Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2866 | Cập nhật lần cuối: 6/3/2016 9:32:34 AM | RSS

(Tiếp theo)

Điều kiện một: Phải từ bỏ gia đình mình và thế gian

Sau Giáng sinh 1856, Antoine Chevrier muốn đem ra thực hành ngay, không chút chậm trễ, lối sống linh mục mà cha vừa có sáng kiến. Cha đã gặp hai sự chống đối: từ mẹ mình và từ các bạn đồng liêu. Cha đã trải qua sự chống đối của mẹ hồi còn là chủng sinh, khi có ý tưởng đi truyền giáo ở ngoại quốc.

Hai loại chống đối ấy không phải là trở ngại, song chỉ là những thử thách gây ít nhiều đau khổ, miễn người ta giữ được sự thong dong tâm hồn đối với gia đình và đối với cả môi trường xã hội, trong đó có môi trường giáo sĩ. Bởi vì, khi tập thể các linh mục có xu hướng khuôn mình theo một môi trường xã hội nào đó, tất nhiên họ tạo ra giữa họ một não trạng tập thể, ràng buộc họ một cách vô ý thức vào những thành kiến của môi trường sống: thế gian cũng lọt vào trong các buổi hội nghị của các anh em đồng liêu. [1]

Một cuộc chiến đấu hết sức gay go, từ phía một bà mẹ chuyên quyền, đã phần nào cắt nghĩa tại sao cha Chevrier lại dành mức quan trọng cho việc từ bỏ gia đình. Nhưng không ai tránh trút được vấn đề này. Và đa số những kẻ “đã được tách riêng vì Tin Mừng” (Rm 1), sẽ có một ngày bị đặt trước điều đau đớn không thể tránh, là gây khổ đau cho những người thân thương của mình, khi họ tự do quyết định đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa.

Mặt khác, cũng nên biết, sau khi thân phụ qua đời, cha Antoine Chevrier đã đem mẹ theo mình đến Prado. Cha biết khá rõ những gì về người mẹ ấy, nên đã tổ chức các công việc, làm sao để mẹ đừng có can thiệp vào cách điều hành ngôi nhà, trong khi bà mẹ vẫn cảm thấy mình là người còn hữu dụng.

Ở đây, hai ưu tư lớn của cha Chevrier là đặt nặng giá trị quyết liệt của gia đình thiêng liêng và tranh đấu cho quyền tự do. Tự do rao giảng Tin Mừng và được sống gần gũi với người nghèo.

Vì thế, từ bỏ thế gian được hiểu cách riêng như khước từ, không chịu để lệ thuộc vào một loại thế gian đang muốn khống chế môi trường xã hội đối với hàng giáo sĩ thời đó, và có lẽ ít nhiều gì cả mọi thời. Tùy theo từng trường hợp, đó sẽ là thế gian của giới quyền quý, thế gian của giới thẩm mỹ, thế gian của giới trí thức, của những kẻ đua đòi theo thế gian,v.v…

Người ta dễ dàng tìm kiếm, cùng với chức linh mục, một sự thăng tiến xã hội. Nhưng cha Chevrier nhận xét, “Đức Giêsu không giúp đỡ gia đình Ngài theo kiểu xác thịt”. [2]

Từ bỏ thế gian, đối với cha Chevrier cũng còn là, hoàn toàn tự do đối với các hệ thống và phe nhóm chính trị. Đó là điều cha muốn khẳng định, khi từ chối “đến dự buổi họp mặt buổi tối ở cuộc tiếp tân nào đó để nói chuyện về chính trị [3]. Cha biết rõ, đám dân nghèo thời ấy thường gặp phải những trở ngại nào, khi hàng giáo sĩ dính líu vào những xu hướng chính trị của một số giai cấp xã hội. Tuy nhiên, không nên chờ đợi cha Chevrier nói về mối quan hệ giữa Giáo hội và thế giới theo cái nhìn của Vatican II. Cha không có ý kiến cá nhân về vấn đề.

Cha cảm nhận phải phân biệt các ý nghĩa khác nhau của chữ “thế gian”, nhưng chỉ hứa sẽ giải thích mà chẳng đưa ra được một lời nào. [4] Tin Mừng phải chịu một phần trách nhiệm về sự thiếu minh định đó. Chữ “thế gian”, trong thánh Gioan, nói tới khi thì vũ trụ, khi thì loài người, hoặc cả những kẻ chối từ Đức Kitô. Chỉ xin hiểu thế này, trong cuốn “Người môn đệ đích thật”, thế gian, đó là mọi thứ ảnh hưởng từ phía loài người khả dĩ ngăn trở chúng ta coi Tin Mừng với một thái độ hoàn toàn nghiêm túc. Khi người ta đã gặp Đức Kitô như thánh Gioan, như thánh Phaolô, người ta không thể nào chấp nhận được những sự lấn át đó.

Vài từ ngữ khác cũng hàm chứa dị nghĩa thiên giới và địa giới [5]. Muốn hiểu cha Chevrier, cần phải liên tưởng đến thánh Phaolô [6] như cha. Phaolô đối đầu con người địa giới với con người thiên giới. Người thiên giới là người mới, được tái tạo trong ân sủng Đức Kitô, được làm cho sống, được hướng dẫn bởi Thần Khí, và chắc chắn không phải để chước chuẩn khỏi tư cách “chân đạp đất”. Con người địa giới (hay hạ giới) là con người cũ, một con người còn bị phó nộp cho dục vọng vì họ là dòng dõi của Ađam tội nhân.

Có một chuyện không thể chối cãi. Cha Chevrier luôn khắng khít với Kinh thánh khi dùng các tiếng “thế gian thiên giới, địa giới” song cũng phải công nhận ngôn ngữ của cha vẫn chịu ảnh hưởng khoa hùng biện thời đó. [7]

Tuy nhiên, cha đặt cho chúng ta một câu hỏi không ai được né tránh: trên bình diện thiêng liêng, chúng ta có được tự do đối với thế gian và cách riêng đối với gia đình của mình không?

Đây là sự từ bỏ đầu tiên mà Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta đòi hỏi ở kẻ muốn bước theo Ngài.

Bởi vì, ta không thể vừa thuộc về Thiên Chúa, vừa thuộc về thế gian. Và cần thiết phải từ bỏ một bên để tận hiến cho bên kia.

Cũng như Đức Giêsu Kitô nói, ta không thể làm tôi hai chủ.

Hoặc yêu chủ này và ghét chủ kia; hoặc gắn bó chủ này và khinh bỏ chủ kia.

Ta không thể vừa gắn bó với Thiên Chúa, vừa gắn bó với thế gian, bởi có sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và thế gian.

Và, nếu như trong sách Thánh, Thiên Chúa phán, người vợ sẽ bỏ cha mẹ mình để gắn bó với chồng, phương chi ai muốn gắn bó với Thiên Chúa càng phải lìa bỏ hết mọi thụ tạo.

Đó là hành động thứ nhất Thiên Chúa đòi hỏi Abraham khi Người gọi ông theo.

Giáo lý Đức Chúa Giêsu về sự từ bỏ gia đình và thế gian

Các con đừng tưởng Thầy đến đem bình an trên cõi trần. Thầy bảo chúng con, không phải bình an mà sự chia rẽ.

Vì, Thầy bảo chúng con, từ nay dưới một mái nhà, năm người chia rẽ nhau, ba chống hai, hai chống ba.

“Họ sẽ chia rẽ nhau

Cha với con, con với cha.

Mẹ với con gái

Con gái với mẹ

Mẹ chồng với nàng dâu

Nàng dâu với mẹ chồng.” (Lc 12, 51)

“Đừng tưởng Ta đến để đem bình an trên mặt đất;

Ta đến không phải để đem lại bình an, mà là gươm giáo

Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình.

Con gái với mẹ mình.

Nàng dâu với mẹ chồng mình.

Và kẻ thù của người ta là những người nhà mình.” (Mt 10, 34)

“Kẻ yêu mến cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta ắt không xứng với Ta.” (Mt 10, 37)

“Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ, con cái; anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa, ắt không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 14, 26)

Từ bỏ thế gian

“Khốn cho thế gian vì những cớ vấp phạm!” (Mt 18, 7)

“Anh em đừng yêu thế gian, thì lòng mến của Cha không có trong kẻ ấy” (1 Ga 2, 15)

Thiết nghĩa với thế gian là thù địch với Thiên Chúa sao?

“Phàm ai muốn thiết nghĩa với thế gian, thì nó đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa!” (Gc 4, 4)

“Đừng rập theo đời này” (Rm 12, 2)

Đức Giêsu Kitô nói với các sứ đồ Ngài: Các con không thuộc về thế gian.

Không ai được làm tôi hai chủ.

Tại sao phải từ bỏ gia đình và thế gian?

“Ta biết rằng: Ta thuộc về Thiên Chúa. Và toàn thể thế gian đều lụy quyền kẻ dữ” (1 Ga 5, 9)

“Thế gian không thể lĩnh nhận, vì nó không thấy cũng không biết Ngài.” (Ga 14, 17)

“Nếu ai yêu mến thế gian, thì lòng mến của Cha không có trong kẻ ấy.

Vì mọi sự có trong thế gian, đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt và kiêu hãnh về của cải, các điều ấy không do tự Cha, nhưng là do tự thế gian mà có. Và thế gian đang qua đi cùng với đam mê của nó. Còn kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (1 Ga 2, 15)

“Đó không phải là sự khôn ngoan tự trên xuống, nhưng nó thuộc trần tục, thuộc khí huyết, quỉ ma.

Vì đâu có ghen tương, tranh chấp, thì ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan.

Sự khôn ngoan tự trên thì trước là tinh tuyền, rồi an hòa, bao dung, nhún nhượng, đầy tình thương xót và hoa quả tốt lành, không ngoắt ngoéo, không giả hình. Hoa quả công chính được gieo vãi trong an bình cho người gây dựng bình an!” (Gc 3, 15)

“Còn con người khí huyết không đón nhận những điều thuộc về Thần Khí Thiên Chúa: vì đó là điên rồ đối với nó, và nó không thể biết được, bởi vì phải xét đoán theo kiểu thần thiêng.” (1 Cr 2, 14)

“Vì sự khôn ngoan thế gian này là sự điên rồ nơi Thiên Chúa. Vì đã viết: người bắt chợp hạng khôn ngoan ngay lúc chúng bày giảo kế. Lại nữa: Chúa biết các toan tính của những người khôn ngoan: thật toàn chuyện hão.” ( 1 Cr 3,19-20)

“Các ngươi thuộc bên dưới;

Ta thuộc bên trên!

Các ngươi thuộc về thế gian này;

Ta không thuộc về thế gian này.” (Ga 8, 23)

“Họ thuộc về thế gian, vì thế họ nói theo thế gian.

Chúng thuộc về thế gian, vì lẽ ấy, chúng chiếu theo thế gian mà nói, và thế gian nghe chúng. Còn ta, ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe ta, ai không thuộc về Thiên Chúa tất không nghe ta. Do đó mà ta nhận biết được thần khí sự thật và thần khí thác ngộ.” (1 Ga 4, 5)

Thế gian đặt tất cả hạnh phúc của họ trong những điều bề ngoài, cảm xúc được. Chúa Giêsu đặt nó trong các điều thuần thiêng.

Maria đã chọn phần nhất hảo.

Những ví dụ chứng minh cho chân lý ấy: đối kháng giữa Đức Giêsu Kitô và thế gian

Những kẻ thân thuộc Ngài ra đi để bắt Ngài, vì họ bảo: “Ngài đã mất trí” in furorem versus est (Mc 3, 21)

Anh em Ngài cũng không tin vào Ngài. (x. Ga 7, 5)

“Tiên tri mà có bị khinh thì chỉ có ở nơi quê quán, nơi bà con, nơi nhà mình thôi!” (Mc 6, 4)

(Ở đây có ý nói các vị Ngôn sứ chân chính, những linh mục chân chính, những người tôi tớ tốt lành của Thiên Chúa, họ không sống theo thế gian. Chứ không nói đến những kẻ đi theo tư tưởng của thế gian và của gia đình).

Các anh em Ngài nói cùng Ngài: “Bỏ đây mà đi qua Giuđê, ngõ hầu môn đồ Thầy được trông thấy các việc Thầy làm. Vì ai lại đi hoạt động chùng lén, khi tìm địa vị công khai. Một khi Thầy làm được như thế, thì hãy tỏ mình ra cho thế gian” (Ga 7, 3)

Chính tại Nazareth, quê hương mình, mà Đức Giêsu bị đuổi ra khỏi hội đường, bị dân chúng kéo lên núi và định xô Ngài xuống. “Nhưng Ngài đã ngang qua giữa họ mà đi.” (Lc 4, 30)

Chúng ta càng thuộc về Thiên Chúa thì chúng ta càng xa lạ với các tư tưởng và các sự điên dại của thế gian, và thế gian càng thù ghét ta, càng bách hại ta. Mẹ ông Dêbêđê đến với Đức Giêsu, xin cho hai đứa con của bà, một đứa ngồi bên phải, một đứa ngồi bên trái, trong Nước của Ngài, hai đứa con cũng lại xin điều ấy và Đức Giêsu đã bảo họ: “Các ngươi không biết các ngươi xin gì! Các ngươi có thể uống nổi chén Ta Uống, và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10, 38)

Chính Phêrô, trước khi lĩnh nhận Thần Khí Thiên Chúa đã bị Đức Giêsu Kitô quở mắng ra mặt.

Giêsu nói về cuộc tử nạn của Ngài và loan báo điều sắp xảy đến cho mình.

Phêrô đến nói riêng với Ngài, lên tiếng trách móc như sau: Có Thiên Chúa chứng dám, thưa Ngài, nhất định điều đó sẽ không xảy ra đâu!

Đức Giêsu quay lại nhìn các môn đồ, và quở mắng Phêrô mà nói: Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (Mc 8, 31)

Chính Đức Giêsu Kitô đã thực hành sự từ bỏ gia đình như thế nào

Năm mười hai tuổi, trẻ Giêsu ở lại trong Đền thờ để khởi sự sứ mạng Cha giao cho mình trong thế gian.

Ngài ở lại Đền thờ mà cha mẹ không hay biết.

Và khi Đức Trinh Nữ xuất hiện, hỏi Giêsu tại sao Ngài đã hành động như vậy đối với họ, vì cha mẹ đã phải tìm kiếm con suốt trong ba ngày qua, lòng đau buồn rầu rĩ, thì được Giêsu thưa: “Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?” (Lc 2, 49)

Đám cưới Cana

Tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu trả lời Đức Maria, mẹ mình, khi mẹ báo tin cho Ngài là khách dự tiệc đã hết rượu: “Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì? Giờ của tôi chưa đến!” (Ga 2, 4)

Đức Giêsu trên thập giá

Và trên thập giá, Đức Giêsu thấy mẹ mình đứng dưới chân thì nói: “Hỡi bà, này là con bà.” (Ga 19, 26)

Một phụ nữ cất tiếng giữa đám đông kêu lên: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông, và vú ông đã bú!”

Đức Giêsu đáp lại: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời của Thiên Chúa và noi giữ.” (Lc 11,27-28)

Có ai đến thưa Đức Giêsu: Này Mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài. Đáp lại, Ngài nói với họ: “Ai là mẹ Ta và anh em Ta?”

Rồi nhìn quanh các người ngồi vòng quanh Ngài, Ngài nói:

Mẹ tôi và anh em tôi, đó là những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

“Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.” (Mc 3, 31)

Những gì Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta đòi hỏi ở kẻ muốn theo Ngài, về quan hệ đối với gia đình họ

“Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta.” (Mt 10, 37)

Đức Giêsu nói với một thanh niên: hãy theo tôi. Nhưng thanh niên đó thưa Đức Giêsu: xin Thầy hãy cho phép tôi đi chôn cất cha tôi trước đã.

Đức Giêsu bảo anh: “Hãy theo Ta”. “Để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng; còn ngươi hãy cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 60)

Một chàng trai khác thưa Chúa Giêsu: lạy Chúa, con sẽ theo Ngài, nhưng xin cho phép con đi từ biệt những kẻ trong gia đình đã.

Giêsu nói với anh ta: “Kẻ nào tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa!” (Lc 9, 61)

Những qui tắc hướng dẫn ta trong vấn đề gia đình và thế gian

Theo các lời nói và gương sáng của Đức Chúa Giêsu chúng ta, ta thấy một môn đồ đích thật của Đức Giêsu Kitô có bổn phận trước tiên:

Từ bỏ cha mẹ mình

Từ bỏ cha mẹ mình theo gương con trẻ Giêsu năm 12 tuổi để hiến mình làm việc cho Thiên Chúa; và cũng chẳng cần sự chấp thuận của cha mẹ.

Khi Chúa Giêsu gọi chúng ta, ta phải vâng lời Người.

Người là người Cha số một của chúng ta.

“Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta.” (Mt 10, 37)

Khi cha mẹ đến tìm Ta, hãy nói với cha mẹ như con trẻ Giêsu: tại sao cha mẹ tìm con làm chi? Cha mẹ lại không biết rằng con phải hiến thân để phục vụ Cha con sao?

Bổn phận đầu tiên của chúng ta là lo việc Thiên Chúa. Người mới là người Cha đệ nhất của ta.

Chúng ta có một người Cha ở trên trời, vượt trên hẳn mọi người cha dưới đất, và ta phải vâng lời người Cha ấy trước tiên.

Người Cha ấy ở trên anh em,

Người là Cha anh em và Cha Thầy.

Thầy đến chia rẽ con với cha.

Không có chung chạ gì nữa với gia đình, ngoài các quan hệ bác ái và cần kíp [8]

Một khi người ta đã thực hiện sự cách ly đầu tiên ấy và tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ Người, thì không còn điều gì phải chung chạ với gia đình nữa.

Đó là điều Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta truyền dạy khi Ngài trả lời Đức Maria mẹ Ngài tại tiệc cưới Cana: có điều gì chung chạ giữa bà và tôi đâu? Thưa bà, giờ tôi chưa đến.

Phải học hỏi từng tiếng một vì mỗi từ hàm chứa một bài học.

Xét câu nói của Đức Chúa: Có điều gì chung chạ giữa bà và tôi đâu? Thưa bà giờ tôi chưa đến

Có gì chung chạ giữa bà và tôi? Nghĩa là từ đây không còn gì chung giữa bà với tôi. Từ ngày tôi đã bỏ bà để hiến mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Tôi đã từ bỏ gia đình tự nhiên để bước vào một gia đình thiêng liêng. Tôi đã cắt đứt các quan hệ xác thịt, để ràng buộc mình bằng các quan hệ siêu nhiên.

Thiên Chúa là Cha tôi.

Giáo hội là mẹ tôi.

Con cái Thiên Chúa là anh em chị em tôi.

Đó là gia đình của tôi.

Không còn gì chung giữa tôi và bà nữa, bà không còn quyền gì trên tôi và tôi không còn liên hệ gì với bà. Nếu có còn liên hệ nào khác thì đó là liên hệ về đức bác ái và lòng biết ơn, các liên hệ này không phá bỏ được. Điều ấy thật đơn giản, vì chúng ta đã bước ra khỏi trật tự tự nhiên để gia nhập gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa.

Thưa bà

Tiếng mà Chúa dùng để nói với mẹ Ngài cho ta hiểu, giờ đây, Ngài đã bắt đầu sứ mạng thần linh trên cõi thế, Ngài đã trở nên viị linh mục vĩnh hằng, Đức Maria đã mất quyền làm mẹ của mình trên con, và Ngài không còn nhìn nhận nơi bà cái quyền được sai khiến Ngài về những gì liên can tới nước Thiên Chúa và sứ mạng thần linh của Ngài.

Ngài không nhìn nhận vị thầy nào khác, người Cha nào khác, Đấng bề trên nào khác ngoài Thiên Chúa, Cha Ngài. Mẹ Ngài từ nay chỉ còn là một đàn bà.

Giờ của tôi chưa đến

Tôi biết điều tôi phải làm và khi nào phải làm. Tôi đã có Cha tôi, tôi phải vâng lời Ngài, chính Cha ấn định cho tôi giờ phút tôi phải hành động và phương cách tôi sẽ làm.

Không phải phận sự bà nói với tôi điều tôi phải làm, hoặc ấn định cho tôi lúc nào tôi hành động.

Tôi không nhận lệnh nào của bà, về những gì can dự tới sứ mạng thần linh của tôi.

Tôi phải vâng lời duy một mình Thiên Chúa, duy mình Ngài ấn định giờ phút tôi hành động.

Khi hành động, tôi không tuân theo tiếng xác thịt, tiếng máu mủ, hoặc một cảm tình tự nhiên nào, song tôi vẫn hỏi ý Cha tôi muốn gì.

Quả là bài học lớn mà Đức Chúa chúng ta để lại cho ta qua các lời dạy đó. Chính vì để dạy dỗ ta mà Ngài đã lên tiếng trong hoàn cảnh ấy, nói lên những lời bề ngoài xem ra cứng cỏi, để cho ta thấy sự tách biệt cần phải có của vị linh mục đối với gia đình mình.

[2] Ms VIII 431

[3] Tr. 224

[4] Tr. 226

[5] X. tr, 222 và nơi khác.

[6] X. 1 Cr 15, 47 (trang ở t. 287, 392)

[7] X. tr. 37-39

[8] Lời giải thích câu Ga 2, 4 chắc hẳn là sự sai lầm lớn nhất của cha Chevrier trong cắt nghĩa Kinh thánh. Nhưng do không phải lỗi riêng của cha. Cha theo các hướng dẫn từ các ghi chú của Mastai Ferretti: “Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng, trong các chức năng và thánh vụ tông đồ, họ không được để cho xác thịt và huyết thống hướng dẫn, mà chỉ nên theo nguyên một thánh ý Chúa” (Mastai-Fers. Tr. 113)