Các mối Phúc thật hôm nay (8): Các thính giả của Chúa Giêsu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2579 | Cập nhật lần cuối: 11/24/2016 7:24:01 AM | RSS

(Tiếp theo)

8. Các thính giả của Chúa Giêsu

Đối diện với các mối Phúc thật, ta thử cố gắng đừng chơi chữ. Nghĩa là đừng ép bản văn phải theo mình, đừng tự tiện áp đặt vào đó những cách nhìn, những cách dịch không đúng hẳn của ta. Tất cả chúng ta đều phải viết “cuốn Tin Mừng” của mình, phải ghi lại cuộc sống của mình, cái đã thôi thúc của Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng chúng ta sẽ càng làm tốt công trình sáng tạo ấy trong cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta càng tìm hiểu kỹ càng những gì Chúa Giêsu thực sự đã nói với các thính giả của Ngài, những gì thánh Luca và thánh Mátthêu thực sự đã viết cho độc giả các ông. Nếu ta muốn cho mối Phúc thật, trở thành muối cho cuộc sống chúng ta, thì trước tiên phải làm sao để cho chất muối ấy lạt đi, phải khám phá lại vị mặn nguyên thủy của muối đó.

Có gì nơi khởi điểm của mối Phúc thật? Chúa Giêsu băng qua những con đường và trong hoàn cảnh này, trong cuộc gặp gỡ nọ, Ngài nói Ngài phản ứng, Ngài phát biểu, có khi là cuộc tranh luận dài dòng, hoặc lời nói ngắn gọn, có khi là lời khuyên dưới hìn thức ca dao hoặc bài thuyết trình rộng rãi, có khi là câu chuyện nho nhỏ hoặc tích truyện có đầu có đuôi đàng hoàng. Từ những cái đó toát ra những tư tưởng cứ trở đi trở lại liên tục, như một chủ ý, một bản nhạc, một cung điệu một kiểu thức đặc biệt của Chúa Giêsu, làm nên nhãn hiệu riêng của Ngài.

Rambrandt là Rambrandt và Mozart là Mozart, mỗi người có một phong cách đặc thù, không thể bắt chước được. Chúa Giêsu có cung cách của Ngài, nói về Abba Ngài luôn luôn gặp gỡ, trong kinh nguyện sớm mai hoặc chiều tối, lúc ở riêng một mình trên núi. Tự nơi Ngài trào ra những câu độc đáo ca tụng Abba, nói về Cha trong thứ ngôn ngữ đám đông hiểu ngay tức khắc, họ ghi nhận rồi các tông đồ sẽ gìn giữ và lưu truyền.

Chúa Giêsu là người gieo giống. Các đường đi Ngài rải rác những cục “sỏi trắng” là những lời nói xem ra kỳ lạ đối với các thính giả Ngài, nên họ không thể nào quên một cố gắng không phải là vô ích hay là không thể làm được, đó là thử lại hướng vị đầu tiên ấy, nhất là từ hơn 50 năm nay, các nhà chú giải đã được thực hiện một công trình hết sức kỳ diệu, khiến ta có thể thu lượm được nhiều kết quả.

Các mối Phúc thật hôm nay (8): Các thính giả của Chúa Giêsu

Trước khi nghiên cứu bản thân mối Phúc thật, tốt nhất là nên bắt đầu xem xét những khuôn mặt khác nhau đang nghe Chúa Giêsu.

Có những người theo sát Ngài. Trước tiên đó là các tông đồ, mà ta nghĩ mình biết rõ, vì được nghe giới thiệu rất nhiều. Nhưng họ khác nhau biết chừng nào! Trong số ấy có những người chài lưới ở biển hồ Tibêriát, những người mà 40 năm sau, sẽ vào số những người đầu tiên, đứng lên chống lại La mã. Đó là những ông chài lưới tầm thường, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ hiểu nghề mình và ngạc nhiên, như ông Phêrô khi Chúa Giêsu là người không chuyên nghiệp lại mời ông giữa ban ngày ra khơi và thả lưới, mà chính ban đêm mới đánh được những mẻ cá to. Và ông Phêrô đã lưu ý Chúa Giêsu về điều đó. Bên cạnh dân chài, trong nhóm còn có một nhân viên thu thuế, hoạt động cho người La mã và một tên Giêlốt kháng chiến.

“Có nhóm 12 với Ngài”, mà cũng có một vài người phụ nữ đã được chữa lành khỏi ác thần và bệnh tật “và nhiều người khác đem của riêng đến giúp đỡ các Ngài” (Lc 8,2-3)

Có nhóm 70 người được sai đi truyền giáo, họ phải hoạt động như các tông đồ. Họ ra đi từng hai người một, “không túi tiền, không bao bị, không giày dép” (Lc 10,1-4).

Có những người như anh bị quỷ ám ở Guêrasa, trở thành môn đệ Chúa Giêsu và đi một mình loan báo Ngài tại miền Thập tỉnh (Mc 5, 20). Ngoài những kẻ đi theo Ngài, còn có những người làm điểm cố định cho Chúa Giêsu, đó là những người thiện cảm đón nhận Ngài vào nhà họ, như là Maria và Mathia, như ông phong củi. Nhưng đó là những chặng dừng chân. Chúa Giêsu không ngừng đi trên đường và những kẻ theo Ngài là các Tông đồ, các môn đệ, phụ nữ, đều có thể gọi là những người nay đây mai đó, vì đi theo Chúa Giêsu đòi phải bỏ nhà, bỏ của cải, công cụ làm việc “để lưới lại đó” (Mc 1, 8), phải bỏ “hang hay tổ của mình” (Mt 8, 20), không còn ở nơi cố định. Điều đó đặt ra vấn đề đạo hiếu: ông Giacôbê và Gioan để cha mình lại đó, giữa lúc đang làm việc, để đi theo Chúa Giêsu, Chúa cũng không cho phép người muốn đi theo Ngài trở về an táng cho người vừa chết (Mt 8, 22).

Dễ hiểu là các gia đình không thích những cách làm như thế, vì trước tiên làm cho họ mất đi lực lượng lao động, trong thời buổi cuộc sống khó khăn. Gia đình Chúa Giêsu cho Ngài là người điên (Mc 3, 21). Chúa Giêsu biết rõ một tiên tri lưu động kiểu Ngài sẽ không được mến chuộng “trong quê quán, giữa bà con, gia đình” (Mc 6, 4). Và Chúa Giêsu nhận thấy mình gây ra những đụng độ trong gia đình (Lc 12, 51). Các tông đồ hoang mang tự hỏi “chúng mình bỏ tất cả đi theo Ngài thì sẽ được phần thưởng chi?” Họ quả là những con người lang thang, ngoài lề. Vả lại ông Phêrô nhận biệt danh là ‘Barjona’, người ‘ngoại luật lệ’ người ‘biệt xứ’. Danh từ ấy chỉ một người sống bên lề xã hội.

Này họ đang đi trên đường, không có gì cả, dù cây gậy tự vệ cũng không - mà đường đi thì không mấy bảo đảm. Trong khi ngay cả các đan sinh Essêniên là kẻ hiếu hòa, cũng cho anh em mình mang gậy đi để tự vệ dọc đường. Người mời gọi họ thi hành hai lần điều người ta yêu cầu họ khi trưng dụng họ dọc đường và bắt họ đi làm việc. Không lo lắng về ngày mai, cứ lặp lại “Sự khó ngày nào đủ cho ngày đó”, hy vọng mỗi sáng mai phần cơm bánh hằng ngày với vài ly nước lạnh, sống nhờ của bố thí. Đó không phải là kỳ cục lắm ư?

Có lúc họ dừng lại trong một thành, người ta sớm đuổi họ đi. Muốn trả thù, mong ước cho lửa trời thiêu hủy những làng không tiếp đón họ. Chúa Giêsu buộc lòng phải phản ứng. Ngài mời họ đi xa hơn. “Họ đi vào làng khác” (Lc 9, 55)

Những điều kiện sống như thế chẳng có gì vui tươi hay thơ mộng. Tự nhiên chúng gây ra chống đối và căng thẳng, hay nhu cầu được thưởng công và được đền bù. Nhưng các đồ đệ không có những điều kiện sống nào khác với các điều kiện sống của chính Thầy các ông. Trước tiên Chúa Giêsu là con người, nghĩa là người vừa ‘ở trên’ vừa hạ xuống. Chúa là một con người không nhà không cửa, bị người ta chê cười và chống đối, nhưng đồng thời Chúa Giêsu và các môn đệ cũng như Ngài, vi phạm luật Sabát, tự đặt mình lên trên những luật chay kiêng (Mc 2,18, 24). Vì Chúa Giêsu hứa với các đồ đệ Ngài là sẽ có cuộc đảo ngược: những người cuối sẽ đứng đầu, những kẻ bên lề sẽ vượt lên trên xã hội giàu sang yên vị.

Nhiều người trong số các đồ đệ là những người quê ở Galilê. Mà ở Galilê, rất nhiều người đã từ các nơi khác chuyển tới. Ví dụ như các người di cư, các người túng thiếu được vua Antipa đưa về năm 19-20 để lập thành phố Tibêriát, những con người ấy sẵn sàng phiêu lưu chạy theo Chúa Giêsu. Miền Galilê đã có một dân đông đảo và hầu như chỉ có 10% diện tích là có thể trồng trọt. Đám tùy tùng của Chúa Giêsu gồm những người thấp kém, dân chài, nông dân, di cư, viên chức tạm nghỉ việc. Trong thời gian thất nghiệp và khủng hoảng càng tăng thêm những người trộm cướp, ăn xin và cả những người mất thăng bằng, kỳ quặc hay mắc bệnh tâm thần, người ta cố gắng xoay sở tùy sức.

Chúa Giêsu phải là một con người không định cư, không ở trong thành phố, Ngài có xu hướng lánh khỏi Giêrusalem. Ngài cũng xa các thành phố khác, ví dụ thành Samari. Còn miền Thập tỉnh bên phía Đông, hoặc những thành như Tyrô và Siđôn Chúa Giêsu cũng không đi đến đấy, vì đó là những thành hy hóa, Ngài chỉ đến gần ven vùng ngoại ô, nơi sinh sống của người Do Thái, vì xét chung họ rất kỵ người ngoại bang. Thế mà Chúa Giêsu lại tỏ ra cởi mở, rất ít ngại ngùng đối với các dân ngoại này. Ngài dám phát biểu rằng dân thành Tyrô và Siđôn có khả năng trở lại hơn là Betsaiđa và Choraim. Khi Ngài đi về phía Tyrô và Siđôn (Mc 7, 24) và có một người phụ nữ Hy lạp, thuộc miền Syrophênê đến xin Ngài cứu chữa con gái bà thì lúc đầu Chúa Giêsu bắt buộc phải tính đến thành kiến của các đồ đệ Ngài và nhắc lại rằng người Do Thái có quyền ưu tiên hơn người đàn bà Hy lạp kia, tức là bà ngoại đạo không phải người Do Thái, nhưng Ngài đã chữa lành đứa con gái bà.

Vậy nơi Chúa Giêsu quen tá túc, chính là miền quê. Và có cả một sự khác biệt giữa miền quê và dân thành phố như Giêrusalem. Đây là thành phố du lịch tôn giáo, trong đó toàn thể dân chúng sống nhờ đền thờ hoặc trực tiếp như các công nhân được chính quyền trả lương cao. Hoặc gián tiếp như các người buôn bán nọ kia, các chủ nhà trọ, v.v… Thế mà Chúa Giêsu cứ ăn nói một cách không phù hợp với quyền lợi của nhân dân Giêrusalem và sẽ biến họ thành kẻ thù. Ngược lại, miền quê là môi trường tự nhiên của Ngài. Ngài xuất phát từ đó, dân miền quê chịu sức ép kinh tế nhiều hơn dân thành phố, khiến họ sinh ra ganh tị vì họ dễ bị kiểm soát hơn và có ít lợi về tài chính hơn. Họ thường bị bóc lột bởi những người địa chủ sinh sống tại thành phố, chỉ biết nghĩ tới lợi nhuận và chèn ép được chừng nào hay chừng ấy.

Cảnh “hòa bình La mã” đã tạo thuận lợi cho việc mậu dịch và sự tập trung nhiều tài sản lớn, tiền bạc đến với tiền bạc. Ai có, còn được cho thêm. Người không có, ngay cả cái nó có cũng bị cướp giật” (Lc 19, 26). Có những người có của nhiều và lợi lộc nhiều, có những người bé mọn nhiều khi nợ đừ người – không dễ gặp được ông chủ nợ sẵn sàng tha nợ cho anh đâu! (Mt 18, 23) hay là gặp được người quản lý, trong khi vắng chủ lại kết nghĩa bạn bè, bằng cách tha nợ (Lc 16). Có những âm mưu nổi loạn, câu chuyện các thợ vườn nho sát nhân nói lên điều đó.

Về mặt tôn giáo, Chúa Giêsu sống ở giữa một số trào lưu:

Trước hết có những người Sađukê, đại diện cho phái được ưu đãi, đó là hàng thượng tế và các gia đình giàu sang. Họ giữ triệt để chữ đen Kinh thánh, chỉ chấp hành nguyên lề luật thành văn, họ nghi ngờ mọi tư tưởng canh tân tôn giáo, vì chúng sẽ làm nguy hại đến quyền ưu tiên văn hóa của họ. Quyền thống trị của La mã bảo đảm cho họ vị thế ưu tiên trong Do Thái giáo. Vậy chính mối lợi cho họ là chấp nhận quyền thống trị ấy, và họ nhấn mạnh là nó cho phép tự do hành đạo. Người Sađukê quản lý đền thờ.

Đối diện với người Sađukê, có một nhóm gồm độ 10 ngàn thành viên như họ, vẫn gay gắt tranh dành ảnh hưởng trên nhân dân. Đó là nhóm Biệt phái. Họ chủ trương sống lề luật trong cuộc sống hằng ngày. Họ không bảo thủ trên bình diện tôn giáo, nhưng cởi mở đón nhận những tư tưởng mới vì thế họ là những người đầu tiên nói đến sự bất tử, sự sống lại, ngày phán xét chung. Ngược lại với những người Sađukê, họ trông đợi vị Cứu tinh. Họ đề nghị với dân một lề luật truyền khẩu. Họ có tài giải thích, thường thường một cách rất linh động. Hội đường là nơi ảnh hưởng của họ. Người ta gặp nhau tại đó, để lắng nghe những lời giải thích của họ và cầu nguyện với nhau. Những người Biệt phái quản lý Hội đường.

Nhân dân quay về phía những người Biệt phái, còn những người Sađukê thì bị dân chúng khinh chê, vì bảo thủ và cộng tác với người La mã, trong khi những người Biệt phái là những người ái quốc kiên quyết. Dầu vậy, họ từ chối việc xử dụng bạo lực, để thực hiện vương quốc Đấng Mêsia, và họ mong đợi việc phục hưng quyền toàn vẹn trong Israel.

Bên cạnh hai nhóm quý tộc và nhóm Biệt phái cùng nhau nắm thực quyền ấy, còn có hai nhóm không chính thức, nhưng có ảnh hưởng mạnh mẽ: Đó là nhóm Giêlốt (nhiệt tâm) và nhóm Essêniên.

Nhóm Giêlốt ủng hộ thần quyền triệt để, họ muốn triều đại độc quyền Thiên Chúa và không ngừng đeo đuổi mục tiêu chính yếu của họ là quăng quân La mã xuống biển. Họ xuất phát từ Galilê (người ta quen gọi họ là bọn Galilê) điển hình như ông Giuđa người Galilê. Vào năm 6 TCN để phản đối vụ thiết lập miền Giuđê thành tỉnh La mã, họ đã tổ chức quân du kích khắp cả nước. Có những quân trộm cướp nhập bọn với họ, đôi khi người ta không biết rõ ai là Giêlốt, ai là quân cướp. Họ loại người giàu ra khỏi hàng ngũ mình và dĩ nhiên là cả bất cứ người ngoại bang nào. Nhóm Giêlốt nhảy vào hành động trực tiếp, tổ chức những vụ bạo động, đánh nhanh rút lẹ, bắt con tin đem đi. Họ là những người kháng chiến và quân khủng bố nữa.

Nhóm Essêniên cũng như Biệt phái, muốn áp dụng triệt để lề luật, nhưng không phải trong những hoàn cảnh hằng ngày: họ là những đan sinh sống thành cộng đoàn, biệt lập trên vùng sa mạc ở bờ biển Chết, họ để của chung, sống khắc khe khổ hạnh, sống độc thân. Họ tách xa công việc thế gian, và cũng không lên Giêrusalem dự lễ. Họ tự xưng là hiếu hòa, nhưng lại mong chờ cuộc sụp đổ khải huyền vĩ đại, Thiên Chúa sẽ can thiệp giải phóng Israel và mơ tưởng một cuộc tàn sát mà họ sẽ ra tay giúp các thiên thần Chúa tiêu diệt tất cả con cái tối tăm. Chỉ có điều là họ không muốn đi trước hành động của Thiên Chúa và từ chối thuyết khủng bố! Họ cư ngụ như ở trong chiếc tàu, sẽ được bảo toàn khỏi cơn lụt lửa, họ là nhóm nhỏ sống sót của những người trung tín và trong sạch. Họ sống đóng khung vào khuôn khổ, trong tình trạng sôi động không ngừng. Nhân dân không biết họ: coi họ là bè nhiệm, khá hấp dẫn. Đó là một bè phái.

Chúa Giêsu và các đồ đệ của Ngài xuất hiện khác xa nhóm Essêniên vốn phân chia thiện ác, sáng-tối, thật-giả và không ngừng cuộc chiến đấu giữa hai vị thần, thần Thiên Chúa và thần Balial, tức là ma quỉ.

Nhóm Essêniên chỉ có thể khinh chê Chúa Giêsu và môn đồ Ngài, vì không tôn trọng đủ luật trong sạch và ngồi đồng bàn với bọn thu thuế và tội lỗi. Hình như Chúa Giêsu còn đả kích nhóm Essêniên nhiều hơn nhóm Biệt phái, khi Ngài nói:

“Không phải cái gì vào trong miệng là làm dơ bẩn con người, nhưng cái gì xuất hiện ra từ lỗ miệng… Những gì miệng nói ra đều xuất phát từ một nội tâm và cách ấy mới làm dơ bẩn con người. Đó là những mưu toan phá hoại giết người, ngoại tình, đàng điếm, trộm cắp, chứng gian, lộng ngôn”. (Mt 15,11.18-19).

Nhưng nhất là nhóm Essêniên coi Chúa Giêsu là con người quá tự do, Họ chỉ dành tình huynh đệ cho những thành phần của phe phái họ mà thôi. Chúa Giêsu loại trừ chủ nghĩa bài tha của nhóm Essêniên và chủ trương một tình huynh đệ không loại trừ ai. Chúa Giêsu và các môn đồ Ngài chắc chắn đã gặp một số người thuộc nhóm Giêlốt. Vả lại có những người Giêlốt trong nhóm thân cận trực tiếp của Chúa Giêsu, tỉ dụ như ông Simon là một trong các tông đồ (Lc 6, 15). Người ta còn nghĩ tới tên của ông Giuđa Sicariô, tức là tên của một loại dao găm nhỏ, người Giêlốt mang luôn trong mình.

Như vậy có lẽ ông Giuđa đã phản bội Chúa Giêsu, vì ông ta cho Ngài quá nhu nhược, không trung thành với sự nghiệp do nhóm Giêlốt bảo vệ. Ông Phêrô cũng thế, người ta thấy ông lúc Chúa Giêsu bị bắt, cũng mang theo cái dao găm nhỏ kia. Nhóm Sađukê lại còn tìm cách đồng hóa Chúa Giêsu với nhóm Giêlốt. Vả lại, khi Chúa Giêsu gọi nhạo Hêrôđê là “cáo già” (Lc 13, 22), Ngài tỏ mình gần gũi với nhóm Giêlốt. Cũng vậy, trong câu chuyện xảy ra ở miền Guêrasa, phía đông bờ hồ Tibêriát, nơi một ngày kia Chúa Giêsu cập bến. Có một người đến với Ngài. Anh ta khỏe như thần Hercule, anh ta ở trong ngôi mộ, không ngừng tru tréo và lấy đá rạch mình. Vậy anh ta nhào tới Chúa Giêsu: “Xin ông đừng quấy tôi!”

Chúa Giêsu hỏi tên thần đang ám người kia và điều kỳ cục là nó đã trả lời: “tên tôi là quân đoàn”, như một quân đoàn lính La mã, là lực lượng chiếm đóng bị dân phỉ nhổ và nó nói là không muốn ra khỏi xứ, cũng như quân La mã vậy! Thế là có nhiều tên quỉ ở trong mình nó. Chúa Giêsu giải thoát cho nó và lũ quỉ kia đi vào một bầy heo – khiến bầy heo từ triền dốc chạy ào xuống biển. Điều đó hoàn toàn đúng là chuyện ước mơ của nhóm Giêlốt mong cho người La mã là quân ngoại đạo bẩn thỉu như heo, bị quăng xuống biển!

Nhưng người ta thấy Chúa Giêsu chẳng có gì giống như một lãnh tụ quân du kích, hay như một người anh hùng cách mạng Do Thái. Ngài đã bảo thánh Phêrô, chớ dùng dao găm, Ngài đã giảng dạy hòa bình và đã tuyên phúc cho những người kiến tạo hòa bình. Nhóm Giêlốt chỉ quí mến Ngài vừa phải và nghĩ rằng Ngài làm nhụt chí nhân dân.

Chắc chắn là Chúa Giêsu không có quan hệ nhiều với nhóm Sađukê và những người tỏ ra họ luôn luôn thích gây gỗ với Ngài, tìm mọi cách thủ tiêu Ngài đi.

Còn lại nhóm Biệt phái. Ban đầu họ bị chia rẽ nhiều về vấn đề Đức Giêsu. Một số nói Ngài không phải từ Thiên Chúa, vì Ngài không giữ ngày Sabát. Một số khác nghĩ rằng một con người bị Thiên Chúa loại bỏ không thể thực hiện được những gì Ngài đang làm (Gio 9, 16) – Rõ ràng họ là những con người thực dụng, quen phê phán trên sự kiện. Ngài thường được mời đến đồng bàn với nhóm Biệt phái. Ông Nicôđêmô là một người biệt phái, biệt phái trung dung, rất đối lập với bọn Giêlốt quá khích. Khi Hêrôđê muốn giết Chúa Giêsu, chính người Biệt phái đã đưa tin cho Ngài và bảo Ngài phải trốn (Lc 13, 31).

Sở dĩ Chúa Giêsu và nhóm Biệt phái có nhiều cuộc tranh cãi và hai bên thường đối đầu với nhau như thế, chính là vì có sự đồng mưu thực sự giữa hai bên. Ngài và họ muốn rằng Thiên Chúa phải được sống trong hiện sinh hằng ngày. Chúa Giêsu chỉ trách họ vì một điều thiếu sót là họ tuyên bố cần liên kết đức tin với lề luật, nhưng họ không đem điều đó ra thực hành, như lời Chúa Giêsu nhận xét: “Họ nói mà không làm” (Mt 23, 3).

Nói cho cùng, nhóm Biệt phái hiểu rõ cuộc cách mạng tôn giáo do Chúa Giêsu đem tới, nhưng họ sợ, vì, cuộc cách mạng ấy sẽ làm cho họ mất chỗ đứng và mất cả chức tước của họ, vì họ muốn vẫn cứ làm Rabbi. Nên Chúa Giêsu không dịu dàng với họ, đánh đúng chỗ yếu của họ, như thế Ngài biết họ từ bên trong, như những người anh em thù địch:

“Họ thích ngồi chỗ nhất trong các bữa ăn.” (Mt 23, 6)

Cần phải thấy rõ rằng tất cả những trào lưu ấy (Giêlốt, Essêniên, Biệt phái) đều đã phát sinh vì phải đối diện với những nền văn hóa ngoại bang, để chống lại những nguy cơ bị người Hy lạp đồng hóa. Người Do Thái phản ứng, không muốn mất căn tính, nên giữ vững lập trường chính trị, tôn giáo của mình. Cho rằng dân ngoại đạo cũng được Thiên Chúa thương yêu như dân Do Thái, thật ít người có thể lật ngược lối nhìn như thế! Những người đương thời với Chúa Giêsu rất ít nghe Ngài nói về Thiên Chúa theo kiểu nói về Thiên Chúa là Abba cho mặt trời soi sáng trên mọi người La mã cũng như trên người Do Thái.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 92-106

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)