Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18): Từ bỏ thần trí mình

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3859 | Cập nhật lần cuối: 12/29/2016 2:36:55 AM | RSS

(Tiếp theo)

Để từ bỏ chính mình, cần phải

2. Từ bỏ thần trí mình

Phải hiểu sao khi đề cập đến thần trí của chúng ta (esprit)?

Điều này có thể hiểu theo hai nghĩa. Hoặc hiểu đó là trí tuệ ta dùng để hiểu biết, phán đoán, hay cũng gọi là trí khôn. Theo nghĩa ấy, không có vấn đề phải từ bỏ, vì từ bỏ trí khôn thì chả có nghĩa lý gì hết. Hoặc hiểu là một phong cách suy nghĩ và phán đoán riêng tư và nghiễm nhiên của chính mình, ta có thể gọi đó là não trạng cá nhân, thì quả đây có vấn đề phải từ bỏ thần trí riêng.

Từ bỏ thần trí riêng không phải là hủy bỏ chức năng hoạt động của trí tuệ. Chẳng hạn như bảo: tôi từ bỏ sự hiểu biết và xét đoán. Không ai có thể đạt tới hiệu quả đó và kẻ tưởng mình đã đạt đều lâm vào ảo tưởng. Từ bỏ thần trí mình, đó là quyết gạt ra bên lề cách suy nghĩ đặc thù và đột khởi của cá nhân mình để lấy làm của mình một lối suy nghĩ khác, vì tin chắc cách suy nghĩ khác ấy sẽ đúng đắn hơn.

Bởi đó, từ bỏ thần trí mình có nghĩa: tôi quyết định suy nghĩ và phán đoán theo khả năng tôi có thể, làm sao theo một phong cách thông minh nhất, muốn vậy, tôi không được bám khư khư lấy ý riêng tôi, song lĩnh nhận ý kiến của những ai có hiểu biết nhiều hơn tôi. Như vậy, chính động tác từ bỏ là một động tác của chính trí tuệ ở bình diện thuần tự nhiên, người ta gọi nó là lý trí tự nhiên (bon sens). Nhưng, than ôi, chúng ta vẫn thường có khuynh hướng nghĩ rằng những ai đó không ý kiến như chúng ta đều lý luận trái với lý trí tự nhiên. Đây là ý tưởng sai lạc về lý trí tự nhiên. Lý trí tự nhiên đích thực làm cho ta tự hỏi mình, trước tiên, ai là kẻ có đủ tư thế hơn để biết sự thật về vấn đề gì.

Lắm lần người ta đã không thể chấp nhận các yêu sách siêu nhiên về từ bỏ thần trí của mình bởi vì không chấp nhận các đòi hỏi tự nhiên của lý trí tự nhiên.

Tuy không bỏ qua các đòi hỏi tự nhiên vừa nói [1], cha Chevrier có ý đề cập tới sự từ bỏ thần trí mình trên bình diện siêu nhiên. Nghĩa là có vấn đề bắt thần trí riêng, não trạng riêng phải lùi bước để nhường chỗ cho thần khí, cho não trạng Đức Kitô; nghĩa là đặt hoạt động của trí tuệ tuân phục động tác của Thánh Thần.

Một chương chính yếu và hệ trọng hơn tất cả, theo lời cha Chevrier. Và để thuyết phục ta về sự quan trọng đó, cha liệt kê một danh sách khá tiêu biểu về những thói xấu của thần trí. Các thói xấu đó thường gặp cùng với nhiều tật xấu khác nữa, điều ấy không ai nghi ngờ. Nhưng đó không có nghĩa mỗi người chúng ta có tất cả chúng cùng một trật, trái lại kẻ bảo mình hoàn toàn không dính dáng tới các thói xấu về trí khôn, kẻ ấy quả là ngu xuẩn. Cứ việc nhìn quanh mình, ta không phải khó khăn lắm mới khám phá ra người này là một anh bạn dễ thương nhưng lại nhẹ dạ, cô kia đầy thiện chí song quả là thiếu thực tế, kẻ khác là một con người luôn chu toàn bổn phận nhưng độc tài khủng khiếp, v.v…

Cần phải được giác ngộ để nhận ra khuyết điểm của mình, một điều thật quan trọng. Tuy nhiên vấn đề là ta phải đi xa hơn các tuệ giác đó. Cha Chevrier không dừng lại để phân tách tâm lý. Cha nói với chúng ta bằng con người của Thần khí. Cha biết rõ, muốn mở rộng lòng cho ánh sáng và tác động của thần khí Thiên Chúa, cần phải dùng đêm mù của đức tin để kết hợp với trí phán đoán của Thiên Chúa phán xét trí khôn chúng ta. Kẻ chỉ dừng lại ở sự giác ngộ dưới ánh sáng của chính mình, vẫn còn lẩn quẩn trong giới xác thịt. Họ chỉ có khả năng làm những công việc của xác thịt, như lời thánh Phaolô quả quyết (x. Ga 5,16-25).

Một chương chính yếu và hệ trọng hơn tất cả, vì nó cho thấy quan niệm chủ chốt của cha Chevrier về người linh mục và kinh nghiệm thiêng liêng cha có về đấng bậc này.

Quan niệm chủ chốt ấy, ta thấy diễn tả rất đơn sơ trong các dòng sau đây:

“Giêsu Kitô và Đấng Cha sai

Linh mục là kẻ được sai bởi Đức Giêsu Kitô.

Tất cả những gì Đức Giêsu Kitô nói về chính Ngài trong chức thiên sai, vị linh mục phải có thể áp dụng cho chính mình.

Cũng như Đức Giêsu Kitô, linh mục mặc lấy các đặc tính của kẻ được sai và phải làm tròn các nhiệm vụ của chức đó” [2]

Và đó chỉ là một lời giải thích ngắn gọn lời Đức Giêsu nói với các sứ đồ: “Cũng như Cha Thầy đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi” (Ga 20, 21).

Linh mục được sai đi như Đức Giêsu Kitô, nghĩa là theo cha Chevrier.

“Giêsu biết Cha Ngài, Ngài nói theo Cha, Ngài hành động theo Cha và tất cả những gì Ngài làm và Ngài [nói] đều là kết hợp với Cha Ngài.

Cũng vậy linh mục phải làm và nói theo Đức Giêsu Kitô và kết hợp với Ngài, và khi làm như vậy, ông sẽ được kết hợp với Cha và sẽ làm mọi sự theo Thiên Chúa” [3]

Làm sao điều đó có thể thực hiện được? Bằng cách từ bỏ thần trí mình, vì như cha Chevrier còn nói:

“Đây có lẽ là chương hệ trọng hơn tất cả, vì do chương này mà mọi chuyện khác nảy sinh. Từ bỏ thần trí của mình để mặc lấy Thần Khí Thiên Chúa, Thần Khí Đức Giêsu Kitô. Và chỉ khi chúng ta có được chừng mực nào thần khí Thiên Chúa, chúng ta mới hiểu được các sự vật của Thiên Chúa, chúng ta mới trở nên những kẻ thần thiêng và chúng ta mới hoàn tất được những gì Thần Khí dạy dỗ chúng ta” [4]

Ở đây nữa, chúng ta có lời giải thích của chính Tin Mừng, “Cũng như Cha Thầy đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi”. Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ: “hãy chịu lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22).

Sự quan hệ của chương này cũng do bởi các kết luận thực hành được cha Chevrier rút ra. Các kết luận nhằm cốt yếu việc đào tạo nhiệm vụ sứ đồ. Thoạt xem, có vẻ như chúng mâu thuẫn với những gì được nói về sự cần thiết phải từ bỏ.

“Sự khốn nạn của chúng ta là ở chỗ đó. Ta đã được thai nghén trong tội lụy, hết thảy chúng ta đều mang tính xác thịt và thật xấu xa, ngay cả khả năng có một ý nghĩ tốt cũng không”. [5]

Cứ theo đà tư tưởng ấy, lẽ ra ta chờ đợi những câu kết luận hết sức khắc khe, như cần thiết phải vạch ra cho thiên hạ cách cư xử buộc họ theo, bằng không họ sẽ theo bản tính tự nhiên đi vào nẻo đường lầm lạc. Nhưng trái lại:

“Thần Khí của Thiên Chúa không nằm trong sự trung thành bề ngoài với lề luật hoặc kỷ luật. Khi các bạn đã sắp đặt xong cả hệ thống trật tự bề ngoài, tươm tất, giữ luật kiểu máy móc, cho nhân sự của các bạn và nếu các bạn tưởng rằng thần khí Thiên Chúa đã ở trong đó, các bạn lầm to; rất có thể Ngài chẳng có chút gì trong ấy hết” [6]

Cha Chevrier kiên trì chủ trương một phương pháp đào tạo hết sức mềm dẻo và thong dong. Bởi thực ra, duy Thiên Chúa có thể tác động trong chúng ta một thái độ thực sự từ bỏ thần trí của mình với tư cách một công việc siêu nhiên của trí tuệ. Cần phải là công việc của người phàm, mà của Đức Giêsu Kitô (x. Ys 11, 2).

Phương pháp đào tạo tự do, nhưng phương pháp yêu sách cao, trước tiên cho ông thầy đào tạo, ông ta phải hiến trọn bản thân mình vào đó.

“Bản luật qui đích thật cần được áp dụng cho người ta, đó là: Hãy theo tôi, hãy làm như tôi.” [7]

Thong dong và yêu sách kiểu ấy sẽ gặp nhau khi có một cộng đoàn tông đồ [8]. Ở đây, hơn bao giờ hết, cha Chevrier nói bằng kinh nghiệm.

Thần Khí Đức Kitô, công thức này sẽ trở lui trong các trang tiếp đây. Có cần phải viết chữ “T” hoa để chỉ Thánh Thần, ngôi ba trong Tam Vị? Hay chữ “t” thường, có ý nói về cái tinh thần hay não trạng được nảy sinh trong ta, khi ta đặt mình dưới sự điều động của Thánh Thần? Cha Chevrier đã viết mà không chú ý tới chi tiết chữ nghĩa ấy trong Kinh thánh.

Khi vấn đề là “mua, là sở hữu được” thần trí Thiên Chúa [9], thì đó chắc là sự biến đổi não trạng thể hiện trong ta dưới ảnh hưởng của Thánh Thần. Không có vấn đề mua hay sở hữu chính Thánh Thần vì Ngài tự thông ban nhưng không trong sự tự do tuyệt đối [10]; nhưng cũng chính Ngài ban cho ta thực hiện những hành động đáng giá cần thiết cho sự canh tân thần thiêng của ta [11]

*

Sau khi từ bỏ phần bề ngoài con người chúng ta là thể xác, cần phải từ bỏ thần trí mình là phần chủ chốt của bản thân, bởi đó là thành phần trí tuệ lèo lái con người, chính nó suy nghĩ và điều động tất cả hữu thể.

Có thể nói cách đích thật, đây là chương chính và hệ trọng nhất vì bởi thần trí mà chúng ta suy tưởng, cư xử. Và nếu thần trí tốt, mọi cái còn lại đều tốt, còn nếu thần trí xấu, mọi cái khác cũng xấu theo.

“Đèn của thân thể tức là mắt. Vậy nếu ngươi đơn thuần, thì toàn thân ngươi sáng láng. Nhưng nếu mắt ngươi vạy vò thì toàn thân ngươi sẽ sầm tối.” (Mt 6,22-23; x. Lc 11, 43) [12].

Giáo lý Chúa Giêsu Kitô, Đức Chúa chúng ta về sự từ bỏ thần trí của mình

“Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta.” (Mt 16, 24).

Có gì là chính chúng ta hơn thần trí của ta; vì chính thần trí làm cho ta là ta?

Nói chuyện với Nicôđêmô, Chúa Giêsu bảo ông: Thật, tôi bảo thật ông: “Quả thật, quả thật, tôi bảo ông, ai không bởi Trên sinh ra, thì không thể thấy được Nước Thiên Chúa.” (Ga 3, 3)

Nicôđêmô không hiểu lời Đức Giêsu vừa nói, Giêsu bèn giải thích cho ông như sau: “Quả thật, quả thật, tôi bảo ông, ai không sinh bởi Nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa.” (Ga 3, 5)

Tái sinh bởi nước và Thánh Thần nghĩa là gì, nếu chẳng phải biến đổi thần trí của mình, lìa bỏ thần trí đầu tiên của mình để nhận lấy Thần Khí của Thiên Chúa? Ở chỗ khác, Giêsu nói với ta: “Nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời” (Mt 18, 3).

“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ không vào được trong đó!” (Mc 10, 15)

Cắt nghĩa và xác quyết về giáo lý đó

Đức Chúa chúng ta không thể cắt nghĩa rõ hơn để chỉ cho ta thấy sự cần thiết từ bỏ thần trí của mình, vì Ngài muốn ta tái sinh lại trong một thần trí mới, tức Thánh Thần và ta trở nên như trẻ nhỏ. Không phải qua thể xác mà ta có thể nên bé nhỏ và có thể sinh lại, nhờ bởi Thần Khí.

Tại sao phải từ bỏ thần trí của mình?

Chính Đức Chúa chúng ta cũng nói điều này khi Ngài giải thích cho Nicôđêmô nghe về sự sinh lại lần thứ hai:

“Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí.” (Ga 3, 6)

Tuy thần trí của ta không sinh bởi xác thịt, nhưng nó đã dự phần vào các khiếm khuyết của xác thịt; và khi đến trong ta, nó đánh mất vẻ đẹp riêng của nó, sự chính trực, các đức tính đầu tiên nó lĩnh nhận từ Thiên Chúa ngay từ ngọn nguồn của nó, và nó đã tham gia vào nỗi bất hạnh của ta… vào thói xấu do bởi Ađam di truyền sang, vào thói xấu của xác thịt.

Chúng ta đã được thai nghén trong tội lụy.

Thánh Phaolô nói: “Chúa biết các toan tính của những người khôn ngoan: thật toàn chuyện hão.” ( 1 Cr 3, 20)

“Không phải là tự mình chúng tôi có sức cán đáng nổi, hầu dám kể một điều gì như của mình.” (2 Cr 3, 5)

Đó là nỗi khốn cùng của ta, chúng ta đã được thai sinh trong tội lụy, hết thảy chúng ta đều mang tính xác thịt và cực kỳ tồi tệ, không có khả năng nghĩ được một ý nghĩ tốt lành nào, mà trái lại, ta chỉ có thể sản sinh những tư tưởng xấu, nếu không có ơn Chúa [13].

Từ bỏ thần trí của mình là gì?

Trước tiên là hãy tự xác tín mình chỉ là kẻ cùng khốn tự bản thân và chỉ có toàn những tính mê nết xấu; mà vì thế ta phải từ bỏ chúng quyết liệt và ra sức làm việc hết sức mình để biến cải mình ngay trong thần trí.

Từ bỏ hết mọi thói xấu của trí não.

Ta chưa biết chính mình ta đâu, ta còn đầy dẫy những tính xấu mê mà không hay; và có khi lại coi các tính nết xấu của ta như là đức tính.

Các tính xấu của thần trí là những tính nào?

Đức Chúa chúng ta, khi nói với các người Do Thái, muốn cho ta thấy những điều tai ác ở trong ta… cái cội rễ xấu xa ở trong chúng ta, nên đã đưa ra những lời này:

Chính từ bên trong lòng con người mà xuất ra:

Các tư tưởng xấu, những tội ngoại tình, mãi dâm, giết người, trộm cắp, hà tiện, độc ác, gian xảo, mất nết, con mắt xấu xa, làm chứng gian, lộng ngôn, kiêu ngạo, rồ dại.

“Vì tự trong lòng thì xuất ra những suy tính xấu xa: những là giết người, ngoại tình, dâm bôn, trộm cắp, chứng dối, dèm pha.” (Mt 15, 19; x. Mc 7, 21)

Thánh Phaolô, liệt kê các công việc xác thịt, tức thị những việc không do Thiên Chúa mà do chúng ta, do tự thân tâm ta, tự lòng trí ta, tự bên trong ta, ông nói:

“Mà đã rõ việc làm của xác thịt, tức là: dâm bôn, ô uế, phóng đáng, thờ quẫy, ma thuật, hằn thù; kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén và các điều khác giống như vậy. Và tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng bảo rồi, là những kẻ làm các điều ấy sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp!” (Ga 5,19-21).

Cần phải kể ra đây một số những tính mê tật xấu của thần trí để ai nấy có thể nhận biết ra mình và tìm cách sửa mình.

Các khuyết điểm về thần trí

thần trí

kiêu ngạo

độc lập

phô trương

phách lối

thống trị

thần trí

ưa lý sự

bướng bỉnh

bất tuân

thần trí

dễ mếch lòng

hay hạch sách [14]

thần trí

nhẹ dạ

hời hợt

thơ mộng

lang bang

lơ đễnh

thiếu thực tiễn

hay thay đổi

thần trí

ưa choán vị

ích kỷ

ưa trả thù

khinh khỉnh

ưa thống trị

thần trí

giả hình

dối trá

lắt léo

mưu mẹo

lừa đảo

thần trí

ưa chỉ trích

-

-

-

-

thần trí

ưa nhạo báng

độc địa

thần trí

chống đối

tranh cãi

bất hòa

làm loạn

chia rẽ

thần trí

hay chọc ghẹo

hay kiếm chuyện

càu nhàu khó chịu

thần trí

quá tinh tế

hẹp hòi

quá tỉ mỉ

biệt phái

ngờ vực

cứng nhắc

dai dẳng

thích riêng rẽ

thần trí

vui nhộn

ưa đùa giỡn

cười cợt

ấu trĩ

thần trí

thích phóng đại

giả trá

ngược ngạo

thần trí

tò mò

lắm chuyện

nhiều lời

thần trí

ta đây thông thái

tự cao tự đại

-

thần trí

ra điều sành sỏi

lăng xăng

khó tính

quá sắc bén

thần trí

bệnh hoạn

đầy hoang tưởng

hay lo âu

hay tưởng ảo

thích phù phiếm

thích ngông cuồng

-

thần trí

thích lấy lòng

soi mói

làm hề

-

thần trí

ở trên mây

bất thường

hay thay đổi

lẩn quẩn

vô tư lự

-

thần trí

buồn rầu

man dại

đa nghi

khép kín

thần trí

ưa chuyện gẫu

lắm lời

lừ đừ

lười biếng

ra dáng khôn lanh

thích ăn to nói lớn

nịnh bợ

kiểu cách [15]

Nhờ liệt kê tất cả các tính xấu đó mà ta thấy sự quan trọng của chương sách này

Chúng ta mắc biết bao nhiêu tật xấu vừa kể, thế mà chúng ta lại ăn ở, xét đoán và tự hướng dẫn mình theo hết mọi tật xấu đó.

Bởi đó, có biết bao bước đi sai lầm! Có biết bao vực thẳm ta đang tìm lao tới!

Như lời Đức Chúa phán:

Mắt là ngọn đèn của thân xác các con, nếu mắt các con xấu, toàn thân xác sẽ ở trong bóng tối.

Nếu chúng ta trở nên mù lòa về tinh thần, làm sao có thể tự hướng dẫn mình và hướng dẫn kẻ khác?

Một người mù không thể hướng dẫn một người mù khác, cả hai sẽ cùng rơi xuống vực.

Tính xấu cũng giống như mây mù, hay màn chắn trước mặt ta, ngăn trở con mắt ta nhìn để biết đường mà đi.

Vậy điều quan trọng bậc nhất là phải sửa chữa các tính xấu về thần trí và ngày nào cũng phải cầu xin Chúa ban cho thần trí tốt lành.

Tìm cách sở hữu bằng được một thần trí tốt, quả là điều hệ trọng, là tất cả!

Ở trong ta có ba nguồn ánh sáng soi chiếu cho ta:

lý trí

ma quỷ

và Thiên Chúa.

Thật khó mà phân biệt đâu là ánh sáng thật soi chiếu cho ta. Và nếu ta không có ánh sáng siêu nhiên sáng soi cho ta đến tận cả nguồn sáng riêng của ta, bởi nguồn sáng này thường là bóng tối.

Phải làm việc cách nào để từ bỏ thần trí?

Trước tiên phải chiến đấu chống lại các tính xấu tinh thần

Ta phải biết tất cả những gì do xác thịt mà đến đều là xác thịt; và ta phải chiến đấu chống lại xác thịt, nghĩa là chống lại cái bản tính hư hỏng và đồi trụy, như thánh Phaolô nói.

“Hãy bước đi theo Thần Khí, và anh em sẽ không làm thỏa đam mê xác thịt. Vì xác thịt có những đam mê chống lại Thần Khí; và Thần Khí có những đam mê chống lại xác thịt, đôi đàng cự lại nhau.” (Ga 5,16-17)

“Và trong Chúa tôi căn dặn anh em đừng còn sống như người ngoại sống, theo cái hư phiếm của tâm tư họ: trí khôn mù tối, xa cách với sự sống Thiên Chúa, bưng kín trong dốt đặc, bởi lòng họ đã chai đá.” (Ep 4,17-18)

“Còn tôi thuộc về xác thịt, bị bán làm tôi sự tội. Điều tôi làm ra, tôi không biết, vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét” (Rm 7,14-15).

Trước tiên cần phải chiến đấu với chính mình, đó là cuộc chiến đấu lớn mà chúng ta phải thực hiện; một cuộc chiến kinh khủng, da diết, ta không thể đeo đuổi nó nếu không có ân sủng của Thiên Chúa. Một khi chúng ta đã biết được một vài tính xấu của não trạng chúng ta hoặc chỉ cần một thôi, ta phải áp chiến liền và phấn đấu chống lại nó, cho tới khi, với ân sủng của Chúa, ta thắng được nó.

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (18): Từ bỏ thần trí mình

Cần phải cởi bỏ con người cũ

Chỉ khi chiến đấu liên lỉ chống lại tính mê tật xấu, ta mới dần dần, cởi bỏ được con người cũ. Phải làm sao “cởi bỏ” bằng được.

“Anh em hãy lột bỏ con người cũ với các hành vi của nó, và đã mặc lấy người mới được canh tân, hầu đạt thấu sự am tường đích thực chiếu theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên nó.” (Cr 3,9-10)

Ở chỗ khác, Phaolô bảo ta:

“Anh em hãy tẩy trừ chất men cũ để nên bột mới, anh em là bánh không men: vì Chiên Vượt qua của ta, Đức Kitô, đã chịu sát tế, cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, men gian tà, ác độc, nhưng là với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.” (1 Cr 5,7-8)

Đổi mới tận trong tâm khảm

“Hãy mặc lấy con người mới đã được dựng nên theo Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật.” (Ep 4, 24) Nova creatura (tạo vật mới).

Phải trở nên con người mới bằng cách biến thành con trẻ, dần dần cởi bỏ những gì ta đã lĩnh thụ từ cuộc sinh nở tệ hại lần đầu và dần dần tiếp thu những điều tốt lành trong con người mới được biến tan cho ta. Một kẻ không tái sinh bởi nước Thánh Thần, không thể bước vào nước Thiên Chúa.

Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không vào được Nước Trời.

Cuộc sinh thành mới mẻ này quả là cần thiết để vào nước của con cái Thiên Chúa, cũng là nước Thiên Chúa. Những cộng đoàn tốt lành trên mặt đất đã khởi sự là nước Trời rồi đấy.

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 299-314

------------------------------------------

Chú thích

[1] Tr. 167

[2] Ms X. 715

[3] Ms X. 715

[4] Ms XI. 224

[5] Tr. 308-309

[6] Tr. 319

[7] Tr. 325

[8] Tr. 291-293

[9] Tr. 159, 287

[10] X. Phụ lục I, tr. 717

[11] X. Ep 4,22-24

Ghi chú của người dịch: chữ “esprit” tiếng Pháp gồm rất nhiều nghĩa, làm cho người dịch do dự không biết dịch thế nào cho ổn. Dịch là “tinh thần”, điều người ta thường làm cũng được, song có hai cái bất lợi: chữ “tinh thần” không gần lắm với quan năng trí tuệ mà tác giả nhắm bằng chữ “thần trí”; chữ “tinh thần” không dễ chuyển sang hình thức “chủ vị” như “thần trí” và “Thần Khí”. Vì thế người dịch đã chọn chữ “thần trí”, để từ đó dễ chuyển sang “Thần Khí” (d.g. Vũ Văn Thiện)

[12] Ms XI 224 – Ms XII 37

Có lẽ đây là chương quan hệ nhất trong các chương, vì do chương này mà mọi chuyện khác nảy sinh. Từ bỏ thần trí của mình để mặc lấy thần khí Thiên Chúa, thần Đức Giêsu Kitô. Và chỉ khi chúng ta có được chừng mực nào thần khí Thiên Chúa, chúng ta mới hiểu được các sự vật của Thiên Chúa, chúng ta mới trở nên những kẻ thần thiêng và chúng ta mới hoàn tất được những gì Thần Khí dạy dỗ chúng ta. (Ms. XI 224) Thần Khí Thiên Chúa và thần trí con người khác nhau lắm: thần khí Thiên Chúa là khôn ngoan, thần trí con người là điên dại (Ms. XII 37)

[13] Về ấn tượng bi quan của đoạn này, xin xem nhập đề, phần “Từ bỏ chính mình”, tr. 231

[14] Chỉ những gì họ làm mới là tốt, tất cả những gì người khác làm đều sai (chú thích lấy từ bảng liệt kê bị bỏ)