Tiếng vọng của thinh lặng (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2275 | Cập nhật lần cuối: 11/30/2015 9:48:52 AM | RSS

(tiếp theo)

Trích đoạn nhật ký, 15 tháng giêng, 1941

Tôi từ bỏ với sự mau chóng nhất trên đời những dự án văn chương sau đây:

1. Viết một truyện về một người có một con chó tên là Caesar – tất cả mục đích của câu chuyện này là có một người nào đó bước vào với một xô đựng xương, lòng ruột, xương sụn, vỏ quả dưa v.v… và nói, “Tôi định làm gì với tất cả những xương xẩu này, v.v?”

Rồi người đàn ông trả lời dí dỏm; “Trả lại cho Caesar những gì của Caesar,” hoặc “Trả lại – v.v…”

2. Viết một câu chuyện về võ sĩ hạng gà dành đai vô địch có tên là “Kid cồ”

3. Vẽ một tranh biếm họa với với lời thuyết minh, “Bạn đã ở đâu khi chơi bóng chuyền?”

4. Viết phần đầu một bài báo về văn chương – “Tôi sợ tôi có chút gì của Helen Hokinson trong mỗi chúng ta, trong mỗi thiên tài văn chương, nếu ông chỉ để ông có thể bày tỏ chính mình cho thế giới với một óc tưởng tượng cũng ngu đần như của Gluyas Williams.” [người vẽ biếm họa báo New Yorker]

5. Viết một bài diễn văn trên đài phát thanh có một ý nghĩa nào đó. Nhưng tôi hoàn toàn không từ bỏ nó.

6. Viết một câu chuyện về bốn người, hai già hai trẻ, những người mẫu chưa từng gặp nhau trước đây và chưa từng chụp hình màu cho một hãng quảng cáo, như thể họ là một gia đình với cha mẹ, con gái, con trai

7. Phần đầu của một bài báo văn chương khác: “Mỗi người là một Coleridge! Hãy làm đầy nhật ký của bạn bằng những dự án vô giá trị! hãy xem môn đó vui nhộn như thế nào!”

8. Tôi không bao giờ từ bỏ, vì tôi không bao giờ nghĩ đến ý tưởng viết một câu chuyện về một người trong nơi trú ẩn để tránh phi cơ oanh tạc. Bây giờ tôi suy nghĩ về nó và rồi tôi từ bỏ nó.

Câu chuyện về một cuộc cách mạng trên một hòn đảo nào đó trên biển Caribe, và phải là câu chuyện về thủy thủ trên tàu chở than đã bị từ chối vào tháng sáu, 1939. Tôi từ bỏ câu chuyện các thủy thủ như hình thức văn chương đối với tôi, mãi mãi.

(RUN 289-90)

Từ Nhật ký tôi trốn thoát đảng Nazis

Trong trích đoạn này từ cuốn truyện đầu tiên Nhật ký tôi trốn thoát Đảng Nazis (nhan đề hiện nay là Luận cứ của tôi với cơ quan Gestapo), nhân vật chính của Merton phải đương đầu với những người lính Anh trong cuộc vây bắt ở Luân-đôn.

Thình lình bên kia phố trên vĩa hè hai người đàn ông đứng chỉ vào cửa sổ của tôi. Họ mặc áo màu tối và đội mũ sắt. Bộ đồ bằng vải xéc xanh ủi thẳng thóm. Họ đã thấy tôi ngồi không xa cửa sổ đang đánh máy chữ. Họ không thích tôi ngồi trong một ngôi nhà ở Luân-đôn bị bỏ bom, viết lách bằng máy đánh chữ.

Giờ đây họ thấy tôi nhìn lại họ và đánh máy tiếp. Cả hai khoanh tay và cau mặt nhìn tôi bên dưới nón sắt.

Tôi nhìn lại họ.

Tới đây họ nói với nhau. Tôi thấy họ lắc đầu.

Rồi một người trong họ ngẩng đầu lên, và nghe tiếng họ nói dễ dàng đến với tôi qua đường phố yên lặng mà không cần phải la to:

“Anh ở trong cửa sổ,” người ấy nói, “căn nhà ấy trống hay có người ở? Nếu nó trống, anh đang làm gì, đánh máy chữ trong ngôi nhà trống sao?”

“Nó có người ở,” tôi nói. “Ông không thấy tôi đang ở trong nhà sao?”

“Công việc của chúng tôi là tìm hiểu xem nhà nào có người ở. Đây là nhà của Bà Gongora: bà ấy đã bỏ đi hay còn sống ở đây?”

“Bà ấy vẫn còn ở đây.”

“Anh có phải là thư ký của bà?”

“Tôi là một nhà văn. Tôi viết điều gì tôi thấy ngoài cửa sổ. Tôi viết về nỗi sợ hãi trên mặt tiền của các căn nhà. Tôi nói thật nhanh, những nỗi lo toan nào mà tôi thấy trong những căn nhà bệnh hoạn bị đánh bom ở Luân-đôn, và tôi viết những ngôi nhà bị đánh bom ở Luân-đôn không biết nỗi sợ hãi của chúng.”

Những từ ngữ của tôi rơi vào đường phố mà hoàn toàn không gây một tiếng vang nào, rõ ràng như thể tôi đang độc thoại, rõ ràng như tai tôi vừa mới được nghe những lời từ người đàn ông đội nón sắt.

“Ông vừa viết gì về chúng tôi? Phải chăng ông đang viết về lòng can đảm của chúng tôi?”

“Tôi đã viết rằng các ông khoanh tay và cau có nhìn tôi dưới bóng của cái nón sắt. Tôi không viết về lòng can đảm của các ông.”

Giờ đây họ xì xào bàn tán với nhau, rồi lại lắc đầu cho đến khi quay lại nhìn tôi. Người kia (người trước giờ chưa nói) nói:

“Anh làm việc cho ai? Tại sao anh viết những căn nhà của chúng ta không biết nỗi sợ của chúng: lẽ ra phải viết chúng không biết lòng can đảm của chúng.”

“Cũng thế thôi.”

“Vậy thì anh làm gì về lòng can đảm và nỗi sợ của chúng tôi? Quê quán anh ở đâu? Anh khẳng định về chúng tôi trên cơ sở nào? Anh nói anh viết điều anh thấy, nhưng ở đây không hai người nào thấy cùng một con phố. Anh thấy gì mà anh viết? Anh muốn nói gì khi anh nói về lòng can đảm và nỗi sợ của chúng tôi?”

“Tôi vẫn cố tìm hiểu: và đó là lý do tại sao tôi viết.”

“Anh sẽ tìm hiểu như thế nào qua việc viết văn?”

“Tôi sẽ tiếp tục thể hiện mọi điều cho đến khi nào chúng trở nên rõ ràng.”

“Nhưng nếu chúng không trở nên rõ ràng?”

“Tôi sẽ có một trăm cuốn sách, đầy những biểu tượng, đầy mọi điều mà tôi luôn biết, luôn thấy và luôn suy nghĩ.”

“Nếu nó không bao giờ trở nên rõ ràng, có lẽ anh sẽ có thêm nhiều cuốn sách hơn nếu mọi sự rõ ràng ngay lập tức.”

“Đã hẳn. Nhưng tôi nói nếu mọi sự rõ ràng ngay lập tức, tôi cũng không thật sự hiểu nó. Một số sự việc quá rõ ràng đến nỗi ta không hiểu chúng, và điều ông tưởng mình hiểu về chúng chỉ là một thứ bùa ngải, một loại thần chú liên quan đến sự việc ấy. Không thể nói thế là hiểu biết: đó là một sự vật mà ông nhớ lại. Có nhiều định nghĩa như thế! Chúng ta luôn luôn phải đi ngược lại và bắt đầu lại từ đầu để làm mọi định nghĩa thành những định nghĩa của chính chúng ta.”

(MAWG 52-53)

Trích đoạn nhật ký 3 tháng chín, 1941

Không có gì sai khi cầu nguyện để trở thành một nhà văn, một điều gì đó mơ hồ chưa biết.

Có điều gì đó sai khi cầu nguyện trở thành nhà văn tồi.

Tôi cũng cầu nguyện trở thành nhà văn tốt nhất của một thời kỳ nào đó và không bao giờ biết điều đó và cũng trở thành nhà văn khó hiểu nhất. Thánh nữ Tê-rê-xa có lẽ không bao giờ coi mình là một nhà văn. Bloy là một trong những nhà văn tốt nhất trong thời của ông khi có vài nhà văn tốt: ông cũng là người bị khinh thường nhất, một người tối tăm nhất: “L’invendable.” [người không bán được]

Nhưng tôi không ở đây [trong đan viện] để suy nghĩ để trở thành một nhà văn, ngoài việc tôi ở đây để nỗ lực học khiêm nhường và thực thi ý Thiên Chúa và phục vụ Người thế nào cho tốt nhất và làm việc gì đó với tất cả những điều đó, khi gặp việc, vì tình cờ tôi thích viết, và cố gắng để biết viết như thế nào.

(RUN 397)

Trích từ thư gởi cho Robert Lax, 21 tháng 11, 1942

Dĩ nhiên, một đôi khi bạn rất an bình và hạnh phúc vì Thiên Chúa rất rõ ràng với bạn với sự hiện diện đầy ân sủng mà không bao giờ bạn tưởng được, ở những thời điểm khác thì không như thế. Rồi bạn cố gắng cầu nguyện hay suy nghĩ về Đức Ki-tô và tâm trí bạn đầy những khẩu hiệu, những chuyện đùa Chàng-nàng, những cuốn phim quá tệ đến nỗi bạn đã quên chúng bởi những công việc mưu sinh của tâm lý vô thức. Bạn nghĩ đến những ý tưởng quảng cáo hàng triệu đô-la, và điều đó làm cho bạn rất xấu hổ, buồn chán, và nản lòng. Đó là một nỗ lực chung đối với đời sống chúng ta và có những hệ quả tốt, một trong những hệ quả chính là nó làm cho bạn yêu mến Thiên Chúa không chỉ vì những ơn rõ ràng của Người, nhưng bởi sự vắng mặt bên ngoài của Người bạn nhận biết rõ ràng Người rất thích là một cái gì khác. Sự vắng mặt ấy chỉ là bề ngoài và người ta thấy rõ từ Gioan Thánh giá và mọi người khác, và mọi người ở đây biết điều đó rất rõ; thật vậy những ngày nào đó bạn cảm thấy tồi tệ, nhưng những ngày tồi tệ bạn có bên ngòai, trong thế gian không là gì cả. Ngay khi bạn làm điều đó, bất ngờ tâm hồn bạn tràn ngập Thiên Chúa vừa thật sự vừa thánh thiện hơn trước gấp hai lần. Vì một kết quả khác của những cám dỗ này là làm cho bạn rất ngoan ngoản và dễ dàng từ bỏ những quan điểm và phán đoán cũng như cách làm, và rồi bạn phó thác vào Thiên Chúa những việc nhỏ nhất và mọi điều. Và đó là sự bình an và Thiên Chúa cho mọi người mọi việc, và lý do duy nhất là mỗi người không có nhiều hơn chính là vì người ấy đi vào đường lối của Thiên Chúa nhưng lại cố có được những việc với ý muốn ngu xuẩn của mình.

(WHEN 90)

Trích từ thư gởi Mark Van Doren 30 tháng 3, 1948

Tôi không còn thấy ý nghĩa sau cùng của con người trong những từ ngữ như “là một nhà thơ” hoặc “là một người chiêm niệm” hoặc “là một vị thánh” theo một nghĩa nào đó (mặc dù đó một việc duy nhất phải làm). Phải có một điều gì đó trực tiếp hơn điều đó: tôi – và mỗi người trong thế giới – phải nói: “Tôi có một số phận đặc biệt và của riêng mình mà không một ai khác đã từng có hoặc muốn có. Tôi có một mục đích đặc thù, một sự hoàn thành phải của riêng tôi – không của một ai khác – và điều đó không thật sự đồng hóa với số phận và đặt nó dưới một phạm trù nào đó – ‘thi sĩ,’ ‘đan sĩ’, ‘ẩn tu’. Vì số phận của cá nhân tôi là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa mà Người chỉ dành cho tôi. Vinh quang của Người trong tôi sẽ là nhận từ tôi một điều gì Người không bao giờ có thể nhận từ bất cứ ai khác – vì đó là một ơn của Người cho tôi mà Người đã và sẽ không bao giờ cho một ai khác. Cả đời sống của tôi chỉ là điều đó – thiết lập một sự kiên định đặc thù với Thiên Chúa, Đấng đã lên một kế hoạch vĩnh cửu cho tôi!”

Một lần kia sự tiếp xúc ấy đã được thiết lập – tôi cảm thấy điều đó trong xương tủy và nó đặt tôi trên lửa – những khả năng trở thành vô tận. Những kết quả vô hạn, đời sống, sản phẩm, thị kiến, sự bình an. Tuy nhiên tôi không có cách nói đúng điều sẽ có. Tôi không nghĩ đó chỉ là viết văn hay một điều gì mà tôi chưa bao giờ biết như chiêm niệm và quả thật tôi không nghĩ đó sẽ là cái mà một người nào trên trái đất này có thể thấy và hiểu – đặc biệt chính tôi.

Trong ánh sáng của tất cả những điều đó, việc từ chối hay chấp nhận toàn bộ các khối hoạt động không còn nhiều ý nghĩa gì nữa – những hoạt động như cắt bỏ “mọi việc” viết văn hoặc đi vào trong cô tịch để sống tốt (là việc mà tôi thích) – sự việc là đi theo một đường lối mới và để mọi sự vật được xác định bởi những hoàn cảnh trực tiếp biểu lộ ý muốn và hoạt động của Thiên Chúa ở đây và bây giờ. Vấn đề không phải là nó có thể dẫn đến đâu, vì tôi không thật sự biết cách nào và cũng không nên biết vì chính Thiên Chúa đang hướng dẫn.

(RTJ 22-23)

Trích đoạn nhật ký, Chúa nhật 10 tháng mười, 1948

Sớm hay muộn gì thế giới cũng phải cháy bỏng, và mọi vật trong đó – mọi cuốn sách, các tu viện cùng với các nhà thổ. Fra Angelico cùng với các bảng quảng cáo của Lucky Strike mà tôi đã không nhìn thấy bảy năm nay vì tôi không nhớ đã nhìn thấy một cái ở Louisville. Sớm hay muộn tất cả sẽ bị lửa thiêu hủy và không một ai bị bỏ sót – vì cũng thời gian ấy con người cuối cùng trong vũ trụ sẽ khám phá ra bom có thể hủy diệt vũ trụ và nó không có khả năng chống lại sự cám dỗ vứt bỏ hết mọi vật và không bị chúng trói buộc.

Và ở đây tôi ngồi viết nhật ký.

Nhưng tình yêu cười vào lúc cuối của thế giới vì tình yêu là cánh cửa mở ra vô cùng và người nào yêu Thiên Chúa sẽ vui chơi trên ngưỡng cửa vô cùng, và trước bất cứ điều gì có thể xảy ra, người ấy sẽ thu mình qua ngưỡng cửa và đóng cửa lại và sẽ không phiền muộn về thế gian cháy bỏng vì người ấy sẽ chỉ biết có yêu thương.

(SOJ 122)

Trích đoạn nhật ký ngày 20 tháng bảy, 1949

Tôi thấy mình điên rồ khi buộc phải thừa nhận những lời tôi than van về công việc viết văn của mình. Cùng lúc viết văn là một việc mang tôi đến với sự thinh lặng và cô tịch nào đó. Tôi cũng thấy nó giúp tôi cầu nguyện vì, khi tôi tạm nghỉ trong công việc, tôi thấy tấm gương bên trong tôi trong sáng, sâu xa và yên lặng đến kinh ngạc. Thiên Chúa chiếu sáng nơi đó và được tìm thấy ngay, không cần săn đuổi, như thể Người đã đến gần bên tôi trong khi tôi viết và tôi không nhận thấy Người đến. Và tôi nghĩ điều đó phải là nguyên nhân của của niềm vui to lớn đối với tôi.

(ETS 338)

Trích đoạn nhật ký ngày 1 tháng 9, 1949

Giờ đây tôi biết rằng mọi bài thơ của tôi về đau khổ của thế giới là không thích hợp: chúng không giải quyết được việc gì, chúng chỉ ngụy trang vấn đề. Và với tôi dường như sự thôi thúc viết ra một bài thơ chân thật về đau khổ và tội lỗi chỉ là một cám dỗ khác vì dù sao tôi không thật sự hiểu được.

Một đôi khi tôi cảm thấy rằng tôi thích ngừng viết, chính xác như một hành vi thách thức. Dù sao tôi hy vọng ngừng xuất bản trong một thời gian, vì tôi tin giờ đây tôi không thể ngừng viết hoàn toàn. Có lẽ tôi sẽ tiếp tục viết trên giường bệnh, kể cả mang theo giấy amiăng để tiếp tục viết trong luyện ngục. Trừ khi tôi hy vọng Đức Bà sẽ sắp xếp một chiến thắng kỳ diệu trên các tội lỗi của tôi khiến luyện ngục trở nên không cần thiết.

Tuy nhiên đối với tôi viết văn không là một trở ngại cho sự hoàn thiện tinh thần của tôi, nó đã trở thành một điều kiện chi phối sự hoàn thiện của tôi. Nếu tôi trở thành một thánh nhân – và tôi không nghĩ rằng mình còn ước muốn điều gì khác – thì dường như tôi phải nên thánh nhờ viết những cuốn sách trong một đan viện dòng Trappe. Nếu tôi phải trở thành một vị thánh, tôi không phải chỉ là đan sĩ, điều mà mọi đan sĩ phải làm để nên thánh, nhưng tôi cũng phải viết ra giấy điều tôi đã trở thành. Điều đó có vẻ đơn giản, nhưng đó không phải là một ơn gọi dễ dàng.

Tôi có thể sống như một đan sĩ tốt lành, và vẫn là tôi, và tôi viết về điều đó: tôi viết về mình trên trang giấy trong một hoàn cảnh như thế, với tính đơn sơ trọn vẹn nhất và lòng chính trực – không giấu giếm điều gì, bối rối không giải pháp: điều đó rất khó khăn, vì tôi đã dính líu đến các ảo tưởng và ràng buộc. Những điều này cũng phải được viết ra. Nhưng không thái quá, lặp lại và cường điệu vô ích. Ôi lạy Chúa, không cần phải chống đối một cách ầm ỉ và than thở trước mặt ai ngoài Ngài, đấng nhìn thấy những ngu ngốc thẳm sâu của con. Chân thành mà không rầu rĩ là một cách bị đóng đinh. Cách này không bi thảm hay đau buồn quá. Nhưng nó đòi hỏi rất nhiều tính trung thực, vượt qua bản tính của tôi. Cách nào đó, nó phải đến từ Chúa Thánh Thần.

Một trong những kết quả của chính điều đó hẳn là một sự thấu suốt trọn vẹn và thánh thiện: sống, cầu nguyện và viết văn trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, hoàn toàn từ bỏ mình để trở thành tài sản chung như Đức Giê-su là tài sản chung trong thánh lễ. Có lẽ đó là một khía cạnh quan trọng trong chức linh mục của tôi – cách sống Thánh lễ của tôi: trở thành đơn giản như cái Bánh thánh trong tay mọi người. Dù sao đó là cách sống cô tịch của tôi. Một trong những cách kỳ lạ không do mình nghĩ ra, nhưng đó là cách của Lời Thiên Chúa.

Tuy nhiên, điều duy nhất ấy dạy tôi rằng không có gì quan trọng thuộc về tôi mà không thể trở thành của chung!

(SOJ 233-34)

(còn tiếp)

Thomas Merton
Robert Inchausti (biên tập)
Vĩnh An (chuyển dịch)
Trích "Về ơn gọi viết văn", tr. 10-17

________________________________

Tiếng vọng của thinh lặng (1)