Các mối Phúc thật hôm nay (9): Hai tác giả Tin Mừng về hạnh phúc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2859 | Cập nhật lần cuối: 12/29/2016 8:14:04 PM | RSS

(Tiếp theo)

9. Hai tác giả Tin Mừng về hạnh phúc

Làm sao ngày nay chúng ta có thể hiểu được mối Phúc thật, nếu trước tiên không đi sâu vào môi trường sinh hoạt của Chúa Giêsu.

Toàn bộ xứ Phalêtinh thời Ngài là đất nước bị chiếm đóng với những người cộng tác và những người chống đối, là đất nước tràn lan nhiều trào lưu tôn giáo khác nhau, mà mỗi trào lưu lại có những lập trường nhất định về tôn giáo và chính trị, là đất muốn có những vị Hoàng tử và người công nhân và dân ăn mày. Các ‘thính giả’ của Chúa Giêsu, dù lắng nghe Ngài hay không, đều thuộc về đám quần chúng trong đó Chúa đang ăn nói và hoạt động. Ngài nói với tất cả đám người đó, Ngài cố gắng gây chú ý cho họ, trình bày với mọi người mối Phúc thật, làm chương trình, dựa theo đó người ta có thể thành công trong cuộc đời, đem lại hương vị hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống.

Nhưng ngày nay muốn hiểu mối Phúc thật cũng còn phải nhận thấy rằng bản văn mối Phúc (như ta đã thấy, là một biên soạn gom từ những nhân tố rời rạc), không chỉ có một, mà có hai bản văn, một của thánh Luca, một của thánh Mátthêu. Cả hai tác giả viết cho những độc giả khác nhau, và vì thế nhấn mạnh trên những điểm khác nhau – đôi khi rất khác nhau. Đối chiếu hai bản với nhau sẽ cho phép tiến gần tư tưởng của Chúa Giêsu hơn và giúp ta lần hồi tìm ra cung cách ta phải viết lại mối Phúc thật trong thế giới hôm nay.

Thánh Mátthêu viết Tin Mừng cho một cộng đoàn rõ rệt, còn thánh Luca lại viết cả Tin Mừng cả Công vụ tông đồ, gửi cho độc giả xét từng cá nhân, không chỉ là Kitô hữu, mà cả người Kitô giáo nữa. Vì lý do ấy, cả hai tác phẩm của ông có đặc tính rõ rệt: muốn chứng minh cho dân ngoại biết Chúa Giêsu là Đấng chân thật.

Thánh Luca hoàn toàn có khả năng sáng tác khi ông muốn, trong ngôn ngữ văn chương, như ông cho ta thấy điều đó, nhưng ít khi ông làm như vậy. Ông viết trong một thứ tiếng Hy lạp bình dân, vốn là công cụ truyền thông trong thung lũng Lưỡng Hà, một thứ ngôn ngữ thông thường. Như thế, rõ ràng ông có quan tâm muốn ngỏ lời với quần chúng chứ không phải một nhóm thượng lưu ưu tú.

Ông là một nhà văn chính xác, gọi “Hồ” là hồ, “Biển” là biển, ông tránh những thành ngữ Latinh, ông vốn là người có cảm thức về danh dự và tế nhị, như ta sẽ thấy, ông áp dụng những đức tính ấy vào trong ngôn ngữ của mình. Ông tôn trọng lời ăn tiếng nói của mình và ngôn ngữ của ông không có những cái đùa diễu cợt, ưa dùng cách nói đảm nhệ đi hơn. Ông không nói “một con đĩ”, nhưng nói “một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” (Lc 7, 37). Ông có tài gợi ý, diễn tả cách chính xác, ông có khiếu nhà họa sĩ ưa cân đối: tỉ dụ, tiếp theo sau hai cách Truyền tin là hai màn sinh nhật.

Trong Tin Mừng của thánh Luca, ông chủ tâm muốn tỏ cho thấy ngay từ đầu, là nếu Chúa Giêsu thuộc về Do Thái giáo và, qua việc dâng hiến ở Đền thờ, Ngài còn thuộc thành phần những người Israel được cống hiến cho Thiên Chúa, dầu vậy Ngài cũng thuộc về những người khác nữa, vì Ngài là “ánh sáng mạc khải cho dân ngoại” (Lc 2, 32). Ông lại cho thấy ông Simêong cũng già như giao ước cũ, và Giao ước mới đến rồi, với gương mặt và lời hứa của một cậu bé, phải nhảy qua thời đại mới, cuộc giải phóng mong đợi sẽ đến từ cậu bé kia vốn là cả một thế giới mới. (Lc 2,30-38)

Và thánh Luca muốn cho mối Phúc thật được trình bày cho những người ở xa hơn, cho dân ngoại. Chúa Giêsu kêu gọi thánh Phêrô hãy quăng chài xa hơn, mãi tận ngoài khơi, chỗ nước sâu.

Thánh Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất nói đến hai ghe thuyền trong mẻ cá lạ lùng, và thánh Ambrôsiô trong bài giải thích về Tin Mừng thánh Luca, coi lời kêu gọi chiếc ghe thứ hai đến thu mẻ cá, chính là dân ngoại sẽ trở lại đông đảo, sau người Do Thái, và cuối cùng, khi thánh Mátthêu để cho Chúa Giêsu nói:

“Ta sẽ làm cho các anh thành ngư phủ bắt người”, thì Luca lại ghi rõ lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Đó là những con người mà anh sẽ bắt sống” (5, 10).

Chúa Giêsu muốn có những đồ đệ và trong thánh Luca hình như mối Phúc thật nhắm các đồ đệ những “ngư phủ bắt người” trong tương lai, họ sẽ đề nghị với mọi người hãy trở nên “con cái của Đấng tối cao”, bằng cách trở nên giống Ngài, là Đấng nhân từ với những người bội nghĩa và gian tà (Lc 6, 35).

Nơi thánh Luca Chúa Giêsu đi vào cuộc đời công khai khi Ngài về thăm Nagiarét và giải thích bài đọc Israel tại hội đường, trong đó Ngài nói rằng lời tiên tri đã ứng nghiệm “ngày hôm nay” trong đó Ngài tự giới thiệu mình với những người biết rõ Ngài là “người đại diện” Thiên Chúa, vừa là lời nói, vừa là cánh tay hoạt động của Chúa, Ngài thay mặt Thiên Chúa ở dưới đất này. Thế nhưng Chúa Giêsu sẽ thất bại ở Nagiarét, làm dấu tiên báo thất bại của Ngài ở Giêrusalem và khắp nơi trong Israel. Thánh Luca trong hai tác phẩm của ông sẽ đưa ra nhận xét này là các vị Ngôn sứ của Thiên Chúa thường thường không được đón nhận bởi những người đặc ân mà ông đã được sai đến với họ. Từ đó thánh Luca sẽ kết luận rằng: thông điệp của các vị sứ thần, không được những người đặc ân này đón nhận, phải được phổ biến cho mọi người khác, và họ sẽ hết sức vui mừng đón nhận thông điệp ấy. Còn về phần những người đặc ân, thánh Luca đem tài biện chứng ra tỏ cho thấy họ lại càng ngoan cố trước sự kiện là những gì đã được dành riêng cho họ thì nay được phân phối rộng rãi cho mọi người.

Thánh Luca không ngần ngại nhấn mạnh đến sự thất bại, trong biến cố Biến hình, ông cho thấy ông Maisen và ông Êlia, ngay ở giữa vinh quang vẫn nói đến cuộc “xuất hành” của Chúa Giêsu lối nói nhẹ để ám chỉ cái chết của Ngài. Lúc thánh Phêrô đã nhận ra Vị Cứu tinh của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, thì Đức Giêsu, trong thánh Luca, lại nói đến cuộc thương khó của Ngài, điều mà các Tông đồ không cách nào tưởng tượng được. Họ phải chờ đến Phục Sinh mới hiểu sự đau khổ và sự chết của Đức Giêsu. Đối với thánh Luca, những thất bại không phải là thất bại, nhưng là những chặng đường phải ngang qua, có khi để nhún lấy đà nữa là đàng khác.

Thánh Luca có cái cảm thức về các trung gian: Thiên Chúa mà thông điệp của Ngài đã bị xuyên tạc, muốn tỏ mình cho đúng qua người con của Ngài – và ai nhìn thấy Con sẽ là thấy Cha. Đến lượt Chúa Giêsu, sau khi lên trời, Ngài được nhận biết nhờ Lời Ngài đã được truyền đi do các nhân chứng, những con người bằng xương bằng thịt, đã được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Thánh Thần cũng là một Đấng trung gian rất quan trọng đối với thánh Luca. Những nhân chứng ấy phải bày tỏ Đức Giêsu cho dân Do Thái, vốn đã thừa nhận Ngài và cho những người khác, họ phải giải phóng mỗi người khỏi các thần tượng của mình, để được gặp Thiên Chúa hằng sống – Thiên Chúa không nói đến Đấng Phục Sinh, nhưng nói đến Đấng Hằng sống.

Vị Thiên Chúa hằng sống đó không phải là một vị thần mới do Chúa Giêsu vừa đem vào thị trường tôn giáo – rất phồn thịnh vào thời đó. Ngài là một với Thiên Chúa của ông Abraham, ông Isaác và ông Giacóp, nhưng hôm nay được tỏ hiện đầy đủ trong Đức Giêsu.

Chúa Giêsu đòi hỏi các đồ đệ Ngài phải có những thái độ nào? Đối với Luca, Chúa Giêsu kêu mời đi tới một cái gì triệt để hơn là Lề luật. Phải chặt đứt mọi liên lạc gia đình, phải từ bỏ của cải vật chất, phải chia sẻ và nhất là sống vô chiếm hữu và sự hiệp thông ấy trong niềm vui vẻ hân hoan, vì cớ ‘đức từ tâm’ của Thiên Chúa.

Thánh Mátthêu soạn Tin Mừng của ông thành nhiều tích truyện và nhiều diễn từ xen kẽ nhau. Có sáu loạt tích truyện và năm diễn từ lớn. Điều đó cho thấy một bên là những loạt biến cố và một bên là những chỉ thị. Vậy là có Đức Giêsu để lại chúc thư cho các đồ đệ, để họ thực hiện một cộng đoàn, sau khi Ngài qua đời. Mátthêu luôn luôn qui chiếu sự sống Giáo hội sơ khai với cuộc đời Chúa Giêsu.

Như thế, các diễn từ không phải là những bài triển khai lý thuyết, bởi vì người ta thấy liên tục qua các tích truyện, những thái độ cụ thể của Chúa Giêsu, các diễn từ luôn luôn đưa về cuộc sống, việc làm và cử chỉ của Chúa Giêsu. Và đó là một bài giáo huấn tiệm tiến, được đề nghị cho cộng đồng Giáo hội, để chuyển Tin Mừng đến với “mọi dân tộc”.

Thánh Mátthêu suy tư như người Sêmít và viết như người Sêmít. Ông đi sâu vào các truyền thống Phalêtinh của thời mình. Ông biên soạn theo nhịp của Lời giảng dạy truyền khẩu của các Rabbi, cũng như họ, ông thích nói đi nói lại, nhắc tới nhắc lui, để cho dễ nhớ, ông liên kết những con số đặc trưng phần nào giống như phái tượng trưng Kinh thánh sau này, ông có hứng, và nhớ dễ dàng đi từ cá biệt đến tổng quát, ông thường đem lại một chiều kích phổ quát cho điều ông viết. Đó là một bức tranh vĩ đại!

Thánh Luca viết cho những độc giả xét từng cá nhân, như ta đã thấy, còn Mátthêu viết cho một cộng đoàn nhất định. Ông ngỏ lời với các Giáo hội Kitô gốc Do Thái, đang xác định các lập trường của mình trước đạo Do Thái chính thức. Thánh Mátthêu cho thấy giữa lịch sử Israel và Chúa Giêsu vừa có liên hệ và hoàn tất, vừa có liên tục và đoạn tuyệt.

Vì Lề luật trở thành nô lệ, nên Chúa Giêsu đến trả lại tự do cho dân Ngài, tự do ấy chỉ ‘làm trọn lề luật’ (Mt 5, 17). Không còn vấn đề phải giữ các luật lệ khắt khe đã lỗi thời. Phải đi bám vào một mình Israel mà thôi, vì Chúa Giêsu muốn mở ra cho hết mọi người, phải chối bỏ luôn cả một hướng phổ quát vẫn còn tập trung vào Israel. Các đồ đệ được sai đi bốn phương trên khắp thế giới (Mt 28, 19). Mọi người đều được Thiên Chúa tuyển chọn và họ có quyền được biết Thiên Chúa.

Đối với Mátthêu, Đấng Phục Sinh không ngừng có mặt với cộng đoàn Ngài, nhưng đồng thời Ngài đem đến cho mọi người “Vương quốc trên trời” vốn vừa là giải thoát xiềng xích, vừa là hạnh phúc (Mt 4, 23; 9, 38) bởi vì Chúa Giêsu “cảm thấy xót xa” (Mt 9, 36) khi nhìn vào đám đông những người lúng túng và hư hỏng. Ngài đề nghị với các thành viên của cộng đoàn phải làm việc với Ngài để giải thoát và gây hạnh phúc cho mọi người xung quanh (Mt 9, 38). Các đồ đệ của Chúa Giêsu phải làm chỗi dậy ngay ở giữa mọi khó khăn một sự sung mãn mới, là chính sự sống của Chúa Giêsu. Việc Chúa Giêsu đến đã làm cho ân huệ sự sống của Abba trở nên hiện thực, ngay tự bây giờ do chính Chúa Giêsu. Lại còn phải làm cho hạnh phúc ấy của Thiên Chúa lan rộng đến mọi người được chừng nào hay chừng nấy.

Sở dĩ Chúa Giêsu có thể đòi hỏi người ta thực hiện điều không thể làm được, một cung cách hoàn toàn mới mẻ sống mối quan hệ giữa con người với nhau, mà dấu tiêu biểu là tình thương đối với kẻ thù, chính là vì Ngài biết rằng sức mạnh của Abba, sức mạnh tình thương của Abba đã nhờ Ngài đem vào lòng con người chúng ta và cho phép chúng ta thực sự làm được điều không có thể: Vì Ngài biết rằng mỗi người được bảo đảm có các khả năng thực hiện những việc quá điên rồ, như lòng nhân từ đối với ác nhân, sự chân thật trong quan hệ với tha nhân, sự tiếp đón lẫn nhau. Người ta sẽ bị xét xử, bởi vì người ta nhận được sự tự do mới, nên người ta thực sự phải mang trách nhiệm. Có thể nói đó là tiếng gọi theo đà vươn lên luôn mãi không ngừng.

Thánh Mátthêu đề phòng: cộng đoàn có thể lệch lạc giống như người Biệt phái, có thể mù quáng, giả hình như họ. Đương nhiên cộng đoàn gặp những cơn khủng hoảng có thể theo ảnh hưởng những tiên tri giả, mất trí hay là hoảng hốt vì những tin đồn nhảm nhí giựt gân. Cần đứng vững trong các cơn thử thách, vì Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở đó, Ngài là tảng đá vững chắc, ta có thể tin tưởng vào và lấp đầy những ước mơ chôn sâu trong lòng con người và lòng nhân loại.

Trắc nghiệm có tính quyết định cho việc thuộc về vương quốc của Chúa Giêsu, đó là lòng nhân từ, sự có mặt liên miên với tất cả mọi người đang thèm khát được sống, bị mất hướng do cái thế giới thực tế này. Và Chúa Giêsu có đó, làm khuôn mặt và mẫu gương cho mọi người có thể quay nhìn vào, một gương mặt kỳ diệu, đem lại hương vị cho cuộc đời bạn thấy rõ ý nghĩa của thân phận mình. Mỗi người có nhiệm vụ phải biến đổi thế giới bằng cách tạo ra một không gian theo như Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy rõ.

Thánh Mátthêu không lẫn lộn Giáo hội với “Vương quốc trên Trời”. Ông biết rằng Giáo hội “vừa là thánh thiện, vừa là tội lỗi” như cha Cônga đã nói rằng Giáo hội phải công bố ‘vương quốc trên trời’ đang ở đó, kề bên, nhưng chính Giáo hội cũng phải tiến lại gần Vương quốc. Giáo hội không được nghĩ rằng mình đã hoàn thiện rồi, đã sống mối Phúc thật, chẳng cần mong chờ gì nữa nơi Đấng Phục Sinh. Giáo hội và mỗi một thành viên của cộng đoàn đều được mời gọi trở nên ‘nhỏ bé’ trước mặt Abba (Mt 18, 3) để được vào trong “Vương quốc trên trời”.

Ta đã thấy quan điểm thánh Luca và thánh Mátthêu thật là khác nhau, bây giờ ta có thể, vừa ghi nhớ thể văn và tiết điệu khác nhau, đối tượng gởi đến và cấu trúc khác nhau, vừa có thể đọc bản văn mỗi ông cống hiến cho ta, căn cứ vào mối Phúc thật do Chúa Giêsu công bố, theo hai cách riêng biệt diễn tả cùng một lời nói của Chúa Giêsu. Ta thấy ngay là có một bản văn nguyên thủy và hai cách trình thuật, có một tiếng hô duy nhất và hai lối hành văn, hai cách nói lên cùng một tiếng hô cơ bản ấy của Chúa Giêsu.

Vậy có chín Mối Phúc thật nơi thánh Mátthêu, bốn mối Phúc thật nơi thánh Luca. Nhưng bên cạnh mối Phúc thật, thánh Luca còn soạn thêm bốn mối “phản phúc”, một bên (dịch mau là): “Phúc thay”, “sướng thay anh em, nếu…”, bên kia là “khổ thay, tội nghiệp thay anh em, nếu…” (chứ không phải “khốn cho anh em” như các vị giảng viên ác tâm vẫn dịch, từ ngữ chính xác là một tiếng than, như ta nói “khổ quá!”, “tội nghiệp thay!” Có ý nhấn mạnh, chứ không phải một lời chúc dữ từ trên cao ném xuống). Giữa hai loạt 4 tiết, thánh Luca nói rõ một chữ “nhưng, trái lại”.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 107-118

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)