Tiếng vọng của thinh lặng (10)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2174 | Cập nhật lần cuối: 1/7/2016 11:46:23 AM | RSS

(tiếp theo)

Tiếng vọng của thinh lặng (10)Về Thi Ca

Trích đoạn nhật ký, 1 tháng 10, 1939

Khi Blake nói rằng một vài tác phẩm của ông đã được các thiên thần đọc cho ông viết thì không có nghĩa mọi thi ca khác đều chỉ do con người viết ra nên thơ ông hay hơn thơ họ. Trái lại ông muốn nói rằng mọi thơ hay được thiên thần đọc cho viết và chính ông không đòi hỏi sự khen ngợi nào cho thơ mình. Chúng thật sự không phải của ông.

Ngày nay vì con người được coi là cao nhất trên mọi loài thụ tạo, vì họ ở trên đỉnh của cái thang tiến hóa, họ rất cẩn thận bảo vệ vị trí này chống lại bất cứ điều gì cao hơn con người như các thiên thần – Thiên Chúa. Cho rằng thi ca là do một tạo vật cao hơn con người đọc cho viết dường như là một sỉ nhục: và vì các thiên thần chỉ là những biểu tượng, Blake dường như muốn dùng những biểu tượng để nói rằng ông là một nhà thơ lớn nhất. Nhưng khẳng định của ông không phải là một điều ngạo mạn mà là một sự khiêm nhường, vì như đã xảy ra, ông tin vào các thiên thần.

Điều duy nhất mà ông muốn nói là ít ra ông là một nhà thơ, trong lúc những người viết khác không phải là nhà thơ vì không được thiên thần đọc cho viết (ví dụ như Klopstock). Nhưng khi đã là nhà thơ mà không thừa nhận điều đó là một sự khiêm nhường giả tạo: sự khiêm nhường duy nhất mà nhà thơ không được phép. Sự khiêm nhường của nhà thơ là viết “trong sợ hãi và run rẩy” (như khi ông nói với Samuel Palmer, nếu tôi trích dẫn đúng) và ông phải làm thế thôi.

(RUN 36-37)

Trích đoạn nhật ký ngày 1 tháng 10, 1941

Giả sử có người nào hấp tấp hỏi rằng tại sao không có nhà thơ hay nào trong số những người công giáo Mỹ hôm nay: câu trả lời thật sẽ là gì ngoài sự chế giễu những người chưa từng đọc một nhà thơ đúng nghĩa?

Tại sao chính những nhà thơ công giáo hiện đại ở Mỹ, thuộc mọi nhóm, có lẽ là những nhà thơ tầm thường nhất, sáo mòn cũ rích nhất, cũng không được giữ lại bởi sự kiện họ có thiên hướng tốt về Thiên Chúa và đôi khi có chủ tâm ca ngợi Ngài? Chúng ta là những thi sĩ tồi hơn cả những người tự do và người cộng sản, và điều này đi rất xa! Họ tệ hơn mọi người siêu thực là những người hầu hết là hợm mình và cuồng tín và quỷ quyệt và điên rồ đôi khi đánh bật chúng ta khỏi cái ghế của mình với một câu thơ hay. Họ tệ hơn mọi người được chấp nhận, và không đáng bị khiển trách, những người bán lẻ ngũ cốc, những người thay phông màn ở Mỹ, và tệ hơn họ là những kẻ phô trương và tẻ nhạt!

Có một điều gì mà mọi thi sĩ cần biết? Họ cần được nhắc lại rằng họ gần gũi với các thánh, mọi người cũng cần được nhắc lại điều này. Để làm một điều gì tốt trong thế giới, bạn phải từ bỏ thế giới để làm điều đó: bạn phải yêu thích nó và cho nó cả đời sống bạn …

Lý do có quá ít các thi sĩ công giáo giỏi cũng giống với lý do tại sao có quá ít người công giáo tỏ ra khao khát sự thánh thiện, dù gì trong các lớp huấn giáo – tất cả chúng ta đều tầm thường, thờ ơ, liên quan đến những cái vô giá trị hay những vấn đề nhỏ mọn của lòng tự mãn, hoặc bị lôi kéo vào những cạm bẫy chính trị: nhiều người thiện chí bị mắc bẫy đi theo Phát-xít vì họ có thể phục vụ Thiên Chúa với các thập tự chinh chính trị trước khi họ lấy mọi sự cho người nghèo và vác những cây thánh giá tinh thần nghẻo khó và khiêm nhu đi trước con người! Và sau khi họ đã làm điều đó, không có một thập tự chinh quân sự nào có nhiều ý nghĩa, nếu chủ yếu đó là một cuộc thập tự chinh, và một cuộc công kích!

(RUN 419-20)

Trích từ “Nhà thơ nói với sách của ông,” 1948

Giờ đây là ngày chúng ta chia tay trong sợ hãi , hãy nhìn những trang này:
Và phải chăng ta sẽ để lại vài phước lành một phần vì ta mà anh đã khát khao?
Trong sự vâng lời trong sáng, phải chăng anh là thập giá của ta,
Gởi đến để đổi lấy đời ta dành cho đời Đức Ki-tô trong lao động?
Những hạt mầm sẽ thế nào trên những giấy hoa nhăn nhúm?
Hay ta chỉ đổ máu khi gieo anh vào đá sỏi và gai,
Nuôi những phút giây của ta bởi ý muốn chết của mình?
Hay muốn bóng nhỏ của anh vỗ béo giờ cuối cùng của đời ta
Và làm tối tăm không gian ta nơi cổng vào vĩnh cửu trắng?
Và một lần nữa ta muốn mặc lấy anh, trong luyện ngục
Xung quanh xương sườn ta như áo cánh bằng lửa?
Hoặc đeo trên đôi vai cho ngày lễ xá tội buồn
Giống khăn đội đầu của Sinbad?
Phải chăng đó là cách mà anh khiến ta thành thua đậm?
Trả cho kinh nguyện và niềm vui mà anh đã lấy cắp của ta,
Anh kẻ phản bội khát khô, trong những buổi sáng của ta, một đan sĩ Xi-tô

Đi đi, kẻ lắm lời bướng bỉnh
Hãy tìm cho anh một bến đỗ ở một góc ồn ã của địa cầu
Và ở đó, cố mà (nếu tay anh sạch) kéo dài lòng nhẫn nại
Ở đó hãy sử dụng những nhịp điệu mà khuấy động sự thinh lặng của ta
Và dành cho sự cầu nguyện chỉ đáng một xu của anh
Ở đó trong sự ồn ào của những đại lộ không có Đức Ki-tô.

Và cố gắng chuộc về một tù nhân nào đó
Ra khỏi những bức tường của xe cộ, ra khỏi những bánh xe của nỗi bất hạnh ấy!

(CP 192-93)

Trích từ “Thi ca, Biểu tượng, và hình học tô-pô,” 1953

Các thánh vịnh là những bài thơ, và bài thơ có một ý nghĩa mặc dù nhà thơ không bắt buộc phải làm cho ý nghĩa của mình rõ ràng ngay lập tức với bất cứ ai không muốn nỗ lực khám phá nó. Nhưng nói rằng các bài thơ có ý nghĩa không phải nói rằng chúng nhất thiết chuyển tải thông tin thực tiễn hay một sứ điệp rõ ràng. Trong thi ca, từ ngữ mang theo ý nghĩa khác với cách từ ngữ có nghĩa trong một bản văn khoa học. Những lời trong một bài thơ không chỉ là những ký hiệu của các ý niệm: chúng cũng rất phong phú những liên kết cảm xúc và tinh thần. Nhà thơ sử dụng các từ ngữ không chỉ để tuyên bố và khẳng định sự kiện. Thông thường đây lại là điều nhà thơ quan tâm sau cùng. Trước hết nhà thơ tìm cách đặt các từ ngữ lại với nhau theo cách chúng thực hiện một tương tác sống động và mầu nhiệm và do đó giải phóng một nội dung bí mật các liên kết của chúng để tạo ra trong người đọc một cảm nghiệm làm phong phú những chiều sâu tinh thần theo một cách hoàn toàn độc đáo. Một bài thơ hay mang lại một kinh nghiệm mà không có bất cứ sự phối hợp từ ngữ nào khác có thể tạo ra. Vì thế đó là một thực thể tự nó đứng vững, duyên dáng với sự cá biệt ghi dấu nó khác với những tác phẩm nghệ thuật khác. Giống với mọi tác phẩm nghệ thuật lớn, những bài thơ chân chính dường như sống bởi một đời sống hoàn toàn của riêng chúng. Vì thế điều chúng ta phải tìm kiếm trong một bài thơ không phải là sự liên quan đến một điều gì bên ngoài nó: chúng ta phải tìm kiếm nguyên lý nội tại này của tính cá biệt và của đời sống là linh hồn hay hình thức của bài thơ. Điều mà bài thơ hiện nay muốn nói có thể chỉ là tổng kết nội dung mà kinh nghiệm thi ca có thể tạo ra trong độc giả. Toàn bộ kinh nghiệm thi ca ấy là điều mà thi sĩ cố gắng truyền đạt cho phần còn lại của thế giới.

(LE 327)

*&*

Ánh sáng và bóng tối, mặt trời và mặt trăng, ngôi sao và hành tinh, cây cối, thú vật cá voi và chim trên bầu, tất cả những vật đó trên thế giới xung quanh chúng ta và toàn bộ kế hoạch tự nhiên trong đó chúng có chỗ của chúng, đã ghi dấu ấn của chúng trên tinh thần của con người theo cách chúng nói về con người nhiều hơn về chính chúng. Đó là lý do chúng đi vào một cách mầu nhiệm bản chất thi ca của chúng ta, thị kiến và những giấc mơ của chúng ta. Đó cũng là lý do một thời đại, giống như thời đại chúng ta đang sống trong đó tính biểu tượng của vũ trụ hầu như bị quên lãng và hầu như bị nhận chìm dưới những sóng nước thủy triều của các thương hiệu, các huy hiệu chính trị, các khẩu hiệu tuyên truyền và quảng cáo và mọi thứ khác – đương nhiên lại là một thời đại của chứng loạn tâm thần đám đông. Thế giới trong đó nhà thơ không thể tìm thấy chất liệu thực tế trong bản chất chung của đời sống mỗi ngày, trong đó nhà thơ buộc phải tìm kiếm điên cuồng các biểu tượng sống động đã bị chôn sống dưới núi rác văn hóa vốn chỉ có thể đi đến kết thúc trong sự tự hủy như nền văn hóa chúng ta. Đó là lý do một vài nhà thơ giỏi nhất của thời đại chúng ta chạy rông giữa các ngôi mộ trong nghĩa trang trăng sáng của chủ nghĩa siêu thực. Trung thành với bản năng của một nhà thơ chân chính họ không thể tìm kiếm những biểu tượng của mình được lưu giữ nơi nào khác trong những chiều sâu của tinh thần ở đó những biểu tượng ấy được tìm thấy. Những chiều sâu này đã trở thành hoang phế. Nhưng nhà thơ phải sử dụng tốt những gì ông tìm thấy nơi đó: sự chết đói, điên loạn, tâm trạng thất vọng và cái chết.

(LE 333)

Trích từ “Thi ca và Chiêm niệm:
Một nhận định mới,”Tháng mười 24, 1958

Quan điểm của Ki-tô giáo về thế giới, tự bản chất phải có một cảm hứng thi ca nào đó. Đức tin của chúng ta phải có thể đổ đầy trái tim chúng ta với những điều thú vị và khôn ngoan; sự khôn ngoan này nhìn xa hơn bề mặt của các sự vật và biến cố để nắm bắt điều gì ở bên trong và có ý nghĩa thiêng liêng của vũ trụ, một vũ trụ trong mọi vận động và dáng vẻ đều ca ngợi Thiên Chúa Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc nó.

Không có một thi ca Ki-tô giáo xứng đáng với tên gọi mà không được viết ra bởi một người có một trình độ chiêm niệm nào đó. Tôi nói “một trình độ nào đó” vì rõ ràng không phải một nhà thơ Ki-tô hữu nào cũng là nhà thần bí. Nhưng một nhà thơ chân chính luôn luôn giống với nhà thần bí vì trực giác tiên tri của người ấy khi nhìn các thực tại tinh thần, ý nghĩa bên trong của đối tượng mà người ấy chiêm ngưỡng, làm cho thực tại cụ thể không chỉ đáng được ngưỡng mộ nhưng trên hết nó làm nên một dấu chỉ về Thiên Chúa. Mọi nhà thơ Ki-tô hữu tốt đều là những nhà chiêm niệm theo nghĩa họ thấy Thiên Chúa mọi nơi trong tạo vật của Người và trong các mầu nhiệm của Người và nhìn thấy thế giới tạo vật chứa đầy dấu chỉ và biểu tượng của Thiên Chúa. Đối với nhà thơ Ki-tô hữu chân chính toàn thể thế giới và mọi sự cố của đời sống đều trở thành các bí tích – các dấu chỉ về Thiên Chúa, dấu chỉ về tình yêu Người làm việc trong thế giới.

Tuy nhiên, chỉ sự kiện có cái nhìn chiêm niệm về Thiên Chúa trong thế giới xung quanh chúng ta không đương nhiên làm một người thành nhà thơ lớn. Người ta không phải là một người tiên tri nhưng đặc biệt còn là một người sáng tạo – một người làm. Thi ca là một nghệ thuật, một kỹ năng tự nhiên, một phẩm chất của trí tuệ thực hành, và dù chúng ta có cảm nghiệm vấn đề lớn đến đâu trong chiêm niệm, chúng ta không thể đặt thành lời nếu chúng ta không làm chủ sự truyền đạt. Đúng là thế. Chúng ta hãy cho rằng một người đã có thiên phú tự nhiên. Nếu cảm hứng mà không có kỹ thuật phù hợp sẽ vô ích, còn kỹ thuật mà không có cảm hứng sẽ cằn cỗi.

(LE 345)

*&*

Đức Ki-tô là cảm hứng của thi ca Ki-tô giáo và Đức Ki-tô là trung tâm của đời sống chiêm niệm. Vì thế xem ra khá hiển nhiên là để góp phần hoàn thiện văn chương công giáo nói chung và thi ca nói riêng thì các nhà văn, nhà thơ sẽ sống chiêm niệm nhiều hơn những công dân của thế giới duy vật. Trước hết điều này có nghĩa là sống trọn vẹn đời sống bí tích và phụng vụ của Ki-tô giáo bao lâu người ta có thể giữ được. Rõ ràng nhà thơ không cần phải đi vào một tu viện để trở thành một nhà thơ tốt hơn, cái chúng ta cần là những “người chiêm niệm” bên ngoài nội cấm và bên ngoài kiểu mẫu cố định nghiêm ngặt của đời tu, những người chiêm niệm trong thế giới của nghệ thuật, văn chương, nghệ thuật và cả chính trị. Điều này có nghĩa là sự thống nhất của công việc, tư tưởng, tôn giáo, đời sống gia đình và những sự tiêu khiển của một người trong sự hài hòa sinh động với Đức Ki-tô tại trung tâm của đời sống ấy. Đời sống phụng vụ là một ví dụ rõ ràng nhất của “của sự chiêm niệm tích cực,” nhưng hiếm khi tìm được một giáo xứ ở đó đời sống phụng vụ khá hơn một bộ khung trống rỗng. Những kiểu lập dị và những ám ảnh của những kẻ cơ hội dở hơi không làm cho chúng ta có thành kiến đối với sự sống động to lớn và giá trị thường xuyên của việc phục hồi một phụng vụ chân chính. Chắc chắn rằng một trong những thành tựu có giá trị nhất trong lãnh vực nghệ thuật Ki-tô giáo trong thời đại chúng ta là uy tín của các đan sĩ ở Solesmes, với việc phục hồi nhạc bình ca của họ.

(LE 345-46)

*&*

Một kinh nghiệm thẩm mỹ chân thật là một cái gì vượt lên trên không chỉ bình diện khả giác (tuy nhiên trong đó bình diện này là khởi điểm) nhưng cả bình diện lý trí. Đó là một trực giác siêu lý của sự hoàn thiện tiềm tàng của các sự vật. Tính trực tiếp này chạy nhanh hơn tốc độ của lý luận và để mọi phân tích lại sau lưng. Như Jacques Maritain thường nhấn mạnh, trong trật tự tự nhiên, đó là sự loại suy của kinh nghiệm thần bí mà kinh nghiệm thẩm mỹ giống với và bắt chước từ xa. Cách nắm bắt của nó là do cùng bản tính – nó đạt đến sự nắm bắt thực tại nội giới, bản chất sống động của đối tượng, bởi sự đồng nhất cảm xúc của chính nó với nó. Nó ở lại trong sự hoàn hảo của sự vật bởi một sự hiệp nhất đôi khi giống với sự yên tĩnh của linh hồn trong sự tiếp xúc cảm xúc trực tiếp với Thiên Chúa giữa bóng đêm của sự cầu nguyện thần bí. Một nghệ sĩ chân thật có thể chiêm niệm hàng giờ một bức tranh và đó cũng là sự chiêm niệm thật. Sự giống nhau giữa hai kinh nghiệm ấy gần gũi đến nỗi một nhà thơ như Blake hầu như có thể lẫn lộn cả hai và làm cho chúng hòa nhập vào nhau như thể chúng thuộc về cùng một bình diện các sự vật.

(LE 347)

(còn tiếp)

Thomas Merton
Robert Inchausti (biên tập)
Vĩnh An (chuyển dịch)
Trích "Về ơn gọi viết văn", tr. 62-68

________________________________

Tiếng vọng của thinh lặng (1)

Tiếng vọng của thinh lặng (2)

Tiếng vọng của thinh lặng (3)

Tiếng vọng của thinh lặng (4)

Tiếng vọng của thinh lặng (5)

Tiếng vọng của thinh lặng (6)

Tiếng vọng của thinh lặng (7)

Tiếng vọng của thinh lặng (8)

Tiếng vọng của thinh lặng (9)