Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2351 | Cập nhật lần cuối: 5/17/2016 1:46:23 AM | RSS

(tiếp theo)

II. Từ kinh nghiệm đến ý niệm

Con người là một động vật có văn hóa. Ngay từ lúc mới sinh, mỗi người đều được tập rèn theo một lối sống mà tập thể trong đó họ sinh ra cho rằng phải thế mới xứng đáng là người. Vì thế, văn hóa là tổng hợp phức tạp những nhân tố làm cho mỗi người là chính mình chứ không là ai khác. Nói khác đi, văn hóa gắn liền với mỗi cá nhân như hình với bóng. Văn hóa của ta thuộc về ta mật thiết đến nỗi thường ta rất lúng túng khi phải giải thích cho người khác hiểu ta là thế nào. Nhưng dù thế, ta không làm chủ được văn hóa, mà trái lại, văn hóa làm chủ ta và cho ta một đời sống cụ thể. Ta chia sẻ văn hóa với các phần tử gia đình ta, với thành phần con người ta thuộc về, trong giai cấp xã hội của ta, trong chủng tộc của ta… Vì bản chất phức tạp của văn hóa như vậy, nên muốn có một định nghĩa duy nhất thì rất khó. [1]

1. Một cố gắng tiếp cận văn hóa

Căn cứ vào nhân loại học, có bao nhiêu trường phái nhân loại học thì có bấy nhiêu định nghĩa về văn hóa. Ở đây, chúng ta không có tham vọng nêu lên và phân tích hết các định nghĩa ấy. Chúng ta chỉ giới hạn vào ý nghĩa mà ngày nay người ta thường gán cho từ “văn hóa” trong nhân loại học mà thôi.

Tuy thế, để xứng đáng là một định nghĩa về văn hóa thì nó phải làm sáng tỏ được các đặc tính chính mà một định nghĩa khoa học phải có. Nó phải là điểm xuất phát cho mọi tiếp cận và diễn tả về thực tại văn hóa là một toàn thể cơ hữu mà mỗi người chiếm được nhờ học hỏi và thấm nhiễm ở nhóm người riêng mà mình là phần tử, để đáp lại và thích ứng với môi trường trong đó mình sống. Theo phương pháp này, E. Tylor đã xác định văn hóa là toàn bộ tổng hợp gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, pháp luật, tục lệ cộng với tất cả khả năng và tập quán mà một người đã chiếm được vì là “phần tử của một xã hội”.[2]

Phân tích định nghĩa của E. Tylor, ta nhận thấy chủ thể của văn hóa là con người nhìn như là phần tử của một nhóm người riêng biệt. Con người lúc sinh ra chưa có văn hóa. Văn hóa không phải là một gia tài mà con người được thừa hưởng khi vừa sinh ra, họ phải tập rèn thì mới có. Quá trình đào tạo này thế nào ta sẽ nghiên cứu sau. Lúc này ta sẽ chỉ nhìn văn hóa trong tính phổ quát của nó như một gia tài xã hội của loài người, và ở các hình thức riêng của nó như những trào lưu riêng trong gia tài chung này.

Nhìn theo lịch sử nhân loại thì khi con người sinh ra thì xã hội đã tồn tại trước các nhân rồi. [3] xã hội cống hiến cho cá nhân một môi trường đã được thử thách bao gồm và xác định mọi hoạt động ít nhiều mang tính nhân văn. Trong xã hội, mỗi cá nhân đều có thể bước vào một khung cảnh nhân loại sẵn có một bộ mặt riêng. Khung cảnh ấy đặt đời sống họ vào tương quan và thông hiệp với các cá nhân khác.

Nhưng quan hệ giữa cá nhân và xã hội ra sao? Ta phải tránh hai thái cực: một, xem cá nhân như một chủ thể lý tưởng chẳng bị ràng buộc gì với xã hội; hai, xem cá nhân như một đối tượng thụ động nằm trong tay phe nhóm người của mình. Thật ra, giữa cá nhân và xã hội, có một quan hệ biện chứng, nghĩa là luôn cần có một đối thoại giữa con người với khung cảnh trong đó mình sống. Văn hóa vừa là ân huệ ta nhận được từ các thế hệ có trước ta, vừa là kho tàng ta phải gìn giữ và lưu lại cho con cháu ta. Không có văn hóa, ta không thật sự là một con người, nhưng chính ta cũng tạo nên văn hóa, vì ta thuộc về một khung cảnh xã hội riêng ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

2. Văn hóa, một dự phóng

Văn hóa không chỉ là một gia tài xã hội và lịch sử, nó còn là một dự phóng mà nhóm người trong đó ta sinh ra theo đuổi, nhưng chẳng bao giờ hoàn tất. Dự phóng này siêu việt đời sống cá nhân, nhưng luôn cống hiến cho đời sống ấy một mục đích cần thiết để họ thể hiện đời sống mình như phần tử của tập thể mình. Vì thế khi nói đến văn hóa, ta nói trước tiên đến quan niệm về đời sống của một nhóm người riêng biệt, tuy rằng trong thực tế các cá nhân chứ không phải nhóm người ấy đã thể hiện quan niệm trên. Nhưng dù thế, văn hóa luôn vẫn được coi như phong cách mà mỗi nhóm người riêng biệt, chứ không phải mỗi cá nhân, thích ứng với các vấn đề đời sống. Các vấn đề ấy bao trùm cả phạm vi luân lý, vật lý và xã hội mà khung cảnh nhân loại gây nên. Quá trình thích ứng này tạo nên một quan niệm về đời sống có khuôn mẫu và tiêu chuẩn giúp cho các cá nhân có một loạt các mô hình có thể áp dụng được vào đời sống thực tế. Các mô hình ấy là như những qui luật phải thể hiện trong đời sống để thông hiệp với các người khác của nhóm mình theo cảnh huống riêng biệt của họ. Nhóm người ấy có thể nảy sinh do trách vụ chung, cùng lứa tuổi, nam hay nữ, sang hay hèn. Do đó, ta có thể coi văn hóa như một truyền thống sống động của một nhóm người riêng biệt và là “nhập thể” của nhóm người ấy trong lịch sử chung của cả nhân loại.

Chẳng có nhóm người nào cũng như cá nhân nào mà lại không thuộc về một văn hóa nào đó. Với họ, văn hóa là một chương trình đời sống phải thể hiện hơn là một sản phẩm đã làm nên. Có bao nhiêu nhóm người riêng là có bấy nhiêu văn hóa.

3. Một hạn từ chung

Khi nói đến một hạn từ chung “văn hóa”, [4] thì bao giờ cũng là hiệu quả của một suy luận trừu tượng để khái niệm hóa, căn cứ vào quan sát các văn hóa cụ thể riêng của từng nhóm người mà thôi. Vì thế, khi sử dụng hạn từ “văn hóa”, [5] ta phải thận trọng, vì ta rất dễ lẫn lộn ý nghĩa hạn từ này với hạn từ khác. Khi ta phân biệt các “văn hóa cổ” với “văn hóa mới”, ta đã mặc nhiên chấp nhận có một văn hóa duy nhất mà chúng ta thường gán cho văn hóa của chủng tộc mình để lấy đó làm kiểu mẫu so sánh. Một cách nhìn như vậy đưa đến chấp nhận một quan niệm sai lầm về văn hóa như có tính ưu tú. [6] Chính quan niệm này đã đưa đến việc coi văn hóa như chỉ gồm có những yếu tố cao cấp và những hoạt động cao quí đã được chọn lọc trong một xã hội như văn chương, nghệ thuật… Theo quan niệm này thì ta nghĩ rằng những người có học vấn, am hiểu văn chương và nghệ thuật mới là người có văn hóa, còn người mù chữ thì không.

Cách cảm nghĩ trừu tượng này do phong trào nhân văn cổ điển đã truyền lại cho chúng ta. Nó là trở ngại lớn để ta chấp nhận sự kiện có nhiều văn hóa trong lịch sử và tính tổng quát hữu cơ mà mỗi văn hóa riêng đều có. Vì thế, khi đề cập đến quan hệ giữa các nhóm người khác nhau, để tránh cái sai lầm của quan niệm “văn hóa ưu tú”, ta không nên nói đến một văn hóa chung. Đời sống của mỗi dân tộc không đơn giản chỉ là một dị biến của một định nghĩa chung về văn hóa. Trái lại, mỗi nhóm người riêng đều có tính đặc thù và hài hòa nội bộ riêng. Khi nói đến văn hóa của họ, ta phải quan tâm đến khía cạnh này thì mới tiếp cận được với thực tại.

III. Tương lai của từ “văn hóa” ở thời đại chúng ta

Điều ngày nay ta phải lưu ý hơn đó là ý nghĩa của hạn từ “văn hóa” đã có những biến đổi nhanh chóng; nhưng biến đổi ấy không phải được hết mọi người nhận thấy và chấp thuận. Chắc rằng các nhà nhân loại học đã cố gắng làm cho người ta làm quen với một tiếp cận khoa học với hiện tượng văn hóa của nhân loại, nhưng với rất nhiều người văn hóa thường có nghĩa ưu tú nghĩa là chỉ có một nhóm người được ưu đãi trong xã hội mới có được. Trong trình bày của báo chí cũng như trong tập quán hàng ngày của người dân, người ta luôn nhắc đến những nhóm nghiên cứu về sách vở, tuồng kịch, phim ảnh, bảo tàng, thư viện mà người có văn hóa phải biết đến, một quán ăn, một khách sạn mà mà người sành điệu phải có trong sổ tay… Nghĩ như vậy là ta vẫn nuôi não trạng đặt một phẩm trật trong xã hội, chấp nhận trong văn hóa những yếu tố cao thấp, những hoạt động sang hèn. Nghĩ như vậy ta cho rằng những yếu tố thấp và những hành động hèn thì không thuộc văn hóa; nhưng thật ra, các yếu tố và hành động ấy cũng vẫn dệt nên đời sống xã hội của chúng ta và chiếm phần lớn thời giờ của đời sống mọi người.

Quan niệm về văn hóa ưu tú là di sản của nền nhân văn cổ điển rất khác với quan niệm về một văn hóa như một cơ thể sống động mà nhân loại học đề nghị. Trong nhân văn cổ điển, người ta phân biệt những hoạt động cao quí có tính nhưng không và nhàn hạ như tôn giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật… với những hoạt động thấp hèn có tính cần thiết và lam lũ như lao động của người công nhân trong xưởng máy và người nông dân trên cánh đồng. Từ đó nảy sinh ra hai giới, giới trí thức và thất học, giới “có văn hóa” và giới “không có văn hóa”. Nhưng, như ta đã thấy ở trên, nhân loại học ngày nay luôn lưu ý đến những tương quan phức tạp và bền chặt làm nên một nhóm người riêng và cho thấy bất cứ một người nào cũng phải hiểu biết văn hóa của mình và của nhóm người riêng của mình. Theo cách nhìn về văn hóa này, thì mỗi người cũng như mỗi nhóm người dù nghèo hèn thấp kém đến đâu cũng vẫn có văn hóa của mình, nghĩa là một cái gì là riêng của mình, độc đáo, không thay thế được, để đóng góp vào tương lai của nhân loại.

Theo nghĩa mà nhân loại học gán cho văn hóa thì văn hóa không phải chỉ vỏn vẹn ở những gì con người có được sau khi họ đã học hết chương trình phổ thông một cách chăm chỉ. Nó cũng không phải là cái ơn trời cho của các nhà văn và nhà nghệ sĩ, nhưng bao gồm những sự trong đó và bởi đó con người tự diễn tả và nhận biết mình giữa các người khác. Đó là chức năng tổng quát về đời sống cá nhân mà mục đích là thực hiện đầy đủ mọi tiềm năng của mình như một con người.

Sự biến đổi ý nghĩa của từ “văn hóa” này không phải chỉ là hiệu quả của sự phát triển của các khoa nhân loại và xã hội học, nó còn có nguyên nhân ở những biến đổi sâu xa mà nhân loại kinh nghiệm ở thế kỷ XIX như sự đổi mới ở phạm vi kinh tế và kỹ thuật; sự xuất hiện một số quốc gia mới, sự tập trung của các cường quốc kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của ngành giao thông, tiến trình giải tỏa các nước bị đô hộ, sự xuất hiện một thế giới thứ ba và gần đây một thế giới thứ tư nữa… Những sự kiện lịch sử ấy in vết sâu đậm vào trạng thái các cá nhân cũng như tập thể và có một hiệu quả hầu như trực tiếp đến những biến đổi xã hội – văn hóa của mọi miền trên thế giới.

Cũng phải nhắc đến thuyết Marxít và ảnh hưởng của thuyết này vào sự biến đổi ý nghĩa của từ văn hóa. Ta biết luận cứ của Marx, bây giờ không nói nữa, nhưng làm. [7] Con người hành động và nhờ hành động mà họ trở nên chính mình. Trước đây người ta nhìn ngắm vũ trụ, nhưng nay người ta biến đổi nó. Luận cứ này củng cố xu hướng văn hóa của khoa học nhằm vào hiệu nghiệm thực dụng và sự hợp với lý luận.

Như thế là ta đã thấy hai mô hình văn hóa nối tiếp hoặc chung sống với nhau; văn hóa cổ điển coi nhân bản là gốc và văn hóa chủ trị lần lần bởi kỹ thuật. Một bên là lưu truyền những giá trị đời đời, một bên là biến đổi con người và vũ trụ. Nhưng ngày nay, một tiếp cận mới có xu hướng phủ nhận cả hai văn hóa nói trên. Freud và Nietzsche [8] đã đưa con người đến một sự ngờ vực về tất cả; và thế là sự thay đổi đã thế chỗ cho tính bền vững, cái tương đối đã thế cho cái tương đối đã thế cho cái tuyệt đối tạm thời đã thế cho bất biến.

Sau hết, cũng phải lưu ý đến các quốc gia mới độc lập trong thế giới thứ ba. Họ thấy mình phải bắt tay vào việc kiến thiết xã hội quê hương mình trên cơ sở văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Họ phải tìm lại sự tin cậy vào văn minh bản xứ mà chính quyền thực dân trước đây đã tìm cách loại bỏ. Sự bừng tỉnh của các dân tộc bản xứ [9] và sự sống được khôi phục lại của các văn hóa bản xứ đã làm cho chính trị quốc tế phải lưu ý đến sự hiện hữu của các văn hóa riêng.

Hai sự kiện có nhiều văn hóa văn hóa biến đổi phải giúp ta nhạy cảm trước các văn hóa mới nảy sinh trong lòng xã hội chúng ta. Chúng có thể sẽ ảnh hưởng nhiều vào cách suy nghĩ và lối sống của chúng ta. Ta hãy đưa ra một thí dụ: văn hóa hạ tầng của giới trẻ. Trước hiện tượng này ta bó buộc phải luôn học cho biết những từ ngữ mới và có một thích nghi văn hóa rộng rãi, nếu không cha mẹ sẽ trở thành chỉ là người ngụ cư trong gia đình mình, và thầy cô sẽ lạc vào một hành tinh lạ trong học đường. Bằng cách này hay cách khác, người thời đại chúng ta phải luôn có tư thế sẵn sàng vượt qua từ hậu tượng hình [10] đến tiền tượng hình. [11]

Sự biến đổi trong văn hóa được mô tả như trên không khỏi ảnh hưởng vào cấu trúc xã hội gây nên xáo trộn cho thể chế đã được đặt lên và cho tinh thần làm nên linh hồn của thể chế ấy. Mọi sự trong trần gian đều mất đi tính chất thần thoại và bị tương đối hóa. Trần gian chẳng có gì là bền bỉ và vạn năng nữa.

(còn tiếp)

Giuse Thân Văn Tường

Trích “Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa”, tr. 19-28

----------------------------------------------

* Bài liên quan:

Dẫn vào thần học Hội nhập văn hóa (1)

Chú thích

[1] Văn hóa là một từ mang tính chủng loại (generic) và là một từ có tính tổng hợp, một từ “khóa”.

[2] E. Tylor (1871). Prinnitive Society. London

[3] Hiển nhiên, ta không nói đến tiến trình hình thành của xã hội, phải đi từ cá nhân đến tập thể. Dù sao, gia đình là một tế bào của xã hội đã tồn tại trước và điều kiện tiên quyết để con người có thể lớn lên.

[4] Culture (ở số ít)

[5] Trong tiếng Pháp hay tiếng Anh ở số ít hay số nhiều thì khác nhau.

[6] Litist

[7] Một orthopraxis

[8] Với Marx, người ta thường gọi họ là những nhà tư tưởng gây nghi ngờ.

[9] Indigenous

[10] Postfigurative

[11] Prefigurative