Triết học Tây phương hiện đại

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4504 | Cập nhật lần cuối: 12/17/2014 6:24:11 PM | RSS

Triết học cận đại, nghĩa là tư tưởng triết học trong khoảng 1600 -1900, đã hoàn toàn đi vào lịch sử. Tuy nhiên, triết học của thời đại chúng ta, nền triết học đích thực đang hiện hành, phát xuất từ sự bất đồng với nó, đồng thời phát triển và cố gắng vượt qua nó; do đó, để thấu hiểu tư tưởng ngày nay ta cũng cần có một nhận thức về quá khứ, và chúng ta cũng cần phải cố ghi lại nền tảng và sự phát triển của triết học cận đại trong những nét bao quát.

Ta biết rằng triết học ấy phát sinh từ sự suy sụp của nền triết học kinh viện. Đặc điểm của óc kinh viện này là đa nguyên luận (thừa nhận đa nguyên tính của các thực thể (pluralité dentités) và các đẳng trật của những sai biệt) và chủ thuyết nhân vị (do nhận thức về giá trị nổi bật của thế vị con người), khái niệm hữu cơ về thực tại cũng như thái độ tôn thần (theocentrism) – Thượng đế sáng tạo ở ngay tâm điểm thị kiến. Phân tích chi tiết kiểu luận lý về những vấn đề có thể là đặc điểm của phương pháp kinh viện. Triết học cận đại đối lập tất cả những chủ điểm này. Những nguyên lý căn bản của nó là cơ giới luận (mécanisme), loại trừ khái niệm coi thể tính như là hữu cơ và có đẳng trật, và chủ quan luận (Subjectivism) kéo sự chú tâm của con người ra khỏi Thượng đế và thay đổi trung tâm quan hệ sang chủ tri. Về phương pháp mà nói, triết học cận đại quay lưng lại với luận lý học hình thức (logique formelle). Với một vài ngoại lệ đáng kể, nó được biểu trưng bởi sự phát triển của những hệ thống lớn, và lơ là về sự phân tích.



Thông tin chi tiết

Nguồn: TEMPORARY EUROPEAN PHILOSOPHY
Tác giả: J. M. BOCHENSKI
Triết học Tây phương hiện đại
Tuệ Sỹ dịch.

Mời bạn đón đọc

Triết học Tây phương hiện đại

A.T