Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (7)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2104 | Cập nhật lần cuối: 6/6/2016 1:57:48 PM | RSS

(tiếp theo)

Chương IV: Hội nhập văn hóa của Phúc Âm

I. Quá trình hội nhập Phúc Âm vào văn hóa

Không có một con đường đơn giản và xác định để Phúc Âm hóa các nền văn hóa, vì văn hóa có tính phức tạp, lại luôn tiến triển. Nhưng dẫu sao cũng có một số tiếp cận ta cần lưu ý.

Thường khi nói đến Phúc Âm hóa các nền văn hóa, ta nghĩ ngay đến các vị thừa sai, nam cũng như nữ, đã rời bỏ cộng đồng Kitô hữu của bản thân để đến một nơi xa lạ, có văn hóa khác với văn hóa của mình để rao giảng Phúc Âm. Ngày nay, nơi xa lạ có văn hóa khác bản thân ấy có thể là một quốc gia xa xôi như Nhật Bản, Trung Quốc, …, nhưng cũng có thể là một lãnh vực xã hội gần kề bên ta trong không gian, nhưng trong đó Tin Mừng đã không được biết đến hay đã bị lãnh quên. Dù ở hoàn cảnh nào thì điều căn bản vị thừa sai phải có là khả năng lắng nghe các văn hóa.

Mỗi người, dù là nam hay nữ, trí thức hay thất học, già hay trẻ, đều có một văn hóa riêng của mình. Chẳng có ai “siêu” văn hóa cũng như chẳng có ai lại không sinh ra bởi một giống nòi. Chính Con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng đã tuân giữ qui luật ấy. Nơi Đức Giêsu, ta thấy rất rõ những đặc điểm một con người thuộc về một nền văn hóa và chủng tộc riêng biệt, đó là văn hóa và chủng tộc Do Thái. Các nhà truyền giáo cũng vậy, họ đến nơi truyền giáo với văn hóa và chủng tộc riêng của họ. Đứng trước nền văn hóa của nơi truyền giáo, họ cũng cảm thấy ngột ngạt như cá bị đem ra khỏi nước. Vì hoàn cảnh này nên, nếu ở nhà truyền giáo chỉ có thiện chí và sự hăng hái làm tông đồ thì chưa đủ, còn phải có chuyên môn, nghĩa là sự hiểu biết văn hóa của nơi mình truyền giáo. Trong thực tế, chỉ có một phần của hiểu biết chuyên môn ấy được thể hiện trong môi trường họ dấn thân và vì thế, thái độ lắng nghe, tìm hiểu với lòng thiện cảm nền văn hóa đang đón nhận mình là không thể thiếu được cho nhà truyền giáo. Sự lắng nghe ấy cần có ba đặc tính sau đây:

1. Bao quát

Các nền văn hóa là những cơ thể sống động, phức tạp, vì thế cần phải có cái nhìn bao quát. Một cái nhìn “giảm – thiểu” loại bỏ quá nhanh những điều xem ra khó hiểu, có thể đưa đến những tai hại khôn lường. Trong quá khứ, các nhà truyền giáo đã có lúc loại bỏ một số yếu tố mà ngày nay ai cũng phải nhận là nền tảng sẵn có cho việc xây dựng đức tin. Sự thiếu sót ấy thường có nguyên nhân ở thái độ thiếu kính trọng đối với nền văn hóa mà người truyền giáo đến Phúc Âm hóa.

2. Quan tâm đến những động lực làm nên căn tính của một văn hóa

Vì đâu và tại sao mà nền văn hóa này lại là như vậy? Nếu câu hỏi này không có giải đáp minh bạch, thì ta phải lo ngại rằng việc Phúc Âm hóa sẽ chỉ có bề ngoài, như một lớp sơn bôi bác. Vì thế nhà truyền giáo phải làm quen với cái nhìn về thế giới với nền văn hóa khác biệt mà họ đến Phúc Âm hóa.

3. Lưu ý đến biến đổi của nền văn hóa ta đến Phúc Âm hóa

Trong bất cứ văn hóa nào, có hai hiện tượng rất quan trọng là sự kiếm tìm và giữ vững sự đồng nhất với chính bản thân và sự biến đổi. Nói cách khác, giữ vững căn tính bản thân khi phải biến đổi. Hai hiện tượng ấy luôn đi đôi với nhau; đó là những điều làm cho các nền văn hóa có đời sống và sự tiến triển của nó. Khi đến Phúc Âm hóa một nơi nào, cần phải quan tâm đến việc văn hóa của nơi ấy có thể sẽ biến đổi như thế nào. Biến đổi ấy không chỉ tùy thuộc vào Phúc Âm, mà còn tùy thuộc vào cách đón nhận và cách rao giảng nữa, và vì thế nó có thể tốt, mà cũng có thể xấu. Nhà truyền giáo phải lưu tâm đặc biệt đến vấn đề này vì nếu không thận trọng, hành động của họ có thể là nguyên nhân cho sự phá sản nhân bản và sự đảo lộn cơ cấu xã hội. Giống gieo tốt không đủ, còn phải có đất để gieo, không là sỏi đá hay bụi gai, và người gieo không trộn lẫn lúa với cỏ lùng.

Ngoài việc lắng nghe với thiện chí, ngày nay các nhà truyền giáo còn phải nghiên cứu sâu rộng về các văn hóa theo một phương pháp khoa học để hiểu biết chức năng, môi sinh, cơ cấu… của mỗi văn hóa. Nhờ hiểu biết này, họ sẽ tiếp cận được các vấn đề như: một văn hóa sẽ có trạng thái nào trong một bối cảnh vật lý nhất định? Tại sao yếu tố quan trọng của một văn hóa lại ẩn tàng trong những điều không biểu lộ ra bên ngoài, và ở trong các cơ cấu vô thức ảnh hưởng vào thái độ của con người? Tại sao để truyền thông, các văn hóa lại cần một mạng lưới phức tạp như thế? Thật sự, nếu không có những cách tiếp cận theo phương pháp khoa học, ta sẽ không hiểu được rằng các việc xảy ra trong xã hội tuy rất dị biệt, nhưng luôn có những quan hệ với nhau.

II. Vai trò của Giáo hội địa phương

Vì văn hóa có nhiều và có thể biến đổi nhanh chóng, nên việc Phúc Âm hóa cũng buộc phải thể hiện theo nhiều hình thức. Không phải Giáo hội chung, nhưng Giáo hội địa phương sẽ có vai trò thứ nhất trong việc Phúc Âm hóa nơi văn hóa của mình. Phaolô VI đã lưu ý đến điểm này như sau:

Trước những hoàn cảnh khác nhau như vậy, chỉ nói một lời cũng như đề nghị một giải đáp có giá trị phổ quát thì rất khó. Đó không phải là tham vọng mà cũng không phải là sứ mạng của tôi. Các cộng đồng Kitô hữu phải phân tích một cách khách quan hoàn cảnh riêng của xứ sở mình, soi sáng vào đó những lời không uống cạn được của Phúc Âm. [1]

Trách vụ của các Giáo hội địa phương vừa đề cập tới đưa đến những bó buộc sau đây:

1. Giáo hội địa phương phải biết đọc các “dấu chỉ” thời đại của địa phương mình

Việc này đưa đến sự tìm hiểu ở địa phương của bản thân nhà truyền giáo, có nơi nào chưa được Phúc Âm hóa, và có nơi nào được Phúc Âm hóa bởi những mời gọi từ bên ngoài vọng vào? Tìm hiểu này sẽ cho biết trong địa phương họ, ở đâu có tình trạng tiền Phúc Âm hóa, đâu có tình trạng Phúc Âm hóa, đâu có tình trạng phải tiếp tục giáo dục đức tin, và đâu phải ảnh hưởng cụ thể vào đời sống xã hội, chính trị.

2. Việc đọc và lắng nghe các “dấu chỉ” nói trên phải là kết quả của một hành động chung của cộng đồng trong đó mọi phần tử đều có phần tham dự

Một hành động chung như vậy bảo đảm một đánh giá đúng hơn về các địa điểm, những sáng kiến dị biệt hơn, một tự do rộng rãi hơn, và những can thiệp đi sát với nhu cầu thực tế hơn. Nó cũng giúp cho tránh được một lựa chọn hẹp hòi, chỉ có một hướng đi.

3. Như thường xảy đến trước đây và bây giờ cũng vẫn chưa chấm dứt, nhà truyền giáo là người Tây phương đến xứ truyền giáo

Các ngài đứng trước một nền văn hóa khác với văn hóa mình đã hấp thụ, nên các ngài phải luôn đề cao cảnh giác xu hướng lấy chủng tộc mình làm trung tâm nhân loại, và lấy văn hóa của mình làm văn hóa thật. Ngày nay xu hướng vẫn còn là mối hiểm nguy thật, vì chính chúng ta không nhận thấy. Nhưng rõ ràng chúng ta biết: văn hóa này cũng như mọi nền văn hóa khác cũng có bóng tối và ánh sáng. Khi làm sứ mạng Phúc Âm hóa, chúng ta phải cố gắng nghe văn hóa nơi ta đến. Hơn thế nữa, ta phải “sinh lại và lớn lên” [2] trong văn hóa mới này mà không mất bản chất của chính mình. Làm như thế là chúng ta đã sinh ra và lớn lên trong văn hóa của chủng tộc mình.

4. Cần lắng nghe với thiện cảm các nền văn hóa khác

Không phải chỉ các cá nhân mà các cộng đồng Kitô hữu có nền văn hóa khác nhau cũng cần lắng nghe với thiện cảm các nền văn hóa khác mà họ chung sống bên cạnh nhau. Sự lắng nghe này giúp chúng ta khám phá ra bản thân chúng ta và phân biệt nhóm của mình với các nhóm xung quanh. Việc Phúc Âm hóa không những căn cứ vào chứng tá các cá nhân, mà còn căn cứ vào hiện diện tích cực của cả nhóm người Kitô hữu trong xã hội của chúng ta.

Vai trò của các Giáo hội địa phương trong việc xây dựng Giáo hội chung đã được các Đức Giáo hoàng gần đây lưu ý. Đức Phaolô VI viết:

Theo ý nghĩ của Chúa, Giáo hội tuy phổ quát do ơn gọi và sứ mạng, nhưng một khi đã bén rễ trong những vùng văn hóa, xã hội, nhân sinh khác nhau, Giáo hội lại mang những bộ mặt, những biểu hiện bên ngoài khác nhau tùy theo mỗi miền của thế giới. [3]

Cùng tư tưởng với Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II coi Giáo hội toàn cầu như một hiệp thông của các Giáo hội địa phương, một liên kết các quốc gia ở phạm vi ngôn ngữ và văn hóa, một đóng góp các ân huệ mà mỗi cá nhân và mỗi nhóm người riêng đã nhận được cho toàn thể nhân loại.

Nhiều hội đồng Giám mục địa phương đã bắt đầu nghiên cứu một chương trình mục vụ thích hợp hơn cho tình trạng đa văn hóa là phản ánh của địa phương mình. Các ngài không còn nghi ngờ rằng hội nhập đức tin vào văn hóa, sống và diễn tả đức tin trong ngôn ngữ và phong cách của một địa phương là điều cần thiết để Phúc Âm hóa địa phương ấy.

Nhưng để việc Phúc Âm hóa trở nên hiện thực thì tất cả các phần tử của cộng đồng địa phương phải đón nhận và làm tròn trách nhiệm của mình. Khi mọi phần tử của Giáo hội địa phương đều đem vào đời sống mình các đòi buộc của Phúc Âm thì những sự phong phú về nhân bản mà kinh nghiệm của họ nhận được chắc chắn sẽ cộng tác vào việc nhân loại hóa con người. Chính vì thế mà ta có thể nói không sợ sai lầm rằng tương lai của đức tin thì ở trong tay các cộng đồng địa phương và tùy thuộc vào phẩm chất đời sống Phúc Âm của họ.

Những trình bày trên cho thấy để Giáo hội có thể xâm nhập vào văn hóa một địa phương thì không những cần chứng tá của các cá nhân, nhưng cũng không thể thiếu chứng tá và sự phục vụ của chính Giáo hội ở địa phương ấy.

III. Hội nhập Phúc Âm vào văn hóa

1. Những đòi buộc người Phúc Âm hóa

Trong việc hội nhập Phúc Âm vào văn hóa, trước hết phải có người truyền giáo. Người ấy đã được văn hóa hóa. Người ấy lại công bố một Tin Mừng được thấm nhuần trong một nền văn hóa. Nguồn gốc của Tin Mừng là Tân Ước viết bằng tiếng Do Thái hay Hy Lạp. Tất nhiên nguồn gốc ấy chứa đựng những thực tại văn hóa của xứ Palestin và miền Địa Trung Hải ở thế kỷ I. Sau này Tân Ước còn được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nữa.

Tự thân, Phúc Âm đã tồn tại từ ban đầu qua truyền khẩu trước khi trở thành bốn cuốn sách. Chính vì thế, mỗi cuốn sách phản ảnh mỗi khác về kinh nghiệm tôn giáo của những cộng đồng tín hữu rất khác nhau. Trong lịch sử, đã có những tác giả đã cố gắng tổng hợp bốn nguồn mạch ấy, để đem lại một thực tại có giá trị chung, áp dụng được cho hết mọi người ở khắp mọi nơi.

Các Kitô hữu ngày nay không thích các tác giả cố gắng tổng hợp bốn Phúc Âm làm một. Họ thích cách đọc và giải thích đa dạng, họ muốn tiếp xúc trực tiếp với ý nghĩa của bản văn. Hơn thế nữa, họ không dừng ở công việc tìm ý nghĩa của bản văn, mà họ còn muốn khám phá ở bản văn một ý nghĩa áp dụng cho đòi hỏi của đời sống hiện tại của họ. Mọi quá trình Phúc Âm hóa văn hóa là một cố gắng để viết “một Phúc Âm thứ năm”.

2. Quá trình Phúc Âm hóa luôn là một công trình phức tạp

Quá trình Phúc Âm hóa luôn là quá trình phức tạp vì nó là cố gắng diễn tả Tin Mừng vào một ngôn ngữ nhân loại cụ thể và vào một nền văn hóa của một dân tộc cụ thể. Trước tiên, nó được xác định bởi chính nền văn hóa của nguồn gốc là Kinh thánh, sau nữa là bởi những chi phối văn hóa đa dạng mà người rao giảng đã đón nhận, và bởi văn hóa của Giáo hội trong đó người ta được đào tạo. Những phân tích trên cho thấy việc Phúc Âm hóa một nền văn hóa nào đó bao giờ cũng có hiện tượng “cộng nhập văn hóa” [4] như ta đã nói ở trên. Đức Phaolô VI khi đề cập đến vấn đề này cũng nhắc nhở:

Việc Phúc Âm hóa sẽ mất đi nhiều sức mạnh và hiệu lực, nếu người ta không lưu ý đến dân tộc cụ thể mà việc Phúc Âm hóa đang nhằm đến, nếu không dùng ngôn ngữ, dấu hiệu, biểu tượng của dân tộc đó đặt ra, nếu không liên kết với đời sống cụ thể của dân tộc đó. [5]

Các cộng đồng Kitô hữu phải học để nói ngôn ngữ văn hóa và nhân loại của địa phương mình. Muốn đạt tới đó, trước hết phải lắng nghe và đối thoại. Nhiều lúc, ở cùng một nơi có nhiều văn hóa: giới trẻ, giới già, trí thức, giới lao động… Đầu tiên ta phải khám phá những khoảng cách và những mâu thuẫn đã nảy nở giữa các nền văn hóa thế tục ấy với nền văn hóa Kitô giáo triển nở trong lòng Giáo hội.

Đề cập đến vấn đề này, Gioan Phaolô II đã quả quyết:

Cả Giáo hội đều phải lắng nghe con người đương đại để hiểu rõ họ và tạo ra một đối thoại mới mẻ hầu giúp đưa sự độc đáo của sứ điệp Phúc Âm vào trung tâm của tâm tính hiện nay. [6]

Như trên, Giáo hội phải phát hiện tâm tính và xu hướng các tập thể của thế giới ngày nay, vì đó là cánh đồng dành cho việc Phúc Âm hóa của mình. Nhưng phát hiện thì còn chưa đủ, Giáo hội còn phải nhập cuộc với thiện cảm, không những trong tinh thần sẵn sàng khen ngợi và chấp nhận nhưng còn với sự sáng suốt biết phân biệt sáng và tối, tốt và xấu nữa.

Giáo hội phải luôn nhớ rằng: Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa có liên hệ sâu sắc với kinh nghiệm của cộng đồng nhân loại người cũng như Ngôi Lời không tách biệt được với khuôn mặt nhân loại của Đức Giêsu Kitô.

(còn tiếp)

Lm. Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 59-68

---------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (3)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (4)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (5)

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (6)

Chú thích

[1] Octogesima Adveniens, số 4.

[2] Tựa như Đức Giêsu nói với Nicôđêmô.

[3] EN, số 62.

[4] Acculturation.

[5] EN, số 63.

[6] L’Eglise et la Culture, D.C 1983, số 1845, tr. 146-148.