Lịch sử Tư tưởng Triết học Việt Nam (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3818 | Cập nhật lần cuối: 6/6/2015 4:43:45 PM | RSS

(tiếp theo)

II. Vài nét về kinh tế, xã hội và thế giới quan của người Việt thời tiền sử

Thời đại đồ đá kéo dài từ mấy triệu năm đến mấy ngàn năm cách ngày nay đã đánh dấu bước chuyển từ hái lượm, săn bắn sang chăn nuôi trồng trọt. Qua những tư liệu khảo cổ ta thấy người Việt cổ bước đầu đã có ý niệm về sự cân xứng, đã có tư duy phân loại (ở Văn hoá Sơn Vi), có lòng tin ở thế giới bên kia, mà ở đó người chết vẫn tiếp tục lao động (công cụ lao động ở bên cạnh người chết ở văn hoá Sơn Vi). Cư dân Hoà bình đã biết chọn nơi cư trú, biết dùng lưu hoàng để vẽ lên người, biết đến nhịp điệu, dùng ký hiệu để ghi. Theo GS. Hà Văn Tấn, đây là quá trình hình thành hoạt động đếm và phạm trù số lượng, từ đó ra đời các số đếm tách khỏi vật đếm (trừu tượng hoá khỏi vật cụ thể). Cuối thời đồ đá mới (3000 năm Tr. CN) với nghề trồng lúa nướ c, người Việt đã có ý niệm về đường tròn, chuyển động quay, có ý thức về nhịp điệu, cân xứng, đã có quan niệm về thời gian, vũ trụ (Trên đồ gốm ở Bắc Sơn đã có mặt trời hình tròn, có hình chữ S, nửa số 8). Họ tôn thờ sức mạnh tự nhiên như mưa, gió, đặc biệt là mặt trời đã trở thành thần linh của họ.

Cách đây khoảng 4000 năm (tức vào 2000 năm tcn) người Việt đã bước vào giai đoạn đồng thau (hợp kim đồng thiếc) - thời kỳ tiền Đông Sơn. Đến thời kỳ Đông Sơn, kỹ thuật đồng thau phát triển cao với sự ra đời của những trống đồng.

Nếu văn hoá tiền Đông Sơn có niên đại từ 2000 đến 700 tcn, ở các lưu vực sông Hồng thì văn hoá Đông Sơn từ 700 tcn đến 100 với việc hình thành quốc gia Văn Lang của các vua Hùng. Thời kỳ Đông Sơn là thời kỳ hình thành cái lõi đầu tiên của dân tộc. Thời kỳ này người Việt đã có sự quan sát thế giới bên ngoài khá tinh tế, từ đó tái tạo, biểu hiện khá chân thực, khéo léo (qua tượng bò, gà, v.v... làm bằng đất nung). Nhìn đồ trang sức cân xứng, tinh xảo, nhẵn, đẹp khiến nay chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Người Đông Sơn đã biết làm chủ nhịp điệu, tuân theo tính đối xứng chặt chẽ và biết đến nhiều dạng đối xứng khác nhau. Điều này thể hiện tư duy trừu tượng khá cao ở họ. Qua trống đồng ta thấy đã có suy nghĩ, nhận xét, tính toán về hình học (đã biết chia hình tròn làm sáu phần bằng nhau, đã biết liên hệ giữa bán kính và đường tròn). Như vậy bước đầu họ đã có nhận thức hình học và tư duy chính xác.

Trên một số đồ gốm (kể cả gốm Phùng Nguyên) các trang trí hoa văn biểu hiện mô hình vũ trụ gồm ba thế giới: Trời, Người và dưới đất, trong đó có sự biến chuyển của mùa màng, đời sống thực vật là liên tục, không cùng, thể hiện qua những đường xoắn nối liền nhau, lặp đi lặp lại. ở đây đã xuất hiện phong cách tượng trưng với những ký hiệu quy ước - bước phát triển mới của tư duy trừu tượng.

Qua các huyền thoại ta còn thấy thế giới thứ tư, đó là thế giới dưới nước. Và như vậy "Tứ phủ" đã hình thành.

Qua các trống đồng ta thấy người Đông Sơn đã có một tri thức khá cao về luyện kim, chế tạo đồ đồng, đồ sắt. Khi tái hiện thế giới hiện thực họ đã không chú ý đến chi tiết của đối tượng được miêu tả, mà chỉ chú ý đến những đặc điểm cơ bản, và thể hiện chúng bằng những đường nét ước lệ, cách điệu nhưng rất sinh động.

Nhà khảo cổ học Pháp Madeleine Colani cho rằng ngôi sao nhiều cánh giữa mặt trống đồng là hình mặt trời, còn người, chim, hươu trên mặt trống đều xoay quanh mặt trời theo chiều ngược kim đồng hồ, trùng với chiều của quả đất xoay quanh mặt trời. Vành ngoài cùng của trống đồng Ngọc Lũ chứa 336 vòng tròn nhỏ ứng với chu kỳ một năm mặt trăng quay quanh mặt trời. Qua trống đồng rất có thể cư dân Đông Sơn đã có lịch pháp riêng cần thiết cho nông nghiệp và hàng hải. Theo Bùi Huy Hồng, thời Hùng Vương đêm có 5 giờ, ngày có 5 giờ. Mỗi giờ lại chia làm 10 khoảng.

Những chiếc thuyền trên tang trống có thể là nghi lễ đưa tiễn hồn người chết, có thể là lễ hội cầu mùa - một lễ nghi chủ yếu của cư dân nông nghi. Rất có thể những nghi lễ nông nghiệp khác như hát đối, tục đua thuyền, tục thả diều có từ thời này.

Thời kỳ Đông Sơn, theo GS. Hà Văn Tấn đã hình thành tư duy lưỡng hợp (lưỡng phân) giữa khô và ướt, lửa và nước, Nhật và Nguyệt, chim và rắn, thấp và cao, v.v. Theo Porée-Maspéro, văn hoá, phong tục, thần thoại, trống đồng,... ở đây đều biểu hiện tính lưỡng hợp, giao tranh, giao hoà giữa các yếu tố đối lập.

Quan niệm về thế giới nổi bật nhất là truyện bánh chưng bánh dầy. Người Việt cổ cho rằng trời thì tròn còn đất thì vuông. Tròn là sáng tạo, vuông là vạn vật. Bởi vậy, bình dân có câu: "Mẹ tròn con vuông", hay "Trăm năm tính cuộc vuông tròn" là vậy. Nhìn chung, tư tưởng triết học Việt Nam thời tiền, sơ sử còn khá đơn giản, mộc mạc, chất phác.

III. Sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam trong cuộc đấu tranh thời Bắc thuộc

Thời Bắc thuộc kéo dài từ thời phụ thuộc vào nhà Hán (110 tcn) (có người cho nó bắt đầu từ Triệu Đà chiếm được nước Âu Lạc của An Dương Vương, năm 207 tcn) tới năm 939 khi Ngô Quyền giành được độc lập. Nhưng trước Ngô Quyền đã có Dương Đình Nghệ, cha con Khúc Hạo nổi dậy trong lúc nhà Đường mất (906), Nam Bắc phân tranh. Bởi vậy, nếu nói thời kỳ Bắc thuộc thì phải kể ra ba thời điểm tương đối quan trọng: Thời Hán (293 năm), thời Ngũ đại (314 năm) và thời Tuỳ Đường (304 năm).

Điểm nổi bật của giai đoạn này là dân tộc ta bị vong quốc, trở nên phụ thuộc, nô lệ, đất nước ta trở thành những châu quận của phương Bắc; nhân dân ta sống trong khổ cực, hờn căm và tủi nhục. Mâu thuẫn cơ bản nổi bật ở đây là cuộc đấu tranh giữa nhân dân ta với quân xâm lược, giữa khuynh hướng Hán hoá và chống Hán hoá. Tuỳ từng thời kỳ, tuỳ thế và lực của mỗi bên mà mâu thuẫn này lúc căng, lúc dịu.

Phân tích thời kỳ Bắc thuộc, một số học giả cho rằng, do ta ở khá xa Trung Quốc, đường xá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên chính quyền đại diện phương Bắc nhiều khi chỉ hữu danh vô thực.

Về mặt tư tưởng, giai đoạn Bắc thuộc cũng là giai đoạn tam giáo (Nho, Phật, Lão) truyền vào nước ta, trong đó Phật giáo là nổi trội hơn cả. Nếu Nho, Lão vào nước ta theo vó ngựa của quân xâm lược thì Phật vào nước ta chủ yếu bằng đường biển trực tiếp từ Ấn Độ. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, mà có nhà nghiên cứu còn cho rằng nó có sớm hơn cả trung tâm Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc. Cuốn "Lý hoặc luận" - cuốn sách đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc, theo nhiều học giả, được Mâu Tử viết ở Bắc Việt Nam. Những khuynh hướng Phật giáo Việt Nam sau này: Thiền, Phật giáo dân gian, v.v... đều có mầm mống ở giai đoạn đầu tiên này (II-III). Năm 580 ở Việt Nam đã xuất hiện dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) và năm 820 lại xuất hiện dòng thiền Vô Ngôn Thông.

Trong "Lý hoặc luận", khi đả phá quan điểm đại Hán, Mâu Tử đã cho rằng đất Hán chưa hẳn là trung tâm trời đất (Hán địa vị tất địa tất vi thiên trung dã).

Mâu Tử đều gọi Nho, Phật, Lão là đạo. Đạo không vì ca ngợi mà thành sang, không vì chê bai mà thành hèn, nó mênh mông như trời, thẳm sâu như biển; nó không có tên, không thể mô tả được. Bản chất của đạo là ở nhà có thể thờ cha mẹ, làm chủ một nước có thể trị dân, riêng bản thân có thể sửa mình. Đạo là con đường dẫn đến “vô vi”. Như vậy, theo Mâu Tử,”vô vi” của Lão là bản thể của đạo, của tam giáo.

Ở Phật, vô vi gần với hư vô, vô tâm, gần với cái lặng sâu kỳ diệu; ở Lão, vô vi là không làm nhưng lại là làm tất cả, sống nhu thuận theo tự nhiên; ở Nho, vô vi là vô tư, đạm bạc, chất phác. Để đạt đến bản thể - vô vi (Ngôi nhà chung) này mỗi giáo đi theo một con đường và vào bằng những cửa khác nhau: Phật dùng bố thí, trì giới; Lão dùng đức giảm dần; Nho dùng nhân nghiã để giữ tính. Người có căn cơ khác nhau thì đi bằng những con đường khác nhau.

Mỗi tôn giáo có phạm vi, ứng dụng khác nhau: Khổng sửa sang việc đời, Phật, Lão để chí vô vi. Như vậy, Nho nghiêng về nhập thế, còn Phật, Lão nghiêng về xuất thế. Mặc dù thế nhưng chúng không đối lập nhau, mà bổ sung cho nhau, trong đó Phật là cao hơn cả. Đó cũng là cuộc tổng hợp, hỗn hợp, hỗn dung, đụng độ đầu tiên giữa Nho,Phật, Lão trên mảnh đất Việt Nam.

Sự hỗn dung giữa tam giáo và tư tưởng bản địa mà hạt nhân là tư tưởng yêu nước tạo nên thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt thời Bắc thuộc.

Tư tưởng yêu nước, ý thức cộng đồng dân tộc ban đầu được thể hiện qua các huyền thoại "Đồng bào" (cùng một cái bọc mà ra) của Lạc Long Quân và Âu Cơ; huyền thoại Kinh Dương Vương cũng nói lên Việt và Hán cùng có chung một tổ tiên - đó là Viêm Đế họ Thần Nông, chứ không phải Hán là Hạ mà Việt là Man Di.

Ý thức cộng đồng đã đạt đến đỉnh cao ở Lý Bí. Sau khi đánh đuổi quân Lương, ông tự xưng là Nam đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Đặt tên nước là Vạn Xuân là có ý đồ mong muốn sự lâu bền muôn đời của đất nước, từ đó tạo lập tư tưởng quyết tâm gìn giữ đất nước độc lập lâu dài.

Qua lăng kính tư tưởng yêu nước, ý thức cộng đồng mà Nho Phật Lão cũng có sự biến cải. Chẳng hạn, Phật ở giai đoạn này cũng phải là người cứu dân ra khỏi lầm than khổ cực bằng cách tham gia chống hạn (Phật Mẫu Man Nương), gạt bỏ những tên quan tham lam tàn bạo (trong tư tưởng của Mâu Tử và Khương Tăng Hội) và nguyền rủa bọn phương Bắc bằng quan điểm gieo ác sẽ gặp ác, gieo gió sẽ gặp bão. Phật ở Giao Châu lúc đầu là ông thần có phép lạ khuyến thiện trừ ác, sau đó trải qua cuộc khủng hoảng ở thế kỷ VI qua sáu bức thư, Phật từ ông thần trên mây được đưa vào tâm người bởi hai phái Thiền Tỳ Li Đà Lưu Chi và Vô Ngôn Thông với quan điểm tức tâm tức Phật, Phật không ngoài tâm, ngoài tâm không có Phật. ở một khía cạnh nào đó có thể nói sự chuyển biến của Phật giáo thời Bắc thuộc là từ chủ nghĩa duy tâm khách quan đi đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Điều này phản ánh một hiện thực lịch sử là muốn đứng lên giải phóng dân tộc không thể trông chờ vào một lực lượng siêu nhiên bên ngoài mà phải phát huy nội lực vốn có của dân tộc, của mỗi con người. Như vậy, lịch sử cho thấy, mặc dù thời Bắc thuộc kéo dài hàng ngàn năm nhưng chúng ta không bị đồng hoá vì:

Thứ nhất, như ta đã phân tích, nhân dân ta luôn có ý thức cộng đồng, tinh thần yêu nước lúc ngấm ngầm, khi trào dâng, càng ngày càng mãnh liệt. Bởi vậy, không sớm thì muộn nhất định chúng ta sẽ giành được độc lập.

Hai là, về mặt văn hoá, chúng ta đã có một nền văn hoá bản địa phát triển từ thời các vua Hùng. Mặt khác, đến thời kỳ Bắc thuộc, để đối trọng với văn hoá Trung Hoa mà đại diện là Nho giáo, người Việt xưa đã xiển dương nền văn hoá Ấn Độ mà đại diện là Phật giáo. Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo ở giai đoạn Bắc thuộc lại là Phật giáo mang đậm màu sắc Ấn Độ. Điều này nói lên rằng trong những buổi đầu dựng nước và giữ nước, vô tình hay hữu ý, ông cha ta đã biết chống lại sự đồng hoá về mặt văn hoá của Hán tộc, bằng cách đề cao một nền văn hoá khác lớn không kém gì văn hoá Trung Hoa - Văn hoá Ấn Độ mà đại diện là Phật giáo Ấn Độ. Qua sự đối trọng này mà văn hoá bản địa vẫn được duy trì, giữ vững và tiếp tục đi theo con đường của riêng nó. Không những thế nó còn tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá nhân bản khác để làm phong phú thêm cho nền văn hoá của mình. Và cũng chính điều đó quy định trước việc đề cao Phật giáo ở những giai đoạn sau, giai đoạn Đinh, Lê, Lý, Trần.

(còn tiếp)

Nguyễn Hùng Hậu
Tiến sĩ Triết học - ViệnTriết học Việt Nam

Nguồn: www.cla.temple.edu