Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (11)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2582 | Cập nhật lần cuối: 6/22/2016 3:30:44 PM | RSS

(Tiếp theo)

Ta phải trở nên giữa chúng ta một: thiêng liêng đích thật

Có một kẻ đến thưa Đức Giêsu: kìa mẹ Thầy và anh em Thầy ở ngoài kia, họ đang tìm Thầy và muốn gặp Thầy.

Đức Giêsu trả lời cho kẻ vừa nói đó:

Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta?

Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài, Ngài nói:

“Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.” (Mc 3, 31)

Đúng, Chúa chúng ta muốn cho ta hiểu qua lời nói Ngài, rằng gia đình tự nhiên đã biến đi để nhường chỗ cho gia đình thiêng liêng, gia đình này chẳng còn liên hệ gì đến xác thịt hay máu mủ, song giây liên hệ là Thiên Chúa, lời của Người và sự thực hiện chính lời ấy.

Đó là mối giây liên hệ lớn lao giữa các linh hồn.

Các liên hệ của gia đình thiêng liêng này mật thiết và mạnh mẽ hơn những mối giây ràng buộc gia đình trần tục, bởi vì ở đây chỉ là những liên hệ hạ giới thuộc giới xác thịt. [1]

Khi có hai tâm hồn, do Thánh Thần soi sáng, cùng nghe lời Thiên Chúa và hiểu được lời, thì hai tâm hồn ấy đồng tâm nhất trí với nhau rất mật thiết đến nỗi Thiên Chúa là nguồn gốc và nút giây hợp nhất.

Đó là giây liên kết đích thật của đạo giáo, giây liên kết đích thật của linh hồn và trái tim.

Sự hiểu biết Thiên Chúa ấy tạo ra, trước hết tình yêu đối với Thiên Chúa, và cũng tạo ra tình yêu đối với ai cùng suy nghĩ như mình theo ý Thiên Chúa, và mối giây tinh thần đó, đặt nền móng trên Thiên Chúa, uyên thâm và mạnh mẽ gấp vạn lần mọi giây liên hệ tự nhiên khác.

Và khi mối giây thiêng liêng đó lại đi kèm theo việc thi hành Lời Chúa, nó tạo ra một gia đình thực sự thiêng liêng, một cộng đoàn Kitô giáo, lấy Thiên Chúa làm nền tảng, lấy lời thần linh Người làm giây ràng buộc và các điều thực hành kia làm mục tiêu.

Không thể có gia đình hay cộng đoàn Kitô giáo mà lại không có sự kết hiệp lòng trí, đặt nền tảng trên sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô, hiểu biết lời thần linh Ngài và thực hành các công việc nói trên.

Tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô, ước muốn được tuân giữ lời Ngài là nền tảng của mọi gia đình Kitô giáo; và chúng ta chỉ thật sự hiệp nhất lòng trí khi nền tảng cao quí ấy được thiết lập giữa chúng ta. Bấy giờ sẽ ứng nghiệm cho ta lời của Đức Giêsu Kitô: Là anh em tôi, những ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

Chúng ta trở nên anh em Ngài vì chúng ta được hợp nhất trong Đức tin và do cùng một tư tưởng, lại có máu Thánh Ngài chảy trong huyết quản chúng ta. Chúng ta trở nên mẹ Ngài, khi ta làm cho Ngài hiện diện trên bàn thờ, và ban ơn tái sinh thiêng liêng cho các con cái khác, nhờ giáo lý đức tin và các bí tích.

Một gia đình hạnh phúc! Những giây liên hệ phúc lộc kết hợp hết mọi thành viên trong một gia đình, trong cùng một đức mến và một ước vọng, ước vọng làm cho Đức Giêsu Kitô được người ta hiểu biết và yêu mến.

Và khi gia đình ấy thật sự hiện diện, hẳn ta phải tìm được ở đó tất cả những gì có thể tìm thấy trong một gia đình đích thật: tình thương, sự hợp nhất, sự nâng đỡ, đức bác ái, tất cả những lo lắng tinh thần và vật chất cần thiết cho mỗi thành viên; chẳng còn phải tìm ở đâu khác những gì phúc đáp các nhu cầu tâm hồn hay thể xác, bằng không gia đình ấy chẳng hoàn toàn cũng không đích thật.

Vả chăng, đó là ý nghĩa các từ: anh, chị, cha, mà chúng ta dùng để gọi nhau. Các danh hiệu đó phải diễn tả tâm tình thật bên trong bằng không đó chỉ là những danh hiệu trào phúng và xảo trá. Như lời Chúa chúng ta nói, ta hẳn thấy rõ là người môn đồ đích thật của Đức Giêsu Kitô phải từ bỏ cha mẹ mình để tận hiến phục vụ Thiên Chúa, không còn điều gì chung chạ với cha mẹ, song gia nhập gia đình thiêng liêng các con cái Thiên Chúa, chỉ nhìn nhận duy có Thiên Chúa là cha và mẹ mình, nhìn nhận như chính bề trên, và anh, chị của mình, những kẻ đã thuộc trọn về Đức Giêsu Kitô.

Những tư tưởng sai lầm mà các cha mẹ thường có đối với những con cái đã làm linh mục

Các cha mẹ luôn luôn tin rằng họ còn có quyền hành trên con cái họ, cả khi chúng đã là linh mục.

Và vì lẽ các linh mục này không sống trong tu viện kín, mà là linh mục giữa đời, nên cha mẹ vẫn luôn có thể khuyên răn, hướng dẫn con cái mình, có chúng bên mình, dùng lời khuyên bảo chúng. Song các lời khuyên bảo này thường có tính cách trần tục; lại nữa họ luôn có thể chăm sóc con cái họ mà không phải vất vả lắm, không phải mất công lắm, cho nên các lời khuyên đó dễ gây tổn hại cho phần ích các linh hồn và cho chính con cái họ, khiến chúng đâm ra ươn lười.

Các cha mẹ ấy không nghĩ đến lợi ích các linh hồn [2] mà ích lợi của con cái mình thôi.

Lúc ấy, là phải luôn tâm niệm trong lòng và có sẵn trên miệng các lời này của Đức Giêsu, Thầy chúng ta: “Này bà, giữa tôi và bà, nào có việc gì?”

Và một lời khác Chúa phán với thánh Phêrô: Satan, hãy xéo đi, ngươi là cớ vấp phạm cho Ta vì ngươi không hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu những điều thuộc loài người.

Vô phúc cho ai để mình bị ảnh hưởng các lời khuyên đầy tác hại quỷ quyệt đó! Họ sẽ chỉ còn sống một cuộc sống hoàn toàn tự nhiên. Họ không còn phụng sự Thiên Chúa mà phụng sự chính mình và cha mẹ mình.

Chúng ta phải ghét cha mẹ mình theo nghĩa nào

“Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta. Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta.” (Mt 10, 37)

Lời này không có nghĩa ta phải khinh miệt cha mẹ, muốn họ gặp sự dữ, không nhìn nhận họ, không quan tâm đến họ, không giúp đỡ họ điều gì cả. Không. Nhưng lời đó muốn nói, cha mẹ chúng ta, sống theo con đường tự nhiên và hạ giới, còn chúng ta thì đi theo con đường thiêng liêng và thiên giới, vì thế tư duy ta, ý tưởng ta, khát vọng ta, tâm tình ta, cần phải đặt cao hẳn bên trên họ như thể trời cao hơn đất.

Tư tưởng và tâm tình của cha mẹ chúng ta thường thường là trần tục; tư tưởng, ước mong, khát vọng của chúng ta phải hoàn toàn thuộc cõi trời. Nostra conversatio in coelis est (x. Ph 3, 20)

Ta cần đến múc lấy tư tưởng và lòng thương mến của mình ở trên trời, chứ không phải ở dưới đất hay trong các tạo vật.

Chúng ta phải thù ghét và khinh chê tất cả những gì là trần tục, và chỉ tìm tòi, yêu mến những gì thuộc thiên giới, bắt chước Đức Chúa chúng ta trong cách đối xử với thánh Phêrô. Tuy Ngài rất yêu thương Phêrô nhưng, Ngài không e dè gọi ông là Satan, khi ông bày tỏ những ý nghĩ quá khác biệt và quá đối lập với ý nghĩ của Thầy.

Hãy xéo đi, Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta.

Chúng ta cũng phải trả lời như thế cho bất cứ ai định ngăn cản ta làm bổn phận và đi theo con đường đích thật mà chúng ta phải đi.

Chúng ta phải ghét bỏ cha mẹ chúng ta, nghĩa là không sợ phải làm cha mẹ cực lòng trong một số trường hợp, khi trực tiếp đi ngược lại ý tưởng của họ, vì vinh quang Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Điều hay làm cho chúng ta do dự khi quyết định, đó là sợ làm cực lòng, sợ gây phiền hà do cách cư xử của chúng ta có thể tạo nên cho họ: nếu tôi làm việc này, chắc cha mẹ tôi buồn lắm! Các ngài sẽ bảo: nó không thương yêu tôi nữa, nó không cần đến tôi nữa, nó bỏ tôi, một đứa vô ơn.

Đây đúng là cơ hội để thi hành lời Thầy chí thánh, và đối xử với cha mẹ khác nào như ta chẳng yêu mến họ, như ta bỏ rơi họ, mặc dầu trong thâm tâm, ta vẫn yêu mến họ chân tình.

Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Ta.

Chính trong các tình huống này mà ta phải tỏ ra như thể là tàn ác và chống lại các tâm tình tự nhiên, đem ra thực hành lời Thầy: ghét bỏ cha mẹ.

Ta phải luôn luôn giữ cho mình thong dong trong hành động, về tất cả những gì liên quan tới việc phụng sự Thiên Chúa và lo phần rỗi các linh hồn.

Chúng ta phải yêu thương và quí trọng các anh em tinh thần của chúng ta hơn những anh em phần xác

Đó là Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta cho ta hiểu khi Ngài trả lời người phụ nữ lên tiếng giữa đám đông. Bà kêu lên: Phúc cho lòng dạ cưu mang ông, và vú ông đã bú.

Những lời đó nói lên để ca tụng Đức Maria, song Chúa Giêsu lại trả lời: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ.” (Lc 11, 28)

Như vậy là danh hiệu làm mẹ phải biến đi trước danh hiệu làm tôi tớ Thiên Chúa. Đức Giêsu ưa thích người tôi tớ Thiên Chúa chân thực hơn kẻ chỉ có danh hiệu xoàng làm cha làm mẹ.

Ta cũng có thể rút chung kết luận đối với những lời Ngài nói với ai đó đưa tin cho Ngài, là mẹ Ngài và anh em Ngài xin gặp Ngài. Ngài giơ tay chỉ các môn đồ mà nói: Này là mẹ Ta và anh em ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.

Gia đình đích thật, những người anh em đích thật đáng cho ta yêu thương hết lòng và dành chỗ nhất trong tâm tư của ta, đó là những ai yêu mến Thiên Chúa và thực hành lời Người.

Chúng ta không cần lời khuyên của cha mẹ mình hoặc của những người thế gian, liên quan đến vấn đề thánh vụ của ta

Đây là kết luận rút ra từ đoạn trên. Các suy nghĩ của cha mẹ ta, và những người thế gian, đều là trần tục, và chúng ta, chúng ta phải là những kẻ hoàn toàn thuộc thiên giới.

Ta không nên đến phàn nàn thở than với người thế gian, kể lể cho họ nghe công việc của mình, hay những gian lao phiền muộn của mình.

Mấy người đó không đủ khả năng cho ta lời khuyên đúng đắn, cứ sự thường là như vậy, trừ phi họ ở trong một chốn nào cao hơn kẻ thế gian.

Chính Giuđa đã làm như vậy khi đi kể lể cho thế gian nghe, tức cho người Do Thái, cho bọn Biệt phái, anh ta chỉ nhận được những lời gây chán nản và đã đánh mất ơn kêu gọi, bán Thầy mình, rồi đi treo cổ tự tử.

Anh ta tiếp nhận lời khuyên của ông này, bà nọ, những lời khuyên trái với tinh thần của Thiên Chúa, và anh ta đã hư mất.

Đối với người thế gian, chỉ nên liên hệ qua những cuộc giao thiệp cần thiết, vì lợi ích của linh hồn họ

“Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian, và Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian.” Lời Đức Chúa chúng ta nói với các tông đồ Ngài. (Ga 15, 19)

Vì chúng ta không thuộc thế gian và đã được Đức Giêsu Kitô kén chọn và tách biệt khỏi thế gian, nên ta không được yêu mến thế gian, đi theo thế gian, hoặc làm theo người thế gian.

Ta phải cảm thấy khó chịu và đối lập, thậm chí thù ghét tất cả những điều phù phiếm, những sự hão huyền của thế gian, các câu chuyện gẫu, hội hè, ăn uống, vui chơi, hưởng thụ của thế gian; bằng không, chúng ta không có tình yêu Thiên Chúa trong chúng ta, như thánh Gioan đã nói: “Nếu ai yêu mến thế gian thì lòng mến của Cha không có trong kẻ ấy.” (1 Ga 11, 15)

Và thánh Giacôbê cũng nói: tình yêu thế gian là sự thù nghịch chống lại Thiên Chúa. (x. Gc 4, 4)

Năng đi lại với thế gian, tất nhiên người ta sẽ nhiễm lây các sở thích và ý nghĩ của thế gian.

Chúng ta quá xu hướng về các điều tự nhiên, chúng ta lấy làm khó khăn khi phải sống ngang tầm ơn gọi của mình; cho nên giao du với thế gian chỉ có thể gây ra nhiều thiệt hại.

Quen giao du với người thế gian, ta mau nhiễm thói thế gian.

“Hãy nói cho tôi bạn giao du với ai, tôi sẽ nói bạn là ai”.

Năng đi lại với thế gian còn làm mất biết bao thời giờ: toàn những điều vô bổ! toàn những chuyện gẫu tầm phào chẳng có nghĩa lý gì! Thật buồn lòng khi thấy một linh mục đi đến phòng trà cả một buổi tối, để nói chuyện mưa nắng, chính trị hoặc những điều vô ích, mất thời giờ, đang khi có biết bao linh hồn cần được cứu vớt! [3]

Một linh mục chẳng nên ngồi gẫu chuyện và nói những điều vô ích.

Khi một linh mục hay giao du với thế gian, ông ta đánh mất hết uy tín, và không còn thuyết phục được kẻ khác. Phải là những vị thánh lớn mới có thể đi lại với thế gian và vẫn giữ được uy tín linh mục đối với kẻ khác, nhất là khi ta còn trẻ tuổi.

Người thế gian sẽ thấy ngay các tính xấu của ta, các điều càn dở của ta; họ xét nét và đàm tiếu về ta giữa họ với nhau, và ta dễ dàng trở nên đối tượng để họ bình phẩm và chê trách. Như thế, thay vì nêu gương sáng cho họ, thì trái ngược, chúng ta đã làm họ vấp phạm.

Thật khó giữ mình ngang tầm với thánh vụ của ta, và không có những giây phút yếu đuối này khác; thà để cho thiên hạ đi đến với chúng ta còn hơn tự ta đi đến với họ.

Có những kẻ mời mọc ta, thúc giục ta đến nhà họ, đưa đẩy yêu chiều ta, xu nịnh thỉnh cầu ta bằng trăm phương ngàn cách. Ta chớ vội tin tưởng họ. Thà trường hợp ấy bị người ta coi như người man rợ, chẳng thà được chiều chuộng như khách quý.

Theo ý tôi, thiên hạ chỉ nên thấy vị linh mục đứng trên tòa giảng, ngồi tòa giải tội và ở trên bàn thờ; và có mặt tại nhà người nghèo khó, người tật bệnh. Ở mọi vị trí khác, linh mục dễ bị làm đối tượng cho người ta chỉ trích và chính ông cũng sẽ biến thành người thế gian vì đã chót nhiễm sở thích và ý nghĩ của người thế gian.

Có lẽ linh mục cũng nên tránh cả những nơi công cộng mà thế gian hay lui tới vui chơi giải trí.

Vị linh mục phải tránh tất cả những gì có mùi thế gian. Còn khi cảm thấy nhu cầu nghỉ ngơi cho đỡ mệt, thì nên tới chỗ nào một mình thanh vắng.

Cũng cần khôn ngoan và thận trọng đối với mọi người, song cách riêng đối với người thế gian. Khi Đức Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta mời gọi các sứ đồ của Ngài hãy nghỉ ngơi tí chút, thì Ngài không dẫn họ đến với thế gian đang tụ hội, song đưa họ vào nơi yên tĩnh một mình. Venite sevrsum in desertum locum requiescite pusillum “Chúng con hãy tách riêng vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút.” (Mc 6, 31)

Cần phải tránh hẳn thế gian.

Hiểu ý nghĩa thế gian như thế nào?

Đừng ra ngoài khi không có việc cần và khi chúng ta phải đến với thế gian, hãy nhớ mình là muối địa cầu và ánh sáng thế gian

Chúng ta là muối địa cầu.

Chúng ta là ánh sáng thế gian, theo lời Đức Giêsu Kitô.

Vậy khi chúng ta đi đến trong thế gian, không phải để làm như người thế gian và thưa “Amen” cho tất cả những điều họ nói, cho hết thảy những việc họ làm; nhưng hỡi ôi, ta vẫn thường gặp quá nhiều điều như thế. Song, ta đến để trở thành gương sáng cho thế gian. Vị linh mục ở giữa thế gian phải giống như ngọn đèn chiếu tỏa tất cả nguồn sáng của nó.

Ta phải chứng tỏ ta không thuộc về thế gian, ta là chủ tể của thế gian chứ không phải làm tôi cho nó. Về điều này, hãy bắt chước Đức Giêsu Đức Chúa chúng ta: Ở đâu, Ngài cũng chứng tỏ là vị Thầy: Ngài là Thầy ở tại nhà các ông Biệt phái, ngồi bàn ăn với họ, cũng như nơi hội đường; Ngài nói, Ngài sửa bảo, Ngài dạy dỗ, Ngài dạy bài học cho mọi người, cho chủ nhà, cho các vị tấn sĩ, các ký lục.

Theo gương Ngài, chúng ta không bao giờ đánh mất uy tín linh mục, phải làm sao để uy tín đó được tôn trọng nơi nào ta có mặt.

Nhưng thật khó mà thực hiện điều ấy, cần phải thật khôn ngoan, nhiều thận trọng và thường người ta gây lắm sự dữ hơn sự lành, chỉ vì thiếu thận trọng, hay vụng về.

Thà cứ ở tại nhà còn hơn đến với kẻ khác để dạy dỗ họ, muốn dạy dỗ phải có uy tín lớn, thật thận trọng, thật khôn ngoan.

Chấp nhận cho thế gian thù ghét và khinh bỉ ta, cho thế gian cảm thấy hiệu quả chính đáng của ta đối xử với họ

Khi hành động đối với thế gian, với cha mẹ mình, bạn bè mình, mà có cách cư xử chống nghịch với thế gian đến thế, chắc hẳn chúng ta chỉ có thể làm cho họ khinh chê ta, thù ghét ta và bêu riếu ta.

Nhưng đó mới chính thật là vinh quang của ta, điều đem lại cho ta hạnh phúc, điều bảo đảm ta thật sự thuộc về Đức Giêsu Kitô.

Vì chính Đức Giêsu đã phán: Nếu thế gian ghét các ngươi thì hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước các ngươi.

Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu dấu như của riêng nó; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian, và Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian, bởi vậy mà thế gian ghét các ngươi. Hãy nhớ lời Ta đã nói với các ngươi! Tôi tớ không lớn hơn chủ. (x. Ga 15, 18)

Con đã ban cho chúng lời của Cha, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian. (x. Ga 17, 14)

“Nhờ đó thế gian đã bị đóng đinh cho Tôi và tôi cho thế gian bị.” (Ga 6, 14)

“Thế gian đã ghét tôi vô cớ.

Thế gian không thể ghét các ngươi, còn tôi thì nó ghét, vì tôi chứng thực về nó là các việc của nó xấu xa.” (Ga 7, 7)

Vì các bạn khinh chê thế gian và các châm ngôn của nó, nên thế gian chỉ có thể khinh rẻ các bạn mà thôi.

Làm sao để biết mình yêu thích thế gian?

Đó là khi ta lấy làm khoái trá được đến với thế gian, hoặc đến gặp gia đình hơn là các anh em (tinh thần).

Đó là khi ta lấy làm khổ sở phải từ chối các lời mời mọc và các cuộc gặp gỡ thế gian.

Khi ta lấy làm khoan khoái được nói về gia đình mình, về thế gian, về các sự sang trọng, chức tước, phúc lộc của họ, cách riêng về sự giàu có thế gian; nói về sự đua đòi, về lợi nhuận, về phong cách sống thế gian. Tất cả những điều đó tố cáo một xu hướng ngả theo thế gian, theo sự hào nhoáng.

Những lời hứa của Đức Giêsu Kitô đối với kẻ từ bỏ gia đình và thế gian vì Ngài

“Phàm ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy là anh em và là Mẹ Ta.” (Mt 12, 50)

“Không ai bỏ nhà cửa, hay anh em chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay ruộng nương vì Ta và vì Tin Mừng, mà lại không lĩnh lấy gấp trăm bây giờ ở đời này về nhà cửa, anh em và chị em, mẹ và con cái cùng ruộng nương, làm một với cấm cách bắt bớ, và sự sống đời đời trong thời sẽ đến.” (Mc 10, 29)

Những thực hành rút ra từ chương nói về sự từ bỏ gia đình và thế gian

Ta phải từ bỏ cha mẹ để hiến mình phụng sự Thiên Chúa.

Ta phải ghét bỏ cha mẹ ta theo ý nghĩa Kitô giáo.

Không còn chung chạ điều gì với gia đình ta, trừ khi cần chu tất các bổn phận cấp thiết do đức bác ái chỉ định.

Chỉ trở về gia đình, về nhà cha mẹ, vì những lý do bác ái thật sự chứ không để thỏa mãn những tình cảm trắn tríu theo kiểu cách tự nhiên.

Hãy kết hợp thành một gia đình thiêng liêng thật sự giữa chúng ta.

Yêu thương và quý trọng các anh em tinh thần hơn là anh em theo xác thịt.

Chớ bao giờ đến tìm lời khuyên bảo nơi những người thế gian [4], hoặc phàn nàn kể lể chuyện gì với họ. Chỉ giao thiệp với người thế gian khi cần kíp và vì phần ích linh hồn của họ… linh đạo, thận trọng.

Không ra ngoài khi chưa có phép; và khi ra ngoài thế gian, luôn luôn nhớ chúng ta là muối địa cầu và ánh sáng thế gian.

Chấp nhận bị thế gian và gia đình mình khinh chê, ghét bỏ. Đó là hệ lụy của cách ta đối xử với thế gian “Anh ta điên rồi”.

Ký thác vào lời Đức Chúa chúng ta, Ngài hứa ban gấp trăm cho những ai từ bỏ mọi sự vì Ngài.

Nghỉ hè

(Có thể cho phép về nghỉ hè ở nhà cha mẹ đối với những ai học tới lớp Triết hoặc Hùng biện, bởi vì nơi các tâm hồn non trẻ này, sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô chưa sâu xa đủ để có thể đòi hỏi họ hoàn toàn hy sinh gia đình; nhưng ngay ở lớp hùng biện hay triết, chủng sinh nên khởi sự có hiểu biết về các nguyên tắc lớn của Đức Giêsu Kitô và đem ra thực hành. Lúc ấy không còn là tình cảm dẫn dắt các linh hồn, song bổn phận, song Đức Giêsu Kitô: Ngài phải bắt đầu trở nên người Thầy cho các linh hồn đó. Hoặc giả họ không có khả năng theo các lời khuyên dạy của Ngài, thì tức là họ không thể tiến bước thêm được nữa) [5]

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 218-230

------------------------------------------

* Bài liên quan:

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (1)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (2)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (3)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (4)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (5)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (6)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (7)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (8)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (9)

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (10)

[1] Cha Chevrier bồi thêm vào nét xung khắc, song làm như thế, cha đã đi quá lố, bởi vì gia đình tự nhiên cũng được thiết lập bằng một lời của Thiên Chúa (Mt 19, 5) và gia đình Công giáo thì căn cứ vào chính lời bí tích. Tuy nhiên kiểu trình bày đối lập này cũng tìm thấy được ở thánh Phaolô (so sánh 1 Cr 7,32-34 và Ep 5,25-32) xem việc từ bỏ gia đình ở các tr. 301-302.

[2] Các linh hồn, trong ngôn ngữ thời đó có nghĩa: những con người. Về sau ta sẽ thấy cha Chevrier không dùng đến kiểu phân biệt giữa linh hồn và thể xác, mà lại phân biệt thể xác, tấm lòng, trí khôn và ý muốn.

[3] X. tr. 186 [Kết quả của cách cư xử của chúng ta đối với thế gian: “ông ta điên mất rồi”]

[4] Ms. XI 192: Liên quan tới các nhiệm vụ linh mục. Ms XI 590: Liên quan tới nước Thiên Chúa.

[5] Sự từ bỏ phải khởi đi từ sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô (x. tr. 231)