Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2630 | Cập nhật lần cuối: 5/25/2016 6:06:51 PM | RSS

(tiếp theo)

Nếu ta có ân sủng ấy, ta cũng phải cảm thấy tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô trong ta

Hãy đến. Theo Thầy

Thầy là sự khôn ngoan. Thầy là Thầy của con. Ego magister Thầy là đường đi, sự thật, sự sống.

Hãy theo Thầy, Thầy là ánh sáng thế gian. Kẻ theo Thầy sẽ không bước đi trong tăm tối.

Thầy là đường đi, sự thật, sự sống.

Thầy đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy ước ao chi, nếu không phải nó cháy lên.

Vinh quang của Cha Thầy là chúng con trở nên các môn đồ của Thầy, và chúng con sinh hoa kết trái dồi dào.

Môn đồ không trọng hơn Thầy; chỉ cần môn đồ giống như Thầy mình là đủ.

Thầy đã làm gương cho chúng con để như Thầy đã làm, chính chúng con cũng làm như vậy.

Nolite timere, ego sum “Hãy vững lòng! Chính là Ta! Đừng sợ!” (x. Mt 14, 27)

Venite ad me omnes, jugum meum suave est et onus meum leve “Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao… ách Ta thì êm ái, và gánh Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-29)

Ngài gọi chúng ta làm gì?

Để nên trọn lành.

Có ba loại Kitô hữu trong thế giới, những kẻ tốt, những kẻ xấu và những kẻ trọn lành.

Cũng có loại linh mục trong Giáo hội, những người tốt, những người xấu và những người trọn lành.

Những linh mục tốt là những kẻ làm tròn nghĩa vụ linh mục, tuân theo luật Giáo hội, làm lễ, đọc Nhật tụng, giảng dạy khi đến lúc giảng dạy, tránh xa tội trọng, gương mù, làm việc lành nếu gặp việc; tắt một lời, không có gì phải phàn nàn về cách ăn ở của họ, họ cũng là những con người đức hạnh nữa.

Các linh mục xấu là những kẻ sống trong tội lỗi, coi thường việc bổn phận, lơ là các trách nhiệm về thánh vụ, và thường làm gương xấu cho Giáo hội quá nhiều, khốn nạn thế đấy. Có những linh mục làm gương mù xấu xa công khai, gây ô nhục cho Giáo hội. Có những kẻ ăn ở xấu xa nhưng lén lút, sống trong tội lỗi mà thiên hạ không biết, họ cũng làm hại nhiều cho các linh hồn bằng sự buông tuồng của họ, chẳng cầu nguyện. Chẳng sống thiêng liêng gì cả. Những linh mục trọn lành, hay đúng hơn, những kẻ cố gắng theo đuổi sự trọn lành, hằng tìm theo chân Đức Chúa chúng ta, theo sát nút, có lòng mong ước được làm việc cho sáng danh Đức Giêsu Kitô, hằng cảm thấy tình yêu của Ngài ở trong họ và mong mỏi bắt chước lòng nhiệt thành với các linh hồn, trong sự đau khổ, trong thập giá, như Ngài chứng tỏ.

Có sự khác biệt lớn giữa các linh mục tốt và các linh mục tìm sống trọn lành; những kẻ tốt thì duy trì tình trạng tốt ấy nhưng không cố gắng theo chân Đức Chúa, đi sát Ngài, bắt chước Ngài một cách nghiêm túc; họ từ chối không muốn sống nghèo khó, tận tụy và hy sinh; họ vẫn còn lo đến con người của họ và chưa muốn sống quá ư đối chọi với thế gian, với các sở thích của những anh em đồng nghiệp khác. Còn kẻ tìm kiếm sự trọn lành thì chỉ biết có Đức Giêsu Kitô, yêu mến Đức Giêsu Kitô, và đặt Đức Giêsu Kitô lên trên hết mọi sự. Họ yêu mến và bắt chước thật trung kiên chừng nào hay chừng nấy Đấng mình yêu mến.

Đức Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta tới sự trọn lành ấy chứ không chỉ có ăn ở nguyên cho tốt, là cách thức của số lớn người ta.

Sự trọn lành là bậc sống của một số ít. Chỉ có một số nhỏ thôi, theo con đường ấy.

Tuy nhiên một linh mục thánh thiện làm ích hơn một trăm linh mục chỉ có sống tốt.

Một linh mục thánh thiện làm vinh quang Thiên Chúa hơn một trăm kẻ khác và làm cho nhiều linh hồn trở lại hơn một trăm kẻ khác gộp lại để cứu các linh hồn. [1]

Ấy vậy Đức Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta tới sự trọn lành, và trở nên những môn đồ đích thật.

Các ân sủng đặc biệt mà chúng ta đã lãnh nhận là bằng chứng tỏ tường cho ta về việc ấy. Ơn ưu tuyển. Ơn gọi đặc sắc. Những lo toan riêng biệt của Chúa. Quan phòng, phần hồn phần xác, tất cả đều thúc giục chúng ta theo chân Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống trọn lành của Ngài.

Vả chăng đó là mục đích của chúng ta, và tôi không xin gì hơn là anh em đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa chúng ta và của chúng tôi.

Nếu anh em nghe tiếng Ngài

Chớ có chai đá cứng lòng. Chớ có bịt tai khi Ngài phán dạy.

Ta hãy vui mừng đáp lại tiếng Ngài

Ecce adsun (Này con đây 1 Sm 3, 4) Ego tuus sum (Con thuộc về Ngài. (x. Tv 118, 94). Ecce ego (Chính là ta x. Ga 6, 20)

Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tá Chúa đang nghe.

Lạy Chúa, con sẽ đến với ai? Chúa có lời ban sự sống đời đời.

Chúa là ánh sáng con, Chúa là đường con đi, là sự sống con, sự khôn ngoan và tình yêu của con.

Lạy Chúa, con sẽ theo Chúa, bất cứ nơi nào Chúa đi.

Con sẵn sàng chết với Chúa, con sẽ hiến mạng sống con cho Chúa, con sẽ vào tù, sẽ chịu chết.

Chúa là vua con, là thủ lãnh của con và là thầy con.

Lạy Chúa, nếu Chúa cần một kẻ nghèo hèn, này con đây!

Nếu Chúa cần một tên điên dại, này con đây!

Ôi Giêsu, này con đây để làm theo ý Chúa; con thuộc về Chúa! Ego tuus sum!

Ta hãy nghe lời nhắn nhủ Đức Giêsu Kitô ban cho ta, Ngài bảo hãy nghe lời Ngài và trở nên môn đồ đích thực của Ngài

“Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời” (Mt 18, 3)

“Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào trong đó” (Mc 10, 15)

Thuở ấu, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết chí của Cha!” (Mt 11, 25)

“Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những người như thế” (Mc 10, 14)

“Nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời” (Mt 18, 3)

Giải thích các lời trên đây

Cần phải đón nhận Nước Thiên Chúa, nghĩa là lời Đức Giêsu Kitô, lời đến để thiết lập trong chúng ta Nước Thiên Chúa, tiếp nhận lời ấy như một em nhỏ tiếp nhận lời của thầy giáo, chú ý nghe, vâng phục, kính trọng và yêu mến.

Chú ý tìm hiểu tất cả những gì Ngài nói với chúng ta, thấu hiểu, lĩnh hội lời ấy.

Vâng phục, không tranh cãi, theo ý Ngài nói. Chúng ta không tranh cãi với các thầy giáo dạy chúng ta, họ có phận sự dạy ta. Ta có phận sự nghe và lĩnh nhận.

Vâng phục như con trẻ, đó là thái độ mà Đức Chúa chúng ta nhắn nhủ, cách riêng trong việc nghe lời Ngài.

Việc gì chúng ta phải tranh cãi với Đức Giêsu Kitô, vị Thầy thần linh? Hoặc bạn muốn nên trọn lành, hoặc không muốn. Nếu không muốn thì cứ đơn sơ nói thẳng: tôi không muốn theo con đường ấy, tôi muốn đi con đường thấp hơn, và thế là xong.

Còn nếu bạn muốn nên trọn lành, hãy tiếp nhận lời thần linh của Ngài; đừng làm như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng, khi Đức Giêsu Kitô hỏi anh ta: nếu anh muốn nên trọn lành, hãy đi, bán tất cả những gì anh có, đem bố thí cho kẻ khó; và anh chàng đã tranh cãi trong lòng mình, không chịu tiếp nhận lời.

Sự vâng phục của trí khôn đối với lời Đức Giêsu Kitô là tuyệt đối cần thiết để vào Nước Trời, nơi chỉ các linh hồn đặc tuyển của vị Thầy nhân hậu mới vào được. [2]

Lắng nghe như một đứa trẻ.

Đứa trẻ đi vào lớp để học chứ không phải để bàn cãi. Nó tìm hiểu những gì người ta nói với nó.

Nó không đến đó lý luận, song để tiếp thu.

Nếu không hiểu, nó sẽ hỏi, không phải để tranh cãi, mà học cho biết và tiếp thu.

Ta phải nói gì về một đứa trẻ, một người dốt nát, đòi tranh cãi với nhà thiên văn, hay nhà địa lý về vị trí các ngôi sao, hoặc về một nơi nào trên trái đất, khi nhà bác học bảo: sự kiện là như thế?

Chúng ta với Đức Giêsu Kitô cũng vậy, ta không thể tranh cãi với Ngài về những gì Ngài dạy bảo ta.

Đứa trẻ lãnh nhận, tiếp thu lời thầy giáo; lời đó vào trong lòng nó như ngón tay in dấu trong cục nến sáp còn nóng. Nó lãnh nhận lời.

Đang khi những kẻ không phải trẻ con cứ thích tranh cãi, lý luận, nghe lời song không tiếp nhận lời.

Lời đó giống như hòn đá, nó bật lên và trở về nơi xuất phát. [3]

Có những bộ óc chi ly, hẹp hòi, thích cãi bướng, bắt bẻ, chỗ nào cũng thấy những trở ngại và cái gì cũng lý luận, chẳng chịu nhận điều chi không vừa ý mình, không lọt trí khôn mình. [4]

Có gì trái ngược với trí khôn của Thiên Chúa hơn điều đó, trái ngược với tư cách trẻ nhỏ mà Đức Chúa chúng ta đòi hỏi cho được vào Nước của Ngài.

Ai thuộc về Thiên Chúa thì nghe lời tôi. Các ông không nghe lời tôi là các ông không thuộc về Thiên Chúa, Đức Chúa nói với người Do Thái như vậy.

Họ không lắng nghe lời Thiên Chúa, họ không đón nhận lời đó, họ chỉ cốt nghe để mà tranh biện và cãi lẽ về lời đó thậm chí còn tìm cách rình rập Ngài hầu tố giác và kết án Ngài.

Con trẻ chưa có dục vọng, chúng chưa có thái độ chống lại lời Thiên Chúa trong tâm hồn non trẻ của chúng, đơn giản là chúng đón nhận nó mà không chống đối gì cả.

Không có gì đi ngược lại sự vâng phục của trí khôn cho bằng các dục vọng nhỏ nhen của chúng ta. [5]

Lời Thiên Chúa cao siêu quá, tinh khiết quá, thiên thượng quá, vượt trên chúng ta biết chừng nào, cho nên khi ta nghe lời ấy, hàng trăm ngàn dục vọng nhỏ nhen của ta trỗi dậy, nổi lên chống báng, vì chúng đi ngược hẳn lời Chúa, lời chỉ chực kết án chúng và tiêu diệt chúng.

Lòng ta và trí ta kêu lên.

Ta lười biếng, ta bần tiện, ta cẩu thả, ta ham thích được sung sướng, được dễ chịu, ta kiêu căng, ta kiếm tìm cái tôi, kiếm tìm sự thỏa mãn tất cả những sự đó đồng lòng nổi dậy chống lại lời thần linh Chúa, xem lời ấy là quá khích, toàn những điều không tài nào thực hiện nổi, và Tin Mừng chỉ là sự điên rồ, không thể đem ra thực hành. Và khi ấy, người ta bảo người ta không muốn cái gì quá khích, cần phải có sự thận trọng tối thiểu, và Tin Mừng chỉ có thể thích hợp với một số rất ít người, ví dụ các vị thánh, nó quá khó, không thể làm nổi. [6]

Khi ấy, ta sẽ nghe với thái độ dè dặt, thận trọng; và viện cớ là phải khôn ngoan, người ta bỏ qua Tin Mừng, hầu nghe theo lý trí nhỏ bé của mình.

Điều này ta thường quan sát thấy hàng ngày trong vấn đề khó nghèo, đền tội, hy sinh, tận tụy, những nhân đức thực sự có giá trị Tin Mừng.

Chúa Thánh Thần có nói đâu đó, là Ngài đứng ở cửa và gõ; Ngài còn phán hơn thế nữa: Ngài bảo Ngài đẩy cửa vào, ecce sto ad ostium et pulso.

Lòng ta cũng giống như cánh cửa mà thầy (chí thánh) gõ để tìm vào.

Một cái cửa có nhiều thế đóng. Khi ai đến gõ cửa, người ta ra xem và mở.

Người ta có thể cứ đóng mà không cho ai vào.

Người ta có thể mở hé thôi và để cửa cho họ đến, sau cùng người ta có thể mở thật rộng, cho những ai gõ cửa cứ việc vào.

Đó cũng là cách chúng ta khả dĩ cư xử với Đức Giêsu Kitô, Thầy của mình, đứng trước cánh cửa lòng mình, khi Ngài tìm vào.

Kẻ không mở cửa là kẻ từ chối không để cho Thầy vào; hoàn toàn từ chối không chịu đón tiếp Thầy và theo Thầy, vì họ ưng theo thế gian.

Kẻ chỉ mở hé là kẻ nghe, nhưng không để cho Thầy vào hẳn nhà mình họ còn là chủ cánh cửa, họ còn là chủ ngôi nhà, họ không muốn tiếp đón ai, họ muốn còn làm chủ nhà mình và lòng mình.

Họ có nghe thật đó, nhưng họ chỉ nghe những gì mình muốn, làm những gì mình muốn khi đã nghe, lấy điều gì ở đó hợp cho mình, và bỏ lại những cái mình không ưa.

Họ tiếp đón Thầy cách dè dặt, khôn khéo, và họ nghe lý lẽ của họ, nghe các dục vọng cỏn con của họ, chúng mới là thầy họ, còn người thầy đích thật, Ngài muốn vào đấy nhưng họ không tin tưởng, họ sợ, họ chỉ mở hé một nửa lòng họ.

Và Thầy không vào được để cai quản như Thầy phải làm. [7]

Kẻ sau chót, thì mở cửa thênh thang và để cho người Thầy vừa gõ cửa, cứ việc vào nhà mình.

Họ lấy làm sung sướng tiếp đón Thầy, và dành cho Thầy một chỗ danh giá nhất; họ nghe thầy, lòng đầy hạnh phúc; và họ chỉ có một ước mơ, là hiểu được những gì Thầy nói và đem ra thực hành.

Họ không tranh cãi, mà tìm xem có thể thực hành như thế nào điều mình nghe.

Họ hình dung đang ngồi dưới chân Thầy mình, như Maria; và chẳng muốn để cho lý trí, hoặc dục vọng, nổi dậy cản ngăn mình. Thầy đang nói, họ chẳng còn nghĩ gì, chẳng còn mơ ước gì khác hơn là hiểu được điều đang nghe và đem ra thực hành, lấy đó nuôi sống linh hồn.

Chỉ có tình yêu đang điều khiển mình, chẳng còn gì khác nữa.

Họ muốn vào nước trời, đó là cả ước nguyện của họ.

Họ đạp dưới chân tất cả những gì lý trí và dục vọng định lên tiếng.

Họ chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô là Thầy, và chỉ muốn theo duy mình Ngài.

Là tâm hồn vâng phục và quảng đại, họ không nói: điều ấy khó, điều ấy không làm được, điều ấy trái với sự khôn ngoan, trái với cách làm, không có điều nào đáng trong hết các điều ấy. Thầy đã lên tiếng, Thầy đã nói, như vậy đủ rồi.

Những bức gương đơn sơ

Giakêu trèo lên cây xem Đức Giêsu Kitô; vị Thầy: Ông, tuy nhà giàu và có thể nói: tôi làm gì thế này? Giống như đứa trẻ con trèo cây để xem một người đi qua ư! Không, ông không nghĩ vậy, ông muốn xem Đức Giêsu Kitô, Thầy mình: ông chẳng để ý đến lời thiên hạ bình phẩm.

Những người chăn chiên đến xem máng cỏ vì nghe thiên thần nói.

Các nhà đạo sĩ bỏ xứ sở, làm một cuộc hành trình xa xôi, vô định, để tới xem một em nhỏ sơ sinh.

Thánh Mađalêna đến nhà ông Simông biệt phái vì có Chúa Giêsu dùng bữa ăn ở đó. Bà đến xin tha tội lỗi đã phạm.

Thánh Antôn không lý luận gì cả, khi vừa nghe trong một nhà thờ lời Tin Mừng này: Nếu con muốn nên trọn lành, hãy đi, bán hết những gì mình có, và đem cho kẻ khó, con sẽ có một kho tàng lớn lao trên trời. Ông đi, bán những gì ông có, đem cho một kẻ nghèo, rồi lánh mình vào trong rừng vắng.

Thánh Phanxicô khó khăn cũng nghe những lời này của Đức Giêsu Kitô trong một nhà thờ; chúng con đừng đem vàng, bạc, giày dép, quần áo mặc thay đổi. Ông áp dụng ngay cho mình, từ bỏ hết để trở thành kẻ nghèo thật sự trên trần ai của Đức Giêsu Kitô.

Đó là đơn sơ như con trẻ mà Đức Chúa chúng ta đòi hỏi ở các môn đồ đích thực của Ngài.

Nếu cứ theo lý luận, thì tất cả các thánh đã đi theo con đường Tin Mừng, sẽ cư xử làm sao trước khi bước vào con đường siêu việt, trọn lành, khó khăn theo bản tính tự nhiên như thế; và nếu các lý lẽ trên hấp dẫn các vị, chắc các vị đã chẳng bao giờ làm thánh.

Vậy Đức Chúa chúng ta có lý khi Ngài bảo: nếu các con không trở nên trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng vào được Nước Trời. Đó có nghĩa: nếu các con ăn ở theo lý lẽ loài người, nếu các con tham khảo lý trí đã, hoặc thế gian, tư tưởng của mình, dục vọng mình, các con sẽ chẳng bao giờ nghe theo lời Thầy, và đem nó ra thực hành. Bởi vì lời Thầy từ trời mà đến, còn lý luận các con từ dưới mà lên. Ngài nói: Tôi từ trên cao, các ông từ bên dưới.

Nếu quả Ngài từ trên cao, bạn hãy đơn sơ để Ngài hướng dẫn bạn. Bạn chớ tìm cách đặt mình ngang tầm với Ngài, vì Ngài ở trên chúng ta. Bạn chớ hạ thấp giáo lý của Ngài bằng các lý luận cỏn con của mình.

Lý luận giết chết Tin Mừng và tước lột khỏi tâm hồn ta chí khí vươn tới, nó thúc đẩy ta theo chân Đức Giêsu Kitô và bắt chước Ngài trong vẻ đẹp của Tin Mừng Ngài.

Các thánh không lý luận nhiều.

Bởi có quá nhiều lý luận gia cho nên mới ít vị thánh!

Ta đừng sợ, nolite timere, Thầy đây mà.

Và khi phải bước chân đi trên biển như Phêrô phải chăng ta cứ bước đến với Đức Giêsu, giả sử Ngài nói với ta như với Phêrô: Hãy đến

Vậy, theo trí tưởng, ta hãy đến ngồi dưới chân Đức Giêsu Kitô,

như những trẻ nhỏ ngồi dưới chân thầy giáo mình

với lòng ao ước chân thành được nghe lời Ngài,

và được đem ra thực hành.

Còn phải có một nghị lực ý chí lớn

Regum Dei vim patitur et violenti rapiunt illud “Nước trời ở dưới sức cường bạo, và những kẻ cường bạo chiếm đoạt lấy.” (Mt 11, 12)

Không nên có những con người mềm yếu, giống như đàn bà.

(còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 179-192

------------------------------------------

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

[1] Ms X 739-740

Với linh mục cũng như với người tín hữu, có hai con đường đi về trời, tới gặp Thiên Chúa, và chu toàn sứ mạng đã được giao cho họ: con đường các giới luật và con đường các lời khuyên.

Theo đường thứ nhất đủ để về trời. Đó là con đường của đa số; người ta chỉ bắt buộc đi theo con đường này; và như thế đủ để được cứu rỗi.

Song cho những kẻ được Thiên Chúa ban ánh sáng và ân sủng, họ phải theo con đường thứ hai.

Con đường các lời khuyên là đường của tình yêu đích thật; nó làm vinh danh Thiên Chúa trên cõi thế này hơn, nó mưu phần rỗi cho các linh hồn: nó lôi kéo nhiều ân sủng xuống cho địa cầu và cho Giáo hội và bảo đảm cho chúng ta ơn cứu độ.

Chính con đường này đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu Kitô, gần sát hơn, khiến chúng ta khuôn mình theo Ngài, theo cuộc sống của Ngài, tìm cách họa lại cuộc đời Ngài trong cuộc đời chúng ta, và làm cho ta không còn ước mong gì hơn là tìm cách bắt chước Ngài trọn vẹn được chừng nào hay chừng ấy.

Các tu sĩ tuân theo lời khuyên Tin Mừng, thì tại sao các linh mục triều lại không tuân giữ được? Phải chăng sự trọn lành không dành cho họ cũng như dành cho các tu sĩ?

Trong thánh vụ, phải chăng các linh mục không cần đi sát với Đức Giêsu Kitô như các vị kia? Thậm chí còn hơn họ nữa, vì ta sống giữa thế gian và có bổn phận phải mang theo hương thơm của Đức Giêsu Kitô và trở nên ánh sáng sống động chói chang giữa loài người đó sao? Các tu sĩ sống trong các tu viện, còn người linh mục có nhiệm vụ phải sống giữa loài người. Họ còn phải hơn các tu sĩ, phải nên thánh hơn và nên trọn lành hơn những kẻ ấy; họ được kêu gọi để làm ích nhiều hơn, bởi họ nhất thiết phải giao dịch với các tín hữu.

Chúng ta phải vượt lên trên các tu sĩ bằng thứ ánh sáng đó, là vầng hào quang và thánh thiện chói lọi trong các linh mục thi hành sứ vụ. Tuy nhiên những kẻ Thiên Chúa ban ơn để theo chân Đức Giêsu Kitô thi hành các lời khuyên, không được khinh chê những kẻ chỉ tuân hành các giới luật.

Ai nấy phải trả lẽ cho Thiên Chúa về các ơn họ đã lãnh nhận. Ta không được vênh vang về bất cứ điều gì, và đề phòng đừng có lời nào tổn thương tới đức bác ái đối với tha nhân; ta hãy sử dụng ân sủng Thiên Chúa cho có lợi và đừng phê phán một ai.

[2] Ms XI 42;81-82

Chính Lời Thiên Chúa phán dạy ta. Thiên Chúa nói với ta qua Con của Người (42)

Ta phải đón nhận Lời Thiên Chúa với lòng đơn sơ với quyền năng thần linh dành riêng cho lời, và bỏ ra bên ngoài những lý luận loài người, chúng chỉ là kết quả sự kiêu ngạo hay dục vọng bên trong của chúng ta, khiến ta không muốn chấp nhận một giáo lý quá thuần khiết, thuộc thiên giới. Không nên đến với chủ tâm lý luận, tranh cãi, hay hết thảy cái gì kiểu như vậy: Thiên Chúa đã nói là phải làm. (81-82)

[3] Ms XI 172

Ta hãy tiếp nhận lời như một đứa trẻ con đón nhận lời thầy giáo nó dạy bảo. Nó rõ biết thầy nó biết hơn nhiều gấp nó mấy lần, biết điều thầy dạy là đúng, và nó cần tiếp thu y theo lời dạy.

Đứa trẻ không hiểu thì hỏi han để hiểu, để biết ý nghĩa, nhưng không phải để cãi lại, để lý lẽ này kia.

Ta phải tôn bính quyền của lời, quyền kính của người thầy.

[4] Ms XI 81

Một tì vết nhỏ, một con ruồi, một màng nhện, một vết nhơ cỏn con làm cho họ băn khoăn hơn tất cả những gì còn lại, họ sẽ thây kệ vẻ đẹp, sự cao sang, lợi ích để chỉ suy nghĩ về một sai sót nhỏ, chẳng đáng gì, làm họ khó chịu, khiến họ đánh mất hoa trái của một lời dạy dỗ hay những tấm gương tốt.

[5] Ms XI 82

Ôi, muốn hiểu biết Đức Giêsu Kitô, ta cần phải khống chế tiếng nói các dục vọng chúng ta biết chừng nào! Ngài tốt đẹp, Ngài cao siêu, Ngài tinh khiết đến độ các lời nói của Ngài không thể nhập vào một trái tim có vấn vương chút dục vọng.

[6] Ms XI 173

Những gì không thể đối với loài người lại có thể đối với Thiên Chúa [câu này kết thúc một đoạn song hành]

[7] Ms XI 173

Chúng ta chẳng bao giờ đi quá đâu.

Tại sao bạn sợ? Bạn sợ đói khát chăng?

Sợ bách hại, bị khinh chê, xua đuổi chăng?

Đó là cái gì?

Ai yêu mến Đức Giêsu Kitô, còn có thể sợ bất cứ điều gì chứ?