Phong tục truyền thống đón Giáng sinh ở các nước

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4325 | Cập nhật lần cuối: 12/29/2015 2:25:46 PM | RSS

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas (từ tiếng Pháp Noel, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta") là lễ kỷ niệm ngày Chúa Jesus thành Nazareth ra đời của phần lớn người Kitô giáo.

Họ tin là Đức Giêsu được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã giữa năm sáu trước Công nguyên. Ngày nay, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế.

Một số nước ăn mừng Noel vào 25/12, một số nước lại vào tối ngày 24/12. Theo Công giáo Roma, lễ chính thức là ngày 25/12 còn gọi là "lễ chính ngày," còn lễ đêm 24/12 gọi là "lễ vọng." Tuy nhiên, lễ đêm 24/12 thường thu hút tín đồ tham dự nhiều hơn. Những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7/1 theo lịch Gregory.

Vào dịp lễ, các nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy với đèn, ngôi sao, hoa và hang đá biểu tượng cho nơi Thiên Chúa sinh ra tại Bethlehem và đều có buổi lễ đặc biệt đón mừng ngày sinh của Chúa.

Vào đêm Giáng sinh, ông già Noel ngồi trên chiếc xe trượt tuyết do tuần lộc kéo, đi khắp nơi, tặng quà trẻ em. Những món quà được ông già Noel bỏ vào những chiếc tất treo đầu giường và sáng hôm sau, khi thức dậy, trẻ em rất sung sướng khi được nhận quà.

Giáng sinh năm nay đang đến rất gần với tất cả mọi người trên khắp hành tinh này và tại mỗi quốc gia, khu vực đều có cách đón Giáng sinh theo nét văn hóa truyền thống riêng của mình.

Tại Anh: Giáng sinh diễn ra trong ba ngày: Christmas Eve (24/12), Christmas Day (25/12) và Boxing Day (26/12); trong đó, người ta không ăn lễ nửa đêm ngày 24 mà vào chiều 25/12. Đêm 24/12, họ đi dự lễ, khi về là ngủ ngay.

Đối với họ, lễ sáng 25 mới là buổi lễ quan trọng. Thông thường, các thành viên gia đình gặp gỡ, tặng quà, chúc mừng nhau và có buổi ăn chính. Từ chiều ngày 24, cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, trường học, công sở đều đóng cửa… Anh là quốc gia đầu tiên trưng cây tầm gửi (biểu tượng cho hòa bình và hạnh phúc) trong dịp Giáng sinh.

Trẻ em thường viết những lá thư cho ông già Noel rồi ném chúng vào lò sưởi để chúng có thể lơ lửng trên ống khói và bay đến được Bắc Cực - nơi ở của ông già Noel. Vào đêm Noel, những chiếc bánh pudding được dùng làm thức ăn bên cạnh những vật trang trí với hy vọng sẽ mang lại may mắn cho mọi người. Chính người Anh là những người đầu tiên thực hiện phong tục này, sau này chiếc bánh pudding đã xuất hiện trên bàn tiệc Giáng sinh của nhiều nước khác.

Tại Mexico: Ở thủ đô, người dân đón mừng Giáng sinh bằng cách cùng nhau dựng một cây Noel cao đến 45m. Còn theo phong tục, vào đêm trước lễ Giáng sinh, nhiều ca sỹ Mexico mang chuông và nến đi khắp các ngả đường trước khi đến nhà thờ. Nụ cười luôn nở trên môi người dân Mexico cùng với tiếng nhạc sôi động, những điệu nhảy và nhiều trò chơi. Sau đêm Giáng sinh là một ngày yên tĩnh kỳ lạ, các con đường luôn vắng vẻ vì người Mexico còn ngủ để lấy lại sức.

Phần Lan, người dân có tục lệ đi tắm hơi trước khi ông già Noel ghé thăm. Vào ngày Noel, hầu hết mọi người đều đến Nhà thờ, sau đó đi thăm mộ những người thân trong gia đình để tưởng nhớ những người đã khuất.

Người dân nơi đây chuẩn bị đón Noel cả tháng trước đó để chắc rằng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Trong đêm Noel, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên bữa tối.

Món ăn Noel truyền thống gồm có thịt heo bỏ lò, khoai tây nghiền, cá hồi, cháo đặc và gà tây. “Joulupukki” - ông già Noel Phần Lan, luôn ghé thăm mọi nhà bằng cửa chính và ông luôn hỏi các bé có ngoan không trước khi tặng quà.

Tại Ukraine: Ngày Giáng sinh chính thống của đất nước này là 7/1 và ông già Noel đến thăm trẻ em bằng chiếc xe trượt tuyết được kéo bởi ba con tuần lộc chứ không phải bằng sáu con như thường lệ. Ông già Noel đi cùng một cô bé tên là “Cô bé bông tuyết” vì cô mặc y phục màu xanh bạc và đội một chiếc mũ bông tuyết trắng.

Italy, theo tục lệ truyền thống, vào đêm sau ngày lễ Noel, không phải ông già Noel mà là bà già Noel tên là Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em. Truyền thuyết kể rằng bà Noel bay quanh nước Italia trên một cây chổi và tặng đồ chơi, kẹo, trái cây cho những trẻ em ngoan, đồng thời cũng phạt những đứa trẻ không ngoan.

Tại Áo: từ ngày 6/12, ông già Noel đã đi phát kẹo, hạt dẻ và táo cho trẻ em. Còn đến ngày 24/12, lại là một em bé có cánh tên là Kristkindl mang quà và cây thông Noel cho trẻ em.

Trẻ em sẽ chờ đợi tới khi nào nghe tiếng chuông leng keng mới được bước vào phòng vì nơi đó có cây thông Noel được trang trí những ngọn nến và kẹo mứt đang chờ chúng.

Tại Pháp: trẻ em để những đôi giầy của mình gần đống lửa vào đêm trước Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel; trong khi đó, những trẻ em lớn hơn sẽ đi với người lớn tới nhà thờ lúc nửa đêm rồi mới quay về nhà dùng bữa ăn nhẹ gọi là “lere’veillon.”

Người Pháp còn tổ chức những màn biểu diễn con rối vào đêm Noel, phổ biến nhất là ở Paris và Lyons.

Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ Pháp sẽ mua Phong tục truyền thống đón Giáng sinh ở các nướccho con mình một tấm lịch “Calendrier de I’Vvent.” Bên trong tấm lịch đặc biệt này là những viên kẹo socola vuông, mỗi viên kẹo ứng với một cửa sổ, có đánh số ngày, từ mùng 1 đến 24, sắp xếp lộn xộn. Mỗi sáng, trẻ em phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt này chỉ dành cho tháng Noel.

Đức, người lớn thường kê một chiếc bàn gần cửa sổ, với nhiều bát đĩa. Trẻ em vẽ những bức tranh để trên cửa sổ suốt đêm để ông già Noel không quên trút đầy kẹo bánh, quà thưởng vào bát đĩa cho chúng. Người Đức yêu thích một loài hoa gọi là hoa Giáng sinh vì những cánh hoa vẫn nở tươi giữa trời tuyết lạnh giá.


“Alle Jahre wieder” tức là “Đến hẹn lại lên” - câu thành ngữ ấy luôn nảy ra trong tâm trí người Đức mỗi mùa Giáng sinh về. Từ đầu tháng 12, khắp nước Đức đều xuất hiện những phiên chợ đặc biệt, từ những phiên chợ chỉ vài ba gian hàng ở những thị trấn nhỏ trang trí bằng lồng đèn với cành thông đơn giản, cho đến những hội chợ lớn ở các đô thị tràn ngập không khí thương mại và tưng bừng niềm vui đại lễ.

Đi chơi chợ Giáng sinh là truyền thống của người Đức. Loại hàng hóa nổi tiếng nhất của chợ là bánh "Dresdner Christstollen.” Thuở xưa, còn có tên là bánh Striezel - nổi tiếng đến mức chợ cũng mang tên loại bánh này. Hiếm có ai, nhất là khách du lịch đến chợ lại không thưởng thức loại bánh này và mua về làm quà tặng cho người thân.

Trung bình mỗi năm, những phiên chợ mùa Giáng Sinh này đã mang về cho ngành du lịch nước Đức gần 8 tỷ USD.

Nếu có dịp đến Bỉ vào tháng 12 này, bạn có thể tới coi khu chợ Noel tại Thuin, một khu chợ độc đáo, có nét giống chợ nổi của Việt Nam. Hàng chục các cửa hàng rực rỡ ánh màu lung linh dội xuống bến cảng khiến không khí thật tưng bừng.

Những chiếc thuyền này chỉ hoạt động trong mùa chợ Noel. Mỗi năm lại có thêm vài ba chiếc thuyền mới nhưng phong cách vẫn là ông già tuyết xuất hiện vui chơi cùng con trẻ và chủ yếu bán các vật trang trí cho Noel.

Còn đến với khu chợ Noel Val-David, bạn sẽ không thể nào làm ngơ trước những hương vị khác nhau. Mùi kẹo, chocolale, thịt nướng, nước sốt, gia vị, mứt, trái cây khô, hàng thủ công mỹ nghệ... hòa quyện lẫn nhau như muốn mang đến cho gia đình bạn một đêm Noel tràn đầy ý nghĩa.

Trẻ em đến đây có thể nhận từ tay ông già Noel nhiều thứ quà vặt bắt mắt, thơm ngon...

Tại Nga: Giáng sinh ở đây rất thiêng liêng. Giáng Sinh diễn ra 12 ngày trước lễ rửa tội Đức chúa Hài đồng, khi mà mọi người đều vinh danh Thiên Chúa.

Theo truyền thống vào những ngày này, các tín đồ Chính thống giáo đến viếng những địa điểm thiêng liêng, làm phúc cho người nghèo, thăm người bệnh và người tàn tật, trao đổi các quà tặng.

Trong những ngày này tại khắp nước Nga đã diễn ra các hoạt động lễ hội, các buổi biểu diễn dành cho trẻ em và cả người lớn. Quảng trường trung tâm của thủ đô Mátxcơva sẽ biến thành sân khấu đặc biệt. Người dân tổ chức các hoạt động lễ hội, các buổi biểu diễn với sự tham gia của các tập thể âm nhạc, hợp xướng và vũ đạo. Các buổi biểu diễn này được minh họa bằng việc chiếu các chủ đề liên quan đến lịch sử Kito giáo ở Nga và tô điểm thêm bằng những trận pháo hoa rực rỡ.


Quảng trường được trang trí bởi các pho tượng bằng băng, các dãy đèn lấp lánh, các quầy bán hàng được thiết kế theo kiểu Nga cổ truyền. Tất nhiên, không thể thiếu một cây thông năm mới cực lớn và được trang hoàng lộng lẫy.

Ngoài ra, mọi người cũng có thể tham gia vào những hoạt động kỷ niệm Giáng sinh ở bất kỳ công viên nào của Mátxcơva. Tại công viên văn hóa mang tên Gorky, có cuộc thi trượt băng quần chúng, kèm theo nhiều chương trình nghệ thuật dân gian, phục hồi đúng những nghi lễ cổ.

Trong công viên “Sokolniki” có tổ chức các trò chơi cho trẻ em, có những buổi biểu diễn với sự tham gia của những nhân vật từ truyện cổ tích, các chú hề và nhiều búp bê cao su bơm hơi rất lớn.

Tại khu vườn lớn bao quanh viện bảo tàng “Saritsino,” trẻ em và người lớn có thể cưỡi ngựa và tham gia vào các trò chơi dân gian rất vui như kéo co, thi ném tuyết và thậm chí có cả trận chiến đấu sôi nổi hào hứng chỉ để chiếm lĩnh pháo đài bằng tuyết…

Na Uy: đêm Noel, người dân sẽ đặt một tô cháo mạch trong nhà để thờ thần bảo vệ nông trại, cầu mong ông đem lại một năm mới ấm no. Khi bọn trẻ lần đầu tiên thấy cây Noel của chúng đã được trang hoàng cùng với quà bánh, đồ chơi thì cả gia đình sẽ cùng nắm tay nhau và nhảy múa hát hò chung quanh cây Noel. Julenissen (Chú lùn Giáng sinh), đội một chiếc mũ chóp dài với bộ râu dài trắng xóa, mang quà đến cho trẻ em. Mọi người trong gia đình cũng tặng quà nhau trong ngày Giáng sinh.

Trong quá khứ, trẻ em Na Uy mặc trang phục ngày Giáng sinh và đi từ nhà này sang nhà khác để đòi quà, cũng giống như trẻ em Mỹ trong lễ Halloween. Đứa trẻ dẫn đầu sẽ hóa trang thành con dê và phong tục này được gọi là “going Julebukk.” Ngày nay, trẻ em ở vùng nông thôn của Nauy vẫn còn giữ phong tục này.

Tại Ba Lan: gia đình người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9… và số người tham gia phải luôn bằng con số đĩa.

Phần quan trọng đặc biệt của bữa tiệc là lúc bẻ chiếc bánh oplatek, là chiếc bánh quế mỏng có in quang cảnh Chúa Jesus ra đời. Chiếc oplatek bẻ ra được chia cho tất cả mọi người trên bàn ăn.

Tại Đan Mạch: thời xưa theo Công giáo, nhưng đã đổi theo Tin lành, ngày nay Công giáo chỉ là thiểu số. Đêm Noel khi bọn trẻ lần đầu tiên thấy cây Noel của chúng đã được trang hoàng cùng với quà bánh, đồ chơi thì cả gia đình sẽ cùng nắm tay nhau và nhảy múa hát hò chung quanh cây Noel.

Nhảy múa quanh cây noel, hát vang thánh ca và những bài nhạc Giáng sinh với lá cờ tổ quốc là cách đón Giáng sinh quen thuộc với người dân ba nước Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Điển.

Tại Ireland: người Ireland thắp nến trên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc những người qua đường mệt mỏi đang tìm nơi dừng chân vào trong nhà của họ. Theo truyền thống, bất cứ người qua đường nào đã dừng chân tại một ngôi nhà có thắp nến trên cửa sổ thì đều được chủ nhà mời ăn tối và một chỗ để nghỉ đêm.

Ngày lễ Thánh Stephen, một ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày quốc lễ của Ireland. Các chàng trai trẻ, được coi là các con chim hồng tước, đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi. Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen.

Ngày nay, người ta không còn dùng chim hồng tước thật nữa. Trẻ em thường dùng túi nhỏ thay vì tất để đựng quà của ông già Noel. Chúng còn để cạnh đó bánh ngọt và nước uống để ông già Noel có thể dùng bữa.

Ở Mỹ được coi là nơi có nền văn hóa đa dạng và nhiều tập tục, do đó thật khó nói về một lễ giáng sinh chỉ của riêng người Mỹ. Các hoạt động trong lễ hội này sẽ tùy thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi gia đình. Lễ mừng Giáng sinh ở Mỹ có pha trộn hương sắc của Ireland, Australia, Ba Lan và Bỉ.

Lễ Giáng sinh tại Mỹ được kỷ niệm theo nhiều cách, mỗi cách phản ánh một truyền thống riêng. Những đứa trẻ của đảo Hawaii tin rằng ông già Noel đến từ một chiếc thuyền.

Những đứa trẻ ở Alaska mang theo những ngôi sao rất lớn trong khi chúng vừa đi vừa hát mừng Noel. Ở New Mexico, các gia đình trang trí những ngôi sao và đèn lồng giấy ở bên ngoài ngôi nhà của mình, còn ở Texas những đứa trẻ tham gia vào lễ hội Posadas giống như được tổ chức ở Mexico.

Tại New Zealand: Giáng sinh ở đây bắt đầu vào giữa mùa Hè. Thay vì uống nước nóng, ông già Noel thường nhận được một cốc bia mát lạnh. Nhiều gia đình đi picnic hay tắm biển vào chiều Giáng sinh.

Theo truyền thống, họ thường thích dùng thịt xông khói hơn ăn một con gà tây.

Tại Australia: xe trượt tuyết của ông già Noel được kéo bởi tám con kangguru trắng. Một trong những sự kiện nổi bật không thể thiếu trong những ngày này là “Đêm đốt nến hát Thánh Ca mùa Giáng sinh” (Carols By Candlelight).

Sự kiện này bắt nguồn từ thành phố Melbourne vào năm 1937 và được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngàn người tụ tập cùng hát vang những bài Thánh Ca với ngọn nến trong tay, truyền đi thông điệp “hòa bình trên khắp trái đất và niềm vui đến mọi nhà.”

Ngày Giáng sinh ở Australia còn là ngày truyền thống của việc tặng quà và các sự kiện thể thao diễn ra như thi bóng chày và đua thuyền buồm.

Tại Zurich - Thụy Sỹ: ông già Noel ở đất nước này không cưỡi những con tuần lộc với chiếc mũi đỏ mà đi trên một chiếc xe buýt huyền thoại, chở trẻ em đi chơi vòng quanh khắp thành phố, hát hò với chúng và cho chúng một giỏ đầy kẹo.

Tại Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung và thường được tổ chức vào đêm 24 và kéo sang rạng sáng ngày 25/12.

Trong những ngày này, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi có thể là cây thật (thường là thông ba lá hoặc thông mã vĩ) hoặc cây bằng nhựa (ở các nước phương tây thường là họ Bách tán).

Trên cây, người Việt Nam thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường là những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây.

Bulgaria, nhóm đồng ca do người trung tuổi dẫn đầu sẽ đến từng nhà chúc phúc, trong khi ở Puerto Rico, người dân có thể "đột nhập" nhà người khác trong đêm Giáng sinh.

Những phong tục đón Noel độc đáo nhất thế giới - Ảnh 1

Simbang Gabi hay “Đêm nguyện”, là truyền thống đón Noel hàng năm ở Philippines. Rất nhiều con chiên sẽ cầu nguyện trong các nhà thờ vào sáng sớm trong 9 ngày kể từ đêm 16/12 đến 24/12. Lễ cầu nguyện có thể bắt đầu từ 3h sáng với đèn lồng nhiều màu sắc. Tại nhiều nơi ở Philippines, Simbang Gabi còn bắt đầu từ 20h đêm hôm trước. Sau khi thánh lễ kết thúc, mọi người có thể tập trung để thưởng thức món ăn sáng truyền thống. Đêm nguyện bắt đầu từ thế kỷ thứ 16 khi người Tây Ban Nha đô hộ và đồng hóa công giáo ở Philippines. Ngư dân hoặc nông dân phải dậy rất sớm để làm việc nên cầu nguyện vào sáng sớm là thời điểm phù hợp nhất.

Những phong tục đón Noel độc đáo nhất thế giới - Ảnh 2

Ảnh: Getty.

Tại Bulgaria, nhóm hát đồng ca Giáng sinh (koledari) sẽ đến các gia đình vào đêm 24/12. Thành viên của nhóm thường là các cậu bé. Mỗi người sẽ cầm một cây gậy đến nhà người thân, họ hàng hoặc hàng xóm để chúc sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Một người đàn ông lớn tuổi dẫn đầu mỗi nhóm. Phong tục đón Giáng sinh tại Macedonia cũng tương tự ở ở Bulgaria nhưng diễn ra vào sáng ngày 6/1, tương đương với ngày trước thềm Giáng sinh trong lịch cổ Julian mà các nhà thờ theo dòng chính thống sử. Sau khi bài hát chúc phúc kết thúc, koledari sẽ được cho tiền, trái cây hoặc kẹo bánh.

Những phong tục đón Noel độc đáo nhất thế giới - Ảnh 3

Ảnh: BGNES

Lễ Giáng sinh ở Ethiopia diễn ra vào tối 6/1 hàng năm. Trong đêm đó, các giáo sĩ sẽ chủ trì các buổi lễ tại các làng mạc, thành phố. Họ mang theo những chiếc ô được trang trí tinh xảo và mặc trang phục truyền thống đẹp nhất. Buổi lễ kết thúc bằng lễ rước trong nhà thờ. Sáng ngày Giáng sinh, còn gọi là Ganna, người ta tặng quà cho nhau, mở tiệc và tham gia một số hoạt động thể thao.

Người Puerto Rico mừng Giáng sinh rất sớm, từ đầu tháng 12 và có thể kéo dài đến giữa tháng 1 năm sau. Một trong những truyền thống nổi tiếng dịp Noel ở đất nước Mỹ La tinh này là parranda. Parranda là dịp một nhóm bạn bè tập trung lại và đến thăm nhà bạn bè. Họ tập hợp trước cửa nhà bạn một cách lặng lẽ. Sau khi được ra hiệu, tất cả bắt đầu hát, chơi nhạc cụ. Parranda thường diễn ra vào sau 10h đêm khiến chủ nhà thức giấc và bất ngờ. Parranda mang tính tự phát nên mỗi gia đình cần chuẩn bị kỹ càng trong dịp lễ để tiếp khách.
Trong đêm Giáng sinh, người Phần Lan thường thắp nến trên phần mộ của người thân. Truyền thống này bắt đầu từ thời tiền Kitô giáo. Khi đó người Phần Lan cổ tin rằng ngày đông chí, vào cùng khoảng thời gian với ngày Giáng sinh, là khoảng thời gian linh hồn người chết trở về với trần thế. Vào ngày này, người ta thường đặt thức ăn trên bàn và các gia đình thường ngủ dưới sàn nhà để nhường chỗ cho người thân từ thế giới bên kia về nghỉ ngơi. Truyền thống thắp nến trên mộ càng phổ biến hơn sau những năm 20 của thế kỷ trước.
Tại quốc gia Georgia, Giáng sinh được tổ chức vào ngày 7/1. Một trong những hoạt động nổi bật dịp này là alilo, lễ rước mà hầu hết trẻ em đều mặc trang phục truyền thống đặc biệt. Các em đi bộ trên đường phố và hát những bài Giáng sinh vui nhộn. Tại đất nước Đông Âu này, người ta gọi ông già Noel là tovlis papa, nghĩa là ông già tuyết. Trong dịp Giáng sinh, ông già Noel thường có râu dài và vận chiếc choka, trang phục truyền thống của người Georgia, và một chiếc áo khoác bằng lông (nabadi).

Nguồn: vietnamplus.vn, doisongphapluat.com (22.12.2014)