Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Valentine

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3848 | Cập nhật lần cuối: 8/9/2018 10:30:14 PM | RSS

Trước đây, Valentine's Day chỉ là ngày lễ ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng ngày nay nó đã trở nên phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

1. Nguồn gốc ngày Valentine

Ngày 14/2 hàng năm được gọi là “Ngày lễ tình yêu” hay “Ngày lễ tình nhân”, được đặt theo tên thánh Valentine. Đây là ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa. Họ bày tỏ tình yêu của mình bằng cách gửi cho nhau thiệp Valentine, hoa hồng, sôcôla hay các quà tặng mang nhiều ý nghĩa.

Truyền thuyết về nhân vật Valentine

Có nhiều lời giải thích khác nhau về nguồn gốc Ngày lễ tình yêu, gắn với tên thánh Valentine. Trên thực tế, có tới ba nhân vật tên là Valentine hay Valentinus được phong thánh nên người ta vẫn còn bàn cãi xem vị nào là nguồn gốc lịch sử của ngày Valentine. Dù còn ít nhiều quan điểm chưa thống nhất về ngày lễ Thánh Valentine, nhưng điểm chung giữa các câu chuyện về các vị này là họ đều chết vì tình yêu chân chính, cao cả và vì chính nghĩa.

- Truyền thuyết phổ biến nhất kể: Valentine là tên một vị linh mục sống dưới triều đại các Hoàng đế La Mã Decius và Claudius II. Năm 250, Hoàng đế Decius ra chỉ dụ trừng phạt tất cả những ai không tôn thờ Hoàng đế. Chỉ dụ này nhắm vào Kitô hữu vì họ chỉ thờ Thượng đế. Vì vậy, nhiều người Kitô giáo đã bị bắt bỏ tù và xử tử hình, trong số đó có cha Valentine, bị bắt năm 268.

Linh mục Valentine là người thông thái, đức độ nên được người La Mã tin yêu. Hoàng đế Claudius tìm cách chất vấn ông để tìm hiểu và chiêu dụ ông nhằm răn đe những người khác, song không thành. Vì vậy, Hoàng đế đã ra lệnh tống giam linh mục Valentine. Bị nhốt trong ngục, cha Valentine đã cảm hóa được quan coi ngục tên là Asterius, khi chữa lành bệnh cho con gái viên coi ngục này. Cảm kích trước tấm lòng của cha Valentine, Asterius cùng toàn gia đình 46 người xin rửa tội theo đạo Kitô. Lo sợ việc này sẽ đe dọa vương quốc, Hoàng đế La Mã truyền lệnh chém đầu linh mục Valentine vào ngày 14 tháng 2 năm 270 trên đường Flaminius.

Cái chết của linh mục Valentine đã gây xúc động và mến phục trong dân chúng và Kitô hữu. Cái tên Valentine trở thành biểu tượng cho tình yêu thương cao cả.

- Truyền thuyết (2) là vào thế kỷ thứ III, ở một vùng đất gần thành Roma (Italy), có một linh mục tên là Valentine. Khi đó Hoàng đế trị vì là Claudius II đã ban một sắc lệnh cấm các chàng lính trẻ lấy vợ khi đang thực hiện nghĩa vụ trong quân đội. Lý do là vì ông lo ngại việc hôn nhân-gia đình sẽ là gánh nặng làm lung lay và cản trở ý chí quyết tâm xả thân bảo vệ tổ quốc của quân lính.

Không chịu khuất phục trước quyết định phi lý này, linh mục Valentine, nhân danh tình yêu cao cả vẫn bí mật đứng ra tổ chức các lễ thành hôn cho nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết, theo đúng nghi thức quy định của Thiên Chúa giáo. Khi mọi chuyện vở lỡ, Hoàng đế Claudius đã ra lệnh bắt giam và chém đầu linh mục Valentine vào ngày 14/2.

(...)

Ngoài ra còn nhiều truyền thuyết khác xung quanh ngày Lễ Thánh Valentine. Dù có khác nhau, song các truyền thuyết này đều thấm đậm chất trữ tình, lãng mạn như tên của nó “Valentine”.

Tuy con người về cơ bản giống nhau, nhưng ở mỗi nơi trên thế giới, người ta lại đón mừng ngày lễ này theo các cách khác nhau.

2. Ý nghĩa của ngày Valentine Đỏ (14/2)

Valentine Đỏ (14/2) là ngày lễ Tình nhân truyền thống. Chuyện kể rằng, ngày xưa, tại La Mã, có một vị hoàng đế độc tài và tàn ác, ông ta cho rằng những người đàn ông đã lập gia đình sẽ yếu mềm hơn và không thể là những người lính thiện chiến, chính vì thế, ông đã ban hành sắc lệnh cấm kết hôn để đảm bảo chất lượng binh sĩ. Khi đó, những người muốn đến với nhau đều cảm thấy bất lực bởi bức tường ngăn cản quá lớn.

Lệnh cấm thực sự là một cú sốc lớn đối với dân chúng thành La Mã, nhưng họ không dám lên tiếng phản đối lại đế chế hùng mạnh này. Khi đó, vị giám mục tên Valentine đã nhận ra sự bất công của luật cấm. Đức giám mục cảm nhận được sự đau xót của các đôi bạn trẻ đang yêu, những người muốn xây dựng một mái ấm gia đình.

Đôi bạn nào muốn kết hôn đều tìm gặp giám mục Valentine, để xin đức cha chủ sự hôn lễ bí mật cho họ. Đức cha đã cử hành nhiều buổi hôn lễ cho nhiều đôi trong một thời gian dài.

Đức cha Valentine bị hành hình ngày 14/2/269...(*) Và từ đó trở đi, cứ đến ngày 14/2 hằng năm, người dân tại đây lại gọi đấy là ngày Valentine’s Day hoặc Saint Valentine’s Day và giám mục Valentine được xem là vị thánh bổn mạng của những người đang yêu.

Image result for saint valentine

Ảnh: malcolmguite.wordpress.com

Cũng có nơi cho rằng ngày Valentine chính là ngày các cô gái thể hiện tình yêu của mình bằng cách tặng cho chàng trai mình thầm thương trộm nhớ một món quà. Nếu chàng trai đó cũng yêu thương cô thì chàng trai đó sẽ tặng lại cô gái một món quà vào ngày 14/3 - Valentine trắng.

3. Ý nghĩa của ngày Valentine trắng (14/3)

Tình yêu luôn luôn cần sự mới mẻ mỗi ngày, chúng ta dường như yêu nhau nhiều hơn sau những giấc mơ dịu dàng, nên một ngày Valentine dường như là không đủ. Chính vì thế mà ở Nhật Bản - đất nước mặt trời mọc, sự ra đời một ngày lễ Tình nhân nữa ra đời và nhanh chóng được các bạn thanh niên đón nhận.

Nếu ngày Valentine ở Nhật Bản là dành cho các chàng trai thì ngày Valentine Trắng hay White Day là dành cho các nàng. Đây chính là cơ hội để những chàng trai đã nhận được quà tặng vào ngày Valentine có thể đáp trả lại tình cảm của những cô gái đã tặng quà họ.

Ngày Valentine trắng ra đời như sau: Vào năm 1965 tại Nhật Bản, một chàng trai bán kẹo dẻo muốn đáp trả lại tình cảm của cô gái thầm thương trộm nhớ mình hôm Valentine Đỏ nên đã làm tặng nàng một hộp kẹo thật bự, trắng như tuyết. Đó cũng chính là sự tích Ngày Trắng.

Đến ngày nay, Ngày Trắng dần được mọi người “chuyển thể” lại thành White Valentine, White Day, Ngày đáp trả. Trong ngày này, không còn gì ý nghĩa hơn là việc bạn sẽ đáp trả lại người con gái đã yêu mến mình trong suốt thời gian qua bằng những món quà hoặc lời nói thật cảm động, dễ thương và chân thành.

Valentine trắng là một ngày mà các cô gái đều mong muốn được nhận lại món quà để khẳng định tình cảm của chàng trai mình thương mến. Trong ngày này, ở Nhật các chàng trai sẽ tặng lại các cô gái một món kẹo hoặc socola màu trắng. Còn trên thế giới các chàng trai sẽ tìm cách thổ lộ tình cảm của mình để đèn đáp sự mong chờ và tình cảm của các cô gái.

4. Ý nghĩa của ngày Valentine Đen (14/4)

Thoáng nghe qua bạn sẽ nghĩ rằng đây có thể là ngày lễ dành cho những người vừa… tan vỡ chăng vì nghe tên gọi đã thấy đen xịt rồi? Thực ra đây cũng là một ngày lễ bắt nguồn từ Hàn Quốc dành cho những bạn trẻ đang độc thân (hay gọi thân thương là “Hội FA”), sẽ tụ hội lại cùng nhau tổ chức tiệc tùng nhằm “tự thưởng” cho bản thân cũng như tạo cơ hội cho chính mình.

Tại xứ sở Kim Chi thì “Hội độc thân” sẽ rủ rê nhau đi ăn Jajangmyun (những bát mì đen) như một cách “hô to với thế giới” rằng “FA” không hẳn là chán.

Thực tế, không phải đợi đến tận ngày 14/4 mà các bạn trẻ độc thân mới có cơ hội tụ tập ăn uống với nhau. Ngay cả vào những ngày Valetine đỏ (14/2) và Valentine trắng (14/3) hội những người độc thân vẫn gặp nhau và vui vẻ bên nhau.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Valentine

Tường Vy (Theo Reatimes)

Nguồn: baomoi.com

------------

(*) Hiệu đính của BBT