Các mối Phúc thật hôm nay (7): Cuộc đời thành công

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2527 | Cập nhật lần cuối: 10/23/2016 6:43:36 PM | RSS

(Tiếp theo)

7. Cuộc đời thành công

Tiếng hô “Phúc thay” của Chúa Giêsu, phải thấy trước tiên là nói qui chiếu về Abba: Đúng thế, sở dĩ Abba hạnh phúc nơi bản thân Ngài, chính là vì toàn năng của Ngài là yêu thương, là khó nghèo, hiền lành: đó là tất cả những gì mà mối Phúc thật nói về Ngài. Và Chúa Giêsu muốn được “hạnh phúc” theo cung cách của Abba, muốn cuộc đời thành công bằng cách sống nghèo khó, hiền lành… Các Tin Mừng không làm gì khác ngoài việc tỏ cho thấy Abba và Chúa Giêsu là thế nào trong hạnh phúc của các Ngài.

Cần cố gắng tìm hiểu cho thật đúng. Nhưng phiên dịch lại luôn luôn dễ bị lừa. Chúa Giêsu muốn hiểu đích xác cái gì, khi nói: “Phúc thay”? Các từ ngữ “vui sướng”, “hạnh phúc” của chúng ta đã bị mất giá quá rồi, nên rất ngại dừng lại ở đây, để diễn tả Chúa Giêsu muốn nói.

Vậy trước tiên phải loại trừ mọi nghĩa luân lý của từ ngữ ấy. Nên như đã thấy, đừng tưởng tượng là Đức Giêsu đứng trên cao giáng xuống những lời khuyên, những lệnh truyền. Cần nhớ là các bản văn Tin Mừng đã viết sau Phục Sinh và các Tin Mừng ngỏ lời với các cộng đoàn Kitô hữu. Từ “hạnh phúc” đây, vừa do Chúa Giêsu trước khi chết, nói với các thính giả Ngài ở Phalêtinh, vừa do Đức Kitô Phục Sinh nhờ qua các Tin Mừng, nói với các cộng đoàn Kitô tiên khởi, cả với từng thế hệ Kitô hữu cho đến thời ta.

Viễn ảnh tốt nhất phải giúp hiểu thán từ “hạnh phúc” này, chính là tự đặt mình vào trong cuộc Phán xét chung, như trong thánh Mátthêu 25. Các thế hệ đã chấm tận, nay Chúa Giêsu thu hoạch mùa lúa của Ngài. Ngài nhận thấy đời sống một số người đã thành công, một số người khác thì thất bại. Những người đã sống thành công theo tiêu chuẩn của Abba, là những người đã sống nghèo khó hiền lành… Đó là một điều xác nhận! Vả lại khi sách Tin Mừng dùng từ “hạnh phúc”, thì không có ý nói rằng: “Anh em sẽ được hạnh phúc, nếu anh em làm việc này việc nọ…”. Nhưng có ý diễn tả một điều nhất trí, một niềm hân hoan. Phải chăng cách dịch hay nhất sẽ là:

“Hoan hô anh em là kẻ hiền lành, là người gặp hên, tìm ra bí quyết hạnh phúc” “Hoan hô người phụ nữ đã cưu mang thầy” như một bà hô ở giữa đám đông. (Lc 11, 27)

Hoặc như bà Isave thấy con nhảy mừng trong bụng, nên reo mừng khi xem thấy Đức Maria “Hoan hô dì đã tin” (Lc 1, 45). “Dì đã hoàn toàn có lý mà tin điều ấy”.

Xin ghi nhận ở đây nói về bà mẹ và việc sinh con, vâng, đây là vấn đề sự sống. “Phúc thay” những người nam và nữ bắt đầu mang trong mình hy vọng cuộc sinh nở mới. Biết rằng mầm sống đã bắt đầu hiện diện, đó là một tin vui, làm cho người ta hớn hở mừng và hô lên: “Hay quá! Thật diệu kỳ! Đó là ghi nhận một niềm hy vọng.

“Phúc thay” mọi người nam và nữ đã bắt đầu sống trong lòng họ chính tình thương vốn ở trong lòng của Abba. Đáp lại người phụ nữ thưa với Chúa Giêsu một cách chính xác và hết sức cụ thể:

“Hoan hô bụng đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu trả lời trong cùng một hướng: “Hoan hô những người nam và nữ để cho Abba thấm vào và biết giữ trong mình sự sống của Abba!”

Niềm vui của Chúa Giêsu trong ngày Phán xét chung, nhưng ngay bây giờ, ngay trong cuộc hành trình ở Phalêtinh khi Ngài được giống như Isave gặp hoa quả của Abba, là những người biết sống theo cung cách ưa thích. Nếu, một đàng Chúa Giêsu động lòng thương đám đông đang trôi theo dòng nước, không biết tìm đâu ra hạnh phúc, hoặc nếu Ngài thương khóc thành Giêrusalem vì không hiểu gì, đàng khác, Ngài cảm thấy niềm vui sâu sắc khi thấy đám đông khác, gồm tất cả những ai đang lắng nghe Abba và âm thầm nhưng thiết thực đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày của họ. Các mối Phúc thật nói lên một sự kiện, đánh dấu một thực tại của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Các mối Phúc thật hôm nay (7): Cuộc đời thành công

Các mối Phúc thật cũng cho thấy một thành quả. Vì liền sau khi công bố các mối Phúc thật, Chúa Giêsu nói với đám đông các môn đệ của Abba chọn sống theo Ngài rằng: Họ là “muối đất” là “ánh sáng thế gian”. Chúa Giêsu nhìn xa hơn bội phần các tông đồ hay đồ đệ đang ở đó, vốn có xu hướng mạnh muốn bỏ con đường các mối Phúc thật này để chạy theo quyền bính! Ngài ngỏ lời với mọi người nghèo khó, mọi kẻ hiền lành, mọi tâm hồn thanh tịnh trong lịch sử, và tuyên bố là chính họ đem lại cho thế giới muối và ánh sáng, hương vị và ý nghĩa.

Thế là Chúa Giêsu công bố rằng: mọi người ấy vừa nắm trong tay bí quyết hạnh phúc bản thân, vừa giải quyết đúng đời sống tập thể. Đó là dấu chỉ cần đọc các mối Phúc thật theo hai ý nghĩa ấy, cần nhận ra ở đấy không phải các nguyên tắc luân lý bên ngoài, nhưng một đà thúc đẩy bên trong cho đời sống cá nhân và xã hội. Vì Abba là Thiên Chúa hằng sống, là đối tượng cho niềm hy vọng đó, can thiệp như thế vào trong lịch sử qua sự tự do của mọi người nam và nữ biết sống các mối Phúc thật. Ngài không phải là người bảo quản bất lực đối với một lối sống cá nhân, hay trật tự xã hội, trong thực tế chỉ đem lại bất công và thất vọng. Ngài có mặt ở đó, nơi mà gốc rễ khiến cho mỗi người nam nữ chọn lấy hạnh phúc hay là bất hạnh cho mình và cho người khác. Lòng tin không ngừng kêu gọi người ta chọn lựa, tỉnh thức bắt đầu lại các mối Phúc thật.

Khi tôi hỏi một nhà phân tâm về hạnh phúc, ông ta trả lời là “khoái lạc”. Nhưng ông chỉ cho tôi những chặng đường, những giai đoạn khác nhau. Một là khoái lạc, vì khoái lạc, hai là khoái lạc vì làm chủ chính mình hay làm chủ tha nhân, ba là khoái lạc và phục vụ tha nhân, phục vụ sự sống. Và chúng tôi đã tranh luận rất lâu về những giai đoạn ấy, trong vấn đề tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Giai đoạn một, chỉ những người nam và nữ muốn hòa đồng với Thiên Chúa, nhưng tựu trung là muốn thôn tín Ngài. Đó là những người sùng đạo muốn nuốt cả Thiên Chúa, và sự ám ảnh muốn ăn sống nuốt tươi này biến họ thành người cuồng tín. Họ muốn nuốt luôn cả những ai không chịu tôn thờ Thiên Chúa của họ, hòa đồng với Ngài và với họ.

Giai đoạn hai chỉ những người khổ tu, theo những nguyên tắc chính xác, cứ xoáy chặt thêm hết sức cho mình và cho người khác, mấy đinh ốc của nền luân lý và tín lý, phân chia ra nhiều loại, theo và đòi kẻ khác theo kỷ luật khắt khe. Đó là những người theo thuyết thanh giáo, thuyết khắc kỷ đủ loại. Lối sống ấy cho họ hạnh phúc theo kiểu riêng của họ.

Cuối cùng là giai đoạn ba, có sự nổ tung. Người ta khoái lạc, vì có quan hệ đơn giản với bản thân và với tha nhân. Người ta hạnh phúc mở lòng ra cho người khác, dám đến gần với họ và biết rằng mình tìm ra hạnh phúc trong đó và nhận ra hạnh phúc không trống không kèn. Những người nam và nữ đạt giai đoạn này, thì không có chút gì phô trương trong cuộc sống hằng ngày. Là những nhà thần bí và sáng tạo, mà vẫn vui tươi ý nhị.

Chắc chắn là các mối Phúc thật đứng vào giai đoạn ba này. Các mối Phúc thật nói một cách giản đơn với mọi người, tin hay không tin, Do Thái hay ngoài Do Thái, đau ốm hay khỏe mạnh, giàu hay nghèo, ngu muội hay thông minh, rằng: hạnh phúc cá nhân và tập thể đã có đây rồi, chỉ cần can đảm và táo bạo mở to đôi mắt ra để nhận rõ.

Đôi mắt mở to của Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy con đường phải theo, mà không phủ nhận tí nào sự khó đi theo đường ấy. Chúa Giêsu biết có những gì ở trong con người. Nếu Ngài đề nghị đi xa hơn tình thương bạn bè và đi vào con đường phi lý của tình thương kẻ thù, không phải là Ngài không biết tất cả những gì điều đó đòi hỏi phải thi hành. Ngài biết rõ tính rất ưa gây sự ở xung quanh Ngài và trước tiên là giữa các tông đồ có những xu hướng và não trạng khác nhau, tìm cách đứng đầu trong nhóm. Các Tông đồ không phải là những ông thánh nhỏ, rất dễ thương, ít điều tham muốn. Chúa Giêsu biết người ta không từ bẩm sinh, mà cần tập luyện mới trở nên người bất bạo động.

Vậy Chúa Giêsu đến trong một miền, vào lúc bạo lực đang hoành hành rất mạnh mẽ và có những căng thẳng phi thường. Sở dĩ có nhiều cướp đến nỗi thiệt là phiêu lưu điên rồ, nếu đi đường mà không cầm gậy, chính là vì mùa màng thất thu, nhiều nông dân không thể có tiền nộp thuế. Họ chỉ còn có cách đi cướp đường, hoặc theo kháng chiến vào bưng cướp của mà sống. Vào thời Chúa Giêsu, dân đông đúc quá, nhiều người Do Thái bỏ Phalêtinh, đi tìm sống chỗ khác, và có nhiều người Do Thái tại Phalêtinh là người mất gốc trộm cướp, ăn mày. Hoàn cảnh xã hội xuống dốc.

Thuế má hết sức nặng nề. Nào là thuế nhà nước: những người kháng chiến được lòng dân vì họ theo nguyên tắc không đóng thuế cho người La Mã, là dân ngoại đạo và thờ thần. Còn Chúa Giêsu sẽ đi ngược dòng khi Ngài không khẳng định rõ phải nạp thuế cho Cêsar (Mc 12, 17). Nào là thuế tôn giáo rất nặng người ta dùng sức ép luân lý nhân danh Lề luật để tận thu. Chúa Giêsu chấp nhận vào nhóm Tông đồ một trong những người thu thuế La Mã, là hạng người vốn bị bêu xấu, và Chúa sẽ dùng bữa tại nhà ông Giakêu là một người thu thuế giàu sang.

Các doanh trại quân La Mã đều tập trung tại các đô thị. Bộ đội La Mã không vào trong núi là nơi quân cướp và quân kháng chiến lập căn cứ của chúng. Như vậy miền quê không được kiểm soát bao nhiêu. Lại có sự căng thẳng giữa miền quê và Giêrusalem, là đô thị bảo thủ, vì nhờ sự hiện diện của quân La Mã. Chính trong các dịp lễ, khi dân chúng miền quê tràn ngập Giêrusalem, mới đặc biệt có những biến động ở trong thành thánh.

Nên lưu ý tới mọi căng thẳng đang có tại Phalêtinh thời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không phải như Jaurès định nghĩa, là “con người mơ mộng hiền lành của Galilê”. Ngài không ngừng đi lại và không ngừng gặp khó khăn như dân chúng thường gặp do những căng thẳng đa dạng ấy.

Trong hoàn cảnh như vậy, mỗi nhóm có xu hướng tự khép kín bo bo vào mình. Cuộc sống xã hội phân tán ra thành nhiều phe phái và chủ nghĩa nghiệp đoàn. Đời sống tôn giáo co cứng thành chủ nghĩa cực đoan nên càng gây thêm đụng độ. Trước cảnh leo thang, mỗi người tuyên bố mình có sự thật và lên án người khác, thì Chúa Giêsu lại loan báo một chủ thuyết phổ cập: Ngài khẳng định rằng con người, bất phân chủng tộc, bất phân tôn giáo, bất phân bè phái, đều được Chúa Cha yêu thương, cho nên mỗi người có thể tin tưởng vào cuộc sống và tín nhiệm chính mình. Chúa Giêsu không còn nhấn mạnh tý nào nữa vào những quy tắc chỉ có thể làm cho mỗi người thất vọng, Ngài tỏ cho thấy khuôn mặt của Abba vốn tin vào con người và vào những khả năng của họ, tin tưởng mọi người, dù là thu thuế, tội lỗi gian tham. Ngài coi mỗi người ngang nhau, mời gọi mỗi người vào trong chính mình, nhận mình có những ước muốn sát nhân hay ngoại tình nên không được đặt mình trên người khác, để phê phán họ. Điều cốt yếu là biết Abba thương yêu mỗi người và mọi người thực sự được đến với tình thương của Ngài. Thế là thiết lập được tình liên đới giữa mọi người không phải căn cứ vào những điều luật và lệnh truyền bên ngoài, nhưng vào bản thân của Abba và tình thương triệt để của Ngài.

Chúa Giêsu biết con người có thói mê thắt nút và các qui tắc chỉ làm thắt chặt các nút kia thêm, dẫn tới ưa gây sự quá mức.

Chúa Giêsu nói: “Hoan hô!” với những người đi từ giai đoạn ba: từ khoái cảm muốn làm chủ đến khoái cảm được quan hệ với tha nhân. Khó thực hiện bước vượt qua này, vì người đàn ông hay đàn bà nào đang ở giai đoạn hai, đều giống như người thanh niên giàu có, nghĩ mình có nhiều của cải, đang làm chủ bản thân và làm chủ công việc của mình. Họ không muốn bỏ mồi bắt bóng. Họ kinh nghiệm nỗi buồn tinh vi, nhưng họ sợ không dám liều. Bước qua giai đoạn ba đòi nhảy vọt lên phía trước tương tự như đốt hết tàu đi vậy. Cái đó không phải dễ dàng gì và Chúa Giêsu biết rõ điều ấy.

Ai tín nhiệm người khác, nói theo quan niệm Kitô giáo, là ai có lòng bác ái – và tin tưởng vào cuộc sống và vào tương lai, tức là có niềm trông cậy, thì người ấy thành công trong cuộc đời, thì người ấy hạnh phúc. Còn lòng tin thì chính tín nhiệm vào Abba. Nhưng có rất nhiều người không tín ngưỡng, mà vẫn sống hai niềm tín nhiệm trên kia.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 81-91

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)