Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (22): Từ bỏ ý muốn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3040 | Cập nhật lần cuối: 2/1/2017 10:40:36 PM | RSS

(Tiếp theo)

Từ bỏ chính mình

4. Từ bỏ ý muốn

Vì lẽ gì, trong các cộng đoàn người ta coi trọng đức vâng lời thế? Hình như cha Chevrier đã tự đặt cho mình câu hỏi ấy. [1]

Cứ sự thường, trong các cộng đoàn linh mục và các cộng đoàn tu sĩ, người ta coi đức vâng lời là chủ đề then chốt. Người ta còn có xu hướng bàn về chủ đề này mà tách riêng hẳn nó ra khỏi đời sống Kitô giáo, thậm chí đức vâng lời khác nào vượt lên trên cả lòng mến, hoặc thay thế lòng mến.

Người ta đã đưa ra hai lập luận chính để thanh minh cho sự quan trọng dành cho đức vâng lời: vâng lời là con đường ngắn nhất đi tới sự trọn lành phần linh hồn; vả chăng, kẻ vâng lời không bao giờ lầm lạc cả. Cha Chevrier đã lấy lại những giải thích đó mà không bàn cãi. [2]

Ngày nay, chúng ta không thể chấp nhận kiểu đơn giản hóa ấy. Chúng ta quá biết rõ, bằng cách nào thiên hạ đã duy trì “bất chính của những kẻ lấy bất chính hãm cầm sự thật.” (Rm 1, 18) Khi họ đòi hỏi những kẻ khốn khổ phải vâng phục vô điều kiện, cái được gọi là sự vâng phục do Thiên Chúa muốn, đối với những người nắm quyền bính trong tay. Chúng ta cũng quá biết, có những kẻ đã phạm những tội ác chống lại loài người, nhưng họ mưu toan chữa lỗi bằng cách tuyên bố họ chỉ là những kẻ thừa hành mệnh lệnh cấp trên.

Nhưng đàng khác, tình thế đã thay đổi. Tỉ dụ, chị nữ tu trong bốn bức tương thỉnh thoảng vẫn ra khỏi tu viện để thi hành nhiệm vụ cử tri. Làm như thế, chị không vâng phục bề trên, song thi hành quyền bính dành riêng cho mình như là nữ công dân, theo hiến chế quốc gia của chị. Đi bỏ phiếu, chị được toàn quyền và lãnh trọn trách nhiệm của chị, lấy lương tâm một người công dân và một Kitô hữu, để quyết định lá phiếu. Sự trung thành với Thiên Chúa nơi chị không giới hạn đơn giản vào đức vâng lời tu sĩ.

Thời buổi cũng đổi thay theo một góc cạnh khác. Một người tông đồ, ngày nay cũng như hôm qua, phải có sáng kiến; nhưng để điều hòa, bố trí các sáng kiến đó, người ta không thể chỉ giản đơn tuân hành lề luật Giáo hội và các chỉ thị của bề trên.

Tất cả những người công tác trên cùng một địa bàn, phải qui tụ lại để cùng nhau tìm ra hành động nào phải thi hành, những sáng kiến nào phải áp dụng.

Trong các điều kiện ấy, chương đang bàn trong Người môn đồ đích thật còn có giá trị gì đối với chúng ta chăng? Không, bởi vì nó quá tập trung và việc tìm thánh ý Thiên Chúa và đức vâng lời theo nghĩa chặt đã bị đặt lại trong cả một phối cảnh, ngoài phối cảnh ấy, vâng lời chẳng còn chính đáng. [3]

Đối với cha Chevrier, sự quan trọng chung cuộc không nằm trên bình diện đức vâng lời, song trên bình diện một thái độ tình nguyện lệ thuộc, dò tìm, đối với Thần Khí của Thiên Chúa. Kẻ nào sống trong sự lệ thuộc ấy, họ dấn thân vâng phục theo gương Đức Giêsu Kitô; vì thế chương quan trọng nhất vẫn là chương nói về từ bỏ thần trí của mình.

Như vậy ở đây vấn đề là tìm hiểu đức vâng lời thần khí tính. Và các khía cạnh chính yếu của nó như:

Đức vâng lời có vị trí trong sự tìm kiếm rộng rãi hơn ý muốn của Thiên Chúa. Nó không phải là phương thế duy nhất, vì ý muốn Thiên Chúa biểu hiện theo nhiều con đường khác nhau. Nhưng vâng lời vẫn có vị trí ưu tuyển, vì nó bảo đảm cho lòng chân thành, tính chân thật của thái độ tìm kiếm, cũng như tính trung thực của lòng mến trong chúng ta. Vâng lời là dấu ấn rõ rệt nhất của tình yêu chúng ta đối với Thiên Chúa. [4]

Vâng lời là nhất trí với Thiên Chúa và với quyền hành các bề trên vì Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, chứ không phải do quí chuộng hoặc kính sợ các bề trên vì bề trên. Ta phải vâng lời trong niềm tin. [5]

Cần phải có tôn ti trật tự trong các loại quyền bính, bởi chỉ có duy nhất một thứ quyền là toàn diện và triệt để, quyền bính Thiên Chúa. Trong mỗi trường hợp, hãy tự hỏi mình tôi vâng lời ai đây. [6]

Ta không lụy phục Thiên Chúa nếu gán cho bề trên nhiều quyền hơn là chính Thiên Chúa ban cho họ. Nhưng trong các tình huống ấy, ta vẫn có thể nói “bổn phận vâng lời phải vượt trên tất cả” [7] Thực ra, chúng ta không thể xử sự khác nào như Thiên Chúa cắt đặt chúng ta làm quyền bính tối thượng để xét đoán mọi quyền hành khác.

Cần phải giữ luôn trước mắt mục đích của đức vâng lời, cách riêng trong đời sống tông đồ: vâng lời bảo đảm cho việc qui tụ các lực lượng để phục vụ công trình của Thiên Chúa; nó cho ta niềm tin chắc, ta là những cộng sự viên của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa điều mà cha Chevrier gọi là “bản nội quy” (règlement). [8]

Mặt khác, quan điểm về đức vâng lời hiểu như thế, tiên vàn là lời mời gọi ngỏ với những người nắm giữ quyền bính. Họ phụng sự quyền hành của Đức Kitô và phục vụ mỗi một con người. Họ phải ưu tiên nhiều hơn đến việc chính họ lụy phục Đức Kitô, thay vì muốn cho kẻ khác lụy phục. Làm bề trên quả là khó khăn. [9]

Sau hết, không nên quên đức vâng lời sẽ luôn đòi hỏi phải trả giá nhiều hay ít, phải đau khổ, cả chịu đóng đinh nữa một ngày nào đó, đối với kẻ thật sự đi tìm thánh ý Thiên Chúa để chu toàn. Đức Giêsu đã làm như vậy, Ngài vâng lời Cha Ngài, đến mức nhận cái chết thập giá, nhất định không làm theo sở thích dầu là của các vị Đại tư tế, hay Philatô, hay của chính mình, mà chỉ làm theo sở ý của duy một mình Cha. [10]

*

Đây là sự từ bỏ thứ tư mà ta phải thực hiện để đạt tới sự từ bỏ hoàn toàn chính mình.

Giáo lý của Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta về đề tài này

Nếu ai muốn đi theo Thầy

hãy từ bỏ chính mình

vác thập giá mình

mà theo Thầy!

Nhưng có cái gì là chính mình hơn ý muốn của ta, vì ý muốn của ta biểu hiện suy nghĩ và xét đoán của ta? Đó là cách diễn tả ra ngoài chính tâm hồn mình.

Khi truyền dạy ta phải từ bỏ chính mình, Đức Chúa chúng ta xin ta từ bỏ ý muốn của mình.

Từ bỏ ý mình muốn là gì?

Là đừng hành động theo ý muốn riêng của ta, song bắt nó lụy phục ý muốn của kẻ khác. [11]

Tại sao phải từ bỏ ý muốn mình?

Vì ý muốn của ta mắc mọi chứng tật của thần trí ta, mọi dục vọng của trái tim ta.

Ta chỉ muốn và chỉ làm những gì do trí tuệ nhìn biết, thấu hiểu và do lòng mình ước muốn!

Và bởi cả trí cả lòng đều đầy dẫy tật xấu, bởi thế ý muốn của ta khuôn mẫu theo thần trí ta, theo xét đoán của ta và các ước vọng của ta.

Và bao lâu lòng ta không hoàn toàn trong sạch, trí ta sẽ không được ánh sáng Thiên Chúa soi chiếu, ý muốn ta ra xấu xa và lệ thuộc hết mọi sai trái của thần trí, hết mọi dục vọng của trái tim; và các hành động của ta sẽ tuân theo những dục vọng này nọ; cho nên phải bắt ý muốn ta lụy phục một ý muốn cao hơn để khỏi liều mình phạm nhiều giống tội khốn nạn.

Các thói xấu của ý muốn gồm những gì?

Vì ý muốn lệ thuộc trí ta và lòng ta, ta có thể nói, ý muốn có tất cả những thói xấu của thần trí, bởi vì ý muốn là thần trí bước ra hoạt động, tấm lòng biến thành hoạt bát. Nếu thần trí xấu, ý muốn sẽ xấu; nếu tấm lòng xấu, ý muốn sẽ xấu.

Thần trí mà kiêu căng, tự đắc, nhẹ dạ, bất nhất, độc ác, hẹp hòi, cực đoan, giả trá, hay thay đổi, ý muốn cũng như vậy.

Nếu lòng ta ghen tuông, dễ mếch lòng, mê đắm, ích kỷ, ý muốn của ta cũng ghen tuông, ích kỷ nó sẽ đưa ra những hành động, y hệt như các dục vọng trong lòng.

Tuy nhiên, trong các thói xấu đặc biệt của ý muốn, ta có thể lưu tâm đến tật yếu đuối, cứng cỏi, bất nhất, thích thống trị…

Theo ý riêng, đảo điên, do dự, thiếu quyết tâm.

Tật xấu của ý muốn:

yếu đuối, bất nhất, thiếu quyết tâm.

cứng cỏi, thích thống trị, ươn ái.

Việc từ bỏ này rất quan trọng

Từ bỏ ý mình là điều hết sức quan trọng, bởi vì từ bỏ ý mình kéo theo từ bỏ thần trí và từ bỏ lòng mình.

Khi ta đặt ý muốn ta lụy phục hoàn toàn bề trên hay ai đó, ta cũng đặt cả thần trí và cõi lòng ta trong sự lụy phục và việc từ bỏ trở nên trọn vẹn, hoàn bị, chỉ nguyên vì việc ta từ bỏ ý muốn.

Đây là con đường ngắn nhất đi tới sự từ bỏ triệt để, nhưng cũng là con đường khó khăn nhất, vì ta cảm thấy khó khăn khi phải hy sinh hoàn toàn ý muốn mình. Nhưng đó là điều phải làm để chắc chắn đạt tới sự trọn lành. Chính tại việc này mà trong các cộng đoàn, người ta coi trọng đức vâng lời đến mức nào, vì đó là con đường ngắn nhất để đạt tới sự trọn lành. Nhưng ta phải nói lên điều này, người ta có thể tạo ra những tên nô lệ và những…, [12] nếu tiên vàn không có sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô, không có niềm tin và lòng mến Thiên Chúa. Nhưng một khi có niềm tin, lòng mến Thiên Chúa và Đức vâng phục theo đúng nghĩa Kitô giáo, bấy giờ mới có vâng lời thực sự. [13]

Vâng lời là gì?

Sự vâng lời đích thật không phải nói, mà làm. [14]

“Không phải mọi kẻ nói với Ta: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, đấng ngự trên trời, trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ nói với Ta: “Lạy Chúa, lạy Chúa, há chúng tôi đã không nhân Danh Người mà nói tiên tri, nhân Danh Người mà trừ quỉ, nhân Danh Người mà làm nhiều phép lạ đó sao!” Và bấy giờ Ta sẽ tuyên bố với chúng rằng: Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi xa Ta, hết thảy phường tác quái!” (Mt 7,21-23).

“Hãy làm theo Lời, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Vì ai nghe Lời mà không làm, thì nó giống như người soi gương xem mặt ra sao. Soi rồi đi mất, mà quên ngay không nhớ mình thế nào. Con người cắm cúi vào Luật hoàn hảo, luật tự do, một cách lưu luyến, không phải nghe đấy quên đấy, nhưng là thực thi bằng việc làm, thì phúc cho người ấy vì đã thi hành.” (Gc 1,22-25).

“Không phải hễ nghe Luật, là công chính trước mặt Thiên Chúa, song giữ Luật mới nên công chính.” (Rm 2, 13). Dụ ngôn hai đứa con: một đứa nói vâng rồi không làm gì cả; đứa kia nói không nhưng làm; chính đứa sau này đã thực hành ý muốn Thiên Chúa và nó sẽ nhận được phần thưởng.

Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta đã thực hành đức vâng lời như thế nào?

Chúa Giêsu đã nêu gương sáng về vâng lời và qua đó Ngài dạy chúng ta phải vâng lời như thế nào.

Ngài không đến thế gian để làm theo ý mình

“Ta đã từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta.” (Ga 6, 38)

Ngài dâng hiến mình cho Cha để làm theo ý Cha, chứ không theo ý mình.

“Này con đến để thi hành ý muốn Người.” (1 Hr 10, 9)

Cha không muốn, không nhận các của lễ, các lễ vật dâng lên để đền tội, theo lề luật dạy; vì thế con nói: Này con đây, ôi lạy Cha của con, con đến làm theo ý Cha.

Erat subditus illis Ngài hằng tùng phục hai ông bà. (x. Lc 2, 51)

Lương thực của Thầy là làm theo ý Cha Thầy.

Ngài không tìm cách làm theo ý riêng mình

“Ta không tìm kiếm ý của Ta mà ý của Đấng đã sai Ta.” (Ga 5, 30)

Thật khó mà không tìm cách làm theo ý riêng mình, cả khi đã xin phép tắc, ta tìm làm sao để được ban phép, tìm cách nào đó để tha hồ mà làm.

Ngài không tự mình làm gì

“Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm.” (Ga 5, 19)

“Ta không thể làm điều gì tự mình Ta.” (Ga 5, 30)

Ngài hoàn toàn lụy phục ý muốn của Cha Ngài

Xin cho ý Cha thể hiện, chứ không phải ý con.

Không phải điều con muốn, nhưng điều Cha muốn.

Ngài vâng phục không lý luận

“Như Cha đã truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy.” (Ga 14, 31)

Ngài không tìm điều mình ưa thích, mà điều Cha ưa thích

“Ta hằng làm những sự đẹp lòng Người.” (Ga 8, 29)

“Cha Ta đến nay hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc.” (Ga 5, 17)

Cha luôn luôn ở với Ta vì Ta luôn làm điều Người ưa thích.

“Ai không đi tới với Ta là chống lại Ta,

Và kẻ không cùng Ta thu họp là làm tan tác.” (Lc 11, 23)

Vâng lời trở nên lương thực của Ngài

Ngài trả lời cùng các tông đồ mời Ngài ăn bữa,

“Ta phải ăn một thứ lương thực mà các ngươi không biết. Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta.” (Ga 4, 32)

Ngài đặt sự vâng lời Cha lên trên hết

“Thì tại sao tìm con? Lại không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?” (Lc 2, 49)

Ngài vâng lời ngay trong những điều nhỏ mọn

“Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề luật hay các tiên tri, Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn. Một chấm một phết cũng sẽ không qua khỏi Lề luật, trước khi mọi sự thực đã xảy ra.” (Mt 5, 17)

Ngài vâng lời đến cái mức làm các việc đúng giờ đúng lúc Cha Ngài đã định

Giờ của Tôi chưa đến.

Đã đến giờ.

Đây là giờ của các ông.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 363-374

------------------------------------------

Chú thích

[1] Tr. 371

[2] Tr. 371,380-384

[3] X. tr. 369 chú thích 1

[4] Tr. 381

[5] Tr. 380

[6] Tr. 376

[7] Tr. 376

[8] Tr. 379

[9] Tr. 379

[10] Ph 2, 8; Ga 8, 191; tr. 295

[11] Ms XI 124 – Từ bỏ ý muốn là gì? Là không làm điều tôi muốn, mà làm điều Thiên Chúa muốn.

[12] Chỗ này trong thủ bản để trống.

[13] X. tr. 365-368

[14] Ms. XII 24 – Vâng lời là gì? Hy sinh ý muốn của mình… hoàn toàn. “Nhưng không phải: Con muốn gì, mà là Cha muốn gì!” (Mc 14, 36) Trong khi dâng hoàn toàn ý muốn mình. Xin thể hiện ý muốn của Cha chứ không phải của Con. “Này con đến để thi hành ý muốn Người”. (Hr 10, 9)

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (14)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (16)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (17)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (20)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (21)