Các mối Phúc thật hôm nay (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3076 | Cập nhật lần cuối: 10/1/2016 10:05:46 PM | RSS

(Tiếp theo)

5. Vương triều ở đó rồi

“Vương triều, Vương quốc, Vương quyền” cũng là một chữ trong tiếng Hipri, Aram và Hylạp. Khi có vấn đề với Thiên Chúa người ta dịch: “Xin cho vương triều Cha đến!” Bởi vì chính Thiên Chúa chủ động thực hành điều đó. Khi đề cập tới con người, thì nói Thiên Chúa đã ban Vương quốc.

Thánh Luca là người Hylạp, thì nói ‘Vương triều Thiên Chúa’, còn thánh Mátthêu, thì nói: “Vương quốc trên trời”, vì người Do Thái tránh xưng tên Thiên Chúa, nên thánh Mátthêu thay thế từ đó bằng một danh từ tương đương. Vương triều Thiên Chúa đã được loan báo, Thiên Chúa sẽ ban cho con cái Vương quốc của Ngài.

Đối với ta, ở vào cuối thế kỷ 20 này, ba từ ngữ đó thật là khó hiểu. Không phải không còn vua nữa, nhưng vì chính người ta không còn dùng mấy kiểu nói này.

Vậy Mátthêu và thánh Luca muốn nói gì, khi dùng từ ngữ đó?

Trong Tin Mừng của ông, thánh Mátthêu dùng 32 lần từ có nghĩa là ‘Vương quốc trên trời’ hay “Nước Trời”, và rất nhiều nhà chú giải coi đó là một khái niệm then chốt của Tin Mừng. Cần phải cố gắng tìm hiểu xem từ đó nghĩa là gì đối với người Do Thái.

Đối với người Do Thái, từ “Vương quốc” có khả năng gợi ý rất nhiều. Nó thông sức mạnh cho những niềm hy vọng của cả một dân. Nếu nghiên cứu kỹ mọi phong trào chống Lamã xâm lăng, như phái Zêlốt, Essêniên, ta thấy họ đều tuyên xưng triều đại độc quyền Thiên Chúa. Tất cả những vị cứu tinh mới, như Giuđa người Galilê, thuộc bè Zêốt, đều tự giới thiệu là muốn đòi lại vương quốc, làm dấu chỉ Vương triều Thiên Chúa, mà họ muốn thiết lập, thành chế độ thần quyền triệt để. Những người Essêniên cũng mong chờ một vị Mêsia Vua.

Ta sẽ nhận thấy rằng: bọn Essêniên và Zêlốt đóng vai trò đặc biệt tích cực trong đó, và một phần trong bọn họ sẽ là những người anh hùng ở pháo đài Massada: họ đã tự sát tập thể trước mặt người Lamã, năm 73 hoặc 74.

Như thế Vương triều Thiên Chúa là sức mạnh bí ẩn đang tiến hành và rồi đây sẽ cuốn đi tất cả, không chi cưỡng lại được. Đó là thực tại ban đầu chẳng có chi, giống như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to; nếu quan tâm giữ đúng ý nghĩa tôn giáo của từ ngữ đó và nhớ rằng bên Israel lãnh vực chính trị và tôn giáo ngàm chặt chẽ với nhau, cũng như ở Balan ngày nay, thì ta có thể hiểu phần nào từ ngữ ấy nói gì đối với người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất. Vương quốc, đó là cuộc giải phóng. Những dân bị áp bức hôm nay kết thành một “lực lượng giải phóng quốc gia”. Âu châu bị Đức quốc xã xâm lược cuối cùng đã được giải phóng.

Dân Do Thái vào thời Chúa Giêsu mong đợi con người do Chúa quan phòng sai đến, tức là vị cứu tinh do các Tiên tri đã loan báo rồi, để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại, là cuộc giải phóng, là thời đại hoàng kim, là đất mới hoàn toàn do Thiên Chúa của Israel cai trị.

Bọn Zêlốt nói: cần phải cầm khí giới. Bè Essêniên thì rằng: cần phải thiết tha cầu nguyện, cho Lửa Thiên Chúa đến diệt tan tành mọi “con cái tối tăm”. Mọi người đều nhất trí về mục tiêu, là phục hồi chế độ mới, chế độ Thiên Chúa trên thế gian này. Vả lại thánh Gioan Tẩy Giả cũng đi theo hướng của phái Essêniên và bè Zêlốt: ông đã rao giảng Thiên Chúa là quan tòa dễ sợ đến châm lửa vào mỗi người thi đua hăng hái, mong cho những tai ương kinh khủng nhất đổ xuống trên quân thù Thiên Chúa, mà đồng thời cũng là thù địch với Israel.

Nhưng sứ điệp Chúa Giêsu, không nói về cuộc Giải phóng bằng sắt, bằng hỏa, bằng máu như vậy. Và thánh Gioan Tẩy Giả đã thất vọng về điều đó. Ông liên kết với những lời hứa trong Cựu Ước, lôi kéo dân đi vào hoang địa làm sống lại những ước mơ giải phóng xa xưa. Ông được liệt kê vào số các tiên tri ở thế kỷ thứ nhất đã hứa việc Thiên Chúa can thiệp cách lạ lùng. Một trong số các tiên tri đó loan báo rằng: Giêrusalem sẽ phải triệt hạ như Giêricô (những tiên tri này, cũng như bè Essêniên và Zêlốt căm thù đặc biệt đối với (Giêrusalem). Mỗi lần dân Chúa qui tụ chung quanh một vị ngôn sứ, quân Rôma liền bắt người lãnh đạo, hay tàn sát những thành viên của phong trào. Họ không muốn cho dân nổi dậy và ngăn cấm những nhóm tụ tập. Chính vì lý do chính trị đó mà vị Tẩy giả sẽ bị tử hình: vì sợ dân nổi dậy.

Từ nhà tù, ông vẫn tiếp tục hành động, ông sai hai môn đệ đến với Chúa Giêsu mà hỏi: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay con phải đợi chờ Đấng khác” (Lc 7, 19). Chúa Giêsu đáp lại theo lời Kinh thánh, mà vị Tẩy giả luôn luôn thi hành. Chúa trích Isaia để nêu những dấu chỉ loan báo sự Vương triều Thiên Chúa đến:

“Hãy đi nói với Gioan điều anh em đã thấy đã nghe: người mù sáng mắt, người què đi được, người phong hủi được lành, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại, người nghèo đón nhận Tin Mừng” (Mt 11,4-6). Và Chúa Giêsu nói thêm: “Phúc cho con người không vấp ngã vì Ta”.

Bản văn trích dẫn Isaia nói đến đồ đệ của các tiên tri, bị đày qua Babylon, xa quê hương bị phân sáp, tù tội, không còn vua, không còn đền thờ. Lời sấm của chương 49 Isaia rất đầy ý nghĩa:

Người sẽ bảo người tù: “Hãy ra đi!”

Nói với người ở trong bóng tối:

“Hãy ra sáng ngày!”

Họ sẽ không còn phải đói khát nữa,

Không bị ánh nắng mặt trời nóng rát.

Họ sẽ được Thiên Chúa ủi an

Và hướng dẫn tới nguồn nước sạch.

Trời đất ơi, nào hãy hân hoan:

Vì Thiên Chúa đã xót thương dân Người

Đến ủi an dân nghèo của Chúa.

Đó là Tin Mừng của Vương triều Thiên Chúa: Những người khốn khó sẽ được giải phóng. Như vậy Chúa Giêsu không loan báo Thiên Chúa sẽ đến như sấm sét, gây bạo động làm cho xáo trộn, nhưng đến làm những hành vi giải phóng giản đơn cho những người bình thường, hàng ngày bị đè bẹp dưới những vấn đề bản thân. Đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu đem đến, khi bắt đầu cuộc sống hành trình, Ngài đã vào trong Hội đường Nagiarét, người ta đem cho Ngài cuốn Kinh thánh và Ngài sẽ chọn lời Isaia:

Thần Trí Chúa trên tôi

Ngài thánh hiến và sai tôi đi

báo tin vui cho kẻ khó nghèo

ơn giải phóng cho người tù tội

cho người mù xem thấy

cho kẻ bị đàn áp lại được tự do.

Chúa Giêsu gấp sách lại và đơn giản nói:

“Bài Kinh thánh đó hiện nay đã nên trọn đối với anh em” (Lc 4,16-21)

Như thế, “Vương quốc” do Chúa Giêsu loan báo không làm bằng hỏa, bằng máu, nhưng bằng tình Thiên Chúa dấu yêu, không phải chờ ngày mai, - nhưng ở đấy rồi, chính ngày hôm nay đang thực hiện và nên hoàn tất ngay bây giờ.

Thật là khác nhau rất lớn giữa loan báo cuộc giải phóng rùng rợn kinh hoàng sắp đến, và việc nhận ra cuộc giải phóng không có gì là vĩ đại, nhưng đang ở đấy rồi, ngay trong cuộc sống hàng ngày kia. Cái “bây giờ” của Chúa Giêsu đối lập với cái “đã qua”, “cho tới nay, anh em vẫn nghèo đói”, thì đây, đã đến thời no nê, vì Đức Giêsu đang ở đấy, vì Abba đã sai Ngài xuống thế gian. Mặc dầu Thiên Chúa chưa tỏ hiện cách huy hoàng, toàn diện – và trong kinh nguyện còn phải cầu xin cho “Vương triều cha đến,” nhưng cái ngày hôm nay của Thiên Chúa đang ở đấy rồi và bắt đầu đời sống mới.

Chúa Giêsu sẽ nhấn mạnh cho đến tận giờ Ngài chịu chết về cái ngày “Hôm nay” đó. Về ‘Cái đang ở đấy rồi’. Khi ông trộm lành mong Thiên Chúa đến sau này và thưa với Chúa Giêsu:

“Xin Ngài nhớ đến tôi, khi vào Vương quốc của Ngài”. Chúa Giêsu trả lời:

“Ngày hôm nay, con ở với Ta”. (Lc 23,42-43). Thế là Chúa Giêsu khẳng định mạnh mẽ cái hôm nay! Bởi lẽ chính các người bất hạnh là nơi đón nhận Tin Mừng của Abba, bởi lẽ chính các người tù tội và chịu đóng đanh, những người phận hẩm duyên ôi, không còn định hướng, chính là những người ưu tiên, được Thiên Chúa đang ở đấy rồi, được Chúa can thiệp cứu giúp. Khi Chúa Giêsu tạ ơn Abba, lạy Cha, điều ấy tuy cha giấu các người khôn ngoan thông thái, nhưng tỏ cho các người “nhỏ bé đơn sơ” (Mt 11, 25). Các người “nhỏ bé đơn sơ” chính là những ai có cảm thức về Abba. Còn “điều” chính là Vương quốc và những dấu chỉ của Vương quốc đó. Chính các người “nhỏ bé đơn sơ” mới hiểu rằng: Vương quốc đang ở đấy rồi, chính họ mới ý thức là mình đau ốm, bị bỏ rơi, bị đàn áp, không tự đắc là tự mình biết Thiên Chúa. Họ vừa là người được hưởng, vừa là dấu chỉ cho Vương quốc ấy.

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Sở dĩ có vấn đề “Vương quốc Thiên Chúa”, chính là vì chỉ Thiên Chúa mới có thể mặc khải cho người ta biết về Thiên Chúa, và đó chính là ý nghĩa mấy lời thánh Mátthêu nói tiếp theo về việc mặc khải cho các người “nhỏ bé”:

“Không ai biết Con, trừ Cha, cũng không ai biết Cha trừ Con và kẻ nào được Con đoái thương mạc khải cho” (Mt 11, 27).

Cần hiểu “Vương triều” ngược với điều người ta thường hiểu qua từ ngữ ấy: Vương triều của Abba không có gì giống như mấy đế quốc đời này, và đó là nghịch lý bao la cần phải nắm càng sâu càng tốt.

Thế nào là đế quốc? Thật là lý thú khi nhận thức được vài qui luật thiết yếu của lịch sử, như J.B. Duroselle nêu trong sách của ông: Tout empire périra (mọi đế quốc sẽ tiêu tan). Trước hết ông nhắc lại rằng mọi đế quốc sẽ bị tiêu tan, rằng mọi sự đều thay đổi, rằng mọi cuộc cách mạng sau này sẽ xóa nó đi, rằng người Mác xít đã lầm, khi nghĩ rằng hệ thống của họ sẽ chấm dứt quá trình không thể tránh được kia. Thứ đến, nghĩa là có thể xóa đi hoàn toàn, chính là một sai lầm cơ bản: cuộc cách mạng bao giờ cũng nối liền với cái đã có trước, bằng cách này hay cách khác, Bonaparte nối liền với giòng họ Capêtiên và Stalin nối liền với các Nga hoàng. Ba là các dân tộc có quyền được tôn trọng tối thiểu, có nhu cầu được người ta thừa nhận. Quyền bính nào hay lãnh tụ nào không để ý thừa nhận căn tính của nhân dân thì trước sau gì cũng bị lật đổ. Bốn là: khốn cho quyền bính không để cho mỗi người được quyền chọn cho mình một mục tiêu, một nguyện vọng đúng với khả năng. Khốn cho quyền bính nào trong thực tế không thừa nhận, chẳng hạn như quyền lao động của nhân dân hay khốn cho những dân giàu làm nản chí những nước đang phát triển. Năm là: mọi quyền bính đều cần có sự đối kháng, để tránh lạm dụng và đi lệch đường. Vả lại không có loại người nào là toàn tri cả. Sáu là không được chơi những cú quá đau, hạ nhục đối phương, bởi vì sớm muộn gì họ cũng trả miếng. Cuối cùng, nếu sức mạnh ghi nhận được những thành công trước mắt rất là ngoạn mục, thì sẽ không đứng vững được lâu.

Ta có thể lấy lại từng điểm trong cẩm nang của nhà chính trị giỏi trên đây và thấy được rằng “Vương quốc trên trời” là cái ngược với mọi đế quốc trần gian. Điều Chúa Giêsu đề nghị chính là điều ngược với quyền bính đời này. Thiên Chúa trước kia đã tỏ mình ra nơi công trình sáng tạo và luật Môsê, nay không còn theo những đường lối thông thường ấy, để tỏ mình ra, ví dụ như bằng những qui định chính xác và những luật được liên kết chặt chẽ. Trước tiên không phải là mời gọi lý trí con người đi từ sự kiện lần tới nguyên nhân, hay đặt mình trước những chỉ thị luân lý nói với lương tâm họ.

Thiên Chúa tỏ mình là Abba trong Chúa Giêsu, qua đời sống khó nghèo, qua cuộc tử nạn Phục Sinh. Lần này Ngài theo con đường bí ẩn, chứ không tỏ mình trực tiếp. Sự thật của Ngài bộc lộ ra qua những cử chỉ và lời nói của một đời sống thường ngày và đơn giản, bị hạ nhục và cuối cùng bị thủ tiêu, đó là đời sống của Chúa Giêsu từ nay sẽ chính là “đường, là sự thật và là sự sống” duy nhất. Đó là tính độc đáo của Abba, Đấng mặc khải mình ra như thế, qua Chúa Giêsu, con người gần như không, bị loại bỏ, bị hiểu lầm, nhưng hoàn toàn vô tội.

Ở đây, Abba và Đức Giêsu cùng với Ngài hoạt động ngược chiều với những đế quốc loài người và những chiến lược quyền bính. Ngài tỏ cho thấy chính người hèn yếu, Ngài biết yêu và vì thế dễ bị tổn thương, chính con người không vũ khí, không có chi bảo vệ, nhưng lòng rộng mở, là kẻ ngay tự bây giờ có sự sống thật, sự sống không hề bị mất, dù có phải lo nhổ sạch khỏi lòng mình mọi gốc rễ quyền bính, mọi tham lam chiếm hữu, dù có phải thừa nhận người khác, chấp nhận mình là một ai ở giữa muôn người, vừa yêu, vừa để mình được yêu mà không coi ai là đối thủ hay người xa lạ, nhưng coi ai nấy là người anh em và như thứ ngã của mình. Chính tình thương luôn luôn thắng cuộc, thắng cả sự chết nữa kia…

Công cuộc tạo thành và luật Môsê đè bẹp con người vì không có cách làm giống như thế của Abba, vì là xóa mình đi trước con một Ngài, Con Ngài cũng làm như thế. Chính cách làm như thế đã giải thoát con người khỏi mọi tội trước nhan Thiên Chúa. Trước kia thiên hạ coi Ngài là Đấng toàn năng thống trị, nhưng bây giờ tự xóa mình đi để tỏ mình là Đấng yêu mến toàn năng.

Cung cách sống ấy của Abba, theo như Đức Giêsu mặc khải, tình thương tràn đầy ấy, bất cứ người nào cũng có thể biết là bản thân mình đang tham dự vào đó. Chính tình yêu điên rồ, là cái làm thành bản chất Đức Giêsu đó, bất cứ người nào nhờ Đức Giêsu, cũng chắc chắn là mình được dự phần vào đó. Cho nên không ai có thể coi mình là không có thể yêu, là hư đốn, không ai có thể thất vọng về mình.

Hết mọi người và vì thế họ đáng được tôn trọng vô cùng, đều đã nhận được cái khả năng kỳ diệu, vốn triệt để vượt trên những khả năng yêu mến và để cho mình được yêu mến. Đó chính là Vương quốc, Vương quốc, nghĩa là cái hạt giống đã gieo vào mỗi con người, cái khả năng yêu mến và được mến yêu, cái tương quan qua lại mới giữa mọi người với nhau và cái tương quan giữa mọi người với Abba.

Đức Giêsu khẳng định với tất cả những ai Ngài gặp trên mọi nẻo đường Ngài đi, với tất cả chúng ta hôm nay, và Ngài sẽ chứng minh điều đó ngay trong đời sống của Ngài rằng: Dù khốn nạn khổ đau thế nào đi nữa, dù nghèo khó thất vọng đến đâu cũng vậy, mỗi người đều có thể tự nhủ là mình có sẵn nơi mình cái khả năng, mà không sự gì cũng không một ai có thể cướp đi, đó là cái sức đẩy của tình yêu mình đã từng nhận lãnh từ chính Abba nhờ qua Chúa Giêsu.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 56-67

---------------------------------------

* Bài liên quan

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)