa là tỉ lệ những người có tuổi trên hành tinh này càng ngày càng cao, nhưng theo nghĩa là thế giới chúng ta đã làm mất cái khả năng của tuổi thơ biết chấp nhận được thực tế, sự sống và cái chết”.

“Ôi cái chết xiết bao tươi mát”

“Ôi sớm mai duy nhất trên đời.”

(G. Bernanos)

Đời sống tiêu thụ, những cái hèn nhát thường ngày, những tình cảm đạo đức, những chủ thuyết duy tôn giáo hay duy quốc quyền, tất cả bấy nhiêu đều làm cho ta lãng quên hoặc tránh né cái chết và ngăn cản ta bắt chước Bernanos, nhìn cái chết là một sớm mai, một hừng đông, một bến cảng, là cái “giờ duy nhất, Thiên Chúa sẽ đoái thương thổi hơi vào thọ tạo kiệt sức của Người”.

Ta đã thấy Rilke không muốn cho người ta đến với Thiên Chúa từ cái khốn cùng của con người. Trong khi đó Freud lại nói đến cái “khốn cùng ấu trĩ”. Và ngày 2.1.1910 ông đã viết cho Jung, điều mà mọi người rao giảng thuộc bất cứ tôn giáo nào cũng phải gẫm suy:

“Lý do cuối cùng của tôn giáo làm tôi lưu ý đó là sự hoang mang ấu trĩ ở nơi con người lớn hơn ở nơi loài vật rất nhiều. Từ lúc đó, con người không còn có thể tưởng tượng ra thế giới mà không có cha mẹ và nó tự ban cho mình một thượng đế công minh và một thiên nhiên tốt đẹp, đó là hai cái xấu xa nhất do tội con người đã có thể bày ra về vũ trụ theo hình ảnh của mình”.

“Con đường thơ ấu” chả có tí gì là an ủi và bù trừ, cho tình trạng hoang mang của chính thân phận con người. Con đường ấy đòi phải “bỏ cha mẹ”, bỏ những bảo đảm của người cha và mảnh đất của người mẹ và phải dám tiến vào Đấng vắng mặt đang hun nóng mình kia.

Thái độ tiến lên phía trước như vậy, gieo mình vào cõi bí mật của sự sống và sự chết, tiến ra khơi. Như vậy chính là cái người ta không ngừng tránh né trong thế giới chúng ta, cái thế kỷ hai mươi già cỗi được đánh dấu bởi những con số và những dè dặt đây. Con người đương thời của chúng ta chịu một sức ép xã hội nặng nề, ngăn cản không cho họ trở thành một con người phiêu lưu, một con người có sức nhảy vọt – và chính là ngược lại với con người phiêu lưu, khi người ta bao bọc đời sống mình trong đủ mọi thứ bảo hiểm và đề phòng.

Thế mà chính Chúa Giêsu mời gọi tiến ra khởi, hít lấy sinh lực và đồng thời liều mất sự sống, để rồi chiếm lại. Phó mình cho cuộc sống không phải là buông xuôi thụ động, nhưng hoàn toàn ngược lại, đó chính là để cho nhịp sống - cuốn đi, đó là dám sống. Chôn dấu nén bạc của mình, giảm bớt và giữ lại sinh lực của mình, đó không phải là người Kitô giáo - phó thác bản thân mình cho Abba, mà chỉ là cách thuận tiện để khỏi đương đầu với hiện sinh và để rút lui khỏi những đấu tranh của con người. Chúa Giêsu đã tự ý đi vào đời sống công khai và tự ý đi vào cuộc thương khó của Ngài. Ngài đã dám đi sâu vào – trong tất cả chiều dày của thân phận con người. Ngài đã thích sống ở giữa những cơ cấu chính trị và tôn giáo của thời Ngài, trong tư cách con người tự do, như một trẻ thơ tươi cười, gọi các sự vật bằng tên của Chúa và lớn tiếng nói rằng hoàng đế cũng là người trần trụi, mặc dù quyền bính ông thế nào đi nữa.

Trong thời đại chúng ta, tất cả bị đặt lại vấn đề, và vượt xa những dấu hỏi và những đảo lộn khoa học, còn có sự nghi ngờ tối đa, đã xâm chiếm những lời nói sâu xa nhất của họ. Bên dưới những diễn từ thường lệ và người ta nói thẳng ra, còn thấy một diễn từ khác, chứa đựng những chủ ý những ước mơ vô thức, một diễn từ khác không ngừng đem lại một ý nghĩa thứ hai cho cuộc sống hằng ngày của mỗi người.

Phải chính trong thời đại con người hằng ngày bị lệch tâm, bị trật chìa bản thân như thế nên họ hỏng chân, hoảng sợ lẩn trốn thì cũng không lạ gì. Nhưng nhờ khám phá ra tính bấp bênh như thế và một khi người ta đã làm chủ được cảm xúc của mình, họ sẽ nhận ra một lối thoát mới. Đó là chấp nhận sự mình không hoàn toàn làm chủ được điều mình phát biểu, chấp nhận cho bản thân tự vượt, chính mình biết rằng:

Không người nào, không vị tôn sư nào nắm trọn chân lý, đồng ý rằng người ta phải – nhìn nhận thực tế và những giới hạn của thân xác của mình, nhìn nhận cuộc sống và sự có mặt thường xuyên của tha nhân.

Mọi người – và Kitô hữu là một trong những con người đó – từ nay phải biết rằng mình không hoàn toàn làm chủ bản thân, làm chủ người khác hay làm chủ một lời phát biểu nào về chân lý. Cái chết là dấu chỉ nói lên rằng trong cuộc sống trần gian không có gì hoàn toàn chắc chắn đối với ta rằng luôn luôn có một cái gì ta không nắm được.

Vậy người nam hay người nữ nào chấp nhận cái số phận kia, chọn lấy cái định mệnh là không muốn chiếm đoạt tha nhân hay chân lý, thì con người ấy đi vào cuộc sống đích thật và tinh thần sáng tạo. Bây giờ người ấy sẽ không ngừng gặp được thực tế nhiều hơn, nhận ra chân lý trên đường đi của mình và hoan hỷ đón chào chân lý mình gặp thấy.

Đối đầu với trống không, với đêm tối, với vô tri, với bất lực, không dẫn tới tự sát đâu, nhưng trái lại sẽ động viên hoạt động sáng tạo.

Con đường thơ ấu nằm ở đó, trong niềm vui – vì không làm chủ được, vì nhận mình không phải là thần thánh. Người Kitô hữu phải đi qua đó, lòng tin không miễn cho họ phải đảm nhận việc làm theo chân lý, vì họ cũng như bất cứ người nào đều phải thương yêu đồng loại như chính bản thân. Và chính trong tình thương khiến họ phó mình cho cuộc sống thay vì muốn thống trị nó, người Kitô hữu có thể kiểm chứng xem mình có thực yêu mến Abba là Đấng đồng thời họ cũng muốn phó thác toàn thân cho Ngài. Nếu không, họ tự dối mình, như tông đồ Gioan đã nói rất rõ ràng về điều đó.

Con đường thơ ấu này ta có thể đi theo mà nhìn tới Cha là Abba, phải rồi, nhưng cũng là như một trẻ thơ, mặc dầu tình thương của Người không dễ bị tổn thương như em bé. Thật là sai lầm xiết bao và nhiều khi lại như là một trò chế diễu, khi người ta cứ ưa diễn tả Thiên Chúa như một cụ già râu ria. Tính vô tội muôn đời của Thiên Chúa trở nên giống với trẻ thơ hơn nhiều. Thiên Chúa nếu người ta có thể gán cho Ngài một khuôn mặt, thì Người chỉ có thể giống với trẻ thơ.

(còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 15-28

* Bài liên quan

Các mối Phúc thật hôm nay (1)