Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3062 | Cập nhật lần cuối: 7/12/2016 11:16:29 AM | RSS

(tiếp theo)

Từ bỏ bản thân, đó là: Từ bỏ thể xác mình

Đây là một chương khó trình bày. Những trang sách tiếp đây của cha Chevrier thường khi nghe chướng tai đối với thế hệ chúng ta. Liệu đối với các người đồng thời, chúng ta ít có chướng tai hơn chăng? Chắc thế, bởi hồi đó, não trạng còn nhầm thấm chủ nghĩa lãng mạn, người ta chấp nhận những ngôn ngữ phát biểu, đối với chúng ta, có hơi thiếu tế nhị. Nhưng ta chớ vội tin là các điều ấy đã được dễ dàng chấp nhận. Khi cha Chevrier nói đến tính tham ăn và tính vô công rồi nghề, đúng là cha tố giác những thói xấu mình quan sát trong hàng ngũ các giáo sĩ đương thời. Và nếu như trong các lời chúng ta nghe chướng tai, có cả những thói xấu thời nay bị cha tố cáo đúng y hệt thì sao?

Dẫu vậy, để hiểu thâm ý của cha Chevrier, ta nên đặt các trang này vào thời đại của chúng.

Hồi đó các điều kiện sinh hoạt khác hẳn. Những người dân nghèo, trong các giới bình dân, làm gì có vấn đề buồng tắm và hoa sen. Người ta chỉ cạo râu một tuần một lần. Não trạng cũng khác, cách riêng trong vấn đề giao thiệp giữa nam nữ. Hồi ấy có ai nghĩ người phụ nữ làm nghề y sĩ, luật sư, đại biểu vì chẳng hề thấy một cô gái nào học tới đại học cả, thậm chí cấp trung học cũng không có. [1]

Sau hết, trên lãnh vực thiêng liêng, những cứu xét tỉ mỉ về các tật xấu được coi là chuyện thường. Điều này vẫn không giảm bớt sự sảng khoái của những kẻ quen nghe lặp đi lặp lại những điệp khúc về những lời giảng dạy mà họ đã phớt lờ không cần chú ý tới.

Cũng nên đặt các trang này trong bối cảnh cuộc đời cha Chevrier.

Những người chung quanh sống với cha vẫn cảm thấy dễ chịu. Cha không thuộc hạng người lúc nào cũng dòm ngó, chỗ nào cũng thấy cái xấu, nghiêm khắc, lầm lì, khác hiện thân của sự trách móc.

Luôn luôn cha chu đáo lo lắng đến các nhu cầu của mọi người để ai nấy được ăn no; những ngày ở Prado có trẻ rước lễ lần đầu, bàn ăn bày đủ món như thể trong đám tiệc cưới thôn dã. Cha quan tâm tới các cộng sự viên của mình, lo cho họ có đủ thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Đối với các chị em thuộc hội Prado hoặc với một ai đó trong nhóm phụ nữ quanh cha, vẫn có những cuộc tiếp xúc thân tình, một điều không nằm trong phong cách chung của thời ấy.

Khi đã phân định như thế, sẽ còn lại cái gì để nhớ trong tất cả những điều cha nói về việc từ bỏ thân xác.

Trước tiên, còn những nét chung của công cuộc thần khí hóa thân xác một cách tiệm tiến, nghĩa là để cho Thánh Thần chiếm ngự ngày càng sâu đậm hơn. Trong bản thân ta, không có điều gì được xa lạ với ảnh hưởng của Thần Khí Thiên Chúa. Và phải làm sao để cách ăn ở bên ngoài làm chứng tá cho Đức Kitô, Đấng mà chúng ta là chi thể.

Cũng còn chính đời sống của cha Antoine Chevrier để chứng tỏ cho chúng ta, một linh mục tận hiến cả thể xác mình cho sứ mạng mình nhận lãnh, là như thế nào.

Trước hết về khía cạnh đức khiết tịnh, cha đã muốn sống hết sức trung thực chế độ độc thân mình đã tình nguyện, không chịu ngấp nghé tự đền bù bằng những điều cỏn con để khả dĩ đưa dần tới những sai quấy nghiêm trọng, như kinh nghiệm thường cho thấy. Nếu ở thời đại ngày nay, người ta có vẻ lạc quan về bản tính con người hơn thời cha Chevrier, thì đôi khi thiên hạ lại tỏ ra khá ngây thơ, và đây chắc không phải một bước tiến bộ.

Vấn đề là biết hết sức quí trọng đức thanh khiết và hiểu rõ nó là gì [2].

Còn trong các lãnh vực lao động và dinh dưỡng, chỉ cần nêu lên một sự kiện: cha Chevrier đã “chết vì đói ăn” [3] vào tuổi 53, thực hiện đúng lời cha viết: “Thà rằng bớt đi mười năm sống bằng cách làm việc cho Thiên Chúa còn hơn sống thêm mười tuổi mà không làm gì cả” [4].

Sau khi xem xét tới những thích nghi cần thiết với sự thay đổi các điều kiện sinh hoạt, ta cố lắng nghe, qua các trang nói về sự từ bỏ thể xác, một lời mời gọi hãy đón nhận nghiêm túc các phán dạy của Đấng đã nghiêm khắc tố cáo lão nhà giàu ăn cao lương, đang khi kẻ khó Lazarô phải nhịn đói (Lc 16,19-31), người đầy tớ lười biếng chẳng chịu làm công việc chủ giao (Mt 25,24-30), kẻ đàn ông nhìn vợ người bằng con mắt ham muốn (Mt 5,27-28).

Học giáo lý Đức Chúa chúng ta và của thánh Phaolô sứ đồ Ngài, ta thấy rằng từ bỏ thể xác tiên vàn đòi hỏi:

đừng để cho thể xác chế ngự mình,

đừng chăm lo quá đến thể xác,

dẹp bỏ các tội lỗi về thể xác,

biến thể xác thành khí cụ đền tội,

biến thể xác thành bánh thánh sống động bằng cách thực hành sự công chính và các nhân đức sửa các nết xấu bề ngoài của thể xác.

Tình nguyện lãnh nhận đau đớn và cái chết về thể xác.

1. Đừng để cho thể xác chế ngự mình

Thiên Chúa phán với Cain: Ngươi phải chế ngự các bản năng xấu xa của ngươi. (x. Kn 4, 3)

Tôi xin nói là: “Hãy bước đi theo Thần Khí, và anh em sẽ không làm thỏa đam mê xác thịt.” (Ga 5, 16)

“Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng lo toan về xác thịt, cho thỏa các đam mê.” (Rm 13, 14)

Và nơi khác: “Anh em không biết là hiến mình làm nô lệ vâng phục ai, anh em phải làm nô lệ cho người anh em vâng phục: hoặc là cho tội; để chuốc lấy cái chết; hoặc là cho sự vâng phục để được công chính?” (Rm 6, 16)

Theo tất cả những lời trên của Kinh thánh, ta thấy rằng phận sự của thân xác không phải là điều khiển vâng phục, rằng ta không được thỏa mãn các ước muốn của mình, làm vui thỏa thân xác mình, lụy phục các chứng khí của nó, ta đừng làm nô lệ.

Phận sự của thân xác không phải là điều khiển mà là vâng phục.

Ta phải coi thân xác ta như một tên đầy tớ chứ không như chủ của ta.

Nó phải suy phục tinh thần; thân xác chỉ là một khí cụ ta sử dụng để làm việc và để thực hiện những điều bề ngoài khả dĩ tôn vinh Thiên Chúa và làm ích cho kẻ khác. Nó là một tên đầy tớ có bổn phận vâng phục; ta phải dẫn dắt nó, điều khiển nó như người ta dắt một con vật, như người ta ra lệnh cho một tên đầy tớ.

Nếu ta cho tên đầy tớ quá nhiều tự do, nó sẽ lạm dụng khiến không ai chịu nổi nó, nó sẽ làm điều nó chẳng được phép làm.

Kết luận thực tiễn

Xem thể xác như một tên đầy tớ có bổn phận phục tùng linh hồn chứ không phải như người chủ mà ta phải vâng phục.

Lấy uy quyền quyết liệt ra lệnh cho thể xác.

2. Từ bỏ việc tôn sùng thể xác

Thánh Phaolô nói: “Cũng vậy, phụ nữ phải ăn bận nết na, trang sức một cách đoan trang chừng mực, không phải bằng bím tóc, hay vàng bạc, ngọc châu, áo quí.” (1 Tm 2, 9)

Thánh Phêrô cũng khuyên điều ấy trong các thư của ông: “Đồ trang sức chị em đừng có vỏ ngoài, nhưng là gióc bím tóc tai, là liệt vòng vàng hay chưng diện áo quí, nhưng là con người trầm ẩn, nơi tấm lòng, mà (đồ trang điểm) bất toại là thần khí hiền từ và an tĩnh; đó là điều quí hóa trước mặt Thiên Chúa.” (1 P 3, 3)

Vậy ta phải cởi bỏ tất cả những đồ trang điểm bề ngoài vô tích sự, và chỉ chú ý đến trang điểm con người bên trong không ai thấy được, hơn là trang điểm con người bề ngoài ai nấy xem thấy. Phải dẹp bỏ hết những đồ trang sức bên ngoài như nhẫn khuyên, hoa hòe, bông tai, dây chuyền vàng bạc, vòng đeo, đồng hồ vàng, ngọc thạch, dù cho các đồ vật ấy đem từ gia đình tới.

Ta không nên có đồ trang sức bề ngoài nào, cho dẫu mang với lòng sùng kính, ngoại trừ cây thánh giá. Phải dẹp bỏ khỏi trang phục những gì là xa hoa, trưng diện, cao sang, chải chuốt, trau tria, nề nếp, sự sạch bóng quá đáng, tỉ như vải hạng sang, là ủi, cổ cồn, tay kiểu, giày xi bóng, ren tua, v.v… tất cả những gì gây háo hức, xinh đẹp, duyên dáng, dễ thương lôi cuốn cặp mắt.

Đừng quá lo lắng đến thể xác, giày dép, mặt mũi, bàn tay, móng tay, làn da. Chớ bao giờ dùng kem mặt, dầu thơm, xà bông thơm, gương soi; chỉ cần một tấm gương để cạo râu hoặc để rửa mặt, chải đầu một lần thôi; đừng ngắm nghía, soi mình, tìm tòi kiểu dáng, cách uốn giọng, câu nói hay v.v…

Đừng bao giờ sử dụng các đồ vật tế nhuyễn và óng ả mà người thế gian hay tìm đến; coi thân xác như một thần tượng cần phải tô điểm để người đời ngắm nghía.

Sự tôn sùng thể xác như thế đi ngược với tinh thần Phúc Âm biết chừng nào!

Làm mất thì giờ, chỉ lo lắng đến mình, quên lãng Thiên Chúa, lãng quên bổn phận, càng nghĩ tới mình càng ít nghĩ tới Chúa và tha nhân.

Đồ trang điểm đích thật của thân xác là sự tinh khiết và đằm thắm.

Ngoài thế gian, người ta quá chăm lo cho thân xác.

Các thánh ít có như vậy: thánh Biển Đức, thánh Hilarion, thánh Phanxicô, Benoit Labre.

Khi ta tìm kiếm Thiên Chúa và anh em, ta không có thời giờ lo đến thể xác mình.

Thực hành

Chúng ta có thể kể thêm vào bảng các điều nói trên:

để tóc ngắn

mặc áo giáo sĩ bằng vải “xéc”, may đo chững chạc quá

đi giày đơn sơ nghèo nàn, mọi thứ khác cũng vậy

cạo râu hai lần trong tuần

chỉ đi tắm khi cần thiết

quỳ xuống để cạo tonsura theo chức thánh, có ý nhắc nhở ta phải từ bỏ thể xác mình, và nhớ rằng vương quyền thiêng liêng của chúng ta vượt trên thế gian và trên mọi sự phù phiếm của nó.

3. Từ bỏ thể xác là dẹp bỏ các tội lỗi về thể xác

Thánh Phaolô nói với ta: “Vậy tội chớ ngự trị trong thân xác chết dở của anh em, khiến anh em phải nghe theo các đam mê của nó. Anh em đừng hiến chi thể mình làm khí giới bất chính cho tội, nhưng hãy hiến dâng cho Thiên Chúa chính mình anh em, như những kẻ đã thoát cõi chết mà được sống, và chi thể anh em làm khí giới công chính cho Thiên Chúa.” (Rm 6,12-13)

Anh em hãy ăn ở theo Thần Khí và anh em sẽ không làm theo các ham mê của xác thịt, vì xác thịt có những ham muốn trái ngược với ước muốn của thần khí, còn thần khí lại ước muốn ngược lại với ước muốn của xác thịt, thần khí và xác thịt chống nghịch nhau.

Các việc của xác thịt, chúng ta dễ nhận ra ngay. Đó là: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù; kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa chè chén và các điều khác giống như vậy, và tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng bảo rồi, là những kẻ làm các điều ấy sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp.” (Ga 5,19-21)

Đọc các đoạn ấy, ta thấy rõ cần phải từ bỏ tội lỗi ở trong chính mình ta, chớ làm theo những ham muốn của xác thịt và chớ dùng các chi thể của mình để làm tôi mọi tội lỗi.

Ta thấy các tội chính của thể xác là: ô uế, tham ăn và lười biếng và do đó, ta phải từ bỏ ba thứ tội đó.

Cần phải từ bỏ ô uế

Thánh Phaolô bảo: “Vậy anh em hãy sát phạt chi thể mê theo thế tục: dâm bôn, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa, và tính tham lam hà tiện tức là một sự thờ quấy, những điều kéo thịnh nộ Thiên Chúa đến.” (Cr 3,5-6)

“Thân xác không phải dành cho dâm dật, mà là dành cho Chúa, và Chúa dành cho thân xác.” (1 Cr 6, 13)

“Vì đây là thánh ý Thiên Chúa, (đây là) sự thánh hóa của anh em: anh em phải kị hẳn tà dâm! Mỗi người trong anh em phải biết làm chủ bản thân mình, trong sự thánh thiện và trọng kính. Đừng buông theo dục tình đam mê, như dân ngoại không biết Thiên Chúa. Về điều ấy, đừng ai gia hại, hay lường gạt anh em mình. Vì chưng Chúa trừng phạt hết thảy các sự ấy, như chúng tôi đã bảo trước kia, và đã chứng thực với anh em. Vì Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta vào đàng ô uế, mà là để nên thánh!” (1 Tx 4,3-7) Theo các lời ấy, ta phải từ bỏ mọi sự ô uế, mọi sự dâm dật, mọi ước muốn bất chính và biết làm chủ các bình thể xác mình cách thánh thiện và lương chính.

Thể xác tự nhiên hướng chiều theo sự dâm ô và tất cả những khoái lạc nhục dục bất chính.

Thân xác ta giống như một đám sình lầy, một ao bùn hôi thối.

Ở trên mặt, nước có vẻ tinh khiết trong trẻo, nhưng dưới đáy toàn là bùn lầy dơ dáy.

Khi ta vừa vứt một vật lạ xuống nước hoặc có cơn gió thoảng qua mặt nước, nước xáo động và đục ngầu tức thì, bùn ở dưới đáy xùi lên làm cho tất cả khối nước dơ bẩn.

Thân thể tồi tệ này thì cũng vậy, bao lâu chưa có gì xáo động, khấy đục, mọi sự xem có vẻ yên lặng và bề mặt sạch trong.

Nhưng khi vừa có vật lạ xen vào, hoặc một làn gió tư tưởng hoặc tình cảm nào đó lướt qua bề mặt, tức thì nó bị xáo động, khuấy đục.

Bùn sình dơ uế nổi lên mặt, làm đục ngầu, khuấy động; dâm bôn, lạc thú ô trọc trà trộn trong vật lạ ấy, đã xâm nhập vào tâm trí ta, lòng ta, hay thể xác ta. Điều này trái hẳn với sự tinh khiết, vì tinh khiết thì làm gì có lẫn lộn, hay tạp nham; không gì có thể xâm nhập chúng ta ngoại trừ Thiên Chúa là chính sự tinh khiết, thân xác thuộc về Đức Chúa, thuộc hẳn về Ngài, một mình Ngài có quyền thụ hưởng nó [5].

Vậy nên ta phải từ bỏ hết mọi sự trà trộn với các vật xa lạ khác, với mọi thứ tiếp xúc, để được hoàn toàn tinh trong và như thánh Phaolô nói, biết cách làm chủ cái bình thể xác chúng ta một cách thánh thiện và lương chính.

Thánh Phaolô ví xác ta như một cái bình: khi ta đổ rượu quý vào trong một cái bình mỏng dòn, cần phải ý tứ, đi đứng cách thận trọng, không nghiêng ngả bên mặt hay bên trái, kẻo nó trào rượu ra ngoài; cũng thế, ta phải mang cái bình thể xác chúng ta một cách thận trọng để giữ nó luôn luôn trong giới hạn đức thanh khiết và sự chính trực.

[2] Tr. 262

[3] Six, tr. 451-459

[4] Ms x. 319

[5] X. tr. 38 và 233-235 – Ms. XI 648 = Nghĩa là chúng ta thuộc về Thiên Chúa và chỉ có Người có quyền nhập vào trong chúng ta, vì duy có Người là Chủ Tể, duy Người không làm ô nhơ thể xác. Cũng như các tia sáng mặt trời không làm dơ bẩn nước, trái lại nếu mặt trời xuyên qua, càng làm cho nước xinh đẹp rạng ngời hơn. Đức Chúa cũng vậy. Còn các vật lạ khác hễ chìm vào là khuấy đục và làm nước sẩm tối lại; cũng thế các thọ tạo xa lạ cũng hoạt động như vậy trong lòng ta một khi chúng xâm nhập vào trong đó.