Lịch sử Tư tưởng Triết học Việt Nam (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 6798 | Cập nhật lần cuối: 6/4/2015 12:28:15 AM | RSS

Lịch sử Triết học Việt Nam với tư cách là một bộ môn khoa học, nó chỉ mới được ra đời cách đây không lâu. Hiện nay, nó được trình bày rải rác trong các bộ sách về Lịch sử tư tưởng Việt Nam, chẳng hạn như của Nguyễn Đăng Thục (7 tập), của Viện Triết học (2 tập) và của Trần Văn Giàu (3 tập). Đó là chưa kể còn một số sách báo, chuyên khảo ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến nó. Nhìn chung, lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam đã được xới lên; nhiều giai đoạn, nhiều vấn đề đã được nghiên cứu khá sâu. Nhưng đáng tiếc cho đến nay, vẫn chưa có cuốn sách nào về Triết học Việt Nam hay Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

Thực ra, trước khi xuất hiện triết học Mác - Lênin, ở Việt Nam đã có truyền thống Văn, Sử, Triết, Tôn giáo bất phân, bởi vậy, không có triết học với tư cách là một bộ môn khoa học độc lập, mà chỉ có những tư tưởng hay học thuyết triết học nằm trong các cuốn sách về văn, sử hay tôn giáo. Nếu xét ở góc độ những vấn đề cơ bản của triết học trên lập trường của triết học mácxít thì quả thật ở Việt Nam khía cạnh này rất mờ nhạt. Nhưng từ việc, ở Việt Nam trước kia chỉ có những người hiền, hiền triết, minh triết mà nói rằng họ không có các nhà triết học thì e rằng đã dùng con mắt hiện tại mà nhìn nhận, đánh giá người xưa. Việt Nam nằm giữa hai nền văn minh với những hệ thống triết học đồ sộ là Ấn Độ và Trung Hoa, phải chăng về hình nhi thượng (tức bản thể luận, vũ trụ quan), chúng ta đã có hai nền triết học khổng lồ này cung cấp, vấn đề là vận dụng một cách sáng tạo trong điều kiện cụ thể của mình? Thực ra cũng không hoàn toàn hẳn như vậy. Học thuyết triết học Trần Thái Tông, tư tưởng về Lý Khí của Lê Quí Đôn, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, … đã nói lên điều đó.

Bài này, bước đầu chúng tôi trình bày một cách khái quát quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam đến năm 1958, trước khi có sự du nhập của triết học phương Tây. Trong khoảng thời gian đó, lịch sử Việt Nam có thể được phân làm bốn thời kỳ lớn:

Thời kỳ tiền sử kéo dài từ kỷ Hồng Bàng đến hết nhà Triệu, tức là đến năm 110 trước C.N.
Thời kỳ Bắc thuộc: từ 110 trước C.N. đến năm 938.
Thời kỳ phục hồi và xây dựng quốc gia độc lập: từ 939 đến hết thế kỷ XIV.
Thời kỳ ổn định, thịnh vượng và khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam: 1400 – 1858.

Sự phát triển kinh tế xã hội, văn hoá tinh thần ở hai thời kỳ đầu đã tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển của tư tưởng triết học của dân tộc—triết học Việt Nam, trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo.

I. Cơ sở hình thành và đặc điểm của tư tưởng triết học Việt Nam

a. Cơ sở xã hội. Với tư cách là thượng tầng kiến trúc, triết học nhìn chung, nó bị qui định bởi hạ tầng cơ sở, tồn tại xã hội. Vậy cơ sở xã hội của Việt Nam là gì?

Hiện nay, sự phân kỳ xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Trong giáo trình Lịch sử Việt Nam cho rằng thời Văn Lang của các vua Hùng (700-258 tr. CN) và An Dương Vương (257-208 tr. CN) là thời kỳ chuyển từ xã hội nguyên thủy lên xã hội phân chia giai cấp sơ kỳ kiểu phương thức sản xuất châu Á. Theo Phan Huy Lê, từ thời Hùng Vương, An Dương Vương trở đi, nước ta bước vào xã hội phân hoá giai cấp sơ kỳ với kết cấu kinh tế xã hội đặc thù của phương Đông, ... mà chúng tôi tạm gọi là phương thức sản xuất châu Á. Trên nền tảng của phương thức sản xuất này, quan hệ sản xuất phong kiến dần dần nảy sinh và dẫn đến việc xác lập của chế độ phong kiến vào khoảng thế kỷ XV. Như vậy, ở Việt Nam không có chế độ nô lệ. Hồng Phong cho rằng mãi cho đến thế kỷ XV, xã hội Việt Nam vẫn thuộc hình thái của phương thức sản xuất châu Á. Theo Trần Quốc Vượng, từ thế kỷ XIX trở về trước, xã hội Việt Nam là một xã hội tiểu nông truyền thống nằm trong khung cảnh của phương thức sản xuất châu Á. Nếu vậy thì chúng ta không có cả chế độ phong kiến. Chỉ qua đấy ta cũng thấy rằng xã hội Việt Nam là một xã hội phát triển không bình thường.

Vào cuối giai đoạn văn minh sông Hồng, trên cơ sở văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ, nhà nước Văn Lang ra đời, mặc dù đó là nhà nước phôi thai, kết cấu cộng đồng nguyên thủy vẫn chưa hoàn toàn bị thủ tiêu. Nếu phát triển bình thường, nghĩa là quốc gia đó sẽ đi theo qui luật phân hoá giai cấp, phân công lao động, phát triển chế độ tư hữu, ... Nhưng những quá trình đó chỉ vừa mới bắt đầu thì nhà Tần, rồi đến nhà Hán xâm lược, đặt ách nô dịch hơn 1.000 năm. Và cái cộng đồng mang đậm màu sắc nguyên thủy đáng lẽ bị phá vỡ một cách tự nhiên trong quá trình phát triển của nhà nước Văn Lang, thì nay lại phải cố kết lại để tạo nên sức mạnh chống xâm lược và đồng hoá.

Với chiến thắng Bạch Đằng chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc không lâu, nước ta lại rơi vào loạn 12 xứ quân. Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, nhưng chẳng mấy chốc Lê Đại Hành lại phải đem quân chống Tống. Từ đó qua Lý, Trần, Hồ không có triều đại nào là không có kháng chiến chống xâm lược. Tưởng chừng sau kháng chiến chống quân Minh, nước ta có một nền hoà bình lâu dài. Nhưng chỉ 90 năm sau đã xảy ra chiến tranh Nam Bắc triều, rồi tiếp đến Trịnh Nguyễn phân tranh. Tây Sơn lên chưa được bao lâu thì nhà Nguyễn thay thế. Nhà Nguyễn thống nhất được gần nửa thế kỷ thì Pháp đã nổ súng xâm lược.

Đã chiến tranh thì không thể có sự phát triển bình thường được. Sức sản xuất, khoa học kỹ thuật chậm phát triển.

Sự phát triển không bình thường của xã hội Việt Nam còn thể hiện ở cấu trúc kinh tế xã hội. Nhìn đại thể, xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp với chế độ làng xã, chế độ đem lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé một cuộc sống cô lập, biệt lập. Làng xã này tổ chức theo lối gia đình tự cấp, tự túc, bị trói buộc bởi những xiềng xích nô lệ của các qui tắc cổ truyền, từ đó nó làm hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp và đôi khi trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín. Những làng xã này, nếu nhìn từ trên cao xuống, chúng giống như những ốc đảo độc lập, như những mảnh nhỏ của con run sau khi chặt ra nhưng chúng vẫn sống, tồn tại. Và cũng chính nhờ tính chất đó mà ở một số thời kỳ, đặc biệt là thời Bắc thuộc, nước mất nhưng còn làng, và nhờ còn làng mà cuối cùng còn nước. Theo C. Mác, công xã hay làng này là cơ sở bền vững cho chế độ chuyên chế phương Đông; còn cái xã hội truyền thống đó, mang tính chất thụ động, quân bình, ít thay đổi, kéo dài từ những thời hết sức xa xưa cho đến những năm đầu của thế kỷ XIX. C. Mác đã dùng khái niệm”Bất động”, “Tĩnh” để chỉ xã hội phương Đông trong đó có Việt Nam.Trong thư gửi Ph. Ănghen ngày 2.6.1853, ông viết:” Việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất là cơ sở của tất cả các hiện tượng ở phương Đông”. Trong thư gửi lại ông ngày 6.6.1853, Ph.Ănghen nhấn mạnh:” Việc không có sở hữu tư nhân về ruộng đất thực sự là chiếc chìa khoá để hiểu toàn bộ phương Đông”. Chính từ đặc điểm đó mà C.Mác đưa ra khái niệm “Phương thức sản xuất châu Á”.

Vậy, hạt nhân trong phương thức sản xuất châu Á, suy cho cùng là không có sở hữu tư nhân về ruộng đất. ”Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, suất hải chi tân mạc phi vương thần” (Đất đai dưới bầu trời không có chỗ nào không phải là của vua, người trên đất đai ấy không ai là không phải thần dân của vua) (Kinh Thư). Với Phương thức sản xuất châu Á như vậy, nó làm cho xã hội Việt Nam luôn gặp những kết cấu mới xen lẫn các kết cấu cũ, hình thái kinh tế mới xen lẫn hình thái kinh tế cũ. Ngay như từ thời Trần sang thời Lê, đó được xem là một bước ngoặt từ điền trang thái ấp với chế độ nô tỳ sang quan hệ địa chủ tá điền. Về đại thể là như vậy, song địa chủ nhỏ đã có từ thời Lý Trần, còn chế độ nô tỳ vẫn còn tồn tại lâu dài ở thời Lê. Trần Đình Hượu cho rằng phương thức sản xuất châu Á chỉ đưa đến cải lương chứ không đưa đến cách mạng. Với quyền lãnh hữu chứ không có quyền sở hữu, nhiều nước phương Đông dễ tiến lên XHCN hơn là TBCN.

b. Đặc điểm của tư tưởng triết học Việt Nam. Từ sự khác nhau về cơ sở xã hội, phương thức sản xuất, nên triết học ở Việt Nam có những đặc điểm sau:

1. Nếu như triết học phương Tây thường gắn liền với những thành tựu của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, triết học Ấn Độ gắn liền với tôn giáo, triết học Trung Quốc gắn liền với chính trị, đạo đức, thì triết học Việt Nam gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi phản ánh hiện thực đó, triết học Việt Nam hướng chủ yếu đến vấn đề nhân sinh, đạo lý làm người mà tư tưởng trung tâm là yêu nước.

2. Nếu như triết học phương Tây có khuynh hướng trội là đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan (từ bản thể luận đến nhận thức luận, lô gíc học), thì triết học Việt Nam lại có khuynh hướng trội là đi từ nhân sinh quan đến thế giới quan. ở Việt Nam, vấn đề trung tâm, hàng đầu là vấn đề con người, đạo lý làm người (nhân sinh quan), sau đó các nhà tư tưởng mới đi tìm cách lý giải , đặt cơ sở cho những vấn đề trên (thế giới quan). Điều này bị qui định bởi phương thức sản xuất châu Á ở Việt Nam.

3. Tư tưởng triết học Việt Nam là sự thể hiện, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân tộc; nó phát triển từ những ý niệm thô sơ, chất phác về nhân sinh, vũ trụ lên trình độ lý luận, song do khuynh hướng trội nêu trên nên nó thiếu tính hệ thống chặt chẽ và thường là cải biến nội dung các khái niệm trong các học thuyết được du nhập từ bên ngoài nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ đất nước.

4. Cũng chính vì khuynh hướng trội nêu trên mà vấn đề cơ bản của triết học, tức vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức, trong triết học Việt Nam là rất mờ nhạt, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm không trải ra trên khắp mọi vấn đề, nhưng nhìn chung, khuynh hướng duy tâm tôn giáo có vẻ nổi trội hơn khuynh hướng duy vật vô thần.

Nếu triết học phương Tây hơi nghiêng về duy vật, hướng ngoại, thì triết học Việt Nam lại hơi ngả về duy tâm, hướng nội. Nếu triết học phương Tây nghiêng về lấy ngoài để giải thích trong thì triết học Việt Nam lại ngả về lấy trong để giải thích ngoài theo kiểu của cụ Nguyễn Du, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nếu biện chứng trong triết học phương Tây nghiêng về đấu tranh, thì biện chứng trong triết học Việt Nam lại ngả về thống nhất. Nếu vận động, phát triển trong triết học phương Tây đi lên theo con đường xoáy trôn ốc thì vận động, phát triển trong triết học Việt Nam lại đi theo con đường vòng tròn, tuần hoàn.

Tóm lại, đối với xã hội Việt Nam ta thấy có hai điểm nổi bật xuyên xuốt lịch sử, đó là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hai mặt hoạt động này liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, không tách rời nhau. Và chính điều này cùng với cái mà C.Mác gọi là phương thức sản xuất châu Á được chúng ta phân tích ở trên đã quy định đặc điểm của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam.

(còn tiếp)

Nguyễn Hùng Hậu
Tiến Sĩ Triết học — ViệnTriết học Việt Nam

Nguồn: www.cla.temple.edu