Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4): Các tước hiệu của Đức Giêsu Kitô

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4977 | Cập nhật lần cuối: 5/4/2016 8:49:39 AM | RSS

(Tiếp theo)

IV. Các tước hiệu của Đức Giêsu Kitô

Đây là cách thức cổ điển khi đề cập đến con người của Đức Giêsu Kitô. [1]

Vấn đề là các mối quan hệ nối kết với chúng ta bởi Con Thiên Chúa trong cuộc Nhập thể: “Thiên Chúa ban cho chúng ta Lời Người, Đấng là tất cả cho chúng ta. [2]

Vậy các tước hiệu của Chúa Giêsu Kitô tỏ cho ta thấy về chính mình Ngài qua công trình cứu chuộc. Ta không bao giờ nên coi thường khía cạnh thiết yếu này trong quan hệ giữa Đức Kitô với ta.

Cha Chevrier đã tìm ra những tước hiệu này trong Kinh thánh. Một số nào Kinh thánh chỉ nói đá đến, chẳng hạn tước hiệu “Trung tâm”.

Vị trí quan yếu được dành cho tước hiệu “Thầy”, tước hiệu cha thường xuyên chú tâm học hỏi, như các thủ bản cho thấy.

Chẳng hạn, đây là những lời cha viết vào một tờ giấy cốt để dán lên tường hay lên một tấm ván, theo cách thức cha quen dùng. Làm thế sẽ giúp cho suy niệm chín mùi và triển khai một phác thảo, để cha có được trước mắt, mỗi khi khả dĩ tìm được phút giây tạm ngừng công việc giữa một cuộc sống luôn luôn bận rộn với đủ mọi thứ người.

Cần thiết phải có một vị Thầy.

Cần thiết, một ý tưởng hàm súc nhiều điều nhu cầu phải có một vị Thầy – người ta không thể tự hướng dẫn mình: nghề nghiệp, tập sự, hiểu biết, học hỏi.

Lý trí, thời gian, loài người, các nhà triết học – Nghĩa là bỏ hết những ông thầy giả tưởng để gắn bó với Đức Giêsu Kitô: rời bỏ lý trí, loài người, trí tưởng tượng của mình, chính bản thân. Nhu cầu có một người thầy.

Sống không có thầy, ta sẽ làm được gì? Không làm được gì hết hay làm mọi cái trái khoáy, dầu muốn dầu không người ta cũng tìm một ông thầy, và lấy làm hài lòng khi đã tìm ra.

Ta cảm thấy ta bất tài, nhỏ bé – giới hạn, sai lầm [3]

Trong vài trang của cha Chavrier, ta cũng thấy có những bảng tước hiệu kiểu ví dụ sau đây:

Thiên sai của Thiên Chúa hoặc Đấng Mêsia

Con Thiên Chúa

Con Người

Đấng Cứu thế - Giêsu

Đấng Cứu chuộc

Tư tế

Vua Kitô

Thầy

Thẩm phán [4]

Tại sao cha Chevrier không lấy lại các tước hiệu quan trọng đó khi soạn cuốn Người môn đệ đích thực? Có thể giải thích như sau:

Một số lược đồ các tước hiệu được biên soạn để dạy giáo lý. Các trẻ em đến Prado chuẩn bị rước lễ lần đầu, không phải đứa nào cũng có đức tin; ít là đức tin của chúng không minh nhiên lắm. Cha Chevrier đã tìm trong Tin Mừng phương cách giúp chúng lần hồi khám phá ra con người của Đức Giêsu:

Chúa Giêsu Kitô khôn ngoan, khiêm nhường và thận trọng biết chừng nào khi Ngài tỏ mình cho trần thế. Ngài êm thấm, thận trọng bác ái biết bao!

Ngài có tên là vị Thiên sai của Thiên Chúa, tước hiệu đơn sơ nhất, dễ hiểu nhất; Ngài bảo Ngài không tự ý mình mà nói điều gì, Ngài không phô trương mình, nhưng Ngài bởi Thiên Chúa mà đến, Ngài không ra lệnh, không nói: Ta là Con Thiên Chúa, phải tin vào… Nhưng Ngài dọn lòng người ta để họ có thể đặt cả niềm tin vào Người: Thiên Chúa là Cha Ngài. Chính Môsê và các tiên tri đã hành xử như vậy khi họ nói: Tôi nói với các ông là do bởi Thiên Chúa, chính Thiên Chúa truyền lệnh cho các ông: luôn luôn một đường lối như nhau, một tinh thần như nhau. [5]

Chẳng lạ gì khi thấy cũng đường lối đó được áp dụng cho các học viên trường đào tạo giáo sĩ. Có nhiều thủ bản gợi ý.

Các tước hiệu trên, âm thầm đi vào cuốn Người Môn đồ đích thực. Chỉ cần chú ý bài giải thích đoạn mở đầu Tin Mừng thánh Gioan, ở đó cũng trình bày Giêsu như vị thiên sai của cha. Còn chương này thì đi vào chi tiết các khía cạnh của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế. Ta nghĩ tới lời cảm thán của thánh Phaolô: “Anh em đã thấy trước mắt dung mạo của Đức Giêsu Kitô trên thập giá (Ga 3, 1; x. tước hiệu Đức Vua tr. 93)

Kinh nghiệm thiêng liêng năm 1856 luôn luôn tiềm tàng trong bài suy niệm về các tước hiệu của Đức Giêsu Kitô. Rõ ràng nhất là trong đề tài vẻ đẹp của Đức Kitô, ánh sáng của Ngài.

Để giúp chúng ta hiệp thông với cảm nghiệm đó, cha Chevrier mời gọi chúng ta cầu nguyện. Cha đặt kinh “Ôi Lời! Ôi Đức Kitô”. [6] Động tác giục lòng tin như chúng tôi nói [7]triển nở thành lời cầu nguyện. Cứ như vậy mà các kinh nguyện khác cũng được soạn ra ở chỗ này chỗ nọ. [8]

Thiên Chúa được ban cho chúng ta để trở nên Ánh sáng của ta, Khôn ngoan của ta, Công chính của ta và Sự cứu chuộc của ta. (1 Cr 1, 30)

Thiên Chúa không thể ban cho ta một ơn huệ nào lớn lao hơn, ban cho ta một kho tàng nào lớn hơn, khi Người ban cho ta Lời Người, Con Người đáng tôn thờ, bởi vì Ngài là tất cả cho chúng ta.

1. Khôn ngoan của ta

Ngài là sự khôn ngoan của ta vì Ngài chiếu rãi chúng quanh ta nguồn ánh sáng thần linh chiếu soi ta và bày tỏ cho ta sự thật cũng như giá trị chân chính của mọi sự. Từ ngày phạm tội, con người đã đánh mất khôn ngoan: bởi vì họ không còn được Thiên Chúa soi sáng cho, mà họ tự tìm đường lấy theo ánh sáng riêng của mình: nên họ rơi vào đủ mọi thứ tật xấu, đủ mọi tai họa và tội ác.

Khi Ngài ban cho ta ánh sáng thật để dẫn lối cho ta nên con đường sự sống và dạy dỗ ta.

Đức Giêsu Kitô đã được hiến ban cho ta để hàn gắn lại tai họa đó. Ngài trở nên sự Khôn ngoan của ta khi soi sáng ta bằng nguồn sáng thần linh của Ngài, để dạy ta biết biện phân điều chân điều giả, điều thiện điều ác, công chính và bất chính, và để ta đánh giá mỗi sự vật đúng với ánh sáng chân thật của nó, giá trị nó, để ta biết đặt đúng vị trí cái gì thuộc địa giới, thuộc thần thiêng, thời gian và vĩnh cửu.

Vì thế, Ngài là ánh sáng thật soi mọi người đến trong thế gian này.

Ngài là Lời thần linh, trong Ngài có sự sống và sự sống là ánh sáng cho loài người.

Ngài đến từ trên cao, với tất cả vẻ đẹp, vinh quang, ánh huy hoàng thiên giới.

Vì thế Ngài có tên là

Oriens ex alto (ánh sáng tự trời cao Lc 1, 78)

Sol justitiae (mặt trời công chính Mt 3, 20)

Candor lucis aeternae (Sự tỏa rạng của ánh sáng đời đời Kn. 7, 26)

Splendor Patris (Ánh huy hoàng của Cha Hr. 1)

Không phải chỉ là một tia sáng từ trời cao chiếu xuống, như trong các thánh nhân hay Ngôn sứ, nhưng là cả nguồn sáng thần linh đến soi sáng ta bằng quang ánh của Ngài.

Vì thế Kinh thánh mới nói: dân đi trong tăm tối đã thấy một nguồn sáng lớn (Mt 4, 16)

Ánh sáng đã chiếu dọi trong tăm tối (Ga 1, 5)

Nunc, lux in domino (Hiện tại anh em là ánh sáng trong Đức Chúa (Ep 5, 9))

Để chúng ta được bước đi như con cái ánh sáng, hầu biết phân biệt và hiểu thấu điều chân, điều chính, điều lành và điều thiện.

In lumine tuo videbinus (Nhờ ánh sáng của Chúa, chúng con thấy được ánh sáng (Tv 36, 10)). Ngõ hầu anh em trở nên con cái ánh sáng và con cái ngày rạng. (x. 1 Tx 5, 5)

Đức Chúa chúng ta không do dự khi chính Ngài nói với ta, Ngài là ánh sáng thế gian: Ego sum lux mundi.

Khi Thiên Chúa tạo dựng linh hồn chúng ta, Người hiến ban cho ta Đức Giêsu Kitô, Lời Người, để sáng soi linh hồn và trí khôn chúng ta.

Bởi vì Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng soi loài người.

Nhờ Đức Giêsu Kitô mà chúng ta lĩnh nhận sự sống và ánh sáng, và đây là ánh sáng thật.

Lux vera, để phân biệt ánh sáng từ trời cao với mọi thứ ánh sáng phàm trần và tục lụy, lắm khi chúng đến soi linh hồn u tối của chúng ta bằng tia sáng giả trá của chúng.

Đức Giêsu Kitô là ánh sáng cho tâm hồn chúng ta, ví như mặt trời là ánh sáng cho thân xác ta. Cũng như mặt trời làm vui mắt ta, soi chiếu ta, cho ta thấy được các sự vật, cho ta nhận ra và đánh giá được mỗi sự vật, mỗi đồ vật và soi đường ta đi, tỏ cho ta đặc tính, màu sắc sự vật, cách ta phải sử dụng chúng ra sao. Mặt trời, một ân huệ vĩ đại biết bao đối với thân xác ta! Cũng thế, Đức Giêsu Kitô là Mặt trời cho trí khôn và linh hồn ta.

Dưới ánh sáng của Ngài, chúng ta phải học cho biết mọi sự, hiểu biết sự thật, giá trị thiêng liêng của mỗi sự vật trần thế, nhận biết đâu là chân giả, ngay chính và bất chính, thiện và ác.

Hiểu biết thiêng liêng về các sự vật vượt xa hiểu biết vật chất các sự vật hữu hình, thọ tạo, dưới ánh sáng mặt trời.

Vậy muốn biết điều gì, lượng định nó, phê phán nó, đặt nó vào thang giá trị, ta chỉ việc tìm đến ánh sáng là Đức Giêsu Kitô. Ngài sẽ sáng soi ta, dạy ta biết giá trị của nó, và cách ta phải lượng định nó, biết Ngài đã nói gì về nó, làm gì với nó… Lúc đó ta sẽ có ánh sáng đích thật… sự phê phán đúng đắn các sự vật.

Do đó, Ngài là ánh sáng chân thật của ta, sự khôn ngoan của ta, bởi vì nếu ta hành xử theo nguồn sáng đó, ta không mắc sai lầm, nếu ta hành xử theo ánh sáng đó, ta sẽ không đi lạc hướng.

Nếu ta lượng định các sự vật theo luồng sáng đó, ta sẽ phê phán đúng đắn, bởi vì Ngài là ánh sáng thật đến từ trời, xuất ra từ chính Thiên Chúa, để soi sáng ta.

Vì ánh sáng trời cao là sự khôn ngoan Thiên Chúa. Trong Ngài có tất cả mọi kho tàng hiểu biết và khôn ngoan. (x. Cr 2, 3)

Ngài lớn lên về tuổi đời và về khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và loài người, và ân sủng ở nơi Ngài.

Đầy ân sủng và sự thật [9]

2. Công chính của ta

Chính Ngài cho ta được công chính, làm ta nên công chính.

Ngài có tên là mặt trời công chính. Sol justitiae và thánh Phaolô bảo ta: nguyện xin nhờ Đức Giêsu Kitô, anh em được tràn đầy những hoa quả công chính để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa. (Ph 1, 11)

Chúng ta nhờ Ngài mà nên công chính, khi ta chu toàn lề luật Ngài ban cho ta; chính Ngài ban cho ta lề luật Thiên Chúa để ta tuân theo; các giới điều, các lời khuyên nhủ để ta thi hành; và chúng sẽ làm cho ta nên công chính trước mắt Thiên Chúa, bằng cách giúp ta bước đi theo lộ hành do chính Thiên Chúa đã vạch ra qua Con của Người.

Vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã xem Con của Người, Đấng không hề biết tội lỗi, khác nào Ngài là chính sự tội, bằng cách bắt chính Con mình chết trên thập giá, để trong vị Con, chúng ta trở nên công chính, do sự công chính đến từ Thiên Chúa (x. 2 Cr 5, 21)

3. Thánh Thiện của ta

Cũng chính Ngài đã làm cho ta nên thánh thiện khi thông ban ân sủng để thanh luyện và thánh hóa linh hồn chúng ta. Do sự sung mãn của Ngài mà chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác, như thánh Gioan nói.

Ân sủng và sự thật đến bởi Đức Giêsu Kitô. (x. Ga 1, 17)

Chính Ngài đầy ân sủng và sự thật. (x. Ga 1, 14)

Ngài thánh hóa ta, Ngài cho ta nên thánh, nhờ các bí tích Ngài thiết lập.

Từ lúc tội lỗi nhập vào thế giới, tội lỗi ngự trị trong chúng ta. Nhưng Đức Giêsu Kitô lấy ân sủng Ngài mà xua đuổi nó.

Ta trở nên thánh thiện trước mắt Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Từ những kẻ vô đạo, gian ác hồi xưa, chúng ta trở nên thánh thiện nhờ Đức Giêsu Kitô.

Ngài là Đấng thánh hóa ta.

4. Sự cứu chuộc chúng ta

Chính Ngài đã cứu chuộc ta bằng cách phó nộp mình vì ta, hoàn trả Cha Ngài món nợ của chúng ta, phạt đền cho xứng tội ta đã phạm,vì chúng ta, Ngài chết trên thập giá như một tên tội đồ, như một kẻ can phạm tội ác nhất trần ai, bởi vì Ngài đã muốn gánh lấy tội lỗi chúng ta.

Đây là con chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian. Đức Giêsu đã chuộc chúng ta khỏi cơn rủa xả của lề luật, vì chính Ngài trở nên sự nguyền rủa vì chúng ta. (x. Ga 3, 12)

Vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã xem Con của người, Đấng không hề biết đến tội lỗi, khác nào Ngài là chính sự tội, bằng cách bắt chính Con mình chết thập giá để chúng ta trở nên công chính do sự công chính đến từ Thiên Chúa. (x. 2 Cr 5, 21)

Đức Giêsu đã bị phó nộp cho sự chết để đền bồi tội lỗi ta. (x. Rm 6, 25)

Ngài đã xóa bản án kết tội ta bằng cách treo nó lên thập giá. (x. Cr 11, 14)

(Ta “Giêsu Vua”) [10]

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 127-139

------------------------------------------

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Chú thích

[1] Ta đã thấy phương pháp này được các Giáo phụ Hội Thánh hay sử dụng. Và có thể nói, cả chính Tân Ước cũng sử dụng nó để chỉ Chúa Giêsu với các tước hiệu lấy từ Cựu Ước như Con Người, Xức dầu, Tiên tri, Đấng Ưu tuyển của Thiên Chúa, Con Chiên v.v…

[2] Tr. 123

[3] Ms XI 511

[4] Ms VIII 133

[5] = Ms VIII 152

[6] = Tr. 161

[7] = Tr. 107

[8] Tr. 397

[9] Chính Ngài là hiểu biết, là sự thật.

Chính Ngài cho ta biết sự thật, biết chân giả, các của cải chân thật, cho biết thế gian là gì; khôn ngoan của thế gian là điên dại đối với Đức Giêsu Kitô, và khôn ngoan của Đức Giêsu Kitô là điên dại đối với thế gian.

Sự khôn ngoan ấy chan hòa cả cuộc đời Ngài, hành vi, ngôn ngữ của Ngài đều là những biểu hiện khôn ngoan và ánh sáng, chúng soi sáng ta và chỉ cho ta thấy cách ăn ở thế nào để thật sự là những kẻ khôn ngoan.

Ngài là điển hình cách ăn ở của ta, gương mẫu cho ta; ta phải luôn luôn nhìn về luồng sáng đó để chính chúng ta biết cách ăn ở thế nào.

Trong những con người tiếng tăm, đôi khi ta cũng thấy được nơi họ một chút khôn ngoan, một tia sáng khả dĩ soi chiếu chúng ta, nhưng Đức Giêsu là sự Khôn ngoan trọn vẹn; một con người không thể lĩnh nhận sự Khôn ngoan trọn vẹn, nhưng Đức Giêsu Kitô sở hữu nó toàn vẹn bởi vì Ngài đã lãnh nhận Thánh Thần theo mức độ khôn lường. Không cần phải đi đâu xa để tìm tòi sự khôn ngoan, nó ở trong Đức Giêsu Kitô; chỉ cần hiểu biết, học hỏi về Đức Giêsu Kitô.

Có những kẻ đi tìm sự khôn ngoan trong các sách vở cao siêu, trong triết lý, trong các cuộc du hành, trong nghiên cứu, nhưng nó nằm trong Đức Giêsu Kitô. Tôi chỉ biết duy Đức Giêsu Kitô, lời thánh Phaolô, và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh.

Chúng ta chỉ khôn ngoan nhờ Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta chỉ công chính nhờ Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta chỉ thánh thiện nhờ Đức Giêsu Kitô (Ms XI 147)

[10] Cha Chevrier sử dụng chỗ này một bản văn học hỏi ở nơi khác, vì thế ta thấy đề tài được triển khai mở rộng.