Các mối Phúc thật hôm nay (15): Những người đói khát

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2060 | Cập nhật lần cuối: 4/18/2017 8:56:12 AM | RSS

(Tiếp theo)

13. Những người đói khát

“Tôi khát”, Chúa Giêsu kêu như vậy ở trên thập giá (Ga 19, 28). Có thể Chúa Giêsu muốn đọc câu 22 của Thánh Vịnh 69:

“Họ đã bỏ mật đắng vào của tôi ăn

Khi tôi khát, họ đã cho tôi uống dấm”.

Người ta không hiểu, nên áp vào miệng Ngài miếng bọt biển đầy dấm chua cho Chúa dùng (Ga 19,29-30). Nhưng Thánh Vịnh 69 là một bài chúc tụng Thiên Chúa, đón nhận và lắng nghe những người nghèo khó trong tâm hồn và những người đang tuyệt vọng, “bị chìm dưới nước”, ngập tới cổ.

Vừa đụng tới dấm chua, Chúa Giêsu tắt thở trong khi nói: “mọi sự đã hoàn tất”.

Trong thánh Mátthêu và Máccô, viên bách quân la lên: “Người này thật là Con Thiên Chúa”. Còn thánh Luca thì đặt nơi miệng anh ta lời này: “Quả thật ông này là người lương thiện” (23, 47). Và thánh Luca cho việc màn đền thờ xé rách là dấu chỉ cuộc phán xét Giêrusalem và nêu viễn ảnh các người ngoài Do Thái sẽ vào Vương quốc. Còn một lời dẫn khác, chỉ có mình thánh Luca ghi lại:

“Tất cả mọi người có mặt đều lũ lượt kéo đến xem quanh cảnh những điều đã xảy ra. Họ vừa trở về nhà, vừa đấm ngực ăn năn”.

Thế giới ngoại giáo đã có mặt nhờ qua viên Bách quân Rôma. Thánh Vịnh 22, Chúa Giêsu đã đọc câu đầu: “Lạy Chúa tôi tại sao Chúa nỡ bỏ tôi?”

Cũng là một Thánh Vịnh có tầm phổ quát, tác giả Thánh Vịnh vật lộn với cái chết kề bên, Thiên Chúa lắng nghe đau khổ của ông, vì Thiên Chúa luôn luôn nghe những lời cầu xin khi tuyệt vọng. Lịch sử Israel chứng minh điều ấy. Ông đang hấp hối, bất động, bị vây, xác ông chỉ còn là vật vô hồn, người ta đã chia nhau áo xống của ông, bấy giờ Thiên Chúa đến:

Ngài đã đáp lời tôi,

Và tôi hoan hô danh Ngài

trước mặt anh em tôi.

Ông muốn loan tin Thiên Chúa “cho đến mút cũng mặt đất” (câu 28). Chúa Giêsu, đã không được anh em Ngài thừa nhận, Ngài biết rằng cái chết của Ngài là và sẽ là dấu chỉ của Abba cho Israel và cho mọi dân tộc, biết rằng cái chết của Ngài chính là Phúc Âm, Tin Mừng, là niềm vui, như đã loan báo, tại Hội đường Nagiarét, lúc bắt đầu đời sống công khai, trong chính câu của Thánh Vịnh ấy. Ngài đã chẳng hỏi là: những người nghèo sẽ “ăn và được no nê” đó sao?

Bài ca chan hòa đau khổ với vui mừng như thế, Chúa Giêsu đã hát trên cây thập giá. Và cũng như trong lời tiên tri Isaia nói về người tôi tớ thống khổ (Is 53), Thiên Chúa tuyên bố nạn nhân vô tội, trong khi mọi người tự đấm ngực ăn năn, thú nhận chính mình có tội. Người vô tội vừa tắt thở thì chính Thiên Chúa đã phán quyết rằng: “Đó là người công chính” mà không tố cáo những con người – xin nhắc lại, trong Tin Mừng chính con người tự thú mình có tội. Đối với Abba chẳng những Chúa Giêsu là người “công chính”, nhưng Abba còn ban cho loài người “sự công chính” của con người vô tội ấy, sự “công chính” do Đức Giêsu đã hoàn tất.

Chúa Giêsu đã làm trọn “sự công chính” đã công chính tới cùng, làm sao hiểu được chữ “công chính” ấy? Viên Bách quân, cũng như kẻ trộm lành, đều làm chứng rằng Chúa Giêsu đã không làm điều gì xấu, rằng Ngài vô tội, nhưng thánh Luca, theo từ ngữ Kinh thánh muốn nói rằng: Chúa Giêsu là “người công chính”, tức là con người, suốt đời cho đến chết, đã hoàn toàn làm trọn mọi ước muốn của Abba và đã tiếp tục yêu thương mọi người cho đến cùng, bất chấp những gì họ đã làm cho Ngài: tuy người đau khổ trong Thánh Vịnh 22 xin Thiên Chúa trả thù cho họ, nhưng Chúa Giêsu lại xin Abba tha thứ cho những tên giết Ngài.

Đức Giêsu đã suốt đời “đói khát về công chính”. Trong Tin Mừng thánh Luca có “mấy người công chính trước mặt Thiên Chúa”. Đó là ông Dacaria, bà Elisabét, ông Simêon, tất cả đều cao niên, đó là những người Do Thái đạo đức đã suốt đời sống trung thành với Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu, thánh Luca cùng với viên Bách quân trước mặt thánh Phêrô cũng nói như vậy trước mặt người Do Thái sau lễ Ngũ Tuần rằng:

“Anh em đã chối bỏ Đấng công chính” (Cv 3, 14)

Thánh Mátthêu đề nghị đức “công chính” mới của người Kitô, qua tất cả Bài giảng trên núi (chương 5 và 6). Ông mời gọi hãy sống với Đức Kitô, hãy như Ngài “đói khát” hoàn thành điều công chính đối với ta, và theo một thứ công bằng khác với sự công bằng của ta, chẳng những Ngài tha hết mọi thứ nợ của ta một cách rộng rãi quá chăng, mà còn cho ta dự phần vào cung cách sống của Ngài, và nhờ đó, vào hạnh phúc của Ngài nữa. Sống công chính, theo Thiên Chúa, đó là noi gương Ngài vượt quá mọi yếu đuối lỗi lầm, đối với bản thân cũng như đối với người khác. Thiên Chúa không cần những sự ăn năn, sám hối của ta đối với tư cách là sám hối, Ngài không thích nhớ hoài những cái ấy, như thế Ngài là: nuôi hận, báo thù. Chính ta mới cần phải nhận mình là tội nhân, nhận mình có cái khả năng giết người vô tội. Ai từ chối không thừa nhận chính mình có cái khả năng ấy, thì chỉ biết gán cho người khác những tội ác của thế giới rồi trốn tránh việc đấu tranh chống lại những tai ác đó và sẽ biến mình thành cáo tội tha nhân.

Sách Khải Huyền giới thiệu Satan là tên “cáo tội” (12, 10), và thánh Phaolô cho thấy Satan dùng lề luật làm công cụ, để cáo tội con người và làm hư con người trước mặt Thiên Chúa (Rm 7, 5). Ai không “công chính” theo nghĩa Thánh Kinh thì cũng làm như Satan: nào đoán xét đưa người ta ra trước tòa án của mình, nào cáo tội và lên án, nào nêu rõ tất cả những sai trái của người khác và của xã hội, và con đường không công chính lại không ngừng đòi “xử công bằng”, đòi bêu xấu người khác nơi công chúng hay chém đầu họ đi.

Thế là thất bại hoàn toàn, thế là chết. Satan và mọi người không công chính đeo cái mặt nạ công bình, cái hình nộm công chính vào cái bản năng ham xử tử, thích hành hình của họ, coi đấy là những “kỳ công”. Họ trình bày cái chết kia như điều có lợi: bởi lẽ người kia đã bị xử và đã chết, thế là tốt, đã làm trọn phép công bình! Satan và người không công chính đều nói dối: chúng làm cho người ta tin vào quyền của sự chết, chúng làm cho người ta tin rằng người công chính đã có tội, bởi vì họ đã chết. Đức Giêsu nói: “Anh em chớ xét đoán”.

Các mối Phúc thật hôm nay (15): Những người đói khát

Người công chính vốn là Đức Giêsu đã đói khát muốn đi đến cùng của đức công chính thật, muốn tỏ cho thấy rằng chúng ta không được tin vào sự chết, rằng nếu chúng ta tin vào sự chết thì nó tha hóa chúng ta, nó biến chúng ta thành những con người có tội. Cái “bây giờ” của sự chết của Đức Giêsu là một giờ độc nhất và đó là sự mới mẻ liên tục, một công cuộc sáng tạo mới vẫn tồn tại trong mỗi một giây phút của lịch sử, lời giải đáp mà Abba đem lại cho Đức Giêsu là sự chiến thắng trên sự chết.

Đối với sự công chính của Thiên Chúa như Đức Giêsu, đó là đói Abba mỗi ngày. Phản đề của mối Phúc thật này là không khao khát muốn thực hiện ngày hôm nay, tại đó, trong cuộc đời chúng ta, điều Abba đang mong muốn. Chúng ta nhét đầy bụng những cái công bình nhỏ nhen của mình, chúng ta không còn đói hành động theo chính mốt của Abba. Tự nhiên chúng ta không đói sự công chính của Thiên Chúa, nên cần phải đói và khát. Làm sao cầu nguyện và xin với Abba “cơm bánh hằng ngày” nếu mỗi ngày chúng ta không đói cơm bánh ấy là đói sự công chính của Thiên Chúa, nếu chúng ta không bị nghiền ngấu từ bên trong bởi lòng nhiệt tình muốn làm sao “Vương quốc” Abba ngự đến? Những người “đói khát” Vương quốc, chính là những người nghèo. Ở nơi thánh Luca trong một bản dịch gần với nguyên thủy, có câu chuyện về bữa tiệc lớn (14,16-24). Chính là để trả lời cho một người, giữa một bữa ăn, đã kêu lên: Phúc thay cho người nào sẽ dùng bữa trong Vương quốc Thiên Chúa! (14, 15), mà Đức Giêsu kể lại câu chuyện này, vả lại đây không chỉ là một dụ ngôn, mà là câu chuyện có thật, nằm trong sách Talmud và mọi người đều đã biết.

Một người kia tổ chức một bữa tiệc lớn và mời nhiều người – thuộc thành phần có máu mặt, bởi lẽ đó là những đại địa chủ (mua 5 đôi bò là dấu chỉ người ta sở hữu ruộng đất rất quan trọng). Mọi người xin hiểu. Họ giàu có, dư dật, no nê, họ không đói. Bấy giờ người kia cho mời ‘những người đui què, mẻ sứt’ – tức là tất cả lũ ăn mày trong thành phố. Các thính giả của Đức Giêsu có lẽ đã phải nực cười khi nghe chuyện dụ ngôn ấy, bởi vì đối với họ, người tổ chức đám tiệc, theo sách Tamud, là một người giàu có, một người thu thuế đã được làm giàu. Những người đại địa chủ đã từ chối lời mời, bởi vì họ không muốn ngồi ăn cùng với người thu thuế kia. Và thính giả của Đức Giêsu đã phải nhất trí với những đại địa chủ và cùng với họ chế diễu lũ ăn mày đã được dẫn tới nhà của người giàu có. Hơn thế nữa, người giàu có, muốn cho đầy phòng tiệc, đã bắt buộc phải cho tìm kiếm “những người nghèo” khác ngoài bọn ăn mày, những người còn nghèo hơn, những người vô gia cư (thánh Mátthêu nói thêm trong 22, 10: “cả người xấu, cả người tốt”), những người sống ngoại thành những người lang thang, và người ta dùng sức mạnh để đẩy họ đi vào đó.

Bấy giờ lời nói của Chúa Giêsu giáng xuống kinh khủng như một gáo nước lạnh trên thính giả Ngài: “Không ai trong số những người đã được mời sẽ được hưởng bữa tiệc của Ta”.

Đó là câu trả lời cho người đã nói “phúc cho người nào sẽ dùng bữa trong Vương quốc Thiên Chúa”, và các thính giả Chúa Giêsu, cũng như các độc giả của thánh Luca, đều hiểu rằng: “Mọi sự đã dọn sẵn” (14, 17) rằng đã loan báo bữa tiệc là một tin vui, nhưng những người giàu – và những người Do Thái vốn khép kín mình trong sự công chính của họ và tự coi là những đại địa chủ của Thiên Chúa, tức là những người giàu – họ không đói, họ không muốn ăn thứ bánh kia. Những người nghèo, lũ ăn mày mà khi nãy người ta đã chê cười kia, tất cả những người tàn tật ở đời này, không có đầy xác tín và đầy luật Toral, chính họ bây giờ được nhận vào trong ‘Vương quốc’, được vào trong nhà tham dự bữa tiệc. Những người thu thuế, những người tội lỗi, những người gái điếm, đi trước những khách được mời, những người ngoại sẽ thay thế những người Do Thái. Thánh Luca nói: “Tội nghiệp cho anh em là những người no nê, bấy giờ anh em sẽ phải đói” (6, 25).

Điều này cũng đúng đối với các nhà tư tưởng Schelling đã nói: “Triết học của mặc khải không dành cho những người mập mạp no nê, nhưng dành cho những người đói khát việc tái sinh một cách đích thực, triệt để “cho lối suy tư của họ”.

Ngay đầu Tin Mừng thánh Luca, Đức Maria nói “Ngài đã ban cho những người đói khát dư đầy của cải” (Lc 1, 53). Đức Maria “thuộc về dân nghèo”, đang thực sự đói khát vị Mêsia, họ không tin mình có khả năng tự mình chiếm hữu được sự thánh thiện. Thánh Têrêsa thành Lisiơ sẽ không muốn đồng bàn với những nữ tu thánh thiện, tự hiến mình cho Thiên Chúa để đền bù phạt tạ tội lỗi của kẻ khác, chị sẽ đặt mình “đồng bàn với các tội nhân”. Đức Giêsu, vốn là bữa tiệc, là “bánh sự sống” có nói: “Ai đến với Ta sẽ không còn đói” (Ga 6, 35). Ngài tự ý đến nhà ông Giakê là người thu thuế, Ngài ban chính mình làm lương thực cho tất cả những ai mở lòng mình ra, cảm thấy đói khát Thiên Chúa, dạ dầy trống rỗng, ước ao trở lại, cho những đứa con hoang đàng đang chết đói. Tin Mừng nói rằng Chúa Giêsu cảm thấy đói, sau những cơn cám dỗ nặng nề của Satan trên nơi hoang địa. Trong thực tế đó là một hoạt cảnh tập trung tất cả những chước cám dỗ người ta đã thử dùng để bẫy Chúa Giêsu, từ khi ông Phêrô không chấp nhận khổ nạn và sự chết và bị Chúa Giêsu quở trách nặng nề (Mt 16, 23), tiếp đến là những người muốn tôn Ngài làm Vua, làm người quyền thế và Ngài cũng đã buộc lòng phải lánh chước cám dỗ này (Ga 6, 15) cho đến trên thập giá, nơi mọi người đều đề nghị với Ngài hãy quay lại chống Thiên Chúa vì đã không cứu thoát Ngài (Mt 27,41-44).

Loài người muốn cho Chúa Giêsu đi trật ơn kêu gọi mình, liên tục họ quăng cho Ngài những chước cám dỗ, làm thành những cản trở, những hòn đá vấp chân… Chúa Giêsu không ngừng từ chối nuôi mình bằng những quyền hành, bằng thứ men bánh của bọn Biệt phái đó, tức là bằng giáo lý của họ (Lc 12, 4). Ngài đề cao cảnh giác các đồ đệ Ngài chống lại “sự công chính” của Biệt phái, cách nhận định những quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân theo như bọn Pharisêu thường nhận xét:

“Nếu đức công chính của anh em không đi xa hơn đức công chính của những người ký lục và Biệt phái, anh em sẽ không được vào Vương quốc” (Mt 5, 20)

Cuối cùng, đó là tất cả nhãn giới bao la của cuộc Phán xét chung, trong đó Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với mọi người nghèo, với mọi người đói:

“Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống” (Mt 25, 35)

Chúa Giêsu đã là một con người đói khát.

(Còn tiếp)

Jean Francois Six

Trích "Các mối Phúc thật hôm nay", tr. 173-183

---------------------------------------

* Bài liên quan:

Các mối Phúc thật hôm nay (1)

Các mối Phúc thật hôm nay (2)

Các mối Phúc thật hôm nay (3)

Các mối Phúc thật hôm nay (4)

Các mối Phúc thật hôm nay (5)

Các mối Phúc thật hôm nay (6)

Các mối Phúc thật hôm nay (7)

Các mối Phúc thật hôm nay (8)

Các mối Phúc thật hôm nay (9)

Các mối Phúc thật hôm nay (10)

Các mối Phúc thật hôm nay (11)

Các mối Phúc thật hôm nay (12)

Các mối Phúc thật hôm nay (13)

Các mối Phúc thật hôm nay (14)