Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7): Gắn bó với Đức Giêsu Kitô

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3606 | Cập nhật lần cuối: 6/30/2016 7:02:30 AM | RSS

(Tiếp theo)

V. Gắn bó với Đức Giêsu Kitô

Phần này trình bày hoa quả sản sinh từ việc hiểu biết Đức Giêsu Kitô. Những ai cố công tìm hiểu, hiểu biết nhất thiết đưa đến tình yêu [1]

Chúng ta có thể so sánh các trang đầu [2] với các cấp độ tình yêu mà thánh Gioan Thập giá trình bày, [3] hoặc các mức độ đức khiêm nhường của thánh Ignace de Loyola. [4]

Chương này khiến ta phải hiểu toàn bộ quyển sách theo một nghĩa thuần thiêng. Nghĩa là mọi yêu sách về sống Tin Mừng như được trình bày sau đây, chỉ nên hiểu như hoa trái trông thấy được của ân sủng, tự nó vô hình. Và đó không chỉ là tình yêu trung thực với chính mình, nhưng còn là một ân sủng được ban để sinh hoa kết trái cho ân sủng. [5]

Kết quả đầu tiên việc hiểu biết Đức Giêsu Kitô sẽ đưa đến là thái độ đơn sơ. Đơn sơ kiểu Tin Mừng là điều kiện tâm linh phải có để chu tất thừa tác vụ linh mục [6] như con người Thần Khí.

Cha Chevrier phác họa quan niệm linh đạo, cũng có thể gọi là quan niệm về sứ vụ linh mục theo khía cạnh đặc sủng, bằng những giải thích có vài nét khó chấp nhận, bàn về những linh mục “tốt”, “xấu”, “hoàn thiện”. chúng tôi đưa ra ở phần chú thích một bản văn viết trước hơn, trong đó cha đề cập vấn đề bằng lối phân biệt khá cổ điển giữa các lệnh giới và lời khuyên.

Ở đây cũng thế, xem cha không được thoải mái lắm trong nỗ lực thần học suy lý. Cha tìm cách chống chế lại những vấn nạn bản thân cha từng nghe, và chúng ta có thể khám phá được đằng sau văn bản: nếu bạn muốn ở lại hàng ngũ giáo sĩ triều thì bạn hãy làm như mọi người. Bằng không xin mời bạn vào dòng tu. [7] Cha hơi thiếu kiên nhẫn khi gặp những vấn nạn kiểu ấy, khiến cha nói ra những điều không đúng về các tu sĩ, do đó họ sẽ lấy làm bỡ ngỡ. [8] Công đồng Vatican đã có cái nhìn khác trong đề cập vấn đề. [9]

Vậy chúng ta chẳng nên dừng lại ở các lý luận có tính khích bác, đôi lúc vụng về, và có mùi tranh biện. Nhưng hãy nhìn vào xác tín cha muốn truyền đạt: vị trí của linh mục là để ông sống giữa thiên hạ; vị trí tự nó là lời mời gọi sống sự trọn lành của Tin Mừng.

Hiểu biết Đức Giêsu Kitô là tất cả

Tất cả đều hàm chứa trong sự hiểu biết Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta.

Haec est vita acterna ut cognoscant le solum Deum verum et quem misisti, Jesum Christum (Sự sống đời đời tức là: chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu Kitô kẻ Cha sai) (x. Ga 17, 3)

Giêsu Kitô, là lời hằng hữu

là lời hằng sống của Cha trên cõi thế,

là tri thức và khôn ngoan của Cha.

Nơi Ngài có tất cả kho tàng tri thức và khôn ngoan. Vì thế thánh Phaolô không ước ao điều gì khác cho các tín hữu của ông hơn sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô.

Tôi quỳ gối trước mặt Cha của Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta. Từ nơi Người mọi giây phụ hệ bắt nguồn, cả trên trời lẫn dưới đất. Xin Cha ban cho anh em theo nguồn phong phú vinh quang Người, hầu anh em được củng cố sức mạnh nơi con người bên trong, nhờ Thần Khí của Người; xin cha ban Đức Giêsu Kitô cư ngụ trong cõi lòng anh em bởi đức tin, hầu anh em bắt rễ và xây nền trong đức mến, anh em có khả năng hiểu biết với hết mọi thánh hữu thế nào là chiều rộng, dài, cao, sâu của mầu nhiệm đó, và anh em hiểu biết tình yêu Đức Giêsu Kitô đối với chúng ta, vượt trên hết mọi hiểu biết, ngõ hầu anh em được đầy tràn ân huệ của Thiên Chúa trong tất cả sự sung mãn của nó. Chúc tụng Đấng hoạt động trong ta bởi quyền lực Người, Đấng có thể thực hiện nhiều gấp vô cùng những gì ta xin và tất cả những gì ta suy tưởng, chúc tụng Người vinh quang trong Giáo hội, bởi Đức Giêsu Kitô, cho đến đời đời kiếp kiếp. (x. Ep 3, 14)

Không một sự học hỏi nào, một kiến thức nào vượt qua được sự hiểu biết đó.

Đây là sự hiểu biết tối cần, hữu ích nhất, quan trọng nhất, cách riêng đối với ai muốn làm linh mục, làm môn đồ của Ngài. Bởi vì chỉ có sự hiểu biết ấy mới làm nên các linh mục.

Mọi khoa học khác chỉ là phụ thuộc và tùy nghi.

Ai tìm được Đức Giêsu Kitô là tìm được kho báu lớn nhất

Mọi cái khác chẳng là gì hết. Trời đất sẽ qua đi. Lời Ta nói chẳng bao giờ qua.

Kẻ đó đã tìm được khôn ngoan, ánh sáng, sự sống, bình an, hoan lạc, hạnh phúc ngay tại thế và ở trên trời, nền móng vững vàng để họ xây cất lên; ơn tha thứ, ân sủng, họ đã tìm được tất cả.

Super aurum et topazion. Hơn cả vàng và hoàng ngọc (x. Tv 118)

Qui me invenerit inveniet vitam. Ai tìm được ta là tìm được sự sống (x. Cn 8, 35)

Ai tin ở Ta thì có sự sống đời đời.

Họ sẽ chẳng bao giờ đói, họ sẽ chẳng bao giờ khát.

Họ sẽ chẳng đời nào chết và cho dầu có chết họ sẽ được sống.

Thầy là đường đi, sự thật, sự sống.

Hãy đến cùng tôi, hết thảy anh em đang mệt nhọc và tôi sẽ nâng đỡ cho.

Các ông không muốn đến với tôi để có sự sống ư? Ngài nói với người Do Thái.

Ut vitam habeant et abundantium habeant. Ta đã đến, là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào (Ga 10, 10)

Kẻ ấy không còn lấy gì làm hơn Đức Giêsu Kitô

Bởi Đức Giêsu Kitô là tất cả cho họ.

Thánh Phaolô diễn tả rất đạt: những gì hồi đó trước khi tôi trở lại, là lời lãi đối với tôi, tôi coi như một điều bất lợi, vì Đức Giêsu Kitô. Còn hơn thế, tất cả đối với tôi khác nào là mất mát, so với khoa học tối cao là Giêsu Kitô, Đức Chúa của tôi. Vì tình yêu Ngài, tôi từ bỏ hết mọi sự, coi chúng như phân dơ stercora, ngõ hầu tôi được lời lãi Đức Giêsu Kitô và hiểu biết Đức Giêsu Kitô với quyền lực phục sinh của Ngài và được thông phần vào các nỗi thống khổ của Ngài, được khuôn hình theo sự chết của Ngài. (x. Pl 3, 7)

Tôi không còn muốn biết gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô và Giêsu Kitô chịu đóng đinh. (x. 1 Cr 2, 2)

Họ từ bỏ tất cả để chiếm hữu Đức Giêsu Kitô

Vì Giêsu Kitô là tất cả cho họ, và họ không còn lấy gì làm hơn Đức Giêsu Kitô.

“Về Nước Trời, thì cũng in như một kho báu giấu trong ruộng, người gặp thấy giấu đi, và bởi vui mừng, anh đi bán tất cả những gì anh có mà tậu thửa ruộng đó.” (Mt 13, 44)

“Về Nước Trời, thì cũng in như thương gia rảo tìm ngọc quí, gặp được viên ngọc trai đắt giá ông đi bán sạch mọi điều ông có mà mua lấy.” (Mt 13, 45)

Đó là điều các sứ đồ đã làm khi họ tìm được Đức Giêsu Kitô: họ bỏ hết chài lưới và mẹ cha, rồi theo Ngài. (x. Lc 5, 11)

Phêrô mới thưa: “Này chúng tôi bỏ các của riêng tư, rồi chúng tôi đã theo Thầy.” (Lc 18, 28)

Họ chỉ muốn làm hài lòng một mình Đức Giêsu Kitô

Vì Ngài là niềm vui, là hạnh phúc của họ, là Thầy họ, là Thiên Chúa họ.

Thánh Phaolô nói: Liệu bây giờ tôi ao ước điều gì, được loài người phê chuẩn hay là Thiên Chúa?

“Và đó là tội làm người ta xiêu lòng hay Thiên Chúa? Hay là tôi đi tìm cách làm đẹp lòng người ta? Giả như tôi còn cố làm đẹp lòng người ta, tôi đã không phải là nô lệ của Đức Kitô.” (Ga 1, 10)

Hiểu biết Đức Giêsu Kitô nhất thiết dẫn đến tình yêu. Và ta càng hiểu biết Đức Giêsu Kitô, hiểu vẻ đẹp, sự cao sang, phong phú của Ngài, tình yêu của ta đối với Ngài càng lớn mạnh, và ta càng tìm cách làm đẹp lòng Ngài, và ta càng loại bỏ hết khỏi ta tất cả những gì không đưa tới Đức Giêsu Kitô.

Đó là điều khiến thánh Phaolô thốt lên: nếu ai không yêu mến Chúa, thì hãy là đồ chúc dữ! Maranatha! (x. 1 Cr 16, 22); ông coi như phân rác và bùn hôi tất cả những gì đưa ta lạc xa khỏi Đức Giêsu Kitô.

Tình yêu Đức Giêsu Kitô đưa ta ra khỏi những gì không đem tới Ngài, tất cả những gì không đưa tới Ngài, ngay trong bà con ruột thịt, bạn bè, lân cận. Chúng ta không thể chịu được bất cứ sự gì không dẫn đến vinh quang và tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Và ta cũng nói như chính Đức Giêsu Kitô đã nói với Phêrô, vì ông này chẳng suy nghĩ như Thiên Chúa muốn: hãy tránh xa ta ra, hỡi Satan, ngươi nên cớ vấp phạm cho ta.

Họ không sợ làm phật lòng thiên hạ và thế gian, để làm vui lòng Đức Giêsu Kitô.

Như các thánh: thánh Phanxicô Assisi.

Họ không sợ bị coi là tên điên khùng, vì lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô

Đừng có ai tự lừa dối mình, thánh Phaolô nói với các tín hữu. Nếu ai trong anh em có vẻ là khôn ngoan theo kiểu thế gian, họ hãy trở nên điên rồ để có thể thành khôn ngoan.

Vì sự khôn ngoan của thế gian là điên rồ trước mặt Thiên Chúa, theo lời đã chép: “Chớ có tự khi: nếu trong anh em có ai nghĩ mình là khôn ngoan trên đời này, kẻ ấy hãy nên điên rồ, để được thành khôn ngoan.” (1 Cr 3, 18)

Chúng tôi điên khùng vì Đức Giêsu Kitô.

“Chúng tôi yếu đuối, còn anh em mạnh mẽ; anh em được vinh giá, còn chúng tôi bị khinh khi.” (1 Cr 4, 10)

Trong phần này, thánh Phaolô phân biệt hai loại người hoặc loại linh mục cũng thuộc về Đức Giêsu Kitô: những kẻ ăn ở có phần nào theo thế gian và những kẻ hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu Kitô.

Và Ngài nói với họ: Các ngươi thuộc bên dưới; Ta thuộc bên trên! Các ngươi thuộc về thế gian này; Ta không thuộc về thế gian này. (x. Ga 8, 23)

Và Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, và Người đã cho ta được sống lại nữa, bởi quyền năng Người. (Cr 6, 14)

Kẻ thuộc về Đức Giêsu Kitô cần phải bỏ ra ngoài tất cả cuộc sống thế gian, vinh quang thế gian. Thế gian muốn nghĩ sao thì nghĩ, tôi bất cần; thế gian coi tôi là kẻ điên, tôi bất cần; miễn tôi thuộc về Đức Giêsu Kitô. Tôi thuộc về Ngài. Tôi bước theo gót chân Ngài, qui pie volunt vivere in Christo, persecutionem patientur “Và họ sẽ phải chịu bắt bớ hết thảy những ai muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô” (2 Tm 3, 12)

Không gì có thể tách biệt họ khỏi Đức Giêsu Kitô

Thánh Phaolô, sau khi nói về những gì Đức Giêsu Kitô đã làm cho các kẻ Ngài kén chọn, ông kêu lên: ai tách biệt chúng ta khỏi tình yêu Đức Giêsu Kitô? Cho dầu sầu đau, quẫn bách, đói khát, trần trụi, hiểm nguy, bách hại, gươm giáo, như đã chép: chúng tôi bị phó cho thần chết hàng ngày vì anh em, chúng tôi bị xem như con chiên đem tới lò sát.

Nhưng giữa những tai ương đó, chúng ta vẫn chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta.

Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng hiểm nguy, gươm giáo ư? (x. Rm 8, 35)

Tất cả hạnh phúc của họ là được theo Đức Giêsu Kitô

Họ đã nghe và hiểu lời Thầy phán:

Các con hãy theo Thầy

Họ đã hiểu ra một lời khác:

Các con không có Thầy nào khác ngoài Chúa Kitô.

Ego magister, Thầy đã nói.

Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương kẻ đó, và chúng tôi sẽ đến với kẻ đó, và chúng tôi sẽ đặt nơi cư ngụ chúng tôi trong kẻ đó. Họ đã hiểu những lời khác này: Exemplum deli vobis ut quedmodum ego feci ita et vos faciatis “Ta đã nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi thế nào, các ngươi cũng làm như vậy.” (Ga 13, 15)

“Thưa Ngài, làm một với Ngài, dẫu phải đi đến tù ngục và tử hình, tôi cũng sẵn sàng.” (Lc 22, 33)

“Cả chúng ta nữa, hãy đi qua để chết với Ngài!” (Ga 11, 16)

Khi người ta thành thực yêu mến ai, tất làm sung sướng được theo người ấy, được bước theo chân người ấy. Người ta ưa thích được xem thấy kẻ ấy, được nghe kẻ ấy nói, và người ta làm tất cả để bắt chước kẻ ấy.

Học chỉ sống cho Đức Giêsu Kitô

“Vì lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng tôi, bởi được xác tín rằng: Một Đấng đã chết vì mọi người, vậy thì mọi người đều chết.” (2 Cr 5, 14)

“Anh em đã chịu lấy tự Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về mình nữa.” (1 Cr 6, 19)

“Vì không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống, dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa. Vì chưng Đức Giêsu đã chết, và đã sống, ấy là để làm Chúa kẻ chết và người sống.” (Rm 14,7-9)

Giêsu Kitô là sự sống của họ

Mihi vivere Christus est. Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô. (x. Pl 1, 21)

Tôi sống nhưng không phải tôi mà chính Đức Kitô sống trong tôi. (x. Ga 2, 20)

Đức Giêsu Kitô phải là sự sống của chúng ta, nghĩa là Giêsu Kitô phải là tư duy quen thuộc và thường xuyên của ta, tất cả ước vọng của ta, tâm tình trìu mến của ta đều đưa về Ngài, suốt ngày đêm.

Người mẹ sống vì con cái mình,

Vợ sống vì chồng,

Chồng sống vì vợ,

bạn sống vì bạn,

tên hà tiện sống vì túi bạc mình,

người lái buôn sống vì công việc buôn bán.

Đó là sự sống của mỗi kẻ đó, họ đặt sự sống họ trong những gì họ tìm kiếm, trong những cái họ yêu thích và khi bị tách lìa khỏi cái đó, họ khóc lóc, họ hao gầy, họ rên xiết, cho đến khi họ được hiệp vầy với các điều họ yêu thích.

Với chúng ta, sự sống chúng ta là Đức Giêsu Kitô.

Trong chiếc đồng hồ, có giây thiều làm di chuyển tất cả các bánh xe và chỉ giờ.

Đức Giêsu Kitô phải là sợi giây thiều vô hình đó trong chúng ta, ẩn kín, và khiến ta luôn luôn chỉ về Đức Giêsu Kitô.

Kho tàng chúng ta ở đâu thì ở đó có trái tim ta. Khi Đức Giêsu Kitô là kho tàng của ta, thì lòng ta, trí ta đều luôn luôn hằng ở với Ngài.

Mihi vivere Christus est.

Cupio dissolvi et esse cum Christo “Tôi ước mong thoát ly và được ở cùng Đức Kitô.” (Pl 1, 23)

Họ không có suy nghĩ nào khác, không có việc làm nào khác ngoài Giêsu Kitô. Giêsu Kitô chiếm hết cả tư tưởng của họ.

Tất cả những điều đó tốt đẹp lắm, nhưng liệu mọi người có hiểu được chăng?

Non omnes capiunt verbum illud quibus datum est “Không phải mọi người đều hiểu được lời này, nhưng chỉ những ai điều ấy được ban cho.” (Mt 19, 11)

Quis potest capere capiat “Ai hiểu nổi thì hãy lo hiểu lấy!” (Mt 19, 12)

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mc 4, 23)

Verbum velatum “Điều đó bị bưng kín lại đối với họ” (Lc 18, 34)

Khi Đức Giêsu Kitô nói về cuộc tử nạn của Ngài cho các sứ đồ, các lời Ngài nói đều là: verbum valatum Đức Trinh Nữ và thánh Giuse cũng không hiểu những gì Chúa Giêsu nói với họ ngay lúc Ngài nói, et ipsi non intellexerunt quod locutus est ad eos. (x. Lc 2, 50)

Phải có ơn riêng của Thiên Chúa mới hiểu được

Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo họ.” (Ga 6, 44)

“Quả thế ai trong loài người biết được những điều có trong người ta, nếu không phải là thần trí nhân loại trong kẻ ấy? Cũng vậy, những điều có trong Thiên Chúa, không ai biết được, trừ phi là Thần Khí của Thiên Chúa.” (1 Cr 2, 11)

“Không phải là tự mình chúng tôi có sức cáng đáng nổi, hầu dám kể một điều gì như của mình, nhưng sức cáng đáng của chúng tôi là do tự Thiên Chúa.” (2 Cr 3, 5)

Phải có Thánh Thần ban cho chúng ta hiểu được ý nghĩa các sự vật thiêng liêng và thần linh, và bày tỏ cho ta Đức Giêsu Kitô, ban cho ta con mắt để nhìn, lỗ tai để nghe và nhất là tấm lòng để cảm thông, và lôi kéo ta đến với Ngài. Và nếu ta linh cảm được hoặc hiểu được điều gì, nên biết rằng mọi tình cảm tốt lành, mọi ý nghĩ tốt đẹp về đức tin và tình yêu đều do chính Thiên Chúa mà đến. Ta hãy lo cám ơn Người.

Đó là điều Chúa Kitô cho Phêrô hiểu khi Phêrô tuyên xưng đức tin vào Giêsu Kitô mà nói: Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đáp lại Đức Giêsu nói với ông: “Simon, Baryôna, ngươi có phúc: Vì không phải thịt, máu, đã mạc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời!” (Mt 16, 17)

Thánh Phaolô nói Ego plantavi, Apollo rigavit sed Deus incrementun dat. Neque qui plantat est aliquid, neque qui rigat, sed qui incrementum dat Deus “Tôi đã trồng, Apollo đã tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho cây mọc lên.” (1 Cr 3, 6)

Như vậy, chúng ta có làm nhiều nói mấy, nếu Thiên Chúa không cho kết sinh hoa trái trong điều chúng ta nói hay làm, thì tất cả chẳng được lợi ích gì cả. Tuy nhiên, nếu có vài cây héo đi, tất cả bình thường không có như vậy, và không phải bao giờ và cây nào cũng thế cả, khiến người làm vườn phải uổng công phí sức. Ta hãy hy vọng là về phần chúng ta cũng thế.

Cần phải dùng sức mạnh với mình, cầu nguyện, xin ơn, đền tội.

“Nước Thiên Chúa được loan báo, và mọi người sấn xả đi vào.” (Lc 16, 16)

Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và những kẻ cường bạo chiếm đoạt lấy.” (x. Mt 11, 12)

Ta có cảm thấy ân sủng đó đang nhen nhúm trong ta chăng?

Nghĩa là, bạn có cảm thấy một sức thu hút bên trong thúc đẩy bạn đi gặp Đức Giêsu Kitô chăng?

Một cảm giác bên trong gồm lòng hâm mộ đối với Đức Giêsu Kitô, cảm thấy vẻ đẹp của Ngài, sự cao sang, lòng nhân hậu vô biên của Ngài khiến Ngài đi đến với chúng ta. Một cảm tình làm ta xúc động, và thúc đẩy ta hiến mình cho Ngài.

Một hơi thở thần linh từ trên cao xuống, ex alto, thúc đẩy ta, một đóm sáng siêu nhiên soi rọi ta và cho ta thấy chút gì của Đức Giêsu Kitô và vẻ đẹp vô biên của Ngài.

Nếu ta cảm thấy trong ta hơi thở thần linh đó, nếu ta nhận ra một tia sáng nhỏ, nếu ta cảm thấy bị thu hút dầu là chút ít bởi Đức Giêsu Kitô, à! Ta hãy giữ lấy sự thu hút đó, hãy làm cho nó mọc lên bằng cầu nguyện, nguyện ngắm, học hỏi, để nó lớn mạnh và trổ sinh hoa trái.

Và hãy kêu lên với người hôn thê sách Nhã ca:

Trahe me post te, curremus in odorem unguentorum tuorum “Vâng tốt thay hương dầu thơm đã xức nơi chàng. Tên của chàng tươi mát mùi dầu, bởi thế, các nương tử mê mệt vì chàng” (Nc 1, 3) [10]

[2] Tr. 169-175

[3] “Thánh Gioan Thập giá, tác phẩm thiêng liêng”, Paris, Ed. du Seuil, 1947, tr. 635-645

[4] “Thánh Ignace de Loyola, Linh thao”, Paris, Ed. de L’Orante, 1956, tr. 83-84

[5] Tr. 176-179

[6] Tr. 179-191

[7] Tr. 338, lời chú thích

[8] Tr. 180

[9] Xem Hiến chế Giáo hội “Lumen Gentium”, số 44, 46

[10] Ms XI 2

Bạn có muốn thuộc về Đức Giêsu Kitô không?

Bạn có cảm thấy ước muốn được thuộc về Đức Giêsu Kitô không?

Bạn muốn thuộc về ai nếu không thuộc về Đức Giêsu Kitô?

Hãy lắng nghe tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô?

Hãy nghe các lời hứa của Ngài.