Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4211 | Cập nhật lần cuối: 4/18/2016 12:38:56 AM | RSS

Mở đầu [1]

Trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô thường nhắc các môn đệ của Ngài.

Ngài chọn các môn đệ, nói chuyện với các môn đệ, dạy dỗ họ riêng hẳn, Ngài ban hành những luật riêng cho họ. Tắt một lời, đó là sự tuyển lựa đặc biệt những kẻ thuộc về Ngài, và cùng đi với Ngài.

Nói chung thế nào một một đồ?

Một môn đệ, nói chung là kẻ đã nhận một ai khác đó làm thầy, theo thầy, đặt tin tưởng vào thầy, chấp nhận giáo thuyết của thầy và đem ra thực hành.

Thế nào là một môn đồ của Đức Giêsu Kitô?

Một môn đệ của Đức Giêsu Kitô cũng là kẻ nhận Giêsu Kitô làm thầy mình; đi theo thầy, đặt tất cả tin tưởng nơi thầy, lắng nghe giáo lý của thầy và đem ra thực hành, và chỉ có một mong muốn là phụng sự thầy, yêu mến thầy, và làm tất cả những gì thầy đã chỉ dạy. [2]

Phải làm gì để trở nên một môn đồ đích thực của Đức Giêsu Kitô?

Muốn trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô trước tiên phải tìm hiểu Ngài, biết Ngài là ai.

Việc hiểu biết Ngài sẽ giúp chúng ta hiến thân cho Ngài; và càng hiểu biết Ngài, ta càng gắn bó với Ngài, càng yêu mến giáo lý của Ngài, càng ước ao đi theo Ngài, và thực hành tất cả những gì Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta. Vậy công việc đầu tiên của chúng ta là hiểu biết Đức Giêsu Kitô để sau đó có thể thuộc trọn về Ngài.

Phần một: Hiểu biết Đức Giêsu Kitô

I. Chúa Ba Ngôi

Ngay từ những chữ đầu, Cha Chevrier đã làm cho ta ngạc nhiên khi đề cập ngay đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cha dựa vào nền thần học cổ điển Tây phương. Theo chân thánh Augustin và Thomas d’Aquin, khoa thần học cổ điển xem việc chúng ta sử dụng các quan năng tri thức giống như những gì xảy ra trong đời sống nội tại của Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh đã hướng dẫn ta theo con đường đó khi gọi Chúa Giêsu là Verbum, Lời.

Cha Chevrier không khéo léo mấy khi trình bày khoa thần học. Có thể vị giáo sư của cha cũng đã vụng về khi dạy thần học cho các chủng sinh.

Nhưng điểm quan trọng không nằm ở đó. Nên lưu ý, thuật ngữ “trong Thiên Chúa” lặp lui lặp tới nhiều lần. Và đây là câu cuối: Giờ đây chúng ta có thể nói thế nào là Chúa Giêsu Kitô”. Cha Chevrier đã có nhận xét đúng: hiểu biết Chúa Giêsu Kitô đấng Cha sai, gắn liền với hiểu biết vị Thiên Chúa duy nhất chân thật. [3]

Khái niệm tiên khởi về sự hữu của Ba Ngôi trong Thiên Chúa

Ta nên biết Thiên Chúa cũng giống chúng ta, [4] vì ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: Trong Người có sự hữu, tư duy, tình yêu; ba điều này hoàn toàn thiết yếu để làm thành một hữu thể có trí tuệ, và hoàn hảo. Vì nếu có điều gì khiếm khuyết nơi Thiên Chúa, Người sẽ không còn vô biên và hoàn hảo nữa; tư duy đến từ Thiên Chúa, xuất từ Thiên Chúa là nguyên lý, phải hoàn hảo như chính Thiên Chúa, và kết tinh thành Ngôi vị khác biệt với nguyên lý đã sinh ra mình.

Cũng như tôi, tôi cảm thấy tư duy của tôi là bởi tôi, nó xuất tự tôi, do tôi mà ra, nó là cái gì của tôi. Tuy nhiên, nó vẫn khác hữu thể đã sản sinh ra nó trong tôi, và cũng khác với tình yêu đi theo nó.

Trong Thiên Chúa, tư duy đó tên gọi Lời (Verbe), và là Lời nội tại bao lâu chưa được phát ra ngoài. Lời là cái gì đó của Thiên Chúa, xuất ra từ Thiên Chúa, ở trạng thái hoàn bị, là Ngôi Hai trong Thiên Chúa. Thiên Chúa sinh ra tư duy của mình gọi là Lời Thần linh.

Ngôi Hai trong Thiên Chúa chính là tư duy thần linh của Thiên Chúa, tư duy vĩnh cửu, bất biến trong Thiên Chúa. Ngôi Hai cũng vĩnh hằng như chính Thiên Chúa, vì Thiên Chúa hằng suy tư đời đời, Người không thể hiện hữu mà không có tư duy. Tư duy của Thiên Chúa cũng thiết yếu đối với Thiên Chúa như chính Thiên Chúa vậy.

Do đó nơi Thiên Chúa, có Thiên Chúa và Lời của Người. Lời đó không gì khác hơn là chính tư duy của Thiên Chúa hiện thân thành Ngôi vị.

Tư duy hay ngôi vị này không thể hiện hữu nếu không có những tương quan mật thiết với nguyên lý đã sinh ra mình.

Thiên Chúa nhìn thấy tư duy của Người do chính Người sinh thành, từ Người mà đến, xuất bởi Người, hoàn hảo như Người. Thiên Chúa chiêm ngắm tư duy ấy như cái mình khác của mình. Vì tư duy ấy chứa đựng tất cả ánh sáng, trí tuệ, sự khôn ngoan của mình. Không gì đẹp đẽ, hoàn thiện hơn là tư duy vô biên ấy. Một tư duy độc nhất, hoàn hảo và vô biên. Thiên Chúa nhất thiết yêu mến tư duy của Người.

Về phía mình, Lời hay tư duy của Thiên Chúa cũng nhìn thấy tác giả và nguyên lý của mình, từ đó mình đã được sinh thành trong trạng thái hoàn bị. Lời thấy nguyên lý đã sinh ra Ngài, Ngài chiêm ngưỡng tất cả sự toàn thiện vô biên của Thiên Chúa. Ngài yêu mến nguyên lý ấy bằng một tình yêu không giới hạn.

Và từ tình yêu của những bản vị vô biên và hoàn bị đó, nảy sinh một ngôi thứ ba là tình yêu hay Thánh Thần. Vì Thánh Thần phát ra từ hai nguyên lý trên. Ngài triển xuất từ cả ngôi nhất và ngôi.

Tình yêu (là Thánh Thần) triển xuất từ hai ngôi. Vì hai ngôi đó không thể hiện hữu mà không hiểu biết nhau và yêu mến nhau, và vì cả hai ngôi đều vĩnh hằng và cần thiết cho sự hữu của nhau, nên ngôi thứ ba là Tình yêu hay Thánh Thần cũng hiện hữu một trật với hai ngôi kia.

Và bởi Tình yêu đó xuất từ hai nguyên lý hoàn hảo, vô biên, nên Thánh Thần cũng vĩnh hằng, vô biên, như Cha và Con: vì tình yêu vô biên của hai ngôi ấy đối với nhau không thể phát sinh một ngôi vị thấp kém hơn hai ngôi ấy.

Trong chính Thiên Chúa, không thể có điều gì khiếm khuyết, hạn giới; bằng không sẽ chẳng phải là Thiên Chúa.

Đó là những gì xảy ra nơi Thiên Chúa, và không thể nào khác hơn, ngay cả trước cái nhìn của lý trí.

Sự tất yếu của Ba Ngôi nói trên, để làm thành một Thiên Chúa hoàn hảo.

Ba Ngôi đồng hữu và không thể thiếu nhau.

Ba Ngôi bằng nhau.

Ba Ngôi khác biệt nhau.

Ba Ngôi không thể tách biệt nhau.

So sánh linh hồn chúng ta với ngọn lửa nhất thiết phát sinh ánh sáng và sức nóng.

Đó là những gì trong Thiên Chúa không thể nào khác; và ba ngôi trong Thiên Chúa chỉ là một và cùng một hữu thể.

Thiên Chúa là nguyên lý của mọi sự. Người suy tư và yêu mến; Tư duy vô biên của Thiên Chúa cũng giống chính mình Người, tức trở nên một ngôi vị cũng vô biên và vĩnh hằng như chính nguyên lý đã sản sinh ra mình.

Tất cả nơi Thiên Chúa đều hoàn hảo và vô biên.

Hai Ngôi kia cũng vĩnh hằng như chính nguyên lý đã sản sinh ra mình. Bởi Cha là nguyên lý của hai ngôi kia không thể hiện hữu mà không có tư duy và lòng mến.

Hai ngôi vị thần linh ấy nhận lãnh tất cả từ nơi nguyên lý nhờ một sự sinh thành vô tận. Nguyên lý vô biên thông ban cho hai ngôi nói trên tất cả những gì Người có, thông ban mà vẫn không hư hoại đến mình, không giảm thiểu mình. Vì Người là nguyên lý vô biên, và vì có sự sống vô tận, Người thông ban tất cả những gì của Người mà vẫn không hề giảm sút chính mình.

Một khi hiểu rõ những khái niệm tiên khởi này rồi, nay ta có thể nói Đức Giêsu Kitô là Đấng nào.

II. Giêsu Kitô là gì?

Ta có thể so sánh các trang sau đây với các trang trước. Cha Chevrier vụng về trong Thần học suy lý, nhưng trái lại, rất thoải mái khi trở về với công việc chú giải trực tiếp Thánh Kinh. Cha không ngần ngại đưa ra những công thức khá táo bạo (ví dụ trong 62, về nhu cầu Thiên Chúa trị thông ban chính mình).

Đằng sau các trang này, nhất là đằng sau các dòng chữ đầy nung cảm, có kinh nghiệm thiêng liêng của đêm giáng sinh 1856, kinh nghiệm không ngừng sống lại mỗi khi Cha tiếp xúc với câu Kinh thánh này:

“Lời đã thành xác phàm

và cư ngụ ở giữa chúng tôi.”

Thánh Gioan trả lời rất rõ ràng câu hỏi này trong chương đầu sách Tin Mừng khi ông nói:

Từ nguyên thủy đã có Lời

Nghĩa là đồng thời với việc Thiên Chúa có [thì Ngôi Lời cũng có], [5] bởi Thiên Chúa không thể hiện hữu mà không có tư duy của mình mệnh danh là Lời (Verbe). Mọi hữu thể có trí tuệ chẳng làm sao hiện hữu mà không suy tư. Thiên Chúa là chính sự khôn ngoan, chính trí tuệ, càng không thể hiện hữu nếu không suy tư, không có tư duy.

Từ khởi nguyên đã có. Ông không nói đã được dựng nên, nhưng đã có.

Có sự khác biệt giữa câu mở đầu Tin Mừng thánh Gioan với câu mở đầu sách Khởi nguyên, ở đó Môsê nói: in principio Deus creavit (Từ khởi nguyên Thiên Chúa tạo dựng).

Và Lời ở nơi Thiên Chúa

Nghĩa là Ngài chưa xuất khỏi Thiên Chúa như sau này.

Ngài ở nơi Thiên Chúa như tư duy của tôi ở trong tôi, là thành phần của tôi, tôi cảm thấy nó, cảm thấy sự hiện hữu của nó. Như vậy, Lời ở nơi Thiên Chúa như là Lời thâm nội. Ngài ở nơi Thiên Chúa như tư duy của tôi ở nơi tôi. Vì tôi chẳng thể hiện hữu nếu không có suy tư, cũng vậy, từ thửa đời đời, Thiên Chúa đã có Lời thâm nội, chưa tỏ hiện ra cho thế gian.

Và lời đó là Thiên Chúa

Lời đó được Cha là Thiên Chúa sinh ra, vì là tư duy hoàn hảo của Thiên Chúa; tư duy, tri thức, hiểu biết; khôn ngoan của Thiên Chúa, Lời đã lãnh nhận mọi sự từ Cha, nhờ mối tử hệ vô biên là thần linh, không hề thiếu sót một điều gì. Lời trở thành một ngôi vị thần linh và là Thiên Chúa, giống hệt nguyên lý đã sản sinh ra mình: như đứa con xuất ra từ cha thì giống cha, và vì thế cũng là người như cha mình.

Vậy Lời do Cha sinh, một cuộc sinh thành vô tận; Lời lãnh nhận mọi sự từ Cha, giống hệt cha, hoàn hảo như Cha, và là Thiên Chúa như Cha.

Từ khởi nguyên, Ngài đã ở nơi Thiên Chúa

Từ khởi nguyên, trước khi có mọi sự, Ngài đã có nơi Thiên Chúa, làm một với Thiên Chúa, Ngài là chính Thiên Chúa, đồng bản tính với Thiên Chúa. Ngài có nơi Thiên Chúa như tư duy của tôi có nơi tôi, ngay từ khởi nguyên, nghĩa là từ thưở đời đời. Vậy qua các chữ này, ta thấy được sự duy nhất về bản tính và sự vĩnh hằng của Con Thiên Chúa, cùng với sự hiện hữu dị biệt của Ngài, bởi vì Ngài có, và lời vừa trưng dẫn nói Ngài là Thiên Chúa. Từ khởi nguyên nghĩa là trước khi tỏ mình cho thế gian, như Ngài sẽ làm về sau, Ngài vốn đã hiện hữu, Ngài vốn ở nơi Thiên Chúa.

Mọi sự nhờ Ngài mà được tạo thành, và không điều gì thành sự mà không có Ngài

Chính nhờ Lời của mình mà Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự. Thật sự, chúng ta đã chẳng nhờ lời nói của mình mà ra lệnh làm điều nọ điều kia đó sao?

Khi phải làm điều gì, phải sản xuất ra sự gì ta nói và làm ở ngoài mình, là nhờ lời nói của ta. Một vị tướng trong quân đội ra lệnh, lệnh ông liền được tuân hành.

Vậy Thiên Chúa tạo dựng mọi sự nhờ Lời của Người: [6] ipse dixit et facta sunt (Người phán và liền có).

Tất cả những gì được dựng nên ngoài Thiên Chúa, đều được tạo dựng nhờ Lời Thiên Chúa. Lời ấy là biểu hiện Thánh ý Cha. Là Lời Cha, Ngài cũng có quyền năng hệt như Cha; và Ngài chỉ muốn làm những gì như chính Ngài ở trong Cha, và làm cùng với Cha.

Nơi Ngài có sự sống

Sự sống của Cha là sự sống của loài Người. Sự sống chẳng trong tư duy đó sao?

Cất tư duy khỏi một hữu thể có trí tuệ, hữu thể ấy sẽ ra sao? Một hữu thể chết. Ngài múc nguồn sự sống từ Cha đấng tự bản chất là sự sống. Và Ngài thông truyền sự sống ấy, tức sinh hoạt của tư duy và trí tuệ cho mỗi thực thể được Ngài ban sự hữu. Ngài cho chúng hiện hữu, Ngài cũng ban cho chúng sự sống, trí tuệ. Còn Thánh Thần ban cho chúng tình yêu.

Ba ân huệ ấy tuyệt đối cần thiết để biến chúng ta thành những con người tốt, có khả năng làm điều thiện.

Nơi Ngài có nguyên lý sự sống. Sự sống Ngài thông ban cho ta khi dựng nên ta, với trí tuệ, tư duy, lý trí, niềm tin.

Đời sống tự nhiên.

Đời sống thuần thiêng.

Nơi Ngài có sự sống, và sự sống là ánh sáng cho loài người

Trong sự sống mà Lời thông ban cho nhân loại khi Ngài tạo dựng nên họ, có ánh sáng, ánh sáng đích thật sáng soi mọi người đến trong thế gian.

Thật vậy, Lời là tư duy của Thiên Chúa. Chẳng phải trong Lời có ánh sáng đích thật khiến ta hiểu biết Thiên Chúa và các sự trên trời đó sao? Chẳng phải trong Lời đó ta tìm được tất cả sự khôn ngoan của Cha, sự hiểu biết và tri thức về Thiên Chúa và loài người đó sao?

Chính từ Lời thần linh, mọi tia sáng của mặt trời thần linh tỏa sáng trên mọi thụ tạo có trí khôn, và trên mọi Kitô hữu, để nâng họ lên, soi sáng họ, cho họ hiểu biết những vật hữu thiêng liêng và thần linh. Không có sự hiểu biết ấy, con người còn đắm mình trong ngu dốt và tối tăm của lý trí họ.

Ngài là ánh sáng cho các thiên thần, cho loài người, cho Ađam, Môsê, cho các Ngôn sứ và các thánh nhân.

Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta

Lời thâm nội ấy là tư duy vĩnh hằng của Thiên Chúa. Ngài có nơi Thiên Chúa từ thưở đời đời. Ngài là Thiên Chúa. Ngài đã mặc lấy một vóc dáng bề ngoài để tỏ mình cho chúng ta. Tư duy nhất thiết là thâm nội. Vậy muốn bộc lộ ra ngoài, tư duy cần mặc lấy một ngoại hình. Bao lâu ta không nói hoặc không viết, tư duy của ta còn bên trong kín ẩn, không ai biết. Để diễn tả nó ra, ta phải cho nó một hình dáng bên ngoài.

Trong Thiên Chúa cũng vậy. Tư duy hay Lời của Thiên Chúa ẩn kín bên trong, không ai hay biết, bao lâu nó chưa mặc lấy một hình dạng. Muốn bộc lộ mình ra, Ngài phải mặc một hình dáng bề ngoài.

Nên lưu ý, việc bày tỏ tư duy là một điều cần thiết cho chúng ta. Ta không thể sống mà không diễn tả tư tưởng của mình. Đó là một nhu cầu.

Ngay cả người câm cũng tìm cách biểu lộ suy nghĩ bên trong của họ.

Tư duy chẳng thể bị kìm hãm, bị ràng buộc, bằng không nó sẽ trở nên vô ích đối với chính mình, và đối với người khác. Nhưng nhu cầu bày tỏ các suy tư, khát vọng, ý muốn, tình cảm của ta cho người khác, ai đã ban cho ta nếu chẳng phải Thiên Chúa?

Nhược bằng Thiên Chúa ban cho ta nhu cầu tốt lành ấy, làm sao Người lại không có nhu cầu tự thông ban chính mình cho chúng ta là những tạo vật của Người, những thụ tạo Người đã dựng nên theo hình ảnh Người? Tại sao Người lại dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người? Và tại sao lại ban cho chúng ta một cứu cánh siêu nhiên nếu Người chẳng có gì để nói, để dạy dỗ chúng ta? Thiên Chúa không thể dựng nên chúng ta, có trí tuệ, theo hình ảnh Người và giống hệt Người, mà lại chẳng nói gì với thụ tạo của mình, chẳng cho họ thấy một dấu hiệu nào về ý định của Người trên họ.

Ta sẽ nghĩ sao về một người cha sinh con ra, rồi để mặc chúng, không hề tỏ cho chúng biết ý muốn của mình, cũng như các bổn phận của chúng. Thật là bất xứng với địa vị làm cha. Chẳng thà mình cứ hư không còn hơn sống trong tình trạng đó.

Thiên Chúa chắc đã phải nói với con người, và tỏ tường là Người đã nói với họ.

Người đã nói với họ nhờ Lời Người. Vì Lời chính là tư duy, là khôn ngoan của Người.

Cũng như chúng ta mặc cho suy nghĩ của mình một hính dạng bề ngoài khi biểu lộ các suy nghĩ ấy bằng lời nói hay bằng chữ viết; một bức thư hay một sứ giả để truyền thông ý mình cho kẻ khác.

Cũng thế, Lời Thiên Chúa đã mặc lấy một hình dạng để tỏ mình ra cho thiên thần và loài người.

Ngài đã tỏ mình ra cho mọi tạo vật có trí khôn: trước tiên cho các thiên thần cũng thuần thiêng, Ngài không cần một hình dạng vật chất.

Ngài đã tỏ mình cho Ađam qua một hình dạng mắt thấy được, vật chất. Dạng hình nào, Kinh thánh không nói. Khi chúng ta đọc thấy Thiên Chúa trò chuyện với Ađam, có nghĩa Lời đã khởi đầu sứ mạng mình ở dưới đất, và ngỏ ra cùng thiên hạ, tỏ cho họ biết ý muốn của Cha Ngài.

“Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ; Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri.” (Ga 1, 18)

Ngài đã mượn hình hài các thiên sứ để nói chuyện với Abraham.

Ngài đã phán với Môsê.

Và các Ngôn sứ dưới những hình dạng ít nhiều cảm giác được.

Sau cùng, qua các thế kỷ tiếp theo, vào lúc Chúa quan phòng ấn định, Ngài đã nói với tất cả mọi người, đích thân Ngài đến nói khi mặc lấy một hình dạng phàm nhân.

Đó là điều chính thánh Phaolô nói với chúng ta: Multifariam multisque [7] (Sau nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa xưa kia đã phán với cha ông qua các Ngôn sứ.)

Và Lời đã thành xác phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.

Ôi mầu nhiệm khôn tả! Thiên Chúa ở với chúng ta,

Thiên Chúa đã đến ngỏ lời với chúng ta. Ngài đến cư ngụ với chúng ta, trò chuyện và dạy dỗ ta.

Điều Ngài chỉ mới làm như phớt qua xưa kia, làm một cách vội vã, thì trong thời đại cuối cùng này, Ngài làm một cách thật tỏ tường, giai dẳng.

Ngài đã mang lấy hình dạng người phàm để đến cư ngụ với chúng ta, để có thì giờ trò chuyện, ăn nói với ta tất cả những gì Thiên Chúa muốn nhờ Ngài dạy bảo ta.

Chúng ta không hề bị Thiên Chúa bỏ rơi.

Chúng ta thật sự có một vị Thiên Chúa là Cha, yêu thương con cái mình, muốn dạy dỗ, cứu vớt chúng.

(còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 81-103.

---------------------------------------------------------

Chú thích

[1] Tham khảo thủ bản chính trong các bản sau: tập XI, tr. 269 đến 482, và trong cuốn sách này, cho tới tr. 415, trừ tr. (349 đến 363).

[2] Ms 11, 6; 11, 39 Một môn đệ, đó là một người bạn đi theo một người bạn khác, nhận người kia làm thầy và trao cả tin tưởng vào kẻ ấy, cả trái tim mình và ý muốn (Ms 11, 6). Một môn đệ là người đi theo một người khác: chọn một kẻ làm thầy mình; lắng nghe thầy, trao tất cả tin tưởng vào thầy, và sẵn sàng hy sinh mình cho thầy. Người môn đệ chấp nhận giáo lý thầy và đem ra thực hành. (Ms 11, 39)

[3] x. Ga 17, 3

[4] Người dịch xin thanh minh: Bản dịch không thể trung thành sát nút theo thủ bản về cấu trúc của câu cũng như các chấm phết, bằng không câu văn sẽ rất khó hiểu.

[5] Những chữ trong vòng ngoặc […] là của cha Berthehm thêm vào, hoặc điền vào chỗ thủ bản khó đọc.

[6] Tv 32, 9

[7] Hr 1, 1