Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4932 | Cập nhật lần cuối: 8/24/2016 10:58:50 AM | RSS

(Tiếp theo)

Phải từ bỏ tính tham lam, tội thứ hai của thân xác

(Có nhiều điều trong chương này có thể đưa vào chương nói về đức khó nghèo)

Tính tham ăn là tội thứ hai của thân xác mà ta cần từ bỏ.

Ta không nói đến những tội ăn uống quá độ làm cho mất cả lý tính. Thật là một sự sỉ nhục ghê gớm trường hợp những tâm hồn đặc tuyển được Thiên Chúa kêu mời bằng ơn thiên triệu thánh thiện, đến với chức linh mục, thế mà họ lại rơi vào những sự quá độ ấy, làm ô nhơ chiếc áo chùng thâm và làm ô danh các anh em đồng nghiệp của mình bằng cách, như lời thánh Phaolô nói “tôn cái bụng làm Thiên Chúa của họ”.

Ở đây chỉ nói những gì làm thương tổn đến sự giản dị đức hãm mình, đức khó nghèo, và chỉ vẽ ra thế nào là một môn đệ đích thật của Đức Giêsu Kitô, trong việc sử dụng lương thực.

Tự nhiên thể xác đòi hỏi phải có lương thực nuôi nó; lương thực được Thiên Chúa ban để duy trì sự sống. Nhưng nếu không biết tiết độ trong việc dùng lương thực, cứ theo đà đòi hỏi tự nhiên, nếu đức tin không can thiệp để dung hòa cái hành động thuần túy của loài động vật đó, người ta sẽ hướng chiều về đó theo tính ham ăn háo uống, người ta tìm kiếm những món ngon, những món khoái khẩu, ăn quá mức cần thiết để ăn, lấy đó là khoái trá, ăn cách ngấu nghiến, ăn uống để thỏa mãn, để vui sướng hơn là để phúc đáp một nhu cầu sự sống; hoặc nữa người ta sẽ chẳng bao giờ lấy làm bằng lòng về bất cứ điều gì, món này sao nóng quá, món kia sao nguội quá, mặn quá, tệ quá, tầm thường quá, đậm đặc quá.

Lời nói và gương tốt của Đức Chúa chúng ta về vấn đề ăn uống

Chúng ta có thể rút ra từ những lời nói của Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta về vấn đề này, cũng như các gương sáng mà Ngài để lại cho ta, hết mọi bài học có ích cho ta, hầu hướng dẫn cách hành sử trong đề tài này.

Trong chước cám dỗ tại rừng vắng, khi ma quỉ biểu Chúa làm phép lạ để thoát khỏi cơn đói, Đức Giêsu đã trả lời.

Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng mọi lời xuất ra từ miệng Thiên Chúa.

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (15)

Trong một trường hợp khác, Đức Giêsu cảm thấy khát nước, bèn đến bên bờ giếng Giacob, và nhẫn nại đợi chờ cơ hội để có nước uống; một phụ nữ Samari đến kín nước; Ngài xin bà ta nước uống, rồi nhân đó tìm dịp dạy dỗ người phụ nữ, và ban cho bà ta nước hằng sống của niềm tin.

Các tông đồ trở về thưa Ngài: Thưa Thầy, xin Thầy đến ăn; và Ngài đã trả lời những câu đáng bỡ ngỡ này:

Thầy có một lương thực mà các con không biết, lương thực của Thầy là làm theo ý Cha Thầy.

Ở chỗ khác, Ngài lại nói, chính Ngài là lương thực của chúng ta:

Tôi là bánh hằng sống bởi trời mà xuống; ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.

Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc và họ đã chết; ai ăn bánh mà tôi sẽ ban không bao giờ phải chết.

Qua các lời trên, Đức Giêsu Kitô chứng tỏ cho ta, lương thực trên hết của ta là lời Thiên Chúa; và ta phải có lòng ước mong được nuôi linh hồn chúng ta hơn nuôi thể xác, và của ăn thực sự của ta là chính Đức Giêsu Kitô, bởi Ngài là bánh hằng sống đến ban sự sống.

Trong khi bánh ở dương gian này chỉ là bánh chết chóc:

Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc và họ đã chết.

Ai ăn bánh này sẽ không bao giờ phải chết.

Giá chúng ta, đối với các công việc của Thiên Chúa và lời thần linh của Người, cũng có được lòng nong nả như người thế gian nong nả tìm đến của ăn nuôi thể xác. Lương thực của Thầy là làm theo ý Cha Thầy.

Chúng ta không nên đặt nhiều quan tâm hoặc quan trọng hóa của ăn thể xác hơn chính Chúa Giêsu đã làm khi Ngài cảm thấy khát, và kiên tâm chờ đợi ở bờ giếng Giacob, có ai đó sẽ cho Ngài uống nước; cũng như trường hợp đói lòng, Ngài bứt lúa chà trong bàn tay cùng với các tông đồ; một lần khác đói, Ngài tìm đến hái trái vả tại Giêrusalem, hoặc từ làm phép lạ để hạ cơn đói theo yêu cầu của ma quỉ. Qua các lời nói của Thầy chí thánh, chúng ta kết luận, người môn đệ theo gương Thầy, cũng phải dùng lương thực với lòng tin, khiêm nhường, lòng tri ân, và tiết độ.

Dùng của ăn với niềm tin

Khi dùng của ăn vật chất, chúng ta phải liên tưởng đến của ăn tinh thần, của ăn thần linh, đó mới là của ăn đích thực, vì duy của ăn đó đưa ta tới sự sống đời đời. Của ăn thể xác không cứu ta thoát khỏi chết. Của ăn đích thật của chúng ta là Đức Giêsu Kitô, lời thần linh của Ngài, mình thánh Ngài, máu đáng tôn thờ của Ngài.

Một ngày nào, chúng ta sẽ được mời gọi đến dự tiệc trường sinh thiên quốc, ở đó ta được nuôi dưỡng bằng ánh sáng vĩnh hằng, ánh sáng sự sống của ta.

Với lòng khiêm tốn

Của ăn động vật ấy kéo ta xuống hàng xúc vật: cũng như chúng, ta ăn cỏ ngoài đồng, ăn trái cây và ăn thịt loài vật của cõi trần. Chỉ nên ăn những gì ta kiếm được một cách xứng đáng bằng sức lao động như lời đã chép sau khi tổ tiên phạm tội: “ngươi sẽ ăn miếng bánh của ngươi từ mồ hôi trán làm ra”.

Chúng ta không xứng đáng được sống; vì kẻ có tội xúc phạm đến Thiên Chúa chắc chắn không xứng đáng được sống, họ đã dùng cuộc sống họ để xúc phạm đến Thiên Chúa, và kẻ không phụng sự chủ mình hẳn không xứng đáng sống.

Với lòng tri ân

Vì tất cả đều do Thiên Chúa, và chính Người gửi đến cho chúng ta mỗi ngày lương thực cần thiết cho sự sống.

Chính người từng năm từng tháng bao phủ trái đất bằng hoa thơm trái ngọt dùng để nuôi dưỡng loài người. Người cho ta sử dụng các loài cầm thú trên mặt đất, dưới biển cả, trong không trung, và Người nuôi dưỡng chúng ta một cách còn đặc biệt hơn, săn sóc an bài cho ta hơn những người khác, nên ta chớ bao giờ bỏ lơ các kinh nguyện đọc trước và sau bữa ăn, theo gương Thầy chí thánh. Ngài luôn luôn dâng lời tạ ơn Cha trong các lúc ấy.

Các kinh nên đọc là:

trước bữa ăn sáng: kinh “Tạ ơn” dạng đơn giản,

trước bữa ăn trưa ta sẽ đọc kinh tóm tắt rút trong sách “Kinh nhật tụng”

như là: Kyrie eleison

Christe eleison

Kyrie eleison

Pater

Benedicite, Dominus, nos et ea quae sumus sumpturi benedicat dextera Christi (Xin tay phải Đức Kitô chúc lành cho chúng con, và cho của ăn chúng con sắp dùng).

sau bữa ăn: Agimus tibi gratas

Pater

Benedicamus Domino

Fidelium onimae

bữa ăn tối, đọc như bữa ăn trưa.

Với sự tiết độ

Ta cần phải ăn để nuôi dưỡng sự sống thể xác, nhưng chỉ ăn đủ của ăn cần thiết, không nên đi quá mức. Bởi vì điều gì quá mức thì cách nào đó cũng có hại nhiều hơn lợi.

Thánh Phaolô hay nhắc nhở điều này trong thư ông viết.

Sobrius esto hãy tiết độ (x. 2 Tm 4, 5)

Sự tiết độ có khả năng bảo vệ đức tính khiết tịnh; những kẻ ăn uống quá mức cần thiết không thể hoặc rất khó sống đời khiết tịnh.

Vinum res luxuriosa “Rượu dễ đưa tới quá độ.” (Cn 20, 1)

Người sống tiết độ, luôn luôn thể xác họ thong dong và nhẹ nhõm, còn kẻ ăn uống quá độ, dầu chỉ vừa thôi, sẽ không có nghị lực để làm việc, bản thân ra nặng nề hoặc xao xuyến, và ta dễ trượt xuống những lầm lỗi bên trong, bên ngoài.

Trong Gioan Tẩy giả, sống trong sa mạc, “vinum et siceram non bibet” “Không uống rượu, không dùng nước có men” (Lc 1, 15).

Hết thảy các thánh đều rất điều độ trong việc ăn uống.

Đừng nên ăn quá nhiều,

ăn ngấu nghiến, ăn cao lương, ăn ngồm ngoàm, ăn quá chén.

Tiết độ và hãm mình

Tiết độ trong bữa ăn.

Tiết độ và hãm mình cả ngoài nữa.

Lúc nào cũng ăn cũng uống là đi ngược với sự hãm mình.

Cũng vậy, đừng đem kẹo bánh vào phòng mình, bỏ túi, ăn luôn miệng, ăn khi không cần thiết.

Ta chống lại sự hãm mình khi xuống bếp hay tới chỗ nào lấy trái cây, lấy thực phẩm có sẵn ở đó, chỉ để ăn cho khoái miệng.

Hoặc đi ra vườn khi không có lý do, chỉ để hái trái cây, hái nho, lê táo,v.v… nếm, ăn cho sướng miệng.

Các thói quen đó chứng tỏ một con người không biết tự chủ, hãm mình, buông thả thấy ước muốn của xác thịt, không tìm cách chế ngự chúng.

Trong mọi vấn đề, hãy sống làm sao cho điều hòa, dè dặt.

Tính tham ăn dễ đưa ta đến kiểu trộm cắp nho nhỏ mà ta thường chẳng để ý, vì những thói tham ăn đó đều là những hành động bớt xén một cái gì của tha nhân.

Lại còn làm gương xấu cho kẻ khác, cách riêng cho các trẻ em, chúng dễ đi tới ăn vụng, ăn tham; và như thế ta khuyến khích kẻ khác làm theo thói xấu.

Đường, bia, sirô, rượu nhẹ, trái cây, một hớp rượu (“uống một hớp” với tôi, cách mời rượu theo lối bình dân), trà, cà phê, kẹo bánh.

Hãm mình trong bữa ăn, đừng quên sự điều độ và hãm mình cho bản thân, cũng đừng làm cho kẻ khác sai lỗi bằng cách mời ép họ ăn hay uống, một điều trái phép lịch sự, trái xã giao và trái đức hãm mình. Lương thực phải trải qua nhiều điều kiện mới đạt tới mục đích Chúa Quan Phòng nhắm.

Các điều kiện, các đặc tính đó là, sạch sẽ, liều lượng, và giản dị.

Sạch sẽ

Sạch sẽ là đặc tính thứ nhất, đặc tính có ích nhất cho sự sống; dơ bẩn bao giờ cũng có hại cho thân xác và sức khỏe; những ai nấu dọn thức ăn mà làm thiếu sạch sẽ, họ tỏ ra lười biếng, cẩu thả, và thiếu bác ái.

Nghĩa vụ lớn của các bà bếp là nấu dọn đồ ăn cho sạch sẽ, rửa ráy, lặt rau, giữ các món ăn sạch sẽ, không để bừa bãi.

Bệnh tật, khó chịu trong người thường là do nấu dọn đồ ăn cẩu thả hay thiếu sạch sẽ.

Cần phải làm các việc đó với lòng bác ái; nhờ người khác phụ nếu Đúng giờ, một mình không làm hết việc.

Đúng giờ

Trong cuộc sống tập thể, các bữa ăn phải được dọn ra sẵn sàng, đúng giờ quy định như luật dạy, bằng không sẽ gây nhiều xáo trộn.

Và mọi người cũng phải đến dùng bữa chung với nhau cho đúng giờ, trừ trường hợp có lý do quan trọng chước chuẩn.

Trật tự và tinh thần xây dựng tùy thuộc ở cách chu toàn điều khoản này.

Nếu ai cũng đến dùng bữa theo giờ riêng tùy thích, tất sẽ gây phiền phức cho các anh hoặc chị làm bếp, và lỗi đức bác ái; người ta phải dọn dẹp mệt nhọc, mình còn làm cho họ mệt nhọc thêm.

Liều lượng

Lương thực nhằm nuôi dưỡng sự sống thể xác, nên ta phải cung cấp cho thể xác phần lương thực cần thiết.

Lượng thức ăn thay đổi tùy theo tuổi tác, tính khí, sức khỏe.

Có những người cần ăn nhiều, kẻ khác cần ít hơn.

Chúng ta không bao giờ nên xét nét cách ăn uống của người khác.

Vì bác ái, phải cung cấp cho họ những gì cần thiết, để họ khỏi phải ăn thiếu, cũng không xét nét đến kẻ này ăn nhiều, kẻ kia ăn ít. Tùy lương tâm mỗi người định liệu. Những kẻ ăn nhiều có khi lại làm nhiều việc hãm mình hơn những kẻ ăn ít.

bữa sáng: đĩa súp, hai thứ tráng miệng

bữa trưa: súp, hai món, hai thứ tráng miệng, hoặc ba món và hai tráng miệng.

bữa tối: súp, một món, hai thứ tráng miệng.

Chất lượng

Điều kiện này nhằm các đối tượng bệnh tật và những ai cần được chăm sóc riêng vì bác ái.

Vì bác ái, ta có nhiệm vụ săn sóc các bệnh nhân và những người yếu sức. Để cho họ thiếu thốn những gì cần thiết cho họ khi mình có thể làm được, là có lỗi.

Giản dị

Giản dị có nghĩa là dẹp bớt những gì trong bữa ăn khả dĩ khêu gợi sự sang trọng, óc phù phiếm, chỉ lo tìm kiếm những gì thỏa mãn khẩu vị, thỏa mãn tính ham ăn ham uống.

Không phải các món ăn hảo hạng, ngon miệng, có mùi thơm, nấu nướng sành sỏi, màu mè, đều tốt nhất cho sức khỏe.

Trái lại, chúng còn tác hại đến thân thể, kích thích quá độ, gây căng thẳng, tác động lên hệ thần kinh và hệ tuần hoàn, làm phát sinh nhiều bệnh tật. Thánh Thần nói: sự ăn uống, vô độ đã giết chết nhiều hơn cả gươm giáo; người ta rút ngắn cuộc sống vì quá lạm dụng những món ăn cao lương, nấu dọn tinh vi.

Trái lại, thực phẩm giản dị bằng rau cỏ tăng cường sức lực và dẻo dai cho thân thể, và ngăn ngừa chúng ta khỏi nhiều bệnh tật. [1]

Ăn uống chóng vánh, tránh những kiểu cách phiền phức

Thiết nghĩ ăn uống là một công việc chúng ta nên làm cho có lệ, không quá chú ý, quan trọng hóa như người ta thường làm.

Có lẽ người ta đã quá quan trọng một chức năng thuộc hàng động vật chăng?

Nào là dọn bàn, dọn phòng, dọn bộ đĩa ăn, khăn ăn, những dao muỗng sang trọng quý giá, đủ các thứ ly cho mỗi món đồ ăn, mỗi loại đồ uống. Bằng ấy chuyện thật trái ngược với sự giản dị và hãm mình; dân nghèo sống đơn giản hơn! Họ không chú trọng đến những thứ sửa soạn nhiêu khê ấy cho bữa ăn của họ.

Nhiều khi, thay vì bàn ăn, họ để lên bắp vế, thay vì ghế dựa thì họ ngồi trên chiếc băng dài hoặc trên cục đá, thay vì muỗng đĩa họ dùng một cái tô bằng sành hoặc bằng gỗ, và một bức vách dựa lưng sau buổi làm việc mệt nhọc.

Và ta thấy gì trên bàn ăn của họ?

Súp khoai tây, pho mát, rau, thịt một đôi khi.

Giá chúng ta cũng làm được như họ, ăn uống như người nghèo!

Đức Chúa chúng ta chẳng đã nhiều lần ăn uống và hầu như bao giờ cũng ăn uống như kẻ nghèo đó ư? Khi Ngài ngồi trên thành giếng Giacob và các sứ đồ mời Ngài ăn?

Ngài đã chẳng ăn như một người nghèo khi các sứ đồ, vì đói, đã chà bông lúa trong tay mà ăn đó sao?

Ngài đã chẳng ăn như một người nghèo khi Ngài tìm kiếm vài trái vả trên cây vả để ăn, chắc là vì đói bụng?

Vì là của ăn phần xác không quan trọng đối với Ngài, Ngài có của ăn khác để nuôi tâm hồn: Thầy có lương thực mà chúng con không biết.

Hãy để cho người thế gian “cho những nhà trưởng giả”, những bữa ăn trịnh trọng, quan liêu, lo lắng, xa hoa, những nghi thức mà họ bỏ ra để chăm lo nuôi dưỡng cái xác hèn này.

Còn ta, hãy bằng lòng với sự tối thiểu, ăn uống vừa đủ cần, song tránh những thứ lỉnh kỉnh, những nghi thức mà các ông nhà giàu, các nhà trưởng giả hay sử dụng, hãy ăn uống như kẻ nghèo, như người bộ hành. [2]

Thật đơn giản và khó nghèo nếu ta cũng làm như các binh lính, nấu tất cả trong một cái nồi: thịt, rau, đặt nồi lên bàn hoặc múc vào một cái đĩa lớn tất cả các thức ăn, rồi xúc ra mỗi người một phần, vừa đủ, đứng hay ngồi đại trên ghế, hoặc đứng dựa vào vách tường, ăn như người nghèo, như khách bộ hành.

Thế có phải giản tiện nhất, và phù hợp hơn với đức khó nghèo, với sự hãm mình không?

Lính tráng họ vẫn ăn như vậy mà có kém mạnh khỏe hơn ai đâu?

Chỉ khi ấy, khi khinh chê của ăn trần tục và vật chất ta mới có thể nói như Thầy chí thánh: Thầy có lương thực mà chúng con không biết: lương thực của Thầy là làm theo ý Cha Thầy.

Sống như vậy, quả ta làm gương sáng cho các tín hữu và các trẻ em!

Các tín hữu và trẻ em không dương mắt nhìn xem cách ta ăn đó sao?

Nếu ta ăn thứ gì hảo hạng, tinh vi, ngon miệng hơn, điều ấy liệu có kích thích sự thèm muốn, phân bì của họ? Và họ không ngừng nói năng hay suy nghĩ: các vị còn hơn chúng ta nhiều.

Trở nên khó nghèo làm gì nếu ta không sống như kẻ nghèo?

Đó là điểm hệ trọng, bởi vì do từ cửa miệng mà có phần nào làm gương tốt hay gương xấu, hoặc gây vấp phạm.

Lẽ ra chúng ta phải lấy làm xấu hổ vì được đối xử, được nuôi dưỡng kỹ hơn kẻ khác chứ? Được có của ngon vật lạ trên mâm cơm của mình? Những món ăn đầy gia vị, nấu nướng tinh vi, vàng óng? Đang khi những kẻ khác chỉ có vừa đủ của cần thiết.

Tại sao ta không chia sẻ với kẻ khó, với trẻ em của chúng ta tất cả những gì chúng ta ăn? Một người cha không chia sẻ cho các con mình sao?

Các thánh, không trừ ai, đều coi của ăn chẳng có gì quan trọng, và xem việc ăn uống khác nào như một việc đê tiện nhất trong các việc.

Đẹp làm sao, nêu gương làm sao một cha sở khó nghèo họ Ars, người đi qua đi lại, cầm một tô súp trên tay, vừa ăn súp vừa đi thăm bệnh nhân của mình!

Cha sở chẳng có thời gian để ăn nữa, như trong Tin Mừng có kể về chuyện các sứ đồ: họ vừa ăn, vừa làm việc, vừa đi, giống như các người nghèo, và họ làm cho kẻ có tội ăn năn trở lại bằng cách họ sống như vậy, hơn là ăn một bữa ăn thịnh soạn. Bởi vì thứ gương sáng này đánh động người ta hơn gương nào khác, bởi thế gian vốn thích tìm thỏa mãn ở lãnh vực này.

Cha Sở họ Ars thường cho nấu một nồi khoai tây để ăn với bánh mì, và cứ ăn đi ăn lại như thế cho tới khi nào hết.

Cha cũng đã thử ăn cả cỏ ngoài đồng.

Cha mua bánh mì cho người nghèo, đi gõ cửa từng nhà xin bánh và đem cả phần của mình cho họ, để được hạnh phúc ăn giống như người nghèo.

Đúng là các thánh đối xử với bản thân không tốt lắm trên bình diện này!

Họ yêu chuộng biết bao đức khó nghèo, sự giản dị, họ gạt bỏ khỏi bàn ăn tất cả những gì có hơi hướng xa hoa, tìm tòi, những nghi thức, vẻ hào nhoáng, sự sung sướng dễ chịu!

Một lưu ý nhỏ và thuốc lá

Cấm ngặt không được hút thuốc. Chỉ được phép “hít” thuốc trong trường hợp cần thiết.

Bản tóm lược và kết luận thực tế

Từ bỏ tính mê ăn đó là từ bỏ mọi sự ăn uống quá độ khả dĩ làm xáo trộn tinh thần, lý trí, và dễ gây ủy mị thân xác, đó là từ bỏ tất cả những gì không cần thiết, chỉ nhằm ăn cho sướng cái miệng, tỉ như món ăn thịnh soạn, rượu ngon, rượu khai vị, cà phê, bánh kẹo, những món lạ hiếm, tìm tòi.

Ta chỉ dùng các thức đó khi nào thực là cần thiết và dùng có điều độ; ăn các thứ đó tại phòng thì phải xin phép.

Chớ nên tạo cơ hội cho chước cám dỗ, bằng cách giữ lại phòng những chai rượu khai vị, rượu nho và các loại tương tự: những món ăn ngon ngọt đó phải được để riêng, để đem cho người ta khi có nhu cầu thật cần, đó là từ bỏ những gì có vẻ xa hoa, tìm tòi, sung sướng, hào nhoáng, các nghi thức trong bữa ăn, đó là bằng lòng với các món ăn thông thường về bánh mì, thịt thà, trái cây, rau cỏ,v.v… trừ trường hợp mắc bệnh, đó là không ăn ngoài bữa khi không cần thiết, đó là tránh đi ăn trưa ở ngoài, vì sẽ tạo cơ hội thảo mãn tính mê ăn.

Tránh đi tới nhà nọ nhà kia để uống cà phê hoặc ăn quà, không ăn gì ở nhà người khác nếu có dịp đi đây đó, có vậy mới tránh được mê ăn, và tránh các gương mù nho nhỏ, tránh những sự chi tiêu vô ích người khác phải chịu. Chỉ khi nào cần thiết mới cho phép mình được chước chuẩn điều này.

Tránh mất thì giờ vào việc ăn uống, khi ăn hãy ăn cho chóng vánh, bỏ hết các nghi thức.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 263-275

------------------------------------------

Chú thích

[1] Ms. XI 707 – Người ta càng giản dị trong mọi sự thì càng gần gũi sự thật. Về của ăn cũng giống như về thời trang: càng đi xa sự giản dị trong y phục, càng trở nên trò hề; người ta càng rời xa sự giản dị trong của ăn, càng làm hại sức khỏe. Phải cố gắng sống giản dị hết sức mới giữ được sức khỏe tốt.

[2] XI 672. Thức ăn cần phải sạch sẽ, đủ số lượng và giản dị, những điều khác không quan trọng. Nhiều lần đã xảy ra trường hợp đi dùng bữa ở mấy nhà sang trọng, ta ít được thỏa mái no nê như ăn cũng mâm người nghèo phải thế không? Và các nghi thức và các chén dĩa này nọ đâu có phải là của ăn.

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (13)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (14)