Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (25): Từ bỏ của cải thế gian

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5662 | Cập nhật lần cuối: 3/16/2017 7:31:53 PM | RSS

(Tiếp theo)

Điều kiện thứ ba: Từ bỏ của cải thế gian [1]

Chương này là một trong các chương dài nhất của cuốn người Môn đồ đích thật. Ở phía sau, đề tài sẽ được đề cập thêm lần nữa dưới tiêu đề Hãy theo Thầy trong sự nghèo khó của Thầy. [2] Ở phần phụ lục, ta sẽ gặp lại một bản văn khác: Các tư tưởng về đức nghèo khó – Linh mục một con người thanh thoát. [3]

Điều ấy đáp ứng vị trí của đức nghèo khó trong tư tưởng và cuộc sống của cha Chevrier.

Có một lúc, cha nghĩ nên nói về đức khó nghèo nghĩa rộng, như nghĩa của Tin Mừng cho thấy: “Phúc cho những kẻ có tinh thần nghèo khó.” [4] Dưới tiêu đề chung nghèo khó, ta tìm được một mẫu viết như sau:

Ấy vậy chúng ta có ba thứ của cải:

của cải trần gian

các thọ tạo,

và chính mình ta

Muốn thuộc về Đức Giêsu Kitô, cần từ bỏ ba loại của cải. [5]

Có mấy tập vở được soạn theo nhãn giới này, nhưng cha Chevrier đã sửa chữa lại, và tiêu đề chung nghèo khó đã biến mất. Danh từ được dành riêng cho sự nghèo khó theo nghĩa hẹp, liên quan tới của cải vật chất.

Tại sao như vậy, đang khi Tin Mừng kêu gọi cha hiểu theo nghĩa rộng? Là vì cha Chevrier thấy rõ một nguy cơ. Cứ nói hoài về đức nghèo khó theo nghĩa rộng, tức nghèo khó trong lòng, những môn đệ đầu tiên của cha dần dần đi tới kết luận họ có thể sống thoải mái như tất cả các giáo sĩ khác chung quanh họ. Nhưng cha Chevrier lại nghĩ, Thiên Chúa đã lập ra hội Prado để họ có được những linh mục nghèo khó. [6] Những linh mục thật sự nghèo khó, tận mắt thấy là nghèo, bởi vì luôn luôn có những kẻ nghèo ngay giữa chúng ta, những kẻ nghèo chắc chắn không có khả năng, cũng không có thích thú gì trong việc thi hành một đức nghèo khó toàn là bề trong, những kẻ nghèo bị tước lột phần của cải thế gian và tiếng họ kêu than đã thấu tai Đức Chúa. [7]

Từ Roma, tháng tư năm 1877, cha viết:

“Về các cha trẻ của chúng ta, tôi cảm thấy tôi chẳng có quyền hành là bao. Duret và Delorne có vẻ đi theo tư tưởng của chúng ta hơn và hiểu rõ hơn sự nghèo khó và cuộc sống Prado. Còn Broche và Farisier lý luận hơi nhiều; Broche cách riêng, không nói năng gì cả và có vẻ sẵn sàng những tư tưởng cố định, anh ta lý luận, anh ta thông thái; quyền hành của các vị Jaillet, Dutel và của chủng viện xem ra nặng ký đối với họ. Ta phải cầu nguyện. [8] Trong thủ bản nhan đề Hãy theo Thầy trong các nỗi thống khổ của Thầy, [9] có ghi thêm những dòng này ngay ở đầu vở:

“Đức Chúa chúng ta đã mang lấy cả bề ngoài tư cách khó nghèo và đau khổ. Những ai chỉ có sự nghèo khó bên trong, họ có nguy cơ chẳng khó nghèo gì hết. [10]

Sau cùng, trong tập vở bàn đến sự từ bỏ của cải thế gian, cha nguệch ngoạc vài chữ ở đầu vở. Những chữ đó là dàn bài một buổi nói chuyện trước đó, và hình như tóm lược như sau:

Chúng ta cần phải nhất trí về một định hướng sống để có thể hành động trong sự hợp nhất, đó là sức mạnh của ta.

Những gì chúng ta sẽ bàn về đức khó nghèo đều căn cứ trên sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô, cùng với lời Ngài và các gương sáng của Ngài. Làm như vậy, ta xây trên đá tảng.

Cách thực hành đức khó nghèo có lẽ không phổ biến lắm đâu, nhưng đó lại chính là đặc tính riêng của gia đình chúng ta, trong khi các đặc tính khác dành riêng cho nhóm khác [11].

Ta dễ dàng hình dung ra ngay, khi đề cập tới vấn đề gai góc này về đức nghèo khó với các chủng sinh, cha cảm thấy mình chẳng có quyền hành là bao, và nhận thấy nhu cầu phải cùng với họ trở về lại những xác tín căn bản. Chỉ có các xác tín này mới giúp gắn bó sâu xa với một đời sống nghèo khó.

Cha Chevrier cảm thấy quyền hành mình quá yếu đối với các môn đệ đầu tiên. Tuy nhiên, về vấn đề nghèo khó, cha đã nói lên tiếng nói uy quyền.

Cha đề cập thẳng thừng đến sự thiếu nghèo khó trong hàng giáo sĩ. Cha lấy làm buồn tiếc thấy người ta làm tôi mọi cho những cái không đâu, như các mốt y phục, cả y phục giáo sĩ, làm ngăn trở lớn cho bước tiến mạnh. [12] Cha không cần giữ lời, cứ nói rằng kẻ đi quyên góp mà lại giàu có cái kiểu ấy, đó là một tên lừa bịp, thậm chí quyên góp khi không cần thiết là ăn cắp [13]. Cha tố cáo những hiệu quả tai hại cho việc tông đồ trong tình trạng ấy: chúng gây chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, những người này đang thấy tôn giáo, là tôn giáo của tiền bạc. [14]

Từ đâu mà tiếng nói quyền uy đó đến với cha Chevrier?

Nó đến từ kinh nghiệm. Những gì cha nhắc nhủ, chính mình cha đã sống điều đó. Cha đã thử nghiệm cuộc sống đó trước khi đề nghị với người khác. Ở đây cha áp dụng nguyên tắc giáo dục đã đề ra: “Hãy theo Thầy, làm như Thầy, Thầy không đòi hỏi ở con những gì khó hơn những điều chính Thầy đã làm [15]. Cách mô tả tốt nhất ta có thể có về đời sống cha Chevrier giữa dân nghèo trong khu phố Prado, đều nằm trong chương này.

Đồng thời, có thể tìm ở đây cách sống của người nghèo trong khu phố. Cha Chevrier nói bằng kinh nghiệm, yêu mến họ, hiểu biết họ. Cha biết có những điều làm họ phải gào lên trong thế giới người nghèo, và cha đã xúc động trước tiếng kêu đó [16] Cha biết rằng không bao giờ một tu sĩ tình nguyện sống khó nghèo phải chịu khổ như các người nghèo thế gian [17]. Cha biết rõ đối với người dân của khu phố cha ở, mang giày cao su thậm chí đeo một mề đay vàng là một sự xa xỉ chỉ dành cho những kẻ ưu đãi [18]. Thời buổi đã đổi thay, nhưng bài học vẫn còn đó.

Vì thế, cha Chevrier đã nói lên mạnh mẽ, vì cha bảo vệ quyền lợi người nghèo, họ có quyền được nghe Tin Mừng. Để không gây trở ngại cho Tin Mừng, cha sẵn sàng chấp nhận sự cần thiết vừa đủ cho các nhà thờ, và cha ước ao thi hành các bổn phận sứ vụ một cách dưng không [19].

Quyền uy của Antoine Chevrier do kinh nghiệm mà tới. Nó cũng đến từ đức tin. Cha nói vì cha tin. [20] Tất cả những gì cha nói về đức nghèo khó của linh mục tỏ rõ cha nghiêm túc đến thế nào khi đặt cả tin tưởng vào công lệnh Chúa hứa cho người thợ gặt của Tin Mừng quyết làm tròn nhiệm vụ: Thiên Chúa đã hứa điều đó. [21] Lời của Thiên Chúa còn đó và Người muốn chúng ta hãy tin tưởng. [22]

Niềm tin của Antoine Chevrier thật đơn sơ, nhưng lớn lao. Cha thấy rõ sự cao trọng của sứ mạng tông đồ của sứ vụ linh mục, [23] sự cao trọng của công trình sắp thực hiện, công trình ấy không đo bằng số tiền của thu hoạch mà chúng ta có, song bằng đức bác ái. [24]

Niềm tin đó làm nảy sinh một sự nghèo khó biết quảng đại với tha nhân, sự nghèo khó của kẻ tin chắc rằng người ta không đời nào có thể trả giá cho bao nhiêu giọt mồ hôi của người thợ làm mướn và của kẻ nghèo. [25]

Một đức nghèo khó biết tôn trọng công bằng, chỉ mua trả và mướn người khác làm việc khi mình có thể trả được tiếp. [26] Một đức khó nghèo thực tiễn không bao giờ lớn tiếng tuyên bố cách sỗ sàng là Thiên Chúa sẽ trả công, [27]; nó ý thức được rằng, một đồng ăn chắc còn hơn hai đồng sẽ có. [28] Một đức nghèo khó là nguồn mạch bình an và quân bằng, vì nó qui tụ cả cuộc sống vào Một Điều duy nhất cần thiết, vào sự vật tối hệ, thiết yếu cần phải làm tốt, sau đó mọi sự còn lại sẽ xuôi chảy. [29]

Cha Chevrier lên tiếng cách uy quyền nhất là vì cha ngỏ lời với hội Prado. Vẫn biết uy quyền tinh thần của cha không phải lúc nào cũng triệt để trong tất cả những gì cha phát biểu. Biết cần phải mặc hay không mặc một cái áo lên màu xám hay nâu, khác với biết cần phải hài lòng với cách ăn mặc tối cần. [30] Tuy nhiên, cả những chi tiết áp dụng không còn thích ứng với tình thế hiện tại cũng vẫn giữ được ý nghĩa, mà ta cần khám phá và bảo tồn. Một linh mục đã muốn sống giữa dân nghèo, không phải vùng ven tỉnh Lyon, nhưng trong một xóm lao động thuộc một thành phố lớn Á Châu đã viết: “Quả thật tôi đã khám phá tất cả sức mạnh và tính thời sự của Người Môn đệ Đích thật.

Những chi tiết về đức nghèo khó trong nhà ở, nghèo khó trong y phục đối với chúng ta có vẻ quá chi ly, vì ở Âu châu chúng ta đã quen có một mức sống cao, thì ở đây đã tỏ ra rất thực dụng.

Để hiểu sâu tư tưởng của cha Chevrier, cần phải biết chút gì về cuộc sống của dân nghèo bao quanh ta. Về điểm này, J.F.Six đóng góp một phần không thể thay thế. [31]

Xét đoán của cha Chevrier về “nhà Quan phòng”, [32] những xưởng thợ bắn tiếng khắp cả thế giới [33] cũng dễ hiểu, nếu ta biết đó là những thứ gì. Những loại nhà Dòng – công xưởng tiếp nhận các trẻ nhỏ, thiếu nhi phạm pháp hoặc thiếu nữ cải hồi, đến làm việc với đồng lương rất hạ, tranh dành công việc của thợ thuyền. [34]

Khi bàn đến các công việc tại thế, [35] phải đánh giá rõ mục đích thật sự của một công cuộc. Có Thiên Chúa biết rõ cha Chevrier đã kinh nghiệm như thế nào về nhiệm vụ và nỗi lo âu của người quản lý. Cha đã không lười biếng chút lên đầu kẻ khác những công việc cần phải làm, để mọi người được nuôi dưỡng, ăn ở trong nhà Prado, ngôi nhà chứa đến cả trăm con người. Nhưng không bao giờ cha quên mục đích của Prado; dạy giáo lý cho tốt. [36] Đó là mục đích Nhà Prado, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, [37] mục đích của hết mọi cộng đoàn Prado.

Để giữ vững định hướng trên, cha đã sáng kiến hội cha mẹ đời, và phác họa nhiệm vụ của họ. [38] Ý tưởng này đến với cha hồi cha ở tại thị xá Chúa Giêsu Hài Đồng, ở đó cha chứng kiến một công cuộc tông đồ đang bị đe dọa biến thành một dịch vụ nhà ở rẻ tiền. Dự án của cha Chevrier có vẻ không thành đạt. Điều chắc chắn, đó là cha muốn giữ quyền tự do người tông đồ trong việc sử dụng các thu nhập [39] và cha chỉ đồng ý sử dụng tiền thu nhập để chi cho các nhà đào tạo, mà cha gọi là trường học và nhà dạy. [40]

Vấn đề thi hành sứ vụ dưng không cũng không phải không gặp khó khăn. Cha thấy hết sự quan trọng của nó, cha tìm được những chỉ thị rõ ràng trong bài tựa của cuốn Nghi thức La Mã, tài liệu do Tòa thánh phổ biến; nhưng trong thực tế, cha bị vướng vấp phải một tập quán trái ngược. [41] Có lẽ chúng ta chưa lưu ý đủ sự mâu thuẫn tỏ tường giữa các chỉ thị của cuốn nghi thức và tập quán thực dụng.

Theo cuốn nghi thức, trong vài trường hợp, thừa tác viên có thể nhận của biếu sau khi đã hoàn tất một sự vụ, nhưng giám mục được quyền cấm cả điều nhân nhượng đó, nghĩa là cấm nhặt không được nhận gì hết.

Tập quán chung mà cha Chevrier thường gặp, trái lại, chấp nhận nguyên tắc chung về của dâng theo định giá công bố. Lúc đó, giám mục có quyền bắt buộc hoàn toàn trả phí, và cần phải có phép đặc biệt mới được thi hành sứ vụ dưng không.

Các nhà thần học luân lý đã lập luật cách trừu tượng và đi đến chỗ quả quyết, trong mọi trường hợp, vẫn hiện diện sự miễn phí. Sự việc xảy ra ít rõ rệt hơn trong trí các đương sự, hay đúng hơn quá rõ rệt. Mọi tác vụ trong sứ vụ đều phải trả phí.

Trong thực tế, khi cha Chevrier muốn thi hành sứ vụ dưng không tại giáo xứ được giao trách nhiệm cho cha tại vùng lân cận Lyon, giám mục Grenoble có thẩm quyền trên giáo xứ đó đã từ chối không cho phép. Đó là vào năm 1869. [42]

Có lẽ vì thế mà cha Chevrier đã thay đổi bố cục chương nói về đức nghèo khó. Hồi đầu, cha dự trù một đoạn riêng với tiêu đề, Thi hành sứ vụ miễn phí. [43] Tiêu đề ấy đã bị gạch đi trong nhiều bố cục, và đề tài xuất hiện dưới một nhan đề chung hơn: Không xin gì của ai. Một lối nói tế nhị. Nhưng cha không từ bỏ ý kiến và còn thêm rằng Đức Pie IX đã đánh giá ý kiến đó là tốt. [44]

Đối với hội Prado, lời cha Chevrier luôn luôn có uy tín, ngay cả hôm nay. Chúng ta được nhắc nhủ rằng, trong ơn gọi này, của cải và kho tàng phá hoại các nhà của ta; còn sự nghèo khó sẽ bảo vệ chúng, nuôi dưỡng chúng trong sức mạnh và lòng mến. [45]

Mức sống được nâng cao khắp nơi không phải là lý do để ta lơi là đức nghèo khó. Trái lại thì có. Vì khi sự xa hoa đạt tới tột đỉnh, khi mọi người lo tìm sung sướng, dễ chịu, tiện nghi, thì người linh mục trái lại, phải tìm sống nghèo khó. [46]

Mọi thời, dưới mọi vùng trời, sẽ mãi mãi là sự thật thái độ bằng lòng với của thiết yếu… tóm gọn toàn bộ đời sống theo Tin Mừng, [47] và tinh thần nghèo khó hệ tại ở chỗ tự coi mình không phải là chủ nhân hoặc sở hữu chủ của bất cứ vật gì, nhưng nhìn nhận mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa và người nghèo. [48]

Và các chỉ thị được tóm lược sao cho ghi tạc mãi mãi vào trí nhớ chúng ta:

“Nếu các bạn không tuân theo các qui luật của đức nghèo khó, đức khôn ngoan, sự thận trọng, Thiên Chúa sẽ không mắc nợ các bạn điều gì hết. Người chỉ chăm sóc các bạn bao lâu các bạn thật sự nghèo khó và âm thầm chịu đau khổ - Được Thiên Chúa kêu gọi – Hãy tìm nước Thiên Chúa – Làm việc – Sống nghèo – Đừng mất thận trọng. [49]

Các chỉ thị rõ ràng. Nhưng câu này của cha Chevrier vẫn luôn luôn đúng đắn: “Chúng ta hãy khởi sự đi vào thực hành: có lẽ ở đây mới khó khăn”. [50]

Cũng còn một khó khăn khác. Đưa các chỉ thị ấy trình bày cho công chúng, mọi người có thể bắt Prado phải trả lẽ; cách riêng mọi dân nghèo; nếu họ biết được họ sẽ hỏi chúng ta: Còn mấy ông ra sao? Mấy ông làm gì? Than ôi! Chúng ta còn lâu mới trả lời được; nhưng Thiên Chúa đã tỏ ra trung tín phi thường với những người thợ thiếu lương tâm.

*

Cần thiết một bản nội dung

Hiệp nhất

Sức mạnh

Bản nội quy của chúng ta, là Đức Giêsu Kitô,

lời Ngài, gương sáng của Ngài.

Nền tảng vững chắc, bất di dịch

Đó là con dấu của một công cuộc

một Hội dòng

………………………………….

Người môn đồ đích thật Đức Giêsu Kitô.

nội dung [51]

Ta phải từ bỏ của cải trần gian như thế nào

Nghiêm túc học hỏi giáo lý Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta và các tông đồ, về việc từ bỏ của cải trần gian.

Ta thấy muốn thực hành đức khó nghèo theo Tin Mừng, cần phải:

  1. Từ bỏ tận trong lòng trí, các của cải thế gian.
  2. Bằng lòng điều tối cần.
  3. Cho ai đến xin mình.
  4. Không xen mình vào các việc thế tại.
  5. Không xin ai bất cứ điều gì, trừ những trường hợp do nội quy ấn định.
  6. Không lo lắng về tương lai.
  7. Trông cậy vào một mình Thiên Chúa.

1. Từ bỏ trong lòng trí hết mọi của thế gian

Đó là điều kiện dứt khoát mà Đức Chúa chúng ta đòi hỏi ở ai muốn đến với Ngài.

“Ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình hết thảy thì không thể làm môn đồ Ta.” (Lc 14, 33)

Đó là điều kiện tiên quyết Ngài đòi hỏi ở chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng, anh ta đến xin cho được trọn lành; anh đã chu toàn trọn cả lề luật, và Đức Chúa nói với anh: “Ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! Có gì thì đem bán cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta.” (Mc 10, 21)

Nhưng kẻ đó nghe vậy thì buồn rầu về lời nói ấy, anh ta ra đi rầu rĩ, vì anh rất giàu, có nhiều của cải.

Và Đức Giêsu, thấy anh buồn rầu, bèn nhìn rảo quanh và nói với các tông đồ của Ngài: “Thật những kẻ có tiền bạc khó mà vào nước Thiên Chúa (Của cải khiến ta rất khó được cứu độ, hầu như không thể được. Vì vậy cần phải từ bỏ tận trong lòng trí, nếu không từ bỏ thực thụ được).

“Quả thật, Ta bảo các ngươi: giàu có khó mà vào được Nước Trời.

Các tông đồ lấy làm bỡ ngỡ về câu nói đó.

Nhưng Đức Giêsu lại lên tiếng nói: Thầy bảo các con lần nữa, hỡi các con yêu dấu, những kẻ đặt tin tưởng vào của cải của họ, thật khó mà vào Nước Thiên Chúa.

Lạc đà vào lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Trời.”

Nghe vậy môn đồ rất đỗi kinh ngạc, mà rằng: vậy thế thì ai còn có thể được cứu.

Đức Giêsu nhìn họ và phán: “Nơi loài người là điều không thể được, nhưng nơi Thiên Chúa mọi sự đều có thể” (x. Mt 19, 25)

Ta không thể làm tôi hai chủ

“Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ.” (Mt 6, 24)

“Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.” (Mt 6, 24)

“Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Mt 6, 21)

Gai góc

“Bả phú quí làm chết ngạt Lời đi mà ra vô hiệu.” (Mt 13, 22)

Nguồn mạch và cội rễ của mọi đau sầu khổ cực

Ai muốn trở nên giàu có, họ dễ sa chước chước cám dỗ và cạm bẫy của ma quỷ, và rơi vào các ước vọng hão huyền độc hại đang xô đẩy người ta vào vực thẳm hư vong và hỏa ngục.

“Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao lỗi đớn đau xâu xé.” (1 Tm 6, 9) [52]

Đem bán những gì ta có, sẽ tích trữ được kho tàng thiêng liêng

“Đừng sợ! Hỡi đoàn chiên nhỏ bé! Vì Cha các ngươi đã khấng ban Nước Trời cho các ngươi!

Của cải, các ngươi hãy bán đi mà bố thí!

Hãy sắm cho mình những ví tiền sẽ không hề cũ nát, kho tàng không hao vơi trên trời, nơi trộm không lai vãng, và mọt không nhấm nát.” (Lc 12,32-33)

Vì thế Đức Chúa chúng ta đòi hỏi ai muốn theo Ngài từ bỏ trọn vẹn hết mọi của cải thế gian và sẵn sàng đi theo Ngài, vì chính Ngài không có viên đá để gối đầu. [53]

Con người không có chỗ gối đầu

Một thanh niên hết sức cảm phục Đức Giêsu Kitô, anh ta bỗng ao ước muốn đi theo Ngài, bèn thưa với Chúa Giêsu:

“Tôi xin theo Thầy bất cứ Thầy đi đâu.

Và Đức Giêsu bảo người ấy: Chồn có hang, chim có tổ, chứ Con Người không có chỗ ngả đầu.” (Lc 9,57-58)

Ngài trả lời cho một kẻ khác hỏi Ngài để xin phép Ngài cho đi lo công chuyện trước khi bước theo Ngài: “Kẻ đã tra tay cầm tay vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 62)

Thánh Gioan

Đó là cách sống của Gioan trong sa mạc. Ông ta đã sống nghèo khó thực thụ như thế nào trong sa mạc! Ông mặc một áo lông lạc đà, thắt lưng da quanh hông; còn ăn uống thì toàn châu chấu và mật ong rừng. Tất cả dân chúng tại Giêrusalem và cả xứ Giuđê đều đến với ông. (x. Mt 3, 1)

Các sứ đồ

Đó cũng là cách sống của các sứ đồ. Họ đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.

“Chúng tôi đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy.” (Mc 10, 28)

Những Kitô hữu sơ khởi

Đó cũng là cách sống của các Kitô hữu; trong sách Công vụ, ta thấy các sứ đồ, và vô số những kẻ tin chỉ có một lòng, một linh hồn.

“Không một người nào nói mình có của gì riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung.

Không có ai phải túng thiếu. Vì những người làm chủ đất đai hay nhà cửa, thì bán đi và đem giá cả các vật bán được mà đặt dưới chân các tông đồ, để phân phát cho mỗi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình.” (Cv 4, 32)

Mọi sự của con là của Cha

Và Đức Chúa chúng ta đã diễn tả rất hay trong vài chữ, về cách chúng ta phải cư xử đối với các sự vật trần gian. Khi Ngài nói về các quan hệ về của cải Ngài có với Cha Ngài, về sự sống chung giữa Ngài và Cha, Ngài bảo: “Mọi sự của Con đều là của Cha, và sự gì của Cha cũng là của Con.” (Ga 17, 10)

Muốn có thái độ tinh thần đó, chúng ta phải nhìn mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa và người nghèo: chúng ta không làm chủ bất cứ điều gì, làm sở hữu chủ bất cứ của gì; trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những người quản lý của Thiên Chúa để phân phát các của cải cho người nghèo.

Ta có thể sử dụng tùy theo nhu cầu của mình, nhưng với thái độ sẵn sàng đem cho, nếu có ai cần thiết.

Chính sự sẵn sàng tiên quyết của tâm hồn ấy phải tiêu diệt tinh thần tư hữu trong ta, nó chống nghịch lại đức bác ái, đức khó nghèo, lòng tận tụy hy sinh.

Còn gì khó coi hơn, trong gia đình các anh em sống trong Đức Giêsu Kitô, họ vốn là những kẻ nghèo đích thực, lại cứ phải nghe nói: cái này là của tôi, đây là phòng của tôi, đây là giường của tôi, đây là đồng hồ của tôi, bàn của tôi, của tôi mà, tôi không muốn anh đụng tới.

Trái lại, kẻ có tinh thần Đức Giêsu Kitô, họ không biết đến bất cứ cái gì, của cải, phòng ở của họ, đồ đạc, quần áo họ, tiền bạc, vì tiền hay bất cứ điều gì; cũng chẳng thiết đến các sự thế gian mà thiên hạ thiết tha dường ấy; khẩu hiệu của họ là: mọi sự của tôi là của anh. Nếu ai đến mà nghèo túng, và cần chi, người ta sẽ bảo: đó, phòng tôi đó, giường tôi đó, quần áo tôi đó; những gì của tôi là của anh.

Đẹp biết mấy một con người không dính bén điều gì, một con người sẵn sàng nói với các người nghèo của Thiên Chúa: mọi sự của tôi là của bạn. Họ tự lột bỏ đến mực trở nên nghèo hơn cả những kẻ nghèo nhất; giống như các thánh, những vị không thể chịu nổi khi thấy ai nghèo hơn mình, những vị cho đi bằng hết, đến nỗi không còn gì để cho nữa, lúc ấy, họ sẽ cho chính bản thân họ.

Qui tắc về vấn đề thứ nhất này

Vậy muốn thực hành lời khuyên nghèo khó số một này của Tin Mừng.

Chúng ta sẽ không tự cho mình là chủ hoặc người sở hữu bất cứ cái gì, nhưng xem mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa và người nghèo.

Chúng ta sẽ để chung tất cả mọi sự ta có, để sử dụng nó, hay là cho người nghèo, tùy ý bề trên định đoạt.

Sẽ lập một phòng chung, nơi ta để những gì ta có. Và khi cần điều gì, ta sẽ xin người có nhiệm vụ phân phát cho ta.

Ta sẽ không có túi tiền riêng, ta sẽ không nhận gì riêng cho mình. Nên có một hòm tiền chung để đựng tất cả các của dâng cúng.

Mỗi tháng [54]

Ta không được lấy gì khi chưa có phép; chỉ giữ lại những gì cần thiết để sử dụng cho mình. Cứ thỉnh thoảng lại kiểm lại giá áo, phòng riêng, tủ riêng xem ở đó có cái gì trái với đức nghèo khó và sự từ bỏ không. [55]

Chúng ta giữ quyền sở hữu các bất động sản, đất đai, nhà cửa, nhưng không còn được hưởng hoa lợi nữa.

Năm 40 tuổi, hoặc cứ 10 năm sau khi khấn, ta có thể phân chia tài sản của chúng ta ra làm ba phần: một dành cho gia đình, phần thứ hai cho người nghèo và phần thứ ba cho các công cuộc (sứ vụ).

Để chung các phần thu hoạch sinh lời từ các của hồi môn hay của nào khác.

Cộng đoàn phải chi phí cho các nhu cầu bề ngoài cá nhân của mỗi thành viên. Và ta hãy lấy làm hạnh phúc và tự coi là nghĩa vụ bác ái được giúp đỡ lẫn nhau, vui vẻ chăm lo đến các nhu cầu của anh em mình, và cả đến nhu cầu của gia đình cận kề nhất, khi xét đó là cần thiết.

Khẩu hiệu của chúng ta là lời Đức Chúa chúng ta dạy:

Mọi sự của con là của Cha, và mọi sự của Cha là của con, đúng theo qui luật của lòng mến Đức khôn ngoan và đức vâng lời.

Ta có thể sở hữu cho kẻ khác, chứ không bao giờ cho mình. Các linh mục sẽ giữ tiền lễ, không phải cho mình mà cho kẻ nghèo. Bởi vì linh mục cũng nên có cái gì để cho người nghèo khi người ta xin mình.

N.B Các linh mục được quyền giữ tiền lễ để chi cho các nhu cầu của gia đình, khi cha mẹ nghèo cần sự giúp đỡ. Cộng đoàn sẽ chi thêm nếu vẫn chưa đủ. Nhưng khi thấy dư đủ, phần còn lại phải trao cho cộng đoàn. Chúng ta không được sử dụng cho mình song cho kẻ nghèo mà thôi:

Phúc cho kẻ có tinh thần nghèo khó vì Nước trời là của họ.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 401-422

------------------------------------------

Chú thích:

[1] Ms. XII 71-128

[2] Tr. 581

[3] Phụ lục III, tr. 731

[4] Mt 5, 3

[5] Ms. XI 609

[6] Lp trich tr. 17

[7] X. Gc 54

[8] LP. số 82

[9] Tr. 687

[10] Tr. 689

[11] Tr. 411

[12] X. tr. 427

[13] X. tr. 427

[14] X. tr. 461

[15] Tr. 325

[16] Ms. XII 184 – cha biết rằng không bao giờ tu sĩ tình nguyện sống nghèo khó, chịu khổ như các người nghèo thế gian.

[17] Phụ lục

[18] Tr. 424

[19] Tr. 434, 456

[20] 2 Cr 4, 13

[21] Tr. 394

[22] Tr. 405 ghi chú 1

[23] Tr. 455

[24] Tr. 470

[25] Tr. 442 ghi chú 2

[26] Tr. 441

[27] Tr. 475 ghi chú 2

[28] Tr. 472

[29] Tr. 436

[30] Tr. 469

[31] Tr. 9

[32] Tr. 445

[33] Tr. XII 237

[34] Tr. 445

[35] Tr. 436

[36] Tr. 436

[37] LPn0 117,22-5-1877

[38] Tr. 446

[39] Tr. 470

[40] Tr. 460

[41] Six tr. 294

[42] Six 294

[43] Ms. 175

[44] Tr. 462

[45] Tr. 470

[46] Tr. 424

[47] Tr. 423

[48] Tr. 421

[49] Ms. XII 199

[50] LP. số 83,4-1877

[51] Muốn hiểu trang viết này, xin xem tr. 404

Tiếp theo đó là 4 trang lặp lại bản văn về 5 điều kiện mà ta đã thấy ở trang 195-201.

[52] Ms. XII 243 – Sang trọng và của cải nơi một tu sĩ hay một linh mục làm gương mù cho dân chúng, phá hoại các tâm hồn và là chướng ngại lớn nhất cho ơn cứu độ.

[53] Ms. XII. 60 – Nếu ta không thể bán của cải mình, ít là hãy từ bỏ bằng chí lòng. Hãy nhìn của cải và những gì ta sở hữu, cả những của nhỏ mọn nhất, chúng không còn thuộc về mình, mà thuộc về Thiên Chúa; vậy những ai khóc phải làm sao như không không khóc, những ai vui mừng phải làm sao như không vui mừng, nhưng ai mua sắm phải làm sao như không có của (1 Cr 7, 30)

[54] Nốt bên lề. Đặt vấn đề thời điểm để kiểm xét lại các vật dụng của từng người.

[55] Ms. XII 251 – Sẵn sàng thay đổi phòng ở, sách vở, quần áo nếu xét thấy cần, và có ích cho người khác, vì bác ái, vì đáng làm. Không dính bén điều gì, để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thường khi ta dính bén với một sự vật chẳng đáng gì, ta không muốn cất bỏ nó, ta gắn bó với nó. Khi thực hiện khoảng luật này, ta tiêu diệt nơi ta hết mọi sự dính bén với những cái nhỏ nhặt; và ta đặt mình trong tình trạng sẵn sàng cho đi, cho mượn, giúp đỡ kẻ thiếu thốn, và thực hành việc để chung của cải, một việc thân quen với các giáo hữu sơ khai. Ta hãy làm sao cho thói quen đó tái lập trong các gia đình của ta.

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (14)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (16)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (17)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (20)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (21)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (22)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (23)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (24)