Câu chuyện về Socrate

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4247 | Cập nhật lần cuối: 12/17/2014 6:27:03 PM | RSS

Câu chuyện về SocrateNếu chúng ta suy xét trong khi ngắm bức tượng bán thân của Socrate còn sót lại trải qua bao nhiêu điêu tàn hoang phế thì ta sẽ nhận thấy rằng Socrate có một diện mạo không đẹp đẽ gì. Một cái đầu hói, cái mặt lớn và tròn, một cặp mắt sâu và nhìn thẳng, lỗ mũi lớn ... Cái mặt đó làm ta liên tưởng đến một người gác cổng hơn là một triết gia danh tiếng vào bậc nhất. Nhưng nếu nhìn lại lần thứ hai ta sẽ thấy rằng, qua những nét khắc trong đá, một cái gì hoà nhã và bình dị thoát ra từ bộ mặt đó, những nét ấy đã làm cho Socrate được hầu hết các thanh niên thành Athènes kính mến. Ta biết rất ít về Socrate, nhưng đồng thời ta hiểu Socrate hơn triết gia có vẻ quý phái như Platon hoặc thông thái như Aristote. Sau hơn hai ngàn năm, ta còn mường tượng được hình dáng của Socrate với chiếc áo choàng thụng thịnh bước từng bước khoan thai trước các đền thờ, tâm tư hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các biến cố chính trị. Ông tụ họp những thanh niên và những học giả xung quanh mình vào những nơi có bóng mát trước cửa các đền thờ để cùng nhau đàm đạo.

Những người đi theo Socrate thuộc rất nhiều thành phần khác nhau, chính những người này đã tạo nên nền triết lý tây phương. Có những người con nhà giàu như Platon và Alcibiade, họ thích lối chỉ trích chế độ dân chủ của Socrate, cũng có những kẻ về phe xã hội chủ nghĩa ưa thích nếp sống nghèo nàn của Socrate và cho đó là một dấu hiệu của sự thánh thiện, cũng có những kẻ chủ trương diệt trật tự như Aristippe, họ chủ trương một xã hội không có nô lệ cũng không có chủ nô lệ, tất cả đều sống tự do và không lo lắng như chính Socrate. Tất cả những vấn đề làm con người suy nghĩ và làm cho những thiếu niên bàn cãi suốt ngày đều được đem ra mổ xẻ trong cái nhóm nhỏ ấy, họ tin tưởng một cách thành thật rằng nếu cuộc đời mà không có bàn luận về triết lý thì đó là một cuộc đời không đáng sống. Trong nhóm nhỏ ấy hầu hết các nguồn tư tưởng của nhân loại đều được đại diện.

Socrate làm gì để sống ? Ít ai biết đến. Ông không bao giờ làm việc, không bao giờ nghĩ đến ngày mai. Ông ăn khi nào có người mời, có lẽ người ta rất thích mời ông vì xem ra ông cũng béo tốt phương phi như ai. Đối với vợ con thì ông ta không được hoan nghênh lắm. Theo Xanthippe, Socrate là một kẻ du thủ du thực chỉ đem về cho gia đình một ít tiếng tăm mà không bao giờ đem về tiền bạc hoặc lương thực. Xanthippe cũng thích đàm đạo như Socrate, những cuộc đàm đạo này, rũi thay, không được lưu truyền. Nhưng chúng ta biết rằng bà ta yêu Socrate và rất đau buồn trước cái chết của người bạn tinh thần.

Tại sao những môn đệ kính mến Socrate đến thế ? Có lẽ tại rằng Socrate là một người trước khi là một triết gia: ông đã khinh thường gian nguy để cứu Alcibiade trong vòng tên đạn khói lửa, ông có tửu lượng rất khá, không từ chối mà cũng không đi đến chỗ say sưa. Nhưng điều làm người ta yêu thích Socrate nhất có lẽ là sự khiêm nhượng của ông ta: ông không tự cho rằng mình hiểu triết lý, ông chỉ đi tìm triết lý, ông là người thích triết lý, không phải là triết gia nhà nghề. Một câu sấm tại đền Delphe cho biết rằng Socrate là người thông minh nhất của xứ Hy lạp. Socrate cho rằng câu sấm này ám chỉ đến thuyết bất tri của ông ta: "Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì hết". Triết lý bắt đầu khi người ta biết hoài nghi, nhất là hoài nghi những niềm tin của chính chúng ta. Biết đâu rằng chính những niềm hy vọng ao ước thầm kín, những khao khát đã trở thành những niềm tin đối với chúng ta ? Biết đâu rằng những tư tưởng có vẻ khách quan chỉ là những niềm ước vọng trá hình. Sẽ không có triết lý nếu chúng ta không chịu khó đi một vòng quanh và quan sát lại chính chúng ta: "Hãy tự biết mình !" Socrate nói thế.

Trước Socrate cũng đã có nhiều triết gia. Những người với lý luận đanh thép như Thalès và Héraclite, tế nhị như Parménide và Zénon, sâu sắc như Pythagore và Empedocle. Nhưng phần nhiều những người ấy là những triết gia hướng về vật lý, họ tìm bản thể của sự vật định lý và yếu tố của thế giới bên ngoài. Những nỗ lực ấy rất đáng khen, Socrate nói, nhưng có một điều vô cùng quý giá hơn những cây cỏ, sông núi, trăng sao, đó là con người. Con người là gì, và con người sẽ đi đến đâu ?

Rồi từ đó ông chuyên chú vào tâm hồn con người, tìm hiểu những định lý, hoài nghi những tư tưởng sẵn có. Người ta thường nói đến hai chữ công bằng, Socrate liền hỏi công bằng là gì ? Anh hiểu gì về hai chữ ấy, tại sao anh dám đem hai chữ ấy để giải quyết vấn đề sống chết của đồng loại ? Danh dự là gì ? Đạo đức là gì ? Bản ngã của anh là gì ? Đó là những vấn đề đạo đức và tâm lý mà Socrate thường tự hỏi. Có những người lấy làm khó chịu về phương pháp của Socrate, một phương pháp đòi hỏi những định nghĩa chính xác, những tư tưởng minh bạch, những phân tích xác đáng. Họ cho rằng Socrate hỏi nhiều hơn trả lời và làm rối trí con người nhiều hơn sau khi đã thụ huấn với ông. Tuy nhiên Socrate đã để lại cho triết học hai câu trả lời minh bạch cho hai bài toán khó khăn nhất của chúng ta: Đạo đức là gì? Quốc gia tốt đẹp nhất là gì ?

Không một vấn đề nào thiết yếu hơn những vấn đề trên. Những nguỵ luận gia đã làm tan rã sự tin tưởng của đám thanh niên thành Athènes đối với các vị thần thánh và những điều khoản luân lý căn cứ vào sự thưởng phạt của các vị thần thánh, bây giờ không có lý do nào kềm giữ họ trong các hành vi của họ nếu không bị pháp luật ràng buộc. Một chủ nghĩa cá nhân lan tràn và làm suy yếu đức tính của người Athènes khiến cho nước này trở nên một món mồi ngon của liên bang Sparte. Về phương diện chính trị, thuyết dân chủ cực đoan đã làm say mê dân Athènes cũng đem đến nhiều điều bất tiện. Quá nhiều quyền hành đã được giao cho quốc hội, các cuộc bầu cử được tổ chức quá vội vàng, người có trách nhiệm như các tướng lãnh đã được tấn phong và cách chức một cách quá dễ dàng, sự chỉ định những nông phu, thương gia làm thẩm phán trong tối cao pháp viện theo thứ tự ABC là những yếu tố làm tan rã một nền hành chính và chính trị vững mạnh. Làm thế nào để thiết lập một nền đạo đức mới, làm thế nào để cứu vãn tình trạng suy đồi của quốc gia do các định chế dân chủ cực đoan gây nên ?

Chính vì trả lời cho các câu hỏi trên mà Socrate đã nhận lấy cái chết và đồng thời trở nên bất tử. Phái thủ cựu có lẽ sẽ thương tiếc ông ta nếu ông lên tiếng bênh vực lối thờ phượng đa thần của ngày xưa, nếu ông xúi giục các môn đệ của ông đến các nơi thờ phượng và dâng lễ cúng cho những đấng thần linh ngày trước. Trái lại, Socrate cho rằng làm như vậy tức là đi ngược với nền tiến triển của nhân loại, đó là một sự tiến tới diệt vong. Ông chủ trương rằng chỉ có một đấng tối cao mà thôi, nhưng ông lại cho rằng một nền đạo đức thực tiễn không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ, ta có thể tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc thần học, hoàn toàn thích hợp với người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo thì xã hội có thể được ổn định mà không cần đến thần học.

Nếu có ai nhận thức rằng con người tốt là con người thông minh, con người đức hạnh là con người khôn ngoan, nếu họ nhận thức được đâu là quyền lợi chính đáng, thấu triệt được luật nhân quả, kiểm soát được lòng ham muốn để khỏi cảnh hỗn độn tự diệt và đi đến một xã hội có kỷ cương, thì họ đã nắm được cái tinh hoa của nền luân lý, họ không cần dựa theo lời răn dạy của thần học hay những điều ngăn cấm khác.

Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra. Người trí huệ cũng bị cám dỗ bởi tham sân si như người vô minh nhưng họ biết dùng trí huệ để chế ngự sự cám dỗ và không rơi vào vòng tội lỗi. Một xã hội sáng suốt là một xã hội trong đó người dân cảm thấy được hưởng quyền lợi thì nhiều, mà bị hạn chế tự do thí ít. Trong xã hội ấy, ăn ở ngay thẳng là giữ đúng quyền lợi mình và an ninh trật tự cũng như thiện chí trong xã hội đều phát xuất từ sự nhận định sáng suốt của cá nhân.

Nhưng nếu chính phủ là một sự hỗn độn và phi lý, nếu chính phủ cai trị mà không giúp đỡ, chỉ huy mà không lãnh đạo thì làm sao có thể thuyết phục người dân đồng hoá quyền lợi cá nhân với quyền lợi xã hội ? Alcibiade nổi loạn chính vì để chống một chính phủ lung lạc nhân tài và mị dân. Không suy nghĩ sáng suốt tất nhiên đi đến cảnh hỗn độn, đám đông quyết định trong hấp tấp và vô ý thức tất nhiên có ngày phải hối hận vì sai lầm. Ai có thể tin rằng đám đông có lẽ phải ? Sự thật thì đám đông luôn luôn ngông cuồng hơn, độc ác hơn những cá nhân hành động đơn độc. Để cho kẻ miệng lưỡi lung lạc quần chúng là một điều sỉ nhục, họ chỉ là những cái máy nói, mỗi khi vặn lên là thao thao bất tuyệt. Việc trị nước an dân là một việc tối quan trọng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và suy xét. Xã hội chỉ có thể được cứu vãn và trở nên hùng mạnh nếu được lãnh đạo bởi những người khôn ngoan và sáng suốt nhất.

Các bạn thử tưởng tượng phản ứng của nhà cầm quyền Athènes khi nghe những lời trên đúng vào lúc phải giải quyết chiến tranh, đúng vào lúc một thiểu số trí thức và quí tộc đang âm mưu một cuộc đảo chánh. Các bạn hãy đặt mình vào địa vị của Anytus nhà lãnh đạo thành Athènes bị cậu con trai về nhà đổ lư hương vì cậu này là một môn đệ của Socrate.

Rồi cuộc nội chiến bùng nổ, phe trí thức và quý tộc choảng nhau hết mình với phe nhân dân. Cuối cùng phe nhân dân thắng. Biến cố này quyết định luôn cả số phận của Socrate : ông là nhà lãnh đạo tinh thần của phe nổi loạn, dù ông có yêu chuộng hoà bình đến mấy cũng mặc, chính ông đã chủ trương thuyết quý tộc cầm quyền, chính ông đã xúi giục đám thanh niên hội thảo. Anytus kết luận: Socrate cần phải chết.

Cái chết của Socrate được Platon kể lại trong một quyển sách bất hủ. Với những lời lẽ cảm động Platon suy tôn bậc Thầy đã hy sinh vì chân lý, vì tự do tư tưởng, thà chết chứ không chịu xin đám đông tha tội vì xưa nay Socrate vẫn khinh thường phán quyết của đám đông.

Socrate bị xử phải uống thuốc độc. Môn đệ của ông tìm cách cứu ông một lần chót: những kẻ giữ ngục đồng ý nhận một món tiền hối lộ và làm ngơ cho Socrate trốn đi. Socrate từ chối. Ông đã bảy mươi tuổi, có lẽ ông nghĩ rằng có chết cũng vừa, vả lại đây cũng là một cơ hội tốt để mà chết. Với các môn đệ đến ngục thất để tiễn đưa Socrate về cõi chết, Socrate nói: Hãy cứ vui đi, các con chỉ chôn cái thể phách của thầy.

Nói xong ông đứng dậy và đi vào phòng tắm với Criton. Chúng tôi (theo Platon kể lại) ngồi đợi ở ngoài, lòng buồn vô hạn. Ông cũng như cha, bây giờ ông chết, chúng tôi không khác gì những kẻ mồ côi. Giờ mặt trời lặn đã gần kề. Khi ông trở ra, ông lại ngồi với chúng tôi, chuyện trò rất ít. Chằng bao lâu người giữ ngục đi vào, đến gần ông và nói như sau: - Ông thật là người cao quý nhất, hiền lành nhất trong đời. Chắc rằng ông không có ý nghĩ giận tôi giống như những kẻ thường chửi bới mắng nhiếc tôi khi tôi tuân lệnh trên, đem chén thuốc độc vào đây cho họ uống. Xin ông thông cảm, tôi với ông không thù hằn gì. Chúc ông can đảm chịu đựng. Nói xong người giữ ngục oà khóc và ôm mặt đi ra ngoài. Socrate trả lời như sau: - Tôi sẽ làm như lời ông nói và chúc ông mọi sự tốt lành. Quay về phía chúng tôi Socrate nói như sau: - Người đó rất tốt với thầy từ lúc thầy vào đây, y đến thăm hỏi luôn, bây giờ y thực tình mến tiếc, nhưng Criton ơi, hãy đem chén thuốc vào đây nếu thuốc đã chế xong. Nếu thuốc chưa chế xong, hãy nói người ta chế. Criton nói: - Thưa sư phụ, mặt trời còn trên đỉnh đồi. Nhiều kẻ đợi trời tối mới uống và trước khi uống họ được quyền ăn uống no say thoả thích. Xin sư phụ chớ gấp gáp, hãy còn thì giờ. Socrate nói: - Những kẻ ấy làm rất phải, vì họ có lợi trong sự chần chờ, nhưng ta thì không thấy có lợi gì khi uống chén thuốc độc chậm hơn một chút, đời của ta kể như đã hết. Hãy làm như ta đã nói và xin đừng từ chối. Criton ra dấu cho người giúp việc, người này đi ra một lúc rồi trở lại với người giữ ngục, tay cầm chén thuốc. Socrate nói: - Ông bạn là người thông thạo về vấn đề này, xin ông cho biết tôi phải làm thế nào? Người giữ ngục trả lời: - Uống xong ông nên đi dạo một lúc, khi nào cảm thấy nặng ở hai chân thì nằm xuống, thuốc sẽ ngấm dần lên đến tim. Nói xong hắn đưa chén thuốc cho Socrate. Socrate nhận lấy một cách vô cùng nhã nhặn, không chút sợ sệt hoặc thay đổi sắc mặt. - Trước khi uống, tôi cần dành một phần chén thuốc để dâng cúng thần linh không ? - Chúng tôi chế thuốc vừa đủ. - Tôi hiểu rồi, nhưng dù sao tôi cũng cầu nguyện thần linh phù hộ cho tôi trong cuộc hành trình sang thế giới bên kia. Nói xong Socrate cầm chén thuốc đưa lên môi và uống một cách vui vẻ.

Từ trước đến giờ chúng tôi cố nén sự đau buồn thương tiếc, nhưng khi thấy ông uống cạn chén thuốc, chúng tôi không còn cầm lòng được nữa. Nước mắt tôi tuôn trào, tôi ôm mặt khóc. Không phải tôi khóc ông, mà chính là tôi khóc tôi từ nay vĩnh biệt tôn sư. Criton khóc trước tôi, y ôm mặt đi lãng xa vì không thể chứng kiến nổi cảnh ấy. Tôi cũng ôm mặt theo Criton. Trong lúc ấy thì Apollodorus đang khóc bỗng thét lên một tiếng làm tất cả chúng tôi đều giật mình. Socrate vẫn bình tĩnh, ông nói: - Cái gì lạ vậy ? Không cho phụ nữ vào đây là để tránh cái cảnh này. Người ta cần phải chết trong thanh tịnh. Các con hãy bình tĩnh và nhẫn nại. Nghe những lời nói ấy chúng tôi hổ thẹn và thôi không khóc. Ông đi dạo một hồi cho đến khi cảm thấy nặng ở chân, rồi nằm xuống đúng theo lời dặn. Người giữ ngục quan sát tay chân ông, đè mạnh xuống hai bàn chân và hỏi: - Ông cảm thấy gì không ? - Không. Người ấy đi lần lên phía trên, vừa đè vừa hỏi. Chúng tôi thấy hai chân ông đã cứng và lạnh, Socrate cũng lấy tay ấn thử và nói: - Khi nào thuốc ngấm đến tim là xong. Khi lạnh đến thắt lưng, ông bỏ miếng vải che mặt và nói: - Criton, thầy nợ Asclepius một con gà, con nhớ trả món nợ ấy. - Con sẽ trả, còn gì nữa không ?

Không có tiếng trả lời, vài phút sau Socrate cử động, người giữ ngục bỏ miếng vải che mặt ra, Criton vuốt mắt và miệng cho người chết. Đó là giây phút cuối cùng của tôn sư chúng tôi, ông là người minh triết nhất, công bằng nhất và tốt nhất.



Thông tin chi tiết

Tác giả: Will Durant.
Trí Hải và Bửu Đích dịch.
Nha Tu thư và Sưu khảo, Viện Đại học Vạn Hạnh.



SOCRATE

Câu chuyện về SocrateTriết gia hiện đại thường là công chức và luôn là nhà văn, và để bù lại cho phần tự do mà hắn có được khi viết lách, thì ngay từ đầu, điều hắn phát biểu đã được đặt trong thế giới hàn lâm, nơi chọn lựa phải sống như thế nào đã mất đi tính mãnh liệt gay go, và cả cơ hội hay trường hợp tư duy cũng dễ bị che khuất. Không có sách báo thì không thể có được một sự linh hoạt nào đó trong hiệp thông, và chẳng có gì đáng nói chống lại sách báo cả. Nghĩ cho cùng, văn viết cũng chỉ là lời nói chặt chẽ hơn mà thôi. Thế nhưng, khi viết thành sách, triết lý không còn chất vấn con người nữa. Điều lạ lẫm, gần như không chịu đựng nổi ở nó đã trốn biệt trong cuộc sống ngăn nắp của các hệ thống lớn. Để tìm lại toàn bộ chức năng của triết gia, phải nhớ rằng ngay cả những triết gia - tác giả, như chúng ta hay người chúng ta đọc, đều vẫn luôn luôn công nhận như gia sư một người chưa bao giờ viết gì, chưa bao giờ dạy gì, ít ra là trong ghế giáo sư Nhà nước, mà bắt chuyện với mọi người Ông ta gặp ngoài đường, một người bị rắc rối với dư luận và với đủ mọi màu sắc chính quyền -- phải nhớ tới Socrate. Cuộc đời và cái chết của Socrate là lịch sử của mối quan hệ khó khăn mà Triết gia thiết lập với giới thần linh của thành quốc, nghĩa là với kẻ khác và với hình ảnh của cái tuyệt đối xơ cứng mà họ chìa vào mặt Ông, khi không còn được che chở bởi sự miễn tố văn học. Nếu là một kẻ nổi loạn, Ông sẽ ít gây sốc hơn. Bởi vì, rốt cuộc thì mỗi người đều biết rằng, trừ mình ra, thế giới như nó đang diễn biến là không thể nào chấp nhận được; và người ta muốn là, vì danh dự của nhân loại, điều đó phải được ghi lại. Thế có nghĩa là sự nổi loạn không làm ai bực bội cả. Với Socrate, đây lại là chuyện khác.

Triết gia dạy rằng tôn giáo là chân chính, và người ta đã thấy Ông hiến tế cho các thần. Ông dạy rằng ta phải tuân lệnh Thành quốc, và Ông là người đầu tiên tuân lệnh, đến cùng. Điều người ta trách Ông, không phải là việc Ông làm, mà là cách thức, là lý do Ông làm. Trong bài Tự Biện, có một câu giải thích được hết cả, đó là khi Socrate nói với các thẩm phán: Thưa quý công dân Athènes, tôi tin tưởng hơn bất kỳ ai trong số những kẻ buộc tội tôi. Lời tự biện cần được suy diễn: Ông tin hơn họ, nhưng Ông cũng tin khác họ, và tin theo một nghĩa khác. Cái tôn giáo mà Ông nói là chân chính, chính là thứ tôn giáo ở đó các thần linh không đấu đá với nhau, ở đó các điềm lành gở đều còn nhập nhằng – bởi vì, rốt cuộc, nói như Socrate của Xenophon, thì chính các thần chứ đâu phải chim chóc dự báo tương lai --, ở đó cái linh thiêng chỉ hiển hiện qua một lời cảnh báo thầm lặng như chàng tiểu quỷ của Socrate, và bằng cách nhắc nhở con người về sự ngu tối của mình. Như vậy, tôn giáo là chân chính, bởi thứ chân lý mà nó không tự biết, chân chính như Socrate nghĩ về nó, chứ không phải như nó tự nghĩ về mình. Và cũng thế, khi Ông biện chính cho Thành quốc, đấy là vì những lý do của Ông, chứ không phải vì lợi ích Nhà nước. Ông không chạy trốn, Ông ra đứng trước tòa. Nhưng chỉ có ít tôn kính thôi trong lời giải thích. Trước tiên, Ông nói: ở vào tuổi tôi, sống cuồng nhiệt đâu còn là mối quan tâm; hơn nữa, có chắc gì ở nơi khác người ta chịu đựng tôi hơn ở Athènes đâu; vả lại tôi vẫn sống tại đây từ hồi nào tới giờ. Còn lại cái luận cứ trứ danh về quyền uy của pháp luật, nhưng cũng cần phải xem xét nó kỹ hơn. Xenophon đã để cho Socrate nói: người ta có thể tuân hành luật pháp mà vẫn mong sao nó thay đổi, như khi ra trận mà luôn cầu có hòa bình. Như vậy đâu có phải vì các điều luật đó là luật tốt, mà chính vì pháp luật là trật tự, và người ta cần ổn định để thay đổi trật tự. Khi Socrate từ chối đào tẩu, đâu phải vì Ông thừa nhận tòa án, mà chính là để phủ nhận nó chính nghĩa hơn. Nếu bỏ trốn, Ông trở thành kẻ thù của Athènes, Ông xác nhận lời kết tội là đúng. Nếu ở lại, dù được tha bổng hay kết án, Ông vẫn thắng, hoặc vì Ông đã chứng minh cho quan điểm triết lý của ông bằng cách buộc các thẩm phán phải thừa nhận nó, hoặc vì Ông cũng chứng minh nó nữa bằng cách chấp nhận lời kết tội. Aristote tuyên bố khi đi lánh nạn 73 năm sau, rằng không có lý do gì để cho công dân Athènes phạm tội với triết học thêm một lần nữa. Socrate có một ý tưởng khác về triết học: nó không phải là một thần tượng mà Ông phải canh giữ, cất giấu nơi nào chắc chắn, nó ở trong quan hệ sống động của Ông với thành quốc, trong sự hiện diện vắng mặt, trong sự phục tùng bất kính của Ông với Athènes. Socrate có một cách thức phục tùng vừa là một cách thức chống đối, cũng như Aristote bất tuân một cách nhã nhặn và danh giá.

Tất cả những gì Socrate làm đều được bố trí quanh nguyên lý ngầm này, khiến người không nắm được cảm thấy khó chịu. Có tội luôn luôn hoặc thái quá hoặc bất cập, luôn luôn giản yếu hơn mà lại ít sơ sài hơn kẻ khác, dễ dẫn chuyện hơn mà lại khó thuyết phục hơn, Ông đặt họ vào thế bất an, buộc họ phải chịu đựng sự xúc phạm không thể tha thứ được là ngờ vực chính mình. Trong cuộc đời, ở Đại hội Quốc dân, cũng như trước tòa, Socrate đứng đấy, nhưng bằng cái cách mà chẳng ai làm gì được Ông. Không hùng hồn, không cả một bài cãi viết sẵn, bởi vì như thế là nhận thực sự vu khống bằng cách bước vào trò chơi kính sợ. Nhưng cũng không thách thức, bởi vì như thế là quên mất rằng, trong một nghĩa nào đó, bọn họ không thể nào xử Ông khác hơn là họ đang xử. Cái triết lý đã khiến Ông phải ra trước thẩm phán đoàn, cũng chính nó khiến cho Ông khác họ; cái tự do đã trói Ông vào họ, cũng chính nó đã bứt Ông ra khỏi loại thành kiến của họ. Cùng một nguyên tắc đã biến Ông thành, vừa con người phổ quát, vừa cá thể đặc thù. Có một phần nào đó ở Ông cũng là nơi Ông là bà con cô bác với họ, phần đó gọi là lý tính, không may đó lại là cái phần họ không nhìn thấy, đối với họ, nó chỉ là mây, là rỗng, là chuyện tào lao, nói kiểu Aristophane.

Đôi khi các nhà bình luận nói: đây là một ngộ nhận. Socrate tin vào tôn giáo và Thành quốc, trên diện tinh thần và chân lý -- còn họ, họ tin nơi mặt chữ. Các thẩm phán và Ông không đứng trên cùng một sân chơi. Giá mà Ông giải thích rõ rệt hơn, người ta đã có thể thấy ngay rằng Ông không tìm kiếm thần linh mới, không bỏ rơi các vị thần của Athènes: Ông chỉ cho các vị một ý nghĩa, chỉ giải thích các vị ấy. Điều bất hạnh là thao tác này lại không vô tội đến thế. Chính trong thế giới của triết gia mà người ta cứu hộ được thần thánh và luật pháp bằng sự hiểu biết, và để bố trí sân chơi của triết học trên mặt đất, đúng là cần phải có những triết gia kiểu Socrate. Nhưng tôn giáo được giải thích, đối với kẻ khác, đấy là tôn giáo bị thủ tiêu, và quan điểm của họ về Ông chính là lời kết tội báng thần. Ông đưa ra những lý lẽ để tuân hành pháp luật, nhưng mà phải có lý do mới tuân thủ đã là điều quá đáng: có lý do này thì sẽ có lý do kia chống lại, còn đâu là sự tôn kính nữa. Điều mà người ta chờ đợi ở Ông chính là điều Ông không thể cho: nhắm mắt tuân hành không có lý do. Socrate, ngược lại, ra trình diện trước các thẩm phán, nhưng để giải thích cho họ Thành quốc là gì. Như thể họ không biết, như thể họ không phải là Thành quốc. Ông không bào chữa cho mình, Ông biện hộ cho chính nghĩa của một thành quốc biết chào đón triết học. Ông đảo ngược vai trò và nói với họ: tôi đâu có bào chữa cho tôi mà cho quý ông đấy. Rốt cuộc thì Thành quốc ở trong Ông, còn họ mới là kẻ thù của luật pháp, chính họ mới là kẻ bị xét xử, còn ông là quan tòa. Một sự lộn đảo không tránh được nơi Triết gia, bởi vì Ông biện chính cho cái vỏ ngoài bằng loại giá trị xuất phát từ bên trong.

Phải làm gì khi chẳng tự bênh vực mà cũng không thách thức cử tọa được? Hãy nói sao để biểu lộ sự tự do trong mọi quan hệ, hãy hóa giải thù hận bằng nụ cười ... Người ta gọi thái độ đó là mỉa mai. Mỉa mai ở Socrate là một quan hệ tuy xa cách mà chân thực với kẻ khác, nó diễn đạt sự kiện căn bản là mỗi người không sao tránh khỏi là mình, và chỉ có thể là chính mình, tuy nhiên vẫn nhận biết mình ở tha nhân, và nó thử cởi trói cho cả hai để cùng đến với tự do ... Như vậy là không có chút tự mãn nào trong thái độ đó cả, đối với bản thân, nó cũng là mỉa mai chẳng thua gì đối với người khác. Nó ngây thơ, Hegel nói như vậy. Mỉa mai ở Socrate không phải là nói ít hơn để đánh đau hơn bằng sự phô trương sức mạnh tinh thần, hoặc khiến ta giả định một hiểu biết bí truyền nào đó. Bản Tự Biện từng nhận định buồn bã: «Mỗi khi tôi thuyết phục được ai là anh ta chẳng biết gì, người ta tưởng tượng là tôi biết tất cả những gì anh ta không biết». Socrate đâu biết nhiều hơn họ, Ông chỉ biết rằng không có sự hiểu biết tuyệt đối, và chính nhờ thiếu hụt đó mà lý trí chúng ta còn rộng mở trước chân lý. Hegel đối lập sự mỉa mai tốt lành này với sự mỉa mai nước đôi, tự mãn, xảo quyệt, gắn liền với khả năng hiện thực là, khi nào muốn, chúng ta đều có thể gắn bất cứ ý nghĩa gì cho bất cứ sự việc gì: đùa giỡn với mọi thứ, cho phép làm tất cả, khiến mọi vật chẳng còn gì khác biệt. Thái độ mỉa mai của Socrate không phải là chứng cuồng loạn này. Hoặc ít ra, nếu có chút dấu vết của sự mỉa mai bệnh hoạn này nơi Ông, thì chính Socrate sẽ giúp ta sửa sai Ông. Chẳng hạn như khi Triết gia nói: tôi bị thù ghét, đấy chính là bằng chứng rằng tôi nói thật; Ông đã sai dựa trên những nguyên tắc của chính Socrate: tất cả những luận cứ đúng đều xúc phạm, nhưng không phải tất cả mọi xúc phạm đều đúng. Hay như khi Ông nói với các thẩm phán: tôi sẽ không ngừng triết lý, dù phải bỏ mạng nhiều lần, Triết gia đã xem thường họ, chọc tức họ, thử thách sự độc ác của họ. Như vậy là có khi Ông cũng bị sự cao ngạo và hung bạo, sự siêu phàm cá nhân và tinh thần quý tộc làm choáng ngợp. Nhưng đúng là người ta đã không để cho Ông lối thoát nào khác ngoài bản thân Ông.

Hegel còn nói rằng: Socrate xuất hiện «vào thời kỳ suy đốn của nền dân chủ Athènes; Ông thoát ly tồn tại để trốn vào nội tâm truy tìm công lý và sự thiện hảo». Thôi đi, đấy mới chính là điều Ông tự ngăn cấm mình làm, bởi vì Ông nghĩ rằng người ta không thể sống công chính một mình, rằng sống công chính một mình không còn là sống công chính. Nếu thật ra cái Socrate bảo vệ chính là Thành quốc, đấy không phải chỉ là cái Thành quốc trong nội tâm Ông, mà là cái Thành quốc tồn tại quanh Ông. Năm trăm người đã tập hợp lại để xử Ông không phải đều là kẻ ngu dốt hay đần độn hết cả: một trăm hai mươi mốt người đã bỏ phiếu Ông vô tội, và chỉ cần ba mươi phiếu đổi bên thôi cũng đủ để cứu Athènes khỏi sự ô nhục. Nhưng còn bao nhiêu người khác có thể phải đương đầu với cùng một nguy hiểm như Socrates, sau Ông. Có thể ta có tự do khêu dậy sự tức giận của bọn ngu đần, rồi tha thứ cho chúng trong sự khinh bỉ và vượt tới cõi bên kia cuộc đời mình, nhưng ta không có tự do xá tội trước cho cái ác mà chúng gây ra cho kẻ khác, và vượt qua phía bên kia cuộc đời của họ. Vì vậy mà phải cho tòa án một cơ hội để hiểu. Khi nào chúng ta còn sống với tha nhân, không có phán đoán nào của ta về họ có thể loại bỏ ta và tạo khoảng cách giữa họ với ta như ngoại lệ. Cái toàn thể là hão huyền, hay cái toàn thể là cái ác, cũng như cái toàn thể là cái thiện, điều chẳng khác với nó bao nhiêu, đều không thuộc về triết học.

Nguồn: (Eloge de la philosophie, tr. 39-44)
Chuyển ngữ: PHẠM TRỌNG LUẬT



A.T