Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (26): Bằng lòng với nhu cầu thiết yếu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2698 | Cập nhật lần cuối: 3/31/2017 1:28:44 PM | RSS

(Tiếp theo)

2. Bằng lòng với nhu cầu thiết yếu

Đây là một điều khoản hết sức quan trọng: nó bao hàm tất cả đời sống Tin Mừng.

Đó là điều Đức Chúa chúng ta khuyên nhủ Martha khi Ngài đến nhà cô. Cô phàn nàn thấy em là Maria không giúp đỡ mình trong việc dọn bữa. Chúa Giêsu đã trách cô với lời này: “Martha, Martha, ngươi lo lắng xôn xao về nhiều chuyện! cần thì ít thôi, hay một điều thôi! Maria đã chọn phần tốt rồi, và sẽ không bị ai giựt mất.” (Lc 10, 41). Chúa có ý nói, ta không nên tự dày vò mình quá vì những sự vật thế gian; song tốt hơn hãy lo lắng đến các sự trên trời; còn đối với các sự vật thế gian, hãy bằng lòng với nhu cầu tối cần. “Unum, necessariun” [1]

Thánh Phaolô cũng nói rõ ràng cho chúng ta về điều ấy khi viết cho đứa con cưng của ông là Timôtê với những lời này: “Vì vào trần gian, ta chẳng đem gì, thì ta cũng không thể đem gì đi ra. Một khi có ăn có mặc, ta hãy bằng lòng!” (1 Tm 6,7-8)

Ta hãy tuân theo lời dạy dỗ của Đức Chúa chúng ta và của thánh Phaolô, hãy bằng lòng với nhu cầu tối thiểu.

Nhu cầu ấy gồm nhà ở, lương thực và áo mặc.

Chuồng bò tại Bêlem đêm giáng sinh của Đức Giêsu Kitô, còn có nhà ở nào nghèo nàn hơn. Ngôi nhà Nagiarét như hiện thấy tại Loretta, thật nghèo nàn.

Trong cuộc đời công khai, Đức Chúa chúng ta lắm khi chẳng có chỗ ở nào hơn là núi non hẻo lánh, vườn cây dầu; Ngài còn nói, cáo có hang, chim có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu.

Thánh Phaolô bảo, ông không có chỗ ở cố hữu.

“Non habemus hic manentem civitates sed futuram inquirimus” (Hr 13, 14)

Muốn có được tinh thần khó nghèo của Đức Chúa chúng ta, hãy loại trừ khỏi nhà mình ở tất cả những gì có vẻ xa hoa, phô trương, dư thừa, vô ích.

Chúng ta sẽ không chấp nhận phòng ở có thảm trải, gỗ quý, gương soi, ghế bành, hoặc đá cẩm thạch, đồ mạ vàng, tranh vẽ hãy bất cứ thứ trang trí nào đẹp mắt, đúng thời mốt, hoặc để phô trương, xoa dịu lòng tự ái, lòng ham vui sướng. Tất cả phải toát ra sự đơn sơ, nghèo nàn và cảnh cùng khổ của chuồng súc vật. [2]:

tường vách thô sơ, hoặc trát hồ nhám;

hai ba cái ghế dựa bằng nệm rơm xám hoặc bằng gỗ; một cái bàn, một bàn giấy bằng gỗ thường, không trang trí;

một Thánh giá bằng gỗ sơn;

một bàn quì đơn sơ có thể được dùng làm ngăn kệ nếu cần;

một tủ kệ đơn sơ nếu cần, hoặc một vài ngăn kệ có màn che, thậm chí chẳng cần màn che cũng được;

một cái giường gồm hai chân mễ và ba tấm ván thông, đặt lên trên;

một tấm nệm rơm, một hay hai khăn trải giường, một cái gối dài; chớ bao giờ dùng vải lụa hay vải cầu kỳ; có thể đặt một tấm gỗ ngang chắn đầu để giữ gối; có thể trải một cái mền trên tấm nệm nếu cần; trường hợp bệnh hoạn, có thể thêm một nệm bông;

một vài bức hình bằng khung gỗ tạp, không màu, không kích, không sơn; một vài kệ sách ngay trên bàn để sách vở, tập viết;

nếu cần, có màn treo bằng vải láng, xanh dương hay xanh lá cây, để che ô cửa sổ;

phải làm sao để khi bước vào phòng, ta tìm được và cảm nhận sự nghèo khó, đơn sơ và cực khổ.

Cần loại bỏ tất cả những gì có mùi trưởng giả, sung sướng, tiện nghi, làm sao để ai tới đây cũng không thể nói: chà, sướng quá; được lắm; mà phải nói: cực ghê há! [3] Ngày nay, người ta sống quá sức là xa hoa, ai ai cũng tìm sống cho sung sướng, đầy đủ tiện nghi, vị linh mục trái lại càng phải tìm đến với nghèo khó và đau khổ, để trở nên một tấm gương ngay giữa thế trần.

“Vos estis lux mundi” “Các ngươi là ánh sáng cho thế gian (Ánh sáng của các ngươi phải chói lọi trước mặt người ta,) ngõ hầu, họ thấy việc lành các ngươi làm mà tôn vinh Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 16) Ut videant opera vestra bona et glorificent Patrem”

Tuy nhiên, không được ăn ở khó nghèo để cho thiên hạ xem thấy, khiến họ động lòng trắc ẩn, và mình tỏ ra là người khôn ngoan; vô phúc cho kẻ nào có chủ tâm như thế!

Song phải sống như vậy để tỏ lòng yêu mến Đức Chúa chúng ta, bắt chước sự nghèo khó thánh thiện của Ngài và đi ngược lại với thế gian. Vì chúng ta sống, là để soi sáng thế gian và chống lại các phương châm hành xử của họ, các lối sống của họ.

Nhu cầu thiết yếu trong ăn uống

Đề cập vấn đề này khá tế nhị, vì mỗi người có nhu cầu khác nhau, tùy theo tuổi tác, tính khí và hoàn cảnh, đồ ngon miệng.

Ai nấy phải ăn uống theo sự cần thiết, và dùng bữa cách đơn sơ, và theo tự do lương tâm.

Bác ái buộc ta cung ứng đầy đủ; và sự khôn ngoan cấm ngặt ta không được xét đoán ai về những gì liên quan tới các nhu cầu của anh em; có kẻ dùng nhiều, kẻ khác dùng ít, ai nấy hãy tham khảo lương tâm mình, và xem xét các nhu cầu riêng, để giữ đúng nguyên tắc nhu cầu thiết yếu theo tính khí của mình.

Để tuân giữ qui tắc nhu cầu tối thiểu nói chung, ta sẽ loại bỏ khỏi bàn ăn những gì có vẻ sang trọng, đồ ăn cao lương mỹ vị, tính tham ăn.

Dụng cụ ăn uống phải bằng loại kim khí thường; chớ bao giờ dùng đồ bằng vàng bạc, hay mạ bạc.

Bát đĩa làm bằng đất hay sành, chứ không dùng đồ sứ.

Bàn ăn là bàn thường, sạch sẽ, không có khăn trải bàn hay trưng bày gì, trừ khi có một vị giám mục được đón tiếp và mời ăn chung.

Nếu có thể, cả rượu và nước nên dọn ra trong bình đất, chứ không đựng trong chai.

Mỗi người đều có đĩa riêng và khăn ăn riêng.

Bữa sáng: súp, thêm một hoặc hai món tráng miệng.

Bữa trưa: [hai] [4] món và hai đồ tráng miệng; có thể dùng một món canh đầu bữa, song đó không phải theo quy định.

Bữa tối: súp, một món và hai đồ tráng miệng.

Ta nên loại bỏ rượu trái cây, cà phê, và rượu chát hảo hạng.

Chỉ được phép dùng các thứ đó trong những trường hợp đặc biệt: như tiếp tân, hoặc khách mời, những nố cần thiết.

(đoạn này có thể ghép vào chương nói về đức bác ái)

Chúng ta phải lấy làm vinh dự và hạnh phúc được đón tiếp vào bàn ăn của ta những người nghèo, người đói khổ, vì nhớ lại các lời dạy của Thầy: khi chúng con mời ai ăn trưa hay ăn tối, đừng có mời mọc bạn bè, cha mẹ, anh em, hoặc láng giềng nhà giàu, kẻo họ sẽ mời lại chúng con và đáp lại chúng con những gì họ nhận được của chúng con.

Song, khi tổ chức bữa tiệc, hãy ra mời những người nghèo, người què cụt, mù lòa, và các con sẽ sung sướng được thấy họ không có gì đền đáp lại, vì sẽ được đền bù cho chúng con ở trên trời.

(Đoạn này có thể ghép vào chương nói về từ bỏ thọ tạo và thế gian)

Hãy tránh đi dùng bữa trưa tại nhà người ta, trừ khi thật cần thiết; tránh luôn cả việc mời ăn bởi vì các bữa ăn ấy luôn luôn là dịp tội, làm mất thời giờ, gây ra những truyện trò vô ích, thường khi truyện xấu, đi ngược lại đức bác ái và tạo dịp cho những tiêu xài phung phí, tội tham ăn, những gì mà một người nghèo của Đức Giêsu Kitô không được cho phép mình.

Tiếp đón và mời ăn những kẻ đến nhà ta, những kẻ cần của ăn, khách bộ đường xa mệt mỏi, người nghèo, điều ấy thì được; khi đức bác ái là động lực của việc làm của ta, ta luôn luôn có lý để hành động trong các việc đó, song nếu chỉ vì hư danh, để thỏa mãn sở thích, tính tham ăn hay để tiêu khiển thời giờ, thì xin “chớ bao giờ”.

Xem chương nói về tính ham ăn… đơn sơ… và nghèo khó

Nhu cầu thiết yếu trong y phục

Ngay từ khởi thủy, y phục độc nhất của chúng ta là ân sủng; nhưng sau khi phạm tội, chúng ta phải gánh chịu sự xấu hổ làm phần riêng của mình. Và để hạ thấp ta, Thiên Chúa đã cho ta da thú làm quần áo. Vậy là quần áo được ban cho ta để che phủ chứ không phải để lấy le.

Thương thay, nó đã bao lần trở nên cho biết bao nhiêu người, cơ hội và phương tiện để phô trương, để tìm thỏa mãn, tự ái, khoe mã, cao ngạo.

Muốn tránh tất cả, những cái đó và đi sâu vào tinh thần của Đức Chúa chúng ta, ta nên bằng lòng với nhu cầu tối thiểu trong y phục, như thánh Phaolô nói, chớ nên coi đó là một việc để phô trương hay tự ái.

Hài lòng với loại vải nghèo hèn, đơn sơ.

Không tìm tòi kiểu cách, tránh những gì có vẻ là hảo hạng, “gu” mốt, yêu sách, hoa mỹ, lịch lãm; mọi cách đó đều vô ích và chỉ để thỏa mãn tự ái, và làm đẹp lòng thiên hạ.

Muốn tránh tất cả các sự đó và làm vui lòng Đức Giêsu Kitô là Đấng nghèo hèn và đơn giản, bắt chước các thánh, cách riêng thánh Gioan Tẩy Giả và thánh Phanxicô:

Ta hãy loại bỏ khỏi cách ăn mặc những gì có vẻ xa hoa và phù phiếm.

Ta đừng mặc đồ vải hảo hạng, hàng quí, tơ lụa, hoặc nhung gấm, kiểu thêu thùa, ren tua, hay bất cứ mốt bảnh lạ thế gian nào.

Áo chùng thâm của chúng ta may vải xẹc, khổ rộng, không có đuôi và thắt eo quá đáng; nút cùng một thứ vải, cách thưa nhau.

Giây nịt áo bằng len, không có thêu tua; hoặc tốt hơn nữa, nếu được phép, thì mang một giây thừng đen giống như lưng của thánh Phanxicô.

Một áo khoác cùng một thứ vải như áo chùng, có cổ đứng và có tay áo, khổ dài tới đầu gối.

Một cái mũ thông thường.

Một áo lót dài (tunique) bằng len màu xám hay màu cacao theo đúng luật dòng thánh Phanxicô.

Mọi y phục khác đều bằng len xám hay nâu, hoặc vải xẹc.

Chúng ta sẽ không đeo một đồ trang sức bề ngoài nào như dây đồng hồ (quả mít) hoặc những đồ vật sùng kính bề ngoài.

Chúng ta may một túi nhỏ bên trái để đeo Thánh giá, phòng trường hợp cần dùng đến.

Mùa hè, có thể mặc một áo khoác vai cùng thứ vải.

Tránh mang giày da hay giày vải bằng dạ hoặc vải, nhung thêu v.v… loại giày như vậy quá kiểu cách, quý phái, tìm tòi; giày thông thường, có giây buộc, không dùng cao su; tốt hơn nên dùng xăng đan.

Tủ áo của mỗi người gồm có:

hai áo chùng thâm

ba áo sơ mi

mười hai khăn tay bỏ túi.

Bằng lòng với nhu cầu thiết yếu

“Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo vì nước trời là của họ.” (Mt 5, 3)

“Phải, đạo đức quả là lợi lớn – miễn là biết đành phận!” (1 Tm 6, 6). Đây là một đoạn quan trọng, và ta phải thấm nhuần để đừng có lìa xa sự khó nghèo đích thật, vì sự nghèo khó đích thật và tinh thần nghèo khó tóm gọn trong câu này:

Có đủ nhu yếu và biết lấy đó làm vừa lòng.

Chính vì người ta không biết vừa lòng với điều thiết yếu cho nên họ thiếu tinh thần nghèo khó. [5]

Người ta bắt đầu sống nghèo khó, nhưng dần dần, người ta thấy không tiện nghi, không đúng mức, có cái gì không chắc chắn lắm, không sạch sẽ lắm… rồi thì không bền bỉ mấy và nhiều lý do cố viện ra; bấy giờ, người ta sẽ thêm thắt, tô điểm, và thấy đó là phù hợp hơn, bền dai hơn, cứ thế dần dà người ta đã tìm được một căn phòng tiện nghi, dễ chịu, không thiếu một thứ gì; có một cái bàn tiện lợi, thừa sức điều dư đủ; có những áo quần xứng hợp, bền bỉ hơn, chắc chắn hơn, và thích hợp với kiểu cách thế gian hơn; và từ thay đổi này đến thay đổi khác, tới lúc người ta làm y như thế gian và đánh mất tinh thần nghèo khó.

Thế gian không ngừng nói: Ôi, sao các cha các thầy, ở các nhà thờ tồi tàn thế, không có chỗ để ngủ, ăn mặc thì thiếu thốn! Hãy làm thế này, làm thế kia.

Chúng ta phải trả lời cho thế gian như Đức Chúa chúng ta đã trả lời cho thánh Phêrô: “Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16, 23)

Kẻ có tinh thần nghèo khó, họ luôn luôn thấy mình có quá nhiều, và hằng tìm cách loại bớt đi; kẻ có tinh thần thế gian không bao giờ lấy gì làm đủ, họ chẳng bao giờ vừa lòng, luôn luôn phải có cái chi hơn thế nữa.

Người nghèo khó đích thật của Đức Giêsu Kitô luôn tìm cách loại bớt, rút bớt đi.

Kẻ có tinh thần thế gian luôn tìm cách phát triển thêm, có thêm.

Kẻ có tinh thần nghèo khó hằng tự nhủ lòng: tôi còn có quá nhiều điều hơn là nhu cầu cần có, còn biết bao kẻ nghèo không có đủ như tôi, bao người nghèo khổ cực, thiếu cả vật dụng cần thiết; còn tôi, tôi lấy quyền gì để được ở nhà sang hơn, ăn mặc tốt hơn là các người nghèo của Thiên Chúa? Nơi nào không có tí gì đau khổ, thì không có sự nghèo khó đích thật. [6]

Chúng ta hãy thấm nhuần tinh thần đó để dần dần cởi bỏ tất cả những gì không cần thiết; phải ghê tởm những cái có vẻ xa hoa, phù phiếm, hào nhoáng, bảnh bao; hãy luôn luôn chọn lựa điều gì nghèo nàn và đơn sơ nhất. Miễn sao để che thân là được, miễn sao cho có, đó là tất cả những gì cần thiết. Cái gì còn dùng được, ta hãy giữ lấy mà dùng. [7]

Thật sai lầm khi nghĩ rằng những sự vật bề ngoài, lớn lao, đẹp đẽ, đặc biệt, ra dáng, tự nó là đáng quí trọng, đáng tin cậy hay có uy tín; tưởng rằng ta có thể dùng chúng để lôi cuốn thế gian, và có thể cứu các linh hồn cho Thiên Chúa và cho ta; đó là điều sai lầm!

Các vật bề ngoài ấy có thể gây bỡ ngỡ một chốc lát, làm cho những kẻ cầm đầu, những ai có quyền thế và những ai chúng ta phải tôn kính và vâng phục, được nổi bật. Nhưng tự thân chúng, chúng đâu có làm được việc đó.

Mà phải là nhân đức, lòng mến, mới thật sự tạo ra tin tưởng và sức mến mộ nơi dân chúng.

Ta đừng cả tin vì mình mặc áo đẹp, khoác áo măng bảnh, có nhà cao cửa rộng, đồ đạc tươm tất, trang hoàng xinh xắn, thì ta sẽ lôi cuốn được thế gian và chinh phục được niềm tin của họ. Không đâu chỉ có nhân đức thôi.

Nếu các sự vật bề ngoài là thiết yếu Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta sẽ sử dụng các sự bề ngoài ấy rồi.

Nhưng không. Ngài đã vất bỏ hết khỏi Ngài. Ngài chỉ có một chuồng bò làm nhà một ít rơm làm giường, cha mẹ của Ngài là dân nghèo, và Ngài chết trên một thập giá xù xì. Và Ngài nói: Khi Thầy được nâng cao trên Thập giá, Thầy sẽ lôi kéo tất cả lên với Thầy. Vậy chắc không phải với sự xa hoa và vĩ đại mà Ngài lôi kéo thế gian, nhưng bằng nghèo khó và đau khổ.

Các thánh có dùng phương thế nào khác đâu?

Thánh Gioan Tẩy Giả ở trong sa mạc, chỉ mặc một tấm da lạc đà quanh vai, và thắt chiếc thắt lưng bằng da quanh bụng, thế mà cả nước Giuđê đến với ông.

Còn thánh Phanxicô khó khăn, ông rảo bước trên đôi chân đất, với cái bị đeo lưng, liệu ông có quan tâm gì đến các chuyện phù phiếm kia không? Thế mà ông đã lôi cuốn biết bao nhiêu linh hồn! ngay hồi còn sinh tiền, sĩ tử đi tu theo chân ông để sống là mười ngàn người.

Nhân đức mới lôi cuốn các tâm hồn và chinh phục các trái tim cho Thiên Chúa.

Có những kẻ thích nói về thứ bậc, về danh vọng, và nhân cơ hội đó, họ tưởng tượng họ đang hạ mình xuống bậc thấp hèn khi chọn sự nghèo khó, ăn mặc như kẻ nghèo sống như kẻ nghèo, giao tiếp với kẻ nghèo, hành xử như kẻ nghèo.

Họ tưởng tượng mình đang tự hạ nhục mình bằng cách mặc hình dáng người nghèo. Ấy thế mà Đức Chúa chúng ta đã sống như vậy đấy.

Ngài đã trở nên nghèo khó, cho nên nhóm Biệt phái mới trách móc Ngài qua lời nói với các tông đồ: Thầy các anh luôn luôn đi với kẻ tội lỗi và bọn thu thuế.

Nhu cầu thiết yếu trong các nhà thờ của chúng ta

Ta hãy cưu mang tinh thần nghèo khó ấy, đơn sơ ấy, hài lòng với nhu cầu vừa đủ trong các ngôi nhà thờ của chúng ta, và trong các đồ đạc phụng tự.

Nhà thờ và các đồ trang hoang không nên phô trương điều gì khêu gợi tính tò mò hoặc sự phân bì của bổn đạo.

Nhà thờ, bàn thờ, các đồ trang trí phải thiệt đơn sơ giản dị.

Đồ trang trí nhà thờ đẹp đẽ nhất, đó là linh mục.

Sự huy hoàng xán lạn của ngô nhà thờ là linh mục.

Cái chuông vang nhất của ngôi nhà thờ là linh mục.

Đồ đạc quí nhất của nhà thờ là linh mục.

Cứ đặt một vị linh mục thánh thiện trong một ngôi nhà thờ bằng gỗ, mưa tạt gió lùa tứ phía, kẻ đó sẽ lôi kéo làm cho nhiều người trở lại hơn một linh mục nào khác trong ngôi thánh đường bằng vàng.

Chính linh mục là kẻ ban sự sống; chứ không phải những viên đá, những chén thánh, các đồ trang hoàng, đèn lư bóng loáng, hoặc những bàn thờ hoa mỹ, những tòa giảng lộng lẫy mà làm cho người ta trở lại; chúng có thể lôi kéo tính tò mò, chứ không biến đổi con người, không chữa lành họ.

Thế mà ngày nay, thiên hạ ra sức làm nhiều nhà thờ nguy nga, những ngôi nhà xứ đẹp đẽ, hơn là tạo ra những vị thánh.

Bởi vì làm một ngôi nhà thờ đẹp đẽ thì dễ hơn là tạo một vị thánh.

Chẳng bao giờ có thể thay thế sự thánh thiện bằng những thứ bề ngoài.

Ngày kia, các tông đồ chỉ cho Đức Chúa xem ngôi đền thờ và cho Chúa ngắm những viên đá quý dùng xây đền thờ. Đức Chúa chúng ta nói với họ rằng, ngôi đền thờ này sẽ bị phá hủy và sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Đó là số phận của những sự vật to tát đồ sộ. Chỉ có nhân đức là tồn tại, bắt rễ sâu, và trổ sinh hoa thơm quả ngọt.

Đức Chúa chúng ta không có những thứ đồ vật bề ngoài đó; Ngài chẳng có đền thờ, có nhà cửa. Cây cỏ, núi non, bờ biển, đó là nơi nương náu của Ngài. Thế mà mọi người đều chạy theo Ngài, để xem và nghe Ngài nói.

Vì chưng “Virtus de illo exibat et sanabat omnes” “Có sức thiêng tự Ngài xuất ra mà chữa họ hết thảy.” (Lc 6, 19); Ngài lấy tất cả quyền năng từ trong mình Ngài, từ đức độ và sự thánh thiện của Ngài; virtus de illos exibat.

Vậy ta chớ đặt quan trọng vào những sự bề ngoài; hãy sử dụng chúng, song không quá quan trọng hóa chúng; đừng đặt cái phụ thuộc trên cái chính yếu, những viên đá trên nhân đức, đồ trang trí trên sự thánh thiện.

Martha, Martha, sollicita es et turbaris erga plurima “Martha, Martha, ngươi lo lắng xôn xao về nhiều chuyện!” (Lc 10, 41)

Chúng ta hãy bằng lòng với nhu cầu thiết yếu, cả trong các đồ vật phượng tự; nghèo nàn, đơn sơ, sạch sẽ; đừng có gì phô trương, đừng có gì hào nhoáng, lịch lãm, khêu gợi tính tò mò; mọi sự phải nghiêm trang, giản dị, chắc chắn. Cái đẹp và cái cao cả vừa có thể rất đơn sơ; chẳng hạn một chén thánh bằng vàng có thể rất giản dị mà vẫn đẹp, vẫn cao trọng. Nhất là đừng có điều gì khêu gợi tính tò mò hoặc sự phân bì của thiên hạ, đừng có gì gợi ý sự đầy dẫy, tràn lan.

Người ta dễ dàng tìm kiếm phô trương, đặc thù, kiểu mốt trong áo alba, áo surplis, các đồ trang hoàng, hoa mỹ. Người ta kiếm tìm cái gì cho đẹp, có kiểu dáng, người ta dễ dàng bỏ mất sự đơn sơ. Bởi vì những ai thi công các đồ vật ấy, thường họ không có tinh thần đơn sơ và nghèo khó, nên họ làm theo sở thích, mỹ ý thế gian; nếu ta không sửa dạy họ, họ sẽ đi sai tinh thần đơn sơ và nghèo khó, và người ta bị chi phối bởi các tư tưởng buôn bán kinh doanh và của thế gian. Áo surplis, áo alba nên được may bằng vải cứng và chắc bền; không nên quá nặng nề, chỉ cần một ít nếp gấp; áo alba có mẫu thêu nên càng ít dùng càng tốt, chỉ nên dùng vào các dịp lễ trọng, mà cũng không cần thiết nữa. Luôn luôn sẽ có người nói: việc này làm cho Chúa mà, phải làm cho đẹp chứ; ảo tưởng! Chúa chẳng thèm mấy cái thứ sắc đẹp ấy, nhất là các đồ hàng mã; hãy phụng sự Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, đó là điều cốt yếu. Vả chăng, càng nhấn mạnh vào các sự bề ngoài, càng ít đi phần bề trong; người ta càng quá lo đến việc bề ngoài, người ta càng ít đi phần bề trong thâm thúy. Điều cốt yếu ư, đó là giảng dạy cho thiên hạ.

Chúng ta phải trình bày máng cỏ và núi Sọ; hãy để cho người khác trình bày mầu nhiệm vinh quang.

Phần chúng ta, hãy bằng lòng với sự thấp bé và nghèo hèn, đó là gia sản của ta đừng tách ra khỏi đó; người nghèo không được bước ra khỏi bậc cấp của họ, ngay cả để làm sáng danh Chúa. Chớ liều mình hành động vì khoa trương và kiêu ngạo, hoặc nữa để thỏa mãn tính khoe mẽ hơn là để làm hài lòng Thiên Chúa.

Hãy nên thánh, điều này có giá trị hơn tất cả mọi sự khác.

Khi nên thánh rồi, tất cả mọi sự khác tự nhiên sẽ đến với ta mà ta chẳng cần lo liệu gì… “Phải, đạo đức quả là lợi lớn – miễn là biết đành phận!” (1 Tm 6, 6)

Unum est necessarium

Maria đã chọn phần tốt nhát hảo và phần đó không ai lấy khỏi nó.

Cái điều tất yếu duy nhất đó đối với chúng ta, là dạy giáo lý cho tốt và cầu nguyện, ngoài ra chẳng có gì có giá trị. Ta đặt tầm quan trọng quá nhiều cho những cái vặt vãnh, những cái bề ngoài, và chúng luôn luôn làm cớ cho những chuyện tranh cãi, kình lộn; kẻ này muốn thế này, kẻ kia muốn điều kia. Chẳng ra làm sao cả. Ôi, giá mà chúng ta giữ được sự bình an, hợp nhất và bác ái; giá mà ta chỉ lo tiên vàn điều thiết yếu duy nhất là tình yêu Thiên Chúa. Pietas ad omnia utilis est exercitatio corporalis ad modicum “Luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng được là bao. Còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi mặt.” (1 Tm 4, 8); cái bề ngoài đó không đáng gì, caro non prodest quidquam (xác thịt không ích gì (Ga 6, 63); như thế dầu trắng, đen, không can chi, miễn sao điều đó đừng cản trở ta mến yêu Thiên Chúa.

Ta hãy nhắc nhở mình là ta vốn dĩ nghèo hèn, sống bằng của bố thí; ta không được phép làm giống như người giàu, họ có khả năng tiêu xài, bằng không ta làm tổn thương đến tinh thần nghèo khó; muốn hành động như người giàu là bước ra khỏi giai cấp của mình; ta sẽ giống như những anh nhà nghèo lại thích mặc áo đẹp, nhưng không có gì ở trong; ta hãy giữ bậc hèn của ta để tôn vinh Đức Chúa chúng ta trong sự khó nghèo của mình, như người giàu có bổn phận tôn vinh Ngài trong sự cao sang và phong phú. Hãy chọn lựa và gìn giữ luôn luôn những gì là đơn sơ và nghèo nàn nhất; giữa hai điều, luôn luôn chọn điều đơn sơ nhất; nghèo nhất. Đừng có cái thói bao giờ cũng muốn làm cái gì mới mẻ, luôn luôn tìm cách tô điểm, trang hoàng, làm đẹp; lo toan các điều ấy chỉ tổ mất thì giờ, và bỏ ngoài những gì là vững chắc, là điều thiết yếu duy nhất; trở nên những vị thánh và giảng dạy cho thiên hạ.

Một điều cần thiết duy nhất mà thôi đối với mỗi người chúng ta; đó là yêu mến Thiên Chúa, dạy dỗ dân nghèo là bổn phận của linh mục và những ai chuẩn bị làm việc đó. Giảng dạy và chữa lành, còn những cái khác đều là vô ích. Ta biết dầu bức tóc, ta khó chịu phật lòng vì những cái không đâu. Người này thích cái này, kẻ kia muốn cái khác; người này muốn làm theo cách này, kẻ kia theo cách khác, và thế là người ta tranh cãi nhau, giận lẫy nhau vì những điều không đâu.

Thôi, đừng thèm lo lắng đến những chuyện vô ích đó, chỉ có một điều thiết yếu duy nhất: dạy giáo lý cho tốt. Khi điều quan trọng được làm tốt, mọi sự sẽ xuôi xắn.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 422-438

------------------------------------------

Chú thích:

[1] Đoạn văn của thánh Luca có nhiều điều khó giải đối với các nhà chú giải Kinh thánh. Họ đưa ra vài cách dịch, chẳng hạn: “con lo lắng bôn chôn nhiều chuyện; nhưng đâu cần nhiều, thậm chí chỉ cần một điều duy nhất.”

[2] “Chuồng súc vật”. Hiểu ngầm: tại Bêlem. Có ý nhắc đến máng cỏ, mầu nhiệm nghèo khó.

[3] Thủ bản có viết chữ “hai”, song chữ này lại bị gạch đi, và ở trên, thêm chữ “ba”, cũng bị gạch đi nốt.

[4] Thủ bản có viết chữ “hai” song chữ này lại bị gạch đi, và ở trên, thêm chữ “ba”, cũng bị gạch đi nốt.

[5] Ms. x. 698 – Bằng lòng với nhu cầu thiếu yếu, một chương quan trọng. Suy nghĩ về chương này. Thật khó mà hài lòng với nhu cầu thiết yếu! Người ta luôn tìm cách tô điểm, trang trí và làm cho dễ dãi, dễ chịu hơn. Cái gì làm dễ dãi, dễ chịu hơn không còn là nhu cầu thiết yếu. Tô điểm thêm thì dễ hơn là sống với điều thiết yếu, sống ở mức trung dung, và đây mới là nhân đức. Thay vì sống cao hơn. Điều thiết yếu trong quần áo, nhà ở, lương thực, thà ở dưới mức còn hơn vượt quá mức, thà chịu khổ còn hơn sống thoải mái… trong cách trang trí nhà thờ, nhà ở. Regum Dei intra vos est (Nước Thiên Chúa ở trong anh em). Người nghèo thường thiếu cả điều cần thiết.

[6] Ms. XII 248; X 725

Nhận định: Chính vì người ta không hài lòng với nhu cầu thiết yếu, nên họ thường lỗi đức nghèo khó, và họ tiêu xài hay cho phép tiêu xài những cái vô ích. Biết bao nhiêu là điều vô ích, không cần thiết và có thể bỏ qua! Nhưng than ôi, người ta lại đi tìm tòi những sự dễ chịu, tiện nghi cho mình trong nhà ở, đồ mặc, của ăn, và bấy giờ người ta đã ra khỏi sự nghèo khó mà Đức Chúa chúng ta mến mộ dường ấy. Người ta viện lý này, lý kia để làm cho to hơn, tô điểm đẹp hơn, sắp xếp lại, và bấy giờ đức nghèo khó thánh thiện đã biến mất, chỉ còn lại không phải nhu cầu tất yếu, mà là cái đẹp, cái tiện lợi, cái dễ chịu. Trước khi làm bất cứ điều gì, ta hãy luôn tự hỏi mình và hỏi kẻ khác; liệu tôi có bỏ được cái đó không? Có tuyệt đối cần thiết không? Và bấy giờ, nếu có thể bỏ đi, không chút gì cần thiết, thì thôi đừng làm nữa. Những người nghèo trên thế gian có luôn luôn đủ cái cần thiết chăng? Họ không phải chịu cực chịu khổ đó sao?

[7] Ms. XII 249 – Ta đừng ngại ngùng khi phải vá quần áo, và mặc thật tự nhiên những đồ thật nghèo nàn, thật đơn giản nhất.

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (14)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (16)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (17)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (19)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (20)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (21)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (22)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (23)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (24)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (25)