Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (20): Từ bỏ thần trí của mình là gì?

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3903 | Cập nhật lần cuối: 1/23/2017 9:14:39 PM | RSS

(Tiếp theo)

Thần khí Thiên Chúa hoặc thần khí tốt lành ở trong Đức Giêsu Kitô

Đức Giêsu về Nagiarét và theo tục lệ, vào trong hội đường đứng lên đọc sách.

Người ta trao cho Ngài sách ngôn sứ Isaia: Ngài mở ra đúng đoạn có lời chép:

Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi người đã xức dầu cho tôi. Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan; loan báo năm hồng ân của Chúa. Gấp sách lại, Ngài trả lại cho người cán sự, đoạn ngồi xuống. Trong hội đường mắt mọi người đăm đăm nhìn Ngài.

Và Ngài bắt đầu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn sách này nơi tai các ngươi.” (Lc 4,18-21)

Thánh Gioan, nói về Thánh Thần chính ông đã thấy giáng xuống Đức Giêsu Kitô sau khi Ngài lãnh Phép rửa và đang cầu nguyện, Gioan chứng thực:

Trời mở ra, và Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu mà đến trên Ngài. Và này có tiếng tự trời phán: “Ngài là con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ.” (Mt 3, 16 và song song //). Ở chỗ khác, Gioan nói: “Tôi đã trông thấy Thần Khí như chim câu đáp xuống từ trời và đã lưu lại trên Ngài. Tôi chưa hề biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi đến thanh tẩy bằng nước, chính Người đã nói với tôi: Ngươi Thần Khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Đấng thanh tẩy trong Thánh Thần.” (Ga 1,32-34)

Và chỗ khác, thánh Gioan còn nói: “Vì kẻ Thiên Chúa sai, thì nói được lời của Thiên Chúa, bởi không phải theo lường hạn mà (Ngài) ban Thần Khí cho.” (Ga 3, 34)

Vậy là Thánh Thần “đến trên Ngài” “lưu lại trên Ngài”, Ngài nhận được Thánh Thần “vô lượng”, và Thánh Thần lưu lại “trọn vẹn” trong Ngài.

Đó là những lời chứng của thánh Gioan và của chính Đức Giêsu Kitô.

Chính vì Thần Khí Thiên Chúa ở trong Ngài cho nên Ngài không thể nói năng gì về mình, không thể làm điều gì tự mình, song mọi lời Ngài nói, mọi việc Ngài làm đều đúc khuôn theo tư tưởng và ý muốn của Cha, bởi chúng được Thánh Thần định đoạt, mà Thánh Thần lại là giây kết hiệp giữa hai ngôi vị Cha và Con.

Vì thế Đức Giêsu không ngần ngại tuyên bố: “Đạo lý Ta dạy không phải là của Ta mà là của Đấng đã sai Ta.” (Ga 7, 16)

“Đấng sai Ta là Đấng chân thật, và điều gì Ta đã nghe nơi Người, Ta nói ra trong thế gian.” (Ga 8, 26)

“Các lời Ta nói với các ngươi không phải tự Ta mà Ta nói ra, nhưng chính Cha Đấng ở trong Ta, hằng làm công việc của Người.” (Ga 8, 38)

“Lời các ngươi nghe đây không phải là của Ta, thì Ta nói ra.” (Ga 14, 24)

“Không phải chính Ta tự mình đã nói ra, nhưng Cha, Đấng sai Ta, đã truyền lệnh Ta phải dạy gì hay nói gì. Và Ta biết lệnh truyền của Người, ấy chính là sự sống đời đời.

Vậy các điều Ta nói, thì như Cha đã nói với Ta sao, Ta cũng nói vậy.” (Ga 12,49-50)

“Nghe sao, Ta xử vậy, và án Ta xử thật công minh, vì Ta không tìm kiếm ý của Ta mà ý của Đấng đã sai Ta.” (Ga 5, 30)

“Ta không thể làm điều gì tự mình Ta.” (Ga 5, 30)

“Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm.” (Ga 5, 19)

Do đó, trong Đức Giêsu Kitô và Cha Ngài, chỉ có duy một Thần Khí, luôn luôn làm việc kết hiệp với cả Cha và Con.

Cho nên khi nghe Đức Giêsu Kitô, đó là chúng ta nghe chính Cha nói: Ngài nói ngôn ngữ của Thiên Chúa như lời thánh Gioan quả quyết.

Khi thấy Đức Giêsu hành động, ta nhận ra chính hành động của cha, bởi vì Con không làm điều gì tự mình, mà chính Cha làm lấy các công việc của Cha.

Mọi sự thật hài hòa! Giữa Cha, Con và Thánh Thần có một hòa điệu tuyệt vời, ngay trong Đức Giêsu Kitô!

Vậy chúng ta phải làm gì?

hãy học hỏi Giêsu Đức Chúa chúng ta,

hãy nghe lời Ngài

hãy xem xét các hành động của Ngài,

để ta được khuôn đúc theo Ngài và được đầy tràn Thánh Thần. Những gì Chúa Giêsu Kitô đã nói, những gì Ngài đã làm đều được làm và quyết định bởi Thánh Thần. Ta hãy nghiên cứu các lời nói của Ngài, các việc làm của Ngài, và sống sao, nói sao để khuôn theo những gì Ngài đã nói, Ngài đã làm, lúc đó ta sẽ hành động và nói năng theo Thánh Thần. Ở đây chúng ta có một quy tắc chắc chắn, chính xác, để được tràn đầy Thánh Thần, ngõ hầu nghĩ và làm như Thánh Thần hướng dẫn.

Tin Mừng bao gồm lời nói và việc làm của Đức Giêsu Kitô. [1]

Thần Khí Thiên Chúa đổ tràn trên khắp cuộc đời Ngài, trong mọi việc làm của Ngài.

Lời Ngài, hành động của Ngài giống như những nguồn sáng mà Thánh Thần ban lại cho ta, khởi từ máng cỏ cho đến đỉnh núi Sọ.

Mỗi lời nói của Đức Giêsu Kitô, mỗi bức gương là một tia sáng từ trời đến để soi dẫn chúng ta và thông ban sự sống cho ta. Ai muốn được tràn đầy thần khí Thiên Chúa thì phải học hỏi Đức Chúa chúng ta mỗi ngày: lời Ngài, gương sáng của Ngài, cuộc sống Ngài, đó là suối nguồn ta đến tìm được sự sống, tìm được Thần Khí Thiên Chúa.

Trong cuốn sách nhỏ nói về nguyện ngắm, chúng ta sẽ đề cập tới cách học hỏi Đức Chúa chúng ta để nhận được, lĩnh được thần trí của Ngài. [2]

Thần Khí Thiên Chúa ở trong Giáo hội.

Thần Khí Thiên Chúa ở trong Đức Thánh Cha, vị giáo chủ

Thần Khí Thiên Chúa ở trong các thánh. [3]

Thần Khí Thiên Chúa ở trong một bản nội qui sinh động rút ra từ Tin Mừng và được Giáo hội phê chuẩn.

Thần Khí Thiên Chúa ở trong các vị Bề trên của chúng ta, [4]

Các vị Bề trên của chúng ta cần phải có Thần Khí Thiên Chúa là chừng nào!

Sự cần thiết phải chọn các Đấng Bề trên thật sự có Thần Khí Thiên Chúa

Không nên xét đến tài uyên bác, khéo léo, biệt tài, của cải trong việc này, mà xét đến lòng mến đậm đà và sáng suốt; con có yêu mến Thầy không? Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho thánh Phêrô trước khi trao cho ông quyền lãnh đạo Giáo hội của Ngài [5]

“Nghe sao, Ta xử vậy, và án Ta xử thật công minh, vì Ta không tìm kiếm ý của Ta mà ý của Đấng đã sai Ta.” (Ga 5, 30)

Làm sao để có được Thần Khí Thiên Chúa? [6]

Bằng cách học hỏi Tin Mừng siêu thánh và cầu nguyện thật nhiều.

Trước tiên phải đọc đi đọc lại sách Tin Mừng, nhuần nhuyễn Tin Mừng, nghiên cứu, thuộc lòng, học hỏi từng lời, từng việc, để hiểu sâu ý nghĩa, khả dĩ đưa nó vào tư tưởng và hành động của chúng ta. [7]

Phải học hỏi như thế trong giờ nguyện ngắm hành ngày có vậy mới đưa Đức Giêsu Kitô vào trong cuộc sống của mình như một điều cần thiết.

Lần hạt, đi đàng thánh giá, nghiên cứu lời giảng dạy của Đức Chúa chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ lãnh nhận được từng ngày một chút ánh sáng của Thánh Thần và dần dà ta đi tới khuôn đúc cuộc đời ta theo cuộc đời Đức Giêsu Kitô.

Nên chuyên cần cầu nguyện,

hàng ngày làm việc sùng kính Chúa Thánh Thần, nghĩa là sau lót lòng sáng, đọc kinh Veni Creator, 7 Ave Maria kính bảy ơn và nguyện gẫm,

năng đọc lời nguyện này: Lạy Chúa của con, xin ban cho con Thần Khí của Chúa! Để chúng con luôn luôn hành động kết hiệp với Thần Khí Đức Giêsu Kitô, Ngài là Thầy và nguồn sáng của chúng con. [8]

Ai là những người có thần khí Thiên Chúa?

Đó là những kẻ đã cầu nguyện nhiều và xin ơn đó lâu dài. Đó là những ai đã dày công học hỏi Tin Mừng học hỏi các lời nói việc làm của Đức Chúa chúng ta,

Họ đã kiên trì cố gắng sửa chữa trong họ những gì đi ngược lại thần trí của Đức Chúa chúng ta. [9]

Kẻ có thần khí Thiên Chúa sẽ không tự mình nói năng, không tự mình làm điều gì, mọi lời họ nói, mọi việc họ làm đều đặt cơ sở trên một lời nói hay một việc làm của Đức Giêsu Kitô mà họ chọn làm nền tảng cho cuộc sống họ; Đức Giêsu Kitô là sự sống, là nguyên lý, là cứu cánh của họ.

Không phải tôi sống Ngài Đức Giêsu Kitô sống trong tôi.

Tôi không dẫn dắt mình bằng khoa học, bằng lý luận, song bằng đức tin và Thánh Thần hoạt động trong họ.

Và thông thường thiên hạ không hiểu được họ, bởi vì đường lối của Thánh Thần, cứ sự thường, loài người không hề biết tới. Thần Khí thổi đâu tùy ý, người ta không hề biết Ngài bởi đâu mà đến và Ngài đi về đâu; Ngài đến từ trên cao.

Vì thế, các thánh hay làm những điều lạ lùng mà thiên hạ không hiểu được, bởi các thánh được hướng dẫn bởi Thần Khí Thiên Chúa, và các ngài thường trở nên đối tượng cho người ta dè bỉu, nhạo báng, do bởi con người xác thịt không quan niệm được những gì từ Thiên Chúa mà đến. Họ cần phải có ánh sáng siêu nhiên để có thể xét đoán các điều ấy.

Các thánh lấy nguồn hứng, nguồn tư tưởng từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Deus caritas est “Thiên Chúa là lòng mến” (1 Ga 4, 16), qua máng cỏ, núi sọ và nhà chầu; đó là những ngọn đuốc lớn tỏa nguồn sáng để người môn đệ đích thật nương theo mà đi.

Thần trí Thiên Chúa thật hiếm hoi

Phải thần trí Thiên Chúa thật hiếm hoi. Bởi vì từ bỏ hoàn toàn lý trí mình, khoa học của mình, cuộc sống tự nhiên của mình, các thói xấu trí tuệ mình, hầu được tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa, và chỉ còn hành động theo thần trí Thiên Chúa, đó quả là điều hết sức khó khăn. [10]

Quả là khó khăn khi ta kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa đến mức chỉ còn là một với Người quả là khó khăn khi sống sao đủ khiêm tốn, đủ bé nhỏ, đủ dễ bảo, đủ thinh lặng để có thể luôn luôn tiếp nhận Người và theo ơn gọi soi sáng của Người.

Ơn soi sáng của Chúa êm thấm lắm, tế nhị lắm, đôi khi thấy rõ nếu không nói là luôn luôn, cho nên rất khó nhìn nhận, hiểu biết và tiếp thu.

Thông thái, lý trí, thế gian trái lại khá ồn ào đối với chúng ta cũng như các thói quen trong cuộc sống, khiến ta khó khăn nghe tiếng Chúa và đi theo Người hoàn toàn.

Muốn có Thánh Thần, cần phải từ bỏ đời sống tự nhiên bao bọc lấy chúng ta và hướng dẫn ta.

Cần phải chiến đấu lâu dài chống lại các thói xấu tinh thần và xác thịt, cần phải học hỏi lâu dài Sách Tin Mừng, cần phải cầu nguyện lâu dài để xin ơn Ngài.

Thật là hiếm hoi những kẻ thỏa mãn các điều kiện đó.

Vả chăng đời sống tự nhiên lôi kéo mãnh liệt chúng ta, và đời sống thiêng liêng thì cao vời, chống lại tính tự nhiên của ta, nên ta bị cám dỗ coi những ơn soi sáng của Thánh Thần như điều bất khả thi, và chưa chi đã vội cho đó là hão huyền.

Các giáo huấn của Tin Mừng, các khuyến dụ bị xem là không thể thực hiện, và người ta thích đi theo con đường vẫn quen, con đường thông thường hơn là những nẻo đường cao siêu và lắm khi khắt khe đối với tính tự nhiên, nhưng lại là đường của Chúa Thánh Thần. [11]

Và rồi, người ta dùng lý trí phá bỏ tất cả Tin Mừng, luôn luôn người ta tìm được phương cách sắp xếp làm sao để giữ được cuộc sống tự nhiên.

Lý luận giết chết Tin Mừng và tiêu hủy tất cả những gì là cao cả, lớn lao, linh thiêng, trong các lệnh truyền và khuyến dụ của Đức Chúa chúng ta; cũng như trong tất cả những gì liên quan tới đức nghèo khó, sự thanh thoát, bác ái, từ bỏ, hãm mình, đền tội.

Vì thế, khi tìm được ai đó trên cõi đời này có được Thần Khí Thiên Chúa, người ta đổ xô đi tìm! Chạy tới với người đó! Đến để kiếm tìm thần trí đó, những lời khuyên từ trời xuống; hình như lúc ấy ta đang ở với Thiên Chúa, và đó là thiên đàng ngay giữa trần gian; một điều hiếm hoi, tuy nhiên điều này tùy thuộc ở ta, nếu ta muốn có, ta chỉ việc sống đầy Tin Mừng và đem Tin Mừng ra thực hành.

Thần Khí Thiên Chúa! đó là kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa khả dĩ cống hiến cho ai đó khi Người ban cho họ Thần Khí của Người. Đó cũng là kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể cống hiến cho trần gian khi ban Thần Khí của Người cho vài con người để những kẻ khác có thể đến xem, tham khảo và đi theo họ, sử dụng họ.

Ta hãy cầu xin Thiên Chúa, và không ngừng xin Thần Khí Người cho chúng ta và cho kẻ khác.

Rất khó sở hữu và cũng khó gìn giữ thần trí Thiên Chúa

Bởi vì phải chiến đấu liên lỉ chống lại tính tự nhiên, các khuynh hướng riêng tư, lý trí và đôi khi cả sự hiểu biết của mình, và cũng chống lại thế gian, thế gian thường thường là không hiểu biết, nên không ngừng coi là ngu ngốc và điên dại những ai làm ngược lại với thế gian. [12]

Những kẻ đi theo Thần Khí của Thiên Chúa thường bị bách hại, bị nhạo cười, bị người khác thù ghét. Còn muốn liên tục chống lại chính mình và kẻ khác, ta phải có kha khá sức mạnh và nghị lực cũng như ân sủng để đừng mềm lòng và buông trôi trong các đường nẻo của Thánh Thần. Và nhớ tinh thần chia rẽ len lõi trong mọi sự, hằng chống lại những ai chỉ biết sống duy cho Thiên Chúa!

Các dấu chỉ để nhận rõ một linh hồn được đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa

Thánh Phaolô nói, Thần Khí Thiên Chúa trổ sinh hoa trái đặc biệt trong ta, và điều này thì dễ nhận biết.

Hoa quả của Thần Khí, theo ông, đó là: “Mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ.” (Ga 5,22-23)

Cắt nghĩa từng hoa trái, nói về sự kín đáo, thận trọng.

Nói qua về sự kín đáo:

thận trọng, dè dặt trong lời nói,

Kẻ thiếu kín đáo, thường nói năng lung tung,

hay bộc lộ những điều vô ích, gây nhiều phiền hà.

“Theo tư cách là thánh được Thiên Chúa chọn và yêu mến, anh em hãy mặc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng. Hãy chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu ai có gì trách móc kẻ khác. Cũng như Chúa đã tha thứ cho anh em thế nào, thì anh em cũng vậy! Và trên hết các điều ấy, (anh em hãy mặc lấy) đức mến, tức là giềng mối của sự trọn lành.” (Cr 3,12-14)

“những gì là chân thật,

những gì là khả kính,

những gì là thông minh,

những gì là tinh tuyền,

những gì là khả ái,

những gì là danh thơm tiếng tốt,

và nếu có nhân đức nào, nếu có điều đáng khen nào,

anh em hãy chú trọng đến tất cả.” (Ph. 4, 8)

Đó là những hoa quả Thánh Thần trổ sinh trong ta.

Lời nói và việc làm của ta đều trở nên những hoa trái thánh thiện và được chúc lành, chúng phát xuất từ trong lòng ta và trổ sinh hiệu quả tốt, tỉ như cây tốt sinh trái ngọt và một cây xấu sinh trái xấu.

Đó là cách so sánh giữa những kẻ có Thánh Thần và những kẻ không có Ngài, một đằng sinh trái ngọt, và một đằng trổ sinh quả xấu.

“Thiên Chúa, nào ai đã cung chiêm bao giờ; nếu ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa lưu lại trong ta, và nơi ta, lòng mến của người đã được thành toàn. Nơi điều này mà ta biết là ta lưu lại trong Người và Người trong ta: là vì Người đã ban Thần Khí của Người cho ta.” (1 Ga 4,12-13)

“Vì trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được nhờ thanh tẩy mà nhập vào Thân mình độc nhất.” (1 Cr 12, 13)

Trong một cộng đoàn, Thần Khí Thiên Chúa cần thiết đến mức nào!

Nếu Thần Khí Thiên Chúa cần thiết cho bản thân, cách riêng để ta được sự khôn ngoan và biết yêu thương, phương chi Ngài càng cần thiết cho một cộng đoàn.

Có Thần Khí Thiên Chúa là có tất cả.

Ngài là tất cả cho một con người.

Ngài là tất cả cho một cộng đoàn.

Chính Thần Khí Thiên Chúa tạo nên sự hiệp nhất trong ngôi nhà, Ngài hòa hợp các trí lòng, khiến hết thảy chúng ta thành một.

Ut unum sint

Đó là lời nguyện nồng cháy mà Giêsu Đức Chúa chúng ta lặt đi lặp lại sau bữa tiệc ly.

Xin cho họ hết thảy trở nên một trong Thần Khí.

Sự hiệp nhất thật sự không ở trong các hòn đá, tiền bạc, cũng không ở tại nhà cửa, áo quần, hay qua sự chung mái nhà với nhau, cũng không trong cách xưng hô anh em, chị em ta dùng để gọi nhau; tất cả những điều ấy là điều kiện cho hiệp nhất song không ban sự hiệp nhất; nói cho cùng, tất cả các điều đó chẳng là gì hết.

Những tiếng xưng hô anh em, chị em, lắm lần chỉ là trò hề hết sức giả dối!

Sự hiệp nhất đích thật ở trong kết hiệp cùng một thần trí, một tư tưởng, một tình yêu, trong đó Đức Giêsu Kitô là trung tâm, nhờ Chúa Thánh Thần.

Các con hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong các con, để chúng ta hết thảy khác nào ai nấy đều ở trong nhau đến nỗi, người ta xem thấy người này cũng là xem thấy người kia: quả đó mới là gia đình thật, cộng đoàn đích thật, sự hiệp nhất chân thật; cùng một tư tưởng với nhau, cùng một cách nhìn như nhau, cùng một ơn soi sáng trong Đức Giêsu Kitô.

Tin Mừng hiến cho ta một ví dụ đúng đắn về sự hiệp nhất trí lòng giữa các Kitô hữu đầu tiên: tất cả họ đều đồng tâm nhất trí.

Những kẻ không có được thần trí tốt thì gây thiệt hại và là nỗi lo sợ cho một gia đình, một cộng đoàn đến mức nào! Họ tác họa trên kẻ khác không bằng lời nói và gương xấu của họ! Luôn luôn họ chỉ nói điều xấu về hết người này đến người kia; họ giống như những con rắn độc nho nhỏ, theo lời Đức Giêsu, những con rắn cứ nép mình rình rập cơ hội để mổ vào ai đó và phun ra nọc độc nó mang sẵn trong dạ nó.

Những lời trách móc, chỉ trích, những câu nói lung tung tứ mẹt, vô tích sự, mất thì giờ, những lời bông lơn, v.v…

Cần phải kìm dây kham vào miệng họ, cho tới khi nào họ cải hồi.

Hỡi nòi rắn độc, Đức Chúa chúng ta ngỏ lời như thế với nhóm Biệt phái, bởi vì trái tim của họ xấu xa, họ chỉ tìm cách cắn Ngài và gieo vãi sự độc địa của họ trên Ngài và trên các tông đồ.

Thế mà thông thường, chính những kẻ đó lại muốn thống trị, họ luôn luôn tìm cách ngự trị bằng trí tuệ ranh mãnh và hay chỉ trích của họ; họ kiêu ngạo và luôn luôn muốn bao trùm ảnh hưởng của mình lên các người khác.

Cần phải cảnh giác đối với những kẻ có tâm trí tà vạy như thế đừng giữ họ lại làm gì, họ có thể là thứ ôn dịch, thứ nọc rắn luôn luôn gây tác hại và chết chóc, và họ chẳng những phá rối việc lành mà còn làm đổ vỡ làm hủy diệt các tu hội.

Những loại người đó, trong một cộng đoàn, giống như những kẻ đập phá. Họ đạt hiệu quả trong một lúc còn hơn ba chục người khác trong suốt cả buổi sáng.

Khi những con người tìm cách xây dựng mà lại có những kẻ khác đập phá liên lỉ, thật là vô ích nếu cứ phải mất thì giờ để xây dựng; những kẻ đập phá luôn luôn làm mau hơn những người xây dựng.

Cách tốt nhất để ngăn chặn mọi sự phiền phức nghiêm trọng là bắt họ ở trong thanh vắng và giữ thinh lặng hoàn toàn; đó là phương thức trị liệu độc nhất; nhưng khốn nỗi những kẻ đó lại thường là những người hết sức kiêu ngạo và thích làm vai vế, họ luôn luôn muốn nói, nói to hơn tất cả mọi người khác và chẳng chịu khuất phục một ai. [13]

Cách tốt nhất là cho họ ra đi; thà hy sinh một người còn hơn hy sinh cả cộng đoàn và cứ phải thấy cảnh gia đình hành xử và sống không có sự hiệp nhất, không có đức bác ái, chỉ vì một vài cái đầu bướng bỉnh; cần phải lấy dây kham chằng vào miệng họ hết mọi ngày, cho đến khi họ triệt hẳn cái thần trí xấu xa ấy.

Đức Chúa chúng ta có nói lời này: “Phàm nước nào chia bè chống lại nhau thì sẽ bị điêu tàn.

Ai không đi với Ta, tức là chống lại Ta; và kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan tác.” (Mt 12, 30)

Kẻ không đi theo bề trên của mình, cho dầu kẻ đó bề ngoài chẳng làm điều gì chống lại bề trên mà chỉ sống dửng dưng, không đồng ý với bề trên, thì kẻ đó chống lại bề trên mình.

Kẻ nào làm những việc không nằm dưới quyền bề trên, có thể đó là những việc tốt lành, song nếu các việc kia không do chính bề trên làm, không được bề trên xem xét và phê chuẩn, làm không kết hiệp với bề trên lúc đó các bạn không vun đắp với bề trên mà là tàn phá, nghĩa là các bạn làm cách bề ngoài và tàn phá điều lành, phá tán các công trình.

Trong một cộng đoàn, rất khó giữ cho không có những chuyện chia rẽ nho nhỏ, những sự chống nghịch nhau trong tinh thần, trong cách nhìn hoặc cách làm. Mỗi người có thần trí riêng của mình, quan điểm của mình, cũng như ai nấy có khuôn mặt riêng của mình; nhưng phải làm sao hòa trộn với nhau, thần trí riêng, quan điểm riêng nằm trong quan điểm chung về một công việc gì, về cả cộng đoàn. Biết hy sinh tư tưởng của mình, quan điểm của mình vì phúc lợi chung và không bao giờ tách riêng mình ra khỏi những kẻ sống chung với ta và ta có bổn phận sống cùng. Trừ phi lìa bỏ hoàn toàn những người ta có bổn phận cùng chung sống để làm một nhóm riêng biệt tách rời, ở ngoài cộng đoàn, song không bao giờ ở trong. Và khi không thể hiệp nhất với nhau, thà rằng tách ly ra; như vậy sẽ tránh được nhiều đau khổ cho cả hai phía. [14]

Thánh Phaolô, chứng kiến cảnh cãi vã chia rẽ xảy ra trong các tín đồ Côrintô, thì nói với họ: adhuc carnales estis, (1 Cr 3, 2); anh em vẫn còn là xác thịt.

Ta có thể lặp lại câu đó cho nhiều người khác; các bạn còn để mình bị lôi cuốn theo xác thịt chứ không phải theo Thần Khí của Thiên Chúa.

Tóm lược: Từ bỏ thần trí của mình là gì?

Từ bỏ thần trí của mình, trước tiên đó là tự xác định mình có rất nhiều thói xấu tinh thần và tin chắc nếu mình hành động và xét đoán theo tư tưởng của mình, ý nghĩ của mình, thông thường mình chỉ có thể sai lầm và gây nhiều tác hại.

(Đó là giữ im lặng vì chỉ sợ nói ra những điều không phù hợp với Thần Khí,

Đó là từ bỏ “đầu óc” của mình, ý nghĩ mình, cách phê phán của mình, tư tưởng riêng, để tuân phục sự xét đoán và tư tưởng của một kẻ khác).

Đó là không tự mình nói hay làm điều gì, theo gương Đức Chúa chúng ta; nhưng, trước khi nói hoặc làm bất cứ sự gì, xét xem điều ta nói hay ta làm có phù hợp với tư tưởng và ý nghĩ của Đức Giêsu Kitô Thầy của ta không, có phù hợp với lòng khiêm tốn, dịu hiền, nghèo khó, bác ái của Ngài không. [15]

Đó là tìm lời khuyên bảo của các bề trên trong những chuyện hoài nghi, trường hợp ta sợ phải tự mình mà làm.

Đó là tuân phục bằng cả trí lòng hết mọi quyết định của Giáo hội và Đức Giáo chủ.

Đó là đặt trí ta và óc phán đoán của ta vâng theo các quyết định và xét đoán của các vị bề trên.

Đó là hợp nhất với các vị đó, bởi họ đại diện cho Đức Giêsu Kitô trên thế gian này và ta phải cùng một ý với họ và vì họ, trong hết mọi trường hợp.

Đó là luôn luôn dựa vào một lời nào hoặc một việc nào của Giêsu Kitô Đức Chúa chúng ta, để nói hay hành động.

Thực hành

Chúng ta hãy luôn luôn ngờ vực về chính mình, về các tư tưởng, xét đoán, ý nghĩ của mình. [16]

Chúng ta sẽ giữ thinh lặng nhặt nhiệm, kẻo phải nói những điều phản nghịch lại Thần Khí Thiên Chúa, cách riêng nếu mình còn tuổi trẻ.

Chúng ta sẽ học hỏi nhiều về Tin Mừng, bởi Tin Mừng hàm chứa các hành động và lời nói của Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần hằng cư ngụ trọn vẹn trong Ngài.

Mỗi ngày, sau điểm tâm, chúng ta sẽ đọc kinh Veni Creator, 7 Ave Maria, để xin ơn Chúa Thánh Thần và lời nguyện Chúa Thánh Thần. (Kinh Veni Creator đọc ad libitum (tùy thích), ta sẽ đọc kinh ấy ngày Chúa nhật, các ngày lễ và ngày tĩnh tâm).

Chúng ta sẽ đem hết lòng trí tuân phục mọi quyết định của Giáo hội và của Đức Giáo chủ.

Chúng ta cũng sẽ tuân phục các quyết định và phê phán của các bề trên; ta có bổn phận nhìn nhận thần khí Thiên Chúa trong họ.

Chúng ta sẽ tránh xa mọi thứ bè phái và chia rẽ giữa chúng ta. Tất cả hãy nỗ lực sao cho tâm đồng ý hợp và chỉ có một Thần Khí trong Đức Giêsu Kitô và Giêsu phải là trung tâm hết mọi tư tưởng, hết mọi tâm tình của chúng ta, hãy nhắc nhở mình những lời này mà ta hằng đọc trong Thánh lễ mọi ngày: per ipsum, et cum ipso et in ipso (Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài).

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 328-346

------------------------------------------

Chú thích

[1] Xem phụ lục II, tr. 730

[2] Ms. XI 118 - Ms. XI 545 – Thần Khí Thiên Chúa ở trong sách Tin Mừng, trong Lời Chúa. Đó là nơi có Thần Khí Thiên Chúa, có sự thật. Trong từng chi tiết cuộc đời Đức Chúa, lời Ngài nói, việc Ngài làm; chủ yếu ở đó ta sẽ tìm thấy Thần Khí Thiên Chúa. Tất cả đời sống thiêng liêng nằm ở trong đó, tư tưởng của Thiên Chúa nằm trong đó (Ms. X 118)

[3] Các thánh là những con người đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa (Ms. XI 118)T

[4] Giữa đoạn này và đoạn tiếp thủ bản để trống một trang.

[5] X. Nhập đề tr. 305

[6] Xin nhập đề tr. 305

[7] X. Phụ lục II, 730

[8] Ms XI 546 – Nhưng phải xin với chủ tâm thành thực, muốn lãnh nhận Thần Khí, với ý chí làm hết sức mình để được ơn, với quyết tâm thực hiện mọi hy sinh có thể được, theo như đòi hỏi để có và thọ lãnh thần khí, bằng không ta không thể nào lãnh nhận được và Thiên Chúa cũng không cách nào ban cho ta được.

[9] Ms XI 121 – Ta nhận ra kẻ có Thần Khí Thiên Chúa qua lời nói của họ. Miệng lưỡi thốt ra những gì tràn ứa trong lòng. Đức Giêsu Kitô có nói với thánh Phêrô: không phải xác thịt, hay máu huyết đã mạc khải cho con các điều đó, mà là Cha Thầy ở trên trời; Phêrô có thần khí Thiên Chúa trong trường hợp này song không có trong trường hợp khác, chẳng hạn, ông đã bắt bẻ Đức Giêsu Kitô, Thầy mình, khi Thầy nói về cuộc thương khó, ông bảo không thể xảy ra chuyện đó, các tông đồ cũng không có Thần Khí khi họ muốn khiến lửa bởi trời xuống đốt xứ Samaria. Đức Giêsu bảo họ: các ông không biết các ông thuộc về thần nào đây (N.B: Dị bản Lc 9, 55 bị nhiều nhà chú giải Kinh thánh coi như không chính thức)

[10] Thần trí Thiên Chúa hiếm hoi biết chừng nào! Thật buồn khi thấy bao tâm hồn tu sĩ, linh mục, ít được điều động bởi thần trí đó, họ dễ ngờ vực, dễ ghen tương, dễ độc ác, thù hận, giận dữ chỉ kiếm tìm tư lợi riêng chứ không phải ích lợi của anh em; họ hoạt động hoàn toàn theo nguyên lý tự nhiên chứ không siêu nhiên, luôn đầy dẫy cái tôi của mình, tham ăn, lười biếng, chỉ theo ý kiến riêng của mình (Ms XI 18)

[11] Ms. XI 241 – Có sự khác biệt lớn lao giữa đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên. Mâu thuẫn giữa tự nhiên và thần trí Thiên Chúa. Đa số người coi Tin Mừng là điều không thực hiện được, quá khích, hão huyền, cái gì thuộc về thế giới bên kia, vì thế có nhiều kẻ chống lại thần khí Thiên Chúa, thậm chí cả một số linh mục khá tốt lành; nhưng đó là người tầm thường, người ta không thích dừng lại ở những phong cách làm cũ kỹ thói quen, sự tầm thường, người ta không thích bị bách hại. Vita trita, (con đường mòn)

[12] Cần phải làm sống dậy thần trí Đức Giêsu Kitô trong chúng ta và trong thế giới. Xác thịt chiến đấu chống lại thần trí và, thảm hại thay, thường thường xác thịt dành phần thắng lợi trong cuộc chiến này; ta dễ dàng phục tùng xác thịt hơn thần trí. Thần trí Chúa được duy trì trong các cộng đoàn có lòng sốt mến, nơi có khó nghèo và đau khổ được duy trì; nhưng nó dễ mất khi hai dấu chỉ đó biến mất. Và ở cõi thế gian, thật khó làm cho thần trí tái sinh lại.

[13] Ms. XI 723 – Thật hết sức cần phải giữ thinh lặng và bắt những kẻ không có thần trí Thiên Chúa giữ im lặng không cho phép họ nói. Vì những kẻ lẻo mép, hay nói, đều không có thần trí Thiên Chúa. Mau mắn lắng nghe, chậm rãi khi nói; đừng tin vào những kẻ nói nhiều, biết nhiều, thích bàn cãi mọi vấn đề, và không biết e ngại gì hết, thần trí nào làm cho họ nói và hành động như vậy? Đó là ý riêng, là tính kiêu ngạo chứ không phải Thần Khí của Thiên Chúa.

[14] Ms. XI 244 – Sự hòa trộn trí lòng như thế được thực hiện trong việc hiểu biết và thực hành một bản nội quy cuộc sống đặt nền móng trên Đức Giêsu Kitô, Ngài phải là trung tâm tình yêu của chúng ta; bước đi theo một mục đích; cùng chọn chung các phương tiện.

[15] Ms. XI 247 – Tránh xác quyết những điều chính mình không biết chắc; luôn luôn dựa trên một lời nào của Đức Giêsu Kitô hoặc một quyết định của Giáo hội hoặc của các bề trên.