Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (24)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2179 | Cập nhật lần cuối: 2/15/2017 5:36:48 AM | RSS

(Tiếp theo)

Kết luận rút ra về sự từ bỏ chính mình

Ở những trang kết luận về sự từ bỏ chính mình; giọng nói không hề nhẹ bớt. Ta thấy có lấy lại lời Tin Mừng: ghét bỏ sự sống mình. Đúng là một sai lầm tệ hại nếu ta hiểu đó là phải có tâm tính thù ghét chính mình. Thái độ bệnh hoạn kia không làm ích gì cho công trình của Thiên Chúa.

Sự bỏ mình của một con người không đánh giá theo mức độ những tình cảm họ đối với chính mình song ở phong cách họ đi con đường của họ. [1]

Kẻ dung dưỡng những tâm tính hoặc xông hương chính mình hoặc thù ghét chính mình, vẫn là kẻ cuộn tròn mình lại. Họ làm ngược hẳn những gì Tin Mừng đòi hỏi. Đó là tình trạng khốn nạn của những kẻ không biết từ bỏ chính mình. [2]

Cha Chevrier chỉ vẽ một số các phương thế cần làm để đạt tới sự từ bỏ ấy. [3] Cha chỉ lấy lại các phương thế thường được răn dạy hay khuyến khích vào thời đó, cách riêng trong các chủng viện và nhất là các cộng đoàn tu hội. Có vài phương cách làm hồi đó, giờ không còn ai áp dụng nữa. Đã có những phương cách mới ra đời song cùng nhằm một mục đích; nó thích ứng với hoàn cảnh chúng ta hơn.

Có thể ghi nhận sự lưu tâm đặc biệt của cha Chevrier đối với nỗ lực tập thể để cùng nhau tiến bước chung trong đời sống theo Tin Mừng. Về vấn đề này, cha đã cố làm sao để sự tiến bộ của một nhà được hiệu năng, bằng thi hành việc thú tội kiểu cổ điển. [4]

Còn về bản nội quy [5], nên biết cha Chevrier đã soạn đi thảo lại nhiều bản nội qui cho gia đình của cha. Cha không đi tìm một bản xuyên suốt, dứt khoát một lần. Cha muốn mọi sự phải nhằm vào hợp nhất nhiều chừng nào tốt chừng nấy và mỗi người biết mình phải làm gì. Nhưng cha thấy trong tổ chức riêng của mỗi nhóm, cứ sự thường, cả nhóm phải chịu chung trách nhiệm. Cha không ngần ngại viết cho bốn chủng sinh Prado đang ở cách biệt tại Rôma:

“Cha đã nhận được bản nội qui đời sống của chúng con. Hãy cố trung thành với bản nội qui đó; cứ thay đổi nó tùy theo nhu cầu: song lòng mến mới đáng là qui luật lớn lao nhất của chúng con” [6]

*

Đức Chúa chúng ta muốn ta từ bỏ mình cho đến ghét bỏ chính mình

“Kẻ nào đến với Ta, mà không ghét cha mẹ, vợ con cái, anh chị em mình và cả mạng sống mình nữa ắt không thể làm môn đồ của Ta.” (Lc 14, 26)

Vậy phải ghét bỏ chính mình.

Phải ghét bỏ thân xác mình, các tư tưởng trần tục của mình, các sự trìu mến tự nhiên, ý muốn suy thoái của mình: ghét bỏ tất cả những gì do mình chứ không do Thiên Chúa.

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất.” (Ga 12, 25)

Linh hồn và thần trí, có sự khác biệt giữa hai bên, theo ý nghĩa Kinh thánh.

Thần trí từ Thiên Chúa mà đến.

Linh hồn là chính mình, với các sự khốn cùng, đam mê của nó. Linh hồn tham phần vào tội Ađam; nó bị vết nhơ tội lỗi của Ađam, và mang theo hết mọi hiệu quả của tội.

Còn thần trí, đó là thần khí của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận trong ngày chịu Thánh tẩy và Thêm sức, nó khiến ta sống sự sống trên cao.

Ai yêu linh hồn mình, nghĩa là ai yêu linh hồn mà làm theo các sở vọng của nó, hướng chiều và đam mê của nó; ai yêu linh hồn mình thì khư khư giữ ý kiến mình, tính tráo trở của mình, những xét đoán trần tục của mình, kẻ ấy hư mất.

Những ai tự yêu lấy mình sẽ phải hư đi, vì họ tự yêu mình ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, ngược lại việc bổn phận, mặc dầu bị lương tâm trách móc, họ ưa chuộng sở thích của mình, sự tự mãn của mình hơn ý muốn của Thiên Chúa.

“Ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25)

[Ai ghét bỏ linh hồn mình ở đời này có nghĩa:] Các đam mê của mình, hướng chiều của mình, tư tưởng trần tục và hạ giới của mình, những điều nghịch lại với Tin Mừng, nghịch lại với các nhân đức Kitô giáo.

Tất cả những gì do mình, do lòng mình đã bị hư hỏng, thối nát.

Ai biết làm cho thể xác mình biết đền tội, ăn chay, cầu nguyện, ai ra lệnh cho thân xác mình và bắt nó tùng phục…

Ai muốn giữ sự sống của mình thì sẽ đánh mất nó

Ai muốn giữ sự sống mình ngược lại với luật Tin Mừng, với Thiên Chúa, với đời tu với nội quy đời sống, để chăm sóc thể xác mình cách vô tích sự, vì ươn ái, cẩu thả, lười biếng, tham ăn, những lo lắng thái quá, kẻ ấy đánh mất linh hồn.

Ai đánh mất sự sống vì Thầy sẽ tìm lại được sự sống

Qua công việc làm, ăn năn đền tội, hãm mình, đau khổ, cái chết, như bao vị thánh đã làm, họ đã tử đạo từng giờ từng phút do những thống khổ triền miên cuộc sống áp đặt, nhưng họ ráng chịu đựng vì Thiên Chúa và các linh hồn; họ sẽ tìm lại được sự sống đã mất, để sống dồi dào hơn, hạnh phúc hơn…

Những kết quả tốt do sự từ bỏ mình đem lại cho ta

Nó thanh lọc ta khỏi các tính xấu. Bỏ mình khiến ta được giải thoát khỏi tất cả những gì xấu xa trong ta, được thanh lọc tiên vàn khỏi các tính xấu và dục vọng của mình. Ta hãy lột bỏ con người cũ.

Đó là công việc đầu tiên và nền tảng thiết yếu của đời sống theo Tin Mừng, ngoài ra không thể có gì tốt lành trong ta.

Nó làm ta dễ dàng luyện tập nhân đức

Nhờ từ bỏ chính mình, ta trở nên ngày càng nhân đức, và khi đó nhân đức sẽ không gặp phải trở ngại trong ta.

Với ơn Chúa, ta có thể dễ dàng tập luyện đức khiêm nhường, đức hiền lành, bác ái, nghèo khó.

Kẻ đã từ bỏ mình và đi đến ghét bỏ chính mình, họ không lấy làm khó khăn phải hạ mình xuống trước chính mình và trước kẻ khác; họ không thấy khó khăn khi chịu đựng các sự sỉ nhục, bị thế gian khinh thị, bị xem như phân rác ngoài đường phố, rác rưởi của thế gian, vì họ đã ghét bỏ mình và khinh thị chính mình rồi, họ từ bỏ tất cả những gì khả dĩ làm cho họ được kính trọng, được khoan khoái; nếu ai đó vả họ má trái, họ sẵn sàng giơ má phải ra.

Kẻ đã từ bỏ chính mình sẽ không lấy làm khó khăn khi thực hành đức nghèo khó. Trái lại, họ yêu thích được nghèo khó, nhỏ nhoi, thiếu thốn nhiều điều, đồng hàng với những kẻ bần cùng; họ đã từ bỏ vinh quang, từ bỏ danh tiếng thế gian, từ bỏ mọi sự hào nhoáng thế gian.

Kẻ từ bỏ chính mình sẽ không cảm thấy khó khăn trong thực hành bác ái; vốn không tha thiết đến mình, họ chẳng sợ bị phiền hà, họ tận tụy với tha nhân, sẵn sàng đi hai ngàn bước khi người ta chỉ đòi hỏi một ngàn, sẵn sàng hầu hạ kẻ khác vì tự coi mình là kẻ rốt hết.

Từ bỏ mình làm cho ta thành người mới

“Ai ở trong Đức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: ai đã qua đi, và này mới đã thành sự.” (2 Cr 5, 17)

Từ bỏ mình khiến ta có khả năng nhận lãnh những ân huệ dồi dào, thiết yếu để trở nên những thọ sinh khác trong Đức Giêsu Kitô. Con người cũ ngày càng tàn rụi đi, con người mới ngày càng hình thành trong ta, nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần. [7]

Những con cái thật của Thiên Chúa

Bởi vì khi phá hủy con người cũ, chúng ta sinh ra trong sự sống mới, và lời sau đây của Đấng Cứu Thế được thực hiện; nếu các con không trở thành trẻ nhỏ, các con sẽ không vào được Nước Thiên Chúa; điều ngăn cản chúng ta trở nên trẻ nhỏ, đó là các nết xấu tự nhiên; khi diệt bỏ chúng, ta được tái sinh. Điều gì sinh bởi xác thịt là xác thịt; chúng ta diệt bỏ trong ta những gì thuộc về xác thịt để lãnh nhận Thần Khí làm con Thiên Chúa.

Những con người thuộc hoàn toàn thiên giới (Ph 3, 20) [8]

Thánh Phaolô nói: “Vì người thứ nhất do tự đất, là người trần ai; người thứ hai do tự trời. Người trần ai kia sao, các người trần ai khác cũng vậy. Người thiên thai kia sao, các người thiên thai khác cũng vậy. Và cũng như ta mang hình ảnh người trần ai, ta cũng hãy mang lấy hình ảnh của người thiên thai!” (1 Cr 15,47-49)

“Tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Đức Kitô. Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi.” (Ga 2,19-20)

“Nhưng nếu ta chết làm một với Đức Kitô, thì ta tin rằng: cũng sẽ sống lại với Ngài.” (Rm 6, 8)

Phần chúng ta, ta đã sống ở trên thiên đàng.

Nostra conversatia in coelis est (x. Ph 3, 20) [9]

Khi chúng ta đã cởi bỏ chính mình, chúng ta trở nên nhẹ nhàng, và được lên trời bằng trí bằng lòng, không còn bị vướng víu bởi những tư tưởng và tâm tình hạ giới.

Cuộc trò chuyện của chúng ta hoàn toàn thuộc thiên giới.

Có sự khác biệt nhiều về tư tưởng, trò chuyện, giữa một tâm hồn đã từ bỏ chính mình. Và một tâm hồn còn đầy dẫy chính mình.

“Anh em đã chết và sự sống của anh em đã được ẩn tàng nơi Thiên Chúa, làm một với Đức Kitô; khi nào Đức Kitô, sự sống của ta tỏ hiện thì khi ấy cả anh em nữa, anh em cũng sẽ được làm một với Ngài trong vinh quang.” (Cr 3, 4)

“Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí anh em giết chết việc làm của thân xác, anh em sẽ sống.” (Rm 8, 12)

Kẻ đã từ bỏ chính mình không còn bôn chôn điều gì, kẻ ấy chẳng chú ý tới các lời nhục mạ, khinh bỉ, bị bỏ rơi, và những sự khốn đốn làm xao xuyến tâm hồn những ai còn đầy chính mình. [10]

Họ cũng không hề lấy làm điều những lời ca tụng, trọng vọng khen lao. Họ dửng dưng với tất cả các sự ấy và luôn được bình an, thanh thản trong tâm linh, lòng trí. Họ không dính bén điều gì, dầu là bản thân, các thọ tạo, của cải trần gian. Họ sống hoàn toàn với một đầu óc tự do đối với tất cả, và họ có sự tự do toàn vẹn của các con cái Thiên Chúa.

Ubi Spiritus ibi libertas [Đâu có Thần Khí, thì có tự do] (2 Cr 3, 17)

Phúc cho ngôi nhà mà các sĩ tử đã từ bỏ chính mình

Trong một nhà Dòng, nơi mà có sự từ bỏ thật ngự trị, ta không tìm thấy các tâm hồn chỉ chuyên lo lắng cho mình và cho kẻ khác nhưng hết mọi người đều quan tâm tới Thiên Chúa và các linh hồn, tìm phương đưa họ về với Thiên Chúa và cứu vớt họ.

Bấy giờ chỉ còn ngự trị bình an, vui vẻ, bác ái, hiệp nhất, sức mạnh, và họ bị cuốn hút tới điều thiện, tới tình yêu.

Trái lại, ở một nhà nào không có sự từ bỏ mình, lúc ấy chỉ còn các công việc xác thịt. Đức Chúa chúng ta và thánh Phaolô, sứ đồ của Chúa, đã nói. Các việc ấy là: dâm ô, ươn lười, hà tiện, trộm cắp, độc ác, xảo quyệt, đố kỵ, kiêu ngạo, điên rồ, thù hận, chia rẽ, ghen tuông, xung khắc, cãi vã, chia rẽ, bất đồng, lạc đạo, tham muốn và những nết xấu khác nữa, biến ngôi nhà thành nhà thế gian chứ không phải nhà Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa không còn ngự trị ở đó mà là sự ích kỷ ngự trị; và khi ta thấy những điều ấy, ta có thể nói như thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Côrintô:

Adhuc carnales estis.

Anh em còn xác thịt, nghĩa là anh em ăn ở theo xác thịt chứ không phải theo Thần Khí Thiên Chúa.

Nhà đó không phải là vương quốc của Thiên Chúa.

Tình trạng vô phúc của những kẻ không biết từ bỏ mình

Kẻ không biết từ bỏ mình luôn luôn bị áy náy, bôn chôn, lo lắng. Họ cứ suy nghĩ hoài về những gì xảy ra chung quanh mình; họ nghĩ tới điều thiên hạ nói, thiên hạ làm cho mình, và cứ tưởng người ta nói hay làm điều gì chống lại mình. Họ luôn luôn ở trong tình trạng ghen tuông, ngờ vực, nghi ngại, họ cứ tưởng thiên hạ lo cho người khác nhiều hơn cho họ; họ để ý liên miên tới người khác và tới chính mình; lúc nào họ cũng muốn ta thán và kiếm tìm những sự an ủi, thỏa mãn, bởi vì họ luôn luôn chán nản, áy náy và lo lắng. Các sự áy náy, lo âu đó, tựu chung, chẳng có đáng gì, chỉ là những điều vô vị, chỉ cần một ý tưởng đức tin và tình yêu Thiên Chúa, và thái độ khiêm tốn là xóa bỏ được ngay. Nhưng khốn nỗi, trong các tâm hồn ấy, chẳng hề có lòng tin, sự khiêm tốn hay tình yêu Thiên Chúa, cũng chẳng có sức mạnh, chẳng có hành động. Vì thế họ không chịu đựng nổi bất cứ điều gì, và các chuyện vặt vãnh kia biến thành những quả núi đối với họ. Và họ coi như không thể nào chịu đựng nổi những gì mà người khác chẳng thèm chú ý. Mọi sự đó bắt nguồn từ việc yêu mình, quá chú trọng đến mình.

Ôi thật bạc phước cho các linh hồn cứ luôn luôn tìm kiếm mình, chỉ những lo lắng đến mình!

Quả là một cuộc sống bất khả chịu đựng cho chính đương sự, cho tha nhân, và cho những ai hướng dẫn họ. [11]

Chỉ cần từ bỏ mình một chút là tất cả những chuyện đó sẽ biến đi hết, và tâm hồn họ sẽ được bình an, mãn nguyện; điều này không bao giờ có được đối với những ai buông mình theo lòng dính bén [chính mình].

Chính Chúa đã dạy chúng ta điều ấy và khi Thầy chúng ta phán là Ngài phán sự thật.

Lạy Thiên Chúa của con, xin hãy ban cho hết thảy chúng con được biết từ bỏ mình thật sự, để một khi đã dứt bỏ chính mình, chúng con có khả năng yêu mến Chúa và phụng sự tha nhân; để chúng con không bao giờ dừng chân lại trên đường công chính, tận tụy và bác ái.

Những phương thế giúp đạt tới sự từ bỏ chính mình

Ta phải:

1. Thành thực xin Thiên Chúa ơn được biết mình, biết nết xấu đầu mối của mình, các thói tật riêng và hết lòng ước ao sửa chữa lại.

2. Chọn một người bạn trung thực có thể giúp mình biết các tính xấu và lấy lòng bác ái nhắc nhở ta khi ta rơi vào một lỗi lầm nào.

3. Mỗi ngày xét mình riêng về nết xấu đầu mối, về việc từ bỏ liên quan tới mình và về nhân đức đối nghịch với tính xấu đó.

4. Xưng thú với bề trên của mình (hoặc với người mà ta chọn làm kẻ nhắc nhủ ta) các lỗi lầm chính về đề tài đó và bao giờ cũng xin việc đền tội.

5. Mỗi tuần xưng thú công khai (couple) về các thiếu sót bề ngoài.

6. Tham dự buổi họp thú lỗi hàng tháng, trong đó ta sẽ hạ mình nhận lấy các lời quở trách hay nhắc nhở về những gì mình đã phạm trong hành vi bề ngoài.

7. Xưng tội mỗi tuần và trước khi xưng dọn mình cho kỹ để được ăn năn cách trọn và thật lòng sửa lại cách sống.

Buổi thú lỗi công khai (couple)

“La couple” = (bởi tiếng culpa culpabilité tội đắc tội), đó là xưng thú công khai các lỗi bề ngoài, chứ không phải tội bên trong, vì tội bên trong chỉ xưng với cha giải tội.

Các lỗi bề ngoài liên quan tới couple (họp thú lỗi) đó là các lỗi:

nghịch lại lề luật

nghịch lại công việc làm

và các thói xấu của mình.

Chắc chắn có một ơn trọng được ban cho buổi thú lỗi công khai các lỗi bề ngoài, nếu ta làm đến nơi đến chốn.

Để làm việc đó một cách khiêm tốn và có kết quả, ta phải quỳ xuống và tiếp đó nói lên những gì mình biết, và xin anh em hoặc bề trên nói cho mình những gì họ quan sát thấy trong cách sống của ta, có điều chi trái với việc phải làm gương sáng, xây dựng anh em mà chúng ta có bổn phận giúp nhau, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu phần rỗi cho tha nhân. Sau đó, xin việc đền tội.

Phải xưng thú như vậy tám ngày một lần; định ngày giờ cho việc ấy, làm sao thi hành đều đặn, vì đây là điều rất quan trọng. Việc thực hành này ngăn ngừa ta thả lỏng buông trôi, bắt ta chú ý tới chính mình và nhận một hình phạt công khai đối với lỗi phạm. Điều này hết sức khích lệ đối với những tâm hồn yếu đuối, nó giúp họ quan tâm tới chính họ hơn.

Để dễ dàng thi hành việc thú tội và xét mình riêng, chúng tôi đã soạn những tấm thẻ nhỏ có ghi sẵn các điều khoản của bản nội qui và các điểm giúp xét mình và thú lỗi, bạn có thể, và nên dùng các tấm thẻ đó ghi lại các thiếu sót của mình, để có thể xưng thú vào buổi họp thú lỗi. Đó là phương cách cuối cùng cần làm; phương thức này chỉ nên sử dụng khi trong nhà Dòng, mọi sự đều tiến bước êm xuôi; có một phương thức khác được chỉ định, dài dòng hơn nhưng có hiệu quả hơn:

Trước khi thú lỗi, hãy khởi sự đọc bản tóm tắt nội quy, để có trong trí tinh thần tu hội và thấy phác qua các nghĩa vụ của mình; nhờ đó ta dọn mình khiêm tốn xưng thú các lỗi lầm đã phạm và lãnh nhận việc đền tội bắt buộc, để đền bù các sự thiếu sót của mình.

Làm sao cho buổi họp thú lỗi mưu ích cho các cá nhân và giúp cả cộng đoàn tiến mạnh

Cách thức để làm cho việc thú lỗi có hiệu quả, và mang lợi ích cho cả cộng đoàn.

Ngoài bản nội qui chung của nhà Dòng sẽ xét đến công việc làm và tính nết, nghĩa là toàn nội dung thông thường của buổi thú lỗi hàng tuần và cũng nên ấn định thêm cho cả tháng hay cho một thời gian lâu hơn, một đề tài riêng biệt nào đó, chẳng hạn khởi sự bằng khoản điều qui đầu tiên về sự từ bỏ gia đình và thế gian, tiếp theo là từ bỏ mình, nghĩa là thân xác, thần trí, v.v… cứ giữ nội dung ấy cho tới khi đạt được hiệu quả chung khả quan. Một khi đạt hiệu quả này rồi, ta qua nội dung tiếp theo, cứ như vậy ta sẽ đi trọn qua hết mọi chương của cuốn Người môn đồ đích thật Đức Giêsu Kitô, và đạt được thành quả phấn khởi cho toàn cộng đoàn.

Phương thức này có vẻ lâu dài và đòi hỏi sự cần mẫn, nhưng lại chắc chắn và dễ dàng hơn. Các vị bề trên phải làm sao cương quyết và kiên trì. Bắt đầu bằng cách chỉ rõ sự cần thiết của một nhân đức, hoặc của việc từ bỏ nào đó. Và khi ai nấy nhận thấy đây là điều quan trọng, mỗi người phải dũng cảm, gắng sức đạt tới.

Có thể, thậm chí cần phải đọc trước mỗi một lần có buổi thú lỗi, chương sách có liên quan đến đề tài xét mình, bao lâu ta chưa hoàn tất trọn vẹn điều đó; bằng không, ta sẽ chẳng bao giờ đạt được cái gì chắc chắn và bền vững; cứ cái kiểu làm mọi chuyện không đến nơi đến chốn, và rồi ta chẳng tài nào đi tới chỗ hiệp nhất tâm trí trong việc theo đuổi cùng các nhân đức đó, toàn thể cùng một cuộc sống. [12]

(Còn tiếp)

Lm. Antoine Chevrier

Trích “Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, P.E.L, Lyon, 1968, tr. 385-400

------------------------------------------

Chú thích:

[1] X tr. 394 ghi chú 1

[2] Tr. 395

[3] Tr. 397

[4] Tr. 399

[5] Tr. 378

[6] LP. số 106, cuối tháng 11-1876

[7] Ms. XI 131 – XII. 19 – Anh em đã lột bỏ người cũ với các hành vi của nó, và đã mặc lấy con người mới được canh tân, hầu đạt thấu sự am tường đích thực, chiếu theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên nó. (Cr 3,9-10).

Trước khi mặc lấy, phải cởi bỏ. (Ms. XI 131)

Khi người ta đã cởi chính mình, họ có thể mặc lấy con người mới (Mx. XII 19)

[8] Về nghĩa chữ thiên giới, xin xem tr. 206

[9] Cha Chevrier đích thân dịch: sự ăn năn trở lại của chúng ta hoàn toàn thuộc thiên giới (x. tr. 394) dịch như thế hạn chế rất nhiều câu nói của thánh Phaolô. Ngày nay người ta dịch hay hơn: Kinh thành chúng ta ở trên trời.

[10] Ms. XI 132 - Ms. X 139 - Kẻ đã từ bỏ chính mình không còn phải bôn chôn điều gì. Họ không còn chú ý tới những điều khốn đốn vặt vãnh của thế gian, như các lời sỉ mạ, khinh bỉ, nhạo báng, cả đánh đập nữa. Họ cứ đi con đường của họ (Ms. XI 132).

Vì người ta không từ bỏ mình cho nên người ta luôn luôn buồn phiền chán nản, thất vọng. (Ms. X 193).

[11] Ms. XII 51 Yêu mình Tình yêu thật đối với chính mình vì ích lợi mình và để làm sáng danh Thiên Chúa; chúng ta thuộc về Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta không thuộc về chúng ta chút nào. Tình yêu chính mình, đến một chừng mực nào đó mà ta gọi là lòng ích kỷ, quả đó là căn bệnh khủng khiếp nhất. Ích kỷ là thói tật lớn nhất của lòng yêu mình. Có thứ ích kỷ do từ cõi lòng, có thứ ích kỷ do từ sự kiêu ngạo của trí tuệ. Kẻ ích kỷ đem lại tất cả mọi sự về mình, chỉ thấy có mình, tìm kiếm mình; kẻ ấy muốn mọi sự qui về mình, anh ta ghen tuông, ngờ vực, độc ác, yêu sách, tị hiềm, nghi hoặc, tọc mạch. Phụng thờ cái tôi. Kẻ ấy luôn luôn tìm xem người ta có yêu hay không yêu thích mình; anh ta trở nên bệnh vì thấy ai đó sơ sót với mình, niềm nở với kẻ khác hơn mình; anh không muốn kẻ khác có bước nỗ lực nào, vì chỉ sợ họ cũng được khen thưởng bằng mình. Không biết hy sinh tận cùng. Họ không chịu đựng người khác làm gì cho họ. Thôi thì họ ta thán về đủ mọi người vì sợ ai đó trách móc mình hoặc sợ thiên hạ coi trọng kẻ khác hơn mình. Họ chỉ tìm mình trong mọi việc họ làm, mọi lời họ nói. Ta thấy họ tìm kiếm mình họ, tìm những gì thỏa mãn cho tâm hồn họ. Họ hài lòng khi thấy kẻ khác phải hạ thấp, bởi vì thế khác nào họ được nâng lên; họ lấy làm buồn thấy kẻ khác được tôn trọng và làm được việc, vì họ tưởng như vậy là họ bị hạ thấp. Họ hài lòng về sự dữ xảy đến cho kẻ khác, và họ buồn bực thấy những kẻ ấy được điều lành. Thật là tệ hại, lòng yêu mình, sự ích kỷ! Thật vô phúc! Sống như thế buồn lắm thay! Luôn luôn lo lắng, chán nản, rầu rĩ. Một kẻ như vậy, các bạn sẽ thấy họ không bao giờ ở yên một chỗ, cứ lăng xăng hoài, cứ lo lắng hoài, cứ mãi mãi khốn khổ. Ai yêu linh hồn mình sẽ đánh mất nó. Ai ghét linh hồn mình sẽ bảo vệ được nó! Ai đánh mất linh hồn mình sẽ tìm lại được nó. Đối với những kẻ như thế, bao giờ cũng phải nói cho họ toàn những điều tốt; ta không thể nào nói sự thật cho họ, vì sự thật sẽ giết họ, họ cứ tưởng ta quá lời, ta không hiểu họ; chỉ có kẻ khác mới sai trái, còn họ thì chẳng bao giờ; họ không có thời gian để nghĩ đến gì khác hơn là chính mình họ; họ bỏ bê việc bổn phận. Phương thuốc tốt cho tất cả những cái đó là khiêm nhường và bác ái.