Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3839 | Cập nhật lần cuối: 5/12/2016 5:53:29 AM | RSS

Nhập đề

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóaNgày nay phân biệt Tây phương là nơi đạo gốc và các lục địa khác là các xứ truyền giáo không còn ý nghĩa. Người ta không còn coi việc truyền giáo như một quan hệ giữa Giáo hội Tây phương, được coi như trung tâm của Giáo hội toàn cầu, với các dân tộc ở thế giới thứ ba như những địa phương còn phải rao giảng Tin Mừng và thiết lập Giáo hội nữa. Tiêu chuẩn địa lý này đã được thay thế bởi tiêu chuẩn văn hóa.

Trong khi gặp gỡ với Phúc Âm, có người đã đón nhận và trở nên Kitô hữu. Có người tin ở Phúc Âm, nhưng không chịu phép Rửa để thuộc về một Giáo hội. Sau hết, có người vẫn tiếp tục theo con đường mà họ đã chọn trước đây. Việc Phúc Âm hóa nhằm vào tất cả các loại người nói trên, không loại bỏ một ai: Kitô hữu cũng như lương dân, người ở trong cũng như ngoài Giáo hội.

Vì trong thực tế, có những lập trường khác nhau như vậy, nên Giáo hội phải tự đặt vấn đề!

Phúc Âm đã thấm nhuần vào trọng tâm đời sống của những con người đã nghe công bố Phúc Âm đến mức độ nào?

Còn phương tiện nào trong kinh nghiệm tôn giáo của nhân loại chưa được Phúc Âm hóa?

Mặt khác, Giáo hội ngày nay cũng biết rằng ở các xứ truyền giáo mà mình đến rao giảng Phúc Âm, Thiên Chúa chẳng bao giờ vắng mặt, cũng như ở các nước Tây phương, Thiên Chúa chẳng bao giờ “đã chết”, [1] và Người có muôn vàn cách để biểu lộ sự hiện diện để cứu chuộc của Người. Điều này sẽ giúp Giáo hội có những điều kiện để tìm hiểu sâu sắc hơn kinh nghiệm về đức tin của mình.

Những trình bày trên cho thấy Giáo hội, khi đi truyền giáo, phải có một lập trường đa nguyên thật sự trong phán đoán về lời rao giảng, cách đón nhận và thi hành Phúc Âm. Đức Phaolô VI nói đến Giáo hội phải dấn thân vào công cuộc “Phúc Âm hóa các văn hóa”. [2] Nói cách khác, việc truyền giáo ngày nay không còn là việc chiêu mộ những phần tử mới cho một Giáo hội đã có sẵn, nhưng là tạo nên những cộng đồng Kitô sống trong thế giới văn hóa riêng của mình để làm dấu chỉ sống động về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban xuống cho loài người qua Đức Giêsu Kitô.

Ngày nay, người ta thường hay tố cáo Giáo hội Công giáo là quá bảo thủ trong cách giảng dạy, trong thần học, trong cơ chế và trong phẩm trật thừa tác viên với khung cảnh văn hóa xã hội Tây phương ngày xưa. Người ta còn nói rằng: Giáo hội Công giáo luôn lẫn lộn sứ điệp Phúc Âm với hình thức văn hóa để diễn tả sứ điệp ấy của Tây phương. Và từ đó nổi lên những tranh luận về quan hệ giữa Phúc Âm với các văn hóa. Người thì nói Giáo hội chắc phải quên đi văn hóa Tây phương để giúp cho các Giáo hội địa phương ngoài Tây phương phát triển trong văn hóa riêng của mình. Người thì đưa ra một quan niệm thần học mới về truyền giáo là “hội nhập văn hóa”. [3]

Hoàn cảnh mới của Giáo hội Công giáo trong lịch sử đưa đến một quan niệm sâu sắc hơn về công cuộc truyền giáo. Quan niệm mới này được tiêu biểu bởi một số từ ngữ mới trong thần học. Trước khi đề cập đến quan niệm, cần phải nắm vững ý nghĩa của các hạn từ ấy.

Trước hết phải nói đến hạn từ: Phúc Âm hóa. Hạn từ này ngày nay không chỉ có nghĩa hẹp là phổ biến Tin Mừng cho các cá nhân và nhóm người chưa được nghe đến. Nó bao gồm cả việc rao giảng Phúc Âm để củng cố đức tin cho những cá nhân và những nhóm người sống trong những địa phương mà Giáo hội đã được thiết lập vững vàng. Mặt khác, không những cần Phúc Âm hóa các cá nhân, nhưng cũng cần làm việc này cho môi trường cụ thể của cá nhân ấy, nghĩa là văn hóa của họ. Sau hết, cũng phải lưu ý rằng nếu Giáo hội có sứ mạng Phúc Âm hóa, chính Giáo hội cũng cần được Phúc Âm hóa mỗi ngày, ví dụ Giáo hội là thánh, nhưng Giáo hội cũng vẫn phải cải đổi hằng ngày, i.e., “semper refor-manda”. [4]

Thứ đến từ: hội nhập văn hóa. Để tránh mọi hiểu lầm, ta phải phân biệt ba hạn từ: văn hóa hóa,[5] cộng nhập văn hóa,[6] và hội nhập văn hóa. Hai hạn từ trên thuộc nhân loại học và từ cuối thuộc thần học, nhưng cũng có những liên lạc bền chặt với nhân loại học. Sau đây, chúng tôi sẽ cố gắng giải thích nội dung của mỗi từ. Cả ba hạn từ đều là từ kép có một tiền tố [7] khác nhau và một từ gốc chung: đó là văn hóa. [8]

Văn-hóa-hóa quá trình một người vừa sinh ra đã phải bước vào môi trường mình sống để thấm đẫm cách sống sứng đáng với một người trong tập thể mình sinh ra. [9] Người ta nói nhiều đến đứa trẻ mới sinh ra bị bỏ rơi trong rừng vắng, được loài vật nuôi dưỡng cho lớn lên. Nó tuy là người nhưng không được hấp thụ văn hóa của một dân tộc nào, nên chưa hoàn toàn là người. Nó chỉ là người thật sự khi nó đã hòa đồng được với một nhóm người mà nó đã biết ngôn ngữ và cách xử thế. Vì là người, ai cũng được rèn luyện từ lúc mới sinh để sống như một người: văn hóa gắn liền với con người trong đời sống của họ.

Con người có thể đón nhận văn hóa một cách thụ động hay tích cực, nhưng dù đón nhận cách hời hợt ở bên ngoài, hay đi sâu vào bên trong, văn hóa cũng luôn tồn tại ở ta và chung quanh ta; nó là quỹ tích đời sống ta.

Ở trên ta đã nói về con người cách chung, nhưng khi nhìn vào một Kitô hữu, ta cũng thấy một hiệnn tượng tương tự như vậy: họ được huấn luyện theo cùng một cách với những người thuộc về Giáo hội của họ; họ có chung với các tín hữu khác thuộc Giáo hội một văn hóa chung. Sự dị biệt giữa các Giáo hội Công giáo, Chính thống, Tin Lành…, không phải chỉ ở lễ nghi và hình thức bên ngoài. Theo dòng lịch sử, mỗi Giáo hội đã làm phát triển trong các tín hữu của mình một quan niệm về đời sống riêng. Nói thế để ta hiểu một nhà truyền giáo dù nghĩ rằng mình đi rao giảng một Tin Mừng siêu văn hóa cũng vẫn không trung lập về văn hóa được. Họ đi rao giảng Phúc Âm trong lúc con người họ mang theo hiệu quả của hai quá trình văn hóa của dân tộc và của Giáo hội họ. Đến một địa phương mới, họ lại trở nên như một trẻ sơ sinh trước văn hóa của địa phương ấy, và họ lại phải bắt đầu một quá trình văn hóa hóa mới.

Cộng-nhập-văn-hóa quá trình năng động của một văn hóa khi gặp một văn hóa khác. Hai văn hóa ảnh hưởng lẫn vào nhau. Phản ứng này đưa đến những hiệu quả khác nhau cho mỗi văn hóa, có thể là vay mượn, bắt chước lẫn nhau, có thể là đưa đến những phát triển hay tổng hợp mới…

Khi Phúc Âm được rao giảng ở một nơi, nơi ấy đã có sẵn văn hóa của nó, vì thế mà công cuộc Phúc Âm hóa bao giờ cũng gây nên một cộng nhập văn hóa trong đó Phúc Âm, văn hóa của người rao giảng và văn hóa của các thính giả phải cộng nhập hài hòa với nhau. Bản chất văn hóa địa phương phải được tồn tại, nhưng bản thân nó cần được siêu việt hóa nhờ Phúc Âm và trở nên nhân bản hơn nhờ tiếp xúc với một văn hóa nhân loại khác.

Sau hết, hội nhập văn hóa là gì? Đây không phải là một hạn từ thuộc nhân loại học hay xã hội học. Nó chỉ được sử dụng trong thần học và áp dụng vào sinh hoạt nội tại của Giáo hội mà thôi. [10] Nhưng nó có một vị trí rất gần những phản ứng và sinh hoạt của văn hóa mà ta vừa nhắc đến ở trên. Để làm quen với ý nghĩa của từ này, ta sẽ đọc qua một số định nghĩa mới nhất:

Theo R. Jaonen:

Hội nhập văn hóa có thể định nghĩa như là lời đáp trả lại độc đáo của một nền văn hóa nào đó đối với sự rao giảng Phúc Âm, và sau đó đối với việc Phúc Âm hóa tiếp diễn. [11]

J. Scheuer cho một cái nhìn chi tiết hơn:

Hội nhập văn hóa là một quá trình nhờ đó đời sống và sứ điệp Phúc Âm xâm nhập vào một văn hóa riêng. Ta có thể nói được rằng đó là nhập thể của Phúc Âm vào văn hóa một cộng đồng, một xã hội nhất định, đâm rễ tốt ở đó, và đã đem lại những sự phong phú mới, những hình thức tư tưởng, những sinh hoạt và những cử hành độc đáo. [12]

Theo H. Carrier hội nhập văn hóa phải có tương quan với sứ điệp Đức Kitô:

Hội nhập văn hóa chỉ nỗ lực làm thấm nhuần sứ điệp của Đức Kitô vào một môi trường văn hóa xã hội nào đó và cùng lúc mời gọi môi trường ấy tiến triển lên theo các giá trị riêng của mình khi các giá trị ấy thích hợp với Phúc Âm. Hội nhập văn hóa là sự nhập tịch của Giáo hội vào một xứ sở, một miền hay một giới nào đó trong sự tôn trọng đầy đủ về tính tình và về sở năng của một tập thể nhân loại. [13]

Còn J.Y. Calvez thì cho rằng:

Hội nhập văn hóa trước hết là trình bày sứ điệp và các giá trị của Phúc Âm trong những hình thức và những từ ngữ riêng cho mỗi văn hóa, để đức tin và đời sống Kitô hữu của mỗi Giáo hội địa phương xen lẫn vào trong một nền văn hóa xác định một cách thật thân mật và sâu sắc ở mức độ mà có thể được. [14]

Nó còn bao hàm:

Sự phát triển văn hóa mới mà những người được mời gọi vào đức tin đem lại cho Phúc Âm trong lòng văn hóa mới mà Phúc Âm đã được gieo vào. [15]

Và Đức Gioan Phaolô II cho một cái nhìn rút gọn:

Hội nhập văn hóa là sự nhập thể của Phúc Âm vào các văn hóa bản xứ, và cùng một lúc, đem các văn hóa ấy vào sinh hoạt của Giáo hội. [16]

Những định nghĩa trên cho ta thấy quan niệm về hội nhập văn hóa trong thần học ngày nay vẫn còn là một vấn đề phức tạp, và những bàn luận về nó chưa chấm dứt. Dầu sao, căn cứ vào các nghiên cứu đã có trong tầm tay, ta thấy quan niệm này đề cao sức cải tạo và đổi mới của Phúc Âm vào các văn hóa biết đón nhận mình một cách thuận lợi.

Nhưng, trong thần học, hội nhập văn hóa có phải chỉ đơn thuần là một phương pháp truyền giáo như những phương pháp khác; hay còn là một quá trình căn bản hơn thế nữa, và có thể, lần đầu tiên trong lịch sử thần học, nó cho ta một trình bày đúng đắn về bản chất việc truyền giáo, như một số nhà thần học đã quả quyết không?

Trong tập nghiên cứu này, chúng tôi mong rằng có thể giải đáp được phần nào thắc mắc này.

Chương I: Văn hóa theo nhân loại học

I. Kinh nghiệm về văn hóa của con người

Các nền văn hóa là những thực tại lịch sử rất cụ thể. Mỗi văn hóa đều có một đời sống riêng, vì thế muốn nghiên cứu về văn hóa, ta phải tìm hiểu cách mà một người trở nên có văn hóa và cách mà các văn hóa ảnh hưởng lẫn vào nhau.

Một người trở nên có văn hóa nhờ một quá trình mà ngày nay người ta gọi là văn hóa hóa. [17] Vừa sinh ra, con người đã phải hội nhập vào xã hội, nghĩa là nhận biết và nội tâm hóa các phương tiện khác nhau của văn hóa. Lần lần, họ lĩnh hội được các kiểu mẫu thích nghi với người ta và ngoại giới mà họ đã gặp thấy trong gia đình và trong chủng tộc của mình. Văn hóa hóa là động lực cổ vũ họ đón nhận một tổng hợp những mẫu mực sinh hoạt theo một đường hướng xác định, và loại bỏ mọi kiểu mẫu khác mà họ gặp được. Quá trình này có tính cách xâm lược, lan tràn vào mọi phạm vi của đời sống. Nó rất tinh vi và len lỏi vào cả những chi tiết nhỏ nhặt trong thái độ, trong cư xử với người khác, trong tín ngưỡng, trong việc đánh giá các sự việc… Tuy nó cũng có chặng đường bắt đầu và chặng đường đào sâu, có thời gian yếu và thời gian mạnh, nhưng hiệu quả của nó luôn là xâm chiếm cả cuộc sống của con người.

Trong bất cứ nhóm người nào, văn hóa được lĩnh hội nhờ giáo dục, nhờ tự ý bắt chước và nhờ xâm nhập vô ý thức, nhưng, ở mỗi xã hội đều có một hình thức lĩnh hội riêng biệt: có văn hóa lấy ước mơ, thị kiến và kinh nghiệm làm chính; có văn hóa lấy học hỏi, suy luận, hiệu năng trong đời sống làm chính; nhưng cũng có văn hóa phối hợp cả hai đường hướng nói trên… Sự phong phú về hình thức lĩnh hội ấy chứng tỏ ở con người có một khả năng bộc lộ bản thân rất phong phú.

Lãnh vực nhân bản riêng mà mỗi người sinh ra trong đời được lần hồi đưa vào, được lần hồi cấu tạo nên bởi những ý niệm tổng quát, những sự kiện cụ thể, những cử chỉ biểu tượng và nhất là bởi một ngôn ngữ văn hóa. Đó là tổng thể những gì họ biết được một cách ý thức hay vô thức, nhờ sự tự do tuyển chọn cá nhân, hay bởi sự phục tùng thụ động.

Là người ai cũng có văn hóa, đời sống ta trong văn hóa như đời sống con cá lội trong nước: cá không thể thiếu nước và nước thì phải có cá. Nhưng thường ta chỉ ý thức rằng ta có một văn h óa khi ta đối diện với một văn hóa khác. Lúc xảy ra hiện tượng cộng nhập văn hóa. [18]

Các nền văn hóa có một đời sống riêng. Chúng giống như các cơ thể của loài động vật, luôn thay đổi vì lớn lên hay suy tàn. Chúng sinh ra, lớn lên, ngưng đọng, suy vi, phục hưng và chết đi. Những biến đổi nói trên có nguyên nhân phức tạp ở bên trong và ở ngoài.

Cần lưu ý đến các biến đổi do một quá trình chính xã hội gây nên. Quá trình ấy có thể ngẫu nhiên và cố ý. Thường nó xảy đến vì một khám phá quan trọng đem lại một thay đổi to lớn vào một khu vực nào đó của đời sống, nhưng cũng có âm vang vào các khu vực khác nữa. Thí dụ như một khám phá khoa học quan trọng thế nào cũng ảnh hưởng vào đời sống luân lý, tôn giáo, kinh tế, chính trị của một địa phương.

Khi một văn hóa biến đổi vì gặp gỡ với một văn hóa khác ở ngoài vào thì có một cộng nhập văn hóa. Cộng nhập văn hóa hóa là một tiến trình trong đó một văn hóa biến đổi vì ảnh hưởng của một văn hóa khác. Biến đổi này đưa đến đổi mới lần lần các kiểu mẫu sinh hoạt mà một nhóm người từ trước tới nay nghĩ rằng phải theo thì mới sống xứng đáng con người. Khi người Tây phương khám phá ra các lục địa mà trước đây họ chưa biết và đem quân đến chiếm các lục địa ấy làm thuộc địa, thì các dân tộc của các lục địa ấy bắt đầu bước vào một quá trình cộng nhập văn hóa sâu rộng.

Ngày nay, cộng nhập văn hóa là một hiện tượng chung trong thế giới. Chẳng còn dân tộc nào có thể sống cô độc được nữa. Nhưng cộng nhập văn hóa xảy đến có nhiều mức độ, từ cộng nhập văn hóa một cách có sáng suốt, có tự lập và tuyển chọn để đưa văn hóa của mình đến hoàn bị mà vẫn giữ được căn tính của nó, đến cộng nhập văn hóa vì nhồi sọ, áp đặt, tha hóa và thay thế văn hóa của mình bằng một văn hóa khác, thì còn có nhiều mức độ cộng nhập văn hóa khác nữa.

Cũng có một nền văn hóa được hồi sinh khi một dân tộc cố gắng lập lại sự độc đáo và căn tính của văn hóa cha ông mình để lại, mà ngày nay, sự tồn tại bị đe dọa vì có một nền văn hóa khác đang chủ trị trên địa phương mình.

Bởi là cơ thể sống động, nên các văn hóa có hệ thống tổ chức và sự tích lũy vừa ở phạm vi cấu trúc vừa ở phạm vi tâm lý riêng biệt. Sự tích lũy ở cấu trúc giúp cho việc phân phối chức năng cho các yếu tố cấu tạo nên văn hóa được rõ ràng và có hiệu lực, còn sự tích lũy ở phạm vi tâm lý được thể hiện nhờ một tổng hợp các định đề, giá trị và đối tượng làm nên “linh hồn” của văn hóa, và cho nó một khuôn mặt riêng.

Nhưng cũng vì là cơ thể sống động nên chẳng có văn hóa nào có thể sáp nhập được mọi sự. Mức sáp nhập của mỗi văn hóa tùy thuộc vào logic nội tại của nó, và sự gắn bó của các phần nó có với nhau. Mọi văn hóa đều biến đổi, nhanh hay chậm tùy bản chất của chúng. Chúng cũng đều có xu hướng bảo tồn, nhưng sự bảo tồn của chúng không thành tựu như nhau.

Sự kiện mỗi văn hóa có một sắc thái riêng tùy theo vào nhiều động lực và ảnh hưởng lẫn vào nhau trong thời gian. Các nhu cầu sinh lý, tâm lý và xã hội các môi trường vật lý, các biến cố lịch sử và các cảnh huống của con người đều là những yếu tố góp phần để loài người có những nền văn hóa phong phú và dị biệt.

(còn tiếp)

Lm. Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học hội nhập văn hóa”, tr. 7-18

---------------------------------------

Chú thích

[1] Nietzsch cho rằng con người muốn là Siêu Nhân thì không thể nhìn nhận là Thiên Chúa tồn tại. Vì thế, ông cho rằng Thiên Chúa đã chết”.

[2] En, số 2

[3] In-culturation

[4] Luôn cải đổi

[5] En-culturation

[6] Hay thích nghi và văn hóa (ac-culturation). X. Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh (2008, tr. 9)

[7] Prefix

[8] Culture

[9] X. Aylwari Shorter (1988, tr. 5). Toward d Theology of inculturation. Ở đây tác giả phân biệt enculturation dùng cho bối cảnh xã hội học; còn inculturation thì dành cho bối cảnh thần học.

[10] Ngày nay hạn từ cũng được dùng trong một số tài liệu Phật học.

[11] Lumen Vitae, vol. 23, 1984, no 168, p. 33.

[12] Lumen Vitae, vol. 39, 1984, tr. 253.

[13] “Evanglile et Culture de Léon XIII à Jean Paul II,” Paris, 1987, tr. 147.

[14] Lumen Vitae, vol. 39, số 3 (1984, tr. 317). Nécessaire inculturation

[15] Ibid.

[16] Thông điệp Slavorum Apostoli, trích trong "L’inculturation" của Achiel Peelman, Desclée – Novalis, Ottawa 1989, tr. 116.

[17] X. tr. 10.

[18] X. tr. 10-11.