Lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2170 | Cập nhật lần cuối: 11/27/2015 3:57:34 PM | RSS

Hàn Mạc Tử và hành trình tiếp bước

Từ 13 giờ, thứ Bảy 14.11.2015, Ban tổ chức Đồng Xanh Thơ Sàigòn hân hạnh đón tiếp Quý cha, Quý tu sĩ, Quý tác giả và Quý văn nhân thi hữu từ ba miền đất nước cùng về tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sàigòn để tham dự lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời và hành trình tiếp bước của các nhà thơ Công giáo trong việc loan báo Tin Mừng. Đây là buổi lễ không chỉ để cầu nguyện, tưởng niệm, vinh danh “Thi sĩ của đạo binh Thánh giá” và các văn nhân, thi sĩ Công giáo đã ly trần nhưng còn là một dấu nhấn cho sự vươn lên của các thế hệ sau trong tiến trình mục vụ văn hóa Công giáo dân tộc.

Đúng 14 giờ, thánh lễ cầu nguyện bắt đầu với sự chủ tế của Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc và các linh mục đồng tế, Lm. Hilario Hoàng Đình Thiều, Lm. Gioan Baotixita Trần Văn Thọ, Giáo phận Sàigòn, Lm.Gioakim Nguyễn Đức Quang, Giáo phận Quy Nhơn cùng với sự tham dự của hơn 100giáo hữu là các nhà thơ, nhà văn, thân hữu, thân nhân và tác giả từ khắp nơi của 3 Tổng giáo phận trên đất nước.

Lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời (1)

Trong bài giảng thánh lễ tạ ơn hôm nay, cha chủ tế đã nhấn mạnh đến việc Hàn Mạc Tử là một nhà thơ trẻ tiên khởi của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã sớm có một tâm hồn cao cả và say mến đạo, sùng kính Chúa và Đức Mẹ cách đặc biệt. Thi sĩ Hàn Mạc Tử không chỉ làm thơ mà còn viết văn, làm báo và có một tình cảm rất thắm đậm với các bạn hữu, có những sinh hoạt cá biệt khác hẳn đời thường, nhiều khi bị người đời hiểu sai ý nghĩa…

Cuộc đời của thi sĩ tài hoa ngắn ngủi nhưng lại là một hành trình chan chứa nỗi đau với một niềm vui thánh thiêng và ý nghĩa, nhất là khi thi sĩ cảm nghiệm và trân quý nỗi đau của mình như là ánh sáng soi rọi trên con đường của các thi nhân thuộc về Đức Kitô. Qua các tác phẩm của ông đã có thể thấy đầy đủ về một thi sĩ của đức Tin, Cậy, Mến và các loại hình nghệ thuật thi ca Công giáo trọn vẹn, xứng đáng là một tiêu biểu cho người làm thơ Công Giáo trong dòng Văn Học Việt Nam…

Sau Thánh lễ là phần tham luận và chia sẻ của các tác giả về Hàn Mạc Tử và hành trình tiếp bước.

Nhà thơ và nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng đã nói với tất cả nỗi lòng và tâm huyết của mình về việc tưởng niệm Hàn Mạc Tử và nỗi trăn trở còn đó trong mục vụ văn hóa dân tộc. Với 3 vấn đề nêu ra cách thiết thực – Tưởng niệm để nhắc lại điều gì? Tưởng niệm để nói lên điều gì và tiếp bước là tiếp bước điều chi?

- Tưởng niệm là để nhắc lại một “Người của văn học – Hàn Mạc Tử”, một người từng được cho là nhà thơ điên, nhà thơ bí hiểm trong giai đoạn thơ mới (1932–1945) nhưng “điên” như Hàn Mạc Tử quả là khó lắm (1938). Thơ Hàn Mạc Tử khó hiểu, khó đọc. Thế nhưng nhà thơ Hoài Thanh đã từng chép thơ và thuộc lòng thơ Hàn Mạc Tử. Từ đó cho chúng ta một nhận định là hãy tìm hiểu thêm nữa cái hay, cái mới và những giá trị cao quý trong thơ Hàn Mạc Tử, nhất là các giá trị về tâm linh.

- Suốt giai đoạn 1938-2015, Hàn Mạc Tử vẫn là một sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trên mọi loại hình nghệ thuật như kịch, phim, thơ, văn và nhạc…

Như thế, chúng ta tưởng niệm một sự kiện đáng tưởng niệm.

- Tưởng niệm Hàn Mạc Tử để nói lên một điều đau đáu nhưng là thực trạng hiện nay: “người làm thơ Công giáo” khác với “người công giáo làm thơ”.

Muốn làm thơ Công giáo, làm thơ Đạo quả là khó vô cùng, bởi vì cần phải đọc Thánh Kinh, phải sống thật sự với Tin Mừng và nhất là phải “đau trong lòng” và “sạch trái tim” như Hàn Mạc Tử mới mong làm thơ Đạo và làm thơ hay. Ý nghĩa của việc tưởng niệm nằm ở vấn đề này.

- Hầu như hiện nay chỉ dừng lại là “người công giáo làm thơ”. Tất cả cần cảm nghiệm đức Tin trong thăng trầm cuộc sống, trong việc suy niệm và sống Tin Mừng. Qua việc tưởng niệm này, chúng ta cần nhìn lại thực trạng để vươn lên trong chiều kích mới.

- Việc tiếp bước mang ý nghĩa sâu sắc hơn đối với chúng ta, những người Công Giáo thế hệ sau của Hàn mạc Tử. Bởi vì trong cái nhìn của văn đàn dân tộc, thi ca Công giáo hiện nay chỉ có Hàn Mạc Tử.

- Việc nhìn nhận này là thực trạng phản tỉnh cho người Công giáo Việt nam. Thật tiếc thay! Qua bao năm mục vụ văn hóa Công giáo vẫn lặng lẽ và những nhà thơ Công Giáo vẫn cô đơn trên dấu bước của mình. Giáo hội Công Giáo Việt Nam hình như “quên” văn hóa dân tộc và các nhà thơ Công giáo phải tự định hướng cho sự phát triển tự phát của thi ca Công giáo trên văn đàn đất nước. Sự tiếp bước phải có Chúa, có Giáo hội, chứ không phải chỉ là những dấu chân đơn lẻ của các nhà thơ.

Tiếp đến PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu thơ văn Hàn Mạc Tử vừa tìm thấy trên báo Công Luận. Trong phần dẫn nhập, ông xác định hoài bão và ước mơ của một người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học như ông đó là tìm hiểu người đương thời Thơ Mới bàn về Thơ Mới (1932 – 1945).Miền Bắc trước đó đã từ bỏ dòng văn học Thơ Mới, trong khi Miền nam phát triển liền mạch. Việc gián đoạn và tìm hiểu lại dòng Thơ Mới là sự thách thức đối với các nhà thơ và các nhà lý luận văn học trước đó và hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn đã cất công tra cứu nhiều thời gian tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và đã tìm ra 76 bài thơ mới của Hàn Mạc Tử in trên báo Công luận trong đó có những bài như “Nhàn” – ký tên Hàn Mặc Tử tháng 6/1923, “Phút Mơ Màng” – ký tên Lệ Thanh, tháng 3/1935, “Hình Ảnh Xưa” – ký tên Phong Trần, 02/09/1938… 50 bài thơ đã được công bố trên tạp chí Thơ số 1&2, 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây thực sự là tài liệu quý cho việc tìm hiểu và khám phá những cái mới của Hàn Mạc Tử.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn cũng đã đọc bài thơ “Nhàn” của Hàn Mạc Tử như đại diện cho các bài thơ mới vừa tìm được.

NHÀN!

Cổ nhơn hát: Vô sự tiểu thần tiên
Trăng gió ấy, nước non này thật hữu duyên
Nước hồ sen thuyền lan bơi một lá
Hái hoa sen đem về dâng cho ả
Thú yên hà say tỉnh một đôi chung
Chém lượn sóng nhớ đến khách anh hùng
Phú Xích Bích ngâm nga hừng chí lạ
Cầu thệ thủy mỹ nhân nào ngắm đó?
Quán thu phong còn hẹn gặp nhau kia
Bước nhàn du chơi đã chán chê
Mình nhớ lại mấy năm về trước
Trời ghen ghét bắt làm cho được
Hai bàn tay trắng trả nợ non sông
Bây giờ đây lòng đã sạch lòng
Túi thơ văn rờ lại thử còn hay mất!
Ờ ờ lưu lạc, phong trần còn dính chặt
Mở phăng ra để vịnh một đôi chương
Ngoảnh đầu xem: hoa ké né, nguyệt chán chường
Không lẽ thờ ơ thành phụ bạc?
Chưa hết công danh giả đò về Kiếm Các
Ông Trần Đoàn mới thật tiêu dao
Người Nghiêm Tử khí tượng lại anh hào
Giúp vực Hán sợi tơ còn để tiếng
Không thèm vinh hoa, thích nhàn là sướng
Danh lợi mà chi, phú quý ấy mà chi!
Bên hoa nhắm rượu, dưới nguyệt ngâm thi

Lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời (1)

Kế tiếp Nhà thơ Trần Quang Chu, tác giả hai tập sách “Đi tìm tác phẩm Lệ Thanh thi tập của Hàn Mạc Tử” và “Nét Khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử”, đã chia sẻ hành trình sưu tầm và biên khảo với nội dung: một là giới thiệu những bài viết mới có giá trị về nhà thơ Hàn Mạc Tử, cách riêng là những bài giúp khắc họa chân dung Kitô hữu của ông; hai là thực hiện ấn bản có hiệu đính toàn bộ những tác phẩm của Hàn Mạc Tử hiện còn giữ được.

Từ năm 1965, tác giả đã mê thơ Hàn Mạc Tử và chép tay được một số thơ Hàn Mạc Tử, đánh máy lại và còn lưu giữ tới hôm nay. Trong hai năm (1968- 1970) tại trường Đại học Văn khoa – Huế, tác giả đã tham gia nhóm sưu tầm thơ Hàn Mạc Tử và thu thập và đánh máy xong hầu như toàn bộ thơ Hàn Mạc Tử đang lưu hành thời bấy giờ. Đến năm 2012, tác giả may mắn được anh Đoàn Đức, một người bạn trong nhóm sưu tầm thơ Hàn Mạc Tử thời ấy cung cấp 5 trong số những tập thơ Hàn Mạc Tử đánh máy quý giá năm xưa. Đó là các tập: Gái quê, Thơ Hàn Mạc Tử, Thơ điên (đau thương),Thượng thanh khí và Cẩm châu duyên. Càng may mắn hơn, trong quá trình tìm kiếm tư liệu tác giả đã được PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn cung cấp 76 bài thơ và 12 bài văn của Hàn Mạc Tử phát hiện trên báo Công luận, lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Hà Nội. Tất cả việc sưu tập này nhằm hiệu đính toàn bộ những tác phẩm của Hàn Mạc Tử.

Tác giả Trần Quang Chu tiếp tục chia sẻ Nét khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử. Vâng, thơ Hàn Mạc Tử, đặc biệt là những bài thơ đạo phảng phất hương vị của Khải huyền, thần thiêng và linh thánh. Đơn cử như bài Say thơ có thể nói như là một bài ca Khải huyền thu gọn. Vì thế, việc khắc họa chân dung Kitô hữu của Hàn Mạc Tử, ngoài nhan đề, những bài viết mang tính Khải huyền tiêu biểu đó là: Say thơ – Bài ca Khải huyền, Lời tuyên tín và Hoa Ưu Đàm trong vườn hoa Mân Côi...

Tiếp nối chương trình, Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang đã giới thiệu Có Một Vườn Thơ Đạo (CMVTĐ), tập 5 “Bay Tới Cõi Thiên Đàng” như là hành trình tiếp bước. Thật ra, không phải đến hôm nay với quyển 5 của bộ sưu tập CMVTĐ mới có chuyện tiếp bước. Ba quyển số 2, 3 và 4 của bộ sưu tập đã giới thiệu 140 khuôn mặt tiếp bước Hàn Mạc Tử từ sau ngày nhà thơ qua đời.

Gần đây, năm 2010, là cuộc thi xướng họa thơ Đường “Sen Giữa Lầy” rồi năm 2011, cuộc thi “Nhánh Huệ Nước Trời” đã được tổ chức, để quy tụ và làm nổi rõ những cây bút đang tiếp bước từ khắp nơi. Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn và Trần Quang Chu cũng nhắc chúng ta nhớ Hàn Mạc Tử không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà báo, là một tác giả văn xuôi.

Vì thế, sau khi phát hành 4 quyển CMVTĐ để mừng kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ, các anh em trong ban Mục vụ văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã chuyển sang đẩy mạnh sự tiếp bước về văn xuôi. Cuộc thi “Viết văn đường trường” ra đời, kéo dài 6 năm liền, nhắm đến các tác giả dưới 40 tuổi để tìm kiếm các tác giả trẻ cho nền văn xuôi công giáo sau này. Cuộc thi đường trường được phát động nhân cuộc họp mặt kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của nhà thơ, ngày 21 và 22 tháng 9, 2012.Từ đó, Ban Tổ chức đã chọn ngày 21-22/9 hằng năm làm ngày trao giải và cũng là ngày họp mặt của giới cầm bút Công giáo.

“Bay Tới Cõi Thiên Đàng” quy tụ 46 tác giả với 293 tác phẩm, dày 482 trang. Các tác giả trong tuyển tập được xếp theo thứ tự năm sinh. Sau tập 5 này, bộ sưu tập sẽ được tiếp tục với quyển thứ 6, dự kiến sẽ ấn hành vào mùa hè 2016, với một vài tác giả ở độ tuổi 20.Hy vọng rằng từ quyển thứ 6 trở đi ngày càng có thêm nhiều tác giả trẻ.Đây mới thực sự là chương trình tiếp bước, là trách nhiệm của các Ban Mục vụ văn hóa các Giáo phận. Cuộc vận động này là một chương trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì và đầu tư nhiều mặt, đòi hỏi phải có sự cộng tác của nhiều người cùng chung tay góp sức.

Chính các tác giả trẻ mới là tương lai của nền thi ca Công giáo sau này nói riêng, và là tương lai của Giáo Hội nói chung. Các tác giả trẻ sẽ kế thừa những truyền thống của cha ông, đóng góp sức trẻ cho công cuộc Loan báo Tin Mừng của Hội thánh.

(còn tiếp)

Đồng Xanh Thơ Sàigòn