Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (12)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3135 | Cập nhật lần cuối: 6/28/2016 4:35:00 AM | RSS

(tiếp theo)

Điều kiện hai: Phải từ bỏ chính mình

Phần trước đã nói khá nhiều về sự từ bỏ.

Nói đến từ bỏ bản thân mình khiến ta phải hiểu đây là vấn đề chinh phục sự tự do, chứ không phải làm như không có các sự vật. Từ bỏ thế gian không phải là sống như không có thế gian, nhưng dùng quyền tự do để theo Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế gian; cũng vậy, từ bỏ chính mình không phải là đi tự tử, nhưng trong thực tế, ta đã sớm vỡ lẽ, muốn theo Thầy, cần phải hoàn toàn tự do trong hết mọi sự, tự do về bản thân cũng như về tất cả các điều khác. [1]

Liệu ta có thể tìm một cách diễn tả khác có khi chính xác hơn là tiếng “từ bỏ”. Ví dụ: “Vượt lên trên”?

Cha Chevrier đã họa lại bản dịch của Mastai-Ferretti trong cuốn MĐĐT: “Nếu ai muốn đến theo Ta, hãy từ bỏ chính mình”. [2] Cha cảm thấy có cái gì khó nói khi cần diễn tả lời Đức Giêsu phán trên, vì thế cha điền thêm câu La Tinh vào và cố gắng cắt nghĩa bằng cách phát minh một từ mới mà ta không thấy nhắc đến ở chỗ nào khác, từ: s’abnéger [3].

Mặt khác, nếu dùng chữ “vượt lên trên” hoặc một cụm từ nào tương tự, có lẽ không phù hợp với tư tưởng của cha Chevrier. Nó cũng chẳng được tìm thấy ở bất cứ bản giải thích nào mà các vị kinh sư đường thiêng liêng đã viết về lời Chúa Giêsu. Mọi người đều tránh việc hạ thấp lời giảng dạy của Đức Kitô, vì họ đã cảm nghiệm được điều này: nếu thật sự ta có thái độ nghiêm túc trước Tin Mừng, nhất thiết phải thực hiện bằng được sự cởi bỏ bản thân và mọi cái khác và sự cởi bỏ ấy chỉ có thể được diễn tả bằng tiếng “abnégation”, tự phủ định (tự bỏ mình).

Một sự từ bỏ không xuất phát từ việc hiểu biết Đức Giêsu Kitô, nó vô giá trị [4]; hiểu biết Đức Giêsu Kitô nhất thiết sản sinh tình yêu, nhưng điều này chỉ xảy ra sau cuộc trắc nghiệm tâm hồn được diễn tả duy bằng những từ như “hư không”, “chết đi”. Thật là một thảm họa lớn nếu ta chối từ không chấp nhận đi qua cái “hư không” để có khả năng đạt được cái “tất cả”.

Dưới khía cạnh này, học thuyết của cha Chevrier không thể chê trách vào đâu.

Nhưng ngược lại, ta vẫn có quyền tranh luận về các lý do tác giả đưa ra để giải thích sự cần thiết phải từ bỏ mình. Về điểm này, truyền thống Công giáo chuyển tải hai trào lưu, có thể nói một trào lưu bi quan và một trào lưu lạc quan. Cả hai đều khẳng định sự suy đồi của bản tính tự nhiên do Ađam truyền lại; nhưng có một trào lưu đánh giá sự suy đồi đó rất nặng nề kéo theo những hệ lụy sâu rộng hơn trào lưu kia suy tưởng. Cả hai nhìn nhận vẫn còn cái gì tốt lành trong con người sa đọa và ân sủng Đức Kitô đã phục hồi bản tính nhân loại ở một mức diệu kỳ hơn cả tạo thành khi nó còn toàn vẹn trong ơn sủng nguyên thủy, sự phục hồi đó có được là nhờ cây thập giá.

Chúng tôi trình bày mấy lời sơ lược đó để cố đặt cha Chevrier đúng vào vị trí. Bởi đôi khi ta được nghe về cha như: liệu cha có bị ảnh hưởng phần nào bởi thuyết Jansénisme không? Vấn đề không phải ở chỗ đó.

Thuyết Jansénisme, tự nó, thoạt tiên không phải là một quan niệm bi quan quá khích về sự suy đồi của con người, nhưng đúng hơn một quan niệm khe khắt về quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Cha Chevrier đứng ở cực đối lập với học thuyết đó.

Vấn đề nằm ở chỗ này: tác giả có thuộc trào lưu bi quan chăng?

Nếu MĐĐT là một cuốn sách thần học, tôi tưởng phải trả lời: có. Cha Chevrier viết [5]: “Tất cả những gì chúng ta nhận được từ dòng dõi Ađam đều bị hư hỏng, suy đồi”. Nhưng, trên bình diện thần học, cha không hề có lập trường cá nhân và cũng chẳng nghĩ mình phải chọn lập trường nào. Tuy nhiên, cha bị ảnh hưởng trong cách hành văn, bởi chủ trương thần học bi quan đang thống trị vào thời đó và các câu văn cha viết có cái gì cứng cỏi đối với chúng ta là những kẻ đang sống dưới luồng tư tưởng lạc quan ngày nay (Đó không phải cái cớ để ta phê phán trào lưu bi quan kia là lạc đạo, nếu như nó nằm trong cương giới chính đáng của nó).

Nhưng cuốn MĐĐT không phải là sách thần học suy lý. Xin lặp lại, cha Chevrier đứng trên bình diện kinh nghiệm linh đạo và ở quan điểm ấy, có ai lại không ngần ngại nói thẳng ra rằng, có một cái gì nhơ ố ngay từ bẩm sinh, làm bằng tính kiêu ngạo và ích kỷ, đã xen lẫn vào các hành vi tốt lành nhất của chúng ta? “Vì ơn cứu thoát đã đến cho ta như một hy vọng. Hy vọng mà thấy được thì hết là hy vọng, vì điều thấy được mà ai còn hy vọng nữa” (Rm 8, 24). Điều này có nghĩa bản tính con người nhất thiết là suy đồi; ta không quả quyết điều gì về mức độ suy đồi ấy, mà chỉ đơn giản khẳng định, theo kinh nghiệm, các hiệu quả của một sự suy đồi nào đó vẫn không ngừng hiện diện; và con người thuần thiêng, được chiếu sáng bởi nguồn sáng tinh ròng của Đức Kitô, thấy được qua mọi hành vi của mình, có dính líu một sự nhơ uế nào đó, “một sự trà trộn”, như cha Chevrier nói và cái lẫn lộn đó, trước mặt Thiên Chúa, không thể chấp nhận được [6].

Vả chăng, kinh nghiệm tông đồ càng chứng minh thêm sự chung sống trà trộn trong mỗi con người giữa điều lành và điều dữ; ta có thể tự hỏi, có vị tông đồ nào dám dùng kinh nghiệm của mình nói ngược lại các câu sau đây:

“Rất khó mà giữ được sự thanh khiết trọn vẹn”. [7]

“Rất khó từ bỏ hoàn toàn lý trí mình, kiến thức mình, cuộc sống tự nhiên của mình, các tật xấu về trí tuệ, để được tràn đầy thần khí Thiên Chúa và chỉ hành động nguyên theo thần khí Thiên Chúa”. [8]

“Người ta khó mà hy sinh trọn vẹn ý muốn của mình”. [9]

“Ai từ bỏ chính mình thì luôn luôn bị xao xuyến, dằn vặt, lo âu.” [10]

Vẫn biết, mọi người đều mau chóng xác tín tất cả những sự đó.

Song có những kẻ mặc dầu họ yếu đuối và bất trung, vẫn tiếp tục cậy trông vào Lời Thiên Chúa; và có những kẻ khác lại kết luận một cách tùy tiện: Ôi Chúa đâu có đòi hỏi quá sức.

Vậy cha Chevrier có bi quan chăng? Tôi không rõ.

Ở vị trí của cha, vị trí các sứ đồ chân thật của Đức Kitô, chỉ xin cha cho chúng ta niềm lạc quan bất khả chuyển lay vào công trình cứu độ do Đức Kitô thực hiện. Và quả cha đã có được niềm lạc quan ấy.

“Càng chết đi, ta càng có sự sống, càng ban phát sự sống” [11]

Một tiếng vang từ thánh Phaolô: Ấy vậy, nơi chúng tôi sự chết ra công, còn sự sống nơi mình anh em.” (2 Cr 4, 12)

Cũng xin cha cho chúng ta sống thực tế. Một con người ốm đau mà cứ tưởng mình lành mạnh phỏng được ích gì?

Nhưng có điều này: kẻ không tìm ra thầy thuốc, họ chẳng thích lưu tâm gì tới sức khỏe của mình, sợ phải thất vọng. Cho nên một hiểu biết chân chính mình đang mang tội trong mình, đó quả là một phần căn bản của việc từ bỏ chính mình và là hiệu quả xuất phát từ sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô.

“Chính dưới ánh sáng của Ngài mà ta phải học biết tìm hiểu mỗi sự vật, tìm hiểu chân lý, hiểu giá trị thiêng liêng của mỗi sự trần thế, hiểu điều thật điều giả, điều chân chính và bất chính, điều thiện điều ác.” [12]

Cha Chevrier loan báo cho ta nếu phân chia thì phân chia làm bốn phần, vì chúng ta vốn là thể xác, tấm lòng, trí tuệ, ý muốn. Chắc chắn cha đã được sách Kinh bổn dạy cho biết con người gồm linh hồn và thể xác. Sau này, họ lớp triết, cha được cắt người rõ hơn về câu định nghĩa ấy.

Nhưng ở đây, sự phân chia cha đề xướng khác hẳn với lối phân biệt kia. Cha phân định bốn lãnh vực hoạt động của con người và hoạt động này cũng chiếm trọn cả con người hồn lẫn xác.

Thể xác, đó là toàn diện khâu hoạt động để duy trì sự sống sinh lý của chúng ta, ví dụ như việc ăn uống và các công việc để nấu dọn thức ăn. Tấm lòng là toàn cả lãnh vực đời sống tình cảm; trí tuệ, trọn hoạt động phát huy để phục vụ tư tưởng; và ý muốn, là lãnh vực của hành động, nghĩa là mọi công việc chúng ta làm.

Sự phân chia ấy xem ra khá thỏa mãn, nhìn dưới khía cạnh thực hành. Nó đơn giản và hợp tình hợp lý. Chắc chắn nó thích ứng với cha Chevrier.

Cha soạn thảo kiểu phân chia đó thế nào? Vốn đã có sẵn cái nhìn thực tế, biết tư duy khởi đi từ kinh nghiệm và như thế thừa đủ cho cha để soạn thảo khái niệm. Nhiều thủ bản của cuốn MĐĐT còn lưu giữ vết tích nỗ lực tìm tòi, trong do dự, hoặc về số các thành phần ấn định, ví dụ: “tấm lòng” (le coeur) không luôn luôn được đề cập, hoặc về trật tự trước sau của các thành phần.

Ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên thấy cha Chevrier vay mượn kiểu phân chia ấy của một người khác. Sự thực, có nhiều sách thiêng liêng đã dọn đường cho kiểu phân chia này; nhưng chúng ta không thể nói chắc chắn hoặc nói cho hữu lý cuốn sách nào cha Chevrier đã sử dụng.

Cần phải từ bỏ chính mình

Đây là hành vi thứ hai Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta đòi hỏi nơi những ai muốn đi theo Ngài.

Sau khi đã từ bỏ gia đình và thế gian, còn phải từ bỏ chính mình để có thể đi theo Đức Giêsu Kitô.

Ta dễ dàng hiểu ngay, muốn theo chân Giêsu Kitô, ta không được bận tâm về gia đình, không thuộc về thế gian.

Nhưng cũng không phải bận bịu về chính mình và về mọi sự yếu đuối đi kèm bản thân, bằng không, ta sẽ cứ mỗi bước mỗi dừng lại.

Giáo lý của Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta về sự từ bỏ bản thân

“Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình. Hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta.” (Mt 16, 24)

Đó là lời Đức Chúa chúng ta.

Abneget semetipsum.

S’ “abnéger”, từ bỏ mình, coi mình như không.

Hãy coi như hư không, tất cả những gì là chính mình, tất cả những gì làm nên con người mình, tất cả những gì là ta, tất cả những gì cấu tạo thành bản vị ta.

Chúng ta có cái thuộc về mình?

Chúng ta có thể xem là bản thân mình, cái cấu tạo nên “chính mình”, nên bản vị chúng ta, cá tính chúng ta.

thân xác ta

trí tuệ ta

tấm lòng ta

ý muốn ta

Đó là những gì làm nên hữu thể thực thụ của ta, cấu tạo nên con người ta.

Ấy vậy! Đức Giêsu Kitô muốn chúng ta từ bỏ các sự đó để theo Ngài.

Tại sao Đức Giêsu Kitô muốn chúng ta từ bỏ chính mình?

Bởi vì, như Ngài nói: “Sự gì sinh bởi xác thịt, là xác thịt, và sự gì sinh bởi thần khí là thần khí.” (Ga 3, 6)

Nghĩa là, tất cả những gì chúng ta lĩnh nhận bởi dòng máu Ađam, đã bị hư hỏng, suy đồi, cần phải tái sinh lại để bước vào một cuộc sống mới.

“Ai không sinh bởi Nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa.” (Ga 3, 5)

Chúng ta đã được thai nghén trong tội lỗi và chúng ta sinh ra trong sự tội, cho nên không thể có điều gì tốt lành trong ta.

Một nguồn suối dơ bẩn không thể phát nguyên được giòng nước trong lành, tinh khiết.

“Người thứ nhất do tự đất, là người trần ai; Người thứ hai do tự trời.” (1 Cr 15, 47)

Từ ngày Ađam phạm tội, chúng ta bị đem bán cho tội lỗi do bởi dục vọng, như thánh Phaolô diễn tả bằng những lời thật quyết liệt khi ông bảo: “Còn tôi thuộc về xác thịt, bị bán làm tôi sự tội. Điều tôi làm ra, tôi không biết; vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét.”

“Tôi làm tôi luật của Thiên Chúa; còn bởi xác thịt, tôi làm tôi luật của sự tội.” (Rm 7, 25)

Và Đức Giêsu phán: “Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả.” (Ga 12, 24)

Hình ảnh của chính bản thân ta. Nếu ta không giết chết bản tính xác thịt thô kệch trong ta, ta sẽ chẳng trổ sinh hoa trái, nhưng nếu bản tính đó chết đi, ta sẽ sinh bông kết trái [13].

Cây cối để tự nhiên không trổ sinh trái ngọt: trái cây tự nhiên thường là chát đắng, như trái rừng; vậy người làm vườn phải xử trí ra sao? Anh ta chặt ngọn cây đi, rồi chẻ đầu thân cây ghép vào đó một cành cây tốt.

Cành này sẽ lớn mạnh và trổ sinh trái ngon và cây trở nên tốt, nhưng nếu có một nhánh mọc ra từ cành ấy, đó là nhánh vô dụng.

Hình ảnh của bản thân chúng ta. Cành tốt lành kia là Đức Giêsu Kitô.

Các nhánh phải tỉa đi là chính bản thân ta, là những công việc tự nhiên vô giá trị.

Ta phải ghép Đức Giêsu Kitô ở giữa mình chúng ta để biến bản thân ta nên tốt; không có Ngài, ta chỉ trổ sinh những trái bụi rừng, vô dụng cho nước trời. Vậy ta hãy từ bỏ tất cả những gì đến từ bản tính đầu tiên ấy, tất cả những gì mà chúng ta nhận lĩnh từ cuộc sinh thành thứ nhất đã bị hư thối và suy liệt.

Hãy từ bỏ bản thân,

từ bỏ chính mình.

Từ bỏ bản thân là gì?

Từ bỏ bản thân,

Là từ bỏ tất cả những gì làm nên chúng ta, có nghĩa từ bỏ:

- thân xác mình.

- trí tuệ mình.

- tấm lòng mình.

- ý muốn mình.

(còn tiếp)

[2] Mastai-Ferretti, 344-345

[3] Tr. 239 [theo chữ abnégation = bỏ mình]

[4] X. tr. 229, chú thích dưới trang

[5] Tr. 239

[6] Tr. 253

[7] Tr. 262

[8] Tr. 330

[9] Tr. 371

[10] Tr. 394

[11] Phụ lục V, tr. 754

[12] Tr. 134

[13] Đây không phải là lời áp dụng trực tiếp câu trước đó lấy từ thánh Gioan, vì câu đó nói về sự chết của Đức Kitô trên thập giá, chứ không phải việc chết đi cho chính mình ta.